Thứ Ba, 17 tháng 10, 2023

VIẾT CHO NHỮNG NGƯỜI CON

 


Theo quan niệm Đông phương, lập trường của người Việt cao niên chúng ta đều biết, bậc cha mẹ có ảnh hưởng lớn lao trên con cái, đặc biệt là cha đối với con trai. Trước khi nhìn vào ảnh hưởng của người cha đối với con trai, chúng ta cần biết trách nhiệm của người cha trong gia đình là gì, người cha cần có mối quan hệ như thế nào với con trai của mình? Khi một người được ban cho một đứa con trai để tiếp nối giòng họ, người đó nhận được đặc ân và trách nhiệm từ tổ tiên. Đặc ân và trách nhiệm đó là hướng dẫn con đến chỗ nhìn biết sự phát triển của cây "GIA TỘC". Một người cha có mối quan hệ mật thiết với tổ tiên, ông bà sẽ có mối quan hệ tốt đẹp với vợ và các con. Có người đã mô tả ảnh hưởng của người cha như sau:

Cha luôn luôn để lại một ấn tượng sâu đậm trên đời sống con cái. Ảnh hưởng của người cha có thể ví sánh với hình ảnh một người đang ghi khắc những dấu vết vào một thân cây. Ngày tháng trôi qua, những dấu vết hay ấn tượng người cha để lại trên con cái ngày càng sâu đậm và rộng lớn. Những ấn tượng đó có thể giúp con lớn lên sống hài hòa với mọi người chung quanh, nhưng cũng có thể khiến con không có mối quan hệ tốt đẹp như đáng phải có.!

Suốt những năm tháng Cha sống gần con cái đã kiên nhẫn, cẩn thận để lại trong tâm hồn con những hình ảnh yêu thương, khích lệ; với sự hướng dẫn trong khuôn phép vững vàng; chấp nhận con, yêu quý con. Nhưng cũng có những người cha đã dùng lời nói hay hành động làm tổn thương tâm hồn con trẻ, vì thế để lại trong lòng con những vết sẹo vô cùng sâu đậm.
Thời gian có thể chữa lành đau đớn hoặc làm cho vết sẹo mờ nhạt đi, nhưng những ấn tượng về người cha không thể nào xóa nhòa hoàn toàn. Cái ấn tượng mà người cha để lại trong mỗi cuộc đời chúng ta có thể xấu tốt, lớn nhỏ, nhiều ít, khác nhau nhưng chắc chắn ấn tượng đó, ảnh hưởng đó ta không thể phủ nhận. Dù muốn dù không, người cha là vị thầy đầu tiên và là vị thầy quan trọng nhất trong cuộc đời con cái.

- Người cha dạy con bằng đời sống gương mẫu, bằng những lời khuyên dạy hoặc bằng những thất bại và thiếu sót của mình.
- Cha luôn ân cần dạy dỗ điều hay lẻ phải cho con cái,
- Cha mẹ trước hết phải ghi nhớ và thực hành lời ngay, việc thẳng rồi sau đó dạy lại cho con cái. Dạy trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc và mọi nơi. Dạy con là một phần trong sinh hoạt hằng ngày của cha mẹ.
- Người cha nào cũng muốn được con khâm phục, kính nể và người con trai nào cũng muốn kính trọng khâm phục cha của mình.
Nếu để ý chúng ta thấy các cậu bé con 5, 6 tuổi hay 7, 8 tuổi thường khoe với bạn rằng bố mình là giỏi nhất, tài nhất, không ai bằng. Các em cũng thích bắt chước cách đi đứng nói năng của bố, và khi có ai hỏi, lớn lên con muốn giống ai, các em thường trả lời: con muốn giống ba con. Đây là một mong ước tốt đẹp nếu người cha là gương mẫu tốt đẹp cho con noi theo. Những đứa con trai trong gia đình cần có một người cha mạnh mẽ, can đảm, sống thật với chính mình nhưng cũng là người cha rất là người, tức là cũng có những lúc yếu đuối, vấp váp như mọi người khác. Các con trong gia đình cần nhìn thấy cha mình là một người bình thường, có ưu điểm lẫn khuyết điểm, có điểm mạnh cũng như điểm yếu. Như thế tốt hơn là, cha cách biệt với con cái, che giấu con người thật của mình nên được con tôn cao, xem như là thần tượng để rồi sau đó khi lớn lên thần tượng sụp đổ vì các em khám phá ra rằng cha mình không cao đẹp toàn hảo như mình tưởng.

Một người con trai nọ nói như sau: "Tôi kính trọng và ngưỡng mộ cha tôi vì ông sống thật với chính mình và với vợ con. Khi có lỗi, ông nhận lỗi; khi có điều sợ hãi, lo lắng, cũng như khi được thành công, vui vẻ, ông chia xẻ với gia đình chứ không che giấu. Khi cha tôi gặp thử thách hay khó khăn trong đời, ông không những biểu lộ trong cử chỉ, thái độ nhưng cũng nói ra cho mẹ tôi và anh em tôi biết, và ông cho biết ông đã học được điều gì qua những khó khăn đó. Cha tôi không bao giờ biết rằng ông đã dạy tôi rất nhiều qua những điều ông chia xẻ với chúng tôi. Cha tôi không toàn hảo nhưng ông rất chân thật, cởi mở, là người nhiều tình cảm và không ngại biểu lộ tình cảm của mình. Tôi ước mong các con tôi cũng thấy tôi là một người cha giống như vậy".

Người cha trong gia đình nói trên là người dạy con bằng chính đời sống của mình, ông là con người như thế nào thì bày tỏ ra như vậy, rất thật và rất gần với con cái. Đây là điều quan trọng chúng ta cần để ý nếu chúng ta muốn các con của mình, đặc biệt là những đứa con trai, lớn lên có đời sống tình cảm lành mạnh và quân bình. Một đứa bé phát triển bình thường là đứa bé được cha yêu thương, chấp nhận, và lớn lên có thể nói như sau về chính mình:

"Tôi biết tôi là người có khả năng, có thể làm những việc bình thường mà người khác giao cho tôi. Tôi sẽ có lúc vấp ngã nhưng không sao, tôi sẽ học hỏi và rút kinh nghiệm qua những vấp ngã đó. Tôi, như thế là đủ cho tôi rồi. Tôi yêu thương người chung quanh và sẵn sàng nhận tình yêu người khác dành cho tôi. Tôi yêu thương và tôn trọng chính mình. Tôi biết tôi có thể bày tỏ con người thật của mình với cha mẹ và người thân yêu. Tôi có lúc vấp váp lầm lỡ nhưng không sao người chung quanh vẫn yêu thương và chấp nhận tôi".

Làm thế nào để giúp con cái tự tin và có cái nhìn đúng về chính mình, con người phải trải qua ba giai đoạn sống trong cuộc đời: môi trường gia đình, nơi học đường và ngoài xã hội; Bên cạnh phải có những nguyên tắc sống quan trọng như sau: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí và Tín. v.v...

Người không có Nhân thì sẽ thành kẻ độc ác.
Người không có Nghĩa thì sẽ thành kẻ bội bạc.
Người không có Lễ thì sẽ thành kẻ vô phép.
Người không có Trí thì sẽ thành kẻ ngu ngốc.
Người không có Tín thì sẽ thành kẻ giả dối.

Đây là những nguyên tắc tuyệt đối thích hợp cho mọi đời sống, trong mọi thời đại. Người cha sẽ làm trọn vai trò của mình khi người đó sống theo đúng nguyên tắc trên và dạy cho con cái biết và thực thi những nguyên tắc căn bản đó.

Con cái nhìn thấy hình ảnh và vai trò của người cha trong gia đình, qua tấm gương trong sáng mà Cha là người mang lại cho con cái những điều cần yếu sau:

* Là nơi che chở, bảo bọc con:

Cha luôn là tấm khiên bao vệ chúng ta, giúp con an tâm và có thể ngước đầu lên, đối diện khó khăn. Cha trong gia đình cũng là nơi cho con nương tựa.

* Là điểm sáng soi đường chỉ lối và sẵn sàng giúp đỡ:

Con cái trong gia đình cũng trông mong cha là người hướng dẫn giúp đỡ trong lúc gặp nguy biến, khó khăn.

* Là người yêu thương, nhân từ, sẵn sàng tha thứ lỗi lầm của con:

Cha luôn thương yêu, làm ơn, chậm nóng giận và đầy sự nhân từ.

Bạn đã thấy Ba của tôi chưa?
Tôi không biết ông ấy đã đi đâu.
Đôi khi đó là điều rất đau
Tôi dường như không thể tiếp tục nghĩ đến.

Mọi người nói tôi trông giống ông nhiều lắm.
Ông ấy không cần nghỉ ngợi nhiều.
Vì chúng tôi là Cha Con
Nhưng trên thực tế, Ba tôi trông đẹp nhất.

Ông luôn theo dõi, từng bước đi của các Con
Nhất là khi tôi cố vượt qua cái chết để ra đi...
Tôi hy vọng điều này sẽ thành công.
Và một ngày nào đó, Con sẽ quay lại thăm Ba
Và sẽ nói, "Con xin Ba tha lỗi".

Nhưng đã quá trễ.! Vì Ba của tôi đã ra đi.
Tôi nghĩ rằng Ông ấy chắc đau đớn,
Và rất mong ngày người con trai út trở về
Năm 1994 tôi không được cấp Visa nhập cảnh.

Thực sự nhớ Ba của tôi.
Tôi đã không có lời chào vĩnh biệt cùng Ba.
Nó sẽ không bao giờ được bày tỏ điều đó lần cuối.
Nên còn mãi, mình sẽ thương tiếc khóc thầm.

Đến một ngày không còn Ba, con mới nhận ra
Bao năm qua, Ba vì con mà hy sinh
Dù đau buồn cách mấy nhưng cha vẫn lặng thinh
Đơn giản cha muốn gánh mọi thứ một mình.

Con đã sai, và không thể làm lại
Vì dáng cha, giờ bước xa mãi mãi.
Dẫu nước mắt có lăn dài, mặc dù vẫn biết nhưng cũng chẳng thể quay về
Ngày tháng sau "bảy lăm bị đổi đời", tài sản nhà nước trấn lột

Cha buồn rầu, phát bệnh buôn xuôi
Rồi cứ thế hằng đêm con lại nhớ về cha
Một mình ôm trọn những ký ức nhạt nhòa
Con luôn biết là Ba thường xuất hiện...

Trong giấc mơ chúng tôi thường mỉm cười
Và thời gian của chúng tôi
Chỉ là một chút mơ trong giấc ngủ không trọn vẹn
Tôi sẽ không bao giờ hiểu.!

Tại sao thời gian của Ba ở đây quá ít,
Nhưng ông đã nói rằng:
"Ba sẽ luôn ở đây chờ Con"
Và đỡ lấy tôi mỗi khi tôi vấp ngã.

Con nhớ Ba nhiều lắm, Ba ơi,
Nhưng chỉ hy vọng và cầu nguyện
Rằng đến lúc "mi buồn khép lại, Ba sẽ đến cùng con".
Hẹn gặp lại Ba vào một ngày không xa.

Tôi nghĩ rằng công việc của Ba ở cỏi trần đã hoàn thành.
Ba xuôi tay nhắm mắt ra đi.
Đã đến một nơi có cuộc sống vĩnh cữu
Không hận thù, tranh chấp

Nước mắt tôi khóc và những lời cầu nguyện
Hy vọng sẽ đi rất xa
Để được kề cận người cha yêu thương của tôi
Đang ngự trị giữa các vì sao.

Không phải ngẫu nhiên mà khi nhắc đến cha, người ta luôn ví công lao của "Người" tựa non cao, biển rộng - những thứ lớn lao nhưng rất đỗi âm thầm. Cha trong ấn tượng của hầu hết chúng ta có phải là người đàn ông ít nói nhưng tình cảm, nghiêm khắc nhưng lại bao dung.

Vậy nên triết gia Cicero từng nói: "Trên Trái Đất này, không có món quà nào ngọt ngào bằng tình yêu thương của người cha cho con mình".

Tuy nhiên, liệu có ai đủ dũng khí để nói lên 3 tiếng: "Con yêu cha" Tôi nhớ rằng đã bao lâu rồi mình chưa trò chuyện cùng cha? Đã bao lâu rồi chưa được nghe những lời dạy dỗ từ cha? Tóc cha đã điểm thêm vài sợi bạc, con có kịp nhận ra?

Càng trưởng thành, khoảng cách của con và cha càng lớn dần. Thậm chí, những câu hỏi han thông thường bỗng trở nên gượng gạo, những lần gặp mặt càng thưa dần và vội vã, vì nhiều bận rộn lo toan.

Mọi người hay nhắc về mẹ khi ngợi ca sự hy sinh, lo nghĩ cho con cái, gia đình, còn cha thì sao? Có phải chúng ta nên công bằng hơn với cha của mình?

Khác với mẹ dịu dàng, gần gũi và hay thể hiện tình cảm dành cho con, cha thường nghiêm khắc, đôi khi khó tính và rất tiết kiệm lời nói. Sự cứng rắn của người đàn ông, áp lực của trụ cột gia đình khiến cho việc thể hiện tình cảm của cha dành cho con trở nên vụng về, vô tình khiến mối quan hệ thêm xa cách. Nhưng khi lớn lên, con phải thầm cảm ơn những lần dạy dỗ, những bài học vô giá từ đấng sinh thành của mình.Có một nghịch lý, chúng ta rất dễ nói lời yêu thương ai đó, ngoại trừ cha của mình. Nói một câu yêu thương vốn là điều rất dễ dàng, nhưng sao khi dành cho cha lại trở nên khó khăn như thế?

Những người con thường tự lừa dối bản thân rằng thời gian, khoảng cách đang đẩy mình và cha ngày một xa nhau. Nhưng dù có vượt qua được hàng trăm nghìn cây số, quay lại cách đây vài năm, hay vượt cả đại dương trở về khi đã cách xa nhau nhiều chục năm, liệu con có chắc sẽ vượt qua được sự ngại ngùng và vô tâm của những người con? hoặc phải ân hận khi qùy bên mộ cha... để xin được tha thứ.

Với tình yêu của cha dành cho con là vô điều kiện, nên món quà cha mong đợi không phải vật chất, mà là được thấy con hạnh phúc và trưởng thành, hãy biến mỗi ngày đều là ngày của cha từ những việc làm đơn giản nhất.

- Cha là bắt đầu cho nguồn gốc, lý tưởng và tương lai.
- Mẹ là bắt đầu cho sự sống, tình yêu và hạnh phúc.

Làm người phải có lòng Nhân
Không lừa nịnh nọt, bon chen, xu thời,
Đừng nên dối trá, mọi người,
Bất trung, bất hiếu người đời khinh chê.

Cuộc đời khi gặp không hay
Hãy coi như chuyện chẳng may cho mình
Siêng năng chăm chỉ, tận tình
Biết điều phải trái phân minh rõ ràng

Kính trên, nhường dưới, chu toàn
Xẻ chia san sẻ cưu mang giúp đời
Yêu thương người
Biết chọn lựa cho mình những con đường.
Rồi vững bước để cuộc đời nở hoa chứ đừng rơi vào bế tắc.
Rồi sau này trong những khi gian khó nhất.
Hãy luôn tin tưởng, kiên trì, tiếp tục để tiến lên.

Haltom City, 17-10-20

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét