Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015

DÂN PHÁP ÍT LÀM THÍCH NGHỈ NHIỀU HƠN ! ?



Có thật là người Pháp làm ít chơi nhiều?

Trong sự mường tượng chung thì có hai châu Âu: 
- Châu Âu công nghiệp ở phía Bắc với mức thất nghiệp thấp và nền kinh tế năng động,  
- Châu Âu trì trệ ở phía Nam ở đó người dân lê la các quán cà phê và thư thả cho qua ngày.
Rất nhiều người sẵn sàng xếp nước Pháp vào loại phía Nam, đất nước một tuần làm việc 35 giờ, nghỉ ăn trưa lâu và ngay cả nghỉ phép trong năm cũng lâu hơn. Nhưng bất cứ ai đã từng làm việc với tư cách chuyên viên ở nước này sẽ thấy là không phải vậy.
Olivier, một luật sư cao cấp của một công ty đa quốc gia lớn trong ngành xây dựng của Pháp (ông đề nghị không dùng tên thật của mình), mô tả tuần làm việc của ông vào một buổi tối mới đây tại văn phòng mình. “Tôi làm việc khoảng 40 đến 50 giờ một tuần, khoảng từ 9 giờ đến 19 giờ 30,” ông nói.

Trái với nhiều khuôn mẫu, 35 tiếng “chỉ đơn thuần là ngưỡng mà vượt quá đó thì sẽ áp dụng tiền làm thêm giờ hoặc nghỉ bù”, theo ý kiến của kinh tế gia Pháp Jean-Marie Perbost.Vậy thì tuần 35 tiếng làm việc khiến làm cho phần còn lại của thế giới làm việc chuyên môn phải phát thèm thì thế nào? Hay nó chỉ là chuyện hoang đường?
Công nhân phải làm việc đúng 35 tiếng, nhưng làm văn phòng ở Pháp thì tổng thời gian làm việc mỗi tuần không được tính thành giờ.
Cũng như các chuyên viên, thí dụ như ở Mỹ, hầu hết họ phải làm việc cho đến khi công việc được giao xong hẳn. Nhưng không giống ở Mỹ, những chuyên viên Pháp được bồi thường số giờ làm việc quá 35 tiếng bằng số ngày nghỉ bù, số ngày này được thỏa thuận tùy thuộc vào từng hãng cụ thể (năm 2013 các công ty cho nghỉ làm việc trung bình 9 ngày một năm).
Ngay cả công nhân cũng làm việc quá 35 tiếng. Theo thống kê của chính phủ Pháp 50% công nhân làm toàn bộ thời gian có tiền làm thêm giờ trong năm 2010.
Tỷ lệ này cao hơn năm 2013, Perbost nói. Tất nhiên nếu so sánh về số giờ một số nghề được tính theo tuần thì người lao động trung bình ở châu Âu là không tệ lắm. Lấy thí dụ về luật sư. Theo Đoàn luật sư Quốc gia Pháp, 44% luật sư tại đây được ghi nhận làm việc hơn 55 tiếng một tuần năm 2008. Ở Mỹ số liệu điều tra cho hay nhiều luật sư làm việc khoảng 55 đến 60 tiếng một tuần để đáp ứng được số giờ tính tiền với khách hàng theo yêu cầu của hầu hết các hãng luật qui định.
Không chỉ ở Pháp
Không chỉ ở Pháp mà tuần làm việc nhàn nhã là chuyện hoang đường hơn là thực tế. Số giờ làm việc chuyên môn ở Tây Ban Nha cũng tương phản với hình ảnh được ưa thích của nước này. Pablo Martinez, nhà quản lý cao cấp về bán hàng và kỹ thuật của công ty đa quốc gia Đức ở Madrid, nói rằng ông bắt đầu làm việc từ 8 giờ và hiếm khi rời văn phòng trước 18 giờ 30.
“Nhiều thứ đã thay đổi ở Tây Ban Nha để theo kịp nhịp độ của thị trường quốc tế,” ông nói. “Không còn là việc bất thường khi người ta lấy thức ăn trưa và ăn trước máy tính, điều này khi tôi mới đi làm cách đây 20 năm là hiếm có.”
Trên thực tế số giờ làm việc một tuần của người trong công việc chính thức trên toàn châu Âu là xấp xỉ nhau một cách đáng ngạc nhiên. Theo Eurostat năm 2008 thời gian trung bình dùng đồng Euro là dưới 41 giờ một tuần, trong đó Pháp là dưới 40 giờ một chút. Khoảng chênh lệch cũng hẹp trong đó mức thấp là 39 giờ ở Na Uy và mức cao là 43 giờ ở Áo.
“Đúng là cái ngưỡng cửa 35 giờ đã tạo ra ý nghĩ sai là Pháp không làm việc nhiều,” Olivier nói. “Ý nghĩ đó cứ bám chặt vào tư tưởng người ta chứ thực tế có như thế đâu.”
Một yếu tố nữa có thể góp phần cho người ta tin vào chuyện hoang đường về tuần làm việc ngắn ngủi. Phần lớn người ta chỉ xem xét tuần làm việc trung bình của những người làm toàn bộ thời gian trong khi đó ở phần lớn các nước Châu Âu số người làm việc theo giờ là nhiều hơn. Điều này vẫn là một xu thế ngày càng tăng ít nhất là từ 15 năm gần đây và nó tăng đột biến với khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu từ năm 2008.
Pháp được cho là nước có một số qui định về lao động thiếu linh hoạt.
“Điều mà các nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp như Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển và Đức, thực tế đã làm là cứ bốn người lao động thì đưa một người về làm việc theo giờ,” Perbost nói, ông là tác giả của một nghiên cứu về việc làm cho Quỹ Xanh châu Âu, một tổ chức chính trị có trụ sở ở Brussels do Quốc Hội EU cấp vốn hoạt động. Ông nói thêm rằng số liệu thống kê từ Eurostat phản ánh điều này.
Những nước Châu Âu ở phía Bắc, nơi mà Perbost nói là các công việc làm theo giờ là việc thông thường hơn, thì ở các nước này số giờ thực tế làm việc một tuần là thấp nhất đối với tất cả người lao động, làm toàn bộ thời gian cũng như làm việc theo giờ. Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển và Đức có số trung bình khoảng 35 giờ một tuần theo số liệu của Eurostat năm 2012. Trong khi đó người lao động Hy Lạp làm trung bình là 38 giờ, tiếp sát theo sau là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý. Người lao động Pháp, tính gộp chung lại, thì trung bình khoảng 35 giờ.
Hãy nhìn kỹ vào thời gian làm việc theo giờ trên toàn Châu Âu và ta thấy xuất hiện một chiều hướng đáng ngạc nhiên. Người Pháp thậm chí phải làm việc theo giờ với số giờ nhiều hơn những người lao động tại nước khác.
Một tuần làm việc theo giờ ở Pháp trung bình là 23,3 giờ so với phần lớn các nước khác ở Liên Minh Châu Âu là 20,1 giờ theo một điều tra năm 2013 của tập đoàn nghiên cứu Dares của Bộ Lao Động Pháp.
Điều đó có thể giúp giải thích được một vài điều cho nhà quản lý Martinez. “Khi tôi gọi điện sang Đức sau 16 giờ 30 tôi luôn ngạc nhiên vì sao chỉ còn có vài người vẫn còn ở văn phòng,” Martinez nói. “Có thể là chúng tôi ở Tây Ban Nha đây bị chậm giờ.”
Số giờ làm việc hàng năm
                      Đức: 1,406                                                                                Na Uy: 1,421                                                                              Pháp: 1,476                                                                                ANH Quốc: 1,650                                                                      Tây Ban Nha: 1,685                                                                     Hoa Kỳ: 1,704                                                                             Nhật: 1,706                                                                                 Canada: 1,708                                                                             Brazil: 1,841                                                                               Hàn Quốc: 2,193                                                                         Singapore: 2,287

Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

NGHỀ ĐÔNG Y TẠI HOA KỲ


                                     

                                                              Cây nhọ nồi

            2586615321_7e0a6d790b_b


Tại Hoa Kỳ, với những phương tiện y khoa tân tiến, ít người Mỹ nghĩ đến việc đi khám bệnh với một đông y sĩ (ĐYS) hay dùng đông dược. Tuy nhiên tại những vùng đông dân gốc Việt như Houston, Tiểu bang Texas, ngành đông y không quá xa lạ với người gốc Việt hay gốc Á châu. Theo ĐYS Cảnh Thiên, người đang hành nghề tại Houston với hơn 40 năm kinh nghiệm, thì hiện có khoảng một trăm đông y sĩ đang hành nghề đông y và châm cứu tại thành phố này.
Trên nguyên tắc, luật pháp Hoa kỳ đòi hỏi một số điều kiện cho một người hành nghề ĐYS hay mở nhà thuốc đông y. 

ĐYS Cảnh Thiên giải thích:“Tại Hoa Kỳ nói chung, tiểu Bang Texas nói riêng, muốn hành nghề đông y trước hết phải tốt nghiệp đại học (bằng Bachelor) mới được nhận vào trường đông y. Ở Houston, Texas có trường American College of Acupuncture and Oriental Medicine. Thời gian học mất từ 3 năm rưỡi đến 4 năm. Sau cùng phải thi lấy bằng Master of Science. Chưa hết, muốn ra hành nghề còn phải học và thi lấy thêm bằng hành nghề đông y (Texas Board Licensing). Riêng việc mở cửa hàng để bán thuốc thành phẩm thì chỉ xin giấy phép kinh doanh là đủ.”

Một ĐYS khác đang có phòng mạch và một nhà thuốc tại Houston là ông Nhất Nguyên. ĐYS Nhất Nguyên cho biết là trường đông y American College of Acupuncture and Oriental Medicine tại Houston cũng hợp tác với một số bệnh viện tây y tại đây cho sinh viên thực tập:

“Trong ngành đông y hiện tại ở Houston có liên kết với một số bệnh viện lớn, thậm chí ngay cả bệnh viện MD Anderson thì trường cũng có liên lạc làm việc ở đó và một số bệnh viện như Methodist Hospital, University of Houston Clear Lake Health Center và Hope Clinic thì trường có gửi sinh viên thực tập các nơi đó.”

ĐYS Nhất Nguyên chia sẻ rằng trên thực tế có một số người vẫn hành nghề không có giấy phép:

“Nghề đông y nói bao quát thì cần có bằng cấp và giấy phép hành nghề, nhưng thực tế thì vẫn có những người không có bằng cấp và không có giấy phép hành nghề vì những lý do có thể là không có điều kiện để học, không có thời gian hay tuổi lớn rồi thì họ vẫn hành nghề…”

Nhiều người thường thắc mắc và so sánh về những ưu khuyết điểm giữa y Khoa tây phương và đông phương, ĐYS Cảnh Thiên cho rằng tây y và đông y đều có những ưu điểm cũng như khuyết điểm quan trọng trong học thuật và phương pháp trị bệnh mà danh từ chuyên môn gọi là lâm sàng:

“Tây y trông cậy vào các phương tiện khoa học thực nghiệm như là mô học, huyết học, thần kinh học, vi trùng học, xét nghiệm, phim ảnh … Các bác sĩ dựa vào kết quả đó mà chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị. Câu hỏi đặt ra: Nếu không có bất kỳ một phương tiện y khoa nào trợ lực thì liệu chừng bác sĩ có giải quyết tốt hay không? Trong khi đó, đông y dựa vào học thuyết Âm Dương, Ngũ hành, Bát cương, Bát pháp, Tứ chẩn để chẩn đoán và quyết định phương pháp điều trị thích hợp. Có thuốc thì dùng thuốc, không có, thì châm cứu, ấn huyệt, xoa bóp. Nhờ vậy mà đông y cứu được rất nhiều người trong cơn nguy cấp, tuy thiếu thốn mọi bề. Về lâm sàng học: tây y có phương pháp giải phẫu, đông y thì không. Ðây là khuyết điểm của đông y, không có khả năng trong những trường hợp cần phải giải phẫu.”

Ông Cảnh Thiên nói thêm về sự khác biệt trong việc sử dụng thuốc :
“Tây y sử dụng thuốc men dựa trên nghiên cứu khoa học, trải qua nhiều cuộc thí nghiệm nghiêm ngặt, dùng số lượng ít nhưng tác dụng mạnh, có chỉ định và chống chỉ định cho từng trường hợp bệnh lý. Trong khi đông y sử dụng dược liệu dựa theo kinh nghiệm lâm sàng từ hằng nghìn năm lưu truyền, thực tế vẫn có ít nhiều khuyết điểm về tính an toàn, khá bất tiện vì phải dùng số lượng nhiều, khó thích nghi đối với người Hoa Kỳ, trừ phi không còn cách chọn lựa nào khác.”
Một sự kiện đáng chú ý là gần đây cũng có nhiều bác sĩ tây y để ý nghiên cứu và áp dụng các phương pháp đông y để chữa bệnh, đặc biệt là ngành châm cứu. Bác sĩ Trần Đông Giang là một bác sĩ chuyên khoa về thuốc mê với hơn 30 năm kinh nghiệm tại một bệnh viện ở Houston. Ông còn tốt nghiệp trường đông y tại đây và hơn 10 năm nay ông cũng áp dụng thêm môn châm cứu cho bệnh nhân. Ông chia sẻ sự khác biệt giữa đông y và tây y như sau:

“Đông y là một môn học cổ truyền và rất hay. Chính vì biết nó hay nên tôi mới đi học. Cách chữa trị của đông y hoàn toàn khác với tây y, nhất là về phương pháp điều trị. Đông y dựa trên khí huyết, kết hợp âm dương và ngũ hành, rồi mới luận ra kết quả và đông y nhìn vấn đề với tính cách bao quát trước khi đi thẳng vào một vấn đề. Người ĐYS phải tự mình chẩn bệnh, dùng tất cả các phương pháp như là vọng, văn, vấn, thiết, chẳng hạn, sau đó tự mình ra toa và phương thức chữa trị riêng của mình và lý luận theo sự hiểu biết riêng nữa. Trong khi tây y nhìn thẳng vào vấn đề, đào sâu vào vấn đề, cho nên tây y cần phải có nhiều bác sĩ chuyên môn khác nhau và có lợi điểm là được kiểm chứng lại bệnh, hay giúp đỡ định bệnh một cách chính xác bằng những thử nghiệm, nhưng mà có một cái kẹt là vì dựa vào thử nghiệm kỹ thuật nhiều quá cho nên đôi khi các bác sĩ tây y đi xa dần cách chẩn bệnh lâm sàng.”

Bác sĩ Giang quan ngại về phẩm chất của các dược thảo, nhất là vì kỹ thuật bảo quản của nhiều nhà sản xuất ở Á châu bây giờ:

“Đông y dựa vào thảo mộc thiên nhiên, nên các liều lượng của nó thay đổi tùy theo chất đó, cây đó mọc ở vùng nào và như vậy không có rõ ràng. Kèm vào đó có một sự rất là nguy hiểm là trong quá trình trồng trọt cây đó, cây cối hấp thụ nhiều chất kim loại nặng nguy hiểm như chì, thạch tín, thủy ngân,đồng chẳng hạn mà nó không được tách ra khỏi các thuốc đó, tức là người ta uống thuốc, người ta uống luôn cả các chất kim loại đó. Và còn nguy hiểm hơn nữa, theo rất nhiều thống kê cho thấy, báo chí ngay cả báo chí Việt Nam, cho thấy là bây giờ họ dùng thuốc giết sâu bọ xịt vào thuốc đang phơi rồi họ dùng lưu huỳnh để bảo quản…”
                                 
                                    Phố bán các loại dược thảo khô

           

