Thứ Hai, 18 tháng 12, 2023

NHỮNG LẦN SOI RUỘT (COLONOSCOPY) 2019

 


NHỮNG LẦN SOI RUỘT (COLONOSCOPY)

Thông thường nam hay nữ đến tuổi 45 hay 50 nên đi soi ruột (colonoscopy), không có gì thì 10 năm tái khám, nếu có Polyps thì cắt bỏ, nhưng phải tái khám sau 5 năm (Polyp là sự tăng trưởng bất thường của một cụm nhỏ của các tế bào hình thành trên niêm mạc đại tràng hoặc trực tràng, bắt đầu trong lớp lót bên trong của đại tràng hoặc trực tràng. Một số polyp phẳng trong khi một số khác có cuống. Polyp đại trực tràng có thể phát triển ở bất kỳ phần nào của đại tràng).

- Năm 2005 lần đầu tiên soi ruột vào lúc 61 tuổi, Bác sĩ chuyên khoa đường ruột người Ấn Độ phán một câu làm tôi hơi lo "5 năm tái khám" và cho biết cắt một polyp.

 

Đúng ra thì tôi phải đi tái khám trở lại ở tuổi 66, nhưng bận phải về Việt Nam liên tục để chăm sóc Mẹ già trong cảnh đơn chiếc, sau khi người anh cả ra đi, tiếp sau hai năm Mạ tôi qua đời. Vì thế cho mãi đúng 9 năm sau mới đi được lần thứ hai;

- Năm 2014 khi đã có bảo hiểm sức khỏe sau khi về hưu. Soi ruột lần thứ hai lúc 70 tuổi kể cũng đã trễ, điều đó không làm tôi phải bận tâm nhiều, ngược lại tôi cảm thấy được an ủi phần nào, vì mình đã làm đúng phận con, trong những năm tháng cuối đời đối với bậc sinh thành.

Thời gian mới định cư ở Mỹ, việc làm kiếm tiền là ưu tiên hàng đầu của người tị nạn, vì lẽ đó nên ít để ý đến bệnh hoạn hay việc đi khám bệnh, thử máu hay kiểm tra sức khỏe hằng năm. Nhưng sau ngày đoàn tụ "nhà tôi" luôn nhắc đi Bác Sĩ, lắm lúc phải cằn nhằn, rầy rà và làm áp lực thì mới chịu đi. Hơn thế bạn bè tôi ra đi vì ung thư ngày một nhiều hơn. Mấy tháng trước, tôi phải đi dự tang lễ mấy anh bạn chơi với nhau từ nhiều năm nay; Người cháu của tang gia đọc bài điếu văn mà nước mắt tự nhiên cứ dàn dụa, lòng nhủ thầm “Rồi cũng sẽ gặp lại nhau cả thôi, Anh ạ!”

Nghĩ lan man vậy thôi, nhưng đi soi ruột lần thứ hai tôi vẫn cảm thấy một mối lo sợ. Dường như lần trước tôi không hề có cảm giác này. Ở tuổi 70 rồi nhưng tôi vẫn tự tin mình không có bệnh, sáng nào cũng làm một vài động tác cho giản gân cốt, hoặc tản bộ, ăn sáng và nghe tin tức, sau đó ngồi viết bài cho vài báo online, mọi chuyện vẫn ổn thỏa và không có đau ốm gì nghiêm trọng. Tuy vậy, người lớn tuổi phái đối mặt với nhiều thách thức về sức khỏe vì không thể tự sống một mình do đi lại khó khăn, do thể lực yếu ớt “như chuối chín cây”. Ngay từ thời thanh niên, rất ít dùng thuốc, không bao giờ vào nhà thương, nhưng tôi đã hiểu con người cũng như cái đầu máy xe hơi. Cái máy ấy chạy mãi cũng phải có lúc trở ngại, long, mòn, hư hao...Lần thứ hai soi ruột cũng cắt một Polyp và 5 năm tái khám.

Biết thế, nhưng phải đến tuổi 70, cái cảm giác máy móc của mình long mòn mới là hiện thực. Mỗi lần bạn bè gặp nhau, nhìn mái tóc mỗi ngày một bạc trắng của nhau cũng vẫn cứ tự an ủi: Mình sống được cho đến tuổi này đã là tốt rồi, lẽ ra đã chết ngay trong các trại tù cải tạo, hay hai lần (6 tháng) gở bom mìn để "giải phóng" đất cho dân canh tác. Nói với nhau như thế nhưng tôi biết người nào cũng vẫn còn ham sống và sợ chết dù đã ở tuổi gần đất xa trời.

Mọi người đều nói "bạn sẽ ổn thôi", và sống tích cực, nhưng tôi không nghĩ một người còn sống, mà họ phải đối mặt với khả năng "ung thư", mặc dù không nghĩ đến cái chết, nhưng cuộc sống của họ sẽ bị giảm ngắn lại. 

- Thế rồi, qua 5 năm (2014-2019) việc soi ruột  lần thứ ba năm 75 tuổi cũng chỉ là việc kiểm tra thường kỳ 10 hay 5 năm một lần. Việc xét nghiệm ung thư đường ruột có ba cách:

1. Thử phân (xét nghiệm tìm máu lẫn trong phân)

2. Thử DNA trong phân (xét nghiệm trong phân có những lớp bong của tế bào ung thư trong đường ruột).

3. Làm nội soi (kỹ thuật được xử dụng để phát hiện những thay đổi bất thường trong đại tràng "ruột già" và trực tràng, tìm ra được các nguy cơ gây ung thư).

Ai cũng nói rằng ngày nay những phương tiện để làm công việc này rất tối tân, tránh được những tai biến bất thường. Khi vị bác sĩ chuyên môn khám tổng quát và cho toa đến Walgreens Pharmacy mua loại thuốc rửa ruột. (Golytely là một loại thuốc theo toa được người lớn xử dụng để làm sạch ruột, trước khi nội soi đại tràng hoặc kiểm tra bằng tia X-quang. GoLYTELY làm sạch ruột bằng cách khiến mình bị tiêu chảy. Làm sạch ruột, giúp Bác sĩ chăm sóc sức khỏe nhìn rõ bên trong đại tràng suốt trong quá trình nội soi.

- Golytely là tên của một loại thuốc gọi là dung dịch điện giải polyethylen glycol được dùng để xổ làm sạch ruột trước khi làm nội soi.

- Thuốc này cũng chứa natri, kali và các khoáng chất khác để thay thế chất điện giải được truyền từ cơ thể người trong phân.

Trong hai lần nội soi trước, cũng được chỉ dẫn cách xử dụng khá kỹ lưỡng, ngoài tờ giấy in hình mô tả chi tiết việc nhịn ăn và thời gian phải uống cho hết 1 gallon (3.78541178 Liters) thuốc do văn phòng bác sĩ chuyên môn căn dặn.

Thú thực, uống một gallon nước trong 7 tiếng đồng hồ là một điều không khó, nhưng uống hết một gallon nước thuốc rửa ruột tôi nghĩ là rất khó. Dù đã bỏ vào trong đó một gói bột mùi dứa, uống chất nước ngọt lờ lợ được nửa gallon là tôi muốn “dội” rồi. Uống xong 4 lần mỗi lần nửa lít thì bụng bắt đầu chuyển và dường như chỉ lần đầu tiên đại tiện, tôi có cảm giác là bao nhiêu cặn bã còn chứa chất trong ruột già bị đẩy ra ngoài hết, và lần thứ hai chỉ ra toàn nước nhưng vẫn phải tiếp tục uống hết 1 gallon, vào restroom liên tục. Cứ như thế cho đến nửa khuya thì những lần mở cửa restroom mới thưa dần.

Nhưng trong lần thứ ba nầy, tôi dùng lượng thuốc Golytely chỉ có hai chai (6 ounces in a bottle), uống làm hai lần. 

Hai ngày trước khi đến hẹn soi ruột, văn phòng của bác sĩ Luật (Gastroenterologist in Arlington, Texas) gọi nhắc lại chi tiết này một lần nữa qua điện thoại.

Chuyện nhịn ăn một ngày trước ngày soi ruột là chuyện tưởng như dễ dàng, nhưng thực tế không phải như vậy. Sau bữa ăn nhẹ tối ngày Thứ Tư, qua ngày Thứ Năm chỉ được uống các loại chất lỏng: cà phê đen, trà, nước ngọt, nước cam, nước táo, nước canh và jello Mỹ. Không được uống sữa hay thực phẩm của sữa.

- Lúc 5:00 PM cho chai thuốc 6 oz vào ly, thêm nước vào đúng vạch 16 oz khuấy đều uống từ từ cho hết, uống tiếp thêm ít nhất là 32 oz nước.

- 8:00 đến 9:00 PM uống chai thứ hai cũng như chai trước, khuyến khích uống thêm nhiều nước trước 12 giờ đêm.

Sau 12:00 giờ đêm không được ăn hoặc uống cho đến buổi sáng Thứ Sáu trước khi soi ruột.

Cách uống thuốc trong lần thứ ba nầy tương đối nhẹ hơn hai lần soi ruột trước, vì chỉ uống hai lần là 32 oz nước thuốc mà thôi, số nước tiếp theo chỉ là nước lọc (tất cả thuốc và nước là 96 Ounces = 2.83906 Liters). Thuốc vào xổ ra đến tám lần mới tạm ngưng và đã thấm mệt.

Cơn đói đang hoành hành, bao tử cồn cào và thèm ăn không thể nào tả được. Nhớ lại những năm tháng trong tù, chưa có bao giờ mà sau bữa cơm tù lại có cái cảm giác là vừa ăn cơm tối hay cơm trưa đến với tôi cả. Vừa mới ăn xong mà vẫn nghĩ, vẫn có cái cảm giác là mình chưa ăn và vẫn còn đói. Nhưng vậy mà còn đỡ hơn cái đói và thèm ăn xoáy vào dạ dày sau khi uống xong thuốc rửa ruột. Nhìn ớ đâu cũng thấy thức ăn, thế mà không đụng vào được, có lúc tôi muốn bỏ cuộc, vồ lấy một trái táo hay trái chuối cứ ăn cái đã rồi ra sao thì ra.!

Cái đói trong trại tù Cộng sản là cái đói ăn chưa đủ lấp một phần mười bao tử, có muốn thêm cũng không đào đâu ra. Còn cái đói ở trường hợp rửa ruột để đi soi ruột là cái đói của bao tử trống rỗng trong khi trước mặt mình bày ra đủ thứ thực phẩm đầy cám dỗ. Một đàng có ăn nhưng vẫn đói triền miên từ năm này qua năm khác vẫn chịu được, còn một đằng chỉ phải nhịn khoảng một ngày rưỡi cho một nhu cầu y khoa mà không vượt qua được thì hèn quá. Nghĩ thế, tôi ngồi dậy hoạt động một chút, quả nhiên thấy dễ chịu hơn. Giấc ngủ của tôi từ 9 giờ tối cho đến 4 giờ sáng hôm sau bị gián đoạn rất nhiều lần vì phải vào nhà cầu chứ không phải vì đói nữa.

Buổi sáng thức dậy, bước xuống giường, cái cảm tưởng đầu gối, các khớp xương lỏng ra khiến tôi nhận được rõ rệt sự thay đổi trong cơ thể đang bị lão hóa của mình, nhưng đồng thời tôi thấy khoan khoái hơn. Mở cửa bước ra khu vườn sau nhà, nghe được tiếng chim hót trên những cành cây trong vườn, cảm được hơi lạnh của mùa thu đang trở về, tôi chợt nghĩ rằng chiến tranh có thể đang diễn ra ở nhiều nơi trên trái đất, nhưng khu vườn sau nhà tôi thì vẫn thể hiện được đầy đủ sự tuần hoàn yên bình của trời đất. Vậy thì có gì phải lo nghĩ về ranh giới của cái sống và sự chết hay ít ra là của điều bình thường và bất thường.

Trở vào nhà, làm vệ sinh cá nhân, thay áo quần giữ ấm, đội mũ, mang răng uống thuốc cao máu. Đúng 5 giờ sáng hai con đưa đi bệnh viện. Đúng 5:30 AM đến nơi, nhân viên kiểm soát lại hồ sơ đã điền trên online trước đây, rồi lấy băng plastic nhỏ đeo vào cổ tay có tên tuổi binh nhân. Đúng 6:00 giờ y tá mở cửa niềm nở mời vào phòng riêng, phát một túi plastic và áo bịnh nhân, thay áo quần bỏ hết vào túi plastic, mặc áo bịnh nhân, xong nằm trên một chiếc giường bệnh, đắp mền, có màng vải bao quanh, lúc nằm chờ tôi bảo các con gọi báo cho mẹ biết. Rồi một cô y tá khác lại đến đo nhiệt độ và áp huyết, sau đó bác sĩ gây mê người Ấn đến chào hỏi vui vẻ. Xong một cô y tá khác đến treo một túi serum nhỏ trên đầu giường, châm kim vào mu bàn tay chuyền serum nhỏ giọt vào tĩnh mạch. Đúng 7:00 giờ lại một cô khác đến đẩy cả giường vào phòng kế đó đặt giường vào giữa vị trí một màn ảnh monitor 19" hiệu Olympus của Nhật, cạnh một máy đo nhịp tim và một máy dùng soi ruột cũng hiệu Olympus phía đối diện monitor. Rồi hai cô chuyên viên phụ tá cho BS gây mê và BS soi ruột, đứng 2 bên vừa điều chỉnh, kiểm soát máy móc, vừa trò chuyện giới thiệu tên, đồng thời cho bệnh nhân nằm nghiên bên trái. Bác Sĩ Luật lên tiếng: "Chào Bác Kính, bác vẫn ổn chứ"? Tôi trả lời "Dạ, kính chào BS, tôi vẫn ổn cảm ơn BS". Tiếp theo, giới thiệu tên Bác sĩ gây mê người Ấn Độ. Khi phần hành hai người phụ tá xong, BS gây mê lấy một ống thuốc nước chừng 5 cc chích vào ống plastic đang chuyền serum. Từ lúc đó tôi đi vào giấc mê...Khi tỉnh lại tôi đang ở phòng đầu tiên, con gái cho biết 8:10 AM. Khi đã tỉnh y tá cho thay áo quần, sau mười phút dìu vào xe lăn đưa ra cửa, lên xe yên vị rồi làm vài ngụm nước cho sản khoái, con đưa chai sửa Boost (glucose Control) làm mấy hơi là thấy yên bụng, xe lăn bánh rời trung tâm giải phẩu lúc 8:20.

Hai con đưa ba đi ăn, nhưng tôi bảo mua về nhà ăn cho khỏe, trong lúc ngồi chờ tôi gọi điện thoại báo cho nhà tôi biết ca phẫu thuật xong, cắt hai polyps lấy mẫu gởi xét nghiệm, Sau khi cắt bỏ khối polyp, bác sĩ sẽ gởi đến phòng Lab (Laboratory là Phòng thí nghiệm), để phân tích xem khối polyp đại tràng thuộc loại nào. Xét nghiệm này sẽ được trả lời sau một đến vài tuần, do đó cần hẹn gặp bác sĩ để nhận kết quả. Khi đó, hãy trao đổi với bác sĩ về thời gian tái khám và nội soi trở lại. Về tới nhà xê xích 10:00 AM, thay áo quần xong, nội tướng cho ăn cháo vịt ấm bụng rồi lên giường làm một giấc thoải mái, cảm giác như trả xong một mối trong chuổi nợ còn dài của cuộc sống...!

Thưc giấc trong cái lạnh âm độ C (< 32 độ F); Vẫn muốn  nằm yên với cảm giác bình yên, qua những nghĩ ngợi về tuổi già và con cái phải phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ già yếu, bệnh tật. Điều này theo tôi không có gì xa lạ với lớp trẻ Việt Nam sinh ra hay lớn lên ở Mỹ đâu. Những lần có cơ hội nói chuyện với các bạn trẻ, tôi thấy họ cũng ý thức rất rõ được bổn phận này. Nhưng do hoàn cảnh họ không thể thực hiện được trọn vẹn bổn phận làm con vì nhiều lý do khác khau: Công việc làm, hoàn cảnh kinh tế, đời sống tốc độ và sự phát triển không bao giờ ngừng của xã hội Mỹ. Chúng ta cứ nhìn con cái của chính mình thì sẽ thấy rõ. Chúng lớn lên, học hành, tốt nghiệp có được công ăn việc làm, thế rồi cuộc đời của chúng bị trói chặt vào lối sống, mà chúng đã thấm nhuần ngay từ nhỏ ở trường mẫu giáo hay tiểu học. Đời sống Mỹ là như thế và chúng ta không có cách nào đi ngược lại nó.

Cá nhân, vợ chồng tôi lúc nào cũng muốn những đứa con ở quanh mình, nhưng đồng thời ý thức rất rõ rệt là khi chúng đã tốt nghiệp đại học, và khi đã có công việc làm là lúc chúng đã đủ lông đủ cánh, bước ra một khung trời rộng lớn hơn, để học thêm ở chợ đời. Như thế rõ ràng là chúng đã tự lập và ý thức tự lập, như lứa tuổi thanh niên nam nữ hừng hực, tràn đầy sức sống khiến chúng sẽ bay cao và xa hơn. Tuy nhiên, có thể biết chắc được rằng khi nào cha hay mẹ gặp khó khăn, đau ốm chúng sẽ lần lượt bay về nơi mà các con đã từng được bảo bọc che chở đến lớn khôn, để săn sóc cũng như chia xẻ những khó khăn ấy với ba mẹ.

Ý thức được rất rõ hoàn cảnh con cái mình khi chúng trưởng thành, vợ chồng tôi cũng đã tự lo hậu sự cho mình và viết sẵn “Five Wills” để đỡ gánh nặng cho những người thân ruột thịt còn lại trong gia đình. Điều này không phải dễ làm đối với những người còn nặng óc dị đoan hay kiêng cữ. Cho nên những điều tôi viết ra ở đây cũng chỉ là những suy nghĩ và việc làm của vợ chồng tôi mà thôi.

Nằm nghe tiếng gió rít manh từng cơn... Đầu óc cũng tự nhiên bị cuốn theo vào những kỷ niệm thời trai trẻ, hăng say, nhiệt huyết mà giờ đây nơi xứ người phải chuộc lại lỗi lầm, sai trái bằng cách "đấm ngực" lỗi tại tôi mọi đàng.

Hậu quả, đưa đến những ngày tàn cuả cuộc chiến, với bao ngậm ngùi và đau thương cho một dân tộc bé nhỏ bị đẩy vào sự lừa gạt của các thế lực lớn quốc tế, cho đến những tháng ngày tinh thần bị khủng hoãn khi Việt Cộng bắt đi tháo gở bom mìn "giải phóng đất đai vùng kinh tế mới cho dân canh tác", cùng những năm dài đằng đẵng cắn răng chịu đựng sự đầy đọa, đói khổ trong những cánh cổng nhà tù Cộng sản. Không thiếu một hình ảnh trả thù nào, cả tinh thần lẫn thể xác. Nỗi kinh hoàng sau ngày GIÓ XOÁY CUỘC ĐỜI.

Giờ đây, khi thực sự được hưởng tự do tại xứ Mỹ thì cũng là lúc nhìn thấy cái giá của tự do không phải chỉ có chiến tranh và tù đầy. Cái giá đó còn bao gồm cả việc đối phó khó khăn với đời sống tại quốc gia đã được kỹ nghệ hóa toàn phần như Mỹ, cộng thêm với đầy rẫy những ngộ nhận của một cộng đồng vẫn còn mang nặng những hình ảnh của một cuộc chiến cũ. Nghĩ miên man như thế tức là còn tiếc, còn ân hận là mình chưa làm được việc gì cho ra hồn cả. Toàn là những thất bại nên còn muốn sống thêm nữa để làm theo suy nghĩ của mình... và tôi nhẩm đọc vài lời cầu nguyện...

18122019

Thi Diem Tran

Bài viết như một lời tâm sự... Rất hay


Đông Lợi Long

Cảm ơn Chị ghé thăm,


Một mai đến, thân ta về cát bụi

Chẳng còn ai để thổn thức bồi hồi

Nhớ đến người, quá vãng lại ngậm ngùi

Trong giá trị làm phận người chẳng có!


Quỳnh Hương Phạm

Chúc Anh bình an trong mùa giáng sinh . Sinh lão bịnh tử là lẽ thường tình của đời sống phải không ạ?


Đông Lợi Long

Cảm ơn Chị đã ghé thăm


Giữa nhân thế, mọi bề hư ảo

Người phải "Già,-Đau-Lão-Tử vong".

Nào đâu, chỉ có mình không.!

Tha nhân điên đảo đục trong bất thường.


Ôi.! Nghiệp chướng, khi nào mới hết?

Kiếp con người, sống chết nay mai

Dẫu thân có, lắm nghìn phương cách

Nhưng mấy ai, làm nó đổi thay


Kìa quần chúng, tính toan trôi nỗi

Bể khổ chìm, sưng phổi nám gan

Nghèo hèn hay dẫu giàu sang

Hố chôn cũng chỉ áo quan một sòng


Buổi sáng ngồi uống trà ở vườn sau nhà, chung quanh thật yên tĩnh với không khí trong lành của một sáng sớm mùa Đông...nơi xứ người.!

Mùa đông, cây chỉ còn trơ lại cành, chúng đã thay da đổi thịt liên tục qua bốn mùa của tạo hóa...Lúc những lá xanh bắt đầu lác đác điểm tô trên cành, báo hiệu một sức sống mãnh liệt mà mùa xuân đã mang đến. Tiếp nối mùa hạ lá xanh càng nhiều che phủ hết các cành cây, nên phải để ý mới có thể nhìn thấy những con chim đang hót líu lo đậu xen lẫn với lá. Những tháng mùa thu, lá lại chuyển vàng và bắt đầu rụng, qua tháng Giêng đông về, cây tiếp tục rụng lá để tôi có thế nhìn thấy dễ dàng vạn vật đến rồi đi vào mỗi buổi sáng của những đợt giao mùa theo sự vận hành của đất trời.

Bới vậy, đã là kiếp người cũng phải trải qua những chặng đường; Đó là "Sinh Lão Bệnh Tử". Thường tình, con người chỉ sợ chết, nhưng chết lại là giai đoạn nhanh chóng nhất của bốn thời kỳ. Sinh ra chưa có trí khôn thì cũng chỉ vài ba năm là đã bắt đầu có ý thức. Đến khi lớn tuổi, lúc nào thấy được mình không còn sức vui thú với tuổi già thì mới bắt đầu nghĩ đến cái chết. Chết chỉ là một khoảng thời gian ngắn nhất để ra đi (lìa đời). Bệnh thì trái lại, vừa sinh ra đã có mầm bệnh. Kéo dài cả cuộc đời cho đến tuổi già vẫn còn bị bệnh. Chỉ có chết đi mới hết bệnh mà thôi. Xem ra bốn chữ: sinh lão bệnh tử, duy chỉ có bệnh làm nên "nghiệp" con người mà thôi.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét