Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2023

THỰC TẾ VÀ THỰC DỤNG TRONG NGÀNH Y TẠI VIỆT NAM.


Ngành Y tại Việt Nam đã từng ghi lại những câu chuyện qua cái nhìn của xã hội về nghề "Lương Y như từ mẫu", từ những người nắm giữ mạng sống của người khác trên cả hai phương diện tốt và xấu.
- Nhiều người xem họ là những thầy thuốc sống rất "thực tế", họ làm việc cống hiến để mưu cầu một cuộc sống đầy đủ và tốt đẹp hơn.
- Còn những người nhìn thấy chuyện không đẹp nơi bệnh viện khi “phong bì lót tay” đã trở thành “vật thông hành” ở các cơ sở khám chữa bệnh thì những thầy thuốc chữa bệnh cứu người trong mắt thiên hạ cũng chỉ là một con người "thực dụng", xem quyền lợi của bản thân lên trên hết, luôn chăm chú đến những quyền lợi nhỏ nhặt, bất kể có chuyện gì xảy ra. Đây là cái nhìn phiến diện, thậm chí khiến người ngành Y bị đánh giá thấp và cảm thấy bị tổn thương thực sự.
Phân biệt thực dụng và thực tế mới thấy rằng dù sao đây cũng chỉ là 2 khái niệm tương tự nhau, căn cứ vào từng trường hợp và nhân sinh quan của từng cá nhân mà đánh giá. Không thể đánh đồng thực tế và thực dụng cho nhau; Nhưng việc phân tích rõ ràng 2 khái niệm ấy ở Việt Nam thì lại là việc không hề đơn giản một chút nào.
- Bác sĩ thực tế là người người hiểu rõ về cuộc sống ở thời điểm hiện tại, sống và làm việc căn cứ vào giá trị và năng lực của bản thân để phát huy tốt nhất những giá trị vốn có. Những thành công của bác sĩ thực tế biết mình là ai và xứng đáng nhận được quyền lợi tương đương.
- Ngược lại thực dụng chỉ những thầy thuốc bất chấp thực tế, chỉ giành lợi ích trước mắt và mặc kệ hậu quả, đó là những người có tài mà không có đức và gần như dần dần sẽ bị đào thải ra khỏi ngành Y, vấn đề là sớm hay muộn mà thôi.
Bác sĩ được đào tạo ở Việt Nam đang sống "thực tế" hay "thực dụng"?
- Câu hỏi này không chỉ dành cho người ngành Y mà cũng là băn khoăn của cả người bệnh và toàn xã hội. Thực tế giúp con người phát triển tốt hơn trên con đường sự nghiệp, thầy thuốc có thể phấn đấu để đạt được vị trí xứng đáng hơn. Thực tế chứng tỏ một bác sĩ giỏi thực sự không phải chỉ có được tấm bằng Khá, Giỏi khi ra trường, mà còn thể hiện ngay trong công việc hằng ngày, trong những ca bệnh hiểm nghèo nhất. Đó chính là đánh giá thực chất của Bác Sĩ qua "hành nghề" đối với bệnh nhân vậy.
- Còn thực dụng thì lối sống ấy chỉ khiến cho sự nghiệp của một thầy thuốc trở nên mệt mỏi, nặng nề, gánh nặng về quyền lợi thậm chí còn lớn hơn cả bài học Y Đức khi ngồi trên ghế nhà trường. Thực tế khiến con người đi đến vinh quang bằng con đường vững chắc và lâu dài, một thầy thuốc sống thực tế sẽ được bệnh nhân, đồng nghiệp tôn trọng, yêu mến. Họ chứng tỏ được thực lực của mình dựa trên giá trị thực, chứ không chỉ là bằng cấp và lý thuyết suông.
Thực tế đã chứng minh, trong ngành Y nói riêng và cuộc sống nói chung, nếu thực sự làm việc bằng khả năng của bản thân thì giá trị lâu dài là vĩnh cửu. Còn phá vở và đảo lộn những giá trị thực tiễn, để tạo ra cái lợi nhỏ trước mắt, thì chúng ta còn phải gánh lấy những hậu quả nghiêm trọng, đáng tiếc có thể xảy ra. Bác sĩ "thực dụng" chỉ dựa trên bệnh nhân để giành lấy quyền lợi, đánh mất đi hai từ “Lương Y” vốn rất thiêng liêng không phải chỉ ở số đông bệnh nhân, nhưng vô hình chung cũng khiến ngành Y của đất nước vốn đã èo uột, lại trở nên méo mó một cách thảm hại trong mắt xã hội và thế giới.
Theo tôi, vì sinh mạng người dân, vì tương lai của dân tộc, nhà cầm quyền cũng như các cấp lãnh đạo chuyên ngành, nên tuyển chọn người đúng khả năng. Cần chú trọng về Tài Năng và Đức Độ, hơn là đặt nặng vào Chỉ tiêu, Số lượng.
- Với thời gian đào tạo như hiện nay ở Việt Nam, chỉ được xem tương đương với Cử nhân Y Khoa ở Úc, và Y tá/Điều Dưỡng 4 năm ở Mỹ.
- Vì vậy, sau khi ra trường, nên có chương trình thực tập/nội trú 3 năm tại các bệnh viện, sau đó thi lấy giấy phép hành nghề Y.
- Tăng tuổi về hưu để tránh lãng phí thành phần chuyên môn
- Quyền lợi đi đôi với khả năng, trách nhiệm, tránh lo ra vì cơm áo gạo tiền, hơn nữa đồng tiền đi liền với khúc ruột.

Có được như vậy người thầy thuốc trong tương lai mới yên tâm làm tròn thiên chức của mình, từ đó nghề bác sĩ tại Việt Nam sẽ được xem trọng, vì họ đã thật sự có lối sống "thực tế" chứ không còn "thực dụng" như hiện nay... 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét