VƯỢT BIÊN-VƯỢT BIỂN: SẴN SÀNG ĐỔI SINH MẠNG LẤY TỰ DO
Bài viết dưới đây chỉ tóm lược những bước hành trình tìm tự do của người Việt trong hơn 47 năm qua. Muốn có đầy đủ và chi tiết cuộc hành trình lịch sử này thì ta phải có một tổ chức gồm nhiều chuyên viên thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Dưới đây xin sơ lược hành trình tự do 47 năm của người Việt.
– Khoảng thời gian ngắn trước khi Sàigon thất thủ Quốc Hội Hoa Kỳ yêu cầu chính quyền Ford ước lượng số người Việt Nam lâm nguy và cần được di tản khi Việt Cộng chiếm miền Nam, phụ tá ngọai trưởng, Philip Habib, đưa ra con số 200.000 người Đông Dương cần được di tản. Ngày 18 tháng 4 năm 1975, TT Ford thành lập Lực Lượng Đặc Nhiệm (Task Force) gồm 18 cơ quan chính quyền, đảm trách công tác di tản, định cư cho người tỵ nạn Việt Nam tại Hoa Kỳ và các nước khác.
– Ngày 22/4, tức một ngày sau khi TT Thiệu rời VN, Thượng Viện Hoa Kỳ chấp thuận chính quyền Ford cho 150.000 người Đông Dương tạm dung (parole). Sở dĩ phải dùng quy chế tạm dung cho người tỵ nạn CS vì trước năm 1980, Hoa Kỳ chưa chính thức có quy chế tỵ nạn theo định nghĩa quốc tế.
– Vào cuối tháng Tư một số tàu chiến Mỹ đã đậu sẵn ngoài khơi biển Việt Nam để cứu trợ người di tản. Ngày 29/4, chiến dịch “Frequent Wind” di tản được 7.000 người Việt bằng trực thăng. Bốn căn cứ quân sự Hoa Kỳ trên đất Mỹ đươc xử dụng để người tỵ nạn Việt Nam tạm trú trong khi chờ đợi người bảo trợ (sponsor).
– Ngay sau khi Sàigon thất thủ đã có 130.000 người Việt thoát khỏi Việt Nam, trong đó 65.000 người gồm quân nhân, công chức và nhân viên làm cho Mỹ, được quân đội Hoa Kỳ trực tiếp di tản, 65.000 người khác thoát khỏi VN do xử dụng các phương tiện quân sự của quân đội VNCH hoặc tư nhân. Để giúp người tỵ nạn Cộng Sản được chính thức định cư tại Hoa Kỳ, Tổng Thống Gerald Ford ký sắc luật Indochina Migration and Refugee Act of 1975, cho phép người Việt di tản được hưởng quy chế tỵ nạn đặc biệt. Sau đó, năm 1977, Thượng Nghị Sĩ Edward Kennedy bảo hộ dự luật bổ sung sắc luật trên, cho phép người tỵ nạn CS Đông Dương được hưởng quy chế Thường Trú Nhân (Permanent Resident Status)
– Đợt người Việt Nam di tản đầu tiên được đưa tới các căn cứ quân sự Mỹ Subic Bay tại Phi Luật Tân, đảo Wake và đảo Guam, sau đó được chuyển tới các trung tâm tạm cư tại Camp Pendleton (California); Fort Chaffee (Arkansas), Eglin Air Force Base (Florida) và Fort Indian Gap Town (Pennsylvania).
Làn sóng tỵ nạn CS ngày một dâng cao, chính phủ Hoa Kỳ chính thức yêu cầu Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ (United Nations High Commission for Refugees, UNHCR) đứng ra điều hành việc định cư cho người tỵ nạn tại Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Úc và các nước Tây phương khác. Tháng 5, 1975 , UNHCR bắt đầu thực hiện chương trình định cư trên khuôn khổ quốc tế gồm 25 quốc gia tham dự. Khoảng 11 đến 12 ngàn người tỵ nạn Việt được định cư trong đợt này.
B. THUYỀN NHÂN
– Một hai năm, sau năm 1975 làn sóng thuyền nhân, bắt đầu là một số nhỏ, đến năm 1977 thì làn sóng thuyền nhân bùng phát. Thuyền nhân, liều mạng vượt biển trên những con thuyền nan, thuyền gỗ mỏng manh đổ vào các nước Mã Lai, Thái Lan, Tân gia Ba, Nam Dương (Indonesia) , Hongkong và Phi Luật Tân. Tính đến cuối năm 1977 đã có 15.600 thuyền nhân đến được các nước trên.
– Cuối năm 1978, chính quyền Mã Lai bắt đầu xua đuổi thuyền nhân Việt Nam, khiến UNHCR phải ra quyết định là mọi thuyền nhân Việt Nam phải được coi là người tỵ nạn và được UNHCR bảo vệ. Dầu vậy chính quyền Mã Lai vẫn tiếp tục xua đuổi thuyền nhân. Thuyền nhân phải đến Thái Lan, Phi Luật Tân hoặc Hongkong. Nhưng làn sóng thuyền nhân vẫn không giảm mặc dầu họ phải đương đầu với biết bao nhiêu bất trắc: bão tố, hải tặc Thái cướp bóc, hãm hiếp, sát hại… khiến một số tổ chức và cá nhân giàu lòng nhân đạo như tàu Cap Anamur, tàu Đảo Ánh Sáng (Ile de Lumière) của Hội Y Sĩ Thế Giới (Medecins du Monde) ra khơi vớt thuyền nhân, tàu Hải quân Ý….. Tính tới cuối năm 1978, họ đã vớt được 8.674 người và 186 thuyền vượt biển. Nhưng có thể có khoảng một phần ba số người vượt biển Đông đã thiệt mạng do đắm tàu, chết vì đói khát hoặc do hải tặc hãm hại.
– Tính tới giữa năm 1979 đã có 700.000 người tỵ nạn Việt rời khỏi Việt Nam, trong đó 500.000 được định cư trên nhiều nước và 200.000 vẫn còn kẹt lại trong các trại tỵ nạn. Đây là một vấn nạn cho các nước Đông Nam Á cho phép thuyền nhân tạm dừng chân chờ được định cư ở các nước khác. Do đó cần phải có một nỗ lực quốc tế giải quyết vấn nạn to lớn này. Dư luận thế giới ngày một có cảm tình sâu đậm với thuyền nhân buộc các nước trong khối tự do hành động.
– Trong hai ngày 20 và 21 tháng 7 năm 1979, có 71 nước tham dự hội nghị Geneva nhằm giải quyết vấn nạn thuyền nhân Việt Nam và 20 quốc gia bằng lòng nhận số người định cư tại quốc gia họ.
C. CHƯƠNG TRÌNH ODP
– Để chấm dứt thảm kịch của thuyền nhân trên Biển Đông, Hoa Kỳ thành lập chương trình tỵ nạn dành cho công dân Việt đang sống tại Việt Nam. Do đó chương trình ODP (Orderly Departure Program, Ra Đi Có Trật Tự) ra đời vào đầu năm 1980. Chương trình ODP giải quyết nguyện vọng tìm tự do cho người Việt trong nước theo nhiều chương trình khác nhau.
1/ Chương trình Mỹ̃ lai
(Amerasian Homecoming Act of 1988) khởi sự từ cuối năm 1987 dành cho người có bố là công dân Hoa Kỳ và mẹ Việt Nam. Khoảng 89.000 người được định cư tại Mỹ theo chương trình này.
2/ Chương trình HO
(Former Re-Education Center Detainees, HO là viết tắt của Humanitarian Operation) dành cho cựu tù nhân cải tạo (từ 3 năm trở lên) và thân nhân. Nhờ vận động tích cực của các TNS John McCain, Edward Kennedy và những nỗ lực không mệt mỏi của các ông Robert Funseth (Phụ tá thứ trưởng ngoại giao) và ông Shep Lowman (Giám đốc Văn Phòng Việt-Miên-Lào) hiệp định HO giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ được ký kết ngày 30 tháng 7, 1989. Qua chương trình HO có 167.000 cựu tù nhân cải tạo và gia đình được định cư tại Hoa Kỳ. Song song với chương trình HO còn có các chương trình U-11 dành cho cựu nhân viên của chính phủ Hoa Kỳ với ít nhất 5 năm công vụ (từ 1/1/63 tới trước 30/4/75), và V-11 dành cho nhân viên của các công ty tư nhân Hoa Kỳ hoặc tổ chức Hoa Kỳ có 5 năm làm việc trong koảng thời gian từ 1/1/63 tới trước 30/4/75).
3/ ROVR
(ResettlementOpportunity for Vietnamese Refugees) dành cho người tỵ nạn đến trại tỵ nạn sau thời hạn (còn kẹt tại trại tỵ nạn hay đã trở về Việt Nam). Sau ngày 14/3/1989 thuyền nhân Việt không được tự động coi là người tỵ nạn cộng sản nữa, chỉ những người qua thanh lọc được coi là người tỵ nạn mới được các nước khác nhận. Khoảng giữa năm 1990 hầu hết các trại tỵ nạn ở Đông Nam Á đóng cửa.
– Mặc dầu còn hàng triệu người Việt muốn rời Việt Nam để tỵ nạn Cộng Sản nhưng không quốc gia nào kể Hoa Kỳ có thể mở cửa mãi cho làn sóng tỵ nạn Cộng Sản. Khi chấm dứt chương trình tỵ nạn thì người Việt Nam chỉ có thể định cư tại Hoa Kỳ theo chương trình di dân thông thường, dành cho mọi quốc gia trên thế giới như qua bảo lãnh của thân nhân ruột thịt, đâu tư, lao động….
Chương trính ODP chấm dứt họat động kể từ ngày 30 tháng 9 năm 1994.
Tháng 7 năm 1999, Sứ Quán Hoa Kỳ tại Saigon giải quyết những tồn tại của ODP và bắt đầu đảm nhiệm việc duyệt xét các đơn xin chiếu khán (VISA) du lịch, du học và Visa di dân giống như công dân của các nước khác trên thế giới (Regular Immigration program)
Tính từ năm 1975 đến năm 2002 đã có 759.482 người Việt tỵ nạn Cộng Sản (không kể những người vào Mỹ theo diện di dân) định cư tại Hoa Kỳ.
Tính tới năm 1999 có 1,75 triệu người Việt Nam định cư ở các nước ngoài trong đó Hoa Kỳ chiếm 900.000; Canada, Úc và Pháp: 500.000, Trung quốc: 250.000, các nước khác: 100.000.
D. NGƯỜI VIỆT TẠI HOA KỲ
– Theo thống kê năm 2010 , số người Việt sinh sống trên đất Mỹ là 1.548.449, (chiếm 0,5% dân số Hoa Kỳ gồm 308.745.583) gồm 473.810 sinh tại Hoa Kỳ và 997.699 sinh ở ngoài Hoa Kỳ.
5 Tiểu bang có người Việt đông nhất:
- California: 581, 946
- Texas: 210, 000
- Washington: 66, 575
- Florida: 58, 470
- Virginia: 45, 263
4 thành phố đông người Việt nhất:
- Los Angeles: 271, 234
- San Jose: 125, 774
- Houston: 103, 525
- Dallas-Fort Worth: 71, 839
- Thống Kê Dân Số 2020, dân số Hoa Kỳ tính đến ngày 01 tháng 04 năm 2020 là 331.449.281.
Người Việt ở Hoa Kỳ là 2.067.527.
– Hành trình tìm tự do của người Việt là một hành trình đầy gian khổ, đầy bất trắc và hãi hùng. Mỗi hành trình tìm tự do là một kỳ tích, đôi khi như một phép lạ. Hàng trăm ngàn thuyền nhân bỏ thây trên Biển Đông. Cái chết mang nhiều bộ mặt khác nhau: chết vì đói khát, chết vì đắm tàu, chết vì hải tặc. Nhưng người tìm tự do bất chấp mọi hiểm nguy, đem mạng sống đánh đổi với tự do, đánh cuộc với may rủi trên những con thuyền mỏng manh vượt biển Đông. Tự Do hay Chết là tâm niệm của thuyền nhân khi họ bước xuống con thuyền ra khơi, bất chấp tù đầy, bất chấp bão tố, bất chấp hải tặc.
– Nếu may mắn đến được bờ Tự Do, thuyền nhân còn phải trải nghiệm cuộc sống khổ cực và thời gian chờ đợi đằng đẵng ở trại tỵ nạn.
– Mặc dầu được các nước định cư mở rộng vòng tay đón nhận nhưng người tỵ nạn gặp rất nhiều gian khổ trong giai đọan khởi đầu cuộc sống mới trên đất lạ quê người. Tiến trình hòa nhập vào xã hội mới không dễ dàng gì đối với đại đa số người tỵ nạn. Ai cũng phải trải qua những khó khăn do bất đồng về ngôn ngữ, về phong tục, về văn hóa. Ai cũng day dứt về tình cố hương, về những kỷ niệm của cuộc sống trên quê cũ, về nỗi xa cách người ruột thịt. Nhưng dần dần hầu hết đã hội nhập vào mạch chính của xã hội mới.
– Con cháu người Việt tỵ nạn thành công trên nhiều địa hạt: giáo dục, thương mại, chính trường, binh nghiệp…. làm người tỵ nạn cảm thấy những gian truân và hiểm nguy mà họ đã trải qua được đền bù xứng đáng.
Kỷ niệm hơn 47 năm hành trình tìm tự do cũng là để suy nghiệm về những cái mất và cái được. Mỗi người trong chúng ta có cái mất khác nhau và cái được khác nhau, nhưng tất cả đều có chung một cái mất là mất quê hương bản xứ và được cái chung cao quý là TỰ DO.
– Tổng Thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt , trong diễn văn khai mạc nhiệm kỳ thứ 3 có nói:
“Chúng ta thà chết trên đôi bàn chân còn hơn sống trên hai đầu gối của mình”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét