Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2023

TÌNH YÊU TUỔI TRẺ VÀ HẠNH PHÚC TUỔI GIÀ.

Đời người thường được gói gọn trong một câu thật đơn giản: “Từ thời còn trẻ… đến lúc về già”. Nói như vậy nhưng không đơn giản chút nào vì những suy nghĩ phức tạp của từng thời kỳ, qua đó thể hiện quan niệm sống khác hẳn nhau, nhiều lúc đến độ mâu thuẫn, xung đột gay gắt mà không thể lường trước được.!

Những người được gọi là “cao tuổi”, “cao niên” hay “người già” thường có độ tuổi từ 60 trở lên như tại Việt Nam. Tại một số nước quy định tuổi của người già được căn cứ vào những gì họ đã làm cho gia đình và cống hiến cho xã hội. Thuật ngữ “senior citizen” dùng tại Anh và Mỹ ám chỉ những người đã hưu trí (retiree), thường là những người từ 65 tuổi trở lên. Tại Mỹ, ngày 21/8 là ngày toàn quốc tôn vinh những công dân lớn tuổi, ngày đó được gọi là “National Senior Citizens Day”.

Bản thân chúng tôi không có ý tôn vinh tuổi già và cũng chẳng đề cao tuổi trẻ, mà chỉ nghĩ rằng những cảm xúc của con người thường thay đổi theo tuổi tác, hoàn cảnh thời gian và không gian. Những điều được nêu ra dưới đây có thể mang phần nào ý nghĩa chủ quan vì người viết thuộc về lứa tuổi “gần đất xa trời”, nhưng thiết nghĩ, người trẻ cũng như già nên đọc để chiêm nghiệm những cái đúng, được chấp nhận và cả những cái sai bị loại bỏ...

TÌNH YÊU TUỔI TRẺ

Đề tài mà từ cổ chí kim được nói đến nhiều nhất là “Tình yêu trai gái”. Một triết gia nào đó đã phân tích: 

– Cảm xúc về Tâm hồn tạo ra Tình Bạn. (Tình Cảm)

– Cảm xúc về Tri thức tạo ra lòng Kính Trọng.(Yêu Thương)

– Cảm xúc về Thể xác tạo ra lòng Ham Muốn. (Hôn Nhân)

Nếu cả ba cái này cộ̣̣ng lại, người ta sẽ có Tình Yêu.! Cụ thể hơn, “Tình yêu Nam Nữ” được thể hiện qua công thức: 

Tình yêu N/Nữ = Tình bạn + Tôn trọng + Ham muốn

Tình yêu Nam / N = Tình bạn + Tình yêu + Tình dục

Lúc trẻ, tưởng yêu là tất cả, là mọi thứ trên đời... Nhưng khi lớn tuổi, trải qua nhiều cuộc tình, mới biết sau yêu còn có… chia tay. Không phải chỉ một lần mà rất nhiều lần, cứ lập đi lập lại. Điều mà người trẻ tuổi không bao giờ hoặc ít khi nào nghĩ đến.!

Lúc trẻ, vẫn nghĩ rằng tình yêu là mãi mãi, tình yêu là thứ quan trọng nhất trong cuộc đời. Khi có tuổi mới biết tình yêu “đến đó rồi đi, có đó rồi mất”. Từ những cảm nghĩ lạc quan của tuổi trẻ người ta lại bước sang tư tưởng bi quan của người già.!

Vợ Chồng trẻ mới kết hôn được 3 năm nay. Mới đầu cuộc sống anh chị rất hạnh phúc. Nhưng rồi khi chưa có nổi một mụn con, anh bỗng dưng bị "ngã ngựa" trong một lần yêu với vợ. (vì chứng bất lực).

Cũng từ đó, cuộc sống vợ chồng anh gặp không ít sóng gió, nhất là trong chuyện "chăn gối" vợ chồng. Dù chẳng mấy khi cãi nhau, nhưng anh biết vợ anh tuy sống vui vẻ với chồng, nhưng trong lòng cô ấy không thoải mái một chút nào.

Người vợ nhỏ hơn chồng 5 tuổi, cô ấy đang trong thời kỳ yêu đương mặn nồng. Chưa kể vợ anh là người ‘nhiệt huyết’ sung mãn. Vợ anh từng khiến chồng phải thán phục, chưa nói là kiệt sức trong đêm tân hôn.

Tuy nhiên, vì anh là người chồng thấu hiểu nên luôn cố gắng làm hài lòng vợ. Cô ấy cũng từng nói với chồng “Mình cứ vui chơi cái đã anh nhé! Vài ba năm nữa sinh con cũng chưa muộn".

Dù được vợ chăm sóc, khuyên giải không ngớt lời, nhưng anh vẫn cảm thấy tự ti vô cùng. Anh luôn mặc cảm vì còn trẻ, đang tuổi sung sức mà không mang lại được niềm vui cho vợ mình.

Để tránh mặt vợ vào mỗi đêm, mấy tháng gần đây, anh viện cớ bận, thậm chí là xin đi công tác xa. Mặc dù vợ anh đã ngăn cản anh nhiều lần, cô ấy còn cầu xin anh đừng để cô ấy cô đơn một mình. Nhưng anh vẫn muốn đi, muốn "chạy trốn" khỏi cô ấy mỗi đêm.

Thế rồi điều không hay xảy đến, khi chuyện vợ chồng anh xa nhau đến tai gã họ Sở, hiện đang là cấp trên của vợ anh. Trong lúc người chồng mãi miết chạy trốn, thì anh ta lại là bờ vai vững chắc cho vợ anh dựa dẫm. Vốn xa chồng thiếu hơi ấm yêu thương, vợ anh đã sa ngã...Hạnh Phúc gia đình gãy đổ từ đó.!

Lúc trẻ, cứ tưởng “yêu một người thì dễ, quên một người mới khó”. Người trẻ khi yêu hình như đã mặc nhiên công nhận vị trí “khó quên” của người bạn tình. Đến khi tuổi tác ngày một cao đã chứng minh điều ngược lại: người lớn tuổi thấy mình đã quên đi nhiều người mình đã từng yêu, quên một cách dễ dàng, không vướng bận.

Lúc trẻ cứ tưởng tình yêu luôn dựa theo nguyên tắc “bình đẳng” qua triết lý “yêu thương cho đi là yêu thương nhận lại”. Về già mới chợt nhận ra bài học kinh nghiệm đầy bất công của tình yêu: “có những yêu thương chỉ cho mà không nhận”. Nhà thơ người Anh, Abraham Cowley (1628-1667) đã phải thốt lên:

“Of all the pain, the greatest pain, 

It is to love, but love in vain”

Tạm dịch :

“Trong mọi khổ đau, niềm đau vĩ đại,

Là trót yêu người… không hề yêu lại”

Lúc trẻ cứ tưởng rằng “yêu một người là sống chết vì người đó”, giờ mới biết “yêu một người là phải biết tự yêu lấy mình”. Đây không phải là lòng “tự ái” của con người khi về già mà là những điều mà nhiều người có tuổi rút ra được sau những cuộc tình “mù quáng” của thời thanh niên và thiếu nữ.

Lúc trẻ cứ nghĩ “sau tình yêu sẽ là hôn nhân”, đến khi về già mới nhận ra: “vẫn có những cuộc hôn nhân không cần tình yêu”. Ngạn ngữ Pháp có câu:

“Tình yêu là Bình Minh của hôn nhân, hôn nhân là Hoàng Hôn của tình yêu”. 

Với kinh nghiệm bản thân, Socrates khuyên nhủ mọi người:

“Bằng đủ mọi cách, hãy lập gia đình. Nếu lấy được người vợ tốt, bạn sẽ hạnh phúc. Nếu lấy phải người xấu bạn sẽ trở thành một triết gia" (By all means: marry.If you get a good wife: you’ll become happy.If you get a bad one: you’ll become a philosopher).  

Ngay từ lúc còn trẻ nhiều người cũng đã trở thành “triết gia” vì yêu. Họ thích định nghĩa tình yêu với những mỹ từ, mỹ ý… Nào tình yêu là thế nầy, là thế kia…khi lớn tuổi lại cuống cuồng vì hoang mang, không biết tình yêu thật sự là gì cả. Tại sao ư? Vì, “tình yêu thật khó định nghĩa: nó đến bất chợt, đi bất ngờ, và để lại một vết thương lòng muôn thuở”!

Ghét một người thì có thể muôn ngàn lý do...

Nhưng khi yêu thì sẽ chẳng có lý do nào cả.

Vì yêu đơn giản chỉ là yêu thôi.!

Lúc trẻ cứ tưởng hạnh phúc là điều gì đó xa xôi lắm, về già mới biết hạnh phúc chỉ đơn giản là những thứ bình dị xung quanh, có chăng là mình đã không nhận thấy. Người trẻ chỉ thấy hạnh phúc trong hôn nhân khi được sống bên người tình yêu mến, về già hạnh phúc đó lan tỏa đến con cháu qua một thứ không còn là tình yêu trai gái mà là tình ruột thịt, máu mủ.

Khi còn trẻ, phạm vi giao tiếp thường mở rộng, bạn bè giao thiệp rất đông. Đến lúc ở vào tuổi về hưu bỗng thấy mình cô đơn vì cuộc sống thu hẹp và người già thường “ẩn mình” trong phạm vi gia đình.

Tuy nhiên, cũng có người vẫn hăng say hoạt động xã hội để khỏa lấp sự trống rỗng, có người tìm một thú vui cho bản thân như chăm sóc cây cảnh, viết lách…Chỉ tội nghiệp những ai không tìm cho mình một hướng đi lúc về già trước khi bị bệnh tật tấn công để trở về với cát bụi.

Lúc trẻ tưởng “nói quên là có thể quên được", giờ mới biết có những chuyện càng muốn quên thì nó lại càng ở mãi trong lòng. Điều này cho thấy người lớn tuổi hướng về cuộc sống “nội tâm” trong khi người trẻ giữa cuộc sống tất bật ngoài xã hội, luôn “hướng ngoại”.

Lúc trẻ, tưởng cô đơn ở đâu xa lắm vì chung quanh toàn là người, về già mới hiểu những giây phút bên người thân quả là một sự ấm áp nhưng lại rất mong manh, trong khi đó, “nỗi cô đơn luôn ở bên cạnh”. Vợ chồng rồi cũng kẻ trước, người sau.! Bạn bè cũng vậy thôi, mấy mươi năm không tin tức, tình cờ lại thấy tên bạn chểm chệ nằm trên mục phân ưu của báo người Việt online.

Nghĩa trang mở cửa đón mầy

Rồi tau kế tiếp theo mầy vô sau

Cũng thế cho nên khi còn trẻ cứ tưởng việc đóng một cây đinh vào tường thật đơn giản, vì không thích thì có thể nhổ đi. Về già mới thấy: đinh có thể nhổ nhưng vết lõm trên tường vẫn còn đó.

HẠNH PHÚC TUỔI GIÀ

Theo lẽ tự nhiên, người ta khóc khi buồn nhưng một khi có tuổi mới thấy điều buồn nhất là… “không thể khóc được”. Xem một cuốn phim, đọc một cuốn truyện người trẻ và người già thường có những cảm xúc khác hẳn nhau! Có thể vì đã từng trải nhiều nên tình cảm của người già đã trở nên… “chai lì”? Phải chăng tuyến lệ cũng đã bị “lão hóa” nên không còn hoạt động?

Ở một thái cực ngược lại, cười là vui nhưng nhiều khi người lớn tuổi lại thấy “có những giọt nước mắt còn vui hơn tiếng cười”, chẳng hạn như trường hợp gặp lại người thân sau một thời gian dài xa cách, “mừng mừng, tủi tủi”, nhất là:

"Lữ khách tha hương ngộ cố tri".

Những lúc tình cảm đạt đến “cực điểm”, người ta thường nhớ đến câu thơ đầy mâu thuẫn của Xuân Diệu:

“Cười là tiếng khóc khô không lệ

Người ta cười trong lúc quá chua cay”

Người ta cũng có thể “cười ra nước mắt” hay như Nguyễn Du trong Kiều đã vẽ nên cảnh oái ăm “Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm”. Suy cho cùng, chuyện Khóc Cười là lẽ thường tình nhưng rõ ràng là mức độ Khóc Cười thường bị ảnh hưởng phần nào vì tuổi tác.

KHÓC & CƯỜi

Lúc trẻ tưởng chỉ có kẹo là ngọt, giờ lớn mới biết có những thứ còn ngọt ngào hơn cả kẹo. Người cha già trên giường bệnh, nhậ̣n từ con viên thuốc đắng nhưng sao vẫn thấy ngọt. Người mẹ già ăn bát canh khổ qua nhưng không cảm thấy đắng vì sự hiếu thảo của con. Ông cha ta thường nói: “Già được bát canh, trẻ được manh áo mới” là vậy.

Lúc trẻ tưởng tượng rất nhiều, về già mới nhận ra: “chuyện cổ tích không bao giờ có thật”. Lúc trẻ, tưởng mình có thể thay đổi cả thế giới, khi tuổi tác đã cao mới thấy thay đổi chỉ một người cũng khó, có chăng vẫn chỉ là tự thay đổi mình.

“Khi còn trẻ, còn tự do, trí tưởng tượng không bị giới hạn, nên đã mơ ước thay đổi được thế giới.

Lúc lớn hơn, khôn ngoan hơn, mới phát hiện ra là sẽ không thay đổi được thế giới, vì vậy, rút ngắn ước mơ lại và quyết định chỉ thay đổi đất nước của mình thôi. Nhưng nó cũng như vậy, dường như là không thể thay đổi được.

Đến khi bước vào những năm cuối đời, trong một cố gắng cuối cùng là quyết định chỉ thay đổi gia đình chính mình và những người gần nhất mà thôi. Nhưng than ôi.! điều này cũng lại không thể.

Và bây giờ, khi nằm trên giường, lúc sắp lìa đời, mới chợt nhận ra:

Nếu mà bắt đầu thay đổi từ bản thân mình trước, lấy mình làm tấm gương thì có thể thay đổi được gia đình mình, với sự giúp đỡ, động viên của gia đình mình, mới có thể làm điều gì đó thay đổi đất nước và biết đâu đấy, thậm chí có thể làm thay đổi cả thế giới.!”

Lúc trẻ cứ tưởng một khi thành “người lớn” là lớn, bây giờ mới thấy có nhiều người đã lớn mà vẫn chưa thành người lớn. Đến khi thật sự thành người lớn thì người ta mới hiểu: “không bao giờ bé trở lại được”. Đó là sự thật khiến cho nhiều người lúc bé cứ mong mình chóng lớn, giờ đây lớn rồi lại ước gì mình bé lại.

Lúc trẻ cứ mơ ước lớn lên sẽ trở thành Ông này Bà nọ. Về già mới biết: “được trở thành chính mình mới là hạnh phúc nhất”. Lúc trẻ tưởng rằng “những gì đến rồi sẽ đi”, giờ mới biết: “khi niềm vui đến thường qua mau, còn nỗi buồn đến thì cứ ở bên ta mãi mãi”.

Lúc trẻ cứ nghĩ: “Tiền bạc, Tình yêu rồi mới đến Sức khỏe”, về già mới khám phá sự đảo ngược: “Sức khỏe, Tiền bạc, Tình yêu”. Lúc trẻ rất sợ phải chết, nhưng về già “sự lãng quên còn đáng sợ hơn cái chết rất nhiều”.

Cuối cùng, lúc trẻ cứ tưởng sự sống và cái chết ở cách xa nhau lắm. Về già mới hiểu nó chỉ cách nhau một lằn chỉ mong manh. 

Johann Von Goethe đã từng nói: “Cái chết, ở một mức độ nào đó, là một điều vô lý bỗng trở thành hiện thực” (Death is, to a certain extent, an impossibility which suddenly becomes a reality).

Và lúc đó chúng ta thanh thản ra đi để khởi đầu một cuộc hành trình cuối cùng: "Bước Nhảy Vọt Vào Bóng Tối". 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét