Theo lịch Ta và lịch Tàu, mỗi năm mang tên một con vật: Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.
Năm nay là năm Canh Tý, tức năm Con Chuột, xin gửi đến các Anh Chị, Bạn bè những sưu tầm, tản mạn về con chuột. Chuyện về chuột thì vô số, không sao kể hết...
Trước hết, theo sinh vật học thì loài chuột có lông nhiều dày rậm, lỗ tai nhỏ, mỏ và đuôi dài. Chuột lại là loài gặm nhấm, sinh sống ở khắp nơi trên thế giới, có nhiều loại khác nhau, Chuột (Rattus) có tới 570 loại giống, đây là một giống vật nhiều loại nhất, so với bất cứ loại động vật có vú nào. Chuột nhắt (Mus) cũng có khoảng 370 loại. Cũng theo ước tính của các nhà khoa học thì hiện nay trên thế giới có khoảng trên 4 tỷ con chuột, nghĩa là khoảng hơn 1/2 dân số loài người trên thế giới (7.8 tỷ năm 2020). Phổ biến là chuột nhắt, chuột nhà, chuột cống (rất mất vệ sinh vì sống ở dưới cống và ăn đồ phế thải do cống tháo ra, đây là thứ chuột thành phố, rất dễ truyền bệnh, đặc biệt là bệnh dịch hạch), chuột đồng, chuột nhảy (gerbil), chuột lang, hamster (chuột đất vàng), chuột túi (không nhầm với kangaroo), chuột sóc, chuột sao, chuột sạ, chuột nước, chuột chù hay chuột xạ (rất hôi), chuột vòng và chuột bạch (nuôi làm cảnh trong nhà)... Trong các loài chuột phổ biến ở Việt Nam, dân gian Việt có các tên gọi thông thường như:
- Chuột nhắt là loại chuột bé tí teo, sống trong nhà, nhất là trong xó bếp để dễ kiếm cơm thừa, canh cặn, lục niêu, lục nồi. Chuột này đã thành người thân trong gia đình, rất trung thành, có đuổi cũng chỉ chạy, không chịu bỏ đi.
- Chuột đồng, ăn lúa và sống ngoài trời nên to con. Chuột đồng tượng trưng cho kẻ tung hoành dọc ngang, không chịu ru rú trong xó bếp, nhưng muốn sống tự do giữa nơi trời cao đất rộng. Đến mùa lúa, chuột đồng béo u béo nần. Chuột mùa này đang mập, nông dân bắt về lột da, mổ bụng, rửa sạch và bán cho khách ghiền thịt chuột từng bao bố. Hiện nay ở Việt Nam, dân nhậu nhẹt khoái món đặc sản rắn. Người ta săn rắn ráo riết khiến chuột được thảnh thơi ăn lúa và sinh sản con cái đầy đàn. Nông dân kêu Trời không thấu.
- Chuột xạ cũng thường gọi chuột chù, có thân hình nhỏ con, mỏ dài và nhọn, đuôi rất ngắn. Đặc biệt nó có mùi hôi xạ khó ngửi cho nên có cái tên là chuột xạ và mèo cũng sợ mùi xạ hương này, nên cũng lánh xa. Chuột xạ không cắn phá và lanh lợi như chuột nhắt, nó thường ở hộc tủ, gầm giường hay trong hang và đi sát đất, rất chậm lụt, thường kêu chít chít như chuột rúc vậy. Trong dân gian thường cho chuột rút là điềm may mắn hay phát tài: Thứ nhứt đơm đóm vào nhà, Thứ nhì chuột rúc, Thứ ba hoa đèn.
- Chuột dừa là loại chuột thường sanh sống ở trên cây dừa, ít xuống đất, nó chỉ cắn phá cây dừa và ăn cơm dừa, uống nước dừa mà sống, thân hình nó lớn bằng cườm tay. Vì thế, nó mới có tên là chuột dừa, loại chuột này thường thấy những tỉnh trồng nhiều dừa như ở Bến Tre, thịt nó thơm ngon đặc biệt, bởi vì nó ăn uống bằng trái dừa rất tinh khiết.
- Ngoài những loại chuột hoang nói trên, chúng ta còn thấy loại chuột được người nuôi để làm cảnh. Đó là chuột bạch, đây là loại chuột nhỏ con, có lông màu trắng và thường thấy ở bên Tàu, cho nên nó có tên là chuột Tàu. Người nuôi chuột bạch hay chuột tàu phải tốn tiền mua chuột, mua lồng chuột đặc biệt để nó biểu diển và tốn thức ăn chớ không phải như các loại chuột hoang khỏi chăm sóc gì cả. Nhưng bù lại, người nuôi chuột này được xem những trò biểu diển của nó và làm cảnh cho vui cửa vui nhà.
Không ai biết nguồn gốc của chuột. Mọi người đều cho là do thiên nhiên tạo dựng nên các sinh vật trên trái đất, giống như chuyện trong kinh thánh nói về việc tạo dựng nên vũ trụ và con người phát xuất từ đất bùn, Chúa nặn lên tổ tiên của loài người là Adam và Eva.
Có một câu hỏi đặt ra, mà cho đến ngày nay vẫn chưa có câu giải đáp. Tại sao tổ tiên của chúng ta lại chọn loài chuột đứng đầu cho 12 con giáp? Mà lại không chọn con vật khác? Chưa có câu trả lời chính xác. Truyền thuyết lưu truyền trong dân gian về vị trí đầu tiên của Chuột trong 12 con giáp cũng rất đa dạng.
Câu chuyện sau đây được chú ý nhiều hơn.
Mèo và chuột là bạn với nhau. Mèo nghe nói Ngọc Hoàng muốn chọn 12 con vật làm con vật cầm tinh cho con người. Mèo rủ chuột sáng sớm hôm sau cùng đi. Trong lúc mèo còn ngủ say thì chuột một mình đi trước đến kịp được chọn vào 12 con vật này. Nhưng phân định thứ bậc sao cho hợp lý phải có kỳ thi tuyển chọn. Trâu chạy về đích trước tiên nhưng không hay chuột nhẩy lên lưng trâu lúc nào. Khi tới đích thì chuột kịp thời nhảy lên hàng đầu. Thế là chuột khôn lanh đã chiếm được vị trí đầu trong 12 con giáp. Vì thế người xưa cho rằng chuột thông minh nhất trong các loài vật nên được xếp đứng đầu.
Có một giả thuyết khác cho rằng: Sở dĩ chuột được đứng đầu trong 12 con giáp, vì theo các khoa học gia cho biết vào giờ Tý khoảng từ 23 giờ khuya đến 02 giờ sáng là giờ chuột hoạt động rất mạnh, đi cắn phá và kiếm ăn. Giờ đó chúng rất tỉnh táo và bén nhậy. Cũng trong thời điểm đó, đa số các cặp vợ chồng chọn là giờ để ân ái (giờ Tý canh ba). Giờ này yên tịnh, những người thân hoặc con cái trong gia đình đang yên giấc ngủ. Lợi dụng giờ giấc này, các cặp vợ chồng thức dậy, khều nhau cùng diễn trò mây mưa, “trùm mền múa lân”. Nên phụ nữ thường hay cấn thai vào giờ Tý. Do đó mới có sự phát sinh ra nhân loại lan tràn trên trái đất. Vì vậy chuột được coi là con vật làm chuẩn đứng đầu 12 con giáp. Chuột là con vật ranh mảnh khôn ngoan, khó lòng bị tiêu diệt hết.
Chúng tôi vui nhất là ở bậc tiểu học, Trường Trần quốc Toản thành nội Huế, các thầy còn sáng tác những ca khúc hài hước, để giúp học trò vui học như thầy Lê Cao Phan với bài ca Ba bà đi bán lợn xề, vui nhất là ca khúc "Chú chuột cắp trứng" và bài Hai chú gà con của thầy Ngô Ganh:
Chú chuột cắp trứng ra không biết làm sao kéo đi.
Bèn gọi chú khác vô chú kia bày mưu khó gì!
Anh nằm ngữa bốn chân, anh lo ghì ôm trứng đi.
Tôi liền cắn cái đuôi kéo anh về hang, tức thì!
Một chú ôm trứng nằm – Vênh cái râu lên trời
Chú kia dô cái mồm – Cắn cái đuôi kéo dài
Hè dô ta – Nào đi lên – Hè dô ta – Á !!!
Người ta thường kể: Chuột muốn tha một cái trứng gà to về ổ mà không bị bể, chuột đã biết để một con nằm ngửa ôm trứng, miệng ngâm đuôi con khác để con này kéo về ổ...Loài chuột, do đó, được tiếng tinh khôn, có tài "ngũ kỹ" gồm năm cái khéo, theo sách Tuân Tử : bay, leo, bơi, đào, chạy. Mỗi gia đình loài chuột có khá đông nhân khẩu, tồn tại theo kiểu đại đồng đường, đứng đầu là một Đại lão Thử có tổ chức hẳn hoi. Về thể lực, chuột có thể chạy marathon một mạch đường dài 15 km. Khi gặp nguy hiểm, chuột còn tài đu bám ngửa bụng lên trời và trong trường hợp khẩn cấp, chuột có thể leo thoăn thoắt theo phương thẳng đứng trên mặt tường hoặc bò theo phương nằm ngang theo mặt trần nhà. Chuột cống lớn có thể nhẩy vọt lên cao đến 1,5 m gấp mấy chục lần chiều cao bản thân. Ấy là chưa kể tài bơi lội như rái cá dưới nước của chuột.
Các nhà khoa học nhận định “Chuột có khả năng tiên tri và linh cảm cực kỳ phi thường. Không những thế chuột còn có khả năng thông tin cho đồng loại”. Michel Daniel qua sách “Loài chuột bạn trong bóng tối của chúng ta”, sau hai chục năm nghiên cứu tác phong và suy nghĩ của chuột, tin rằng “Chuột là loài có vú thông minh thứ ba chỉ sau con người và Hắc tinh”.
Các nhà nghiên cứu cho biết: Khi chuột nhà gặp một con chuột lạ xuất hiện, trưởng bầy chuột sẽ xua đuổi hoặc chiến đấu với con chuột lạ cho tới khi chuột lạ bỏ chạy, hoặc tiêu diệt nó. Chuột tiết ra một mùi riêng để chúng dễ nhận diện ra bà con. Trong trường hợp chuột chồng phải đi xa kiếm ăn, hoặc vắng nhà. Chuột vợ ở nhà cho chồng mọc sừng. Hoặc có tên chuột đực nào gian manh đến tán tỉnh, tằng tịu với chuột cái, chuột chồng về, sẽ trừng trị chuột cái cho đến khi cái mùi của tên chuột đực dê xồm được gió cuốn bay đi hết khỏi lông của chuột vợ, thì chuột vợ mới được chồng tha…
Chuột mạnh và hung dữ hơn chúng ta nghĩ rất nhiều. Người dân ở miền Tây thường bảo chuột cắn chết gà vịt, thậm chí nó cắn chết cả mèo. Với các động vật như chim nuôi thì lại càng không thể nào là đối thủ của chuột. Người ta so sánh: Nếu con chuột to bằng con mèo, nó có thể cắn chết 1 con chó. Nếu con chuột nhắt to như con chó, nó thừa sức cắn chết 1 con ngựa. Còn nếu nó to bằng con ngựa, thì nó không ngán bất cứ con vật nào thậm chí nó đục thủng cả căn nhà bạn chỉ trong vài phút!
Họ hàng nhà chuột quả có khả năng đặc biệt để sinh tồn. Chuột cũng chịu đựng liều phóng xạ cao hơn các loài động vật khác. Chuột đàn còn được gọi là chuột đen hoặc chuột tàu – có kích thước nhỏ hơn so với chuột cống, rất mắn đẻ. Chuột chửa 19 đến 22 ngày. Mỗi năm đẻ 5 đến 7 lứa, mỗi lứa 6 đến 10 con. Chuột con chỉ sau ba tháng đã lại sinh sản. Chuột sống 3 đến 4 năm.
Theo thống kê cho biết: chuột cái, nếu cứ mỗi lần sanh sản “mẹ tròn, con vuông” thì khoảng sau 3 năm, nó sẽ có đến 5 đời: Con, cháu, chắt, chút, chít có thể lên đến hàng triệu con. Nếu không có loài người và những sinh vật sát hại chúng như: mèo, chó, rắn, diều hâu, chồn, cáo, vv.. giết và ăn thịt chuột, thì chẳng bao lâu chuột sẽ sinh nở kín trái đất.
Thế nhưng có chuyện lạ “chuột tự sát tập thể”! Vào đầu tháng 5, năm 1995 xẩy ra ở vùng Tân Cương bên Trung Cộng, trên một vùng rộng khoảng 10.000km2. Chuột kéo đến các ao hồ, từng đôi một cắn đuôi nhau lao mình xuống nước chết. Chỉ sau vài ngày, các hồ ao trong vùng, xác chuột nổi kín mặt nước. Mỗi khi sinh sản quá nhiều, chuột lại có hiện tượng tự sát chết bớt đi là vậy. Thiên nhiên quả thật kỳ diệu!
Do chuột phải luôn luôn gậm nhấm để mài mòn răng, nếu không răng sẽ dài ra không thể ngậm miệng lại được. Một con chuột cống cần lương thực sống khoảng từ 50 đến 100g mỗi ngày. Một thành phố có khoảng trên dưới 10 triệu con chuột thì mỗi năm sẽ mất khoảng 20.000 tấn lương thực, thực phẩm cho chuột. Tuy nhiên, Trời sanh voi thì phải sanh cỏ, sanh chuột thì phải sanh mèo hay rắn để “cân bằng” với chuột, nếu không loài người khó sống nỗi với chuột, bởi tai họa về chuột tạo nên.
Loài chuột cũng tạo nên nhiều dịch bệnh, như bịnh dịch hạch trong lịch sử đã làm cho sự chết chốc lên đến hàng trăm ngàn người tại nhiều nước trên thế giới, như tại Athène (Hy Lạp) vào năm 429 trước Công Nguyên, hoặc các nước khác như Ai Cập, Thổ Nhỉ Kỳ, Ý Đại Lợi, Pháp, v.v. cũng bị sát hại vì bịnh dịch này, người ta đã thống kê chỉ 7 năm, kể từ năm 1346 đến năm 1353 số người bị chết trên thế giới như sau: Âu Châu gần 25 triệu người và Á Châu cũng gần 23 triệu người và được người đời xem như là một thiên tai.
Vì chuột thường đem tai họa đến cho loài người như vậy, nên người thường kiếm đủ cách để loại trừ chuột như : thuốc chuột, đặt bẫy chuột, dậm cù chuột, v.v. Có nơi khi bắt được chuột còn sống, người ta may lỗ đít nó lại, rồi thả nó trong nhà, nó bị bí ỉa cho nên nó rượt đuổi, cắn đồng bọn chạy khỏi hang và cắn chết luôn mấy con chuột con, sau đó nó cũng chết theo luôn.
Ngoài nghĩa đen, loài chuột còn ám chỉ tham quan, ô lại. Cùng nghĩa ấy Nguyễn Bỉnh Khiêm, có bài Tăng thử (Ghét chuột), dữ dội, với câu thơ: "Thành xã ỷ vi gian, Thần nhân oán mãn phúc." (Chốn thành xã dựa vào, mà làm điều gian, Cả thần và người đều oán chứa đầy bụng.) Con chuột, không những tàn phá đồng áng, mà còn ẩn nấp, dựa vào nơi tường thành, đàn xã (bàn thờ xã tắc) để làm điều gian xảo.
Tuy nhiên, loài chuột cũng giúp ích cho nhân loại trong y học do đặc tính sinh học của chuột gần giống con người. Chuột nâu (Rattus norvegicus) được xử dụng để làm chuột thí nghiệm, phục vụ cho hoạt động nghiên cứu nhằm tìm được các loại thuốc trị bịnh. Những con chuột túi khổng lồ châu Phi, được huấn luyện để phát hiện bom mìn, đang góp phần vào cuộc chiến chống lại bệnh lao ở Tanzania và Mozambique.
Thời đại không gian vũ trụ, Chuột không chỉ quanh quẩn trong hang hốc, trong xó nhà hay lang thang ngoài ruộng rẫy mà nhảy phốc lên phi thuyền bay vào không gian:
- Ngày 3 tháng 11 năm 1957, Liên Xô đã phóng con chó Laika lên vũ trụ trên tàu Sputnik 2. Tuy nó chết trong nhiệm vụ không gian, nhưng vẫn được ghi nhận là động vật đầu tiên được phóng lên vũ trụ và bay quanh Trái đất.
- Chương trình tên lửa của Pháp bắt đầu vào năm 1961. Căn cứ của Pháp ở Sahara trước đây đã từng phóng thử nghiệm với hành khách là ba con chuột.
- Tàu vũ trụ Dragon (Mỹ) phóng lên không gian bay đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) ngày 5/12/2019 mang theo 2.585 kg hàng hóa bao gồm thiết bị khoa học, đồ tiếp tế cho phi hành đoàn và đặc biệt là một nhóm "siêu chuột" được cải tiến về mặt di truyền. Những con chuột có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm Jackson ở bang Maine được chỉnh sửa gene để tăng cường sự phát triển cơ bắp. Chúng được đưa lên ISS để nghiên cứu về sự mất cơ và xương của sinh vật sống trong môi trường không gian. Với thí nghiệm này, giới khoa học kỳ vọng sẽ tìm ra cách ngăn chặn tình trạng thoái hóa cơ bắp và xương.
Ngày nay, trong máy điện toán, con chuột là bộ phận thân thiết nhất với bàn tay, Chuột trở thành vật thiết thân của mọi cỗ máy vi tính hiện đại, có lẽ dịch từ tiếng Anh Mouse, tiếng Pháp Souris, là chuột nhắt, chứ không phải là chuột cống (Rat - mang âm vang xấu hơn.) Điều này thì dẫu ngày xưa ông bà ta có cỗ máy của thời gian của Doremon cũng không thể nào hình dung nổi. Và cái chú chuột này có tài thiên biến vạn hóa còn hơn cả Tề thiên Đại thánh lẫn Doremon…
Riêng thịt chuột là một đặc sản thực phẩm đáng kể. Ở Long Xuyên, Châu Đốc, Cần-Thơ, Ô Môn, Rạch Giá, Sa Đéc, Sóc Trăng ... vào mùa bắt chuột, thì thấy chuột được bày bán trắng phếu, vì đã thui và lột da xong, người mua đem về chế biến món ăn về chuột như: chuột nướng, chuột chiên tươi hay muối với sả ớt, chuột xào hành, chuột bầm xào lá cách hay lá lốt hoặc chuột bầm rồi ướp gia vị để làm nhân bánh xèo v.v.. Thịt chuột 7 món, khoái khẩu dân nhậu:
- Chuột luộc ướp lá chanh
- Chuột xào
- Chuột chiên dòn
- Chuột nấu đông
- Chuột giả cầy
- Chuột xào chua ngọt
- Chuột sốt da chua...
Ở miền Tây vào mùa nước lớn người ta dẫn chó theo lên xuồng, chống sào vào các bụi tre hay các bụi rậm, lấy đòng (một loại cây nhọn) đâm chuột, nhiều chú chuột bị động, sợ nhẩy xuống nước trốn, chó đuổi theo bắt lại. Vào mùa khô thì dẫn chó ra cánh đồng, thấy hang, ổ nào nghi là có chuột, đốt nùi rơm, hun khói thổi vào trong hang, chuột, rắn bị ngộp chui ra, phóng chạy, chó thoải mái rượt theo, cạp lưng chuột mang về giao cho chủ.
Theo khách du lịch kể lại, bên Trung Cộng ở tỉnh Vũ Hán (nơi phát tán Coronavirus) có một khách sạn lớn, chuyên nhận chiêu đãi du khách đặc sản thịt chuột 10 món. Những món thịnh soạn này được các chú Ba biến chế từ 100 con chuột đồng. Món Fillet chuột được nhiều thực khách ưa chuộng. Chợ tỉnh Quảng Tây bán chuột sống, chợ Quảng Đông bán thịt chuột đóng hộp. Dân Phúc kiến cho rằng, thịt chuột có cái lườn là ngon nhất.
Trung Cộng cũng còn món thịt chuột độc đáo nữa là thịt “Chuột Bao Tử”. Món này được chế biến từ loại chuột đồng baby, được bắt đem về nuôi từ lúc còn nhỏ, cho chúng ăn bằng gạo trộn lẫn với trứng gà và các vị thuốc bắc, uống nước sâm và nước ép trái lê. Khi chuột đủ lớn, thụ thai vừa sanh con, chuột con còn sống được cột chặt, cho vào làm nhân bánh, như nhân bánh bao. Đây là một trong 7 món đặc biệt mà Từ Hy Thái Hậu đã chiêu đãi các sứ thần vào đêm giao thừa khoảng năm 1877 Tân Tý.
Nhân dịp mừng Xuân Canh Tý 1874. Tiệc được chuẩn bị trước trong thời gian 11 tháng 6 ngày, có 1750 người phục vụ, tốn kém 98 triệu hoa viên thời bấy giờ tương đương 374 ngàn lượng vàng ròng, gồm 400 thực khách và kéo dài suốt 7 ngày đêm bắt đầu giờ giao thừa Tết nguyên đán năm Canh Tý. Đó là món Sâm Thử tức là con chuột được nuôi bằng sâm. Nguyên đại sứ Tây Ban Nha thuật lại rằng, đến món ăn đặc biệt ấy thì có một ông quan đứng lên giới thiệu trước rồi quân hầu bưng lên bàn tiệc cho mỗi quan khách một cái dĩa con bằng ngọc trong đó có một con chuột bao tử chưa mở mắt, đỏ hỏn hãy còn cựa quậy, nghĩa là một con chuột bao tử sống. Bao nhiêu quan khách thấy thế chết lặng đi... Mọi người nhìn nhau. Bà Từ Hi Thái Hậu cầm nĩa xúc con Chuột bao tử ăn để cho mọi người bắt chước ăn theo. Con chuột kêu chít chít, người tinh mắt thấy một tia máu vọt ra ... Hoàng Đế Trung Hoa thông thả vừa nhai vừa suy nghĩ như thể muốn kéo dài cái thú ăn tuyệt diệu ra để cho cái thú ấy thấm nhuần trí óc và cơ thể... Không một ông nào lên tiếng, vì các ông đại diện không biết ăn chuột bao tử như thế là văn minh hay dã man.
Trong quyển Món Ăn Lạ Miền Nam, tác giả Vũ Bằng tường thuật món sâm thử như sau: Chuột mới đẻ đem nuôi trong lồng kính cho ăn toàn sâm thượng hảo hạng và uống nước suối, đến khi đẻ ra con thì lấy những con đó nuôi riêng cũng theo cách thức đó để sanh ra một lớp chuột mới, nhưng lớp chuột mới nầy vẫn chưa dùng được. Cứ nuôi như thế đến đời thứ ba, Chuột mới thực là "thập toàn đại bổ", người ta mới lấy những con chuột bao tử của thế hệ mới này ra ăn và ăn như thế thực là ăn tất cả cái tinh hoa, bén nhậy, khôn ngoan của giống chuột, cộng với tất cả tính chất cải lão hoàn đồng, cải tử hoàn sanh, tráng dương bổ thận của cây sâm vốn được y lý Đông Phương đặt lên hàng đầu thần dược từ cổ chí kim trong trời đất ...
- Chuột Nhắt
- Chuột Đồng
- Chuột Xạ
- Chuột Dừa
- Chuột Bạch