Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

COVID - 19

 


CORONA VIRUS

Cô Vi đến, kinh hoàng toàn thế giới
Làm người đời lắm cảnh phải phân ly
Tin hằng giờ người chết đã ra đi
Nhìn con số thở dài vì Virus

Cô Vi đến đời ta, sao buồn chán
Ở bên Tàu wuhan ráng yên thân
Cớ làm sao.! Cô lại bỏ đi hoang
Đem mầm chết gieo rắt toàn thế giới

Cô đã đến, nhưng đi.! ta không biết
Mọi người đau sắp chết thật buồn sao
Khi ra đi chẳng thấy được người thân
Lòng xao xuyến tâm hồn bao nhung nhớ

Cô đã giết muôn ngàn dân vô tội
Tiếng khóc than vang tận tới trời cao
Khiến thế gian điêu đứng bởi vì Cô
Lòng thù hận, toàn cầu sôi sục máu

ĐỪNG BAO GIỜ CÔ HỎI.!

Tại sao ta ghét nhau
Bởi Cô làm đau đớn:
Vì sao thân người nóng
Vì sao lạnh chân tay

Vì sao toàn thân run
Vì sao chân không vững
Vì sao và vì sao.!
Bây giờ người van Cô

Hãy cho ta được thở
Lồng ngực ủ rũ buồn
Giờ ta xin được buông
Về bên kia thế giới

Cô, ngang bằng sự chết
Lưỡi hái của tử thần
Gieo rắt nỗi kinh hoàng
Giết người không thương xót...

MÙA DỊCH VỚI CÔ VI

Trần gian virus đã lan tràn
Đại dịch Cô Vi quả lộng hành
Hết thảy Mọi người sợ vướng phải
Chinese virus sống không an

Hoảng sợ, người dân tâm bất ổn
Khóc than lo lắng suốt ngày đêm
Cướp đi mạng sống người thân ấy
Không được nhìn nhau kề cận bên

Thế giới, vì Cô, mà nhuốm bệnh.
Nhưng Cô, vẫn quyết giết không tha
Làm cho thế giới luôn điên đảo
Sống chết trong tay kẻ sát nhân

Cô sống cùng chung một chế độ
Độc tài Cộng Sản với Hồ - Mao
Chôn người đấu tố không tha mạng
Nên thích giết người uống máu tươi.

Hãy tưởng tượng thành phố bạn đang sống là một thành phố chết. Những con đường vắng tanh, các bệnh viện quá tải, không còn giao thông công cộng. Hãy tưởng tượng đất nước của bạn đang ở, cuộc sống ngưng đọng lại, các nhà máy im lìm vắng lặng, cư dân bị phong tỏa tại nhà; Trung tâm y tế, bệnh viện đông nghẹt người. Những phi trường, nhà ga vắng lặng và cả đất nước bị cách ly! Đó là tình hình của những nơi mà Cô Vi có nhã hứng, chiếu cố ghé thăm cùng với lưỡi hái Tử thần của mình. Cô Vi ghé nơi nào, ít tuần sau thành phố đó hoặc thậm chí cả một quốc gia ở đó bắt đầu rỉ máu rồi chìm vào hôn mê, tê liệt…ra đi. Cô Vi "lang bạt kỳ hồ", đã đang và vẫn không ngừng gieo rắc nỗi sợ hãi cho cả thế giới.

30042020

HÒA HỢP HÒA GIẢI ĐỂ THỐNG NHẤT DÂN TỘC


Ngày 30 tháng 4 năm 2022

Nơi đất khách, lòng người buồn hiu hắt
Nhớ về quê, cha mẹ cách muôn trùng
Tình quê hương ấp ủ mãi bên lòng
Chim lìa tổ ,lạc loài đôi cánh mỏi

Ba Mươi Tháng Tư : Tự Do đất nước
Sao triền miên dân tù ngục tội tình.
Thật điêu ngoa, miệng lưỡi giống hồ tinh.
Không, ngày đó với ta: "Ngày quốc hận".


HÒA HỢP HÒA GIẢI ĐỂ THỐNG NHẤT DÂN TỘC

Tiếng nói (ngôn ngữ), Văn hóa, Lịch sử cùng những giá trị truyền thống của nó là yếu tố tạo thành một khối; Đó là Dân tộc.

Vậy thống nhất lòng dân (dân tộc) là một sự hợp nhất, đồng ý, đồng lòng với nhau, không mâu thuẫn nhau, tất cả toàn dân hợp lại thành một khối, cùng sát cánh với chính quyền thực hiện chủ trương "dân giàu nước mạnh, văn minh tiến bộ".

Đã tròn 47 năm thống nhất, (30-4-1975 / 30-4-2022) chế độ ăn mừng như vậy là quá đủ rồi. Các anh đâu phải thắng Tây, thắng Tàu đâu mà 47 năm đã qua, các anh vẫn thổi mãi hồi kèn lạc điệu để tự ca ngợi cái chiến công xâm lăng xưa cũ khi thắng người anh em phía bên kia chiến tuyến.

Mà Than ôi.! Đó lại là những người anh em đồng bào máu đỏ da vàng của mình. Đó cũng là người Việt Nam, nói tiếng Việt và cùng lớn lên trong tiếng ru hời, những điệu hò tiếng hát của ông bà tổ tiên chung một giống nòi như các anh. Họ chiến đấu cũng giống như các anh chỉ để bảo vệ phần đất hình chữ S này giống như các anh. Nếu có một người thắng cuộc thì cũng có một người thua cuộc. Một người hò reo chiến thắng thì một người nghiến răng căm hận. Một người nâng ly mừng thì một người lặng lẽ rơi nước mắt…
Đã 47 năm qua, hơn nửa đời người và đó là khoảng thời gian mà hận thù với người anh em bên kia trận tuyến phải được quên đi. Chỉ quên đi để hòa giải, và chỉ có quên đi thì mới có hòa hợp dân tộc. Đó là thời gian mà tiếng reo hò chiến thắng kia đáng lẻ phải nhạt dần, nhường chỗ cho tiếng khóc than thua thiệt; Bởi lẽ qui luật muôn đời là tiếng hò reo mừng chiến thắng chỉ có giới hạn, nhưng nỗi đau buồn là vĩnh viễn khôn nguôi.

Đó là khoảng thời gian đủ để một nửa dân tộc phải tự thấy là lố bịch vô cảm khi mừng vui trước một nửa kia buồn tủi nghiến răng khóc hận. Đất nước Việt Nam mãi mãi có một người mừng chiến thắng thì mãi mãi sẽ còn một người thân như cha, mẹ, vợ con ông bà phải tủi hổ, rồi những đứa con, cháu chắt ta sẽ mãi mãi có kẻ thắng người thua ngay chỉ trong một gia đình. Đất nước cứ chia rẽ "Quốc Lễ với Quốc Hận" đến muôn đời sao…

Giờ đây thì thắng thua còn ý nghĩa gì nữa khi đã 47 năm qua đất nước vẫn còn qúa nhiều người nghèo đói, trình độ dân trí chưa được nâng cao, lòng dân ly tán, khi nghĩ đến chế độ "Đảng giàu dân yếu".

Niềm hân hoan mừng vui chiến thắng của giới "tư bản đỏ" giờ đây đã cạn, nhưng nỗi đau của người anh em thì vẫn còn nguyên vẹn và không ngừng rỉ máu. Diễn binh rầm rộ, cờ xí biểu ngữ rợp trời, pháo bông tỏa sáng, ăn mừng chiến thắng mãi thì có hòa giải và có hợp lòng toàn dân tộc Việt Nam bất kể chính kiến không…?

Ba yếu tố hợp nhất (lãnh thổ, dân tộc, chính quyền) thành một quốc gia đoàn kết, vững mạnh. Nhưng ở đây thống nhất đất nước mà không thống nhất lòng dân thì có gì để đáng tự hào mãi. Các anh chẳng được gì hết khi giờ này còn tổ chức mừng vui lễ hội. Một nửa dân tộc mừng vui vì đã xát muối vào lòng của một nửa dân tộc còn lại như đã làm suốt 47 năm qua để được gì.

Mọi người, mọi dân tộc đều biết "hòa hợp hòa giải dân tộc" là xu hướng của thời đại, chậm ngày nào là tụt hậu ngày ấy. Nhưng các anh chỉ nói chứ không làm (tri hành bất nhất) thì hòa giải hòa hợp cái gì.

Điều mà các anh nên làm là hoà hợp hòa giải với người dân bị trị trong nước, thống nhất một lòng với cấp lãnh đạo, để "trị nước, giúp đời, trị đời giúp dân" (kinh bang tế thế, kinh thế tế dân).

Tư tưởng “ thấu hiểu lòng dân”, “gần gủi và thân với dân” của chế độ phong kiến chỉ dừng lại ở cử chỉ, thái độ của kẻ “bề trên” đối với Nhân dân: “Dân chi sở hiếu, hiếu chi; dân chi sở ố, ố chi; thử chi vị dân chi phụ mẫu” (dân thích điều gì, người thích điều ấy; dân ghét điều gì, người ghét điều ấy; thế mới là cha mẹ dân).

Vậy thì các anh mong chi điều thiêng liêng ấy khi cứ đến ngày 30/4 đế lại tổ chức ăn mừng vào chiến công xưa như một kẻ chỉ biết ăn mày vào quá khứ,

các anh chỉ biết nói như con Vẹt: Quên đi quá khứ để hướng về tương lai, nhưng trong hiện tại các anh lại cứ huênh hoang khoác lác cho thắng lợi đã gần nửa thế kỷ qua, đúng là "ăn mày dĩ vãng", giống như con thằn lằn chỉ biết ăn đuôi của mình để sống…

Ngay bây giờ các anh nên chọn cuộc sống "thực tế" để thay thế và tránh những hệ lụy của cuộc sống "thực dụng" hiện nay.!

- Sống thực tế là hiểu rõ thực trạng cuộc sống, không mơ mộng hão huyền hay tìm cách trốn tránh thực tại. Sống thực tế là hiểu rõ năng lực và giá trị thực của bản thân của đất nước, để có thể phát huy tốt nhất khả năng của mình cho quốc gia, dân tộc.

- Sống thực dụng là bất chấp thực tế, bất chấp năng lực thực sự của mình ra sao mà chỉ chăm chăm giành được cái lợi nhỏ trước mắt, ngoài ra mặc kệ hậu quả sau này nghiêm trọng thế nào, không quan tâm. 

Thứ Hai, 24 tháng 4, 2023

CON SEN MUỐN ĐƯỢC TĂNG LƯƠNG.!

 

CON SEN MUỐN ĐƯỢC TĂNG LƯƠNG.!


Bà chủ rất thắc mắc vì chuyện đòi tăng lương nên hỏi con Sen:

“Tại sao mày muốn được tăng lương?”

Con Sen: “Thưa bà có 3 lý do.

Thứ Nhất, tại vì con ủi đồ giỏi hơn bà”

Bà chủ: “ Ai nói với mày thế?”

Con Sen: “Ông chủ nói với con như vậy”.
Bà chủ vẻ mặt cau có

Con Sen: “Thứ Hai là con nấu ăn ngon hơn bà”.

Bà chủ: “ Ai dám nói là mày nấu ăn ngon hơn tao?”

Con Sen: “Ông chủ nói là con nấu ăn ngon hơn bà nhiều lắm”.

Bà chủ: “Ồi.! Ông già mắc dịch này quá lắm rồi"
Con Sen: “Thứ Ba là con làm tình giỏi hơn bà”.

Bà chủ tức giận: không kềm chế nữa la hét lên “Ông chủ nói là mày làm tình giỏi hơn tao phải không?”

Con Sen: “Thưa bà không phải. Anh Ba làm vườn nói thế”.

Bà chủ: "Thôi mầy nói nhỏ lại cho tao nhờ, bà sẽ cho con thêm mỗi tháng 100 và con làm ơn im cái miệng đi nhé."

Con Sen: "Thưa bà...là thế n...ầ...y"

Bà chủ: "Ừ, thôi 200 vậy. Im đi.!, mầy quá quắt, tau chịu thua rồi"

Hồ Thân
Vụ nầy mới kẹt dữ chớ không phải chơi

  • Đông Lợi Long
    SẬP BẨY GIA NHÂN
    VỤ NẨY thường lắm đời đen bạc
    MỚI mẻ chi đâu hoa với TRĂNG
    KẸT cứng đong đưa lắm phủ bụi
    DỮ lành mật ngọt phải mần RĂN
    CHỚ mà vội trách người hầu hạ
    KHÔNG chỉ riêng ta lắm kẻ MONG
    PHẢI biết khôn ngoan khi xuống trướng
    CHƠI đu rút cọc vẫn chưa XONG.!

ĐỜI NGƯỜI



ĐỜI NGƯỜI


Bạn già cùng lứa nay còn mấy.!

Nhẫm lại tính ra được mấy thằng?

Người trước kẻ sau đều chết hết

Chẳng còn trụ mãi với thời gian.


NÍU KÉO


Thiên định nông sâu, cuộc sống đời

Làm chi vương vấn mãi không thôi.!

Ra đi như cũng, lần ta đến

Có chỗ cho ta định sẵn rồi

Nơi chốn đi về cùng một nẻo

Nghĩ suy cho lắm, cảnh chia phôi

Bạn ơi.! nhân thế còn vui chán

Ở lại cùng ta, tình cạ̣n vơi.


“Hữu sanh hữu tử hữu luân hồi…“


Phạm Hồng Thát

Thơ hay ảnh đẹp chúc bạn ngày mới vui khỏe hạnh phúc nhé


Đông Lợi Long

& Phạm Hồng Thát cùng các Bạn, luôn có cuộc sống an bình, vui khỏe bản thân, mang lại hạnh phúc cho gia đình.


Phạm Hồng Thát

Cảm ơn Đông Lợi Long


Dangtam Ho

Càn khôn vũ trụ trong vạn vật

Thế sự suy cùng vẫn đa đoan

Sinh-tử chung quy hồi cố Quốc

Ngắm dãy sơn hà của Nước non !


Đông Lợi Long

TỦI HỜN!

Miệng túi càn khôn chờ khép lại.!

Cuốn xoay thế sự nổi đa đoan

Đôi bờ sinh tử hờn vọng quốc

Gấm vóc sơn hà mất nước non.! 

Thứ Bảy, 22 tháng 4, 2023

NỖI ĐAU LỚN NHẤT CỦA NGÀY 30-4-1975


NỖI ĐAU LỚN NHẤT CỦA NGÀY 30-4-1975

Thấm thoát đã 47 năm trôi qua… Một thời gian quá dài mà dân tộc Việt nam chịu đựng… Nhưng nó cũng quá ngắn để chúng ta những người còn sống phải nhìn lại và suy gẫm, cùng tưởng nhớ thời khắc đau thương của một dân tộc.
Quả thực là những ngày tháng Tư của năm 1975 là một dấu ấn quan trọng trong lịch sử hiện đại của dân tộc Việt, nhưng vết đau trong lịch sử còn gắn liền với nhiều biến động khác với mỗi cá nhân và vùng miền.
Cuộc chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, rất hiếm khi ngày 30 tháng 4 được nhắc tới mà không phải liên quan tới những sự kiện năm ấy.
Cuộc chiến những năm 1954-1975 nói chung, và sự kiện tháng Tư năm 1975 nói riêng, đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của những người làm nghiên cứu, những người từng tham chiến, và cả những người trải nghiệm chính cuộc chiến ấy.
Ở nhiều góc độ khác nhau, có người nhớ về những khoảnh khắc khóc lặng người hay vui mừng khôn tả của giây phút hoà bình, dù ở "bên này" hay "bên kia," ít nhất, cuộc chiến đã đi tới hồi kết.
Nhân sắp đến ngày tang tóc của Miền Nam Việt Nam (30-4-1975 / 30-4-2022), xin được một lần nhắc lại trong nghẹn ngào bị hận về những ngày đau thương tang tóc đó bắt đầu từ những ngày đầu tháng 3̣-1975 tại chiến trường Quân đoàn II (QK 2) , mà cụ thể là Ban mê Thuột … Dẫn đến kết quả là chúng ta mất Ban Mê Thuột vào ngày 10/3/1975 mở đầu cho những tháng ngày cuối cùng đem đến tang thương thống khổ cho VNCH. Chúng ta mất NƯỚC.
Cũng với ý trên xin được kính tưởng niệm đến 300.000 Tử sĩ VNCH đã đền nợ nước, 500.000 Thương phế binh đã hy sinh một phần thân thể cho Quê hương dân tộc. và hàng trăm ngàn người dân đã mất đi trong cuộc chiến kéo dài 20 năm… đặc biệt trong 52 ngày cuối cùng chúng ta đã mất đi một cách vô cùng đau đơn và phi lý cả hằng chục ngàn chiến sĩ trong những cuộc triệt thoái đầy máu và nước mắt… cuối cùng sau ngày đen tối đó chúng ta lại mất thêm 100.000 Sĩ Quan, binh sĩ bị thủ tiêu, 100.000 quân cán chính bị trả thù bắt đi học tập cải tạo và chết rũ trong ngục tù cũng như tại rừng thiêng nước độc và 100.000 ngàn đồng bào vợ con và thân nhân của Quân dân Cán Chính VNCH bị đày ải trên vùng kinh tế mới và chết tại những nơi nầy và cuối cùng trên 500.000 người mất tích trên biển đông …
Xin một lần nữa được thắp lên những nén hương lòng để nguyện cầu cho tất cả những người đã mất đi trong cuộc chiến Chính Nghĩa nầy được yên nghĩ, hưởng phúc lành trên Thiên Đàng cũng như trên cõi Vĩnh hằng.
Với những tháng ngày đau thương tang tóc của VNCH trong suốt chặng đường chiến đấu đầy máu và nước mắt , những sự bi hùng hy sinh gian khổ và mất mát , để rồi ... cuối cùng chúng ta "mất quê hương, mất tự do, mất tất cả".
“Mười sáu giờ ngày thứ hai 10 tháng 3 năm 1975, Cộng quân hoàn toàn làm chủ tình hình tại thị xã Ban Mê Thuột, ngoại trừ khu vực Bộ tư lệnh sư đoàn 23 bộ binh còn được trấn giữ. Trong thị xã, cho đến 6 giờ chiều ngày 11 tháng 3 năm 1975, trận chiến được coi như kết thúc. Thành phố bây giờ như một bãi tha ma, chứa đầy tử khí. Những đống đổ nát tro tàn vì đạn pháo của Việt Cộng, nhiều khu phố bị cháy rụi, bụi khói và gạch vụn gợi cho người ta cái cảm xúc của một bãi chiến trường tàn cuộc lạnh lẽo rợn người.
– Trận chiến BMT - 10-3-1975.

** BAN MÊ THUỘT HOÀN TOÀN THẤT THỦ - 11-3-1975. QUẢNG ĐỨC BỎ TRỐNG.
– Quân đoàn 2 chuẩn bị tái chiếm BMT – 12-3-1975
– Dân miền Trung di tản – 13-3-1975.
** Di tản cao nguyên – 14-3-1875. KONTUM BỎ TRỐNG
(Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút khỏi Kontum và Pleiku)
– Tử chiến ở Quảng Nam – 15-3-1975.

Quân đoàn 2 triệt thoái – 16-3-1975.

PLEIKU, PHÚ BỔN BỎ NGỎ
– Trận chiến Quảng Tín – 17-3-1975.
** Quân đội rút khỏi, QUẢNG TRỊ BỎ TRỐNG – 19-3-1975.
** TAM KỲ, QUẢNG NGÃI THẤT THỦ– 24-3-1975.

– Quân đoàn 1 triệt thoái - 25-3-1975.

– Trận chiến tại các tỉnh duyên hải vùng hai – 25-3-1975.
** THÀNH PHỐ HUẾ VÀ TỈNH THỪA THIÊN THẤT THỦ– 26-3-1975.
– Trận chiến tại Phú Thứ vùng 2 – 26-3-1975.
– Trận chiến ở Bình Định – 27-3-1975.
** TUYÊN ĐỨC - LÂM ĐỒNG – THẤT THỦ - 29-3-1975.
** QUẢNG NAM ĐÀ NẴNG – THẤT THỦ - 29-3-1975.
– Trận chiến tại Quy Nhơn – 30-3-1975.
** BÌNH ĐỊNH THẤT THỦ - 31-3-1975.
** PHÚ YÊN TUY HÒA THẤT THỦ – 1-4-1975.
– Trận chiến quận Khánh Dương (Khánh Hòa Nha Trang) Quân khu hai – 1-4-1975.
** NHA TRANG THẤT THỦ - 2-4-1975.
– Phan Rang hổn loạn – 3-4-1975.
– Trận chiến Ninh Thuận (Phan Rang) – 4-4-1975.
– Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm từ chức – 5-4-1975.
– Trận chiến tại Bình Thuận (Phan Thiết) – 6-4-1975.

– Trận chiến miền Đông (Nam Phần) – 7-4-1975.

– Trận chiến Quốc lộ 20 – 8-4-1975.
– Chiến trận Long Khánh - 9-4-1975.
– Trận chiến tại Thị xã Tân An – 9-4-1975.
– Trận chiến tại Thị xã Xuân Lộc – 10-4-1975.
– Trận chiến tại Dầu Giây – 11-4-1975.
– Trận chiến tại Xuân Lộc – 12-4-1975.
– Trận chiến tại Bảo Định – 13-4-1975.
– Nội các mới của chính phủ – TẠI SÀI GÒN – 14-4-1975.
** XUÂN LỘC – DẦU GIÂY THẤT THỦ - 15-4-1975.
** PHAN RANG THẤT THỦ - 16-4-1975.
** CUỘC DI TẢN CỦA TIỂU KHU BÌNH THUẬN - 19-4-1975. BÌNH THUẬN BỎ NGỎ
– Trận chiến tại Định Quán – 19-4-1975.
** QL / VNCH RÚT KHỎI XUÂN LỘC – 20-4-1975. (ngày 20/4, lực lượng Việt Nam Cộng Hòa rút khỏi Xuân Lộc về Biên Hòa).
– T T / NGUYỄN VĂN THIỆU TỪ CHỨC – 21-4-1975. (Phó Tổng thống Trần Văn Hương lên nhậm chức).
– Trận chiến tại Tây Ninh – 22-4-1975.
– Trận chiến tại Trảng Bom – 22-4-1975.
– Dàn xếp tình hình VNCH – 23-4-1975.
– Thủ Tướng NGUYỄN BÁ CẦN từ chức – 23-4-1975.
– Trận chiến tại BÌNH DƯƠNG – 25-4-1975.
– Trận chiến tại BÀ RỊA – 26-3-1975.
– Sư Đoàn 3 BB giữ BÀ RỊA – 27-4-1975.
– Trận chiến tại TÂN CẢNG CẦU SÀI GÒN – 27-4-1975.
– NGÀY 28-4-1975: Tổng thống Trần Văn Hương từ chức, trao quyền nguyên thủ quốc gia cho ông Dương Văn Minh.
– Thứ hai ngày 28-4-1975 - DƯƠNG VĂN MINH NHẬM CHỨC TỔNG THỐNG.
– Ngày 28-4-1975 – SƯ ĐOÀN 5BB TỬ CHIẾN.
** TỔNG THỐNG DƯƠNG VĂN MINH ĐẦU HÀNG – 30-4-1975.
– Thứ tư ngày 30-4-1975 TIẾNG KHÓC NGHẸN NGÀO AI OÁN CỦA QUÂN DÂN VNCH.

Cuộc chiến 20 năm (1955- 1975) cùng những giai đoạn lịch sử vào giờ phút đau thương thống khổ của một DÂN TỘC. Chiến tranh và ngục tù là bi kịch đau thương nhất trong lịch sử loài người, nó là kinh nghiệm không được rút tỉa để học hỏi và ngăn chặn, cứ thế lặp đi lặp lại khắp nơi trên thế giới, đánh động mãi ký ức con người nên có thể nói rằng không có cuộc chiến và nhà tù nào trở thành quá khứ, nó luôn hiện hữu với dấu lệ và máu không ngừng chảy. Kinh nghiệm chiến tranh, nhà tù, cùng hệ lụy tang thương của nó như vết cắt hằn sâu trong tâm tư tình cảm con dân Việt nam. Vết thương không bao giờ lành, nó sừng sững ở đó, trên đất đá, trên thân thể, trong tâm hồn, trong lịch sử, mà trái tim và lương tâm con người mãi khắc ghi.
Người ta đã nói nhiều tới nỗi đau của người dân miền Nam sau biến cố 30/4/1975 này, và đó là những sự thật hiển nhiên. Một quốc gia (Việt Nam Cộng Hòa), với chính nghĩa sáng ngời, tinh thần nhân bản đã bị cưỡng chiếm một cách đau đớn, tức tưởi. Từ sự kiện này, hàng triệu quân, dân, cán, chính của Việt Nam Cộng Hòa đã phải vào các trại cải tạo, lao tù. Hàng chục vạn người đã phải bỏ nước ra đi, vượt biên vì không thể sống nổi trên quê hương. Hàng chục ngàn người đã nằm trong bụng cá và dưới đáy biển sâu…đó là số phận, là nỗi đau của bên thua cuộc.
Bây giờ là tháng tư, tháng của vết thương chưa kéo da non ấy, giở lại những ký ức của những người tù Việt Nam Cộng Hòa, như thể chúng ta đang mở băng dán vết thương, hẳn là sẽ rỉ máu, nhưng đồng thời cũng khơi chút hoài mong, qua thời gian sẽ có tác dụng như một thứ thuốc sát trùng làm vết thương nguôi ngoai. nỗi bi thương, những cõi mơ nương tựa, với những oan khúc của tù ngục bằng thứ khí giới mơ mộng hồn nhiên, nhân ái, để tồn tại và sống sót.

Con người rồi sẽ ra đi, nhưng dấu hằn trên thân xác quê hương vẫn mãi tồn tại. 

Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2023

PHONG TỤC THỜ CÚNG TỔ TIÊN.


PHONG TỤC THỜ CÚNG TỔ TIÊN.

Phong tục thờ cúng tổ tiên hay còn gọi là Đạo Ông Bà là tục lệ thờ cúng những người đã chết, đặc biệt là tổ tiên, của nhiều dân tộc Châu Á và đặc biệt nhất là trong văn hóa Việt và văn hóa Tàu. Đối với người Việt, Phong tục thờ cúng tổ tiên gần như trở thành một tín ngưỡng; đa phần gia đình nào cũng có bàn thờ tổ tiên trong nhà, có đặt di ảnh một cách trang trọng.
Thuở xa xưa, các bậc tiền nhân đã răng dạy con cháu, "ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây" hay "uống nước thì phải nhớ nguồn", làm con, cháu thì phải có hiếu với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Vì vậy, hàng ngàn năm qua, người Việt luôn lập bàn thờ gia tiên để tỏ lòng tôn kính cũng như biết ơn với tổ tiên, những người đã khai sinh ra dòng họ. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên vì thế dần trở thành một "Đạo Hiếu" mà mọi gia đình, dòng họ người Việt đều phải noi theo, vì đó, là một tập tục tốt của nét văn hóa riêng của Đông phương mà thôi.

THỜ CÚNG TRONG GIA ĐÌNH, DÒNG HỌ

Trên thực tế, thờ cúng tổ tiên không phải là điều bắt buộc, song đó lại là thứ “luật bất thành văn” trong đời sống tâm linh tồn tại qua bao thế hệ. Trong mỗi gia đình, bàn thờ tổ tiên được đặt ở vị trí trang trọng nhất, là nơi con cháu khấn vái trong những ngày tuần, ngày giỗ, ngày tết, hoặc khi gia đình có hỷ (như cưới hỏi, tân gia hay khai trương, tạ ơn.v.v...), việc lớn, việc nhỏ với mong muốn được tổ tiên phù hộ. Mọi việc xảy ra trong gia đình đều được con cháu báo cáo với tổ tiên.
Sự thể hiện rõ nét nhất của tinh thần coi trọng " Đạo hiếu" có hai ý nghĩa lớn:
- Đó là quan niệm chữ hiếu đối với thế hệ đi trước qua các nghi lễ thờ cúng, thể hiện mong muốn ông bà tổ tiên có cuộc sống tốt ở thế giới bên kia, đồng thời con cháu mong muốn vong linh của tổ tiên phù hộ con cháu nơi cuộc sống phàm trần.
- Ý nghĩa thứ hai là muốn giáo dục con cháu, những người đang sống thấm nhuần chữ hiếu với cha mẹ, ông bà, tố tiên. luôn yêu thương, đùm bọc nhau trong tình máu mũ,
Trong gia đình người Việt thường có một bàn thờ tổ tiên, ông bà (hay còn gọi ông Vải). Tuỳ theo từng nhà, cách trang trí và sắp đặt bàn thờ khác nhau. Biền, bàn thờ là nơi tưởng nhớ, là thế giới thu nhỏ của người đã khuất. Bộ lư và hai chân đèn tượng trưng cho mặt Trời, mặt Trăng, hương là tinh tú. Hai bát nhang để đối xứng, phía sau 2 cây đèn thường có hai bình hoa. Nhiều gia đình đặt xen giữa đèn và lư hương là hai cái đĩa để đặt hoa quả, gọi là mâm ngũ quả (tuỳ mỗi miền có các loại quả khác nhau, nhưng mỗi loại quả đều có ý nghĩa của nó), phía trước bát hương để hai bát nước trong, coi như nước thiêng. Hai cây mía đặt ở hai bên bàn thờ là để các cụ chống gậy về với con cháu, dẫn linh hồn tổ tiên từ trên trời về hạ giới...
Bàn thờ tổ tiên bao giờ cũng đặt tại nơi cao ráo, sạch sẽ và trang trọng nhất trong nhà (gian giữa đối với nhà một tầng, tầng trên cùng đối với nhà lầu). Trên bàn thờ thì bày biện vật thờ cúng như: bát nhang, chân đèn, bài vị hay hình ảnh người quá cố. Không thể thiếu trầm, hương, đèn, hoa quả, chén nước lạnh. Ngoài ra có thể có thêm mâm cỗ mặn. Sau khi tàn hai phần ba tuần nhang, thì có thể hạ lễ. Theo đạo Phật, con cháu nhớ tới ngày kỵ của người đã khuất mà cúng chay thì ông bà càng hưởng nhiều phước lộc, không bị đọa đày địa ngục, chóng được siêu thoát, ngược lại con cháu cậy có nhiều tiền của, giết nhiều súc vật cúng kèm với tiền vàng quần áo giả (đồ mã) thì ông bà càng đọa chìm trong địa ngục, mà con cháu không biết, cứ nghĩ là mình cúng ông bà mình nhiều quần áo, ô tô, tiền vàng là ông bà mình sung sướng lắm.
Theo quy định phẫm vật là trầm, hương, hoa, quả...Xưa kia, những nhà quyền quý có đủ thần chủ bốn đời để thờ, đó là cao, tằng, tổ, khảo. Thần chủ làm bằng gỗ táo, trên đó đề tên, họ, chức tước, ngày tháng sinh tử của tổ tiên. Nhà thường dân cũng có nhà dùng thần chủ, nhưng cũng có nhà dùng bộ ỷ ghi chép bằng tay để thờ. Vật dụng thờ tự được coi là những vật rất linh thiêng. Ngày nay, do nếp sống cũng như xã hội mới, những gia đình có bàn thờ cổ không còn nhiều. Bàn thờ nhiều khi chỉ gồm một bình hương nhỏ, khung ảnh thờ người quá cố và vài ba chén nước.
Với những gia đình có đạo, như đạo Phật, đạo Cao Đài, hay thậm chí là đạo Thiên Chúa thì trong nhà vẫn có gian thờ gia tiên cùng với gian thờ đấng tối cao của tôn giáo. Bàn thờ gia tiên được lập đầy đủ theo tập tục của mỗi tôn giáo. Trên áng cao nhất là thờ đấng tối cao của tôn giáo, phía dưới là ông bà, những người thân sinh trong dòng họ.
Đối với những người vừa mới mất thì không được thờ chung với tổ tiên mà được lập một bàn thờ riêng tại gian thờ; được bài trí theo điều kiện và lòng tôn kinh của gia chủ. Trong vòng 100 ngày (tính từ ngày an táng xong), người ta đều thắp hương cơm canh trước khi gia đình ăn cơm, mời người mới mất thụ hưởng. Sau 1 năm, bát nhang mới được rước lên bàn thờ tổ tiên, đặt ở hàng dưới.

CÚNG GIỖ – MỖI NĂM MỘT LẦN

Trong tục thờ cúng tổ tiên, người Việt coi trọng việc cúng giỗ vào ngày mất (còn gọi là kỵ nhật) thường được tính theo âm lịch (hay còn gọi là ngày ta). Họ tin rằng đó là ngày con người đi vào cõi vĩnh hằng. Không chỉ ngày giỗ, việc cúng tổ tiên còn được thực hiện đều đặn vào các ngày mồng một (còn gọi là ngày sóc), ngày rằm (còn gọi là ngày vọng), và các dịp lễ Tết khác trong một năm như: Tết Nguyên Đán, Tết Hàn thực, Tết Trung thu, Tết Trùng cửu, Tết Trùng thập... Những khi trong nhà có việc quan trọng như dựng vợ gả chồng, sinh con, làm nhà, đi xa, thi cử... người Việt cũng dâng hương, làm lễ cúng tổ tiên để báo cáo và để cầu tổ tiên phù hộ, hay để tạ ơn khi công việc thành công. Tính chất việc thờ cúng tổ tiên của người Việt là từ niềm tin người sống cũng như người chết đều có sự liên hệ mật thiết và hỗ trợ nhau. Con cháu thì thăm hỏi, khấn cáo tiền nhân. Tổ tiên thì che chở, dẫn dắt hậu thế, nên việc cúng giỗ là thực hiện mối liên hệ giữa cõi dương và cõi âm.
Đây là một lễ vô cùng quan trọng, bởi nhớ đến ông bà tổ tiên là đã thể hiện lòng thành kính với vong linh người đã khuất, không phụ thuộc vào việc làm giỗ lớn hay nhỏ. Chỉ với chén nước, hoa quả, nhang đèn cũng giữ được đạo hiếu.

Trong việc thờ cúng tổ tiên thì ngày giỗ hay còn gọi là kỵ nhật rất quan trọng. Theo tục, con trai trưởng là người có trách nhiệm tổ chức, thường là ở nhà tổ, nơi đặt bàn thờ cúng tổ tiên. Đến ngày, con cháu trong dòng họ có trách nhiệm tề tựu về đây và cũng phải mang vật lễ cúng tới để giỗ. Trước ngày giỗ, trưởng nam làm lễ cáo với Thổ công để xin phép cho hương hồn người đã khuất được về chung hưởng bởi vì người ta cho rằng “đất có Thổ công, sông có Hà bá”, chỉ khi có phép của Thổ công thì hương hồn người đã khuất mới vào được trong nhà. Giỗ có thể làm lớn hay nhỏ tùy theo gia cảnh và nhiều khi cũng phụ thuộc vào quan hệ giữa người sống và người chết. Giỗ cha mẹ, ông bà thường làm lớn, giỗ anh em, chú bác cùng các vị cao tằng tổ khảo thường chỉ có cơm canh cúng đơn giản để thể hiện lòng thành kính.
Việc thắp hương trên bàn thờ bao giờ cũng phải thắp theo số lẻ: 1, 3, 5, 7, 9, 11,... mà tránh thắp số chẵn như 2, 4, 6, 8, 10,... Người ta quan niệm rằng, số lẻ là dương nên nó phù hợp hơn với tổ tiên (người dương thắp cho người âm). Loại nhang thẳng gồm 2 phần: chân hương màu hồng đỏ, phần nhang có hương thơm. Có một loại hương vòng bao gồm nhiều vòng hương, có buộc dây, được đặt trên que sắt trong bình hương. Khi thắp hương, người ta phải để hương sao cho thật thẳng, tránh để hương bị nghiêng, xiêu đổ khiến đốm lửa giữa các nén hương không đều nhau, làm hương bị tắt lửa, hương tàn xuống có thể gây cháy những đồ lễ vật trên bàn thờ hoặc gây hỏa hoạn.
Khi thắp hương, nếu thắp 3 nén thì sau khi cắm nén thứ nhất (gọi là nén tâm), thì cắm nén thứ 2 bên tay trái (tức bên phải từ trong nhà nhìn ra, rồi cắm tiếp nén thứ 3 bên tay phải.

THỜ CÚNG VÀO DỊP TẾT

Tết cũng là một trong những ngày lễ lớn của dân tộc, nó mang ý nghĩa thiêng liêng, nhắc mọi người nhớ về nguồn cội. Ngày tết, con cháu khấn mời tổ tiên ông bà về ăn tết với gia đình, tạo nên không khí thiêng liêng, đầm ấm. Suốt 3 ngày tết, còn cháu đều dâng lễ, thờ cúng tổ tiên rất chu đáo. Mâm cơm cúng ngày Tết được tổ chức nấu nướng và bày biện công phu. Cúng lễ xong xuôi, mọi người trong gia đình, dòng họ quay quần bên nhau thụ lộc của tổ tiên và chúc nhau một năm mới vạn sự tốt lành.

Phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt là nét văn hóa dân gian thể hiện lòng tôn kính, là lời tri ân với những người đã khuất, là chữ hiếu của người còn sống. Đã bao thế kỷ trôi qua, tập tục này vẫn tiếp tục được duy trì và phát huy. Người Việt coi việc thờ phụng tổ tiên là một trong những nguyên tắc đạo làm người. Đó là hình thức thể hiện sự hiếu thuận và lòng biết ơn của con cháu đối với công ơn sinh thành dưỡng dục của tiền nhân, nhớ đến cội nguồn.