ĐYS Cảnh Thiên, đồng thời là chủ nhà bào chế thuốc Hoa Đà tại Houston, cũng rất quan tâm đến phẩm chất của các dược phẩm đông y. Ông chia sẻ:
“Nguồn dược liệu của Ðông y tại Hoa Kỳ cũng như các nước Á Châu kể cả Việt Nam, phần lớn nhập từ Trung Quốc. Như chúng ta biết Trung Quốc hiện nay là cái nôi của mọi thứ giả mạo, sử dụng hóa chất độc hại trong thực phẩm rất tự do, vô luật lệ, kể cả trong cây cỏ làm thuốc dưới dạng phân bón. Các dược phòng đông y không có khả năng kiểm phẩm. Chỉ còn một cách duy nhất là đến thẳng Trung Quốc, quan sát kỹ thuật nuôi trồng dược liệu của các nông trại lớn và đặt mua trực tiếp nếu thấy đủ tiêu chuẩn an toàn sức khỏe.”

Với những chương trình bảo hiểm sức khỏe tại Hoa Kỳ, bệnh nhân tìm sự chữa trị trong nghành đông y, thường không được bảo hiểm đài thọ phần chi phí, tuy nhiên không ít người vẫn tìm đến đông y trong cơn nguy biến. ĐYS Cảnh Thiên chia sẻ:
“Bệnh nhân của các ĐYS, dẫn đầu là các sắc dân gốc Á Châu gồm Trung Hoa, Việt Nam, Nam Hàn, Phi Luật Tân, Thái Lan, Lào, và Ấn Ðộ, sau đó là các sắc dân Trung Ðông như Pakistan, Afghanistan vân vân cuối cùng là người Mỹ. Tuy nhiên, hơn 15 năm trở lại đây, tôi thấy số lượng người Mỹ chữa bệnh với tôi nhiều hơn.”

ĐYS Cảnh Thiên cho rằng hiện tại ngành đông y chưa được công nhận ngang hàng với tây y tại Hoa Kỳ và ông cho rằng ngành đông y cần cải tiến để phù hợp với điều kiện xã hội kinh tế tại Hoa Kỳ. 

Ông nói:“Chính Phủ Hoa Kỳ cũng nên xem xét lại chính sách đối xử thiếu công bằng với ngành đông y. Nếu được như vậy thì đây là điều kiện cho giới trẻ kế thừa kinh nghiệm ngành y học cổ truyền để nó kết hợp với tây y và tôi nghĩ rằng trong tương lai nền y học sẽ cải biến hơn và tốt đẹp hơn và không còn phân biệt giữa đông y và tây y nữa. Theo tôi, các thầy thuốc đông y cũng cần phải học tập thêm, có nghĩa là cần trở lại các trường lớp chính quy để học đầy đủ những chương trình, môn học mà mình còn yếu kém.”

Bác sĩ Giang cũng cho rằng ngành đông y cần thay đổi nhiều để phát triển tại Hoa Kỳ: “Đông y là một ngành y khoa có từ lâu đời và đã, không ít thì nhiều, chứng tỏ sự hiệu nghiệm của nó nhưng dĩ nhiên có nhiều điều cẩn sửa đổi, tôi mong rằng thứ nhất là việc kiểm soát hành nghề đông y cần phải chặt chẽ hơn… Để có một chỗ đứng vững vàng trong tương lai thì đông y phải có thêm nhiều nghiên cứu bằng phương pháp khoa học thực nghiệm rõ ràng thì đông y mới có thể phát triển mạnh tại Mỹ này.”

                         Cây tầm gửi khô ( thảo dược thiên nhiên ) 
                 


Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

NGÀY CỦA MẸ


                       
                         Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào ,
                         Tình Mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào ...                                                  

                          Clip: Những hình ảnh về mẹ lay động triệu trái tim - Ảnh 10

                                             Mẹ chăm sóc con không bờ bến

Ngày Chúa Nhật thứ nhì của tháng Năm là ngày lễ Mẹ, cũng gọi là ngày Từ Mẫu, ngày chúng ta dành riêng để ghi nhớ công ơn của mẹ. Nhân dịp này chúng ta nên nghĩ đến mối quan hệ mẹ con khi con đã trưởng thành và mẹ đã cao tuổi.
- Thứ nhất khi người mẹ đã cao tuổi và con cái đã bước vào đời, tự lập, mối quan hệ giữa đôi bên là một mối quan hệ rất quý báu. Người trưởng thành khi đã đến tuổi tự lập, không phải ai cũng còn mẹ, nhưng chỉ những người may mắn mà thôi. 
- Lý do thứ hai khiến tình mẹ con trong giai đoạn này của cuộc đời rất là quý, vì không phải người nào còn mẹ cũng được sống gần bên mẹ. Rất nhiều người dù mẹ còn sống nhưng vì hoàn cảnh gia đình, vì công việc không được ở gần bên mẹ. 
- Lý do thứ ba khiến tình mẫu tử khi con đã lớn và mẹ đã già là mối quan hệ quý giá vì mẹ con đã cùng chia xẻ với nhau bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu buồn vui của gia đình nên dễ cảm thấy gần nhau. Vì cả hai đều là người lớn, đã kinh nghiệm về đời sống nên đây là lúc mẹ con có thể hiểu nhau, thông cảm với nhau và có thể trở thành bạn của nhau.
Lý tưởng là như thế, nhưng chúng ta hãy thử nhìn lại xem mối quan hệ giữa chúng ta và mẹ chúng ta có thật sự tốt đẹp không, đôi bên có hiểu nhau và thông cảm nhau như đáng phải có không ? Nhiều người tuy đã lớn vẫn còn được diễm phúc ở gần mẹ, hoặc sống chung dưới một mái nhà với mẹ nhưng bao nhiêu người xem đó là phước hay chúng ta xem đó như là một gánh nặng mình phải chịu đựng. Tình mẫu tử là tình cảm tự nhiên và thiêng liêng, cao quý, là điều mà Đấng Tạo Hóa đã đặt trong lòng mỗi người khi con người được tạo dựng. Tuy nhiên, lắm khi chúng ta không cảm nhận được hay không thể vui hưởng tình yêu đó, vì chúng ta sống với nhau bằng tình yêu ích kỷ. Mẹ thương con bằng tình yêu ích kỷ và con cũng đáp lại mẹ bằng tình yêu ích kỷ tương tự. 

                                        
Khổ nạn nhất hiện nay của đa số gia đình người Việt sống ở xứ Người là ngôn ngữ, nó chính là rào cản của mọi liên lạc, đã thông tư tưởng lẫn nhau để cùng hiểu biết nhau hơn...thêm vào đó môi trường, nếp sống đạo đức cũng như văn hóa khác biệt giữa Đông và Tây. Nền tảng xã hội phương Đông là Gia Đình, ngược lại phương Tây là Cá Nhân. Với những nan giải đó mà các thế hệ cha mẹ với con cái và ông bà với cháu chắc, khó mà thông cảm lẫn nhau về mọi mặt. Đã không thể trao đổi để thông cảm thì khó mà tạo dựng một mối tình cảm sâu đậm được, lắm khi tạo thêm những mâu thuẩn, gây nên sự xung đột trong gia đình giữa các thế hệ với nhau.    
Con cái thương mẹ và mẹ cũng thương con cái, nhưng vì bận rộn, vì vô tình, có khi vì ích kỷ, đôi bên không biết được nhu cầu thật của nhau hay những ước mong sâu kín trong lòng. Hơn nữa, mẹ con thương nhau thật nhưng người này cứ muốn người kia làm theo ý mình chứ không chiều ý nhau nên giữa mẹ con thường hay có những đụng chạm vô lý. Một lý do khác, sâu xa hơn, khiến giữa người mẹ cao tuổi và những người con đã trưởng thành không có mối quan hệ gần gũi đậm đà, vì có những người mẹ không chấp nhận rằng con mình đã lớn, mình phải đối xử như người lớn, còn con cái thì buồn bực vì cứ bị cha mẹ xem như con nít. Cuối cùng, có những gia đình, cha mẹ và con cái được ở gần nhau, mẹ con gặp nhau thường xuyên nhưng không có mối quan hệ sâu đậm vì đôi bên còn ôm giữ những điều phiền giận trong quá khứ, còn ghi nhớ lỗi lầm của nhau ngày trước và không tha thứ cho nhau. Cay đắng, buồn giận là thứ thuốc độc giết chết nhanh chóng tình cảm chúng ta dành cho người chung quanh.
Nhân ngày Từ Mẫu hôm nay (10-5-2015), chúng ta có những nhận xét nho nhỏ sau đây, để giúp những người con đã lớn được diễm phúc có mẹ ở gần cũng như những người mẹ đã cao tuổi còn được ở cạnh bên con, có thể vui hưởng trọn vẹn tình thương chúng ta dành cho nhau.

Con cái:
  • Đừng xem mẹ như là gánh nặng cho mình, đừng bực bội về những thói quen lẩm cẩm hay sự đảng trí của mẹ, đừng quên rằng những năm tháng còn mẹ rất ngắn, ngày càng rút ngắn nên cố gắng dành thì giờ cho mẹ, đừng vì công việc, gia đình, con cái hay bạn bè mà quên mẹ, bỏ quên mẹ.
  • Đừng ghi nhớ lỗi lầm của mẹ hay những tổn thương mẹ gây ra cho mình ngày trước. Đừng lợi dụng tình thương của mẹ
  • Đừng nhắc chuyện buồn cũ, nhưng thỉnh thoảng nên nhắc lại công ơn của mẹ, vì công ơn đó rất là lớn lao.
  • Tìm mọi cách để làm cho những năm tháng cuối cùng của mẹ được nhẹ nhàng, an vui
  • Dành thì giờ lắng nghe khi mẹ có điều muốn nói
  • Chăm sóc mẹ, bày tỏ lòng yêu thương, hiếu thảo đối với mẹ một cách cụ thể bằng việc làm .
  • Dạy dỗ và nhắc nhở con cái biết yêu thương, kính trọng bà, nói năng lễ độ với bà.
  • Những gì cần làm cho mẹ nên làm bây giờ, khi mẹ còn sống, vì khi mẹ qua đời rồi chúng ta có làm gì cũng quá muộn, mẹ không biết mà cũng không hưởng được.
Mẹ:
  • Hãy nhớ con mình đã lớn, đã có cuộc đời riêng, hãy tôn trọng con: tôn trọng ý kiến, sở thích, cách làm việc của con
  • Đừng xen vào đời sống gia đình con, đừng chen vào giữa vợ chồng con. Khi con đã có gia đình riêng, con là chủ gia đình của mình. Khi cần, cha mẹ chỉ góp ý kiến với con, đừng buộc con phải làm theo ý mình.
  • Đừng la mắng, sửa sai mỗi khi gặp con, đừng xem con như là con nít. Dù đó là con mình sinh ra nhưng bây giờ con đã lớn, đã làm cha làm mẹ, đã khôn ngoan trưởng thành, ta không còn trách nhiệm trên con nữa.
  • Hãy thông cảm với những bận rộn của con; đừng than van, trách móc khiến con có mặc cảm là không tròn bổn phận đối với cha mẹ.
  • Đừng vô tình làm cho con không muốn ở gần bên mình nữa.
  • Nếu đôi bên còn buồn giận nhau, vì những chuyện xưa cũ trong quá khứ, hãy tìm dịp nói ra và tha thứ cho nhau, làm hòa với nhau càng sớm càng tốt, để một ngày kia không phải ân hận vì mình đã không tha thứ cho nhau.
  • Có lẽ suốt hơn một tuần trước ngày lễ Mẹ, chúng ta đã nhận được đủ mọi thứ quảng cáo về những món quà chúng ta nên mua để tặng mẹ nhân ngày Mother's Day. Nhưng mua những món quà đó có lẽ chúng ta chỉ giúp cho người bán hàng được lợi chứ chưa chắc đó là điều mẹ chúng ta đang cần, đang mong ước. Món quà quý nhất chúng ta có thể tặng cho mẹ, và chắc chắn mẹ chúng ta sẽ vui nhận là tình yêu thương chân thành và lòng biết ơn sâu xa của chúng ta đối với công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ. Nếu được, chúng ta hãy viết cho mẹ một lá thư, gởi cho mẹ một tấm thiệp hoặc gọi điện thoại nói cho mẹ biết chúng ta yêu mẹ nhiều chừng nào, biết ơn mẹ biết bao nhiêu và xin mẹ tha thứ những khi chúng ta đã làm cho mẹ buồn lòng.
Trong đời sống máy móc và bận rộn này, chúng ta phải đồng ý rằng tặng cho mẹ một món quà vài ba chục bạc dễ hơn là dành cho mẹ vài ba tiếng đồng hồ nghe mẹ kể những chuyện xưa cũ. Tặng quà đắt tiền hay đưa mẹ đi ăn dễ hơn là đến xin lỗi mẹ những điều ta đã làm mẹ buồn. Nhưng tiền bạc không thể so với thì giờ quý báu ta dành cho mẹ, những món quà đắt tiền không đem lại niềm vui cho mẹ bằng những lời tâm tình yêu thương thành thật của con. Mother's Day năm nay chúng ta hãy tặng cho mẹ chúng ta những món quà mà người mong ước, để mang lại cho mẹ niềm vui sâu xa, lâu bền mà không tiền bạc nào có thể mua được...
Chúng ta đã nghe rất nhiều lời giáo huấn về đời sống trong gia đình qua nhiều sách vở cũng như trong mọi tín ngưỡng: "Thà có ít của cải mà yên tâm , còn hơn là tài sản nhiều mà bối rối, lo sợ đủ điều. Thà chỉ ăn rau mà thương yêu nhau còn hơn ăn bò heo mập béo với ganh ghét cặp theo... Đứa con khôn ngoan làm vui vẻ cha, còn người ngu muội khinh bỉ mẹ mình" . Xin Ơn Trên giúp chúng ta là những người khôn ngoan, biết đâu là giá trị cao quý của đời sống và biết cách cư xử đúng với các bậc sinh thành. 
Chữ Hiếu được xem như một thứ tình cảm thiêng liêng và cao đẹp nhất trong các thứ tình cảm của loài người. Hiếu là chất liệu cho cuộc sống là hương thơm cho đời, là hành trang vô giá và không thể thiếu vắng ở bất kỳ người nào. Hiếu phản ánh đời sống văn hóa và đạo đức của xã hội. Hiếu phân định nhân cách, trí thức của con người. Hiếu là chất liệu sống muôn thuở. Nói đến Hiếu là nói đến cái gì cao đẹp nhất, thiêng liêng nhất đối với mọi người ... 
Đây là việc làm của những người con được hạnh phúc còn có Mẹ : " Nên làm trước khi quá Trể "

Nếu bạn còn người mẹ tóc đã bạc màu
Sống âm thầm trong ngôi nhà cũ, nơi xa xăm
Bạn hãy ngồi xuống, viết thư cho mẹ
Lá thư mà bạn đã trì hoãn bao năm.
Đừng chờ đến khi bước chân bạn
Quỵ bên cổng nhà quàn
Hãy thưa: Mẹ ơi, con yêu mẹ
Trước khi quá trễ
Khi mẹ đã vĩnh viễn ra đi
Nếu bạn có những lời thương yêu
Đừng chờ đến khi quên
Hãy thì thầm vào tai mẹ
Khi mẹ còn gần bên
Đừng để những lời đó theo đuổi bạn
Vì bỏ lỡ cơ hội làm cho mẹ bình an
Những lời ngọt ngào không nói
Những cánh thư không gởi
Những tình cảm không khơi
Khiến lòng ta tan nát
Vì ân hận không thôi
Hãy thưa với mẹ hôm nay
Con yêu mẹ từng ngày
Trước khi quá trễ
Khi Mẹ đã vĩnh viễn ra đi ...!

TÔI  MẤT MẸ LÚC 11:55 TRƯA NGÀY 16-3-2012 ( 24-2 Nhâm thìn )
HÔM NAY  NGÀY LỄ MẸ ( 10-5-2015 ) 
LẦN THỨ TƯ CON KHÔNG CÒN CÓ MẸ NỮA..." MẸ ƠI " !!!
KÍNH LOAN ( Nhớ Mẹ ruột thắt từng cơn )