Hungary
Republic of Hungary
Europe
Geography
Area: 93,030 sq km
A landlocked, central European state on the River Danube.
Population: 9,973,141
Từ trung tuần tháng 12/2015, chính phủ Hungary đã đưa ra một chính sách mới nhằm khích lệ và hỗ trợ cho các gia đình có đông con, từ ba con trở lên. Chính sách này được thủ tướng Viktor Orban xem như là một ưu tiên tuyệt đối từ đây cho đến kỳ bầu cử quốc hội năm 2018.
Báo chí Pháp cho rằng ngay từ đầu cuộc khủng hoảng người tị nạn, mà theo chính sách bảo thủ được tiến hành từ năm 2010 của chính phủ hiện nay dường như cũng nhằm đối phó với đường lối phân phối người tị nạn do Liên Hiệp Châu Âu đề xuất .
Người dân có được hàng chục triệu bằng cách sinh nhiều con
Mang tên Trợ cấp Xây dựng mái ấm Gia đình, viết tắt là CSOK (đồng âm với từ “nụ hôn” trong tiếng Hung), đây có lẽ là đề tài xã hội được người dân Hung quan tâm nhất trong mấy tháng nay, đặc biệt là trong những ngày này, khi chính phủ đã hợp thức hóa sự hỗ trợ này trong thực tế bằng việc liên tục điều chỉnh các luật định có liên quan.
Đó là một trong những nhan đề thường thấy trên báo chí Hung, hoặc trong trao đổi trên các mạng xã hội, diễn đàn Internet về hình thức trợ cấp mới này. Nói một cách ngắn gọn, gia đình nào sinh từ ba con trở lên, khi mua nhà sẽ được Nhà nước “tặng” 10 triệu Forint (Ft), và cho vay với phân lời ưu đãi (dưới 3% hàng năm) trong vòng 25 năm, được thêm 10 triệu Ft nữa.
Ngoài ra, để giảm phần nào thuế khóa cho các cặp vợ chồng khi mùa nhà, bắt đầu từ năm nay, thuế giá trị gia tăng đối với những căn nhà mới có diện tích lớn, khi chuyển giao sẽ được giảm từ 27% xuống còn 5%. Nếu tự xây, các gia đình cũng có thể yêu cầu nhận lại một phần khoản thuế giá trị gia tăng này, tối đa là 5 triệu Ft theo những quy định mới.
Trong chiến dịch tuyên truyền của chính quyền, chính sách hỗ trợ sinh nở mới này đơn thuần được hiểu như thể các gia đình có từ ba con trở lên sẽ được ủng hộ 25 triệu Ft (tức là hơn 83 ngàn Euro), tuy rằng trong đó chỉ có 10 triệu Ft (hơn 33 ngàn Euro) là tiền “cầm tay”. Dầu vậy, đây cũng là một khoản tiền rất lớn đối với thường dân Hung.
Đáng lưu ý ở đây là sự hỗ trợ này không chỉ dành cho những gia đình đã có ba con, mà nó được áp dụng nói chung với cả những gia đình cam kết rằng trong vòng 10 năm sẽ sinh nở ba con. Trong trường hợp không thực hiện được cam kết này, họ sẽ phải trả lại khoản hỗ trợ, nhưng cụ thể như thế nào, với những điều kiện ra sao, thì vẫn đang bàn bạc.
Đương nhiên, muốn tham gia chương trình CSOK - và tận dụng triệt để những ưu đãi của chính phủ, cần hội đủ một số điều kiện khác nữa, mà một trong những điều kiện tiên quyết là cặp vợ chồng phải dưới 40 tuổi. Dầu sao, đây cũng là một trong những chính sách rất được quan tâm của nội các cánh hữu của Hung, và là đề tài “chuyền miệng” của nhiều gia đình.
Nếu chỉ nhắc tới khoản tiền “cầm tay” do Nhà nước tặng - hơn 33 ngàn Euro - khi có đứa con thứ ba, thì đây cũng là khoàn tiền lớn, có thể bằng thu nhập trung bình của một người lao động bình thường trong một năm. Trong khi đó, Hungary là một nước nghèo ở Châu Âu. Câu hỏi đặt ra là lý do gì khiến chính phủ Hungary ra một quyết định “táo bạo” như vậy?
Liên minh cầm quyền của Hungary theo xu hướng Dân chủ Thiên Chúa giáo, nên một trong những phương hướng phát triển mà họ luôn quảng bá, là hỗ trợ các gia đình sinh con đẻ cái, tạo dựng cơ hội để người dân có mái ấm gia đình, công ăn việc làm, v.v... Đây là một phần đáng kể trong khẩu hiệu “Những cải cách của Hungary thực sự hiệu quả” của chính quyền.
Bên cạnh đó, giới lãnh đạo cánh hữu của Hungary - kể cả các nhân vật thượng đỉnh như Chủ tịch Quốc hội và một số quan chức cao cấp khác - trong các phát biểu thường hay nhấn mạnh thiên chức sinh con đẻ cái của người phụ nữ - cho rằng đó là nhiệm vụ đẹp đẽ và cao cả hàng đầu của phái đẹp - bất chấp việc công luận có thể coi đó là sự phân biệt đối xử.
Vì vậy, chính sách hỗ trợ sinh đẻ mới này được coi là một quyết định lớn theo chiều hướng giúp đỡ các gia đình, và là một bước tiến mới trong việc thu hút sự ủng hộ của cử tri cho liên minh
cánh hữu, thời gian gần đây gặp nhiều bê bối trong nội bộ. Tuy nhiên, về lâu dài, nó là kế sách để cân bằng phần nào sự suy giảm dân số đã kéo dài từ nhiều năm nay tại Hungary.
Trong khi, quốc gia ở vùng Trung Âu này nổi tiếng là khắt khe trong việc nhận người di cư nói chung, và tỵ nạn nói riêng. Hàng năm, Hungary chỉ nhận vài trăm người tỵ nạn, tỷ lệ người tỵ nạn ở Hung được coi là thấp nhất trong toàn Liên Âu. Trong làn sóng tỵ nạn năm ngoái, gần 400 ngàn người luân chuyển ở Hungary, nhưng con số ở lại xin tỵ nạn cũng chỉ vài trăm.
Thảm họa dân số
Đi vào cụ thể, đầu thế kỷ 20, Vương quốc Hungary có chừng 19 triệu dân, và là nước đông dân số nhất trong Nền quân chủ Áo - Hung. Năm 1920, do bị mất hai phần ba diện tích lãnh thổ do Hiệp ước hòa bình Trianon, Hungary chỉ còn lại chưa đầy 8 triệu dân. Trong vòng 40 năm sau, do chiến tranh và loạn lạc, dân số Hung chỉ tăng thêm gần 2 triệu người (gần 10 triệu).
Năm 1960 được coi là một năm “bản lề” xét trên góc độ dân số, vì tính từ đó cho đến nay, trong vòng 55 năm, dân số Hung gần như “dậm chân tại chỗ” ở mức trên dưới 10 triệu người. Đặc biệt, từ năm 1981 tới nay, dân số Hung hoàn toàn đi xuống, và tới năm 2011 thì về lại trạng thái trước đó 50 năm. Dân Hung ít sinh nở, tỷ lệ người cao tuổi tăng, số người lao động ít.
Thống kê những năm gần đây cho thấy, chỉ chừng một phần ba dân số Hung là lao động đóng thuế, nghĩa là một người lao động phải lo cho mình và hai người khác. Hệ thống bảo hiểm xã hội - bảo hiểm sức khỏe và hưu trí - của Hungary hoạt động rất ọp ẹp, và hoàn toàn có khả năng sụp đổ nếu tình trạng sinh nở của dân Hung trong những thập niên tới vẫn không thay đổi.
Thêm vào đó, việc đóng cửa trước di dân nước ngoài càng khiến Hungary phải đứng trước một thảm họa dân số, như nhận định của giới chuyên môn cho thấy. Theo một tính toán vào mùa hè năm ngoái, nếu không tiếp nhận di dân, tới năm 2080, dân số Hung sẽ giảm gần 30% so với hiện tại, tức là chỉ còn chưa tới 7 triệu người, bằng con số cư dân của... 160 năm trước đó.
Về mặt xã hội và văn hóa, việc thuyên giảm dân số ở mức đáng kể như vậy sẽ ảnh hưởng tới sắc thái, nền văn hóa và ngôn ngữ Hungary. Bên cạnh đó, về mặt kinh tế và tài chính, chính quyền Hungary sẽ gặp vấn nạn về sự chi trả các khoản nợ quốc gia, cũng như sẽ không biết phải xoay xở ra sao, với hệ thống bảo hiểm, hưu trí cho người ở độ tuổi hưu.
Chính sách mới liệu có hiệu quả?
Các nghiên cứu xã hội học và kinh tế cho rằng, về mặt ngắn hạn, khuyến khích nhập cư (ví dụ cho phép đa quốc tịch) có thể giải quyết một phần khía cạnh tài chính của vấn đề. Tuy nhiên, mặc dù Hungary đã nới rộng luật định cho vài triệu người gốc Hung ở nước ngoài có thể dễ dàng nhập tịch, nhưng con số di cư sang Hung sinh sống không tăng ở mức đáng kể.
Đối với người tỵ nạn, từ hơn một năm nay chính quyền Hung bảo thủ quan điểm cho rằng họ là những thành phần hủy hoại nền văn hóa và sắc thái Hung, gây bất ổn cho an ninh Hung và cướp công ăn việc làm của người Hung, nên việc Hung tiếp nhận họ là điều bất khả thi. Còn lại khả năng khích lệ và hỗ trợ sinh nở, cho dù giới nghiên cứu, tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của nó.
Bởi lẽ, những công trình mới đây cho thấy, việc dùng những biện pháp tài chính để thúc đẩy sinh nở chỉ khiến số trẻ em được chào đời tăng ở mức ít ỏi, hơn nữa, sự tác động kiểu ấy phải rất lâu mới đạt được ảnh hưởng như ý. Thăm dò cư dân Hung về sự hưởng ứng của họ đối với chương trình CSOK này, nhiều người cho rằng nó không được hữu hiệu như mới thoạt tưởng.
Bởi lẽ, những ai không muốn sinh con, thì cũng ít khả năng là do được một khoản tiền lớn mà họ sẽ sinh nở. Thêm một đứa con là thay đổi hẳn cuộc sống, sự nghiệp và công việc của một cặp vợ chồng, và dù thiếu thốn đi nữa, thì vấn đề sinh nở nhìn chung không hẳn là chuyện tài chính, mà còn liên quan tới nhiều yếu tố xã hội khác như nuôi dạy trẻ, giáo dục, y tế, v.v...
Chừng nào những dịch vụ công thiết yếu như giáo dục và y tế ở Hung còn gặp nhiều khó khăn và bất cập như hiện tại, chừng nào một tỷ lệ lớn giới trẻ - và nói chung những ai ở độ tuổi lao động - đều muốn ra nước ngoài làm việc (Hung hiện tại có vài trăm ngàn người làm việc ở Tây Âu), thì khi đó “cảm hứng sinh nở” vẫn còn khó khăn, cho dù đã được Nhà nước tạo điều kiện...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét