DÂU RỄ GIA ĐÌNH ĐÔI BÊN
Dâu Rể có mối quan hệ tốt với cha mẹ đôi bên là điều quan trọng. Vì họ là bậc sinh thành đã chăm sóc, dưỡng dục bạn đời của chúng ta. Cho dù họ có khuyết điểm gì, hay ở bất cứ tầng lớp nào trong xã hộ thì ta luôn phải dành tình cảm yêu thương và kính trọng, cũng như biết ơn họ. Vì họ là người lớn tuổi, vả lại họ là đấng sinh thành người phối ngẫu của ta. Mặc dù bạn đời của ta và họ đều là "người dưng nước lã" trước đây, nhưng bây giờ là Mẹ/Cha; Ông Bà Nội Ngoại của Con chúng ta; Như vậy, tất cả trở thành người thân yêu trong "tam đại đồng đường". Từ đó tình cảm được vun bồi cho quan hệ tốt đẹp giữa hai gia đình, không chỉ cháu chắt, dâu rể mà cả sui gia nội ngoại hai bên. Tấm chân tình của mỗi người được thể hiện qua "Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín" có thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ họ. Nếu tập trung vào những phẩm chất tốt của cha mẹ đôi bên và bắt chước theo, chúng ta có thể trở thành người phải lẽ và hiểu chuyện hơn.
Đời sống của mỗi cá nhân luôn được bắt đầu từ phạm vi gia đình và gắn liền suốt cuộc đời của họ, bởi gia đình là môi trường có vai trò hết sức quan trọng. Nếu gia đình được coi là tế bào của xã hội thì mỗi thành viên trong gia đình được coi là hạt nhân của tế bào này. Đồng thời là nơi thể hiện sự kính trọng và yêu mến lẫn nhau giữa các thành viên trong một gia đình.
Ông cha ta ngày xưa nói: "Dâu là con…" thì quả là không sai chút nào. Trong cuộc sống hiện nay dù là dâu hay rễ vai trò trách nhiệm đối với gia đình chồng hay gia đình vợ đều có sự tôn trọng ngang nhau không nên thiên lệch về một bên nào. Vậy muốn giữ được hòa khí với nhà chồng người con dâu ngoài tình cảm chân thật đối với gia đình chồng ra, họ còn có sự khôn ngoan khéo léo ứng xử tế nhị với nhà chồng sao cho "trong ấm ngoài êm" chẳng khác nào con ruột. Người con dâu nên hiểu rằng: Khi cha mẹ chồng "gởi gắm" đứa con thương yêu nhất của mình vào tay ta, tức là họ đã giao cho mình một "báu vật". Bởi vì trong tình cảm cha mẹ chồng, chồng của mình là sản phẩm mà họ "tạo ra", và dày công nuôi dưỡng vậy thì bao giờ chồng mình đích thị là "Vật báu" của họ rồi. Cho dù họ có nói gì về những đức tính chưa tốt của con trai thì đó cũng chỉ là muốn chúng ta thấy rằng: Họ rất khách quan trong việc đánh giá con cái. Nhưng đừng tưởng như vậy là mình thắng thế, thực ra trong đầu họ vẫn suy nghĩ rằng: Con họ không xấu như họ nhận xét đâu, người tốt số lắm mới chiếm lĩnh được "báu vật" ấy của họ đấy. Ta thử nghĩ xem, ai nỡ đi chê một báu vật trước mặt chủ nhân của nó! Nếu như ta nhất thiết phải phơi bày thói hư, tật xấu của chồng mình trước mặt cha mẹ chồng thì nhớ hãy bày tỏ bằng một thái độ dễ mến nhất. Bằng cách nói nửa đùa, nửa thật. Sự dí dỏm trong câu nói của mình sẽ khiến cha mẹ chồng cảm thấy vui mà chồng bạn cũng không cảm thấy bị xúc phạm. Ví dụ chồng đi làm về là dán mắt vào ti vi thì bạn chỉ cần nói: "Anh ấy không những mê bóng đá mà còn mê luôn cả cô dẫn chương trình có phải không mẹ"? Như vậy chắc chắn sẽ tốt hơn là bạn nói "Chồng gì mà lười bếng quá, đi làm về là dán mắt vào ti vi chẳng giúp đỡ việc nhà gì cả, sau này con sẽ khổ suốt đời". Khi ta phê bình chồng trước mặt cha mẹ chồng thì mình sẽ không lường hết được sự phản ứng giận dữ mà ta gieo vào lòng cha mẹ chồng, khi đó đã đánh mất cảm tình đối với họ.
Đối với con rể thì sao? Còn câu "…Rể là khách", Nếu nói như thế thì các cụ ngày xưa chẳng công bằng chút nào, bởi con nào cũng là con kia mà. Tại sao chàng rể mặc nhiên coi mình là người khách đối với gia đình nhà vợ? Chàng rể khi đến nhà bố mẹ vợ thay vì ngồi yên một chỗ nhìn chằm chằm vào ti vi, thì hãy thử đi qua xem có việc gì cần làm không? Như xách nước cho mẹ vợ rửa rau, làm cá, hay sữa lại cái khóa, đóng lại cái đinh, nếu cần chạy đi mua gì đó mà vợ hay mẹ vợ nhờ. Nói tóm lại phải chủ động đối với những công việc bên gia đình vợ giống như gia đình mình, có như vậy sẽ không còn là khách nữa mà là một đứa con thực sự trong gia đình vợ, như vậy bố mẹ vợ sẽ yêu quý bạn hơn. Chúng ta có nhận thấy sự khác biệt giữa việc mình ngồi yên uống nước, xem ti vi, bên cạnh những bước chân thân thiện đi lại trong nhà bố mẹ vợ không? Chắc chắn là khác rồi. Vì chỉ có những người muốn mãi mãi là khách thì họ mới ngồi yên một chỗ chờ mẹ vợ dọn cơm lên ăn. Còn bạn là chồng của con gái họ! Bạn cũng đã gọi họ là bố mẹ. Vậy thì bạn nên xuất hiện ở đây với tư cách của một người con trai mà họ đã có được.
Người con gái khi đi lấy chồng ai cũng đều có nỗi lo âu, thương nhớ, mất mát tình cảm của bố mẹ. Họ muốn được trở về nhà cha mẹ ruột cùng chồng, để bù đắp phần nào sự thiếu hụt tình cảm ấy. Chồng hãy sẵn lòng đáp ứng ý muốn đó của vợ, nhưng khi đến nhà vợ thì chồng nên sinh hoạt với gia đình vợ như chính gia đình mình vậy, lúc đầu thì hơi gượng gạo một chút nhưng dần thì thành quen, chồng sẽ trở thành một thành viên được gia đình vợ coi trọng, mừng vui. Vợ sẽ có cơ hội được sum họp với gia đình một cách vui vẻ. Làm một cuộc "cách mạng" tư tưởng như thế cũng đáng mặt nam nhi lắm chứ, có gì đâu mà không làm được.
Con dâu hay con rể nếu chúng ta biết cách đối nhân xử thể với gia đình chồng hay vợ, như chính là đứa con họ rứt ruột đẻ ra thì mọi sinh hoạt sẽ cảm thấy thoải mái tự tin và cuộc sống vợ chồng vô cùng hạnh phúc.
Người phụ nữ Việt Nam từ lúc sinh ra đã phải chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội bởi tư tưởng trọng nam khinh nữ từ ngàn đời. Đặc biệt là sau khi kết hôn, gánh nặng về trách nhiệm của người vợ càng lúc càng đè nặng trên vai. Nào là, bổn phận khi về nhà chồng, nào là nghĩa vụ của con dâu với bố mẹ chồng. Với chồng phải ngoan ngoãn, nghe lời, với bố mẹ chồng thì phải lễ phép, đảm đang… v.v...
Người ta cứ mặc nhiên đòi hỏi người phụ nữ "Tứ Đức" phải sống sao cho "công, dung, ngôn, hạnh" với chồng, với bên nội. Nhưng chẳng có ai một lần mảy may nghĩ lại xem người chồng phải cư xử làm sao với nhà vợ để đáp lại điều ấy.Phụ nữ sau khi kết hôn thường nhanh chóng nhận ra rằng: Nhà chồng chính là nhà của mình, nhưng với chồng thì con rể lại là khách nhà vợ.
Trong suy nghĩ của các ông chồng, phụ nữ phải "Tam Tòng" (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử) là chuyện đương nhiên phải theo nhà mình, bố mẹ chồng sẽ trở thành bố mẹ của vợ luôn.
Bởi quan niệm xa xưa ấy.! nên rất nhiều người phụ nữ mặc nhiên phải phục tùng, phải hiếu thuận với bố mẹ chồng và hòa nhập vào gia đình nhà chồng. Trong khi chồng thì lại chỉ biết dửng dưng trước mọi trách nhiệm với nhà vợ. Họ nghiễm nhiên coi bố mẹ vợ là người dưng, chẳng liên quan gì đến mình và cũng chẳng cần chăm sóc, báo hiếu.
Hãy luôn nhớ một điều rằng trong cuộc hôn nhân, phụ nữ mới là người thiệt thòi nhất. Bởi họ phải rời xa bố mẹ mình, rời bỏ căn phòng thân thuộc suốt bao năm, một mình chuyển đến nơi xa lạ để chăm sóc, phụng dưỡng và chiều lòng mẹ chồng, người nhà chồng.
Thế nên, đừng bao giờ chỉ biết nhận mà không biết trao đi, muốn vợ đối xử tốt với bố mẹ chồng, trước hết chồng hãy coi người nhà vợ là người thân đi đã. Hãy chăm lo cho nhà vợ chu toàn như cách chồng đòi hỏi vợ phụng dưỡng bố mẹ mình. Lúc đó chẳng cần đàn ông phải nói, phụ nữ tự biết cách cư xử đúng lễ nghi... Khi đó vợ chồng và cha mẹ cũng như anh chị em đôi bên sẽ hài hoà vui vẻ, hạnh phúc viên mãn.
- Gia đình hạnh phúc lớn. Ông bà nội ngoại, cha mẹ và con cháu . Tam đại đồng đường (ba thế hệ).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét