GIA ĐÌNH BỀN VỮNG
Người thân của tù nhân trẻ tuổi nhất trong nhóm ba người trốn ra khỏi nhà giam tại Quận Cam đã tiếp xúc với giới truyền thông và kêu gọi anh ta hãy trình diện với cảnh sát. Bà Lu Ann Nguyễn, mẹ của Jonathan Tiêu, đã khóc khi nói chuyện với đài truyền hình KABC 7 Eyewitness News ngày Chủ Nhật 24-1-2016. Bà năn nỉ con trai hãy đầu thú với nhà chức trách, “Jonathan, mẹ nhớ con. Mẹ muốn con hãy… Tôi muốn con trai tôi trở lại.”
Người mẹ đau khổ này đã xin con hãy quay về nhà. Jonathan Tiêu, 20 tuổi, cùng hai tù nhân khác đã thoát ra khỏi nhà giam Orange County Central Men’s Jail vào ngày thứ Sáu 22-1-2016.
Bà Nguyễn cùng với Tiffany Tiêu, chị của Jonathan, nói với đài truyền hình rằng họ đã thăm Jonathan trong nhà giam vào ngày thứ Hai, 18 tháng Giêng, 2016. Đó là lần cuối họ gặp mặt Jonathan trước khi thấy hình ảnh của anh ta bị đăng báo và trên các đài truyền hình.
Tiffany cũng xúc động khi nói với đài truyền hình, “Họ xem em ấy như một kẻ tội phạm, một con thú. Không đúng vậy, người em mà tôi biết là một người có tình thương và biết lo cho người khác, và nó không thể làm điều gì để hại người khác.”
Theo hồ sơ tòa, Jonathan Tiêu bị truy tố các tội sát nhân, mưu sát và bắn vào một nơi có người ở. Các cáo trạng này đều liên quan đến hoạt động băng đảng.
Các thân nhân cho biết Jonathan Tiêu đã bị bắt từ ngày mới có 15 tuổi, và anh đã tốt nghiệp trung học trong thời gian sống trong nhà giam dành cho trẻ vị thành niên.
Mẹ của Jonathan nói rằng con của bà có thể đã chơi với đám bạn xấu, nhưng anh ta không giết một ai. Trong một phiên xử trước đây, bồi thẩm đoàn đã không thể kết tội Jonathan Tiêu. Phiên tòa kế tiếp đã được dự tính cho một ngày trong tháng Ba.
Về vụ vượt ngục, gia đình không tin rằng Jonathan tham dự vào việc sắp đặt kế hoạch trốn ra khỏi nhà tù. Tiffany Tiêu nghĩ rằng Jonathan đã bị dụ dỗ hoặc bị lừa vào âm mưu vượt ngục. Mẹ và chị đang rất lo lắng cho Jonathan Tiêu. Họ chỉ có một thông điệp muốn gởi đến cho anh. Đó là hãy đầu thú với cảnh sát, đừng để vụ này kéo dài lâu hơn.
Nhân vụ trốn trại của Jonathan Tiêu, bị bắt lúc mới 15 tuổi và hiện nay 20 tuổi. Là phụ huynh của những con em tuổi vị thành niên chúng ta có những suy nghĩ gì! và cần phải làm thế nào, để tránh cảnh đau buồn như gia đình chị Lu Ann Nguyễn.
Gia đình kêu gọi Jonathan Tiêu hãy đầu thú với cảnh sát
Trong xã hội hiện nay, có nhiều trẻ vị thành niên phạm pháp. Để được tiếp xúc và hiểu rõ nguyên nhân, một số nhà giáo đã thực hiện các buổi thăm viếng. Có một thầy giáo người bản xứ, cứ mỗi năm hai lần, ông đưa học trò và phụ huynh đi thăm trại cải huấn để các em học sinh biết đời sống trong nhà tù như thế nào và quý vị phụ huynh thấy rõ trách nhiệm của mình đối với con cái là như thế nào! Trong khi thăm nhà tù, một phụ huynh hỏi một em thiếu niên:
"Cháu làm gì mà phải vào tù như vầy?" Em trả lời:
"Ba má cháu cãi nhau mỗi ngày, ba cháu thì giận dữ, la mắng con cái. Không khí trong nhà lúc nào cũng căng thẳng nên cháu đi chơi với bạn, bạn rủ cháu bán cần sa ma túy và cháu bị bắt."
Ðây là tiêu biểu cho những hoàn cảnh đau thương mà bao nhiêu em thiếu niên đang phải trải qua: Trong gia đình các em không được cha mẹ yêu thương và chấp nhận, vì thế bất cứ nơi nào hay người nào chấp nhận các em thì các em sẽ chạy đến, với tuổi trẻ các em chỉ làm theo cảm nhận non nớt của mình mà thôi.
Vậy, trong mỗi gia đình ngày nay, bất luận dân tộc hay sắc dân nào! Bậc làm cha mẹ, chúng ta nên quan tâm chú trọng về năm yếu tố cần có để đào tạo, hướng dẫn những đứa con trưởng thành về mặt tình cảm, tinh thần và đạo đức.
- Tình thương trong gia đình .
- Gia đình phải có Kỷ luật .
- Ðời sống cha mẹ ổn định .
- Cha mẹ nêu gương tốt cho con cái
- Người cha thật sự làm chủ, lãnh đạo gia đình.
A. Tình thương trong gia đình:
Một gia đình vững mạnh là gia đình có tình yêu thương: cha mẹ yêu thương nhau và cả cha và mẹ đều yêu thương con, chăm lo cho con cái một cách đồng đều. Yếu tố cha mẹ yêu thương nhau quan trọng đối với sự phát triển của con cái hơn là yếu tố cha mẹ yêu thương con. Các nhà tâm lý học cho biết, trong những gia đình cha mẹ không thương nhau mà cũng không thương con, con cái lớn lên có nhiều nan đề, vì các em thiếu tình thương của cha mẹ và đời sống thiếu bình an. Tuy nhiên, nếu cha mẹ chỉ thương con chứ không yêu thương nhau, con cái lại có nhiều nan đề hơn. Những bác sĩ tâm lý đã dành nhiều năm nghiên cứu trường hợp các thanh thiếu niên hư hỏng, và họ đã khám phá ra rằng:
– Trong những gia đình chỉ có cha hay mẹ, có khoảng 30% có con cái hư hỏng, bỏ học hoặc làm điều phạm pháp.
– Trong khi đó, những gia đình có đủ cả cha và mẹ nhưng cha mẹ không hòa thuận, luôn cải vã, hoặc người cha không lãnh đạo gia đình, có đến 68% những gia đình này có con hư hỏng.
Trong nhiều gia đình, nguyên nhân khiến con cái nổi loạn là vì cha mẹ lúc nào cũng gây gổ nhau, phiền giận nhau và không tha thứ lỗi lầm cho nhau. Khi cha mẹ không yêu thương, không hòa thuận nhau con cái sống trong tình trạng bất an, lo lắng. Các em dễ trở thành bướng bỉnh, và thường muốn tách ra khỏi thẩm quyền và sự ràng buộc của cha mẹ sớm. Nhưng, nếu cha mẹ thay đổi, nhường nhịn, tha thứ nhau, yêu thương và hòa thuận với nhau, con cái cũng sẽ ngoan ngoãn, dễ dạy hơn. Nhiều người nghĩ rằng vợ chồng không hòa thuận là chuyện của người lớn, con cái không thể biết được và cũng đừng nên nói cho con biết. Và vì không biết, con sẽ không bị ảnh hưởng gì, miễn là cha mẹ thương con và lo cho con đầy đủ là được. Nhưng thực sự không phải vậy, vì tình yêu cha mẹ dành cho nhau có một ảnh hưởng sâu đậm trên con cái một cách ngấm ngầm. Ảnh hưởng trên sự phát triển về mặt tâm lý, tình cảm và tinh thần của con, và ảnh hưởng đó kéo dài suốt cả cuộc đời con. Vì thế, là cha mẹ, chúng ta không thể chỉ chú trọng đến tình yêu chúng ta dành cho con, nhưng quan trọng hơn, chúng ta cần xây dựng và nuôi dưỡng cho tình yêu vợ chồng được vững bền,yêu thương và hạnh phúc trong một mái ấm gia đình,vợ chồng con cái
Một cô giáo đã hỏi các em thiếu nhi trong lớp Việt ngữ: "Trong gia đình điều gì làm các em sung sướng nhất và điều gì làm các em sợ hay buồn nhất? Một em trả lời: "Thưa cô , khi thấy ba con thương mẹ, chăm sóc mẹ là con vui nhất." Một em khác nói: "Khi ba má con nói chuyện nhỏ nhẹ, cười đùa vui vẻ với nhau là con thấy yên lòng nhất." Một em khác thì nói: "Con sợ nhất là khi ba má con cãi nhau, không chiều ý nhau rồi lại hỏi con muốn gì để chiều ý con." Một em khác nói: "Khi ba má con hòa thuận nhau, con biết con có một chỗ nương tựa vì ba má sẽ không ly dị nhau." Một em khác thì nói: "Con muốn bố mẹ con thương nhau chứ đừng cãi nhau để con không phải đứng về phía người nào." Thế là, các em thiếu nhi này đã nói lên mơ ước chung của con em chúng ta trong gia đình. Những người hiểu rõ ảnh hưởng của hạnh phúc cha mẹ trên đời sống con cái đã nhắn nhủ các ông cha như sau: Nếu anh thật sự thương con thì hãy thương mẹ của chúng. Và chúng ta cũng có thể nói với các bà một lời tương tự: "Nếu chị thật sự thương con, hãy thương cha của chúng."
Ðể con cái lớn lên có một đời sống tình cảm và tinh thần quân bình, cha mẹ cần yêu thương nhau và cả cha và mẹ cùng yêu thương chăm lo cho con. Tình thương cha mẹ dành cho con bao gồm nhiều phương diện. Chúng ta cần thương con bằng tình thương bao la, không bờ bến. Thương con với lòng nhân từ, nhịn nhục, kiên nhẫn, tha thứ mọi lỗi lầm của con, hy vọng điều tốt nơi con. Không chỉ thương khi con làm cho cha mẹ hãnh diện, sung sướng nhưng thương bằng tình thương vô điều kiện, yêu thương và chấp nhận ưu điểm lẫn khuyết điểm của con. Không những yêu thương con vô điều kiện, chúng ta cũng cần bày tỏ tình thương đó một cách cụ thể, qua cử chỉ, lời nói, hành động để con cảm nhận được tình thương của cha mẹ. Con cái trong gia đình mong cha mẹ để ý đến việc các em làm và khích lệ, khen ngợi khi các em làm điều tốt. Nếu không được cha mẹ quan tâm, các em sẽ quậy phá, ngỗ nghịch để cha mẹ chú ý. Khi làm một điều gì tốt mà được khen, các em sẽ cố gắng làm tốt hơn để được khen nữa. Không những cần cha mẹ yêu thương, khích lệ, con em chúng ta cũng cần được cha mẹ tôn trọng. Ðây có lẽ là điều khó cho một số các bậc phụ huynh chấp nhận. Có người ngày nay vẫn nói rằng tại sao con mình sinh ra mà mình phải tôn trọng, tôn trọng rồi chúng nó coi thường cha mẹ thì sao?
Dù con cái do cha mẹ sinh ra, sống dưới sự bảo bọc và hướng dẫn của cha mẹ, các em cũng được cấu tạo nên bản thể và cũng có những giá trị của một con người. Nhiều người chỉ la mắng hay sai bảo con chứ không bao giờ nói tử tế với con, đây là điều chúng ta cần tránh. Dù con còn nhỏ và có những điều rất là trẻ con, với những thắc mắc ngây thơ như :"con bò có mẹ không, nó có đi học không? con kiến có nhà ở,có cơm ăn không?".v.v...Chúng ta nên kiên nhẫn trả lời, giải thích cho trẻ những thắc mắc, hoặc câu hỏi mà chúng nêu ra, vẫn tôn trọng chứ không xem thường con. Nhiều bậc làm cha mẹ vì quá bận rộn với công việc làm ăn, vì phải lo cho người lớn trong gia đình hoặc quá xem trọng bạn bè mà vô tình bỏ quên hoặc hất hủi chính con của mình. Khi không được cha mẹ tôn trọng quý chuộng hoặc bị cha mẹ bỏ quên, con em chúng ta sẽ mang mặc cảm là mình không có giá trị, bị mọi người xem thường, và mặc cảm đó sẽ ảnh hưởng trên việc học cũng như sự thành công của các em trong đời. Nên nhớ rằng, Cha Mẹ chính là người thầy mẫu mực, đầu đời mà con cái học được.
Tuy nhiên, ngày nay chúng ta cũng thấy một tình trạng thiếu quân bình khác, đó là có những cha mẹ tôn trọng con một cách quá đáng. Những người lớn tuổi mới có con hay chỉ có một đứa con duy nhất thường hay xem con là trung tâm của đời sống, mọi người và mọi việc khác đều phải xoay quanh con. Con đòi hỏi điều gì hay đòi hỏi lúc nào cũng được. Lúc nào cũng sợ con khóc, con buồn nên những bậc cha mẹ này luôn luôn chiều theo ý con. Có những gia đình con không sợ cha mẹ mà hầu như là cha mẹ sợ con. Thương con như thế cũng làm hại cho con. Vì nó sẽ tự mãn với moị người, sinh ra kiêu căn, hống hách và coi thường tất cả. Vậy chúng ta cần có sự sáng suốt và chuẩn mực, trong việc dạy con để giữ quân bình trong tình cảm chúng ta dành cho con. Sống tại xứ người lâu năm, chúng ta nhận thấy: "Ở Mỹ có một điều đặc biệt, đó là cha mẹ rất vâng lời con. Con bảo gì cũng làm theo!" Mong rằng, bậc làm cha mẹ tránh được lỗi lầm này.
Tình cảm là căn bản cho tất cả các mối quan hệ giữa chúng ta với người chung quanh. Nếu thiếu tình yêu, dù chúng ta ở đâu và làm bất cứ gì, điều đó cũng không có ý nghĩa. Nên! theo nguyên tắc, nền tảng đầu tiên cho một gia đình vững mạnh, con cái nên người trưởng thành, đó là tình yêu thương, tình thương giữa vợ chồng và tình thương giữa cha mẹ với con cái .
Một thiếu nữ khoảng 25 tuổi, làm việc trong một department store. Một hôm, người bạn học cũ mời cô đi dự lễ ra trường của mình. Vì là bạn khá thân nên không thể từ chối, và sắp xếp thì giờ đi dự lễ cùng chung vui với bạn. Trong buổi lễ, khi những sinh viên tốt nghiệp được đọc tên, cô nhận ra tên của một số bạn hồi cùng học trung học. Bỗng trong chốc lát thấy buồn và hối tiếc trong lòng. Giá mà hồi đó cô đừng lấy chồng sớm, cũng đừng bỏ học đi làm nhưng cứ chịu khó tiếp tục học thì hôm nay cũng đã xong bốn năm đại học và cũng được lãnh bằng như các bạn của mình. Thêm vào đó, phải chi cha mẹ quan tâm đến việc học của con, đừng chiều theo ý con, nhưng lấy thẩm quyền làm cha mẹ, nghiêm khắc hơn và thúc đẩy, khuyến khích hơn một tí thì ngày nay cô đã có một tương lai tươi sáng hơn. Hồi đó cô có người yêu sớm nên bỏ học, cha mẹ chiều ý con, bảo con muốn sao cũng được chứ không chỉ bảo, dẫn dắt. Bây giờ cô phải làm một công việc với đồng lương thấp, đời sống vì thế cũng chật vật. Trong cuộc sống đầy cam go và thử thách nầy, nếu vì thương con mà chúng ta chỉ chiều con chứ không dám nói hay làm điều gì trái ý con, lắm khi chúng ta vô tình gây thiệt hại cho con suốt cả cuộc đời.
B. Kỷ Luật trong gia đình:
Yếu tố thứ hai để có thể đào tạo nên những đứa con trưởng thành về mặt tình cảm, tinh thần và đạo đức là trong gia đình cần có kỷ luật. Cha mẹ cần đặt luật lệ và giới hạn rõ ràng cho con vâng theo. Thường điều gì chúng ta bảo con đừng làm thì các em muốn làm không? Ví dụ khi ngồi trong chùa, nhà thờ hay ở nơi cần yên lặng, nếu ta bảo con nói nhỏ là các em muốn nói to và nói nhiều. Khi bảo con đi chứ không được chạy là các em sẽ chạy. Khi bảo con đi ngủ, các em sẽ tìm đủ mọi lý do để ra khỏi giường. Những điều tốt và hữu ích cha mẹ bảo làm các em không làm, còn những điều có hại và nguy hiểm, cha mẹ bảo đừng làm là các em muốn làm và có em phải làm cho bằng được. Tại sao con em chúng ta cứ thích làm ngược lại những gì cha mẹ dạy bảo? Ðó là vì bản tính năng động, sự tò mò trong con người. Không chỉ các em nhỏ thích làm những điều không được phép làm, mà các em lớn hơn và ngay cả người lớn cũng vậy. Ðiều gì sai quấy, có hại hay điều gì bị cấm là chúng ta lại muốn làm.
Khi các em nhỏ làm ngược lại những gì cha mẹ dạy bảo, đó không phải là tính tự nhiên ngây thơ của trẻ con, nhưng là các em thách thức với quyền hạn của cha mẹ. Các em muốn thử xem mình có thể vượt qua giới hạn mà cha mẹ đặt ra hay không, hoặc xem thử cha mẹ sẽ nhường bước đến đâu. Ở tuổi nào con cái cũng muốn thách thức qua thẩm quyền của cha mẹ, từ những em mới vài tháng, đến những em vài ba tuổi, và đặc biệt là các em trong tuổi thiếu niên. Ngoài ra, vì tính tò mò và vì ảnh hưởng và áp lực của bạn bè, con em chúng ta cũng dễ có khuynh hướng muốn làm ngược lại lời dạy bảo của cha mẹ. Vì những yếu tố đó, là cha mẹ chúng ta cần đặt luật lệ và giới hạn cho con, để không phải khóc, phải khổ vì có những đứa con ngỗ nghịch, không tôn trọng quyền hạn của cha mẹ, lớn lên làm những điều gây thiệt hại chính ngay bản thân và gia đình. Nếu con bước ra khỏi giới hạn và thách thức thẩm quyền của cha mẹ, chúng ta cần có biện pháp để chấm dứt điều đó. Tuy nhiên, trong mọi hoàn cảnh và mọi trường hợp, chúng ta cần hướng dẫn con bằng tình thương và kỷ luật.
Nếu thật sự thương con, chúng ta phải áp dụng kỷ luật để dạy dỗ, uốn nắn con nên người trưởng thành. Câu: "Thương cho roi cho vọt"; Vậy thương con ắt cần lo sửa trị nó. sửa phạt trẻ thơ, dầu đánh nó bằng roi vọt, nó chẳng chết đâu. Việc dùng kỷ luật trong việc dạy con là: "Roi vọt và sự quở trách những sai phạm của con trẻ, làm cho chúng phải nhận lỗi, và từ đó, chúng có được sự khôn ngoan, hiểu biết nhiều hơn". Vì mỗi lần còn con trẻ phóng túng làm xấu hổ cho cha mẹ mình. Sự dạy bảo và roi răn phạt của cha mẹ sẽ giúp con cái được khôn ngoan, các em sẽ biết đâu là điều tốt phải làm, đâu là điều xấu phải tránh. Nếu không rèn luyện uốn nắn con, các em sẽ trở nên những đứa trẻ vô kỷ luật, khiến cho cha mẹ phải xấu hổ. Có lẽ chúng ta đã từng chứng kiến những em nhỏ nằm vạ, gào khóc nơi công cộng, cha mẹ xấu hổ mà không biết làm sao, lý do là vì ở nhà mỗi khi các em gào khóc như thế, cha mẹ lập tức chiều theo ý các em nên đó là cách các em đòi hỏi điều mình muốn, bất kể là đang ở đâu, những em đó không nể sợ cha mẹ hay bất cứ ai. Nếu để tự nhiên, không hướng dẫn sẽ đưa đến tình trạng sai quấy tiếp diễn và dễ dẫn đến con đường tội lỗi. Vì thế kỷ luật là điều không thể thiếu trong gia đình, nếu chúng ta muốn đào tạo nên những đứa con tốt trong gia đình và nhà trường, cũng như một công dân trưởng thành có ích trong xã hội.
Chúng ta thấy tính dại dột, và có khuynh hướng muốn làm điều quấy trong con em chúng ta, dù ở tuổi rất nhỏ, tuổi mà chúng ta thường gọi là "ngây thơ vô tội". Chẳng hạn như các em nhỏ không ai dạy mà biết tranh giành, tham lam, ích kỷ, ganh ghét. Khi biết nói là các em tự nhiên biết nói dối, nói để lấy lòng người lớn, v.v... Vì thế nếu không có kỷ luật để ngăn chận và sửa dạy những hành động sai quấy, con em chúng ta không thể trở nên người tốt được. Nhưng điều cần nhớ là chúng ta dùng kỷ luật và dùng roi để răn dạy, cảnh cáo chứ không phải để gây tổn thương cho tinh thần hay thể xác của con trẻ.
Một điều quan trọng khác trong việc áp dụng kỷ luật trong gia đình là cha mẹ phải đồng ý với nhau. Khi thưởng phạt cũng như khi đặt luật lệ, cả cha và mẹ cần phải một lòng một ý với nhau. Vì người cha làm chủ gia đình, nên người mẹ cần thuận theo ý chồng trong việc dạy con, trừ trường hợp kỷ luật của người cha quá đáng hay có hại cho con. Chẳng hạn như trường hợp ông cha quá nghiêm khắc, độc tài với con, hoặc là quá dễ dãi, không áp dụng kỷ luật nào cả; trong trường hợp đó người me, có thể không đồng ý với chồng. Tuy nhiên, có những gia đình lại theo một hướng quá đáng khác, đó là chỉ lời nói của người cha trong gia đình mới có giá trị, còn ý kiến hay lời khuyên của mẹ không có giá trị. Có những ông cha nói với con: "Cứ làm theo lời ba là được, mẹ con biết gì mà nói!" Ðây cũng là điều thiếu quân bình, chúng ta cần tránh. Con cái phải nghe lời khuyên dạy của cả cha lẫn mẹ: Không bỏ lời khuyên dạy của cha, hay bỏ phép tắc của mẹ. Lời dạy của cha và mẹ đều có giá trị, con cái phải vâng theo cả hai. Dù khi con đã lớn và cha mẹ đã cao tuổi, con cái cũng cần để tâm đến lời dạy của cả cha và mẹ.
Vì cả cha và mẹ đều có trách nhiệm dạy con nên khi con hư hỏng, cả cha và mẹ đều chịu ảnh hưởng. Nếu cha mẹ không đồng nhất trong việc áp dụng kỷ luật, con cái sẽ hoang mang, không biết phải vâng lời ai. Ví dụ, con xin đi chơi, cha nói không được, đi như thế nguy hiểm không tốt, nhưng mẹ lại cho đi, nói rằng không sao, có chuyện gì mẹ chịu. Hoặc khi con xin mua sắm một món đồ nào, cha đồng ý nhưng mẹ không đồng ý, bảo mua như thế là phí phạm, không cần thiết. Có những cha mẹ đẩy trách nhiệm cho nhau khi cần áp dụng kỷ luật hay đặt luật lệ cho con. Ví dụ như khi con xin ngủ lại đêm ở nhà bạn, hoặc xin đi chơi với bạn trai, bạn gái, ông cha nói: con phải xin phép mẹ, mẹ bảo xin phép cha, không người nào muốn đặt giới hạn hay đặt kỷ luật cho con, cũng không ai muốn chịu trách nhiệm về việc của con . Ðiều này sẽ khiến con bối rối, không biết phải xin phép ai, không biết cha hay mẹ là người thật sự có quyền trong gia đình. Khi cha mẹ không nhất quán trong việc dạy con cũng khiến các em yêu thương cha mẹ không đồng đều.
Có những gia đình cha quá khó còn mẹ thì quá dễ dãi, con muốn gì cũng được; có gia đình thì ngược lại, mẹ là người nghiêm khắc còn cha vì quá bận rộn với công việc hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm lại quá dễ dãi với con. Ðiều này khiến con cái không những hoang mang nhưng có thể đưa đến sự chia rẽ trong gia đình: con cái có thể cảm thấy gần gũi và yêu thương bậc cha mẹ dễ dãi với mình nhưng lại xa lánh hoặc không thương người nghiêm khắc hơn.
Hạnh là một cô bé hoạt bát vui tính, năm 14 tuổi em bắt đầu vào trung học. Vì vui tính Hạnh có nhiều bạn và các bạn hay rủ em đi chơi, đi party, nhưng Hạnh thường phải từ chối lời mời của bạn vì cha mẹ không cho em đi chơi hay dự party ở nhà người lạ.Hạnh giận cha mẹ và xấu hổ với bạn. Em nghĩ sao cha mẹ mình quá xưa và quá khó, không cởi mở như những cha mẹ khác. Em cũng xấu hổ vì bị bạn chê là nhát, là tùy thuộc cha mẹ quá nhiều. Nhưng mười hai năm sau, giờ đây là người hướng dẫn thiếu niên trong lớp học Việt ngữ, Hạnh tâm sự với các em như sau: "Mười mấy năm trước chị cũng là một thiếu niên như các em bây giờ. Chị muốn được tự do đi chơi, tới nhà bạn ngủ lại đêm, đi những party bạn mời nhưng cha mẹ không cho. Chị giận cha mẹ, nghĩ là cha mẹ quá nghiêm khắc, không muốn con vui với bạn bè. Nhưng bây giờ nghĩ lại chị cảm thấy cha mẹ vì yêu thương đã không ngại áp dụng kỷ luật để uốn nắn chị nên người. Chính nhờ sự nghiêm khắc của cha mẹ mà chị đã tránh được bao nhiêu nguy hiểm. Những party mà chị không được dự có chỗ người ta dùng rượu, cần sa ma túy. Trong số những bạn được tự do vui chơi có nhiều người không học đến đại học, có người vì lầm lỡ phải phá thai; chị cũng có những người bạn mới 17, 18 tuổi phải nghỉ học ở nhà nuôi con vì lỡ có con với người yêu. Hồi đó chị thường năn nỉ cha mẹ đi chơi, năn nỉ không được thì buồn khóc nhưng cha mẹ chị vẫn không đổi ý. Vậy, nếu cha mẹ các em không cho các em muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm, đó là điều tốt cho các em, bây giờ các em không hiểu nhưng mai kia các em sẽ hiểu và sẽ cảm ơn cha mẹ."
Nếu trong gia đình chúng ta còn những đứa con nhỏ, cần được hướng dẫn, sửa dạy, chúng ta cần nghĩ lại xem, với cách dạy con của chúng ta hôm nay, mai kia khi khôn lớn và hiểu biết, con cái chúng ta sẽ cảm ơn cha mẹ hay sẽ buồn vì cha mẹ đã quá dễ dãi với các em.
Tình thương và kỷ luật.Về tình thương, con em chúng ta cần có một gia đình mà cha mẹ yêu thương nhau và cả cha và mẹ đều thương con, chăm lo cho con. Tuy nhiên, tình thương phải đi kèm với kỷ luật.Nếu cha mẹ chỉ thương con mà không có kỷ luật, con dễ trở thành hư hỏng. Ngược lại, nếu cha mẹ chỉ áp dụng kỷ luật mà thiếu thương yêu, con sẽ trở thành nhút nhát, mặc cảm và khó thành công trong đời. Con em chúng ta cần được cha mẹ yêu thương và dùng kỷ luật để hướng dẫn các em đến chỗ Chân Thiện Mỹ.
C. Đời sống ổn định:
Yếu tố thứ ba để con em chúng ta trở nên người trưởng thành là đời sống được ổn định, ổn định về mặt tình cảm, tinh thần và ổn định trong nếp sống hằng ngày.
– Ổn định về tình cảm là cha mẹ yêu thương nhau, không gây gổ nhau, không nói đến ly thân, ly dị, không tranh giành tình thương của con cái, đấy là gia đình hai thế hệ. Nếu mà cả ba thế hệ cùng chung sống trong một gia đình, thì tình cảm lại càng phức tạp hơn. Ông bà, cha mẹ, con cháu phải luôn giữ tình cảm chan hoà lẫn nhau,điều nầy tuy khó nhưng không phải là không"thể hiện" được. - – Ổn định về tinh thần và trong nếp sống hằng ngày là cha mẹ không thay đổi chỗ ở hay thay đổi công việc quá nhiều. Ở tại đất nước này chúng ta có nhiều cơ hội để học hành, để thăng tiến trong ngành nghề của mình cũng như cơ hội làm giàu, vì thế nhiều người thích thay đổi: thay đổi việc làm, thay đổi chỗ ở. Người nào thay đổi nhiều thường được xem là khôn ngoan, biết nắm lấy cơ hội, và hầu như càng thay đổi nhiều thì càng lên chức nhanh và lương càng cao. Rồi khi lương cao, chúng ta lại muốn đổi nhà, dời đến nhưng khu vực sang trọng hơn. Và cứ như thế, đời sống tiếp tục thay đổi mãi. Những người làm hoài một công việc, ở mãi một căn nhà bị xem là an phận, nhút nhát, không dám phiêu lưu. Tuy nhiên, mỗi khi cha mẹ thay đổi việc làm, thay đổi chỗ ở, tinh thần của con cái bị xáo trộn rất nhiều. Những xáo trộn đó ảnh hưởng trên sự quân bình trong đời sống các em. Khi đời sống cha mẹ ổn định, ít thay đổi, con cái cảm thấy an toàn và quân bình hơn. Để có đời sống ổn định, chúng ta cần bằng lòng với những điều mình có, không "đứng núi này trông núi nọ,Tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc. Tri nhàn tiện nhàn đãi nhàn hà thời nhàn", không mơ ước những điều quá khả năng hay mơ ước những điều người khác có. Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng, còn như kẻ muốn trở nên giàu có, ắt sa vào sự cám dỗ, tham sân si, rơi vào trong nhiều sự tham muốn vô lý thiệt hại kia, làm đắm người ta vào sự hủy diệt hư mất. Thỏa lòng là một lợi ích lớn. Ngược lại, không thỏa lòng sẽ mang đến nhiều tai hại. Nhiều người không bằng lòng với điều mình có, với công việc hay ngành nghề trong tay nhưng cứ muốn thay đổi, nay thử việc này mai thử việc khác. Cũng có người không bằng lòng nơi mình sinh sống, nghĩ rằng ở thành phố khác, tiểu bang khác thích hợp hơn, dễ sống hơn và vì thế đem gia đình đi hết nơi này đến nơi kia, khiến đời sống xáo trộn, tinh thần con cái bị dao động. Nói về thay đổi trong việc làm, có một điều thấy như lợi mà không lợi, trái lại có nhiều nguy hiểm, đó là để vợ hay chồng đi làm xa một thời gian. Chẳng hạn như về Việt Nam làm ăn ba tháng hoặc nửa năm, hay đi đến một nơi mức sống không đắt đỏ, dễ làm ra tiền, để kiếm được một số tiền rồi trở về với gia đình. Tính toán như thế có thể lợi cho gia đình về mặt kinh tế nhưng sẽ có nhiều thiệt hại về những mặt khác, vì vợ chồng sống xa nhau, con cái không được ở gần cha mẹ. Như trong đời sống, tình người quan trọng hơn tiền bạc, vật chất. Chúng ta không nên vì tiền bạc mà hy sinh những ngày tháng được ở bên cạnh người thân yêu. Những cha mẹ đi làm ăn xa, phải vắng mặt trong gia đình sẽ không có thì giờ ở gần con để chăm sóc, dạy dỗ con. Con cái không được dạy dỗ chu đáo có thể hư hỏng, và vì xa cha mẹ, lớn lên các em không cảm thấy gần gũi thân thương với cha mẹ. Từ đó tình cảm gia đình không còn gắn bó nữa.
Nguy hiểm kế tiếp là khi vợ chồng sống xa nhau lâu, cám dỗ sẽ đến và chúng ta sẽ khó có thể chống lại được. Khuynh hướng của con người là "xa mặt cách lòng," khi chúng ta đặt vật chất lên trên tình vợ chồng, sẵn sàng hy sinh tình vợ chồng để có nhiều tiền, tình yêu đó không được chăm sóc nuôi dưỡng sẽ phai nhạt, dần dần chúng ta sẽ có một hôn nhân không tình yêu hoặc không còn hôn nhân nữa.Vì những lý do đó, bằng lòng với điều mình có là điều lợi lớn. Điều cần làm để có đời sống ổn định là đặt mục tiêu cho đời sống. Chúng ta cần có mục tiêu cao đẹp và hướng đến để không nản lòng khi gặp khó khăn hay bị người chung quanh lung lạc. Không nhất thiết, phải là chạy theo tiền bạc, vật chất hay những thú vui trong cuộc sống. Một người không có mục tiêu hay phân tâm và dễ bị ảnh hưởng của người chung quanh. Khi đời sống gia đình không ổn định nhưng lại thay đổi thường xuyên, con cái sẽ bị chao đảo, các em cứ phải thích ứng với hoàn cảnh mới. Các em bị mất bạn, mất khung cảnh quen thuộc và từ đó thấy hụt hẫng, bất an, thiếu tự tin ở chính mình. Tất cả những điều đó sẽ khiến con em chúng ta khó trưởng thành về mặt tinh thần.
Nhiều năm trước, tại thành phố Santee, California, một vụ thảm sát xảy ra trong trường học làm mọi người kinh hoàng: Andy Williams, 15 tuổi, đem súng vào trường bắn chết hai người bạn và làm bị thương 13 người khác. Mọi người bàng hoàng, sửng sốt, nhất là khi thấy hung thủ là một em học trò ốm yếu và nhút nhát. Mọi người đều hỏi: Tại sao một thiếu niên hiền lành mà lại giết người kinh khủng như thế? Tuy nhiên, khi nhìn vào đời sống gia đình em Andy,người ta biết nguyên nhân nào đã đưa em đến chỗ hành động dại dột. Chúng ta không bênh vực hành động giết người, nhưng chỉ trình bày những nguyên nhân đằng sau thảm cảnh để chúng ta thấy đời sống gia đình ảnh hưởng đến con cái như thế nào. Em Andy đang đi qua tuổi thiếu niên, là tuổi có nhiều thay đổi.Trước những thay đổi quá lớn như thế, em cần một nơi an toàn, vững chắc để nương tựa. Ba điều con em chúng ta cần để có thể trở nên người trưởng thành là:(1)có một gia đình yêu thương,cha mẹ yêu thương nhau và cha mẹ yêu thương,thông cảm con cái. (2) Gia đình có kỷ luật, cha mẹ hướng dẫn con vào khuôn phép và sửa dạy chỉ bảo con trong mọi việc. (3)Một môi trường thân yêu, quen thuộc, nơi các em được yêu thương và chấp nhận. Điều đáng thương cho em Andy là em không có một điều nào trong cả ba điều nói trên.
Cha mẹ em Andy ly dị nhau khi em chưa được 4 tuổi. Em sống với cha, thiếu tình thương của mẹ. Cha em quá bận rộn với việc làm ăn sinh sống, không có thì giờ chăm sóc dạy dỗ con. Vì khó khăn trong công việc, ông phải thay đổi việc làm, thay đổi chỗ ở nhiều lần. Mỗi lần thay đổi như thế, em Andy bị mất bạn, mất nơi nương tựa. Khi đến trường mới em lại bị bạn bè trêu chọc. Em Andy bị hụt hẫng tất cả, cứ như thế hết ngày này sang ngày khác. Cuối cùng vì quá chán nản và tuyệt vọng em đã hành động dại dột để rồi chôn chặt cuộc đời trong ngục tối. Qua kinh nghiệm đau thương của em Andy, chúng ta thấy, nếu thương con cha mẹ hãy thương nhau, sống với nhau trong hòa thuận, tha thứ. Không gì khiến cho con cái bình an hơn là thấy cha mẹ yêu thương nhau. Thứ hai, nếu chuyện thay đổi chỗ ở không thật sự cần thiết, chúng ta có thể chờ đến khi con lớn. Nếu cần, hy sinh dự tính của mình để đời sống con được ổn định. Nhưng quan trọng hơn hết, đừng chỉ lo nhu cầu vật chất nhưng hãy dành thì giờ chăm sóc mặt tình cảm và đạo đức của con cái. Phải đề phòng, đừng để lòng tham lôi cuốn, vì đời sống con người không cốt ở chỗ giàu có dư dật đâu!
D. Cha mẹ làm gương cho con:
Yếu tố thứ tư giúp đào tạo nên những đứa con trưởng thành là cha mẹ làm gương cho con. Có bao giờ quý vị gọi điện thoại cho bạn, con của người bạn trả lời mà quý vị tưởng đó là bạn mình không? Và rồi quý vị nói: "Ồ sao cháu nói tiếng giống mẹ cháu quá hay giống bố cháu quá!" Con cái không những có giọng nói giống cha mẹ nhưng cách nói, cách đi đứng, ăn uống, nhiều khi cách làm việc và cách cư xử cũng giống cha mẹ. Vì sao vậy? Vì là con, các em có cái ‘gene’ của cha mẹ trong người nhưng cũng vì các em bắt chước những gì các em thấy nơi cha mẹ. Trong tuổi nào con cái cũng học bằng cách bắt chước những gì cha mẹ làm nhiều hơn là vâng theo những gì cha mẹ dạy bảo. Làm gương cho con trong đời sống đức hạnh cũng như trong cách ứng xử với người chung quanh vì thế là điều vô cùng quan trọng. Nếu chúng ta thương con, áp dụng kỷ luật nghiêm khắc với con nhưng đời sống chúng ta không là gương tốt cho con noi theo, các em khó có thể trở thành người tốt như chúng ta mong muốn. Có người đã nói, "nếu muốn con cái đi đến đâu, chính cha mẹ phải đi đến đó." "Nếu muốn con cái là người thế nào, cha mẹ phải là người như vậy." Nói cách đơn giản là, nếu chúng ta muốn con trưởng thành, chính chúng ta phải trưởng thành. Nếu muốn con là người chân thật, siêng năng và biết nghĩ đến người khác, cha mẹ phải chân thật, siêng năng và biết quan tâm đến phúc lợi của người khác để con nhìn thấy và bắt chước.
Trong đời sống đạo đức cũng vậy. Nếu muốn con kính yêu ông bà, vâng Lời cha mẹ dạy và có đời sống đẹp với mọi người; chính cha mẹ phải kính yêu ông bà, sống hiếu đạo, để làm gương cho con. Những lời cha mẹ khuyên dạy các em không nhớ được bao nhiêu nhưng những gì cha mẹ làm các em sẽ nhìn thấy, ghi nhớ và bắt chước. Nếu cha mẹ nói mà không làm hay nói một đằng làm một nẻo, con cái sẽ không vâng theo những điều tốt cha mẹ dạy nhưng bắt chước những điều xấu cha mẹ làm. Một nhà giáo dục nọ đã nói, ba nguyên tắc chính để dạy con là: làm gương cho con, làm gương cho con và làm gương cho con.
Ông chồng khi xem giấy tờ nhà băng gởi về hằng tháng thì thấy vợ dùng credit card quá nhiều. Nghĩ là vợ mua sắm cái gì đây nên ông giận quá vì ông đã dặn bà không được đi mua sắm nữa. Khì bà vợ đi chưa về nên ông chồng không thể nói chuyện với vợ ngay, và càng chờ ông càng giận. Đến khi bà vợ và hai đứa con về, vừa bước vào cửa là ông chồng quát tháo om sòm. Và thế là hai vợ chồng to tiếng với nhau. Sau bữa cơm tối, ông chồng làm việc bên computer, bà vợ ở trong bếp, hai đứa con chơi trong phòng. Bỗng hai đứa bé cãi nhau và chạy đến bên bố phân bua. Ông bố nói: chuyện gì thì nói tử tế chứ không có to tiếng lên như vậy? Đứa bé gái 8 tuổi nói: "Hồi chiều ba má cũng to tiếng với nhau!" Ông bố định nói: ba nói to với mẹ là vì đó là chuyện đáng giận, nhưng ông chợt cảm thấy xấu hổ vì đã không làm gương cho con. Ông ôm hai đứa con vào lòng và nói, "hồi chiều ba giận nên ba nói to, nhưng như vậy là không đúng, mấy đứa con đừng có bắt chước."
Chúng ta phải làm gương cho con cái noi theo, ân cần dạy dỗ điều hay lẽ phải cho con cái trong những thời điểm thích hợp, trong nhà, khi đi ngoài đường, hoặc bất cứ đâu. Trên xe bus một thiếu niên nhường chỗ cho người già, nơi công cọng tiếng quát tháo la rầy con cái, hoặc cô gái nói chuyện điện thoại lớn tiếng. v.v... Đó là một trong muôn ngàn điều, tốt có,xấu có để chỉ vẻ cho con trẻ điều nào nên và không nên làm, vì đó chính là những bài học thiết thực nhất.
Quan trọng ở đây là bậc làm cha mẹ có nhận biết và ý thức được vấn đề hay không, rồi mới nghĩ đến sự dạy dỗ con cái. Cha mẹ phải có sự hiểu biết thì mới có thể dạy cho con một cách tự nhiên, trong mọi lúc. Một ví dụ đơn giản về vấn đề bắt chước là, nếu cha mẹ hay nói dối và cho như thế là khôn khéo chứ không phải là tội, con cái cũng sẽ nói dối và cho đó không có gì là nghiêm trọng. Nếu cha mẹ tham lam, hung dữ, con cái cũng dễ thành người tham lam và hung dữ. Nếu cha mẹ hiền lành, chân thật, thương người, con cái cũng sẽ học theo những tính tốt đó. Lời khuyên bảo của chúng ta sẽ không có kết quả. Nếu cha mẹ bảo con đừng tranh giành nhau, đừng cãi nhau mà cha mẹ cãi nhau thường xuyên trước mặt con, lời dạy của cha mẹ con sẽ khó vâng theo.
Có một ông bố kia rất hãnh diện về cách dạy con của mình. Ông khoe với mọi người: "Các con tôi lúc nào cũng vâng lời tôi răm rắp. Tôi bảo Chủ Nhật phải đi nhà thờ, không được đi chơi là tất cả đi nhà thờ. Tôi bảo mỗi ngày phải đọc Kinh cầu nguyện; mỗi tối phải làm bài, học bài, là đứa nào cũng làm theo đúng như vậy." Ông cũng không cho con xem ti-vi, bảo rằng xem ti-vi mất thì giờ và có nhiều ảnh hưởng không tốt. Nhưng đời sống ông cha này thì thế nào? Ông nói với các con, "ba lớn rồi, ba làm gì cũng được vì nó không có ảnh hưởng gì, mấy đứa con còn nhỏ phải tập vào khuôn phép cho đàng hoàng." Ông không đi nhà thờ, xem ti-vi lúc nào cũng được và ngày nào các con cũng phải mua bia về cho ông uống, ông nói ông bị bệnh không uống không được! Kết quả là các con ông khi đã lớn và có gia đình riêng, không một người nào sống trong khuôn phép mà ông đã đặt, nhưng bắt chước theo những tật xấu các em đã thấy nơi ông, chúng nó "noi gương" của bố.
Chúng ta làm gương cho con như thế nào? Nếu muốn con cái yêu thương hòa thuận với nhau, chính cha mẹ phải yêu thương hòa thuận với nhau. Khi có điều không vừa ý hay khi bất đồng ý kiến với nhau, cha mẹ ứng xử như thế nào, con cái nhìn thấy và sẽ bắt chước. Khi vợ chồng có điều lầm lỗi, nếu chúng ta tha thứ nhau chứ không căm giận, không nhắc đi nhắc lại lỗi lầm của nhau, con cái sẽ học biết tinh thần tha thứ. Chúng ta không thể thúc đẩy hay bắt buộc con thương nhau bằng cách đặt luật lệ cho con nhưng chỉ có thể dạy con tình thương bằng cách thể hiện tình thương đó qua cách cư xử hằng ngày. Có lẽ chúng ta còn nhớ câu chuyện mà mình học ngày xưa về một gia đình có ba thế hệ cùng sống chung. Ông nội già yếu, tay chân bị run nên khi ăn hay vung vãi và làm bể chén. Người con trai của ông cụ bèn lấy cái gáo dừa làm chén cho ông ăn. Vài hôm sau ông cha thấy đứa con nhỏ lấy cái vỏ dừa gọt thành cái chén. Ông hỏi con làm gì đó, đứa bé trả lời: Con làm cái chén sẵn cho bố để mai kia bố già như ông nội thì bố dùng làm chén ăn cơm! Người cha thấy vậy ân hận về cách cư xử thiếu yêu thương của mình. Nếu bây giờ chúng ta hiếu kính cha mẹ, chăm sóc các cụ cách vui vẻ tự nguyện, mai kia khi chúng ta già yếu con cái sẽ nhớ những hình ảnh cha mẹ đối xử với ông bà và sẽ yêu thương, hiếu thảo với chúng ta.
Để con nhận biết đâu là giá trị thật của đời sống, chúng ta cần làm gương cho con trong những điều sau:
(1) Sống thật với lòng
Trong cách xử dụng phương tiện, thì giờ, tiền bạc, trong những sinh hoạt hằng ngày, chúng ta cần sống thế nào để con cái nhìn thấy rằng trong đời sống. "Người thật, việc thật" là đáng quí, không màu mè che đậy bằng những hình thức phô trương bên ngoài, nhưng thật sự trống rỗng bên trong.
(2) Thương người
Chúng ta phải yêu thương người lân cận như chính thân mình(thương người như thể thương thân...) Cách hiệu quả nhất để dạy con cái biết yêu thương nhau và yêu thương người chung quanh, là chính cha mẹ biểu hiện tình yêu đó trong cách xử sự hằng ngày, với nhau, với bạn bè, bà con anh em và với người chung quanh. Nếu cha mẹ nói xấu người này, căm thù người kia, phê bình hay kỳ thị người nọ hoặc lừa dối người khác để được lợi cho mình, con cái lớn lên sẽ không biết yêu thương nhưng sống ích kỷ, chỉ tìm kiếm điều lợi cho mình.
(3) Lưạ lời mà nói cho vừa lòng nhau
Nhiều cha mẹ la mắng con, bực bội khi thấy con cái không nói năng dịu dàng tử tế với nhau nhưng họ quên rằng chính họ không nói năng ngọt ngào với nhau, và cũng không nói tử tế với con. Nếu cha mẹ hay than phiền, chê trách, con cái cũng có tính hay than phiền chê trách. Nếu cha mẹ hay dùng những từ thô tục con cái cũng sẽ nói năng giống như vậy. Ngược lại nếu cha mẹ nói năng đàng hoàng, lịch sự, con cái cũng sẽ ăn nói lễ độ, lịch sự. Lưu ý cách xưng hô giữa vợ chồng với nhau, cũng như giữa cha mẹ với con cái. (hạn chế, hoặc không nên dùng mầy, tau, mi, tớ.v.v...)
(4) Trọng tình hơn tiền bạc, vật chất
Chúng ta cần sống thế nào để con thấy rằng tiền bạc, vật chất chỉ là phương tiện chứ không phải là cứu cánh của đời sống. Tình thương yêu giữa người với người mới là điều quý và giá trị. Chúng ta không nên vì tiền bạc mà gây gổ nhau, lừa dối nhau hay gây tổn hại cho nhau
E. Người Cha lãnh đạo, hướng dẫn gia đình:
Yếu tố thứ năm cũng là yếu tố quan trọng nhất để con cái nên người trưởng thành, đó là người cha trong gia đình thật sự làm chủ, lãnh đạo gia đình, hướng dẫn vợ con trong mọi sự. Chúng ta nhấn mạnh chữ "thật sự làm chủ gia đình" vì có nhiều người chồng, người cha không thật sự làm chủ, lãnh đạo gia đình.
Sự thứ tự rõ ràng trong gia đình mỗi người đó là: chồng là chủ gia đình, nhưng là người chủ yêu thương và hy sinh; còn người vợ ở dưới sự lãnh đạo của chồng. Trong vai trò làm cha, chúng ta chớ nên quá giận dữ,(vì quá giận dữ sẽ mất tính khôn ngoan) hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo mà dạy dỗ uốn nắn chúng nó. Trong gia đình các ông có hai vai trò cao quý, đó là làm chồng và làm cha Trong hai trách nhiệm đó các ông cần làm theo đúng mẫu mực. Là chồng, các ông cần yêu thương vợ, là cha các ông phải sửa phạt khuyên bảo con cái.Trách nhiệm của các ông thật quan trọng. Các ông là người lãnh đạo gia đình, nhưng lãnh đạo với lòng thương yêu và hy sinh,
Tuy nhiên, để các ông có thể thật sự lãnh đạo gia đình, các bà cần vâng theo, phục tòng chồng và đặt mình dưới sự lãnh đạo của chồng. Nếu các bà không vâng phục, các ông không thể lãnh đạo gia đình. Như các nhà tâm lý học sau nhiều năm nghiên cứu cho biết, gia đình nào có người vợ cứng rắn, lấn quyền chồng, điều khiển chồng và có người cha yếu đuối, nhu nhược không lãnh đạo gia đình, con cái trong gia đình đó có nhiều nan đề. Có cha mà cha không lãnh đạo nhiều khi còn tệ hại hơn là không có cha. Khi người cha vắng mặt trong gia đình hoặc có mặt mà không lãnh đạo gia đình, con cái sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Các em không phát triển nghị lực và lòng tự tin; không phát huy những tính tốt căn bản của con người như siêng năng, ham học, lễ độ với người trên, hòa đồng với bạn cùng trang lứa. Nhiều gia đình con cái không nên người không phải vì thiếu tiền nhưng vì thiếu sự dạy bảo, chỉ dẫn của người cha."con không cha như nhà không nóc"
Con cái trong gia đình thiếu sự hướng dẫn của người cha trong những trường hợp sau:
(1). Những đứa con ngoại hôn, tức là những em sinh ra ngoài vòng lễ giáo, cha mẹ không có cưới hỏi, hoặc cha mẹ ngoại tình. Trong trường hợp này người cha không dám công khai nhận trách nhiệm. Hầu hết những em lớn lên trong hoàn cảnh này có cha mà như không có.
(2). Những người cha ham mê công danh sự nghiệp hoặc chạy theo những đam mê riêng của mình nên không có thì giờ cho gia đình hoặc những người vì công ăn việc làm phải đi xa, thường xuyên vắng mặt ở nhà.
(3). Những ông cha có mặt trong nhà nhưng thụ động, trốn tránh trách nhiệm, giao việc lãnh đạo gia đình cho vợ hay người khác, cũng là trường hợp những người nghiện ngập, bệnh nặng hay tàn phế. Trong tất cả những trường hợp vừa kể, người cha không lãnh đạo gia đình và vì thế con cái không được cha hướng dẫn, dạy bảo.
Chúng ta thường nghe câu: "Con không cha như nhà không nóc," hàm ý thiếu cha là một thiếu thốn, một thiệt thòi lớn. Những em lớn lên thiếu sự chăm sóc hướng dẫn của cha phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc đời. Trái lại, khi được cha quan tâm chăm sóc, đời sống con cái sẽ được phong phú trong những phương diện sau:
Các em được ở dưới sự bảo bọc, che chở của cha về mặt thể xác.
Khi nguy hiểm xảy đến các em biết có người che chở bảo vệ mình.
Các em được đầy đủ về mặt vật chất, vì có cha lo liệu và cung ứng nhu cầu cho các em. "có cha gót đỏ như son, không cha gót vàng như nghệ"
Cũng là điều quan trọng hơn hết, sự chăm sóc dẫn dắt của cha giúp các em nhìn thấy giá trị của chính mình, nhờ đó dễ dàng phát triển cá tính, ưu điểm và lòng tự tin.
Các em được đặc ân có cha gần gũi, chăm sóc, trò chuyện và dạy bảo mỗi ngày. Sự chăm sóc, gần gũi, hướng dẫn của người cha sẽ giúp con cái phát triển quân bình về mọi mặt. Trong xã hội ngày nay bao nhiêu thanh thiếu niên ngã vào cám dỗ, bị ảnh hưởng xấu của bạn bè, phim ảnh, sách báo và ảnh hưởng tội lỗi của xã hội chỉ vì thiếu sự dẫn dắt chỉ dạy của người cha.
Nếu muốn gia đình được vững mạnh và xã hội bớt đi tội lỗi, chúng ta cần sống theo tiêu chuẩn và khuôn mẫu của mỗi tín ngưỡng. Ðó là các ông phải chu toàn trách nhiệm làm chủ, lãnh đạo gia đình. Lãnh đạo theo đường lối phục vụ,với lòng yêu thương, tinh thần hy sinh; để phúc lợi của vợ con lên trên phúc lợi của chính mình và nhất là làm gương về một đời sống đạo đức, chân thật với đầy đủ Nhân, Nghiã, Lễ, Trí và Tín.
Một ông cha có những đặc điểm như vừa kể sẽ có ảnh hưởng tốt trên con cái. Nếu chúng ta có con cái, nhưng không dành thì giờ đầu tư vào cuộc đời của con, không tạo cơ hội để gần con, dạy dỗ con, tạo mối quan hệ gần gũi đậm đà với con, chúng ta không những không làm trọn trách nhiệm của một người cha, mà còn đánh mất một tình cảm thiên liêng mà ơn trên đã ban cho. Ðó là đặc ân, để lại một ảnh hưởng tốt đẹp trên đời sống con trẻ và đào tạo nên một thế hệ hữu dụng cho xã hội.
Sau đây, chúng ta có thể áp dụng hầu có thể chu toàn trọng trách người cha trong gia đình. Trước hết, hãy xem trách nhiệm làm cha là ưu tiên hàng đầu trong cuộc đời. Không phải công việc làm, công danh sự nghiệp, chức tước địa vị trong xã hội nhưng gia đình phải là ưu tiên hàng đầu của người cha. Khi đã đồng ý đặt gia đình vào ưu tiên hàng đầu, chúng ta phải làm những điều sau đây:
1/. Sắp xếp công việc để có thì giờ với gia đình
Cách ngôn Tây phương có câu: "Muốn là được"(vouloir c'est pouvoir) Hàm ý rằng bất cứ điều gì ta thích hay muốn làm là ta có thể làm được. Nếu thấy rằng dành thì giờ cho con là điều quan trọng, chúng ta sẽ có thể tìm thì giờ, dành thì giờ, tạo thì giờ hoặc sắp xếp thì giờ để có thể ở gần con. Chúng ta có thể đi làm sớm hơn, trễ hơn hoặc bớt giờ làm việc, bớt những giờ gặp gỡ bạn bè, bớt những việc không cần thiết để dành thì giờ cho con. Lớn lên con em sẽ ghi nhớ mãi những giờ phút ở bên cha, được cha dạy dỗ chăm sóc, trò chuyện.
2/. Cố gắng có mặt trong bữa cơm tối của gia đình
Trong đời sống bận rộn này, có những gia đình không bao giờ cùng ngồi ăn chung với nhau. Bữa cơm tối thường là thì giờ duy nhất người trong gia đình gặp nhau vì thế chúng ta nên xem đây là thì giờ quan trọng của gia đình, cố gắng để đừng vắng mặt. Ngoài ra, khi ngồi ăn chung với con cái, chúng ta tránh mắng mỏ, sửa sai con, nhưng thăm hỏi con, trò chuyện với con, để biết con suy nghĩ gì, có những ưu tư lo lắng gì. Ðây cũng là thì giờ chúng ta chia xẻ những điều chúng ta suy nghĩ hay dự tính để con biết. Khi ngồi quây quần bên bàn ăn, trò chuyện thân mật với nhau, người trong gia đình sẽ thấy gần nhau và gắn bó với nhau. Tình thương yêu nhờ đó cũng gia tăng và trở thành sâu đậm hơn .
GIA ĐÌNH KÍNH LOAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét