Thứ Tư, 27 tháng 9, 2023

VIẾT CHO NHỮNG NGƯỜI CON.


Những người con được diễm phúc còn mẹ trong cuộc đời, là những người đang được sống bên mẹ, được chăm sóc mẹ, cũng như những người đã có gia đình riêng và hầu như không còn cần đến mẹ trong cuộc đời, lời nhắn nhủ này đặc biệt dành cho các thế hệ trẻ.
Tất cả chúng ta đều là con người bất toàn, mẹ của chúng ta cũng yếu đuối, bất toàn, vì thế, dù thương con đến đâu mẹ cũng không tránh được những lúc có lời nói hay việc làm khiến chúng ta không vui, không đồng ý. Dù sao xin chúng ta hãy nghĩ đến tình thương lớn lao của mẹ mà không phiền giận, cũng đừng quên rằng người mẹ nào cũng thương con và luôn mong muốn điều tốt nhất cho con. Vì lý do đó xin chúng ta bỏ qua những yếu đuối, vấp váp của mẹ trong quá khứ và hãy kiểm điểm lại xem mình có trọn bổn phận làm con hay không.
Người Á đông chúng ta thường hay che giấu tình cảm và cảm xúc. Cha mẹ dù thương con, ít khi nào nói cho con biết, cũng không biểu lộ tình cảm qua hành động. Con cái cũng vậy, thương cha thương mẹ nhưng ít khi bày tỏ qua lời nói hay cử chỉ yêu thương. Đây là thiếu sót chúng ta cần sửa đổi. Nếu chúng ta còn có mẹ trên đời này, dù mẹ ở xa hay gần, chúng ta hãy dành thì giờ đến thăm, hỏi han, trò chuyện với mẹ. Không chỉ trong dịp Mother’s Day nhưng bất cứ lúc nào, ngày nào. Khi được con cái nghĩ đến, gọi điện thoại, đến thăm, dành thì giờ chăm sóc, lắng nghe… Những điều đó sẽ làm mẹ được an ủi, ấm lòng, và đem lại niềm vui sâu đậm trong lòng mẹ. Nếu đã có gia đình riêng, đừng bao giờ vì lo cho gia đình mà quên đi người mẹ thân yêu. Có người khi có gia đình riêng chẳng còn nghĩ đến mẹ nữa. Cũng có những người khi gặp khó khăn cần mẹ giúp thì liên lạc thường xuyên nhưng khi mọi việc bình an tốt đẹp không nhớ gì đến mẹ nữa. Trường hợp người cha trong gia đình không còn, mẹ của chúng ta trong hoàn cảnh cô đơn góa bụa rất cần tình thương yêu và sự chăm sóc ân cần của con cái. Trong thực tế có những bà mẹ góa sống trong cô đơn vì con cháu quên lãng. Trong đời sống bận rộn và quá máy móc này, con người hầu như không còn thì giờ cho nhau; không những thế, chúng ta hầu như chỉ nghĩ đến người khác khi có điều gì cần đến họ. Người có gia đình, bận rộn với con cái, với công việc làm hằng ngày, với bạn bè… thường không cần đến cha mẹ già yếu vì thế dễ quên và không nghĩ đến, không quan tâm đến các bậc sinh thành nữa.
Mong ước chúng ta sẽ dừng lại, tạm gác những bận rộn thường ngày để dành chút thời gian nghĩ đến người đã đem chúng ta vào đời, đã yêu thương nuôi nấng chúng ta từ trong trứng nước cho đến lúc lớn khôn, đó không ai khác hơn là người mẹ yêu dấu của chúng ta. Không chỉ nghĩ đến mẹ, chúng ta hãy làm một điều gì thật đặc biệt để mẹ vui thấy rằng chúng ta là đứa con hiếu thảo, kính yêu mẹ và không bao giờ quên công ơn của mẹ.
- Yêu Thương Cha Mẹ
Bổn phận đầu tiên của con cái là yêu thương cha mẹ. Cũng như trong những mối quan hệ khác, phải có tình yêu chúng ta mới có thể làm trọn bổn phận đối với nhau, và điều chúng ta làm mới có ý nghĩa. Chúng ta cần phải hiểu rõ trên đời nầy, không ai yêu thương chúng ta bằng cha mẹ. Tình yêu của cha mẹ đối với con cái được ví sánh như sông, núi, trời, biển. Dù có thể cha mẹ không tỏ bày tình thương một cách rõ ràng, hoặc có khi vì vô tình, cha mẹ làm chúng ta buồn, nhưng sâu kín trong đáy lòng, cha mẹ yêu thương chúng ta vô cùng. Người ta thường nói, khi "có con" ta mới hiểu được tình thương của cha mẹ. Khi thật lòng yêu thương cha mẹ, chúng ta sẽ không làm điều gì khiến cha mẹ buồn lo, nhưng trái lại, luôn luôn tìm cách làm cho cha mẹ vui lòng.
- Biết Ơn Cha Mẹ
Là con cái, chúng ta phải biết ơn cha mẹ. Cha mẹ là người sinh thành và nuôi dạy chúng ta nên người. Cha mẹ là người truyền sự sống cho chúng ta. Hơn thế nữa, cha mẹ phải chịu bao khó nhọc để nuôi nấng chúng ta, từ lúc sơ sinh cho đến khi khôn lớn. Công ơn cha mẹ không gì có thể ví sánh được. Chúng ta cũng không thể làm gì để đền đáp được công ơn đó. Người xưa đã nói: “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Vì công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, chúng ta phải biết ơn cha mẹ và bày tỏ lòng biết ơn đó qua lời nói, hành động, và qua cách xử sự trong bổn phận làm con.
- Tôn Kính Cha Mẹ
Có người yêu thương cha mẹ nhưng thiếu lòng tôn kính. Có người còn xem cha mẹ như ngang hàng với mình, không nói năng lễ phép, không bày tỏ lòng kính trọng. Cũng có người xem cha mẹ như là người có trách nhiệm phải phục vụ mình. Trường hợp này xảy ra khi cha mẹ cưng chiều con quá đáng. Cũng có người xem thường cha mẹ khi cha mẹ già yếu, không còn đóng góp gì cho gia đình, hoặc khi cha mẹ đau ốm, trở thành gánh nặng. Chúng ta không nên có thái độ sai lầm đó, chúng ta không xem thường cha mẹ khi cha mẹ già yếu nhưng lại càng phải yêu thương quý mến nhiều hơn vì cha mẹ đã hy sinh cả cuộc đời cho chúng ta. Hơn nữa, lúc già yếu là lúc cha mẹ cần con cái hơn hết, không những vì sức khoẻ suy giảm nhưng tinh thần cũng yếu kém. Cha mẹ dễ cảm thấy cô đơn, buồn tủi vì thấy mình không còn giúp ích cho đời, con cái cũng không cần đến mình nữa. Các cụ cũng lo buồn vì biết đời sống mình sắp chấm dứt và thường nghĩ đến cái chết đang chờ đợi. Vì những lý do đó, chúng ta cần thông cảm với cha mẹ và cố gắng làm những gì có thể làm để đem đến cho cha mẹ niềm vui và an ủi trong những ngày cuối cuộc đời. Khi cha mẹ già yếu, chúng ta cần yêu thương, thông cảm và tế nhị. Ðừng vì quá bận rộn với cuộc sống mà quên cha mẹ, cũng không nên có những lời nói hay hành động khiến cha mẹ buồn tủi.
- Phụng Dưỡng Cha Mẹ
Khi đã lớn, đã ra đời, con cái nên phụ giúp cha mẹ trong các chi phí của gia đình. Ðặc biệt là khi cha mẹ đã cao tuổi, không thể làm việc để nuôi sống bản thân, con cái có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ, cung cấp cho cha mẹ những điều cần dùng.Chúng ta luôn là người con hiếu thảo đối với cha với mẹ, không chỉ trong những dịp đặc biệt nhưng mỗi một ngày trong đời sống.Trong đời sống máy móc và bận rộn này, chúng ta phải đồng ý rằng tặng cho mẹ một món quà vài ba chục bạc dễ hơn là dành cho mẹ vài ba tiếng đồng hồ nghe mẹ kể những chuyện xưa cũ. Tặng quà đắt tiền hay đưa mẹ đi ăn dễ hơn là đến xin lỗi mẹ những điều ta đã làm mẹ buồn. Nhưng chúng ta nên nhớ, tiền bạc không thể so với thì giờ quý báu ta dành cho mẹ, những món quà đắt tiền không đem lại niềm vui cho mẹ bằng những lời tâm tình yêu thương thành thật của con. Vấy chúng ta hãy tặng cho mẹ chúng ta những món quà mà người mong ước, để mang lại cho mẹ niềm vui sâu xa, lâu bền mà không tiền bạc nào có thể mua được.
Khi chúng ta còn nhỏ, Mẹ là tất cả đối với chúng ta. Cánh tay của Mẹ ôm ta vào lòng và trao tất cả yêu thương cho con trẻ. Lúc đầu, chúng ta không muốn tách khỏi Mẹ. Thời gian trôi qua, Mẹ giúp chúng ta trở nên độc lập hơn. Ngay cả khi còn ở tuổi thiếu niên, chúng ta vẫn yêu mẹ mặc dù chúng ta không thể hiện điều đó tốt hơn, cuối cùng chúng ta đã nhận ra sự khôn ngoan, khéo léo mà Mẹ có. Từ đó Mẹ đã hướng dẫn, dưỡng dục con bằng tình yêu vô điều kiện của mẹ. Bất kể giai đoạn sống của chúng ta, dù là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, thiếu niên hay người lớn, tình yêu của mẹ dành cho chúng ta là vô điều kiện.
Mẹ ơi, Mẹ là chiếc nôi để ôm con
Đúng rồi
Con đã được tạo ra từ Mẹ
Nó cũng đúng
Rằng Mẹ được tạo ra dành tặng cho con.
Con sở hữu giọng nói của Mẹ
Nó được tạo hình và phát triển để làm thành con.
Tất cả của con đã được tạo ra từ Mẹ
Vào một cái nôi để giữ con, để ôm ấp con.
Mùi hương của cơ thể Mẹ là không khí
Là hương thơm trong mỗi nhịp thở của con.
Mẹ,
Trong những ngày đầu tiên, thân yêu nhất
Con không mơ rằng Mẹ có
Một cuộc sống rộng lớn bao gồm cả con,
Mẹ đã cho con một mầm sống
Mà chỉ có mình con.
Thời gian trôi qua đều đặn và kéo chúng ta ra xa nhau.
Con đã không sẵn lòng.
Và sợ nếu con để mất Mẹ
Mẹ sẽ rời con vĩnh viễn.
Mẹ mỉm cười trước nỗi đau của con,
Vì con không thể ở trong lòng Mẹ mãi mãi.
Rồi một ngày nào đó con sẽ phải lớn lên
Và con sẽ ở đâu?
Khi Mẹ đã mỉm cười từ biệt.
Con không.
Không ngờ Mẹ đã rời bỏ con,
Mà ra đi quá vội.
Con van xin Mẹ đừng nở rời xa con...Mà hãy ở lại cùng con thêm chút nữa,
Nhưng thật hết rồi, đôi mi Mẹ hiền từ từ khép lại,
Giọt lệ cuối cùng đọng lại khóe mắt Mẹ yêu,
Nỗi buồn tái tê đau buốt nhói từng cơn xé nát lòng con
Mẹ rời đi, nhưng sẽ không bao giờ trở lại.
Mẹ đi rồi, riêng mình con kề cận.
Gian phòng buồn, cô đơn lạnh buốt tim
Thời gian ngưng đọng giờ ly biệt
Mẹ bất động trước mắt nhoà đẫm lệ
Con lặng thinh nuốt lệ dấu lòng đau.
Mẹ nghĩ rằng Mẹ biết con còn lại,
Giọt nước mắt sau cùng tiếc nuối thương con,
Nên nghĩ rằng, Mẹ luôn đang theo dõi cuộc đời con
Trong giấc ngũ con thường mơ về Mẹ
Mắt chăm chăm với nụ cuời mãn nguyện
Con cố giữ hình ảnh yêu thương trong điểm sáng võng mạc,
Để ghi lại mọi khoảnh khắc nhớ thương,
Nhớ nụ cười của Mẹ, và tìm lại ký ức về
Mẹ thuở xa xưa.
Trong tận cùng tâm thức của con.
Hình ảnh Mẹ đã ngự trị và đậm nét trọn vẹn tuổi thơ
Cùng với ánh sáng luôn vuốt ve nét mặt Mẹ
Khi Mẹ đặt ngón tay trên bàn tay của con
Và bàn tay Mẹ nâng niu, săn sóc da thịt con trẻ,
Lúc bú mớm từ nguồn sữa Mẹ ban,
Nuôi dưỡng sự sống, tạo nên sức khỏe,
Mẹ đã luôn dùng
trái tim đầy yêu thương ban hạnh phúc cho con,
Mang hơi ấm và niềm vui tạo nên sức mạnh
Cho con và mãi mãi.
Trong những tháng năm dài trôi qua
Và Mẹ rất vui mừng khi thấy con khôn lớn lên từng ngày,
Bằng tất cả tấm lòng thương yêu,
Mẹ chăm sóc con không bao giờ ngưng nghỉ.
Tất nhiên,
Vì Mẹ là Mẹ đã tạo ra con,
Thân thể, Trí tuệ. huyết thống
Từ đó con lớn lên và
Vững chãi sở hữu mọi hành trang để sẵn sàng bước vào đời.
Với bao kiến thức con đã lượm lặt, gặt hái được.
Và thật nhanh chóng.
Thi thố với đời...
Mẹ ơi, con đã học được thật nhiều.
Để biết được điều đó,
Mẹ đã nhìn việc làm và thành quả của con.
Vào ngày nầy
Và giờ đây các bà mẹ đáng được tôn vinh,
Hãy để con được cảm ơn Mẹ
Khi Mẹ tìm thấy một niềm hạnh phúc từ con
Để trân trọng, ngưỡng mộ và yêu thương.
Con cảm ơn mẹ nhiều lắm.
Con trai út U 80 của Mạ
Haltom City, 27-9-20.

CON TRAI BỐN THÁNG TUỔI

 


Ngày con trai được bốn tháng tuổi.

Con trai của Ba .!
Oh, những năm tháng theo sau, thế nào nhĩ,
Oh, làm thế nào thời gian có thể chấp cánh bay xa.
Từ khi những giấc mơ chỉ là một suy nghĩ xa thẵm ,
bây giờ con nằm gọn trong cánh tay, và in sâu vào mắt Ba
sự có mặt của con.
Tiếng bập bẹ và nụ cười của con
truyền đi xa, xa vạn dặm...
Làm ấm trái tim và tâm hồn cằn cỗi của Ba.
Con Trai ngày qua tháng ăn ngoan chóng lớn,
như Ba đã mong từng phút giây, với con đang kéo dài mãi mãi.
Rồi, cứ thế Cậu bé nhỏ của Ba sẽ lớn dần theo tháng cùng năm,
và bên cạnh Ba con sẽ mãi đứng lên.
Nếu vấp ngã Ba sẽ nhặt những gì con vung vãi,
Liền nắm chặc tay con và giúp đứng vững lên cao.
Và khi nào, con thực sự đứng thẳng được bằng đôi chân,
được như thế ! nhưng đừng bao giờ tự mãn, kiêu căng
vì đường đi không bao giờ bằng phẳng cả,
Nhưng con chớ lo, rằng Ba vẫn luôn mãi gần bên.
Không cần biết xa gần hay cách trở,
Ba vẫn ở mãi trong trái tim con trẻ.
Theo dõi từng thay đổi và biến chuyển của mạch sống tuổi thơ,
Biết rằng, cuộc sống có rất nhiều thay đổi.
Nhưng Ba nguyện suốt đời mãi thương yêu,bảo bọc con...

Thứ Ba, 26 tháng 9, 2023

MÙA THU CÂY VÀ LÁ

 


MÙA THU CÂY VÀ LÁ


Vào ngày cuối, trời mùa thu nhạt nắng

Chiếc lá vàng ngồi thầm lặng buồn thiu

Gió đẩy đưa, mây lãng đãng dập dìu

Lá run sợ nên lặng nhìn chịu đựng

Cây trầm mặt vẫn hiên ngang đứng vững

Thấy lòng đau chạm vào đúng tim gan

Lá xa cành thân trần trụi điêu tàn

Rồi cứ thế thật phũ phàng kiếp số


Cây ngước mặt, nhưng lạnh lùng chịu đựng

Lòng mãi đau, mà vẫn đứng trơ gan

Xa lá rồi cây xơ xác điêu tàn

Thân trơ trụi chờ thu sang đông đến


Chiếc còn lại, màu úa vàng thiếu máu

Cây níu trì với giọt máu sau cùng

Đêm vội qua lá bị gió hất tung

Lòng tê tái, cây ngỡ ngàng, chua xót


Lòng uất nghẹn, cây không lần cố giữ

Lá trôi đi gió vẫn cứ đuổi theo

Tạo thanh âm hòa lẫn với suối reo

Khi lá chết, đã mang theo sầu hận


Nhưng suốt đời lá nào có, biết đâu.!

Cây thức trắng trong đêm thâu trở gió

Luôn cố sức khó khăn từng hơi thở

Nhưng vẫn đâu, làm xoay trở duyên trời



Chết tâm hồn, không vơi nỗi, tấc lòng

Cây đơn lẻ suốt mùa đông, không lá

Tình sâu thẳm, giấu trong lòng băng giá

Ôm nỗi buồn tình muôn ngả, ngăn đôi

Thế gian cười, chuyện tình cảm phai phôi

Cây và lá một cặp đôi dang dở

Thương cho lá, thu vào đông, cách trở

Thấu cho rằng.! Định mệnh cố an bài.!


ĐỊNH MỆNH


Cây xơ xác, lá vô tình, rơi rụng

Khi lìa cành, vì hình dáng đổi thay

Cỏi trần gian thật lắm chuyện không hay

Phải chấp nhận, không hề xoay chuyển đổi

Chuyện trời đất, luật vận hành sớm tối

Tháng năm qua, cùng đi tới ngày mai

Cảnh rời nhau, trong khoảnh khắc chia tay

Cây xa lá, giờ phút giây đã định


ĐỜI NGƯỜI


Trần gian là cỏi vô thường,

đời là cỏi tạm tiếc thương phũ phàng

buồn vui bỏ lại trần gian

mi buồn khép lại áo quan đưa về


Trần gian là cỏi vô thường,

đời là cỏi tạm vấn vương làm gì

ai ơi.! Chớ có sầu bi

Rồi ai cũng một lần đi lần về.!

Chủ Nhật, 24 tháng 9, 2023

PHƯƠNG NGỮ THỪA THIÊN HUẾ

 

PHƯƠNG NGỮ THỪA THIÊN HUẾ

Xa Huế đã lâu lắm rồi, từ ngày vừa biết tập tành đi nghễ mấy O Đồng Khánh, vừa ngấp nga ngấp nghé muốn vào (nhưng sợ bị chưởi) nhấm nháp thử ly cà phê đen sánh của cà phê Phấn, nơi mà các anh hùng trong thiên hạ vẫn tấp nập ra vào; và cũng vừa biết để dành tiền để mua những tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn tại nhà sách Ưng Hạ. Phong cách Huế không ít thì nhiều cũng đã phôi pha, tiếng nói thuần chất của Huế cũng không mấy khi có dịp để dùng lại cho đỡ "giớ" (nhớ), cho khỏi quên; thành ra cũng xao lãng đi nhiều. Trong cái xao lãng bỗng có ý nghĩ muốn tìm lại, noái lại tiếng noái của thời cũ rích cũ rang nhưng đằm thắm đó. Cho nên chỉ xin được ghi lại đây những gì còn nhớ, còn thương mài mại, để gọi là khơi lại chút thanh âm của những ngày xưa cũ.
Phương ngữ Huế đã đưa vào câu hò chào, hò mời là hò đối đáp, còn gọi là hò vay trả:
Nữ
Cây chi trên rừng không lá,
Cá chi dưới biển không xương.
Trai nam nhơn đối đặng, thiếp xin kết nghĩa tào khương với cùng.
Nam
Cây xương rồng trên rừng không lá,
Cá sứa dưới biển không xương.
Anh đà đối đặng, em phải kết nghĩa cương thường với anh.
Nam
Thùng bánh nhiều răng em kêu thùng bánh ít?
Quả trầu đầy răng em bảo quả trầu không?
Ai xui em ăn ở hai lòng,
Nói xuôi cũng được mà nói ngược dòng cũng hay.
Nữ
Đá không chưn, răng anh gọi là đá nhảy?
Cát không miệng, răng anh bảo cát gầm?
Ở xa không biết nên lầm,
Khoai lang xắt lát em cứ ngỡ sâm bên tàu.

Sau những câu đố, trêu chọc thử tài, dần dần phát sinh tình cảm nên cuối cùng là hát hò ân tình

Nữ xướng
Hơ hơ hơ khoan mời bạn ta lại hò khoan.
Nam xô Hơ hơ hơ …hơ
Nữ xướng
Hơ.. hơ Thiếp gặp chàng như rồng mây kia mà gặp hội,
Chàng mà gặp thiếp như chim phụng hoàng mà gặp cội ngô với cành ngô.
Nam xô Hơ hơ hơ …hơ
Nữ xướng
Mấy lâu ni kẻ Hán người Hồ,
Bữa ni thiên tri lý ngộ, quyết phân phô cho tận tình.
Nữ
Con sao hôm đã lặn,
Con sao mai đã mọc bên tê tề.
Anh ơi anh có điều chi phân đi nói lại cho em về kẻo khuya.
Nam
Mình về răng được mà về,
Câu thơ chưa gởi, lời thề chưa trao.

Phương ngữ Thừa Thiên Huế không phải chỉ đơn giản "mô tê răng rứa" như thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trong thơ, nhạc và văn xuôi như những nét chấm phá rất dễ thương để nói về người của xứ Huế; Thật ra, tiếng nói từng vùng, miền, thôn làng còn rối rắm nhức đầu, phức tạp, nhiều lắm, đa dạng và phong phú hơn nhiều. Tùy vào từng địa phương của Huế, sự thanh tao qua cách phát âm có chỗ nặng nơi nhẹ; cũng rắc rối khó hiểu khôn lường.
Đơn cử một câu rất Huế, một tâm sự kín đáo giữa hai O đang tuổi lấy chồng:
- “Tau noái với mi ri nì, en còn ở dôn, rứa mà bữa tê tề, en chộ tau phơi ló ngoài cươi, en kiêu tau vô, bồn tau lên chờn, cái ba... en đẩn. Mi quai chướng khôn?”.
Ý muốn nói như sau:
“Tao nói với mày như vầy, ảnh còn ở rể, vậy mà hôm kia kìa, tao đang phơi lúa ngoài sân, ảnh kêu tao vào, bồng tao lên giường, rồi ảnh... Mày coi có kỳ không ?”.
Chữ "đẩn" hay "quất" ngoài ý nghĩa một trong bốn cái nhất của đời người trên, còn có nghĩa như ăn:
- “Đẩn cho bưa rồi đi nghể”. (Ăn cho no rồi đi ngắm gái).
Đẩn cũng có nghĩa là đánh đòn:
- “Đẩn cho hắn một chặp!” (Đục cho hắn một hồi!).
Chữ đẩn còn được phong dao Huế ghi lại:
- "Được mùa thì chê cơm hẩm
Mất mùa thì đẩn cơm thiu"
- "Rứa thì anh có biết vụ hai đứa con ông Bảy bựa qua ngầy lộn chắc rồi lôi giau từ trong chờn ra trữa cươi đập chắc, một đứa bễ mỏ, một đứa u trốt. Mạ hắn can không được, đứng trữa cươi la làng như ”quạ quạ bẻ bắp”

– bựa qua: hôm qua
– lôi giau: lôi nhau
– ngầy lộn: gây gổ
– chắc: với nhau
– chờn: cái giường
– trữa cươi: giữa sân
– bể mõ: vỡ mồm, giập miệng
– u trốt: u đầu

Thêm một câu ngăn ngắn gần như rặt phương ngữ của Huế, mà nếu không có người thông dịch gốc Huế, rặt Huế, e rằng khó mà đã thông cho được.
- “Thưa cụ mự, bọ tui vô rú rút mây về đươn trẹt, bọ tui chộ con cọt, rứa mà nỏ biết ra răng, con cọt lủi, lủi năng lắm, bọ tui mờng rứa thê ! Chừ mạ tui cúng con gà, cụ mự qua chút chò bui”.
(Thưa cậu mợ, bố con vào rừng rút mây về đan rá (hoặc nia), bố con thấy con cọp, vậy mà chẳng biết sao; con cọp chạy trốn, chạy lẹ lắm; bố con mừng quá. Giờ mẹ con đang cúng con gà, cậu mợ qua chút xíu cho vui)
Phương ngữ ở Huế thì nhiều lắm và cũng lạ lắm, nên xin được nhẩn nha tìm lại chút gì đã mất và ôn lại những gì đang còn tồn tại.
Để cho ra câu ra kéo, có đầu có đuôi hơn:
- “Đồ cái mặt trỏm lơ mà đòi rượn đực!” (Thứ mặt mày hốc hác mà đòi hóng trai).
O mô mà lỡ mang cái nhãn "rượn đực", chắc phải ở giá "mốt trọ" (suốt đời) hoặc chọn kiếp tha hương may ra mới kiếm được tấm dôn (chồng).
Chữ "rượn" gần đồng nghĩa với câu con ngựa Thượng Tứ, câu này cũng độc không kém. Thượng Tứ là tên gọi của cửa Đông Nam, bên trong cửa này có Viện Thượng Kỵ gồm hai vệ Khinh kỵ vệ và Phi kỵ vệ chuyên nuôi dạy ngựa cho triều đình Huế. Vì thế, gọi ngựa Thượng Tứ có nghĩa bóng bẩy xa xôi rằng con đó nó "ngựa" lắm, nhưng thâm thúy hơn nhiều.
Mấy O nớ thường hay rũ nhau hát đối đáp.
Đò từ Đông Ba, đò qua Đập Đá,
Đò về Vỹ Dạ thẳng ngã ba Sình
Đoái nhìn sông Hương nước chảy xinh xinh,
Rứa chừ sông bao nhiêu nước
Sông bao nhiêu nước dạ em si tình nhiêu bấy nhiêu
Biết đâu là cầu Ô Thước,
Mênh mông nguyện ước dưới nước trên trờ.i
Đêm khuya ngớt tạnh mù khơi,
Khúc sông quạnh vắng có người sầu riêng.
Chiều chiều trước bến Văn Lâu
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm,
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông
Thuyền ai thấp thoáng bên sông,
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nhớ thương
- “Mệ cứ thộn ló vô lu, còn lưa, tui này lại.!” (Bà cứ dồn lúa vô khạp (cho đầy), còn dư ra, con mua lại).
Chữ "lưa" cũng còn có nghĩa là còn đó như trong hai câu trong bài ca dao Huế.
Cây đa bến cộ (cũ) còn lưa (còn đó)
Con đò đã khác năm xưa tê rồi
"Này lại" (mua lại); tiếng này thường chỉ dùng nơi xóm giềng, thân cận; tương đương với chữ nhường lại, chia lại, mua lại. Chứ không dùng ở chợ búa hoặc nơi mua bán um sùm.
- "Đập chắc lỗ đầu, vại máu!" (Đánh nhau bể đầu, toé máu!)
- "Thương bọ mạ để mô? Để côi trốt!".
Chắc chúng ta cũng thường hay hỏi lũ con lúc chúng vừa tập nói, vừa biết tỏ tình thương đối với cha mẹ, câu này có nghĩa: “Thương bố mẹ để đâu? Để trên đầu!” Rồi đưa ngón tay chỉ chỉ, miệng cười cười, nghe hoài không biết chán.
- "Tra trắn rứa mà còn ở lỗ!" (Chững chạc, già đầu vậy mà còn ở truồng).
Ở lỗ cũng xuất hiện trong câu phương ngôn “ăn lông ở lỗ” hoặc “con gái Nam Phổ, ở lỗ trèo cau!”
- "Lên côi độn mà coi" (Lên trên núi mà xem)
Chữ "coi" về sau này đã phổ biến đến nhiều địa phương khác.
- "Mự đừng có làm đày!" (Mợ đừng có lắm lời, thày lay).
Riêng chữ "cụ mự" thường là dùng cho cậu mợ. Người Huế ít dùng chữ cụ để chỉ người già vì đã có chữ ôn hay ông. Điển hình như cụ Phan Bội Châu với chuỗi ngày “an trí” ở Huế, dân Huế đã có tên gọi ông già Bến Ngự, hoặc trong ca dao Huế, khi nói đến cụ Phan.
Chiều chiều ông Ngự ra câu
Cái ve cái chén cái bầu sau lưng
- "Chộ chưa? Nỏ chộ!" (Thấy chưa? Không thấy!)
"Nỏ" là lối phủ nhận gọn gàng pha chút giận hờn, chanh cốm như chả biết, chả ăn, chả thèm vào!
- "Hắn mô rồi? Nỏ biết!" Chữ nỏ biết ở đây pha chút, chút xíu thôi sự phủi tay về cái chuyện hắn đang ở đâu! Tục ngữ Huế.
- "Có vỏ mà nỏ có ruột".
- "Khóc lảy đảy, không biết ốt dột!" (Khóc ngon khóc lành, không biết xấu hổ!).
- "En dòm tui, tui dị òm!" (Anh ấy nhìn tôi, tôi thẹn quá!)
Chữ "òm" người Huế vẫn thường dùng để bổ túc cho cái phủ định của mình: Ngon không? Dở òm!
- "O nớ răng mà không biết hổ ngươi.!" (Cô đó sao mà không biết mắc cỡ!)
"Hổ ngươi" cũng là tên của cây trinh nữ, cây mắc cỡ. Cũng như "xấu hổ, thẹn, mắc cỡ thì ốt dột, dị và hổ ngươi" có nghĩa khác nhau tuy chút ít nhưng tinh tế, nhẹ nhàng.
- "Chiều hắn cho gắt, hắn được lờn!": Chiều nó cho lắm vào, nó làm tới.
- "Mời ôn mệ thời cơm": Mời ông bà dùng cơm .
- "Mệ tra rồi mệ chướng": Bà ấy già nên sinh tật.
Chữ "chướng", người Huế cũng thường dùng để chỉ mấy đấng nhóc tì khóc nhè, bướng bỉnh hoặc các vị có lối nói, cách hành xử ngang như cua.
- "Ăn bụ cua cho hết đái mế": Ăn vú cua cho hết đái dầm.
Chữ "bụ" cũng dành cho người và các loài có vú khác.
- "Bụ mạ" là vú mẹ, "bọp bụ" là bóp vú .
- "Bữa ni răng tau buồn chi lạ, buồn dễ sợ luôn!" (Sao hôm nay tao buồn quá, buồn quá trời luôn!).
Dễ sợ, với người Huế không đơn thuần ở nghĩa thấy mà ghê! hoặc khủng khiếp quá!, mà còn có nghĩa,
ví dụ: "Con nớ đẹp dễ sợ!": Con bé đó đẹp quá trời.!
- "Răng mà cú tráu rứa tê?": Sao mà cộc cằn quá vậy?
Chữ "cú tráu" nếu phát âm đúng với giọng Huế thì nghe nặng hơn chữ cộc cằn nhiều, có lẽ phải gom thêm mấy chữ như thô lỗ, vũ phu thì mới lột tả được hết nghĩa.
Huế nói trại :
"Nói trại" là nói sai giọng, không đúng âm theo giọng viết, nói trại đôi khi cũng dùng trong trường hợp “nói khác đi, nói cách khác”. Cách nói bị biến âm này rất phổ thông ở Huế, nhất là dân cư vùng biển. Nói trại làm cho âm thanh nặng hơn, khó hiểu hơn.
- "Con tâu tắng ăn ngoài bụi te" tức là con (trâu trắng ăn ngoài bụi tre). "Tời tong tẻo, nước tong veo": Trời trong trẻo, nước trong veo.
- Hầu hết những từ bắt đầu bằng “nh” đều được người Huế nói trại thành “gi”: già (nhà).
"Giớ già giớ vợ ở già": Nhớ nhà nhớ (luôn) vợ ở nhà!
- Những từ bắt đầu bằng “s” thì nói trại ra thành “th”:
"Ăn thung mặc thướng": Ăn sung mặc sướng hoặc "Thầy gòn" là Sài gòn, hoặc nữa: "Noái năng thòng phẳng": nói cho sòng phẳng, rõ ràng.
- Lối phát âm của người Huế không xác định được âm cuối là “n” hay “ng”:
Con thằng lằng chép miệng thở thang!: Con thằn lằn chép miệng thở than!
- Những chữ có âm “o” thường nói trại ra “oa”: "Xa voài voại, noái khôn tới, với khôn được, ngó khôn chộ": Xa vòi vọi, nói không tới, với không được, nhìn không thấy!
Hoặc nữa: "Đi coai boái, thầy boái noái đi coai cái voài voai" Đi coi bói, thầy bói nói đi coi cái vòi voi.
- Những chữ có âm “ô”, người Huế thường nói trại thành âm “u”: "Thúi trong thúi ra": Thối từ trong ra ngoài. "Túi lửa tắt đèn": Tối lửa tắt đèn.
- "Nậy rồi mà mũi rãi thò lò!": Lớn đầu mà mũi rãi lòng thòng! Chữ "thò lò" cũng đã góp mặt trong ca dao Huế:
Học trò thò lò mũi xanh
Cầm cái bánh đúc chạy quanh nhà thầy!
- "Vô rú mà đốn săng": Vào rừng mà đẵn gỗ.
Săng cũng đã góp mặt trong mấy câu hò giã gạo với lối đối đáp rất “văn hóa” của Huế:
Bên nữ:
Lẻ củi săng chẻ ra văng vỏ
Bỏ vô lửa đỏ than lại thành than
Trai nam nhân chàng mà đối đặng
Thiếp xin kết nghĩa tào khang trọn đời
Nghĩa: Cây củi gỗ chẻ ra văng (Văn) vỏ (Võ), thảy vô lửa đỏ thì thành than.
Bên Nam:
Tâu ăn giữa vạc ló lỗ
Đã ngụy chưa tề!
Nam nhân chàng đã đối đặng
Thiếp đã chịu theo chàng hay chưa?
Nghĩa: Con Tâu (Trâu) ăn giữa vạt ló (Lúa) lỗ (Trổ), sao kỳ quá vậy? Ý ư, cũng điển tích như ai: Trâu, Lỗ, Ngụy Tề là bốn nước thời Xuân thu Chiến Quốc cũng ở bên Tàu luôn.
- "En trên rầm thượng bổ xuống, nằm ngay đơ cán cuốc, phải địu đi nhà thương!": Anh ấy té trên rầm thượng té xuống, nằm cứng như cán cuốc, phải bồng, cõng đi nhà thương!
"Rầm thượng" là gác lửng, hay kho chứa bên dưới mái nhà ở Huế, rầm thượng không phải là chỗ ngủ nghỉ mà là nơi chứa những đồ gia dụng đáng giá nhưng phải cỡ nhỏ, vì không có lối lên. Muốn lên rầm thượng, phải bắc thang; Rầm thượng để cất giữ những đồ cổ vừa phải, không qúy lắm. Còn nếu qúy nữa thì bỏ vào rương xe, một thứ tủ thấp đóng bằng gỗ thật dày, có nắp đậy, có luôn 4 bánh xe để đẩy vì khiêng không nổi, nặng quá mà! Mặt bằng của rương xe là cái đi-văng, tối tối cứ trải chiếu nằm ngủ trên đó là khỏi lo trộm đạo
- "Nước mắt chặm hoài không khô, răng khổ ri nì trời!": Nước mắt lau, thấm hoài không khô, sao khổ vậy nè trời.!
Chữ "chặm" cũng đã lãng đãng trong mấy câu hò giã gạo, mà vì não nùng ai oán quá, nghe hò xong e phải bỏ chày luôn:
Hai hàng nước mắt như mưa
Cái khăn lau không ráo
Cái áo chặm không khô
Công anh đổ xuống ao hồ
Quì thưa bẩm dạ thuở mô đến chừ!
- "Mặt mày chạu bạu, ai chịu cho thấu!": Mặt mày một đống, ai chịu cho nổi!
Chữ "thấu" cũng có nghĩa là tới: "Kêu tời không thấu": Kêu không tới trời; "Vô thấu trong Thầy gòn": Vô tuốt trong Sài gòn. "Mả cha cái thằng vô hậu": Tiên sư cái thằng đoảng
- "Ăn tầu cơi thiếc": Ăn trầu (để) trong khay thiếc, quả bằng thiếc.
Cái "cơi thiếc" cũng đã đi vào tục ngữ Huế: Uống nước chè tàu, ăn trầu cơi thiếc.
“Mả cha mi” là tiếng chửi, lời nhiếc mắng rất thông dụng ở Huế, đồng nghĩa với “mồ cha mày”. Lối chửi này ít thông dụng ở những địa phương khác.
- "Đi xe hay đi chưn xuống rứa?": Đi xe hay đi bộ xuống đây vậy?
- "Túi thùi thui, có chộ chi mô!": Tối quá, không thấy gì hết!
- "Rạt gáo rồi mà còn làm le làm gió!": Cạn túi rồi mà còn làm, làm sang!
- "Ăn đoại cơm hến, uống đoại nước chè": Ăn tô cơm hến, uống bát nước chè (xanh).
Tục ngữ Huế: "Ăn lưng đoại, làm đoại lưng" (làm muốn gãy lưng).
Cơm hến, chẳng có chi cầu kỳ, nhưng nhiều mùi vị với lưng bát cơm nguội, rau sống, thân chuối non, rau thơm, xắt nhuyễn, nước luộc hến chan vô, cho chút xíu ruốc, bỏ chút ít hến xào, thêm vài trái ớt, đúng với cái ít ỏi của Huế.
- "Bữa ni đi kéo ghế": Hôm nay đi ăn nhà hàng.
Người Huế, nhất là ở thôn quê, thường dọn cơm trên phản, trên tấm ngựa. Không dọn trên bàn nên khỏi có cái vụ kéo cái ghế mà ngồi vào bàn. Vì thế, mỗi khi được dịp đi ăn ở quán, ở nhà hàng thì gọi là đi kéo ghế.
Huế làm đày làm láo, người Huế, nhất là mấy o, mấy mệ thì ưa ăn nói văn hoa chữ nghĩa, ưa đa sự đa lự, ưa làm đày làm láo, tức ưa xảnh xẹ, ưa nói lý nói sự, nói dông nói dài. Thêm vào đó, phải nói cho hay, khi trầm khi bổng, lúc nhặt lúc khoan thì “tụng” mới phê!
Cái phong cách noái lặp đi lặp lại của người Huế vừa như là một cách nhấn mạnh, vừa có vẻ dạy đời lại vừa mang nhiều ý nghĩa khác, xa xôi hơn, thâm thúy hơn nữa.
Để mô tả cái sự lanh chanh lắm, xí xọn quá, lu bu lắm.
Người Huế ít khi dùng chữ "lắm" hay chữ "quá" mà dùng điệp ngữ: "Cái con nớ, lanh cha lanh chanh"!
Mấy mụ o giọn (nhọn) mồm tức mấy bà chị hay em chồng, mỏng mép của Huế vẫn đôi khi chê em dâu: "Răng mà hắn vô phép vô tắc rứa hè!": Sao mà nó vô phép quá vậy!
Về màu sắc, người Huế thường có lối nói điệp ngữ để nhấn mạnh: xanh lè lè, đỏ lòm lòm, đen thùi lùi, vàng khè khè, tím giắt giắt (tím ngắt).
Bởi, "đồ cà rịch cà tang rứa mà đoài làm giôn": Vậy đó, tà tà, lè phè vậy mà đòi làm chồng.
Còn nữa, để than trách ông trời sao mưa lâu quá, mấy o ngồi chỏ hỏ trong nhà dòm ra, chép miệng than dài than ngắn: "Mưa chi mưa mưa thúi đất thúi đai".
Một bà mẹ tụng cô con gái, một bà chị cả mô-ran cô em thứ mà nghe cứ như là đang đọc một bài đồng giao với vần điệu, trầm bổng cũng là một trong những sinh hoạt dưới mái gia đình:
- "Mi phải suy đi nghĩ lại cho kỹ! Mi coi, là con gái con lứa, đừng có đụng chăng hay chớ, cũng đừng lật đa lật đật, cũng đừng có mặt sa mày sỉa. Bọ mạ thì quần ống cao ống thấp, tất ba tất bật để nuôi mình. Tau thấy mi rứa, tau cũng rầu thúi ruột thúi gan!"
Cái thông điệp cho thằng em trai thì:
- "Năm tể năm tê, mi còn lẩm đa lẩm đẩm, mũi rãi thò lò, chừ mi nậy rồi, phải biết ăn biết noái, biết goái biết mở, vô khuôn vô phép. Chớ mai tê mốt nọ mi nên vai nên vế, nên vợ nên chồng, làm răng mi bông lông ba la hoài như cái đồ trôi sông lạc chợ cho được".
Mấy ôn, khi giáo huấn con cháu, vẫn thường trích dẫn ca dao, tục ngữ để đệm thêm cho ý tưởng của mình:
- "Đó, mi thấy đó. Ai ơi chớ phụ đèn chai, thắp trong Cần Chánh rạng ngoài Ngọ Môn. Mi đoảng, mi vô hậu, được bèo quên rá, được cá quên nơm; thì mi lấy ai mà bầu bạn, lấy mô mà tri kỷ"

24092019

HIỀN NỘI CỦA TÔI.



HIỀN NỘI CỦA TÔI.

Xã hội phong kiến "phụ quyền" tồn tại hàng nghìn năm với những quan niệm bất công khe khắt "tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử", quan niệm trọng nam khinh nữ "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô", đã dành mọi ưu tiên ưu đãi cho người đàn ông, đẩy người phụ nữ xuống địa vị thấp kém nhất trong gia đình cũng như ngoài xã hội.
Nhớ nhà nhớ mẹ mà không được về thăm, những người đi làm dâu còn phải chịu sự đày đoạ của gia đình nhà chồng, đặc biệt là mẹ chồng. Trong xã hội phong kiến, những người mẹ chồng thời đó thường là "nỗi kinh hoàng" của những nàng dâu vì xã hội ngày xưa với quan niệm hôn nhân như một hình thức gả bán, cho phép người ta "mua" vợ cho con, khác nào mua người làm không công, trả cái nợ đồng lần mà chính người mẹ chồng trước đây đã phải gánh chịu.
Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, người vợ vẫn luôn đồng cam, cộng khổ cùng chồng để xây dựng một gia đình đầm ấm yên vui.
Ở thời nào cũng vậy, vẻ đẹp của người phụ nữ như một hằng số bất biến ngàn đời. Đó là sự nhẫn nại, cam chịu, là sự thuỷ chung son sắt. Dù bao khổ đau, bất hạnh vẫn không thể vùi lấp được những vẻ đẹp đó, nó như những viên ngọc thô mà thời gian, những bất hạnh khổ đau là chất xúc tác mài giũa, càng ngày càng toả sáng lấp lánh.
Văn học, nghệ thuật ngày nay cũng rất chú ý đến việc lưu giữ những vẻ đẹp của người phụ nữ. Như những làn điệu dân ca từ thuở sơ khai, vẫn chính là kho tàng vô giá lưu giữ trọn vẹn nhất, về những con người kỳ lạ ấy: càng ở trong đau khổ lại càng ngời sáng, thanh cao. Sẽ còn mãi lắng đọng trong tâm hồn những người dân Việt, hình ảnh những người phụ nữ sáng ngời đó...Nhìn lại, về quá khứ của đời sống trong xã hội, ta nhận thấy rõ rằng "Quan niệm Đông phương" từ ngàn xưa đã ảnh hưởng sâu đậm trong xương tủy của mỗi một con người. Trong đó Việt Nam lại bị ảnh hưởng nhiều nhất, bởi vì một ngàn năm bị ách đô hộ của giặc Tàu. Và lại trong xã hội phong kiến thời bấy giờ, thì được truyền bá học thuyết Nho giáo, Phật giáo (ngoài ra Đạo làm người, thờ cúng Ông Bà). Đến thời kỳ một trăm năm đô hộ giặc Tây, lại mang thêm Thiên Chúa giáo vào.v.v...
Với Mạnh Tử cho rằng "Bất hiếu hữu tam, Vô hậu vi đại" (Trong ba tội bất hiếu, không có con nối dõi là tội lớn nhất) thêm vào đó lại quan niệm "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" không thể nào tránh khỏi. Ngoài ra còn cảnh "chồng chúa vợ tôi", vì thế thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến thật nhỏ nhoi tội nghiệp, phải hứng chịu nhiều thiệt thòi, bất công, họ là nạn nhân của một số tư tưởng hủ bại. Trong xã hội, người phụ nữ không được xem là có giá trị và cũng chẳng có một quyền lợi nào, còn trong gia đình thì chẳng khác gì người giúp việc, suốt ngày bận rộn đũ mọi thứ công việc trong ngoài, phục vụ không những chồng con mà cả gia đình nhà chồng… ấy vậy, lại chẳng bao giờ nhận được sự yêu thương từ những người bên nhà chồng, thậm chí tiếng cám ơn hay lời khen thưởng khích lệ từ những người chung quanh, cũng không.
Nhưng thời đại ngày nay thì trái ngược hoàn toàn, "totally up side down", nhất là đối với các quốc gia Tây phương đã có sẵn nền văn minh tiến bộ thì họ luôn coi trọng phụ nữ "lady first" phái nữ được nâng niu chiêm ngưỡng như một loại Hoa dù cho có gai góc đến đâu…Vì thế, chúng ta không phải ngạc nhiên tại sao sách báo, truyền thanh, truyền hình hay trên các mạng điện toán khi có bất cứ chuyện gì liên quan, hoặc dính dáng ít nhiều đến phái đẹp là được chiếu cố một cách ưu ái, nồng nhiệt, đề cao, ca ngợi, tôn vinh.v.v…Đặc biệt khi đề cập đến người vợ yêu thương thì đấng mày râu luôn trân qúy như một báu vật mà Thượng đế đã ban cho... Người phụ nữ đó là Hiền Nội của Tôi
Danh xưng để ám chỉ vợ mình mà các đấng ông Chồng thường gọi như : Bà Xã tôi, bà Nhà tôi, Vợ tôi, bà chủ tôi (boss), nội tướng của tôi, hiền nội, hiền thê của tôi, Mẹ trẻ, Mẹ xấp nhỏ.v.v…
- Ông Xã lo việc Nước việc Dân, bà Xã đảm đang việc nhà săn sóc cho chồng con
- Ông Nhà có đi đâu! làm gì, công việc thay đổi như thế nào vẫn luôn nghĩ đến tổ ấm của mình. Đó là "Nhà tôi" và không bao giờ "empty nest".
– Vợ với Chồng tuy hai mà một - Chồng và Vợ tuy một mà hai
– Bà Chủ, Ông Chủ, xuất phát từ kẻ ăn người làm gọi mà ra…riết nghe quen thành bà chủ của ông chủ luôn hồi nào không hay
– Ngoại tướng lo điều binh khiển tướng, chinh phạt Đông Tây, nhưng khi về nhà lại dưới quyền chỉ huy của Nội tướng, vì nơi đây là lãnh địa của nữ tướng, phải đảm đang quán xuyến gia đình, hy sinh, tận tụy, chăm sóc chồng con từ miếng ăn giấc ngủ, cho đến manh quần tấm áo, săn sóc, chăm lo thuốc men lúc ốm đau bệnh tật, chẳng khác gì một vị tướng trong thành, lo an ninh ấm no cho thần dân, chỉ khác là nữ tướng này không cần nhung y cẩm bào, lương bổng hay huân chương mề đay gì ráo trọi, chỉ một lòng cúc cung phục vụ cho dân của mình được ăn no ngủ kỹ thì đã thấy mãn nguyện và sung sướng lắm thay.
– Khi chưa có con đi đâu cũng sẵn ở cửa miệng, một điều "mẹ trẻ" của tôi thế nầy, hai điều "mẹ trẻ" của tôi thế kia (để phân biệt mẹ ruột - mẹ vợ - và một mẹ trẻ). Cũng đúng thôi, vì từ khi còn ở trong bụng mẹ đến lúc lọt lòng và khôn lớn đều do mẹ bảo bọc chăm sóc nuôi nấng, lo lắng dạy dỗ cho con nên người, cho đến khi lập gia đình thì "Mẹ già không còn thường xuyên lo cho con, mà bây giờ được thay thế là "Mẹ trẻ".
– Qua nhiều lần sanh nở…mẹ trẻ chuyển tông thành "mẹ xấp nhỏ" của tôi ơi !!! và cũng từ đó thằng Nô con Na trở thành ngôi thứ nhất số nhiều, đức lang quân xuống ngôi thứ hai số ít. Mới đầu chưa quen, buồn và tự ái, bị mẹ xấp nhỏ chọc quê "làm Cha mà ganh sực với con lêu lêu xấu lắm". Riết rồi quen dần, phải biết tự lo cho bản thân, để mẹ xấp nhỏ có nhiều thời gian lo cho con trẻ.
Gia đình tôi có bảy anh em 4 trai, 3 gái, chỉ mình tôi được gọi là "CU" mãi đến 9- 10 tuổi tôi bắt đầu thắc mắc. Ba Mẹ cho biết vì tôi sanh chậm, nên khi chui ra cô Mụ la lên "thằng cu nầy lỳ lắm", kể từ đó, "cu" là tên của tôi. Mãi về sau khi sinh hoạt trong gia đình Phật tử, các Huynh trưởng thường chỉ định tôi và thằng Lan gõ chuông-mõ mỗi lần làm lễ…từ đó thầy Trù trì Thích an Chánh Chùa Bác Ái thấy tôi hiền hòa nên gọi tôi là "trò HIỀN" như vậy là cu Hiền, trò Hiền hay Hiền bắt đầu kể từ đấy. Thế rồi các thế hệ con cháu về sau, như con anh cả cũng gọi cu anh, cu em; anh kế cũng có cu đen (vì da đen). Tôi có một trai gọi là cu cườm (ngày xưa ông nội tôi thích bẩy và nuôi cu cườm) Các em gái tôi thấy con có cái bớt đỏ nên gọi cu son, đứa khác thì chắc nằm lửa nóng quá nên gọi là cu sô (chaud). Cháu nội của anh tôi lại là cu sữa vì nó sỗ sữa, mà cũng thích uống sữa hơn ăn, có cháu sinh ra to và trắng nên kêu nó cu tây.v.v… Phần tôi, cu hiền theo năm tháng được thu gọn là Hiền, chính bản thân tôi cũng thấy vui khi cảm nhận mình đúng hiền thật.
Nói đến bậc sanh thành là luôn nghĩ về hiền Phụ, hiền Mẫu; anh chị em thì hiền Huynh, hiền Đệ, hiền Tỷ, hiền Muội, cho mãi về sau khi lập gia đình tôi gọi người phối ngẩu: "Hiền Nội của tôi".
Hiền nội của tôi, vóc dáng vừa người, khéo xoay xở trong mọi tình huống, nên dễ thích nghi với mọi hoàng cảnh ngay khi còn sống với cha mẹ; từ việc mua bán đến việc nhà cửa trong ngoài đều có sự coi sóc của nàng. Sau 1975 cuộc sống bắt đầu khó khăn đủ mọi mặt, phải lo cho Mẹ già lại thêm cháu gọi bằng cô, dì, chúng còn nhỏ mà cha mẹ phải đi làm ăn xa, cái ăn cái mặc thuốc men lúc ốm đau…Nên Nàng phải trồng thêm khoai, mỳ, bình tinh để làm bột, mua các mặt hàng trử như chổi, võ bời lời để xay làm nhang hay hột sa nhơn làm thuốc, lúc rãnh làm thêm nước đá bào chế nước xi rô màu, nước dừa, cà phê, rồi để ngăn đá của tù lạnh bán kiếm tiền chợ hằng ngày.v.v...chưa hết ! còn nuôi cả gà, vịt, heo nữa …
TỪ NHÀ TÙ NHỎ ĐẾN NHÀ TÙ LỚN

Tháng 11 năm 1981 tôi ở tù về, vào dịp cuối năm tôi thường giúp cha mẹ trông coi cửa hàng, và chính thời điểm ấy tôi đã găp nàng !!! Bắt đầu, từ bộ bình trà mà nàng xem để mua trong dịp tết, mặc dù biết cao giá hơn chỗ khác, nhưng không cách nào từ chối được trước cách chiều khách (mua lạy bán dạ hay kiểu vui lòng khách đến vừa lòng khách đi.v.v…), cuối cùng rồi nàng phải bằng lòng mua. Thế rồi, thỉnh thoảng nhiều lần tình cờ bắt gặp nàng với bộ đồ tàu ôm sát hoặc chiếc áo dài trắng trên chiếc xe đạp mini chạy qua phố…và hình ảnh đó đã dừng lại trong tôi để đưa đến một khám phá mới, trong tình cảm riêng tư, lắng đọng.!!! Nhưng không kém phần đắng đo, cân nhắc khi phải quyết định đi đến hôn nhân ở tuổi tứ tuần, vì thân phận con người thực của mình, với cuộc sống đã đổi thay của xã hội hiện tại lúc bấy giờ "một màu đen bao phủ" thật ghê sợ và khủng khiếp!

NGÃ RẼ CUỘC ĐỜI

Nhưng rồi ngày đó đã đến "ngày tôi lấy vợ" Cuối năm 1984 đứa con trai đầu lòng ra đời …Cu cườm là niềm Hạnh phúc lớn nhất của vợ chồng tôi, thêm người thêm chi phí nên cả hai chúng tôi phải xoay xỡ, ngoài việc tiếp tục mua hàng trử, tôi kéo xe cộ đi rão tìm mua kẽm gai để làm đinh, đi sâu vào các vùng xa mua võ bời lời, sa nhơn hay các bao ny lông phế thải đã dùng ươm cây cao su, cà phê hột. Đi từ Gia lai Kontum (hai tỉnh sát nhập làm một) về Sài gòn, nếu được suông sẻ thì mua vải về bỏ cho bạn hàng…Thế rồi! sự không may ập đến, bị du kích phường khám xét nhà, hàng hóa mất sạch, tiếp đến chuyến vải bị phòng thương nghiệp tịch thu, coi như trắng tay. Cũng may bên ngoại còn đất vườn nên vợ chồng tôi chuyển qua trồng bắp sú, cà chua, đậu.v.v... đến mùa thu hoạch thì cũng tạm, nhưng khổ nổi vì tình trạng hái trộm hoa qủa cũng như bắt trộm heo gà lộng hành (bần cùng sinh đạo tặc). Cùng đường phải làm đại lý bán gạo cho cán bộ, công nhân viên nhà nước, bỏ công để có được số gạo trừ hao hằng tháng. Hiền nội của tôi vừa chăm sóc con dại vừa may vá qua loa, cọng thêm hoa lợi trong vườn như vú sữa, nhãn, dừa, cà phê, chuối.v.v… cũng tạm đủ sống cho bốn người trong giai đoạn khó khăn lúc bấy giờ. Khi vợ tôi bận viêc giặt giũ cơm nước thì tôi chơi với con hay ru cho con ngũ, nếu có người mua gạo thì cân đo cũng lưỡng tiện. Khi nàng tắm rửa cho Cườm thì tôi phụ dọn cơm và cho con ăn trước, ăn xong như thường lệ cháu chạy vào phòng vòng tay mời ngoại ăn cơm, thế là một ngoại già một cháu ấu thơ tay nắm tay lúc thúc từng bước một. Hình ảnh đó nói lên "một cuộc sống ba thế hệ" đã in đậm vào tâm tri tôi
Mỗi tối đưa vợ con về thăm nội lúc cháu được ba tháng, sổ sữa mũm mĩm trông thật dễ ghét, cu cườm luôn mang tiếng cười đến cho mọi người, ông bà nội cùng các anh chị con của bác, Trước đó mấy năm thì có cu son (cháu gọi bằng cậu) ở với ông bà ngoại, tối chỉ ngũ với ngoại và có tật ghiền rờ vú da, ngoại đi thì cháu lúc thúc theo sau, thừa lúc ngồi là cu lẹ tay luồn vào áo mân mê vú ngoại, các chị lêu lêu hoài nhưng nó vẫn tĩnh bơ. Sau thời gian cháu về Nha trang, ở nhà vắng trẻ con cũng buồn, nên vợ chồng tôi và cu cườm lại phải xin phép ngoại về ở với nội vài tháng...Sống nhà nội, sẽ bận rộn nhiều hơn, nên nàng làm tối ngày không hở tay, buông cái này bắt cái kia như chuyền bóng rổ. Trong lúc nàng bận rộn chợ búa, bếp núc giặt giũ, tôi giữ con hoặc mỗi lần có việc đi ra ngoài thì ông bà nội chăm cháu hộ, thường ngày thì các chị con của bác ở đối diện qua tha đi miết, cứ mỗi lần như vậy là vợ tôi làm việc không yên, phải qua lại thăm chừng để cho con bú, ngủ đúng giờ giấc. Ngày thường lo cơm nước cho cha mẹ già, con cái, cháu chắc nội ngoại, chiều tối lo mấy đống áo quần dơ, phơi xong nhiều khi đã 11 hoặc 12 giờ khuya, đêm ngủ phải cho con bú. Ngoài ra còn những ngày kỵ giỗ và nhất là tết nhất thì khỏi nói, sự bận rộn kéo dài suốt cả tuần cũng như cả mấy tháng trước ngày cuối năm và đầu năm. Trước năm 1975, mấy cô em gái thường bị bận rộn, vì phải phụ giúp với Ba tôi trong những ngày kỵ giỗ và nhất là dịp cuối năm tết nhất, bởi thế đứa nào được sớm theo các anh đi học xa là mừng lắm. Giờ đây nhìn lại, ai cũng có gia đình đều ra riêng chỉ còn lại tôi là con trai út lấy vợ ở tuổi bốn mươi, không có gì, với hai bàn tay trắng và một thân xác rách nát không có kim chỉ để may vá lại cuộc đời sau những lần tù đày và tháo gỡ bom mìn, để "cải tạo tư tưởng" cũng như "giải phóng đất đai" theo chủ trương của nhà nước "chẳng hề xấu hổ chút nào vì ngu"
Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm

Với tuổi đời tưởng chừng như hoa mộng "Tam thập nhi lập"…Nhưng than ôi! tất cả sự nghiệp được gầy dựng trong suốt ba mươi năm, đã bị xóa sạch bởi cái ngày Định mệnh 30 tháng 4 đen của năm 1975 đầy tủi nhục. Mọi người chẳng ai bảo ai…! hết thảy đều cam chịu với thân phận của kẻ thua cuộc. Với tôi sau hơn mười hai năm trải qua từ nhà tù nhỏ đến nhà tù lớn, cọng thêm hai đợt 6 tháng gở bom mìn để "giải phóng đất đai" cho nông dân canh tác; đợt đầu có hai người chết (trung úy Nồng, biệt phái giáo chức và Đại uý Phẩm truyền tin Quân đoàn II) đợt hai chết 5 người và hai con bò, hai người bị thương (Trung úy Bình Quân tiếp vụ, Đại úy Bê huấn luyện viên vũ khí, Thiếu uý cán bộ Việt Cộng và hai con nhỏ của cán bộ tỉnh ủy, thấy đạn M79 màu đẹp lấy chơi, hai du kích huấn luyện đui mắt, cụt chân). Số còn sống trở về, người đi kinh tế mới, kẻ bỏ trốn đi nơi khác, những anh em bị quản thúc, quản chế như tôi mỗi ngày phải trình diện công an phường, về sau mỗi tuần, mỗi tháng. Sức chịu đựng và tính nhẫn nhục vẫn có giới hạn của nó. Vì thế tôi vẫn nuôi chí quyết tâm ra đi dù đã có vợ con, vả lại tôi cũng nhiều lần nói với nàng "nguyện vọng bức thiết của anh là ra đi" vì ra đi nếu may mắn, mới giải thoát và có hy vọng cứu vớt được nhiều người còn lại…Thế là tôi ra đi trong trường hợp khá hy hữu, không biết trước nên chẳng có lời từ giả.


BỎ LẠI ĐẰNG SAU NHỮNG TỦI HỜN, ĐỂ DỨT KHOÁT RA ĐI

Mặc dù thời gian trôi qua đã lâu, nhưng nhiều hình ảnh ra đi vượt biên vẫn còn đọng lại, in sâu trong ký ức. Làm sao tôi quên được những sự ra đi quá hải hùng của những đứa con của Mẹ Việt Nam, những đứa con bất hạnh, những người đi tìm tự do, tìm cái sống trong cái chết của mình, mà thế giới gọi là thuyền nhân "Boat People", tôi cũng là người trong cuộc.

"...Đêm nay đêm tối trời, tôi bỏ quê hương
Ra đi trên chiếc thuyền hy vọng vượt trùng dương
Em đâu đâu có ngờ đêm buồn
Bỏ lại em cay đắng thật thương
Hò ơi, hò ơi, tạm biệt nước non …"
"Đêm Chôn Dầu Vượt Biển"

Trong lúc chiếc ghe nhỏ luồn lách qua những con lạch , băng qua những khóm dừa nước, lao nhao đôi chú ếch nhái, ểnh ương đang đi tìm mồi và đùa giởn réo gọi nhau bỗng dưng yên lặng, trả lại cho màn đêm tịch mịch. Nhưng rồi, xa xa vọng lại những tiếng rên rĩ của côn trùng, tiếng kêu của những lũ ếch nhái khác hoà với làn gió nhè nhẹ thoảng vào đêm tối đen của mùa thu gây nên những tiếng xào xạc của các cành lá mơn trớn, va chạm xào xạc ở hai bên bờ rạch, lúc ẩn lúc hiện bởi những vệt sáng nhá nhem tạo nên một âm thanh ghê rợn, một ánh sáng ma quái, bao trùm cả một không gian nhỏ hẹp mà tử thần luôn rình rập; bất chợt tôi rùng mình vì một luồn khí lạnh chạy khắp châu thân khi lội nước bùn để đẩy cho ghe di chuyển nhanh và luồng lách, tránh các chốt canh của công an biên phòng. Loài côn trùng, động vật có thấu hiểu chuyện gì đang xảy ra bên cuộc sống thanh bình của chúng? Chúng tôi không phải là kẻ săn bắt chúng hay phá rầy sự sống yên ổn của chúng . "Chúng tôi là những kẻ khốn nạn nhất, đang lẫn trốn tìm đường vượt biên với tâm trạng lo buồn lẫn sợ hải" . Đôi khi tôi nghĩ ngợi, mình cũng thầm cảm ơn những chú ếch nhái và côn trùng, cây, gió. Nhờ có chúng, mà làm át đi tiếng động do chúng tôi có thể gây ra trong lúc di chuyển.
Qua thời gian lặng lẽ âm thầm ra đi trong đêm tối ngột ngạt đầy căng thẳng, chúng tôi cũng vượt ra khỏi rạch nhỏ sình lầy ở Hồng Ngự vào sông lớn, rồi đến Kế Sách vào khoảng 1 giờ sáng. Những ngày hôm sau đến Hố Lương, Konponsom, Phnôm Pênh (Nam Vang thủ đô Campuchia), Konsosad, Kô Kông và cuối cùng đến được đất Thái bằng thuyền máy cao tốc, thả chỗ nước cạn cách bờ chừng 100 mét...Thế rồi, khởi đầu một cuộc sống tị nạn từ đó...!


NHỮNG MÃNG HẠNH PHÚC NHẤT TRONG ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN

Đó chính là thời gian con đầu lòng ra đời, cho đến khi được 6 tháng cu cườm đã biết ngồi, ôn thường làm trò múa lân đánh trống tùng tùng xèn, cháu ngồi vừa nhún hai tay múa miệng cười dòn tan, tiếng cười đùa của hai ôn cháu làm hiền nội tôi phải từ dưới bếp chạy lên xem thử, bà nội trong phòng đi ra, các anh chị nhà bác qua, cũng vừa lúc tôi về…Tất cả nhà được một phen cười bò ra nước mắt: ba hoa khi thấy ôn nội uống nước trà, cườm ta tay vắt xôi xin uống nước, thế là từ đó cu cậu ghiền nước trà…thời gian này được mẹ cho ngồi xe tập đi nên cườm khoái chí chạy lung tung, ông bà nội cũng mệt theo với cháu, nhưng bù lại cũng vui lây với tuổi trẻ thơ để giảm bớt những phiền muộn trong cuộc sống…Đến tháng thứ chin thì cháu tự vịn vào giường, tủ bàn ghế mà đi và sau đó tự đi mình ên, khi đi vững là chạy, thời gian này vợ tôi bảo phải chăm sóc thật chu đáo kẻo con té. Dù bận rộn công việc nhưng hiền nội tôi luôn giữ đúng giờ giấc lo cho con từ giấc ngũ, ăn uống tắm rửa. Thấy nàng quá bận rộn nên tôi thu xếp việc chạy ngoài để cùng san sẽ, tôi lo cho con ăn và chơi với nó để nàng yên tâm làm việc nhà, ngoài ra nàng còn mua trử các mặt hàng như đậu xanh, đậu phụng, cà phê.v.v…để bỏ sĩ cho bạn hàng chở đi các tỉnh khác; phần tôi mua thu gom các bao ny lông phế thải, giặt sạch phơi khô dồn vào bao bố, cùng với cô em chở về Sài gòn bán. Trên đường đi phải chi cho các trạm, có vậy mới trơn tru trot lọt được.
Vì một cảnh mà hai quê…nên khi cu cuờm gần đầy năm lại xin phép nội về bên ngoại. Cuộc sống lây lất qua ngày tháng, cho mãi đến lúc cháu được ba tuổi và chỉ còn khoản một tháng nửa là hiền nội tôi sanh cháu thứ hai. Vì làm ăn chung, nên vợ chồng tôi bàn tính với bác mấy cháu đi mua vải chuyến ngày 8 tháng 11 năm 1987, để rồi nghỉ cho đến sau ngày sanh của vợ tôi. Nhưng nào ngờ chính ngày đó đã bắt đầu cho một chuyến đi xa cả nữa vòng trái đất… Người ra đi mang trong lòng một nổi u uất nặng trỉu, người ở lại với vô vàn thương đau, lo buồn, một tay yếu mềm với hai con thơ dại, nội ngoại đều già yếu... Nhưng với sự hy sinh to lớn và đau đớn đầy nghiệt ngã đó, được bù đắp là chuyến ra đi trot lọt. Cảm tạ Trời Đất đã cho tôi một khung trời được hít thở không khí tự do và một vùng đất dung chứa một mãnh đời khốn cùng lưu lạc.!

NHỮNH NGÀY THÁNG KHỚI ĐẦU KIẾP SỐNG TỊ NẠN

Khu đất trống cùng dãy nhà rầm bỏ hoang được dùng làm trại tỵ nạn Klongyai (tỉnh Trat) ở Thái lan. Thế là cuộc sống tỵ nạn, ngày qua ngày trong tâm trạng buồn lo về gia đỉnh…và mong sớm được chuyển lên trại Panatnikhom ở thủ đô Bangkok, để có phái đoàn Cao ủy Liên Hiệp Quốc phỏng vấn, hầu thoát cảnh sống ở trại tỵ nạn càng sớm càng tốt.
Cũng như mọi đêm, trước lúc ngũ bao giờ cũng chạnh lòng nghĩ đến Cha Mẹ, Vợ con hiện giờ ra sao? và sau đó là những hơi thở dài não nuộc. Nằm bên trái tôi là Kỉnh người Nam, một tín hữu Tin lành gần bốn mươi tuổi đi mình ênh, bên phải là Kim người Bắc ba mươi tám tuổi, Bác sĩ sau 1975, có vợ Dược sĩ Liên người Huế ba mươi sáu tuổi, chưa có em bé.
Không gian về đêm càng yên tĩnh, thì tiếng rên của tôi lại phát ra lớn hơn, tôi phải nhiều lần ra ngoài để cho dịu bớt cơn đau bụng khũng khiếp lần đầu tiên trong đời, nó đau quặng lên từng cơn…khi thấy dễ chịu tôi trở vào, nhưng chốc sau lại như cũ, mặc dù tôi cố nén để khỏi gây tiếng ồn, nhưng Kim nằm cạnh đã lên tiếng hỏi tôi và đi lên trạm xá lấy thuốc (Bác sĩ Kim được giao phần hành coi sóc trạm y tế của trại) Uống thuốc giảm đau, Liên lại đưa dầu nóng, Kỉnh thoa dầu chà xát trước sau, cảm thấy dễ chịu đôi chút, sau đó tái lại nhưng với mức độ giảm dần và từ nữa khuya ngũ thiếp đi…

MÒN MỎI, TRÔNG NGÓNG, CHỜ ĐỢI TIN TỨC

Thư gửi về nhà thường xuyên, nhưng thư nhận được thì mãi đến mấy tháng sau, khi đó mới biết được ngày hiền nội tôi sanh là 8 tháng 12 năm 1987, từ chập tối đau đến 12 giờ khuya mới sanh được Thời gian đó chính là "Thần giao cách cảm" của đêm tôi đau bụng "vô tiền khoán hậu".
Khi nói ra ai cũng ồ lên và chúc mừng! Biết nhiều qua sách báo cũng như qua chuyện kể truyền khẩu về tương giao cách cảm, nhưng đêm đó chính tôi mới là người trong cuộc: Cái đêm hôm (vì sai lầm của bác sĩ Định hộ sản đã chích mũi thuốc dục) mà vợ tôi phải trải qua cơn đau quá sức, cũng may, nhờ sự chịu đựng chung của cả hai, mà vợ tôi vượt qua được sự nguy hiểm, 24:00 / 8-12-1987 là giờ và ngày sinh con gái của vợ chồng tôi, đúng vào ngày lễ "Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội". Đã có kỳ tích và ơn lành giúp cho gia đình tôi vượt qua những khổ đau.
Trong suốt một tháng, từ ngày tôi đi đến ngày sinh vợ tôi đã trải qua những tháng ngày lo lắng buồn bã, vì chẳng biết tin tức của chồng, nên ảnh hưởng đến thai nhi và ngày sanh rất nhiều, nhưng sự đau đớn vượt qua được khi cháu lọt lòng mẹ. Qua giai đoạn hiểm nguy sau lần sanh, hiền nội tôi phải cần nhiều nghị lực, ăn không nổi cũng ráng nuốt để có sữa cho con bú, về đêm lại không ngũ cứ mong cho tới sáng để bớt đi cái yên tĩnh, tịch mịch cô liêu của đêm dài, nằm trằn trọc nhìn hai con thơ vắng cha mà lòng đau như cắt...nước mắt lại tuôn trào, nhờ tiếng chuông nhà thờ mỗi sáng đã ru nàng vào giấc ngũ êm đềm.
Bên cạnh còn có nội ngoại, bà con, anh chị em, cháu chắc cũng là niềm an ủi phần nào cho ba mẹ con, ngoài ra chị em bạn bè chòm xóm thăm viếng, chuyện trò ủi an nên mấy mẹ con từ đó cũng vơi đi phần nào, và luôn hy vọng trong đợi chờ...
Khi cháu được ba tháng tuổi, một buổi sáng về thăm, ông bà nội vui mừng ra mặt nói với vợ tôi "hôm qua công an phường có đến và cho ôn biết, ngày mai ông có thư nước ngoài" thế là khi đi chợ về, sau đó nàng nhận được thư do bưu điện mang đến (đã được dán lại sau khi kiểm duyệt và mãi đến hơn ba tháng mới đến tay người nhận). Sự vui mừng… được bù đắp cho thời gian lo âu, buồn thảm, trông mong, chờ đợi đã qua đi…Một luồng sinh khí mới đã đến với gia đình, nhất là hiền nội của tôi đã cảm nhận được như là một "Ân sũng". Những năm tháng không có tôi, nàng vẫn luôn giữ trọn đạo làm dâu con cả đôi bên nội ngoại, nhất là ngày giỗ kỵ, tết nhất, phải lo toan mọi việc cùng với ôn mệ nấu nướng, dọn dẹp chuẩn bị cho những ngày cuối năm cũng như đầu năm…

CHUẨN BỊ NGÀY ĐI MỸ

Những ngày tháng lo hồ sơ từ bước đầu cho đến khi được nhận, sau đó lại phải qua nhiều thủ tục như khám sức khỏe, chích ngừa, với nhiều dịch vụ lắm phức tạp và luộm thuộm, gây khó dễ với mục đích đòi tiền. Nói tóm lại, từ bước đầu nộp giấy tờ cho đến lúc lên máy bay, phải trải qua nhiều chặn đường, lắm công sức và tiền bạc. Trong một xã hội nhiễu nhương, đầy dẫy tham ô, thối nát; Thế mà! một thân với hai con dại, hiền nội tôi đã lo toan mọi việc một cách trót lọt...Bỏ lại quê hương đằng sau, để tiếp tục cuộc hành trình dài cả ngày lẫn đêm băng qua nửa vòng trái đất, Quả đáng phục cho nàng.


GIA ĐÌNH ĐOÀN TỤ

Ở quê nhà đã tạm yên…phần tôi đã chuyển lên Bangkok, năm 1988 được nhận qua Phi, đầu năm 1989 đi Mỹ, đến 29 tháng 10 năm 1992 ba mẹ con đến Mỹ, tiểu bang Texas. Cháu trai tên Quang thường gọi là cu cườm vừa tròn tám tuổi học lớp hai (springdale elementary), cháu gái tên Ngọc Bích chưa được năm tuổi học tiền mẫu giáo (pre kindergarten) nhưng trở ngại vì phương tiện, nên đến niên khóa 1993- 1994 mới bắc đầu học lớp mẫu giáo (kindergarten). Cuộc sống mới dần dà rồi cũng quen, không bao lâu vợ tôi cũng đã hội nhập với nếp sống Mỹ quốc, nàng đi làm mỗi ngày 12 tiếng từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, khi cần còn gọi làm cả ngày thứ bảy nữa. Tôi làm ca nhì từ 3 giờ chiều đến 11 giờ đêm, nhưng khi đổi hảng, thì làm từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng, vợ chồng con cái chỉ gặp nhau đầy đủ ở ngày cuối tuần, chợ búa, giặt giũ vào ngày chủ nhật Hằng ngày, mỗi sáng vợ tôi đi sớm, nên khi tôi về chúng chưa dậy, việc đầu tiên là kiểm soát lại bài vở, nhất là "home work" đã làm đầy đủ chưa! nếu có bài không làm được, sau khi xem qua rồi, tôi đánh thức dậy sớm hơn để giảng cho hiểu và làm hoàn tất, kế đó các cháu làm vệ sinh thay áo quần giày vớ, ăn sáng xong chở đi học. Về nhà tôi rữa ráy vội vàng, ăn uống qua loa rồi đi ngũ, đồng hồ báo thức 2 giờ chiều chuẩn bị đón con về, thay áo quần làm sạch sẽ cá nhân cho ăn chiều xong, hướng dẫn con học và làm bài…rửa dọn, bới xách sẵn…đi nằm chợp mắt, 4:30 pm thức dậy, kiểm soát và dặn con bài toán nào chưa làm được nhớ đánh dấu sáng mai về ba giải sau…5:00 pm tôi đi làm, vợ tôi 6:30 pm mới về đến nhà, thăm hỏi con học hành làm bài, chuẩn bị áo quần giày vớ cho ngày mai, tắm rửa cho các con, dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, lo cơm tối xong, tắm rửa, bới xách cho ngày mai, khi lên giường sớm nhất là 11:00 pm, có đêm đến 12:00 pm, nhưng 4:30 am phải dậy sớm để sửa soạn và 5:00 am ra khỏi nhà...
Hai vợ chồng tôi đi làm năm hoặc sáu ngày một tuần, hai con nhỏ đi học, chỉ gặp mặt nhau vào ngày cuối tuần với bữa cơm gia đình, ngoài ra còn đi chợ cho tuần tới, giặt giũ, lễ lạc, mua sắm áo quần, giày vớ cho con trong tuổi đang lớn…ôn tập và chuẩn bị bài mới cho các cháu, dọn dẹp ngăn nắp, sạch sẽ nhà cửa đã bỏ bê trong tuần. Với bằng ấy công việc đã làm cho vợ chồng tôi phải xoay mòng mòng như cái vụ. Nhiệm vụ chính của tôi là kèm cho con, cháu và các trẻ hang xóm học (cha mẹ chúng gởi) đôi khi chậm trể, nên thỉnh thoảng thưởng cho cha con tôi fried chicken hoặc pizza hut và nước ngọt coca cola, nhìn chúng ăn uống cười nói vui vẻ, bậc làm cha mẹ như chúng tôi cũng vui lây với sự thơ ngây hồn nhiên của các con; biết ý "mẹ trẻ" nên tôi luôn lấy phần da, còn lại phần thịt gà cho nàng ăn và cùng vui với nhau, thế là cả gia đình ngập tràn tiếng cười hạnh phúc.
Công việc không chỉ trong phạm vi gia đình, mà còn phải gánh vác thêm gia đình ông anh ruột, hai vợ chồng và sáu con, mà tôi bảo lãnh qua trước vợ tôi ba tháng… Thời gian đầu chưa có công ăn việc làm, chưa có xe, tôi phải lo tất cả từ nhà ở, giấy tờ cá nhân đến các trợ cấp tỵ nạn, thủ tục khám sức khỏe.v.v...Sau đó phải kiếm việc làm cho người lớn, các cháu còn tuổi đi học phải đến các trung tâm xếp lớp theo hạn tuổi. Hằng ngày phải đưa đón đi làm, đi học, cuối tuần chở đi chợ, giặt sấy quần áo cho cả gia đình tám người. Đó là chưa kể khi đi mua sắm hay những lúc ốm đau! Có khi đang ngũ, điện thoại gọi, chở giúp cháu đi giao hay nhận áo quần gia công cho chủ. Mỗi chiều bác lại gởi thằng út cùng học mẫu giáo với con gái tôi cho có bạn…thế là vợ tôi phải thêm việc, thay vì hai con, bây giờ thêm một cháu nữa. Chưa hết, có những chiều tối các cháu qua chơi chuyện trò, ăn uống vui vẻ, nhưng sau đó vợ tôi lại phải nấu cái khàc để chuẩn bị cho ngày mai. Biết vậy, nhưng cả hai chúng tôi đều vui, vì nghĩ rằng không ai vô đó, cũng là anh chị em chú bác cả, hơn nữa chúng ta đang ở xứ người, phải biết yêu thương, nương tựa, đùm bọc nhau mà sống
Thời gian khó khăn ban đầu rồi cũng qua nhanh. Các cháu đã lớn có hiểu biết chịu khó làm ăn, chung lưng góp sức, biết dành dụm để mua được xe, làm phương tiện giúp tự giải quyết rất nhiều vấn đề trong mọi sinh hoạt hằng ngày. Cũng từ đó, mà vợ chồng tôi được nhẹ gánh đi phần nào. Vả lại, gia đình nhiều người, nên anh tôi phải mướn căn nhà rộng hơn để đủ phòng cho các cháu học hành, nghỉ ngơi được thoải mái. Người lớn lo làm, đùm bọc, săn sóc các cháu nhỏ ăn học…Sáu năm sau anh ngã bệnh và đìều trị cho đến năm 2002 . Trước ngày ra đi, anh rất mãn nguyện khi đã thấy được từng bước vợ con thành công trong công việc cũng như học hành. Những cháu lớn lần lượt có gia đình và có nhà riêng, cuộc sống đã ổn định. Tính đến bây giờ, hiện có tám cháu nội và năm cháu ngoại…Thật sự đáng mừng cho các cháu.
Tết năm 2002, hai gia đình chúng tôi, con cháu sum họp đầy đủ. Hiền nội tôi có dịp trổ tài, nên đã lo chuẩn bị từ mấy tuần trước, các món đặt cúng tổ tiên cũng như lo đến mấy chục người ăn, nàng tính toán chu đáo, phần nào làm trước, làm sau được ghi chép cẩn thận. Đến ngày tôi chỉ phụ giúp lặt rửa rau sống, xếp đặt bàn ghế, chén bát và phụ trách cúng giỗ…Cành Mai giả được treo các bao lỳ xỳ có từ 5 $ đến 20 $ để các cháu lấy hên may rủi đầu năm.
Nhâm Ngọ là Tết cuối cùng, trước ngày ra đi vĩnh viễn của Anh tôi, so với tuổi đời 62 là quá sớm. Lại một người thân nữa ra đi...Lần lượt ; Ba tôi, Anh ba, Mẹ vợ, Anh hai, Mẹ tôi …
Với thời gian bận rộn, vã lại chúng tôi cũng không mấy thích đồ ăn nấu sẵn bên ngoài, cho nên một năm mười hai tháng là nàng phải nấu ăn đủ ba trăm sáu mươi lăm ngày …Nếu chỉ nấu cho hai vợ chồng ăn thôi thì cũng không đáng nói gì, có thể nấu một lần ăn hai ba ngày. Đàng này con đang tuổi lớn, nên nàng phải cho ăn đổi món và đủ dinh dưỡng…chưa kể các cháu ở cạnh nhà, thức đêm may đói bụng qua ăn, nhất là vào cuối tuần và các ngày lễ lạc …
Chúng tôi còn phải lo cho Nội Ngoại đôi bên, nên sự dành dụm tiền bạc phải kéo dài thời gian nhiều hơn, mãi cho đến khi các cháu lên trung học, mới đủ điều kiện thực hiện căn nhà riêng cho gia đình bốn người
Cũng nhờ làm được công việc tốt, nên thời gian thanh toán tiền nhà được rút ngắn lại...Nhờ vậy mà gánh nặng nhẹ hẳn đi rất nhiều. Trước đó, vào năm 1994 hiền nội tôi đồng ý để tôi về thăm nội ngoại, nhưng vì không được cấp hộ chiếu. Sau đó không bao lâu thì ông Nội các cháu mất, mãi đến năm 1999 mới về thăm bà Nội, bà Ngoại cũng như viếng mộ ông Nội của các cháu lần đầu tiên.
Những năm cuối của thế kỷ 20 bước qua đầu thế kỷ 21, gia đình tôi lại bận rộn hơn, vì anh tôi lại bệnh nặng nhưng phần đông con cái lại làm ăn xa, nên vợ chồng tôi phải san sẻ giờ giấc để ủi an phần nào cho Bác, qua những bữa cơm gia đình, hay lúc giải bày tâm sự cùng nhau...
Người vất vã nhất cũng là hiền nội của tôi, sau mười hai tiếng làm ở hảng, vừa về là tiếp tục công việc nhà không kịp nghỉ tay, nắm cái này, bắt cái kia luôn tay như cái vụ, có như vậy mới đủ thời gian cho những công việc hằng ngày. Nghĩ lại, lúc còn ở Việt Nam nàng chỉ lo việc nội trợ, tưởng rằng sướng nhưng chẳng sướng tý nào, vì phải lo cho cả gia đình khi thì bên ngoại, khi bên nội. Qua đến Mỹ lại càng khổ gấp bội, một người đi làm không đủ chi tiêu, nên vợ tôi phải gánh cả hai vai, vừa làm hảng lại làm cả việc nhà. Thấy nàng quá bận rộn nên cuối tuần tôi dành trọn thời gian để kèm cho con học và phụ giúp nàng những công việc nhà. Chúng tôi vui với công việc hơn, khi nhìn thấy hai con khỏe mạnh lớn khôn ngoan hiền và nhất là học giỏi luôn giữ mức điểm 100+ (hoặc A+) được bảng Danh Dự (A Honor roll) Medal từ cấp tiểu học đến Trung học.
Năm 2002, cũng may mắn người vợ cả được bảo lãnh qua Mỹ vài tháng trước khi anh tôi mất, đó lá niềm an ủi lớn nhất cho cả vợ chồng lẫn con cháu trong hoàn cảnh "Sinh ly Tử biệt" Kể từ đó, tôi mất đi một người anh để tâm sự khuyên bảo, trao đổi, học hỏi và ủi an lẫn nhau trong tình cảm ruột thịt khi phải sống xa quê hương.

HIỀN NỘI TÔI VỀ QUÊ

Khi cháu lớn đã vào đại học, và anh em tự lo cho nhau được…nên vợ chồng quyết định năm 2005 cùng về thăm nội ngoại. Riêng ngoại thì khỏe, nhưng nôi thì nằm bệnh viện. Sau một tháng về thăm, cuối tháng ba trở về Mỹ, đến 29 tháng 9 ngọai mất, bàn tính để hiền nội tôi về, nhưng anh vợ tôi ở Pháp bảo là các em vừa mới về, thôi để anh ba về lo cho mẹ được rồi...
Ông nội các cháu mất năm 1994, đến 2005 bà ngoại lại ra đi (ông ngoại mất năm 1972) hiện tại chỉ còn mỗi mình bà nội, nhưng lại nằm một chỗ sau lần bị té vào năm 2002, việc kiếm người để săn sóc là cả vấn đề nan giải, lúc có lúc không, người làm lâu dài rất hiếm, cứ một hay hai năm lại phải tìm người khác. Vì thiếu sự chăm sóc đối với người già, nên bà nội phải nhập viện. Được tin nội đau, đúng vào lúc công ty tôi đang làm, chuyển toàn bộ đi Mexico, đồng thời vợ tôi lại bị nghỉ việc (lay off). Nhân lúc vợ chồng còn ở nhà, các cháu đã ổn định việc ở đại học, với học bỗng toàn phần (full scholarship) cho bốn năm là $140.000, riêng công ty nơi tôi làm việc có cấp học bỗng cho con của nhân viên ra trường cấp trung học (high school) ở mức từ 1 đến 10 (Top ten) là $20.000 cho bốn năm. Riêng hai cháu thì được Thủ khoa [Valedictorian] điểm GPA là 4.8719, và Á khoa [Salutatorian] với điểm GPA 4.6182. Nhờ đó mà vợ chồng chúng tôi yên tâm để dành nhiều thời gian lo cho nội…
Năm 2008, hiền nội tôi ở nhà, ngoài chuyện bếp núc việc nhà, nàng còn giúp con cái trong việc giờ giâc, nhăc nhỡ ăn uống, học hành, đi lại cẩn thận trong mọi nơi mọi lúc, nhất là thời gian ở ký túc xá (Dorm). Ăn ở Cafeteria riết cũng ngán, nên mẹ cháu sắm nồi cơm điện, gạo và bới thức ăn cho các cháu ăn xen kẻ, thức ăn nàng nấu rất ngon, kỹ lưỡng, nhất là thịt hầm nấu xong để vào tủ lạnh cho đông mỡ rồi vớt ra bỏ đi, các món ăn, được nàng trau chuốt cẩn thận, và gói ghém đầy ắp tình cảm thân thương của người vợ lo cho chồng, mẹ lo cho con. Mỗi hộp được ghi rõ món ăn và cần hâm microwave bao nhiêu phút để có độ nóng vừa đủ ăn. Đôi lúc tôi cũng thấy bực mình vì sự quá chi ly của nàng, nhưng không nói ra, vì sợ phụ lòng chu đáo, và có khi nói ra không đúng lúc làm cho nội tướng nỗi giận cũng không hay. Không riêng tỷ mỷ với con cái, mà ngay với người cha, già đầu như tôi cũng được căn dặn rõ ràng mỗi khi bới xách thức ăn đi làm, những mòn ăn thường là phải thơm ngon, tuyệt đối không bao giờ nàng làm những món có nặng mùi, vì khi hâm sợ làm phiền khứu giác của mọi người, nhất là đối với người bản xứ…Khi có party ở công sở, hiền nội của tôi thường làm những món ăn như chả ram, nem nướng, thịt bò nướng lụi ăn với bánh hỏi, hay cơm chiên dương châu.v.v..Riêng trong nhóm người Việt thì nàng thường cho ăn bún bò chánh gốc Huế, bánh xèo, bánh bèo, bánh bột lọc bánh Pate chaud (Pateso), choux a la crème (Choux).v.v…
Kể từ khi hiền nội tôi đồng ý ở nhà, mọi công việc trong ngoài nàng đều lo toan. Tôi được phân công phụ trách giặt sấy, xếp cất áo quần và cắt cỏ dọn dẹp sân trước sau. Vả lại, tôi cũng tới tuổi hưu trí cho nên tôi có thể ở nhà làm tùy viên cho bà tướng, giúp nàng bất cứ chuyện gì khi nàng cần đến. Nhưng nàng có cái tật độc lập tự lo, bất cần, lại chê tôi chỉ biết có cầm cây viết thôi, chớ đụng tới đâu là hư tới đó, không vừa ý nàng, khiến tôi nhiều lúc nổi đoá, muốn bỏ mặc để nàng tự xoay sở làm sao đó thì làm, thế mà trong bụng thầm phục sao nàng hay quá, làm luôn tay hết món nầy đến món khác, làm bữa nay, lo chuẩn bị bữa sau. Trong tuần nàng ít cho ăn cơm, toàn những món chế biến do những lần đi ăn ngoài hay học được, thế là mua sắm và chuẩn bị cho thực đơn mới, cái hay ở chỗ là nàng tự trộn lẫn các gia vị theo công thức riêng của mình để dung hòa và chính là cần phải hợp khẩu vị chung cho mọi người. Có thể nói là nàng đam mê nấu nướng vượt trên cả đam mê về âm nhạc mà nàng đã có từ trước…Ý nghĩ của nàng rất đơn giản, "người nội trợ muốn giữ được hạnh phúc gia đình, phải biết quan tâm đền các bao tử và luôn tạo những mới lạ"…Có như vậy tình cảm luôn được thăng hoa. Việc bếp núc luôn gọn gàng, nhà cửa thì sạch sẽ trắng bóng ngăn nắp. Lúc còn đi làm, tôi nào đâu biết công việc nội trợ nhiều ngập đầu đến như vậy. Vô sở, boss giao việc gì thì chỉ làm việc đó thôi chớ có đâu mà đánh đông dẹp tây, trăm dâu đổ đầu tằm như những bà nội trợ ở nhà. Tôi cứ tưởng đâu ngồi nhà là "hưởng phước". Bây giờ về hưu mới biết việc nhà chẳng "ngon ăn" chút nào và nhất là không có giờ giấc nghỉ ngơi hay giải lao gì cả.

Đi làm còn có lương tiền .
Việc nhà chẳng có đồng tiền để lưu
Đi làm còn có lúc hưu .
Việc nhà làm mãi làm hoài thấy vui
Nghề nào cũng có ngày hưu.
Chỉ nghề nội trợ không hưu làm hoài
Hô-lì-đây cũng không đoài.
Quanh năm suốt tháng chỉ hoài làm công
Nấu ăn dọn dẹp cho xong.
Một ngày ngưng nghỉ thật trông là phiền
Ai người đứng bếp thay phiên.
Ai lo chợ búa, ai chuyên việc nhà?

Vì suốt ngày cứ quanh quẩn trong nhà riết thành quen cho nên bà nội trợ của tôi không thiết se sua đua đòi như đa số chị em phụ nữ khác. Cả đời nàng không hề bước chân vào mỹ viện, cũng không theo thời trang ăn mặc và cũng rất dửng dưng với đồ trang sức. Đó là một đặc tính rất hiếm hoi ở phụ nữ mà nàng đã làm tôi mừng hết già. Vòng vàng, chuỗi ngọc bông tai, hột xoàn gì nàng cũng không tỏ ra ước muốn hay nhắc tới mỗi khi sinh nhật nàng hay Valentine’s day. Hồi đám cưới ở quê nhà có hai chiếc nhẩn đeo vào ngày cưới, nhưng đã dùng làm vốn mua bán…Cho tới bây giờ, đã ba mưới lăm năm qua nàng cũng không đòi tôi sắm lại cho nàng chiếc nhẫn khác dù là để làm của hay để đeo cho có với người ta. Nàng quan niệm sự đời là vô thường theo triết lý nhà Phật, có đó rồi không đó, không đó lại có đó, có cũng vậy, không có cũng vậy, cũng vẫn là mình với thân xác và bản chất sẵn có. Đối với nàng, vật chất xa hoa phù phiếm không quan trọng bằng đời sống tinh thần, với tâm linh hướng thượng, giữ đúng Đạo làm người. Nàng cũng như tôi không có ai là bạn thân thiết để tâm tình, chỉ là bạn giao tế tiếp xúc xã giao mà thôi. Tôi và hiền nội tôi có nhiều điểm chung và luôn có "thần giao cách cảm…"
Tâm tính nàng, do đó rất hiền hậu dễ thương của riêng tôi, không bon chen, không ganh tị. Ai hơn thì nàng mừng cho họ, ai thua thì nàng tội nghiệp giùm. Đối với ai, nàng cũng nhiệt tình tốt bụng, thà mình chịu thiệt thòi một chút chớ không để người ta phiền lòng dù vẫn biết rằng "ở rộng sẽ bị người cười". Nàng quan niệm rằng "người ta ăn thì còn, mình ăn thì hết" hay "một mặt hơn mười gói" bởi vậy khi biếu xén thức ăn hay quà cáp nàng chủ trương phải đàng hoàn và ngon miệng , đầy đủ cũng như phải có giá trị thực dụng. Do đó, nàng rất cẩn trọng, nên hay không nên, lúc nào, giờ nào và phải là cái gì?
Ngày còn ở quê nhà, hiền nội tôi luôn nhắc nhở, là đến thăm hay chơi nhà ai nhớ đến những lúc không làm phiền đến gia đình họ, sớm quá họ chưa thức, muộn quá làm mất giờ ngủ của họ, và luôn nghe nhiều hơn nói...
- Có lúc bực mình, tôi lùng bùng trong miệng, biết rồi nói mãi.
- Biết rồi, mà chín, mưới giờ tối rồi còn đi.
- Tôi nói trớ, xuống thăm nội.
- Anh ơi! mười một giờ khuya rồi, để ôn mệ ngũ tuổi già mà anh, chiều mai mình ăn sớm, rồi chở mẹ con em, mình cùng về thăm nội nghe anh.
- Nghe nàng nói mát lòng, tôi vừa cười vừa nói "tuân lệnh bà xã" và đẩy xe vào nhà .
Biết tính Chồng ít để ý đến những chuyện vặt vãnh, ngay khi sống trên đất Mỹ, hiền nội tôi vẫn bổn cũ soạn lại. "Phải đìện thoại trước khi đến nhà ai; từ bảy, tám giờ tối không nên đến nhà hay gọi điện làm phiền giờ nghỉ ngơi của người ta. Viết đến đây, tôi tự cười thầm trong bụng, "đúng là đàn bà, cái gì cũng tăng măng tỉ mỷ, làm như mình là con nít không bằng". Nói vậy! chứ điều cẩn thận, chu đáo của nàng là quá đúng. Vì vậy, tôi luôn nhớ và làm theo những điều nhắc nhở của mẹ trẻ.
Theo tôi nghĩ ! Một trăm bà là hết chín mươi chín bà như vậy rồi. Chỉ còn người thứ một trăm không cằn nhằn chắc là vì… bất bình thường hoặc vì quá chán nản muốn bỏ mặc xác ông chồng, không thèm đếm xỉa tới nữa. Bởi vậy ông nào còn được vợ cằn nhằn là phải nên mừng chớ đừng có nổi xung thiên đổ quạu. Một mai bà vợ chết rồi muốn nghe lại điệp khúc trường thiên của nàng cũng không còn đâu nữa mà nghe.
Chỉ cần làm được chút gì nho nhỏ cho người khác vui là nàng đã thấy lòng hân hoan phơi phới còn hơn được ai mời đi party tiệc tùng. Nàng không thích những nơi ồn ào náo nhiệt đông người vì ở những nơi đó nàng cảm thấy bỡ ngỡ lạc lõng làm sao. Bởi vậy, chỗ nào có "sơn đông mải võ", chỗ nào có hội chợ, có họp hành hoặc chen lấn giành giựt là chỗ đó không có nàng; đúng theo quan niệm nhàn của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm "Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, người khôn, người đến chỗ lao xao".

NIỀM VUI

"Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chỗ lao xao
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây, ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú quí, tựa chiêm bao".

Nay chồng, cùng vợ, cả hai nào
Hạnh phúc bên con lắm ánh sao.
Ta dại chỉ cần nơi tĩnh mịch
Người khôn, người chọn chốn lao xao
Thu về lá úa, đông băng giá
Xuân đến đơm bông, hạ gắt gao
Nếp sống gia đình, luôn ấm áp
Thỏa lòng ước nguyện, giấc chiêm bao.

Ở những chỗ lao xao thì trước sau gì cũng sẽ có chào xáo, bởi vì cái miệng người đời khó tránh được những chuyện thị phi, lời qua tiếng lại và những đố kỵ dèm pha. Thôi thà cứ núp trong vỏ sò vỏ ốc của mình, sống với nội tâm và niềm vui riêng với gia đình do mình tự tạo. Chúng tôi hợp nhau ở điểm đó. Có vài người quen thấy chúng tôi cứ quanh quẩn trong nhà, nên gợi ý, chúng tôi thỉnh thoảng nên đi nghe nhạc giải trí, hoặc đi coi đại nhạc hội cho vui thì nàng chỉ cười và im lặng.
Mỗi người có thú tiêu khiển riêng, hiền nội tôi thích nghe nhạc, mục nấu ăn, tin tức thời sự. Tôi thì tìm tòi, học hỏi, tập tò viết lách để trải lòng những niềm vui, nổi buồn của cuộc sống, tìm hiểu về những bình luận cũng như nhận định về thời cuộc. Buối tối, khi lên giường hai vợ chồng thường trao đổi ý kiến của nhau, về thời sự trong ngày, cũng như chuyện trên trời, dưới đất...đến 10:00pm đi vào giấc ngủ.
Về phương diện nhân nghĩa, tình người thì nàng nhân nhượng thua thiệt vậy đó nhưng đụng tới đời sống thực tế họặc những gì có liên quan tới khoa học, sức khỏe thì phải có chứng cớ, lý lẻ rành mạch hẳn hoi thì mới mong thuyết phục được nàng. Nếu không nàng sẽ cãi lý tới cùng. Cũng rắc rối khó chịu lắm chớ chẳng vừa gì !!!
Chẳng hạn như mấy bà bạn đi Việt Nam qua, cho trà đinh, bảo rằng chế uống để chửa bệnh này nọ…nàng vẫn nhận cho bạn vui lòng, nhưng mang về nhà là cho vô thùng rác, đến cả thức ăn, như cọng rau màu xanh dùng để trộn gỏi ăn dòn tan, mà đã có lần ăn ở các nhà hàng Việt, sau nầy mới biết, vì có người quen mang từ quê nhà qua biếu, nhưng hỏi ra chẳng biết loại rau quả gì! mà khi đã không rõ nguồn gốc là hiền nội tôi không bao giờ dùng, nhất là thức ăn đồ uống. Ngay cả những món cá như khô đuối, khô lóc, khô sặc v.v…cũng vậy. Hiền nội tôi nghĩ rằng thức ăn tươi bao giờ cũng tốt cho sức khỏe hơn. Theo tôi "của một đồng, công một nén" vì tiếc công tiếc của, nàng làm theo ý tôi, nhưng khi chiên và nướng lên thì chất dầu của cá có mùi khó ăn, lại thêm quá mặn, chắc là phơi chưa được khô hay để quá lâu chăng? Điều đó không rõ… Nhưng dẫu sao ý của nàng, theo tôi vẫn đúng.
Trong suốt ba mươi lăm năm chung sống, có rất nhiều vấn đề khi bàn bạc với nhau, nàng phân tích, đưa ra những lý lẽ vững chắc hợp lý, nhưng vì tự ái cũng như cái tôi (bản ngã - chấp ngã) quá lớn, đôi lúc tôi đã không nghe theo nàng (bụt nhà vốn không linh) đưa đến những hậu quả tai hại, nhẹ thì hư đường hư bột, cơm không lành canh không ngọt sơ sơ, còn nặng thì im lặng, chiến tranh lạnh kéo dài, mỗi lần như vậy, không biết đúng sai, người làm hòa đầu tiên vẫn là tôi. Suy nghĩ của người làm Chồng, làm Cha như tôi là phải cởi mở để thông cảm hơn là trói buộc để đi đến bế tắc ...Khi đã không cùng nhau nhìn về một hướng và không cùng quan điểm như nhau gia đình khó mà có hạnh phúc.
"Có thể im lặng để cơn giận tan biến, hơn là im lặng để chờ một câu "xin lỗi" từ nhau…Ai đúng, ai sai đâu quan trọng, nếu thực sự yêu thương, hãy bỏ qua lòng tự trọng của mình mà làm lành trước. Đừng để im lặng vô tình tạo nên khoảng cách. Có những thứ mất đi rồi đâu thể lấy lại được!".
Nói về hạp tuổi! điều này tôi không quan tâm cho lắm, nhưng trong nhà Mạ và em gái tôi nói tốt lắm "Thân-Tý-Thìn tam hạp". Tôi tuổi Thân, nàng Thìn, con trai đầu lòng tuổi Tý. Suy cho cùng, điều mà hiền nội tôi nói cũng đúng phần nào, đứa con gái tuổi Mẹo luôn ăn hiếp anh trai tuổi Tý. Mỗi lần cho đồ chơi hay thức ăn, thì em gái một tuổi luôn dành phần của anh, lại còn kéo áo níu tóc anh dành cho bằng được, thường thì anh nhường cho em, có lúc không vừa ý, em lại đánh vào mặt anh…Thế là thằng anh mới ba tuổi chạy đi mét Mẹ, vừa mếu máo vừa nói "Mẹ nói với nó, nó còn nhỏ con nhịn nó, mai mốt nó lớn con không nhịn nó". Nàng dỗ dành con "em còn nhỏ mà, thôi, để mẹ nói với em nghe". Những lần về sau, khi cho thức ăn nàng đều phân làm hai, hai tay hai cái, với đồ chơi cũng vậy…cô bé thấy mình có cả hai tay rồi, vả lại hai tay đều bận cũng chẳng làm gì được . Kể từ đó bé hết dành của anh.

GIA ĐÌNH Vợ Thìn chồng Khỉ tuổi thân Tý anh ba tuổi phân trần thiệt hơn Em Mèo vừa đúng một năm Dành anh, mọi thứ về luôn phần mình

THÚ VUI NUÔI CHÓ MÈO
Ngày mua Turbo, người bán nói với con tôi là nó đã được 8 tuần tuổi (hai tháng). Nhưng vợ tôi bảo sao mà nó nhỏ xíu, chân nó còn yếu đi chưa vững, nó nhai thức ăn rất khó khăn, phải ngâm thức ăn vào nước cho mềm, hoặc cắt nhỏ thì nó mới nhai được. Khi đã nuôi được 2 tháng đem nó đi chích ngừa, Bác sĩ cho biết bây giờ nó mới được 8 hoặc 9 tuần tuổi mà thôi, nếu biết như vậy thì đã mua sữa cho nó uống thêm, thật tội nghiệp cho nó quá.
Khi mới đem Turbo về phải tập cho nó đi tiểu tiện trong tả, chỉ tập vài lần là nó quen. Nhà có nhiều phòng nó đi chơi lang thang từ phòng này qua phòng khác, nhưng khi cần đi tiểu tiện là nó đến ngay góc giang bếp nơi có để tả sẵn cho nó. Turbo chưa lần nào đi tiểu bậy trong nhà. Hiện nay Turbo đã lớn không cần dùng tả nữa. Nhưng thỉnh thoảng vào khoảng 2 hoặc 3 giờ sáng khi cả nhà còn ngủ ngon giấc, bỗng nghe tiếng cào nệm giường sột soạt, thì ra là Turbo kêu mở cửa giùm để đi tiểu bên ngoài.
Kể từ ngày có Turbo đến nay trong nhà cảm thấy vui hơn... nhưng khốn nỗi tất cả giày dép đều bị nó cắn đứt quai. Nó chơi đồ hàng vung vãi đầy nhà, nó còn biết canh giờ chiều tối để đòi dắt đi bộ bên ngoài, nó hiểu và làm được khi ai bảo Turbo ngồi, đứng, lăng tròn, bắt tay.v.v...Turbo làm biếng ăn thức ăn dành riêng cho nó (dog food) mà chỉ thích ăn đùi gà luộc chín mềm.
Mùa đông nội tướng của tôi lại sắm cả áo lạnh bằng da và nỹ để thay đổi. Hiện nay Turbo đã được năm tuổi, hằng năm vẫn đi chích ngừa, thử máu, Mỗi ba tháng phải đi cắt lông cắt móng chân, Nó luôn mạnh khỏe và lên cân đều đều, hiện nay cân nặng được 13.5 pound.
Việc nuôi mèo lại càng vất vã hơn...Vào một ngày đẹp trời, con gái tôi nhận được free kittens, mang về một mèo con mới sinh, thế là hai mẹ con sửa soạn đồ dùng như nôi, tả, bình và sữa cho thành viên mới, thấy mọi người lo cho mèo Turbo cũng lăng xăng bên cạnh. Tuần đầu chú mèo vẫn bú sửa bình thường, nhưng qua tuần kế tiếp cả nhà thấy khác vì nó bú ít hơn, mỗi lần leo vào nôi thấy yếu hơn, hiền nội tôi bảo con gái đem đi Bác sĩ, được biết nó thiếu kháng sinh vì không có sữa mẹ...Công việc nhà bị bỏ bê vì cần chăm sóc cho mèo con, đến tuần thứ ba có dấu hiệu tốt được vài ngày, sau đó lại đi tiêu lỏng, nhà tôi thức đêm bên nó, đến khi vợ tôi đánh thức dậy và cho biết là nó yếu dần và bốn chân giật liên hồi rồi ra đi. Tiếng thở dài lẫn với ánh mắt tiếc thương của hiền nội làm tôi cũng se lòng, con gái đang trực đêm ở bệnh viện, nghe mẹ báo tin cũng khóc nghẹn ngào. Hiền nội gói gọn thân hình bé nhỏ trong tấm mền và nói với tôi sáng mai đem chôn nó dưới gốc cây tùng sau vườn. Sáng hôm sau dậy sớm, tôi đào sâu khoảng ba tấc đất bên cây tùng và đặt nó xuống xong lấp đất. Lòng tiếc thương cho một sự sống đã vội mất, của một thành viên nhỏ bé trong gia đình. Hiền nội tôi thu dọn vật dụng của Rex với gương mặt buồn rõ né́t, thấy vậy tôi tản lờ đi vào phòng. Kể từ đó nàng không nuôi thêm, mà chỉ tập trung cho mình Turbo.
Nhân thời gian nghỉ hưu, hiền nội tôi bàn tính để tôi về với Nội trong những ngày tháng còn lại. Vì thế nên những năm từ 2009 về sau, mỗi năm vào ngày lễ Tạ ơn tôi lại về thăm Bà Nội các cháu, cuối năm 2010 anh cả mất, mạ tôi lại đơn chiếc hơn, đến ngày 16 tháng 3 năm 2012 Mạ tôi ra đi...lo xong tang lễ tôi phải đi, năm 2013 tôi về giỗ đầy năm cho Mạ tôi.
Nàng lo cho tôi chu toàn từ cái ăn cái mặc tới sức khỏe thậm chí cả chuyện giao tế bạn bè. Biết tôi không có nhiều bạn nên cứ vài tuần là nàng nhắc tôi gọi phone họặc gởi email thăm bạn bè để giữ liên lạc.
Người xưa có nói vợ chồng là nợ là oan gia cũng có phần đúng. Nhìn đi nhìn lại chung quanh mình thì đâu có bao nhiêu gia đình được ấm êm hạnh phúc trọn vẹn một lèo. Vợ hay chồng nếu không tật xấu này thì cũng chứng nọ thói kia đưa đến tình trạng gây gổ chì chiết nhau bởi con người đâu có ai hoàn mỹ vẹn toàn. Không đổ vỡ là đã may mắn. Phần tôi, nếu nói hạnh phúc toàn hảo là dối lòng, nhưng nói không hạnh phúc thì cũng không đúng. Thôi thì cứ cộng trừ nhơn chia rồi lấy điểm trung bình. Bản thân mình đâu có hoàn hảo mà muốn người khác thập toàn. Chỉ cần biết châm chước, chấp nhận những gì xảy đến với mình trong cuộc sống hằng ngày; Từ đó, mình sẽ thấy bản thân có được nhiều hạnh phúc với hiện tại bên gia đình: "Hiền nội và con cái". Rồi một đời cũng sẽ qua. Một trong hai sẽ có người đi trước để người còn lại phải ngậm ngùi tiếc thương...

Vợ Chồng tuy một mà hai
Phu thê nghĩa nặng cả hai chung lòng
Thuyền bơi mát mái xuôi dòng
Hương yêu tuổi trẻ, già nồng tình chung
Tình Thương vẫn mãi nhau cùng
Thủy chung là điểm ta cùng quan tâm
Vợ Chồng nghĩa nặng tình thâm
Tuy hai mà một thân tâm an bình.!


- Người vượt biển đổ bộ lên đất liền trong nhiều hoàn cảnh khó khăn, thường không còn được chính quyền các nước vùng Biển Đông tiếp nhận từ giữa thập niên 1980.
- Trại tỵ nạn Panatnikhom - Thái Lan
- Ngày đoàn tụ.
- Mẹ bồng cháu lúc ba tháng.

KínhLoan 35 năm


Nguyen Do

Bài viết rất hay của một người có chí khí 👍

Đông Lợi Long

Cảm ơn anh đã ghé nhà,

Biết qua "tệ xá", thật là đơn sơ.!

Gia đình, cuộc sống, tuổi thơ

Giải bày ký ức, ước mơ thỏa lòng.

Julianna Phượng

Hay quá Con đọc đi đọc lại k biết bao nhiêu lần có lẻ thuộc luôn.

Đông Lợi Long

"Cảm ơn cháu Phượng đọc qua

Nổi lòng tâm sự xót xa đoạn trường..."

Julianna Phượng

Thật là ngưỡng mộ và khâm phục những chẳng đường đã đi qua.

Đông Lợi Long

Đoạn đường của một con đường

Cỏ cây ghềnh đá chắn đường ta đi

Con đường dầu khó vẫn đi

Lòng ta vẫn quyết phải đi tới cùng...

Hồ Thân

Nguyen Do tay nầy là bạn học từ nhỏ cùng quê mình đó

Nguyen Do

Hồ Thân Anh Đông Lợi Long viết bài rất hay. Thanks.

Huỳnh Nương

Sẻ chia một chút ngậm ngùi

Cảm thông một chút thêm vui bớt buồn..!*

Đông Lợi Long

Ngậm ngùi, biết tỏ cùng ai.?

Nổi lòng, chia xẻ với ai cùng mình.!

Hai ta san sẻ chút tình

Mình ơi! Mình ạ! hai mình, có nhau

Huỳnh Nương

...Nghiêng mình kiếp sống quá chơi vơi

Bão táp xô nghiêng mấy chặng đời

Nghiêng ánh trăng tà soi thế nước

Trăm năm nổi sóng lệch nghiêng trời ?!*

Đông Lợi Long

Lật nhào cuộc sống, thấy chơi vơi

Bảo táp xoáy tung cả đất trời

Dựa ánh trăng tàn, buồn vận nước

Ngàn năm tái diễn "Nước" tiêu đời.

Huỳnh Nương

Đông Lợi Long Chỉ mới NGHIÊNG thôi,

chưa có NGÃ làm sao mà lật nhào ?!

Đông Lợi Long

Bạn nghiêng, mà chưa ngã.

Nhưng tớ đã bị lật nhào,

loi ngoi lóp ngóp rồi đấy!

Huỳnh Nương

Đã đọc THU SẦU MUỘN thấy lòng buồn mênh mang !

Đông Lợi Long

TUỔI THƠ

Ai cũng có tuổi thơ thời ngây dại !...

Hình ảnh xưa đọng lại mãi tâm hồn

Tuổi thơ ta.! Dìu dắt, mãi lớn khôn

Bao ký ức ... từng ngọn, nguồn êm ả

Rồi thơ ấu, lớn dần trôi muôn ngả

Theo tháng năm xuôi ngược đã hao gầy

Nhưng vẫn luôn, ấp ũ tuổi thơ ngây

Sống kỷ niệm, nhớ những ngày tháng cũ...