Thôi rồi, biển Đông!
Đinh Đồng Phụng Việt
Đinh Đồng Phụng Việt, được biết nhiều hơn với tên Viet Dinh, Viet D. Dinh, hoặc ngắn gọn Đinh Việt.
Đến Hoa Kỳ tị nạn từ năm 1978, có bằng tiến sĩ luật của Đại học Harvard, năm 1993
Từng là Giám đốc Chương trình Nghiên cứu chính trị và pháp luật châu Á. Giám đốc Chương trình Hành chính doanh nghiệp và pháp luật.
Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống George W. Bush từ ngày 31 tháng 5 năm 2001 đến năm 2003. Ở cương vị này, ông phụ trách Cục Chính sách Pháp lý (Office of Legal Policy) của Bộ Tư pháp.Là tác giả đạo luật chống khủng bố PATRIOT Act sau sự kiện 11 tháng 9.
Hiện nay ông là giáo sư tại Đại học Georgetown, Phó chủ nhiệm khoa Luật tại trường này.
Từ 16 tháng 4 năm 2004 ông là thành viên Hội đồng Quản trị (Board of Directors) của tập đoàn News Corporation. Ngoài ra ông còn có khả năng được đề cử vào Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ
Mình tin, giàn khoan Hải dương 981 của Trung Quốc sẽ không cắm mũi khoan xuống bất kỳ chỗ nào ở lô 143 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Dẫu vậy, người Việt vẫn thua rất đậm. Với cảnh báo gây sự của Cục Hải sự Trung Quốc, có nhiều khả năng, chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông chỉ còn trên giấy, trong các tuyên bố…
Tuyên bố của Cục Hải sự Trung Quốc về việc đưa giàn khoan Hải dương 981 vào tìm dầu ở vị trí chỉ cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) chừng 220 cây số khiến người Việt sôi sùng sục.
Giống như nhiều lần trước, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối.
Trung Quốc đáp lại bằng việc tăng bán kính cấm tiếp cận khu vực Hải dương 981 hoạt động từ một hải lý thành ba hải lý.
Không có bằng chứng nào khắc họa rõ hơn cho bi kịch ra sức xiển dương “Tinh thần bốn tốt” (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt), “16 chữ vàng” (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai) mà Trung Quốc đề ra.
Mới đây, theo tường thuật của Thông tấn xã Việt Nam, anh Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam đã gọi điện thoại cho anh Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Trung Quốc về vụ giàn khoan Hải dương 981.
Anh Minh nhấn mạnh, Việt Nam không thể chấp nhận và kiên quyết phản đối chuyện đưa giàn khoan 981 vào thăm dò ở lô 143 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Anh Minh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải dương 981 và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực vừa kể. Anh Minh kêu gọi Trung Quốc cùng đàm phán để xử lý những bất đồng xung quanh vấn đề này.
Anh Minh khẳng định: “Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp phù hợp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình”. Đồng thời bày tỏ hi vọng Trung Quốc “không để vấn đề này tổn hại đến sự tin cậy chính trị và hợp tác giữa hai bên”.
Mình tin giàn khoan Hải dương 981 sẽ không làm gì ở lô 143 cả. Tuy nhiên chuyện đó không phải do công của anh Minh, cũng chẳng phải “ơn Đảng, ơn Nhà nước”, hay vì Trung Quốc không muốn làm “tổn hại đến sự tin cậy chính trị và hợp tác giữa hai bên” (nếu quả thật giữa Trung Quốc và Việt Nam có cái gọi là “sự tin cậy chính trị và hợp tác”).
Quan sát kỹ các diễn biến thời sự, hẳn ai cũng thấy Trung Quốc đang gia tăng nỗ lực ve vuốt, trấn an lân bang trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Mình tin Trung Quốc đủ khôn ngoan để hiểu rằng, bối cảnh khu vực và thế giới không có lợi cho việc thực hiện một hành động như đưa giàn khoan Hải dương 981 vào thăm dò dầu khí ở lô 143.
Thế thì Cục Hải sự của Trung Quốc phát cảnh báo gây sự nhằm làm gì?
Mình tin là nó có liên quan tới chuyện Việt Nam đề nghị giao thêm hai lô cho Công ty ONGC Videsh của Ấn Độ thăm dò dầu khí.
Cảnh báo gây sự của Cục Hải sự có tính chất như một thông điệp, gửi cho ONGC Videsh của Ấn Độ.
Ai cũng biết, thăm dò dầu khí rất tốn kém. Cũng vì vậy, các tập đoàn dầu khí trên thế giới không bao giờ bỏ tiền thăm dò – đeo đuổi kế hoạch hợp tác khai thác dầu khí ở những vùng bất ổn về chính trị, bởi điều này rất dễ dẫn tới tình trạng “xôi hỏng, bỏng không”.
Tiền của các tập đoàn dầu khí nước ngoài không giống như tiền của tập đoàn dâu khí Việt Nam. thành ra cách người ta xài cũng rất khác.
Để dễ hình dung về hiện trạng và tương lai biển Đông của người Việt, mời bạn tưởng tượng…
Mình được thừa kế một khoảnh đất bên hông nhà. Trong lòng của khoảnh đất đó có một mỏ vàng. Phía bên kia khoảnh đất là một gã hàng xóm tham lam và nham hiểm. Y muốn hưởng lợi lớn nhất từ khoảnh đất bên hông nhà mình nên bảo nó là của y. Cũng vì vậy mà khỏanh đất này rơi vào tình trạng “đang có tranh chấp về chủ quyền”.
Vì không đủ sức tự khai thác vàng, mặt khác muốn có ai đó thay mình đương đầu với gã hàng xóm mạnh hơn, mình đi tìm người, mời đến cùng khai thác. Đã có vài người đến xem nhưng sau đó họ lần lượt rút lui, vì nhận ra cả vốn đầu tư lẫn công sức của họ trong chuyện “hợp tác thăm dò, khai thác” có thể tiêu tán.
Một phần do gã hàng xóm hung hãn quá, y có thể sẽ liên tục quấy rối. Phần khác, mình nhu nhược, khó hiểu quá.
Thiên hạ, đặc biệt là những kẻ có tiền để “hợp tác khai thác vàng” không mù, cũng chẳng ngu.
Ai cũng dễ dàng nhận ra, trên khoảnh đất mà mình bảo là của mình, con cái mình không thể tự do chạy nhảy, chơi đùa. Chúng liên tục bị gã hàng xóm rượt đuổi, đánh đập, có đứa còn bị gã bắn bỏ. Là chủ và là cha song thỉnh thoảng mình mới phản đối cho con cái yên tâm, thiên hạ không chê cười, còn thường thì mình vẫn “bá vai, bá cổ” gã hàng xóm, thề thốt, hứa hẹn trước thiên hạ, rằng mình suốt đời sẽ là “láng giềng tốt, bạn bè tốt”, thậm chí là “đồng chí tốt, đối tác tốt” của y. Đôi khi do… say, mình cao hứng tuyên bố, mình và y đã, đang, sẽ còn dựa vào nhau, bởi giống nhau từ cung cách quản trị gia đình, đến suy nghĩ về ứng xử với thiên hạ!
Ai cũng dễ dàng nhận ra, thay vì phải đối đầu với gã hàng xóm tham lam, độc ác, bảo vệ di sản của tiền nhân, mình ở trong nhà, khuyến khích con cái chạy nhảy, chơi đùa trên mảnh đất “đang có tranh chấp” để thay mình chứng minh “quyền chủ quyền”, rồi tiếp tục đi tìm đối tác. Đứa nào bị gã hàng xóm rượt đuổi, đánh đập, bắt giữ, bắn bỏ là chuyện của… nó. Mình không bận tâm, trừ khi điều đó ảnh hưởng tới vai trò… chủ gia đình của mình!
Hợp tác với một người chủ, một người cha thuộc loại “xưa nay hiếm” như mình, thay mình đối đầu với một gã phàm phu như hàng xóm của mình, chấp nhận đứng giữa một mối quan hệ phức tạp như quan hệ giữa mình và gã hàng xóm thì không thể loại trừ khả năng ngay cả cái… lai quần cũng mất. Chả ai dại!
Trước sau, dẫu mình vẫn ra rả bảo với thiên hạ và con cái mình rằng, khoảnh đất bên hông nhà mình là của mình nhưng do mình như thế và gã hàng xóm của mình là lọai như vậy, khoảnh đất đó không sinh lợi.
Với một người chủ và một người cha như mình, sẽ có ngày, hoặc là mình chấp nhận cùng gã hàng xóm hợp tác khai thác vàng để khỏi đi móc bọc. Hoặc tệ hơn, gã hàng xóm sẽ mời những đối tác cũ của mình cùng gã hợp tác khai thác.
Một người cha, một người chủ như mình phỏng sẽ làm được gì cho rạng rỡ tổ tông, con cái hoan hỉ.
Để dễ liên hệ với câu chuyện mình vừa kể, mời bạn xem lại các diễn biến thực tế mà mình tạm thống kê một số sự kiện mà hẳn bạn đã biết. Thống kê này có thể chưa đầy đủ nhưng đó là lý do tại sao: Thôi rồi, biển Đông!
– 6/ 2007: Tập đoàn Dầu khí British Petroleum (BP) của Anh, tuyên bố tạm ngưng thăm dò tại lô 5.2 và 5.3 vì “áp lực từ tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc”. BP giải thích việc tạm ngưng thăm dò là “để cho các quốc gia có liên quan có cơ hội giải quyết vấn đề”.
BP có 55,5% cổ phần ở lô 5.2 và 75% cổ phần ở lô 5.3. Các đối tác khác trong Dự án Nam Côn Sơn là ConocoPhillips của Hoa Kỳ và PetroVietnam.
BP đầu tư vào Việt Nam từ năm 1989 để thăm dò sản xuất dầu khí, phân phối khí gas lỏng LPG và dầu nhờn.
– 7/2008: Trung Quốc khuyên tập đoàn Exxon Mobil của Mỹ nên rút ra khỏi những dự án khai thác dầu với Việt Nam, sau khi có tin Exxon Mobil hợp tác với Petro Vietnam thăm dò các lô 135, 136, khu vực Tư Chính – Vũng Mây của bồn trũng Nam Côn Sơn.
Exxon Mobil cho biết chưa ký thỏa thuận nào về việc thăm dò – khai thác dầu ở biển Đông, trừ việc cùng PetroVietnam lượng định kỹ thuật và thương mại cho một số địa điểm có triển vọng ở biển Đông.
Tuy không rút lui nhưng Exxon Mobil không làm gì thêm.
– 3/2009: BP của Anh chính thức tuyên bố rút khỏi dự án thăm dò dầu khí tại hai lô 5.2 và 5.3 ngoài khơi Việt Nam, sau gần hai năm tạm ngưng hợp tác thăm dò – khai thác.
– 5/2010: Việt Nam phải cử chiến hạm hộ tống tàu Aquila Expoler của Công ty thăm dò – khai thác dầu khí Neon Energy (Úc) khi tàu này tiến hành thăm dò địa chấn hai chiều ở lô 120 ngoài khơi Quảng Ngãi.
– 5/2011: ConocoPhillips – Tập đoàn Dầu khí lớn thứ ba tại Mỹ xác nhận kế hoạch bán cổ phần trong ba công trình khai thác dầu hỏa và khí đốt tự nhiên ở biển Đông.
Lúc đó, ConocoPhilips nắm giữ 23,3% cổ phần trong một cụm gồm 5 mỏ dầu thuộc lô 15-1, 36% cổ phần của mỏ Rạng Đông trong lô 15-2 tại khu vực bể Cửu Long. Trong năm 2009, sản lượng các mỏ dầu này đạt mức tương đương 32.000 thùng mỗi ngày. Ngoài ra, Conoco còn có 16,3% cổ phần trong đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn, công suất 700m3/ngày, nối liền bể Nam Côn Sơn với miền Nam Việt Nam.
– 6/2011: South China Morning loan báo, Trung Quốc liên tục đe dọa Idemitsu (Nhật), BP (Anh) và ExxonMobil (Mỹ) nếu các tập đoàn này không rút khỏi những dự án hợp tác thăm dò – khai thác dầu với Việt Nam.
– 10/2011: Trung Quốc cánh cáo “các công ty nước ngoài không tham gia thăm dò và khai thác dầu khí tại các vùng biển đang tranh chấp” sau khi ExxonMobil loan báo đã phát hiện ra dầu khí sau mũi khoan thứ hai trong lô 119 ngoài khơi Đà Nẵng.
– 06/2012: Tổng công ty Dầu khi Hải dương Trung Quốc (CNOOC) mời thầu 9 lô dầu khí ở biển Đông, cả 9 lô này đều nằm sát bờ biển miền Trung và miền Nam của Việt Nam.
– 2/2014: Lưu Khiêm – chuyên gia Viện Hàn lâm Chiến lược Năng lượng Trung Quốc thuộc Đại học Dầu khí Trung Quốc, tuyên bố do rất nhiều điểm tương đồng trong nhu cầu năng lượng, Ấn Độ và Trung Quốc cần phải hợp tác với nhau. Các hãng dầu khí Ấn Độ sẽ không thể hợp tác với Trung Quốc trong các dự án khai thác dầu hay đường ống dẫn khí nếu tiếp tục tham gia vào các dự án dầu khí với Việt Nam ở biển Đông.
– 2/2014: Lukoil – tập đoàn dầu khí lớn thứ hai của Nga tuyên bố rút khỏi dự án Hanoi Trough-02 (НТ-02), tại biển Đông. Lukoil mua 50% cổ phần trong dự án từ tháng 4 năm 2011. Ông Vagit Alekperov cho biết. Lukoil “phải rút khỏi dự án này” nhưng không cho biết lý do.
Cũng cần phải nhắc thêm để bạn… giận. Đó là tháng 3 năm 2009, sau khi ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, sang thăm Việt Nam và hai bên “nhất trí” lấy năm 2010 là “Năm Hữu nghị Việt – Trung”, nhằm kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai bên, BP chính thức thông báo ngưng hợp tác thăm dò – khai thác dầu khí trên biển Đông.
Trước đó, BP chỉ tạm ngưng hợp tác thăm dò – khai thác dầu khí trên biển Đông để chờ Việt Nam – Trung Quốc giải quyết tranh chấp chủ quyền. Họ chờ như thế gần hai năm và dứt hẳn khi quyết định chọn 2010 là “Năm Hữu nghị Việt – Trung” được công bố!
Tháng 11 năm ngoái, Việt Nam từng đề nghị giao cho ONGC Videsh của Ấn Độ năm lô để công ty này tổ chức thăm dò dầu khí ở biển Đông. Tuy nhiên, ONGC Videsh của Ấn Độ chỉ chọn một trong 5 lô mà Việt Nam đề nghị giao hồi năm ngoái và đang thẩm định hai lô mà Việt Nam mới đề nghị giao thêm.
Bảy lô mà Việt Nam giao cho ONGC Videsh của Ấn Độ là giao trực tiếp, không tổ chức đấu thầu theo thông lệ. Dưới gầm trời này chẳng lẽ chỉ còn ONGC Videsh của Ấn Độ đủ khả năng thăm dò, khai thác hay vì thiên hạ vẫy tay từ biệt hết rồi?
Đảng, Nhà nước nhận lo mọi chuyện. Cả mình và bạn đã nhiều lần tặc lưỡi, thôi thì… và bởi có rất nhiều người giống hệt chúng ta nên hậu quả phải là thế thôi! Tiên trách kỷ, hậu trách nhân!
Ngày hôm kia, nếu bạn hoan hỉ trước tin tàu của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đang chặn đường tiến của giàn khoan Hải dương 981 và những hộ tống hạm của Trung Quốc trên biển Đông, ngày hôm qua nếu bạn hả hê trước viễn cảnh mà mấy ông tướng nghỉ hưu vạch ra, đó là tịch thu giàn khoan này thì cứ hoan hỉ, hả hê. Loại doping này không mất tiền mua mà tác dụng lại lớn.
Nếu thấy chưa đã, bạn cũng có thể tuyên bố “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình được xác định phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982”. Thậm chí bạn có thể gào lên “không thể chấp nhận và kiên quyết phản đối”, có thể thề “sẽ áp dụng mọi biện pháp phù hợp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình”.
Song ráng nhớ là chỉ có thể đứng trong bờ để ti toe thôi. Biển Đông? Xong rồi !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét