TÂM THỨC CỦA TUỔI TRẺ HẢI NGOẠI.
Tính theo mốc thời gian vào ngày thống nhất 30-4-1975, lứa tuổi chúng tôi cũng đã "tam thập nhi lập" nhưng tất cả năng lực được đầu tư đều bị hũy diệt bởi chế độ CS. Miền Nam Việt Nam "bị đổi đời" từ trắng thay đen, nên mới có cuộc vượt thoát trên đường tìm tự do...cho đến nay những con cháu của họ ở thế hệ trẻ Việt Nam sinh ra sau chiến tranh bây giờ đang ở trong lứa tuổi trên bốn mươi. Đó là lứa tuổi mà hơn hai nghìn năm trăm năm trước, khi nhìn lại bản thân mình, cụ KhổngTử đã cho là “tuổi bốn mươi không còn nghi hoặc” trong câu nói bất hủ:“Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh"...Có chăng con người đến lứa tuổi bốn mươi thì đã hoàn toàn chín chắn trong suy nghĩ và hành động, bởi không còn mơ hồ, nghi hoặc về chính mình cũng như về cuộc sống nữa?
Con người, sản phẩm của môi trường chính trị và văn hóa.
LỊCH SỬ & GIÁ TRỊ. (Lai lịch và bản lĩnh)
Trong một xã hội chính trị vua quan và kinh tế nông nghiệp như thời Khổng Tử thì sự nghi hoặc và truy tìm có khung thời gian giới hạn và không gian nhỏ hẹp riêng của nó. Tư tưởng đó không thể ứng dụng được như một nguyên lý phổ quát cho thời hiện đại. Với cách nhìn và lối suy luận ngày nay thì lứa tuổi nào cũng có thể lập thân và sự nghi hoặc như một động cơ truy tìm chân lý cần phải có không bao giờ ngừng nghỉ.
Các nhà giáo dục cổ điển thường cho rằng: con người là sản phẩm của "xã hội trong mọi hoàn cảnh". Nhưng kể từ khi cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật xảy ra và thay đổi bộ mặt thế giới vào thế kỷ 17 và 18 ở châu Âu thì các nhà xã hội học thêm rằng: con người còn là "sản phẩm của môi trường chính trị và văn hóa". Theo khái niệm truyền thống thì hình thái văn hóa rõ ràng, lành mạnh thường có hai yếu tố được nhắc đến: "lịch sử và giá trị" của dân tộc hay "lai lịch và bản lĩnh" đối với cá nhân.
"Lịch sử" giúp văn hóa có chỗ đứng riêng và "Giá trị" giúp cho văn hóa sống còn. Có những nền văn hóa vang bóng một thời như văn hóa Hy Lạp, La Mã ở châu Âu, văn hóa Maya ở châu Mỹ, văn hóa Chiêm Thành ở Việt Nam… đã lụi tàn vì thiếu bản lãnh tự tồn khi kinh tế suy thoái và hệ thống chính trị tan rã.
Một khuynh hướng “tĩnh” về văn hóa như thế mới chỉ có giá trị về phần hình thức. Nội dung văn hóa mới thực sự đáng nói. Văn hóa không phải là tấm thẻ căn cước để định hình “lai lịch văn hóa” và lại càng không phải là một đền đài kiên cố hay là một loại vũ khí tinh thần để mang kè kè bên mình nhằm tạo ra cái “bản lĩnh văn hóa” nghe rất kêu mà thực tế chỉ mới là cái hộp bọc bên ngoài. Văn hóa là nếp sống toàn diện của mỗi con người bao gồm tâm lý và ý thức hay nói gọn lại là tâm thức: Tâm thức văn hóa mới là sức mạnh sống động để bảo tồn và phát huy văn hóa. Cần có một tâm lý yêu thương và trân trọng văn hóa của mình; đồng thời phải cần có một ý thức tích cực để biết đâu là sức mạnh và giá trị văn hóa của mình.
Có thể tạm lấy thời điểm 1975 làm cột mốc để nhận định về “tâm thức văn hóa” ấy cho người Việt Nam. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, có đông đảo người Việt Nam rời chiếc nôi quê mẹ, ra nước ngoài tiếp cận và chung sống với cộng đồng thế giới toàn cầu. Đồng thời, đây cũng là lần đầu tiên giới trẻ Việt Nam sinh ra sau chiến tranh trong cũng như ngoài nước cùng có cơ hội biết được những gì đang xảy ra trong thế giới quanh mình với một tốc độ gần như lập tức mà những rào cản và cách thức ngăn chặn không đủ độ nhạy bén để theo kịp. Cuộc cách mạng truyền thông đại chúng với máy vi tính, điện thoại thông minh, internet toàn cầu, mạng lưới truyền thông xã hội đã giúp con người trên toàn thế giới hầu như biết cùng một lúc những sự việc đang chuyển động trên hành tinh nầy.
Sau gần hai thế hệ (con và cháu), người Việt tha hương đã mất đi và còn giữ lại được những gì cho bản sắc văn hóa Việt Nam. Đây không thể là một tổng hợp suy luận lý thuyết, tình cảm thương ghét mơ hồ mà là một quá trình kiểm chứng sự kiện. Có gần 4 triệu người Việt đang sống ở nước ngoài. Theo mức độ hiện nay, hằng năm có khoảng 100 nghìn người Việt xuất cảnh ra nước ngoài. Trong số nầy, có hai phần ba dân số người Việt ở nước ngoài là tuổi trẻ (từ ba mươi trở xuống).
Ngoài số di dân định cư, hiện có hơn hai chục ngàn sinh viên học sinh Việt Nam đang du học tại Hoa Kỳ. Trong khoảng hơn 70 quốc gia có người Việt định cư mà đông nhất là ở Hoa Kỳ, tuổi trẻ Việt Nam có một sức sống mãnh liệt, khả năng thăng tiến và nhiều cơ hội thành công. Sức mạnh ẩn chứa nầy là tâm thức văn hóa. Sức mạnh văn hóa không phải là một nhãn hiệu màu mè để trang hoàng mà là một sức sống có thật được thể hiện trong nhiều mặt của cuộc sống.
Sự thể hiện cụ thể đầu tiên của tâm thức văn hóa là lòng tự hào dân tộc. Khác với thế hệ đàn anh đã có nhiều trường hợp chối bỏ lai lịch nòi giống của mình bằng nhiều cách: tự khai mình là một dân tộc châu Á khác. Trong đó số đông là người Việt gốc Hoa, bây giờ chuyển thành người Mỹ gốc Hoa. Hoặc có trường hợp đi xa hơn của những người nam chối bỏ hết tên họ lai lịch Việt của mình, ngoài quy ước thông thường ở các nước Âu Mỹ như vợ cải qua họ nhà chồng, để lấy cả tên lẫn họ Tây, Mỹ nào đó. Trong những năm sống và lao động tại Mỹ, tôi gặp rất nhiều trường hợp người lấy họ Miller và người lấy họ Harrison.v.v...Có dịp trò chuyện riêng sau giờ làm việc, họ đều cho biết, vì̀ những bất mãn bởi chịu đựng hoàn cảnh quá nghiệt ngã khi còn ở trong nước nên đâm ra thù ghét luôn cả lai lịch dân tộc sinh ra mình.
Tuy hiện tượng “từ bỏ cội nguồn” xảy ra khá hiếm hoi trong giới trẻ Việt Nam ở nước ngoài. Là một người sống và gần gủi với giới trẻ, trong môi trường giáo dục trước 1975, tôi không ngạc nhiên khi nhận ra từ thực tế rằng tâm thức văn hóa của giới trẻ Việt Nam ở nước ngoài được xác định, lập trường mạnh mẽ hơn là giới trẻ mới từ trong nước ra đi. Nguyên nhân tâm lý là nếu chỉ ở trong nước thì chẳng ai quan tâm đến điều tự nhiên như ánh sáng và khí trời rằng, ta là người Việt Nam. Nhưng khi ra nước ngoài, sống trong môi trường đa văn hóa mới có câu hỏi: “Bạn từ đâu tới?”. Phản ứng tâm lý tự nhiên của con dân từ những nước giàu có, tiên tiến là hãnh diện nhắc đến gốc gác của mình. Hẳn nhiên là một người Nhật sẽ có lý do hãnh diện về đất nước mình hơn là một người châu Á từ các nước nghèo khác trong vùng.
Một biểu hiện tiếp, của tâm thức văn hóa là lòng quý trọng về tính di truyền nói giống. Trong một đất nước đa chủng tộc như Hoa Kỳ, vẫn thường có sự so sánh mặc nhiên, ngấm ngầm hay nổi bật về tính siêu việt dân tộc tương tự như quan niệm Da Trắng Siêu Việt (White Supremacy) của các thành phần da trắng cực đoan. Tuổi trẻ Việt Nam ở nước ngoài, nói chung đều tránh được mặc cảm tự ti về dân tộc và truyền thống tài năng, thông minh của dòng giống Việt Nam mình. Ngày nay, trong nhà trường quốc tế, khi nói về sự thông minh truyền thừa của giống dân châu Á, Việt Nam vẫn thường được đặt bên cạnh Nhật Bản, Trung Cộng, Nam Hàn và Ấn Độ.
Sau hơn bốn mươi hai năm sống ở xứ Người, ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử và giá trị truyền thống, là những yếu tố căn bản mà người Việt đã sống và được giáo dục dưới chế độ "Nhân bản" VIỆT NAM CỘNG HÒA mang theo khi vượt thoát tìm tự do.
Khi sống ở một đất nước xa xôi và lạ lẫm mọi thứ, thế hệ đàn anh được xem là thế hệ thứ nhất đã dò dẫm thể hiện tâm thức văn hóa của mình nơi đất khách, cố gắng sớm "Hòa Nhập" vào xã hội mới, nhưng luôn giữ bản sắc riêng không để bị "Hòa Tan". Mặc dầu, tùy hoàn cảnh và con người, cách thể hiện bản lãnh văn hóa có lúc hòa điệu nhưng cũng có lúc khủng hoảng, trong những bước đầu khó khăn, nhưng nét tích cực đã vượt trội và chế ngự được sự bỡ ngỡ, lạ lùng tạo ra những phản ứng và hành động tiêu cực. Bây giờ, thế hệ thứ hai và thứ ba của hàng con cháu người Việt ở nước ngoài đang vươn lên ngang tầm với tuổi trẻ của các sắc dân được cho là thành công trên vùng đất truyền thống của nền văn hóa phương Tây.
Quan sát từ thực tế, tham khảo vào sự kiện và nghiên cứu qua sách vở báo chí… để vui mừng thấy được rằng, văn hóa Việt Nam trong mối tương giao và tiếp cận với hằng trăm nền văn hóa thế giới đã chứng tỏ được thế đứng vững chải của cộng đồng Việt tỵ nạn.
Nhìn vào trong nước, Việt Nam xã hội chủ nghĩa có thể đứng vào hàng khiêm tốn hay ở mức độ còn rất thấp về các mặt kỹ thuật, xã hội, kinh tế, phúc lợi, giáo dục. Nhưng về mặt văn hóa, Việt Nam vẫn có những nét đặt trưng riêng của nó, trong văn hóa toàn vùng Đông Nam Châu Á.
Thế hệ Cha anh đang lụi tàn; lần lượt ra đi. Thế hệ trẻ Việt Nam là thế hệ kế thừa và phát huy văn hóa trong một thế giới mới của điện tử và truyền thông. Mong ở trên tất cả là cái "Tâm" và cái "Trí" vẫn luôn luôn là tâm thức văn hóa hướng về và giữ đẹp quê hương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét