Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2024

PHỐ NÚI, NGÀY THÁNG BA NĂM 1975..!

 

Nhà thơ Vũ Hữu Định

Một người đã khoát cho Pleiku mộṭ sắc áo đẹp đó là Vũ Hữu Định. Ông chỉ là người “khách lạ” ghé chơi. Nhưng, người khách lạ ấy đã làm rạng rỡ hơn cảnh vật và khám phá từ những góc cạnh tự nhiên cuả tỉnh lẻ phố núi với những tâm tình ấp ủ theo từng ngõ phố từng bước chân đi.

Qua bài thơ “Còn Một Chút Gì Để Nhớ” của thi sĩ họ Vũ đã làm cho Pleiku trở thành một nơi chốn cực kỳ lãng mạn và thơ mộng qua thi ca, thật cũng chẳng ngoa tí nào.!. Những câu thơ dễ thương của một vài con phố nhỏ heo hút của vùng cao nguyên, với hình tượng của “Em”, của thời tiết se lạnh để má em thắm để môi em hồng. Phài chăng đó chỉ là hình tượng tổng hợp từ nhiều hình ảnh trong thực tế để làm thành một hình tượng tuyệt diệu của tưởng tượng, của hư cấu, trong cái không gian của một phố núi nhỏ nhoi, con người thi sĩ và cảnh vật cũng như thiên nhiên ở đây hình như thở chung một nhịp đập của trái tim dâng trào cảm xúc. Con phố hoang sơ lạnh lùng nhưng dường như có một tâm hồn mà người thơ cảm thông được, hiểu được từ nỗi cô đơn mà trời riêng dành cho người làm thơ.

Có khi em Pleiku chỉ là tưởng tượng trong thơ. Thi sĩ đã làm thành một nhân dáng nữ tuyệt vời để tô điểm cho phố núi ấm áp hơn trong cái se lạnh của Cao Nguyên. Thơ như tháp cánh vút lên, để những hàng cây dầu hai bên con đường học trò vươn lên màu lá xanh biếc. Thành phố có em, là thành phố mà tình yêu đã làm một thứ trang sức cho đời lính thú biên trấn xa xôi. May mà còn có niềm vui,…



Chỉ mười mấy câu thơ mà nhà thơ đã chuyên chở rất nhiều tình, ý. Thơ có thiên nhiên hòa hợp với con người. Thơ làm đời sống có nhiều chất thơ hơn để quên đi những ám ảnh của chiến tranh:

"Phố núi cao phố núi đầy sương

phố núi cây xanh trời thấp thật gần

anh khách lạ đi lên đi xuống

may mà có em đời còn dễ thương

phố núi cao phố núi trời gần

phố xá không xa nên phố tình thân

đi dăm phút đã về chốn cũ

một buổi chiều nao lòng bỗng bâng khuâng

em Pkeiku má đỏ môi hồng

ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông

nên mắt em ướt và tóc em ướt

da em mềm như mây chiều trong

xin cảm ơn thành phố có em

xin cảm ơn một mái tóc mềm

mai xa lắc trên đồn biên giới

còn một chút gì để nhớ để quên”.


PLEIKU, NGÀY THÁNG CHẠP...!


Ngày trở lại cao nguyên mùa tháng chạp
Hoa dã quỳ phai nhạt vẫy chào tôi
Chân bước đi trên lối nhỏ bồi hồi
Mắt rười rượi nỗi sầu ôi trĩu nặng

Mình lạc giữa, không gian đầy quạnh vắng
Vạt sương mù ngăn bước cản chân qua
Nhìn hoàng hôn nhuộm tím buổi chiều tà
Cho nhung nhớ ngập tràn ngăn ký ức

Phía trước mặt đường dài xa hun hút
Đằng sau lưng rừng thẳm vực càng sâu
Kỷ niệm xưa héo úa đã nhạt màu
Cơn dông bão nhấn chìm bao thành quách

Gió lay nhẹ đậu vai gầy say đắm
Chút dỗi hờn duyên phận lắm long đong
Chiều cao nguyên buốt giá tận cõi lòng
Giọt lệ nóng vỡ òa trong khóe mắt.


Thị xã Ayun Pa bây giờ chính là tỉnh Phú Bổn ngày xưa. Thời ấy, những cái tên Phú Bổn, Hậu Bổn, Phú Túc, Cheo Reo, Thuần Mẫn... luôn vang lên trên các bản tin chiến trận, nhất là vào tháng 3/1975.

Người dân vẫn thường gọi Phú Bổn để nói về Ayun Pa. Cái tên ấy gợi về một thời, với buồn vui lẫn lộn...




TRỜI ĐẤT DỌC NGAN


Đất trời gặp cảnh quá điêu linh Phí sức thân trai nỗi bất bình Cái nợ trần gian đeo đẳng mãi Nhụt rồi dũng chí kiếp nhân sinh Giờ đây thơ thới cùng mây nước Ai cũng đôi lần trải nhục vinh Dâu bể đa đoan cùng thế sự
Thôi đành tạ tội với non sông



CAO NGUYÊN


Lạc lõng chân hoang qua phố núi Giọt rơi dâng biếc tán bàng cây Cây muồng san sát ru theo gió
Tình cảm ẩn sâu mãi chốn nầy


Pleiku, vùng cao nguyên đất đỏ, giao điểm của những con đường Quốc Lộ 19, 14 nối liền Duyên Hải, vùng Hoàng Triều Cương Thổ đến cùng tận Cao Nguyên Trung phần. Pleiku còn được gọi là thành phố Lính, nơi đặt bản doanh của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II, nơi đồn trú của Sư Đoàn 6 KQ, Lữ Đoàn 2 Kỵ Binh, 8 Liên Đoàn Biệt Động Quân, nhiều đơn vị Bộ Binh và Tiểu Khu Pleiku. Pleiku cũng là nơi có những ngôi trường mang tên Pleime, Pleiku, Phạm Hồng Thái, Minh Đức, Bồ Đề, Nông Lâm Súc. Pleiku còn mang tên Phố Núi thơ mộng, một địa danh đã được dệt nên nhiều áng thi ca bởi những nhà thơ nổi tiếng một thời sống ở Pleiku hay chỉ một thoáng ghé qua Phố Núi: Vũ Hữu Định, Cao Thoại Châu, Nguyễn Bắc Sơn, Kim Tuấn, Nguyễn Mạnh Trinh, Võ Ý... Tháng Ba 1975, Pleiku trời bỗng đổ những cơn mưa, giọt mưa như những dòng nước mắt đầm đìa khóc thương cho những người bỏ đi và cho cả những người ở lại để đón chờ một cuộc đổi thay oan nghiệt. Tháng Ba, những đám mây la đà như những vành khăn tang phủ trên đầu Phố Núi. Những người lính chiến bao nhiêu năm trấn thủ sống chết với vùng địa đầu tam biên, giờ phải hốt hoảng ra đi, không kịp nói với Pleiku một lời giã biệt, kéo theo những người dân hiền lành và cả những cô cậu học trò đã từng lớn lên bằng hơi thở của núi rừng, một thời tuổi thơ được vỗ về bằng tiếng đạn bom và cả những bài thơ rất tình ngợi ca Phố Núi. Chính hơi thở của các nàng thiếu nữ Pleiku, cùng dư âm đạn bom và cả những bài thơ của những nhà thơ lính bị lưu đày, đã dệt thành những mảng mù sương giăng giăng trên Phố Núi, như muôn đời ôm lấy trái tim của những người Pleiku lưu lạc, để cho lòng lưu luyến mãi khôn nguôi… Tháng ba 1975, Pleiku đứt đi từng đoạn ruột. Từ trời cao nhìn xuống, dòng người “di tản” kéo dài bất tận trên Tỉnh Lộ 7B, trông như những khúc ruột đứt ra từ Phố Núi KonTum, Pleiku, Phú bồn, với biết bao người đã không đi hết con đường tỉnh lộ kinh hoàng này. Thân xác gởi lại nơi nào giờ cũng đã trở thành tro bụi. Bao nhiêu đứa con thơ lạc mất vòng tay của mẹ, nếu có còn sống đến hôm nay cũng đã trở thành xa lạ. Những người may mắn sống sót, hầu hết đã ra đi, tản mác khắp bốn phương trời. Tháng ba, Phố Núi phủ lên một màu ảm đạm, hoang tàn, chia ly, chết chóc, tù đày. Phố núi đã chết. Người thắng cuộc đã tô son trét phấn trên thi thể của những Phố Núi dù có rực rỡ đèn màu, có vang dậy tiếng cồng chiêng trong các bản làng, Phố Núi cũng sẽ chẳng bao giờ là Phố Núi của ngày xưa, của chúng ta, những người có mặt hôm nay. Tháng Ba, nỗi nhớ có quay về Phố Núi, thì vẫn là một Phố Núi ngày xưa. Mãi mài vẫn còn trong tâm tưởng, ký ức của mỗi người trong chúng ta hôm nay. Không biết có bao nhiêu nước mắt nào đổ xuống để có thể giải oan cho cuộc biển dâu này của những người Phố Núi. Hôm nay, Tháng 3, đúng 49 năm, ở một nơi xa xăm, muôn trùng cách biệt với quê nhà, những người Phố núi xa xứ từ khắp nơi qui tụ về đây. Từ các anh phi công , các anh lính chiến Biệt Động Quân, Thiết Giáp, Bộ Binh, những công chức, thầy cô giáo, những cô cậu học trò và cả những người từng sống, từng lớn lên từ Phố Núi. Tất cả đang ngồi quanh đây với biết bao nỗi nhớ đang quay về. Nhớ bầu trời một thời bay bổng, nhớ núi rừng, nơi các chiến trường của một thuở tung hoành ngang dọc, cùng sống chết với anh em đồng đội, nhớ những con đường góc phố bám đầy đất đỏ, nhớ những mái trường Pleime, Pleiku, Phạm Hồng Thái, Minh Đức, Bồ Đề, Nông Lâm Súc…, nhớ Thành Pleime, phi trường Cù Hanh, căn cứ Biển Hồ, nhớ Đồi Đức Mẹ … và nhớ rạp ciné Diệp Kính, Thanh Bình, rạp Diên Hồng, những quán cà phê Lính, cà phê Văn, Dinh Điền, Bắc Hương , Thiên Lý… Những người quân, dân, cán, chính Pleiku ngày nào bây giờ đã trên tuổi thất thập và những cô học trò Phố Núi ngày xưa bây giờ cũng đã là bà nội bà ngoại, Thời gian như những ngọn gió làm cho các phiến lá vàng lần lượt lìa cành. Ta gặp nhau hôm nay, để thấy trong ta vẫn còn có những vết thương không bao giờ thành sẹo, và để thêm một lần cho nỗi nhớ quay về. Để nếu mai này có là một chiếc lá lìa cành thì xin không rơi giữa hư không mà rơi xuống giữa lòng Phố Núi. Phố Núi mênh mông, huyền thoại trong tâm tưởng của mỗi người… Phố núi ơi! Tháng Ba , xin hãy cho những người đã không giữ được Phố Núi ngày nào được nói một lời tạ lỗi. Và xin Phố núi ghi lấy tấm lòng của những người xa xứ, cứ mỗi độ tháng Ba, là bao nỗi nhớ lại quay về, với tấm lòng da diết những yêu thương!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét