Làng A Di Đà
Vùng phụ cận Houston , tiểu bang Texas , tại 12081 Doty Dr , thành phố Conroe , có một làng cư dân Phật tử có tên là A Di Đà. Từ Houston đi hướng I-45 North, chúng ta sẽ đến được làng A Di Đà; chạy ngược ra lại I-45 North ta có thể tiếp tục đi về thành phố Dallas , TX .
Làng A Di Đà nằm trong một khuôn viên trên một ngọn đồi rộng hơn 40 hecta là một khu rừng, hẻo lánh, hoang vu. Con đường dốc đi lên đến làng ngoằn ngoèo, không khó đi, còn hoang dã với vẻ thiên nhiên, chưa được thơ mộng lắm. Khung cảnh tại đây vắng lặng, tĩnh mịch thích hợp cho những người lớn tuổi hoặc muốn xa lánh bụi trần.
Làng mới được xây dựng từ vài năm trước, hiện vẫn đang được tiếp tục xây dựng thêm nhiều hạng mục kiến trúc khác nữa, cho nên từ Doty Dr. vào đến làng A Di Đà, đường đi nhỏ hẹp, chưa được tráng nhựa, vừa đủ một lane đường cho xe chạy. Làng A Di Đà được gọi là làng vì ở đây có đến một trăm ngôi nhà nhỏ di động (trailer), được đặt trong từng khuôn viên một, nhìn có vẻ khang trang, gọn gàng. Để có một ngôi nhà di động trong làng, một sở hữu chủ chỉ trả chi phí cho miếng đất đặt trailer, còn các chi phí khác như điện, nước hàng tháng chỉ trả một khoản nhỏ như là tượng trưng. Cư dân ở đây có người theo tín ngưỡng Phật giáo, cũng có người theo tín ngưỡng Công giáo.
Trong làng A Di Đà đó có nhiều kiến trúc nhỏ được xây dựng tập trung trong vài hécta đất. Các kiến trúc ở đây không nguy nga, tráng lệ; chủ yếu dùng vật liệu gỗ để xây dựng, nhưng nhìn có mỹ thuật và tỉ mỉ trong từng đường nét kiến trúc. Kiến trúc lớn nhất trong làng A Di Đà phải nói đến ngôi chùa Tầm Nguyên II. Tên Tầm Nguyên đặt cho chùa là được gợi ý từ nghĩa của bốn chữ “Bổn Tánh Hoàn Nguyên”. Chánh điện có đặt một tượng Đức Thích Ca thật lớn, bên dưới là tượng của Đại Tam Thánh.
Đặc biệt không giống như các chùa, trong chùa Tầm Nguyên II không cho đặt thùng công đức, vì theo thầy trụ trì thì sự đóng góp của các Phật tử đã đủ để chùa xây dựng và sinh hoạt nên không nhất thiết phải quyên góp. Ngoài những lễ chính hàng ngày, chùa Tầm Nguyên II là nơi các Phật tử từ các nơi xa, gần về tu tập, gieo duyên, có Phật tử ở Canada, Úc Châu, Âu Châu và năm mươi tiểu bang của Hoa Kỳ cũng về đây dự khoá học.
Thường lệ thì mỗi tháng có hai khoá tu tập. Chùa có một trai phòng lớn xây bên cạnh, tiếp được hai trăm thực khách; những cư dân ở trong làng A Di Đà mỗi ngày có thể đến trai phòng của chùa Tầm Nguyên II dùng hai bữa cơm chay miễn phí.
Thượng Toạ (TT) Thích Thông Lai, cho biết, ngoài chùa Tầm Nguyên II này, còn có các chùa Tầm Nguyên I là Tổ Đình ở Washington State, chùa Tầm Nguyên III và Làng A Di Đà II ở Indio CA, chùa Tầm Nguyên V ở Vallejo CA. Phật tử ở các chùa lên đến hơn ba ngàn người. Các chùa Tầm Nguyên do thầy Thích Thông Lai trụ trì và hướng dẫn phật tử tu theo Pháp Môn Tịnh Độ, qui tắc tu học của chùa Tầm Nguyên là thực hành theo mười điều trong “Lời Khai Thị Của Ấn Quang Đại Sư”. Các ngôi chùa do Thầy Thích Thông Lai và Phật tử xây dựng, đều không thuộc hệ thống tổ chức của Giáo Hội Phật Giáo nào cũng như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại hải ngoại.
Một kiến trúc khác nữa rất đẹp là tượng đài “Tổ Quốc Ghi Ơn”, được xây bằng đá granite đen nổi bật bốn chữ “Tổ Quốc Ghi Ơn” màu trắng, ngay phía sau đài được dựng 26 lá cờ của 26 đơn vị quân đội của Việt Nam Cộng Hoà (VNCH). Lễ đặt viên đá đầu tiên để xây dựng tượng đài vào ngày 2 tháng 2 năm 2014 dưới sự chủ trì và đại diện là Thượng Toạ Thích Thông Lai, cựu Thiếu Tá VNCH Trương Văn Cao, cựu Trung Uý VNCH Lê Văn Thọ, cựu chuyên viên điện lạnh Cục Quân Nhu VNCH Nguyễn Kim Như, cựu Tỉnh Đoàn Trưởng Xây Dựng Nông Thôn VNCH Lê Minh Giang. Nhiều người đến đây thường thích chụp hình dưới chân đài tưởng niệm, vì phía trước đài có hồ phun nước nhỏ, chung quanh trồng cây cảnh, được chăm sóc thường xuyên nên cảnh quan khá bắt mắt khách vãng lai.
Tượng đài “Tổ Quốc Ghi Ơn” có thể được coi như là trung tâm của một quần thể kiến trúc các tượng đài nhỏ, bởi vì bên phải tượng đài được xây một ngôi đền nhỏ tưởng niệm chiến sĩ “Vị Quốc Vong Thân”; bên trái là tượng đài thuyền nhân và tượng đài Đức Quán Thế Âm Bồ Tát cùng tượng đài Đức Mẹ La Vang Việt Nam; phía sau là tượng đài Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát.
Bên trong Đền Tưởng Niệm “Vị Quốc Vong Thân” có thờ 57 vị anh hùng đã tuẩn tiết và các vị anh hùng vô danh của Quân lực VNCH đã sống oanh liệt, chết lưu danh vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 đen tối như Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Thiếu Tướng Lê Văn Hưng, Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ, Đại tá Hồ Ngọc Cẩn, Thiếu Tá Nguyễn Văn Long,… cũng như biểu tượng vinh danh các người lính Hoa Kỳ đã tử trận tại VN. Một khác biệt nữa là được thờ phụng tại đây còn có di ảnh của cố Đức ông Trần Văn Hoài và cố Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền. Cố Đức ông Trần Văn Hoài người phục vụ tại Toà Thánh Vatican trong nhiều năm, là người có công vận động Liên Hiệp Quốc đón nhận thuyền nhân VN đến các nước; Cố Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền, địa phận Huế, là người đã bị nhà cầm quyền cộng sản VN giam giữ mười mấy năm trời trong trại tù cải tạo và đã chết sau khi được trả về.
Tượng đài thuyền nhân là hai con thuyền bằng gỗ với những hình tượng thuyền nhân bên trên. Đây là những con thuyền mà thuyền nhân VN dùng để vượt biển đào thoát khỏi chế độ cộng sản tại VN. Theo số liệu của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, trong khoảng thời gian 1975-1995 đã có 849.228 người vượt biên bằng đường biển và đường bộ.
Một số thuyền nhân được các tàu nước ngoài cứu vớt; một số khác đến được các đảo của các nước lận cận VN; một số bị thiệt mạng trên biển, rất nhiều người bị hải tặc cướp bóc, hãm hiếp trước khi được cứu. Hiện nay chưa có một con số thống kê chính thức về số thuyền nhân bị chết trên biển. Tại một số nước có những tượng đài được dựng lên để tưởng nhớ đến những thuyền nhân VN bị thiệt mạng trong các cuộc vượt biên; tượng đài thuyền nhân ở làng A Di Đà cũng là một điển hình trong các tượng đài đó.
Sự nguy hiểm, đau xót trên con đường vượt biên bằng đường biển của người VN là không kể xiết; vì thế sau này có nhiều câu chuyện kể về chuyến vượt biển của những con người đứng trước chín phần chết một phần sống, trong cái chết họ chỉ biết cầu nguyện Đức Quán Thế Âm Bồ Tát hoặc Đức Mẹ Maria; rồi thì có những sự hiển linh và họ đã được cứu sống. Cho nên thầy Thích Thông Lai đã cho xây dựng tượng đài Đức Quán Thế Âm Bồ Tát và Đức Mẹ La Vang VN ở hai bên tượng đài thuyền nhân, để cư dân trong làng của cả hai tôn giáo này có thể đến cầu nguyện bất cứ lúc nào.
Phía trước, hai bên tượng đài Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát được dựng hai ngôi miếu nhỏ xíu nằm trên hai cây cột như hai ngôi chùa một cột; miếu bên trái thờ các thai nhi chết khi còn nằm trong bụng mẹ hoặc vừa mới được sinh ra, miếu bên phải thờ các vong linh của các “Đồng Bào Tử Nạn Trên Đường Vượt Biên", với mục đích làm nơi cầu siêu và tưởng niệm bất vụ lợi hàng năm cho các đồng bào bất hạnh đã mất tích hay tử nạn trên đường vượt biên tìm tự do.
Trong mỗi miếu nhỏ này có đặt hình tượng của các thai nhi và các thuyền nhân bằng pha-lê lấp lánh trong ánh sáng của ngọn đèn led nhỏ. Một vài cư dân trong làng A Di Đà có kể lại rằng thỉnh thoảng vào những đêm hôm khuya khoắt, họ bắt gặp nhưng vong hồn lặng lẽ của các sinh linh đã chết này xuất hiện trước các miếu thờ (!).
Ngoài các kiến trúc chính trên, còn phải kể đến các kiến trúc khác như gác chuông đồng rất lớn bên cạnh tượng đài Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát; Nhà Vãng Sanh nơi thực hiện tang lễ cho người đã khuất; cuối cùng là nhà thờ Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, bên trong có một “cỗ thọ đường” dùng để cho một người còn sinh thời muốn được trải nghiệm qua một lễ tang của mình như thế nào.
Chính vì những kiến trúc được xây dựng theo mục đích thờ tự không giống như các chùa Phật giáo chính thống, nên đã tạo ra nhiều tò mò cho nhiều du khách đến dâng hương và thưởng ngoạn. Theo thầy trụ trì thì các công trình kiến trúc cần thiết khác vẫn còn đang được tiếp tục lên kế hoạch xây dựng. Đây là sự phát tâm rộng lớn của các Phật tử gần xa, hy vọng khu làng A Di Đà sẽ sớm được hoàn thành để làm nơi tương trợ tu tập cho các tăng ni và Phật tử, và nơi chăm sóc và trợ niệm cho các Phật tử trong giây phút cuối cùng được dễ dàng vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.
Có hai nhận xét trái chiều về cách hành xử tôn giáo trong ngôi làng A Di Đà, có người không thích vì họ cho rằng chùa nơi đây không phải là ngôi chùa thờ Phật theo đúng nghĩa, nghi lễ cúng lễ của chùa chưa phù hợp với Phật giáo. Nhưng cũng có người tán thành việc hoà đồng tôn giáo của thầy trụ trì Thích Thông Lai.
Nếu có ai đó lần đầu gặp TT Thích Thông Lai, đều có vẻ e dè trước cách nói chuyện và ánh mắt nhìn như một “hảo hán Lương Sơn Bạt” của TT. Thầy Thích Thông Lai sinh năm 1952, trước đây là sĩ quan Tuyên Uý trong Quân lực VNCH, hiện nay tuy vẫn là một nhà tu hành, nhưng TT Thích Thông Lai vẫn nhận định rằng chế độ cộng sản là ác nghiệt với dân chúng, với chúng sinh, không phù hợp với sự từ bi của Phật giáo, cho nên quan điểm của TT là cho dù không thể tu thành đấng A La Hán, đấng Bồ Tát, hoặc có tái sinh một kiếp nhân trần khác TT cũng không chấp nhận chế độ này trong cõi ta bà. Trong những trải lòng của mình về quan điểm chống cộng, TT Thích Thông Lai vẫn thường tự an ủi mình bằng những câu chuyện về cuộc đời Phật Hoàng Trần Nhân Tông:
Cư trầnlạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Dịch:
Sống giữa phàm trần,hãy tùy duyên mà vui với đạo
Đói thì ăn, mệt thì ngủ.
(Trần Nhân Tông)
That la hanh phuc khi duoc song tai noi day.
Trả lờiXóaKing chuc anh chi em luon duoc nhieu suc shoe.
Xin chào các thầy, Sau nhiều năm làm việc cho VOA, Washington DC giở tôi đã retired. Tôi xin phép hỏi nếu tôi muốn sống trong làng A Di Đà, thì tôi phải làm sao? Thành thật cám ơn quý ngài. "ngthao02@yahoo.com"
Trả lờiXóa