Thứ Ba, 25 tháng 6, 2024

HÔN NHÂN

 



Tất cả hôn nhân trên đời đều có nan đề, hôn nhân của người trẻ cũng như người lớn tuổi; hôn nhân của dân tộc nào, văn hóa nào cũng có nan đề, và các nan đề đó tương tự như nhau. Ðiều quan trọng là chúng ta biết mình phải đối diện với nan đề như thế nào.

Những thử thách, khó khăn trong đời sống là điều vui mừng. Bởi vì thử thách, khó khăn sẽ giúp chúng ta kiên nhẫn, sẵn sàng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ, và sự chịu đựng kiên nhẫn đó sẽ khiến ta nên người trưởng thành. Vợ chồng gặp nan đề hay xung đột trong đời sống không phải là tội; Hôn nhân gặp căng thẳng, bất đồng ý kiến hay có những vấn đề vợ chồng phải bàn thảo để tìm câu giải đáp cũng không có nghĩa là hôn nhân đó sẽ đi đến đổ vỡ. Đúng ra có những xung đột tốt và có những xung đột không tốt. Xung đột tốt hay bất hòa tốt là những bất hòa có tính cách xây dựng, sẽ đưa đến kết quả xây dựng. Xung đột không tốt là những xung đột nhằm phá hỏng sự hiệp nhất hay tình cảm trong hôn nhân. Ðiều quan trọng là, khi vợ chồng có điều hiểu lầm nhau hay bất đồng ý kiến, chúng ta không bỏ cuộc, nản lòng, nghĩ rằng mình đã lấy nhầm người nên có nan đề. Trái lại, khi nan đề xảy đến vì vợ chồng không hiểu ý nhau, thiếu thông cảm với nhau, v.v… chúng ta cần kiên nhẫn xem xét, tìm ra nguyên nhân của nan đề và giúp nhau tìm lời giải đáp cho nan đề đó.

Vợ chồng có bao giờ giận nhau, phiền nhau hay cãi nhau không? Chắc hẳn là có. Người nào nói: vợ chồng tôi không bao giờ giận nhau hay bất đồng ý kiến với nhau thì có lẽ không nói thật hoặc là chưa sống thật với nhau, với con người yếu đuối bất toàn của mình. Thực tế là, không vợ chồng nào tránh khỏi những lúc giận nhau hay bất đồng ý kiến với nhau. Dù yêu nhau nhiều đến đâu, sống với nhau đã bao nhiêu năm và trưởng thành đến mức độ nào, vợ chồng vẫn có lúc làm buồn lòng nhau, bất đồng ý kiến với nhau. Lý do là vì vợ và chồng là hai cá thể riêng biệt, thuộc hai phái tính khác nhau và là con người yếu đuối, bất toàn, vì thế khi sống chung dưới một mái nhà hết ngày này sang ngày khác không thể tránh được bất hòa, bất đồng ý kiến, làm buồn lòng nhau. Tục ngữ ta có câu: "Vợ chồng như chén bát trong sóng, không tránh được va chạm". Những bất hòa, va chạm hay bất đồng ý kiến giữa vợ chồng là sự bất hòa trong hôn nhân.

Có hai ý kiến sai lầm về xung đột trong hôn nhân mà một số người thường nghĩ:

- Thứ nhất là nói rằng, nếu hôn nhân thật sự vững mạnh và có tình yêu thương, vợ chồng sẽ không bao giờ có nan đề hay xung đột.

- Thứ hai là nói rằng, những bất hòa hay bất đồng ý kiến giữa vợ chồng sẽ gây tổn hại cho hôn nhân.

Thực tế là; Xung đột hay bất hòa giữa vợ chồng là điều không thể tránh được, đúng ra phải nói, xung đột và bất hòa giữa vợ chồng là điều bình thường, ta không phải tránh né hay bào chữa.

Tuổi trẻ khi bước vào hôn nhân với người mình yêu thường nghĩ: vợ chồng mình sẽ chẳng bao giờ giận nhau hay to tiếng với nhau. Nếu nghĩ như thế, không sớm thì muộn, cũng sẽ thất vọng. Vì, dù yêu nhau nhiều đến đâu, dù trưởng thành trong tâm tính, trong đức tin của t́n ngưỡng và quyết tâm thực hành, nhưng khi thật sự chia xẻ cùng một đời sống, mình sẽ không tránh được những lúc có nan đề hay bất hòa. Xung đột trong hôn nhân là một phần của đời sống, là điều cần thiết trong tiến trình tăng trưởng và sự trưởng thành của vợ chồng.  Nói đúng hơn, nan đề hay xung đột trong hôn nhân là điều cần có để vợ chồng cùng tăng trưởng trong tình yêu.  Ðiều cần quan tâm không phải là vợ chồng mình có xung đột, bất hòa hay không, nhưng là: khi gặp xung đột, bất hòa, hiểu lầm nhau, làm tổn thương nhau, chúng ta xử sự như thế nào? Nếu phản ứng đúng và khôn ngoan, chúng ta sẽ giúp nhau xây dựng một hôn nhân hạnh phúc.

Suy nghĩ sai lầm thứ hai là cho rằng, xung đột hay bất hòa giữa vợ chồng sẽ gây tổn thương cho hôn nhân, vì thế bằng mọi giá, vợ chồng phải tránh xung đột hay bất hòa với nhau. Bất hòa giữa vợ chồng không nhất thiết sẽ làm tổn thương tình cảm vợ chồng, đúng ra chúng ta cần thấy rằng xung đột và bất hòa lắm khi là điều cần thiết để có một hôn nhân vững mạnh. Khi đối diện với bất hòa, xung đột, bất đồng ý kiến, nếu xử sự khôn ngoan và yêu thương, sẽ giúp tình cảm vợ chồng tăng trưởng, vì sẽ hiểu nhau hơn và yêu nhau sâu đậm hơn. Chúng ta cần làm thế nào để bất hòa và xung đột giữa vợ chồng không khiến vợ chồng ngăn cách, chia rẽ nhưng đem lại hữu ích, khiến chúng ta trưởng thành hơn. Có người so sánh quan hệ vợ chồng với sự kết thân của hai con nhím. Nhím là loài vật có lông cứng và dày. Trong mùa đông, khi trời lạnh các đôi nhím phải gần sát vào nhau cho ấm và khi làm như vậy chúng dễ đâm vào nhau. Con nhím nào sợ bị đau, không muốn đâm vào nhau, gây đau đớn cho nhau thì phải ở một mình và phải chịu lạnh trong mùa tuyết giá. Những con nhím khôn ngoan sẽ khéo léo và cẩn thận khi đến gần nhau nhờ đó không làm tổn thương nhau mà cũng không phải chịu lạnh trong mùa đông.

Có những vợ chồng nói rằng hôn nhân của mình rất tốt đẹp vì không bao giờ có nan đề gì. Thật ra những vợ chồng này không có nan đề hay bất đồng ý kiến vì họ sống độc lập với nhau: Việc ai nấy làm, đường ai nấy đi, tuy là vợ chồng nhưng mỗi người có cuộc sống riêng, có những sinh hoạt và sở thích riêng, không ai tùy thuộc vào ai. Khi có việc gì cần bàn thảo hay phải làm chung thì họ đến với nhau nhưng sau đó lại tiếp tục ai lo việc nấy. Trong thực tế cũng có những vợ chồng sống độc lập như vậy, có lẽ vì những đụng chạm, tổn thương trong quá khứ nên họ phải giữ khoảng cách giữa hai người để không gây tổn thương cho nhau nữa.Cũng có những hôn nhân không có xung đột, bất hòa hay bất đồng ý kiến vì người chồng hoặc người vợ làm chủ gia đình, quyết định tất cả mọi việc, người kia không có quyền gì cũng không được có ý kiến hay quyết định điều gì trong gia đình. Tuy nhiên, nếu vợ chồng sống với nhau như vậy sẽ không thật sự hiệp một: một thân, một đơn vị, một gia đình. Những vợ chồng muốn tránh xung đột, sống độc lập với nhau, không ai phiền đến ai thì chẳng khác gì hai thanh sắt trên đường rầy xe lửa, cùng đi bên nhau nhưng không thật sự liên kết, hiệp một, giữa hai người không có sự gần gũi mật thiết. Trong trường hợp chỉ một người trong gia đình có quyền nói lên ý kiến của mình và quyết định mọi việc, còn người kia phải thuận phục, vâng theo trong mọi sự, hôn nhân đó cũng không có xung đột hay bất hòa nhưng cũng không hiệp một và không thật sự hạnh phúc.  Nếu muốn vợ chồng thật sự hiểu nhau, yêu thương, thông cảm và hiệp một với nhau, chúng ta không thể có khoảng cách giữa hai người, không thể sống độc lập nhưng vợ chồng chia xẻ mọi điều, tùy thuộc vào nhau trong mọi phương diện: tình cảm, tinh thần, tâm linh và thể chất.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét