Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2022

BẦU CỬ - CHÍNH TRỊ - ĐẠO ĐỨC

 

Đảng Dân chủ tiếp tục nắm quyền kiểm soát Thượng viện Hoa Kỳ, mang lại chiến thắng lớn cho Tổng thống Joe Biden và dập tắt hy vọng "làn sóng đỏ" của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ.
Tuy nhiên, Đảng Cộng hòa đang tiến gần tới việc giành quyền kiểm soát Hạ viện trong lúc việc kiểm phiếu đang tiếp tục.
thể mất vài ngày hoặc hơn mới có đủ kết quả các cuộc đua để xác định bên nào sẽ giành quyền kiểm soát Hạ viện 435 ghế. Tính đến cuối ngày thứ Bảy 12/11, Đảng Cộng hòa đã giành được 211 ghế, còn Đảng Dân chủ được 205 ghế. Cần phải giành được ít nhất 218 ghế để chiếm thế đa số tại Hạ viện.
Đảng Dân chủ sẽ kiểm soát Thượng viện, như họ đã làm trong hai năm qua, giữ 50 trong số 100 ghế của Thượng viện, trong khi Phó Tổng thống Kamala Harris giữ lá phiếu phá vỡ tình trạng bỏ phiếu hoà.
Nước Mỹ đã và đang ở trong mùa bầu cử giữa kỳ và người ta nói nhiều về chính trị. Vậy ta sẽ không đi sâu vào vấn đề nầy, nhưng muốn cho mọi người thấy một vài điểm tương đồng giữa đời sống Chính trị và đời sống Đạo đức và cả hai đều ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta mỗi ngày.Hiện tại chúng ta đang sống tại một nước dân chủ và tinh thần dân chủ đó được khẳng định trong bài diễn văn của vị tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ là Abraham Lincoln sau cuộc chiến. Theo bài diễn văn nầy, một chính quyền dân chủ thật sự là một chính quyền "của dân, do dân và vì dân". Có thể nói gọn lại là quyền nằm trong tay người dân hay "dân quyền". Vì vậy dân quyền và nhân quyền luôn song hành.
- Nhân quyền (Human rights), hay quyền con người là các quyền căn bản nhất, tự nhiên nhất của con người. Chúng là những quyền mà con người sinh ra đã có, đã được công nhận, không (và không nên) được trao cho hay ban tặng bởi bất kỳ lý tưởng chính trị, tôn giáo hay thể chế nhà nước nào; và cũng không thể bị tước đi bởi chúng.
Nhân quyền bao gồm: quyền sống, quyền được giáo dục, quyền được bảo vệ khỏi các hình thức tra tấn, quyền tự do biểu đạt, quyền được xét xử công bằng, v.v. Nhiều quyền trong số đó có bản chất dân quyền (civil rights), song được xem là cần thiết cho sự tồn tại của con người.
- Dân quyền (Civil rights), hay còn gọi là quyền công dân là những quyền mà một người được hưởng trên cơ sở là công dân của một quốc gia nhất định.
Dân quyền bảo vệ công dân khỏi sự phân biệt, đàn áp và trao cho họ một số quyền tự do nhất định, như tự do ngôn luận, quyền tham gia tố tụng đúng luật (due process), quyền được xét xử công bằng (fair trials), quyền không tự buộc tội (the right against self-incrimination),.v.v.. Hay rõ ràng có thể nghĩ đến quyền công dân được nhà nước mình bảo vệ.
Dân quyền có thể được xem là kết quả của sự thỏa thuận giữa nhà nước và cá nhân, trong mối quan hệ giữa nhà nước và công dân đó.
Trước khi có dân quyền, chúng ta có chế độ quân chủ hay vương quyền. Nhà vua của một nước có quyền tuyệt đối và người dân được hạnh phúc hay không tùy nơi vị "minh quân" hay "hôn quân". Lịch sử của nhiều nước xây dựng trên các chế độ vương quyền đó.
- Vua Trần Nhân Tông của Việt Nam… là một "Minh Quân", lấy đạo đức làm sự phấn đấu trọn đời, cho đến hơi thở cuối cùng trên trần thế.
̣- Lê Long Đĩnh (986 – 1009) là một "Hôn Quân", vị vua cuối cùng của nhà Tiền Lê trong lịch sử Việt Nam, nổi danh tàn ác, vô đạo đức suốt thời gian trị vì.
Nhưng trước khi có vương quyền chúng ta có các chế độ lãnh chúa hay bộ lạc tức là mỗi vùng, mỗi địa phương có những lãnh tụ khác nhau cai trị.
Nhiều người cho rằng theo đà tiến hóa của nhân loại, nhìn lại lịch sử để tìm hiểu, học hỏi và gạn lọc, chọn lựa là điều tốt.
- Ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử cùng với giá trị truyền thống, là những yếu tố căn bản để kết hợp chúng thành một khối: Đó là Dân tộc.
- Dân tộc, Lãnh thổ, Chính quyền tạo thành một Quốc Gia.
- Quốc Gia văn minh hay còn lạc hậu là tuỳ thuộc vào trình độ dân trí của người dân.
Có trình độ dân trí cao bên cạnh Dân quyền hay dân chủ là lý tưởng của con người hiện đại, chúng ta không phủ nhận điều đó, và dân quyền hay dân chủ nhấn mạnh đến phúc lợi của người dân. Bất cứ là chính quyền nào cũng phải đem lại phúc lợi đó thì mới xứng đáng được gọi là "của dân, do dân và vì dân".
Người sống trong sạch, liêm chính, yêu thương, trên thuận dưới hòa, kính trên nhường dưới, lúc nào cũng sẵn sàng giang rộng vòng tay giúp đỡ người chung quanh. Đất nước nào mà nhà lãnh đạo cũng như người dân đều như vậy thì mọi người được hạnh phúc.
Đạo đức là sự phân biệt ý định, quyết định và hành động giữa những điều được phân biệt là đúng sai, tốt xấu, phải trái.v.v...
Nước Mỹ là quốc gia chúng ta đang sống được thành lập với ý thức Đạo Đức qua Tôn giáo; Trong Bản Tuyên Ngôn Độc Lập, cha ông của họ nhắc đến "Tạo Hóa là Đấng ban cho con người quyền sống, tự do và đeo đuổi hạnh phúc". Trong lời tuyên thệ đọc mỗi lúc chào quốc kỳ, người ta nói đến một đất nước dưới quyền cai trị của Thiên Chúa (one nation under God). Trên mỗi đồng bạc chúng ta chi dùng đều có hàng chữ: "In God we trust" (Chúng tôi tin tưởng nơi Đức Chúa Trời). Mỗi lần tuyên thệ nhậm chức Tổng Thống đặt tay trên Thánh kinh. Ý thức về sự hiện diện và dẫn dắt của Đấng tối cao như vậy là điều rất tốt, nhưng có khi những điều đó chỉ còn trên giấy tờ, trên lý thuyết và đã hoàn toàn biến mất khỏi thực tế. Những tệ trạng và tội ác kinh khủng nhất ngày nay đang diễn ra trên quốc gia nầy chỉ vì một lý do duy nhất là người ta đã từ bỏ niềm tin, sống ngược lại với đạo đức, gạt sang một bên những đạo đức căn bản trong đời sống cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Chúng ta không ngạc nhiên khi những tệ trạng trong xã hội ngày càng gia tăng. Chính vì vậy mà những nhà lãnh đạo tinh thần, những người ý thức được vấn đề đã không ngừng kêu gọi mọi người quay lại với niềm tin tốt lành từ tín ngưỡng.
Từ năm 2015 đến nay, vào những thời gian bầu cử, chúng ta đã nghe nhiều bài diễn văn chính trị, nhiều lời hứa hẹn của các ứng viên, nhiều lập trường và chính kiến khác nhau, nhưng dù là ai, lập trường như thế nào, nếu những người đó xa lìa những nguyên tắc căn bản của đạo đức, chúng ta có thể tin chắc rằng họ sẽ là những người đưa đất nước nầy đến chỗ diệt vong. Hoa Kỳ là nước giàu mạnh, tiến bộ nhất trên thế giới, nước nầy có thể sẽ không sụp đổ vì văn minh tiến bộ nhưng sẽ sụp đổ vì đạo đức suy đồi, vì căn bản giá trị nhất của con người không còn. Dân chủ, dân quyền là điều tốt, nhưng khi nào con người trở thành trọng tâm của vũ trụ và đạo đức bị gạt sang một bên, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy họa diệt vong. Đây không phải là vấn đề chỉ liên quan đến chính trị hay nước Mỹ mà thôi nhưng liên quan đến đời sống mỗi chúng ta. Đạo Đức chẳng những cần thiết trên bình diện quốc gia nhưng cần thiết hơn nhiều trên bình diện cá nhân và gia đình. Một đời sống có đạo đức làm Chủ, là kim chỉ nam cần thiết cho cuộc sống, khi đó đời sống ắt sẽ hạnh phúc. Một gia đình có đạo đức và được coi trọng là một gia đình hạnh phúc.
Người ta nói nhiều đến chính sách thuế má, lương hướng, xã hội, y tế, v.v.. nhưng trên hết, nếu con người không chấp hành luật pháp đúng theo đạo đức, không tuân phục một cách rõ ràng, nghiêm túc thì cũng chẳng có chính sách hay đường lối cai trị nào có thể đem lại phúc lợi thật sự cho con người, một cách công bằng và chính đáng cả.
Gia đình, học đường và xã hội; Cả ba môi trường đã giáo dục về nhiều mặt, trên nển tảng căn bản của cuộc sống Đạo Đức, nên cần phải được áp dụng hôm nay từ mỗi cá nhân thì hạnh phúc thật sự mới có thể đến với chúng ta. Đạo đức rất quan trọng cho đời sống mỗi người. Đạo đức là một trong vài ba yếu tố chính phân biệt con người với con vật.
Chúng ta thấy một cường quốc hàng đầu như nước Mỹ, những vấn nạn của họ cũng là vấn đề đạo đức. Cuộc suy thoái kinh tế của Mỹ năm 2008, kéo theo sự suy thoái của cả thế giới, là do sự làm ăn phiêu lưu vô trách nhiệm của một số công ty tài chánh. Rồi sau đó, bắt đầu phục hồi thì sự "chơi xấu" lẫn nhau của hai đảng khiến thỏa hiệp chỉ được chấp nhận hai ngày trước khi chính phủ Mỹ hết ngân sách, khiến niềm tin vào sự vững chắc của nền kinh tế phải lao đao. Rồi đến tranh cãi trong hỗ trợ thất nghiệp. Người ta đã đặt lợi ích cá nhân và phe phái của mình lên trên lợi ích của quốc gia, của nhân dân Mỹ và của cả thế giới.
Từ riêng bối cảnh này, chúng ta có thể định nghĩa đạo đức là vượt qua được sự tham lam ích kỷ không hợp lý, sự tức giận thù ghét, sự ngoan cố, sự kiêu căng, sự ghen tỵ…
(Người có Trí mà thiếu Đức là vô nhân, người có Đức mà thiếu Trí là ông Bụt.)
Trong mọi lĩnh vực xã hội không ai đạt đến thành công, có uy tín, mà yếu kém về Trí Đức cả. Thế nên, đạo đức là cái mà chúng ta phải trau dồi trọn đời trên con đường tự hoàn thiện chính mình. Mục tiêu của xã hội chúng ta là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Suy nghĩ chín chắn, chúng ta thấy “giàu, mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” nếu không hoàn toàn là những khái niệm đạo đức thì cũng có phần lớn chất liệu là đạo đức.
Mọi điều ấy nói đến nhu cầu cơm áo và những nhu cầu khác của con người. Tìm kiếm công ăn việc làm nghĩa là đeo đuổi tìm kiếm thế nào để được như ý muốn trong lòng, để cho đời sống được thoải mái hơn. Luật pháp luôn tôn trọng dân quyền hay chủ quyền của chúng ta, để ý nhiều hơn về phúc lợi của chúng ta, biết rằng chúng ta không thể sống hạnh phúc nếu bỏ ra ngoài căn bản đạo đức và pháp luật./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét