Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2023

SỐNG GỬI THÁC VỀ


 SỐNG GỬI THÁC VỀ

Năm tháng qua rồi, ta mãi còn đI
Bước chân dõi theo đến khi mỏi mệt
Loanh quanh chốn nao hai đầu cách biệt
Tối sáng ngày đêm cho kiếp con người

Theo nghĩa của “sinh ký tử quy”, sống gửi thác về. Một ý nghĩa khác là “kiếp nhân sinh”, cũng giống như “trăm năm trong cõi người ta” của Nguyễn Du vậy. Trong bài tản mạn này, xin được có thêm một góc nhìn mới về bộ mặt thanh tịnh của tâm (bản lai diện mục), và nói theo cách riêng của diện là “vẻ nguyên vẹn” của cội nguồn tâm hay “trở về với Phật tính trong cõi riêng của mình”.Ý tứ không lạ, vì thời gian cứ mãi trôi không nhanh mà chẳng chậm, cũng chưa bao giờ ngừng nghỉ, trở nên sống động qua cách biểu đạt mới mẻ của kiếp người, cứ miệt mài ngụp lặn, mỏi mệt trong vòng tròn luẩn quẩn, loanh quanh của một kiếp nhân sinh, giữa cái sống và chết. Dù “loanh quanh”, "luẩn quẩn" hay "quanh quẩn" và “lang thang” hơi khác nhau, nhưng ý nghĩa chung là muốn nói về bước chân không định hướng.

"Lĩnh vi lãng đãng phong trần khách,
Nhựt viễn gia hương vạn lý trình"
(Trần Nhân Tông)

Tạm dịch:
Lang thang làm khách phong trần mãi,
Ngày cách quê hương muôn dặm trình

Đức Phật trước khi Giác Ngộ cũng là một người lang thang, nhưng là lang thang đi tìm nhà, không giống như hầu hết chúng ta, tuy lang thang nhưng không tha thiết với chuyện trở về “quê quán lối xưa”.

Lang thang bao kiếp sống
Ta tìm nhưng chẳng gặp,
Người xây dựng nhà này,
Khổ thay, phải tái sanh.
(Kinh Pháp Cú, câu 153)

Triết lý Phật Giáo về những vấn đề như Sinh Tử Luân Hồi:

Không có đâu em này
Không có cái chết đầu tiên
Và có đâu bao giờ
Đâu có cái chết sau cùng
(Ngẫu Nhiên)

Vòng sinh tử “loanh quanh, luẩn quẩn”, vô thủy vô chung dẫn dắt chúng sanh lặn lội, trôi nổi bất tận khi chưa thực sự về đến “cõi chết”.

Kìa còn biết bao người
Dìu dặt tới quanh đây
(Ngẫu Nhiên)

Về góc độ tự sự, bốn câu đầu tiên này như một suy niệm sâu sắc về thân phận con người và cách nhìn về con đường thoát ra khỏi thân phận đó. Giữa "Hai đầu cách biệt" đó như một lời trách nhắc nhẹ nhàng, tự trách mình thôi, nhắc mình thôi nhưng nghe cũng thấm! Những lời này cũng từng xuất hiện nhiều trong khung trời mênh mông của chúng ta, khi thấp thoáng, khi rõ ràng như ”Trăng ơi trăng rất tệ, mày đi nhớ chóng về” hay “Thôi về đi đường trần đâu có gì”. Không phải là thân phận phù du cát bụi của kiếp người như ở đoạn sau, tàn xuân tàn hạ, mà là nỗi niềm bế tắc “loanh quanh”, “chạy vòng quanh”, “kiến bò quanh đĩa”, lòng vòng không có đường ra.

Ngàn dặm cách xa, hết còn quay lại
Số phận không may với những đọa đày
Mùa xuân đã qua, hạ vừa chấm dứt
Thu đến rồi đi đông lại từ đây.

Cũng chính vì lang thang không định hướng đó, mà đã đẩy đưa một số lớp trẻ chệch hướng trong đó có chúng ta. Bây giờ với lửa tuổi quá thất thập, những kẻ đã sống và đã chết ngậm ngùi trên quê hương, đồng thời với người tự dày vò trong cuộc sống "cách xa ngàn dặm" cho đến khi "mi buồn khép lại, áo quan đưa về", kẻ còn sống lây lất, đày đọa nơi quê người và luôn tự trách "lỗi tại tôi", chờ ngày lụn tàn của một kiếp người không nơi chốn quay về!

Mây phủ ngang đầu, đuổi nắng trên vai
Lang thang bước chân mờ phai dĩ vãng
Mảnh đời vụt qua vội vàng buồn chán
Nhưng vẫn bên ta dáng phận con người

Ở đây, có sự tương phản giữa hai màu sắc nghịch nhau, màu trầm tối “Đi đã bao lâu giờ đây mỏi mệt” than vãn trên những bước chân không hướng và màu sáng tỏa của “dĩ vãng” mở hướng, đã đuổi “nắng trên vai”. Ánh nắng ấy hiện hữu “rọi suốt”, lúc nào cũng có mặt mà sao ta lại “hững hờ” với “chốn quê nhà” "mờ phai dĩ vãng" đến vậy, vẫn còn nhiều điều để nói. Kẻ có nhà, muốn về chẳng được "Nhớ nước đau lòng con Quốc quốc. Thương nhà mỏi miệng cái Gia gia". Giờ đây, chỉ còn bên ta với dáng con người buồn chán, tiều tụy của ngọn đèn cạn dầu sắp lịm tắt.

- Có kẻ đứng trước những sự thay đổi của đất trời, của lãnh thố, con người và kẻ thống trị, họ không thấy giao động với mọi biến cố.
- Có kẻ ở buổi bình minh, nghe tiếng chim hót đã chạm mặt với cõi vô lượng. Biết được vô lượng là cùng lúc đến với vô biên. Cái vô biên nằm đâu đó trên cánh vạc chở hoàng hôn về núi mỗi chiều.

Mưa rơi bên nầy, lại nhớ bên kia
Trên hai cánh vai vương từng hạt nhỏ
Thời gian nhớ mong chưa ngày trở lại
Chẳng biết tìm đâu là chốn quê nhà

Và chắc không khó để nhận ra bóng dáng của chân lý qua những từ như vô lượng, vô biên. "Vô lượng là chiều bao la của không gian và vô biên là chiều mênh mông của tĩnh lặng".

Sống ở trời tây nhớ chốn trời ta.
Vô lượng tháng năm xót xa viễn xứ
Vô biên lặng yên niệm "Tâm vô Trụ"
Danh lợi đời nầy, mọi thứ do ta.

Phải chăng mưa là một dạng “thời tiết” của cuộc đời, khi dịu mát, lúc lạnh băng?
Nghe mưa ở đây, hiện tại, lại nhớ về mưa nơi nào thuộc tương lai hay quá khứ? “Từng hạt mưa” là những suy tưởng trong tâm thức “mưa rơi”? Chính những tiếng mưa vang vang mãi “trong ta” đã ngăn trở người xa nhà luôn mong một con đường “hội ngộ” với “vô biên” của “chốn quê nhà”?“
"Vô lượng tháng năm xót xa viễn xứ”? “Vô lượng” cúa một kiếp người, không biết là bao nhiêu.? Vì “sinh tử” rồi "tử sinh", trở đi trở lại trong vòng luân hồi “vô biên”, bất tận? Ý này cũng hợp lý nhưng chỉ nói đến thực trạng “không biết nhà để về” của một người lang thang.
Còn nếu hiểu “Vô biên lặng yên” sự vô biên của đời người không hạn định. Nếu quãng thời gian ngắn ngủi thì không thể nói là vô biên, vô hạn được, sớm muộn gì thì cũng như “vết mực”, "bất phụ" không phụ thuộc vào vô lượng vô biên, mà phải chấp nhận số phận “xóa bỏ không hay” thôi!
Nói chung, "tâm vô trụ" là tâm không "trụ", không dính mắc ở thành bại, ở thói quen, tập tục, giới luật, định kiến, ở những giá trị, cũng không dính mắc ở một tâm thức, vui, buồn, hờn ghen, sân hận nhất thời. Tâm mà không dính mắc ở bất cứ cái gì là ‘tâm vô trụ’. Tuy nhiên, tâm vô trụ không là tâm trơ, không xúc cảm, không tình, không ý, không biết phải trái, không biết chánh tà. Hành tâm vô trụ không là nhằm để ‘trở thành như gỗ đá, vô cảm, vô tình’. Hành giả--người thực hành tâm vô trụ--cảm nhận cả thất tình (hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục) và cũng bình thường như mọi người trong nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Nhưng không trụ, không giữ lại, không dính mắc, không cột mình vào những cảm xúc, ý tình hay giá trị hay bất cứ cái chi xảy ra trong tâm thức. Tâm vô trụ càng không là: nhân danh vô trụ mà buông thả trong dục vọng, "Danh lợi đời nẩy, mọi thứ do Ta".
Vô trụ cũng là vô sở trụ: không có một nơi chốn, một lý tưởng, một thang giá trị, một con đường tu học cứng ngắt phải theo hay một cái chi ghi khắc trong tâm—không có chỗ trong tâm, để "trụ" ỷ lại, hay nương tựa vào đó mà phê phán hay hành xử.
Minh họa "tâm vô trụ", thật khó tìm được hình ảnh nào rõ hơn bốn câu thơ của Tô Đông Pha:

"Phong lai sơ trúc, phong khứ nhi trúc bất lưu thanh
Nhạn quá hàn đàm, nhạn khứ nhi đàm vô lưu ảnh.
Thị cố quân tử sự lai nhi tâm thỉ hiện.
Sự khứ nhi tâm tùy không"

Tạm dịch:
"Gió qua lay trúc, gió đi rồi trúc không giữ âm thanh
Nhạn lướt mặt hồ, nhạn đi rồi hồ không lưu hình ảnh
Người quân tử cũng vậy, việc xảy ra tâm mới tiếp xử
Việc qua rồi, tâm lại thảnh thơi".

Đường vòng chạy quanh, một đời khổ lụy
Phú quý đi rồi tiếc nuối bơ vơ
Từng người đã qua tới gần mộ huyệt
Phủ kín thân gầy nơi chốn hoang sơ

Thử thay đổi một chút thành "Chạy quanh đường vòng” nghe cũng hay hay, cũng giống "chạy quanh" hay như “loanh quanh mỏi mệt”. Nhưng chạy quanh thì tốc độ nhanh hơn, mạnh hơn “đi đâu loanh quanh”. “Khổ lụy” cho ta cảm giác héo hắt, mất hết vẻ tươi, như bị khô kiệt sức sống, hốc hác hơn “mỏi mệt” rất nhiều, mỏi mệt chỉ đổ mồ hôi còn tiều tụy rất rõ sự hết “pin”, mỏi mòn nhựa sống.
“Đường vòng” gợi đến sự cong cong, một đường cong khép kín, tịt lối thoát, bí lối ra. “Kiến bò quanh đĩa” hay “cái vòng danh lợi cong cong, kẻ hòng thoát khỏi người mong bước vào” là những câu rất Việt không lạ. Bi kịch của thân phận người bị bao vây bởi “cái vòng” này, phải nói là “mê hồn trận” cho thêm phần kịch tính. Danh lợi ở đây chỉ là một phần ý nghĩa của “cỏ non”, “cỏ lạ”.
Nghe hai từ này, thông thường ta hay nghĩ đến sự thăng quan tiến chức, bổng cao lộc lớn, chức trọng quyền cao Nhưng trong thực tế, nếu quay ngược nhìn kỹ lại mình, sẽ cảm được ý nghĩa rộng hơn của câu này, cũng dành cho mọi chúng ta:

- "Danh" là tiếng thơm, tiếng tốt, ai chẳng thích được khen.
- "Lợi" liên quan đến tiền, ai chẳng muốn mình có tiền, càng nhiều càng tốt, lòng ham muốn chẳng bao giờ khiêm tốn cả. Và như thế, cứ đi loanh quanh, cứ chạy vòng vòng, miệt mài đuổi bắt, khó dừng nên không mệt mỏi, không tiều tụy mới là chuyện đáng ngạc nhiên.
Trong triết lý Phật Giáo, vòng luân hồi sanh tử được giải thích bằng Thập Nhị Nhân Duyên, một “đường vòng” mà trong đó chúng sanh vẫn “chạy”, chạy tới chạy lui, chạy lên chạy xuống. Vòng này khởi đầu bằng Vô Minh, sau đó là Hành, Thức, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Ái, v.v.. Bởi Vô Minh nên bị Tham Sân Si dẫn dắt, lăn trôi, chìm đắm mãi giữa “tiều tụy” của khổ đau.

"Vọng ngã" "Ước mong", trần gian nặng gánh
Gió rét mùa đông, buốt lạnh thân tôi
Ta tiếp chân đi trả hết nợ đời
Tháng năm đã qua, thôi rồi "mộng Tưởng".

"Đã là con người ai cũng có "ước mong, mộng tưởng". Ngay từ tinh trùng, nó phải tranh đấu quyết liệt để đạt thành quả, rồi tiếp tục thích nghi với môi trường: trong bụng mẹ, trong gia đình, ở học đường, ngoài xã hội, từ lúc còn là thai nhi, cho đến chết. Học ăn, nói, gói, mở, bò trườn, đi đứng, ăn coi nồi ngồi coi hướng, tiên học lễ hậu học văn, sống theo gia phong, gia đạo; vào trường, học để luyện mình trở nên người hữu ích; vào đời, học qua giao tiếp, trao đổi với mọi người, qua những kinh nghiệm chung sống, và như thế mãi, ta tích lũy kiến thức, giá trị, kinh nghiệm, thói quen,… để có một nếp sống và rèn luyện tài khéo và tính tình. Theo đó, ta xây dựng cho chính mình một nhân cách, nhân phẩm, có danh, có phận. "Phải có danh gì với núi sông" hoặc "Không thành danh cũng thành nhân". "Vi nhân nan, vi nhân nan", (làm người, khó.! Làm người, khó.!) Là những câu mà ta thường nghe nhắc nhở. Hệ quả là ta có một cái "tôi", một cái "ta", một hình ảnh về mình, mà ta gán cho một nhãn hiệu là tư cách, nhân cách, hay danh phận của mình, mà từ của Phật gia là: "Vọng ngã".

Tên tôi là một nhà tù,
Tôi đã tự nhốt mình vào đó và tôi đang than đang khóc.
Ngày qua ngày, tôi đã dày công tô đắp bức tường chung quanh.
Ngày qua ngày, nhà tù vươn tới trời xanh; trong bóng tối của nó, tôi không còn thấy tôi đâu nữa...

Lời sau cùng để suy nghiệm là lời của Đức Đạt Lai Lạt Ma:

“Khi trong tay anh nắm chặt một vật gì mà không buông xuống, thì anh chỉ có mỗi thứ ấy, nếu anh chịu buông xuống, thì anh mới có cơ hội chọn lựa những thứ khác. Nếu một người luôn khư khư với quan niệm của mình, không chịu buông xuống thì trí huệ chỉ có thể đạt đến ở một mức độ nào đó mà thôi”.

KIẾP NGƯỜI

Năm tháng qua rồi, ta mãi còn đI
Bước chân dõi theo đến khi mỏi mệt
Loanh quanh chốn nao hai đầu cách biệt
Tối sáng ngày đêm cho kiếp con người

Ngàn dặm cách xa, hết còn quay lại
Số phận không may với những đọa đày
Mùa xuân đã qua, hạ vừa chấm dứt
Thu đến rồi đi đông lại từ đây.

Mây phủ ngang đầu, đuổi nắng trên vai
Lang thang bước chân mờ phai dĩ vãng
Mảnh đời vụt qua vội vàng buồn chán
Nhưng vẫn bên ta dáng phận con người

Mưa rơi bên nầy, lại nhớ bên kia
Trên hai cánh vai vương từng hạt nhỏ
Thời gian nhớ mong chưa ngày trở lại
Chẳng biết tìm đâu là chốn quê nhà

Sống ở trời tây nhớ chốn trời ta.
Vô lượng tháng năm xót xa viễn xứ
Vô biên lặng yên niệm "Tâm vô Trụ"
Danh lợi đời nầy, mọi thứ do ta.

Đường vòng chạy quanh, một đời khổ lụy
Phú quý đi rồi tiếc nuối bơ vơ
Từng người đã qua tới gần mộ huyệt
Phủ kín thân gầy nơi chốn hoang sơ

"Vọng ngã" "Ước mong", trần gian nặng gánh
Gió rét mùa đông, buốt lạnh thân tôi
Ta tiếp chân đi trả hết nợ đời
Tháng năm đã qua, thôi rồi "mộng Tưởng".

01122019

Trần Chánh Quá tuyệt. Đông Lợi Long Cảm ơn Trần Chánh Phạm Hồng Thát Hồng Thát đã bầy tỏ cảm xúc về bài viết của bạn Phạm Hồng Thát Bao giờ trả hết nợ đời Nam Tào gạch sổ ra đi nhẹ nhàng Bài thơ hay chúc mừng tác giả Đông Lợi Long "trần gian là cỏi vô thường đới là cỏi tạm tiếc thương phủ phàn vui buồn trả lại trần gian mi buồn khép lại áo quan đưa về" Hue Dieu (Tháng năm Đã qua, thôi Rồi “mộng Tưởng”) Hay tuyệt Đông Lợi Long Cảm ơn em gái Hue Dieu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét