TÌNH PHỤ TỬ
Tình phụ tử, lòng con ghi nhớ
Cha mãi là ngọn gió dịu êm
Tựa như ánh sáng bình yên
Nước non vạn nẻo, đường đây đó
Nhờ Cha tìm lối, chọn cho con
Hướng vào dòng chảy êm xuôi
Cho con tươi mát cuộc đời yêu thương.
Nhắc đến tình cảm gia đình, người ta thường nghĩ ngay đến tình mẫu tử thiêng liêng với hình ảnh người mẹ dịu hiền luôn yêu thương, nuôi dưỡng con bằng dòng sữa ngọt và lời ru êm ái. Tình phụ tử cũng là tình cảm thiêng liêng, cao cả không kém! Tuy người cha không phải là người mang nặng đẻ đau, trực tiếp sinh ra con nhưng tình cảm yêu thương của cha thật sâu nặng “mây trời lồng lộng không phủ kín công cha”. Bởi vậy, cùng với tình mẫu tử, tình phụ tử đã trở thành đề tài xuyên suốt của văn học từ xưa đến nay. Từ những bài ca dao vỡ lòng, những câu chuyện cổ tích đến cả các tác phẩm thơ truyện hiện đại, tình phụ tử luôn là đề tài không bao giờ cũ.
“Tình phụ tử” là tình cảm cha con, tình cảm thiêng liêng luôn thường trực trong tâm hồn mỗi con người. Tình cảm ấy được thể hiện trong văn học một cách đa dạng, phong phú và sâu sắc qua các giai đoạn khác nhau, bằng những thể loại khác nhau với những cung bậc sắc thái tình cảm khác nhau trong những hoàn cảnh điển hình của cuộc sống. Dù vậy, trong các tác phẩm nghệ thuật, tình phụ tử đều hiện lên thật cảm động, sâu sắc.
Trong kho tàng văn chương bình dân Việt Nam có khá nhiều câu ca nói về tình cảm của người con đối với cha mẹ; Bổn phận và lòng biết ơn đối với những đấng sinh thành; Mối quan hệ thiêng liêng của tình ruột thịt… Điều này biểu lộ rõ ràng rằng, người dân Việt luôn coi trọng chữ "hiếu", chữ "nghĩa", là những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Trước hết, qua những câu ca dao, câu chuyện cổ tích, tình phụ tử hiện lên là tình cảm thấm đẫm tình yêu thương vô bờ bến, công lao to lớn của cha đối với con và lòng hiếu thảo, biết ơn sâu nặng của con cái với cha. Là người Việt Nam, ai là không biết đến câu ca dao nói về công cha (nghĩa mẹ).
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong Nguồn chảy ra”
Hay:
“Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông”
Từ thuở nhỏ tôi đã có dịp học thuộc nhiều câu ca dao, tuy vậy có đôi câu làm tôi khó hiểu. Lớn lên, khi được làm cha (và dĩ nhiên cũng đã học được đôi chút kinh nghiệm) tôi mới tự giải tỏa được thắc mắc. Một trong những câu có ít nhiều uẩn khúc, khó hiểu đó là:
"Mồ côi cha ăn cơm với cá,
Mồ côi mẹ lót lá mà nằm".
Qua hai câu nầy ai cũng hiểu được rằng: nếu một người con mất cha sẽ được sung sướng hay vẫn còn sung sướng vì được "ăn cơm với cá"; ngược lại, nếu bị mất mẹ, thì sẽ bị khổ sở cùng cực, vì phải "lót lá mà nằm".
Như vậy, theo tinh thần câu ca dao xưa, thì cái vai trò, trọng trách, hay bổn phận của người cha trong sinh hoạt ảnh hưởng, quan hệ với con cái trong gia đình là rất ít, rất mờ nhạt, nếu không muốn nói là không có gì hay sao? Người cha không biết chăm sóc, lo lắng, dạy dỗ cho các con mình. Không yêu thương con bằng người mẹ chăng? Tìm hiểu thêm, chúng ta có thể hiểu, câu ca dao trên được phát xuất từ hoàn cảnh cá biệt của một thiểu số người đàn bà bất hạnh, không có duyên lành, gặp phải một người chồng thiếu trách nhiệm, đã như thế thì cũng có thể "mồ côi cha ăn cơm với cá"
Nói đến gia đình, người ta nghĩ ngay tới một gia đình gồm cha mẹ và con cái, không có ông bà kiểu “tứ đại đồng đường” như xưa, nhưng có lẽ gia đình ngày nay phải định nghĩa lại:
Đó là một gia đình chỉ có mẹ và con hoặc cha và con! Đa số, đến chín phần mười là mẹ và con. Cha, hoặc giấu mặt, hoặc trong bóng đêm, hoặc thỉnh thoảng được phép gặp con một lần vào cuối tuần, cuối tháng… Tình trạng gia đình đơn thân (chỉ có cha hoặc mẹ) ngày nay càng nhiều, theo tốc độ đô thị hóa, toàn cầu hóa. Ở Mỹ, tỷ lệ gia đình đơn thân hiện nay đã là 35%, có tiểu bang đến 47%, không kể những gia đình trẻ mồ côi, con nuôi, hay có cha mẹ ghẻ. hoặc cả cha lẫn mẹ có gia đình mới, nên gởi con sống với ông bà nội hay ngoại. Nói khác đi cứ hai hoặc ba đứa trẻ ở Mỹ bây giờ thì có một bé sống với gia đình đơn thân. Ở ta tình trạng gia đình đơn thân cũng đang tăng nhanh do ly dị, ly thân hoặc người phụ nữ muốn có một đứa con để “hủ hỉ” lúc tuổi xế chiều…
NHỚ VỀ CHA
Chậm thôi nhé.! Thời gian trôi nhanh quá.!
Nhuộm tóc Cha thêm trắng bạc nữa rồi
Từng nếp nhăn là mỗi chặng đường đời
Vai nặng gánh nên lưng còng trĩu xuống
Lòng ray rứt với muôn ngàn nổi nhớ
Nổi nhớ Cha tim con chớm nhói đau
Ngày đầu tiên đến lớp quãng đường xa
Cha vội cõng sợ đi lâu con mỏi
Và cứ thế thời gian trôi qua vội
Nay chân con vững chãi bước đường dài
Chỉ lo Cha chân yếu lại run tay
Mà phải chống phải chèo vì cuộc sống
Cha luôn phải thương con nên cố gắng
Để mong con luôn được sống bình an
Như thế thôi là Cha mãn nguyện rồi
Chẳng ngại khổ để cho con no đủ
Đời là biển Cha là thuyền trôi nổi,
Đưa con đi đến những bến bờ xa
Đến những nơi cuộc sống thắm màu hoa
Chưa đến đích nên khiến Cha gắng sức
Cha là đất con mầm non mới chớm
Con vương lên nhờ mạch sống của Cha
Cha đã mang bao vị ngọt phù sa
Để vun bón thân con dần cứng rắn
Cha dìu dắt con đi vào cuộc sống
Ban cho con nghị lực sống hơn người
Dạy cho con kinh nghiệm sống vào đời
Với tất cả những gì đời Cha biết
Một đời chỉ... Vì con... Cha không tiếc
Sống cho con Cha mải miết hy sinh
Bao công lao bậc dưỡng dục sinh thành
Làm sao trả, ơn Cha cao hơn núi.
Hàng năm vào Chủ Nhật lần thứ ba của Tháng 6 (năm nay rơi vào ngày 18-6-2023), người Mỹ đã mừng Ngày Lễ của Cha (Father’s Day), cũng như tháng 5, Chủ Nhật lần thứ hai (14-5-2023) họ đã mừng ngày Lễ của Mẹ (Mother’s Day). Ðây là hai ngày lễ truyền thống của người Mỹ để vinh danh và biểu tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ.
Sau nhiều thập niên sống trên đất nước quê người, người Việt chúng ta đã làm quen dễ dàng với hai ngày lễ này của dân bản xứ. Ðó là điều tự nhiên. Là vì, dù có khác biệt về văn hoá và luân lý, song con người đều có mối liên hệ máu thịt giữa cha mẹ và con cái, dẫn đến một thứ tình cảm thiêng liêng cao cả: Tình mẫu tử và phụ tử. Một tình cảm vô điều kiện và vô vị lợi, chỉ cho đi mà không cần đáp trả.
Ðể đáp lại, những người con thường thể hiện tình yêu thương, tôn kính và biết ơn cha mẹ bằng những việc làm cụ thể cốt làm vui lòng cha mẹ. Chẳng hạn trong ngày Lễ Father’s Day hay Mother’s Day, người Mỹ có thói quen mua quà tặng hay mời cha mẹ đi ăn những của ngon vật lạ ở các nhà hàng hay ở nhà với những món ăn đặc biệt cha mẹ ưa thích. Còn đối với người Việt Nam thì đạo hiếu đối với cha mẹ được thể hiện cụ thể không chỉ một ngày mà kéo dài cả một đời, trong việc giúp đỡ, vâng lời cha mẹ lúc còn trẻ và phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già sức yếu. Vì thế, tục ngữ Việt nam có câu “Trẻ cậy cha, già cậy con” để nói lên mối quan hệ hai chiều giữa cha mẹ và con cái.
Tuy nhiên, trong điều kiện sống nơi đất khách quê người, sự báo hiếu thể hiện qua việc phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già sức yếu trong một số gia đình Việt Nam đã gây nên sự xung khắc, bất hoà giữa cha mẹ với con cái, và giữa các anh chị em trong gia đình. Sự xung khắc, bất hoà ấy xuất phát từ quan niệm khác biệt về cách phụng dưỡng cha mẹ theo truyền thống Việt Nam ở quê nhà hay theo hoàn cảnh, lối sống ở Hoa Kỳ.
Theo truyền thống Việt Nam, cha mẹ đến khi về già thường được sống chung với con cháu để tiện bề săn sóc và để cho cha mẹ có niềm vui, hạnh phúc vì được sống bên con cháu trong những năm tháng cuối đời. Nhưng ở Hoa Kỳ, khi cha mẹ về hưu còn mạnh khoẻ thường sống riêng, đến khi già yếu thì vào sống trong các nhà hưu dưỡng (nursing homes) để được các nhân viên y tế và dinh dưỡng chăm sóc ngày đêm.
Đây là lối sống hình thành do điều kiện và hoàn cảnh sống của xã hội Hoa kỳ, nên thường được các bậc cha mẹ chấp nhận như chuyện bình thường. Nhưng đối với các bậc cha mẹ Việt Nam, hầu hết đều chưa quen với lối sống này nên dễ sinh lòng bất mãn, buồn tủi khi phải vào sống trong các nhà hưu dưỡng. với mặc cảm bị lãng quên, sống cô đơn, chờ chết vào lúc cuối đời.
Trong một số gia đình Việt Nam có cha mẹ già yếu, con cái không dám đưa vào “nursing home”, mà giữ cha mẹ phụng dưỡng tại nhà đã gặp nhiều khó khăn, bất tiện trong cuộc sống. Từ những khó khăn bất tiện đã gây bất hòa xung khắc giữa vợ chồng khi phải vất vả phụng dưỡng cha mẹ già yếu, ảnh hưởng đến hạnh phúc vợ chồng. Hệ quả này khiến một số bậc cha mẹ không muốn vào nursing home phải sống lưu động từ gia đình người con này đến người con khác. Tình cảnh này đã làm buồn lòng các bậc sinh thành không ít và giữa anh em cũng phát sinh ra bất hoà vì sự tính toán thiệt hơn trong việc góp phần phụng dưỡng cha mẹ tại gia. Thực tế này đã phản ánh đúng như ý nghĩa các câu tục ngữ Việt Nam mà các bậc cha mẹ thường thốt ra khi gặp hoàn cảnh bị con cái tỏ ra miễn cưỡng, đùn đẩy nhau việc phụng dưỡng, rằng “một mẹ nuôi được 10 con, nhưng 10 con không nuôi tròn một mẹ”; và rằng: “cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày”.
Là người Việt Nam, dù là bậc cha mẹ hay con cái, khi nghe hai câu tục ngữ trên hẳn sẽ không khỏi chạnh lòng, băn khoăn và tự kiểm về mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ mình. Nhất là nhân dịp ngày Fathers’Day tháng 6 hay Mothers’Day vào Tháng 5 hằng năm của người Hoa Kỳ, người Việt tha hương chúng ta cần suy tư và tự kiểm để điều chỉnh mối quan hệ thiêng liêng giữa con cái và cha mẹ sao cho không chỉ nói lên được ý nghĩa vinh danh và biểu tỏ lòng biết ơn đối với công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ như người bản xứ, mà còn thể hiện được lòng hiếu thảo theo truyền thống Việt Nam qua sự phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già sức yếu một cách hài hòa, để cha mẹ có được những ngày vui cuối đời hạnh phúc bên đàn con cháu.
Tất nhiên, để thực hiện được sự báo hiếu tốt đẹp này không phải là dễ trong hoàn cảnh và điều kiện sống hiện nay tại Hoa Kỳ nói riêng và hải ngoại nói chung. Việc này đòi hỏi con cái phải chịu đựng và hy sinh một phần hạnh phúc cá nhân và gia đình. Thiết tưởng đây là điều con cái có thể làm được, nếu họ chịu khó hồi tưởng lại tất cả những gì cha mẹ đã chịu đựng, hy sinh vô điều kiện cho họ từ khi vào đời, qua tuổi ấu thơ cho đến khi khôn lớn, đôi khi còn phải chịu đựng, hy sinh suốt cả cuộc đời cho con và vì con.
THIẾU CHA
Mai sớm chiều trưa, luống thẫn thờ,
Ra vào vắng ngắt tiếng im hơi
Thư phòng hiu hắt bên chồng sách
Nghiên bút ơ hờ thiếu bóng ai.?
Bóng dáng cô đơn nay thiếu vắng
Mơ hồ giọng nói cả trong mơ.!
Vườn sau ngõ trước hương còn đượm,
Buồn nhớ Ba đi chẳng trở về.
MƠ VỀ CHA
Giấc mộng đêm thâu đẫm lệ sầu
Chập chờn mơ thấy bóng Cha đâu?
Đèn trăng héo hắt len song vắng
Soi ảnh Cha xưa giấc tỉnh mê
Đất nước đổi thay từ dạo ấy.
Đầm đìa không ngớt lệ thương đau
Mùa đông chiều tối không còn nữa
Mạ khóc...Ba đi...Tiếng vỡ òa
Cha đã ngàn thu tách biệt rồi
Từ nay con nhận nỗi sầu thôi
Hoàng hôn buông phủ đời riêng lẻ
Thương nhớ chìm trong ngấn lệ rơi
Thương Cha tình khắc thâm sâu
Biết tìm đâu gặp… Đến khi bạc đầu.!
Xin những ai may mắn còn cha còn mẹ, hãy cố gắng vượt qua mọi khó khăn trở ngại, chấp nhận chút hy sinh, để thể hiện lòng hiếu thảo biết ơn cha mẹ bằng việc phụng dưỡng các Người lúc tuổi già sức yếu trong những năm tháng cuối đời, hơn là đợi cho đến khi cha mẹ đã quá vãng mới khóc thương nuối tiếc.
Bình luận
Nguyễn Văn Thuc
Bài viết thật hay và ý nghĩa, rất chí lý bạn hiền ơi!
Đông Lợi Long
Cảm ơn sự khích lệ của bạn già Măng Đen Nguyễn Văn Thuc.
Thật lòng... Mình với...Trong đời sống,
Hay nói những lời thật đáng yêu
Ý tứ việc làm cư xử đúng
Nghĩa tình thành thật chẳng cao siêu.
Tâm Phạm
Đông Lợi Long
Cảm ơn Tâm Phạm
Minh Loan
Dạ tuyệt hay anh! Em chúc anh nhiều niềm vui mỗi ngày ạ!
Đông Lợi Long
Cảm ơn nhã ý của Minh Loan,
Cuộc sống của mỗi người muôn màu muôn vẻ, khi vui vẻ hạnh phúc, lúc buồn đau thất vọng.
Cuộc sống sẽ giúp bạn lạc quan, yêu đời hơn và có những định hướng đúng đắn cho tương lai ở phía trước.
Chúc bạn tâm an, luôn sáng suốt.
Vì đời lắm kẻ thật điêu ngoa
Thị phi hỗn loạn trong đời sống
Thế sự nhiễu nhương khóc vỡ oà...
Có thể là hình ảnh về hoa Lewisia
Minh Loan
Dạ em xin cảm ơn những những lời khuyên, chia sẻ thật quý báu của anh ạ! Em xin chúc anh nhiều niềm vui và sức khỏe mỗi ngày nha anh.
Dan Thu
Hay
Đông Lợi Long
Cảm ơn Dan Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét