Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

NGƯỜI VIỆT THA HƯƠNG TRONG CUỘC SỐNG MỚI

     

Người Vit tha hương trong cuc sng mi

 Sau 39 năm ở hải ngoại, cộng đồng người Việt tị nạn tại Mỹ hiện nay có khoảng gần 2 triệu người, chiếm gần một nửa tổng số hơn 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm ăn, học tập tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ tư trong số các cộng đồng gốc Á tại Mỹ, sau cộng đồng người Hoa, Ấn Độ và Philippines.

Cộng đồng người Việt hình thành chủ yếu từ sau năm 1975, đến nay nhìn chung đều có cuộc sống tương đối ổn định và hòa nhập vào xã hội địa phương. Người Việt gặt hái thành quả đáng kể nhưng so với vài cộng đồng Á Đông khác thì vẫn còn thua sút trong một số lĩnh vực. Ở Mỹ, người Việt phải phấn đấu về nhiều mặt xã hội cũng như đối phó với tâm lý nhà tan cửa nát, gia đình phân ly sau chiến tranh. Theo số liệu của Cục Kiểm Kê Dân Số thì 6 sắc dân Á Đông lớn nhất ở Mỹ gồm: Trung Hoa, Phi, Ấn Độ, Việt Nam, Đại Hàn, và Nhật Bổn. Mỗi sắc dân có những đặc điểm riêng đối với đời sống ở Mỹ.

Trong 6 quốc gia Á Đông này chỉ duy nhất có người Việt là đến Mỹ theo quy chế tỵ nạn và xếp hạng tư về dân số trong khi các sắc dân Á Đông khác đến Mỹ vì lý do kinh tế. Người Nhật đứng đầu về 73% dân số sinh trưởng tại Mỹ nhưng người Việt lại có dân số nhập tịch cao nhất với 80% dân số chọn vào quốc tịch Mỹ.

 Giáo Dục

Người Ấn Độ đứng đầu về dân số có trình độ học thức và lợi tức cao với 70% dân số có bằng cấp cử nhân trong khi người Việt đứng chót với khoảng 25%. Ở cấp Trung học người Việt có tỷ lệ tốt nghiệp tương đối cao (70%) và ở các nơi có đông người Việt sinh sống thì thủ khoa tốt nghiệp trung học thường là người Việt Nam. Tỷ lệ trung bình của người Mỹ tốt nghiệp với bằng cao học chuyên nghành như y, luật, dược, v.v. là 10.3% trong khi người Việt chỉ có 6.7%. Dù sao người Việt cũng được xem là sắc dân mới định cư ở Mỹ nên trình độ Anh ngữ cũng thua kém các sắc dân Á Đông khác với tỷ lệ 51.5% không thành thạo tiếng Anh.

 Kinh Tế

Dù được coi là hòa nhập, thành đạt nhanh ở Mỹ và phương Tây, nhưng tiềm lực kinh tế của cộng đồng người Việt còn hạn chế, thu nhập nhìn chung còn thấp so với thu nhập của các cộng đồng khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật. Có những ngành nghề đã gắn liền với vài sắc dân thiểu số ví dụ người Cam Bốt thì làm nghề donut, người Hoa mở nhà hàng, người Ấn quản lý khách sạn bình dân (motel), cây xăng, người Đại Hạn làm tiệm giặt ủi và bán quần áo thời trang, còn người Việt thì hầu như độc quyền về nghề nails và 2/3 công việc ngư nghiệp ở vùng Vịnh Mexico cũng do người Việt làm.

Ở các ngành nghề hái ra tiền như quản lý và kinh doanh, người Việt chỉ chiếm một tỉ lệ khiêm tốn (29.2%). Người Hàn Quốc xếp ở vị trí thứ năm nhưng có tỷ lệ cao gần gấp rưỡi người Việt (43%). Trong lĩnh vực này, người Ấn Độ chiếm tỉ lệ cao nhất (60.6%), kế đến là người Hoa (52%). Ngược lại, trong những lĩnh vực ít đòi hỏi chuyên môn và trình độ như dịch vụ, trồng trọt chăn nuôi, xây dựng thì người Việt luôn chiếm tỉ lệ cao nhất. Tương quan này thể hiện rõ nhất trong các ngành sản xuất và vận tải nguyên vật liệu. Có đến 21% người Việt làm việc trong lĩnh vực này, tiếp theo là Hàn Quốc (10.4%) và Philippines (10%). Hai yếu tố ảnh hưởng lớn đến nghề nghiệp là trình độ học vấn và ngoại ngữ.

Kết quả khảo sát cho thấy thực tế trình độ học vấn và tiếng Anh của người VN thấp hơn năm cộng đồng gốc Á còn lại, đó là lý do vì sao người Việt tại Mỹ ít tìm được việc làm trong những ngành nghề có thu nhập cao. Cũng theo phân tích của các nhà kinh tế học thì người Á Đông định cư ở Mỹ lại chọn nghề kinh doanh và mở tiệm buôn bán một phần là vì trở ngại ngôn ngữ, phần khác là họ có thể dựa vào gia đình để giúp làm công với tiền thù lao thấp, kiểu lấy công làm lời, và có thể vay mượn bà con hoặc người thân để có vốn làm ăn. Tài liệu nghiên cứu cũng cho thấy hình thức kinh doanh này mang đến lợi nhuận tương đối thấp hàng năm và tiền lời có được là do chủ nhân thuê mướn ít công nhân hoặc phải tự làm việc đến 18 tiếng một ngày, vì thế tỷ lệ thất bại cũng cao.

So sánh về mức lợi tức thì người Việt đứng chót (chỉ hơn người Hmong và Cam Bốt), nguyên nhân này cũng dễ hiểu là vì với tư cách tỵ nạn nhiều người Việt đã đến Mỹ với hai bàn tay trắng, không vốn liếng về tiền bạc cũng như ngôn ngữ mà phải bươn chải và tự mình vực dậy. Tuy nhiên số liệu này có thể đáng nghi vì có nhiều người Việt làm tiền mặt nên không khai lợi tức chính xác, điển hình là tỷ lệ sở hữu nhà đất của người Việt ở Mỹ là 65%, nếu được liệt kê vào hạng lợi tức thấp thì làm sao có tỷ lệ mua nhà cao như vậy? Ngoài ra người Việt (58%) lại gởi tiền về nước nhiều nhất.

 Văn Hóa/Gia Đình

Người Nhật có tỷ lệ hôn nhân với người nước ngoài cao nhất, trong khi người Việt thì kề chót, và người Ấn Độ thì ít có chấp nhận hôn nhân với người khác chủng tộc. Tỷ lệ ly dị của người Việt là 6% so với tỷ lệ trung bình ở Mỹ là 11%. Người Việt cũng là sắc dân nói ngôn ngữ mẹ đẻ ở nhà nhiều nhất.

Tình hình từ năm 2004 đến nay có nhiều thay đổi. Xu hướng chung đi lên đối với mọi cộng đồng Á Đông và nếu nhìn vào tỷ lệ sinh con (16.2%) và tỷ lệ vị thành niên (24.8%) của người Việt là cao nhất so với các sắc dân châu Á khác. Sau 39 năm cộng đồng người Việt Hải Ngoại vẫn tích cực theo đuổi giấc mơ Mỹ và gây dựng cơ nghiệp dần dần. Tuy nhiên một số nghiên cứu gần đây cho thấy số người Việt nghèo còn rất cao, học vấn thấp, số người thất nghiệp trẻ gia tăng, thu nhập gia đình vẫn kém hơn mức trung bình của cả nước Mỹ ./.


                       

                                                 
Tên nướcDân số theo ước tính của Bộ Ngoại giao

Mỹ2.200.000
Pháp300.000
Úc300.000
Canada250.000
Đài Loan200.000
Campuchia156.000
Thái Lan100.000
Malaysia100.000
Hàn Quốc100.000
Nhật80.000
Nga60.000
Cộng hòa Séc60.000
Anh40.000
Lào30.000
Ba Lan20.000
Na Uy19.000
Hà Lan19.000
Bỉ14.000
Thụy Điển14.000
Đan Mạch14.000


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét