Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

“TRUMP WILL MAKE CHINA GREAT AGAIN"


1984 của Orwell: Cẩm nang 6 bước cai trị dành cho các nhà độc tài

Mặc dù có "thỏa thuận mềm" (skinny deal) mới nhất của Trung-Mỹ để giảm bớt căng thẳng về thương mại, công nghệ và các vấn đề khác, nhưng rõ ràng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bước vào kỷ nguyên cạnh tranh bền vững mới. Mối quan hệ sẽ phát triển như thế nào phụ thuộc rất lớn vào sự lãnh đạo chính trị của nước Mỹ - vốn không tốt cho lắm.

Sự tách rời giữa Trung Cộng và Mỹ nói chung có thể sẽ tăng cường theo thời gian, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Hoa Kỳ coi tham vọng của TC nhằm đạt được sự tự chủ và sau đó là sự thống trị trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến, bao gồm trí thông minh nhân tạo, 5G, robot, tự động hóa, công nghệ sinh học và xe tự động là mối đe dọa đối với an ninh kinh tế và an ninh quốc gia. Sau khi đưa Huawei (một công ty dẫn đầu về 5G) và các công ty công nghệ khác của TC vào danh sách đen, Mỹ sẽ tiếp tục cố gắng kềm chế sự phát triển của ngành công nghệ Trung Cộng.

Các nguồn dữ liệu và thông tin xuyên biên giới cũng sẽ bị hạn chế, làm dấy lên mối lo ngại về một mạng internet bị chia cắt (splinternet) giữa Hoa Kỳ và TC. Và do sự giám sát ngày càng tăng của Mỹ, đầu tư trực tiếp nước ngoài của TC vào Mỹ đã giảm 80% so với mức năm 2017. Giờ đây, các dự luật mới đang đe dọa sẽ cấm các quỹ hưu trí công của Hoa Kỳ đầu tư vào các công ty TC, hạn chế đầu tư mạo hiểm của TC vào Mỹ, và buộc một số công ty TC hủy niêm yết khỏi các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.

Hoa Kỳ cũng ngày càng nghi ngờ hơn về các sinh viên và học giả TC hoạt động tại Hoa Kỳ, những người có thể tham gia đánh cắp bí quyết công nghệ của Hoa Kỳ hoặc tham gia vào hoạt động gián điệp trực tiếp. Về phần mình, TC sẽ ngày càng tìm cách đi vòng qua hệ thống tài chính quốc tế do Mỹ kiểm soát và tự bảo vệ mình trước việc Mỹ vũ khí hóa đồng đô la. Để đạt được điều đó, TC có thể lên kế hoạch ra mắt một loại tiền kỹ thuật số do nhà nước phát hành, hoặc một giải pháp thay thế cho hệ thống thanh toán xuyên biên giới của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) vốn do phương Tây kiểm soát. TC cũng có thể cố gắng quốc tế hóa vai trò của Alipay và WeChat Pay, các nền tảng thanh toán kỹ thuật số phát triển vốn đã thay thế hầu hết các giao dịch tiền mặt ở Trung Cộng.

Những diễn tiến gần đây trong tất cả các khía cạnh này cho thấy một sự thay đổi lớn hơn trong mối quan hệ Trung – Mỹ theo hướng chống toàn cầu hóa, phân mảnh kinh tế và tài chính, và tách rời chuỗi cung ứng. Chiến lược an ninh quốc gia của Nhà Trắng năm 2017 và Chiến lược quốc phòng năm 2018 của Hoa Kỳ coi TC là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” cần phải kềm chế. Căng thẳng an ninh giữa hai bên đang diễn ra trên khắp châu Á, từ Hồng Kông và Đài Loan đến Biển Đông và Biển Hoa Đông. Hoa Kỳ lo ngại rằng Chủ tịch TC Tập Cận Bình, sau khi từ bỏ phương châm “giấu mình chờ thời” của người tiền nhiệm Đặng Tiểu Bình, sẽ thực hiện một chiến lược bành trướng hiếu chiến. Trong khi đó, Trung Cộng lo ngại rằng Mỹ đang cố gắng kềm chế sự trỗi dậy của mình và bác bỏ những lo ngại an ninh hợp lý của mình ở châu Á.

Sự cạnh tranh giữa hai bên sẽ diễn tiến như thế nào vẫn còn chưa rõ ràng.! Cạnh tranh chiến lược với chiến tranh mồm "bằng nước bọt" Điều rõ ràng là sự "ngầm đồng thuận" như trước đây của phương Tây đã bị “liệt vị”.

Trong thời chiến tranh lạnh; Mỹ đã từng giúp Việt Cộng hất cẳng Pháp ra khỏi Đông Dương, để rồi bằng mọi giá đem quân Mỹ và Đồng minh vào VNCH với nhãn hiệu giữ tiền đồn chống Cộng, nhưng đến năm 1968 ý đồ của Mỹ là Việt Nam hóa chiến tranh, năm 1970 đi đêm với TC, năm 1971 TC đặt chân vào hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, năm 1972 hòa đàm Ba Lê, năm 1974 ngầm thỏa thuận với TC vụ Hoàng Sa, đồng thời xóa tên nước VNCH trên bản đồ thế giới năm 1975, đào hố chôn sống trên 19 triệu con dân miền Nam, nhưng chưa kịp lấp đất vì lo cuốn cờ rời khỏi nơi sắp nhuộm đỏ vì máu của Cộng Sản.

Trong 45 năm qua, theo đó HK từng cho rằng việc để TC tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới và tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của TC sẽ buộc TC trở thành một xã hội cởi mở hơn, đi kèm với một nền kinh tế tự do và công bằng hơn. Nhưng, dưới thời của Tập, TC đã tạo ra một nhà nước giám sát kiểu Orwell gồm sáu bước:- Thao túng lịch sử- Làm chủ ngôn ngữ - Kiểm soát tư tưởng - Giám sát hành vi - Gieo rắc nỗi sợ hãi -Tạo ra kẻ thù.

Nhìn về Ý đã phải trải qua 21 năm dưới thời Benito Mussolini. Đức chịu đựng vị bạo chúa Adolf Hitler. Liên Xô có Stalin thì Trung Cộng có Mao Trạch Đông. Tây Ban Nha có Franco thì Bồ Đào Nha có Salazar. Và khi các Anh Cả xuống ghế lại có những Anh Hai khác lên thay.

Trong tác phẩm Chủ nghĩa Độc tài Toàn trị và Chuyên chế (Totalitarian Dictatorship and Autocracy) của hai nhà khoa học chính trị hàng đầu về lý thuyết toàn trị thế kỷ 20 là Carl Friedrich (Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Chính trị Mỹ) và Zbigniew Brzezinski (cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ), một chế độ độc tài toàn trị được biểu hiện qua sáu tính chất:

(1) một hệ tư tưởng phức tạp, được cấu thành từ một học thuyết chính thức bao hàm các khía cạnh toàn diện của sự tồn tại của con người mà mọi người chung sống trong xã hội đều phải tuân thủ;

(2) một đảng đại chúng thường do một người lãnh đạo;

(3) một hệ thống khủng bố, dù là thể chất hay tinh thần, được thực thi thông qua sự kiểm soát của đảng và của cảnh sát ngầm, kiểm soát và hướng tới không chỉ đối với những kẻ thù của chế độ, mà còn đối với nhiều tầng lớp nhân dân được lựa chọn một cách ngẫu ý;

(4) sự kiểm soát độc quyền về kỹ thuật, gần như tuyệt đối, nằm trong tay của đảng và của chính phủ, đối với tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng;

(5) sự kiểm soát độc quyền về kỹ thuật, gần như tuyệt đối, đối với việc xử dụng tất cả vũ khí chiến đấu vũ trang; và

(6) sự kiểm soát và định hướng cho toàn bộ nền kinh tế xuất phát từ trung ương, thông qua sự điều phối quan liêu của các thực thể doanh nghiệp độc lập chính thức.

Sự tăng cường chủ nghĩa tư bản nhà nước vốn trái với các nguyên tắc thương mại tự do và công bằng. TC hiện đang xử dụng sự giàu có ngày càng tăng của mình để khoa trương sức mạnh quân sự và thể hiện ảnh hưởng trên khắp châu Á và toàn thế giới.

Vậy, câu hỏi là liệu có những lựa chọn thay thế hợp lý nào khác để tránh chiến tranh lạnh leo thang hay không? Một số nhà bình luận phương Tây, như cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd, ủng hộ “sự cạnh tranh chiến lược có quản lý”. Còn những người khác nói về một mối quan hệ Mỹ – Trung “vừa hợp tác vừa cạnh tranh (co-optetion). Tương tự, Fareed Zakaria đề xuất Mỹ theo đuổi một chiến lược kết hợp can dự và răn đe với TC. Tất cả đều là các biến thể của cùng một ý tưởng: mối quan hệ Trung – Mỹ nên bao gồm sự hợp tác trong một số lĩnh vực – đặc biệt là khi liên quan đến các hàng hóa công toàn cầu như khí hậu, thương mại và tài chính quốc tế – trong khi chấp nhận rằng sẽ có sự cạnh tranh mang tính xây dựng trong những lĩnh vực khác.

Tất nhiên, vấn đề nằm ở Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, người dường như không hiểu được rằng việc “cạnh tranh chiến lược có quản lý” với TC đòi hỏi phải có sự can dự và hợp tác chân thành với các nước khác. Để thành công, Mỹ cần hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác nhằm đưa mô hình kinh tế mở, xã hội mở của mình tiến vào thế kỷ 21. Phương Tây có thể không thích chủ nghĩa tư bản nhà nước độc đoán của TC, nhưng họ cũng phải ổn định nội bộ xã hội của mình trước. Các nước phương Tây cần tiến hành các cải cách kinh tế nhằm giảm bất bình đẳng và ngăn chặn các cuộc khủng hoảng tài chính gây tàn phá, đồng thời thực hiện các cải cách chính trị nhằm kềm chế phản ứng dân túy chống toàn cầu hóa, trong khi vẫn duy trì được nền pháp quyền.

Thật không may, chính quyền Mỹ hiện tại thiếu một tầm nhìn chiến lược như vậy. Chính sách bảo hộ, đơn phương và phi tự do của Trump rõ ràng có xu hướng làm bất mãn các bạn bè và đồng minh của Hoa Kỳ, khiến phương Tây bị chia rẽ và không sẵn sàng để bảo vệ và cải cách trật tự thế giới tự do mà nó tạo ra. Người TC có lẽ thích Trump tái đắc cử vào năm 2020. Trump có thể là một mối phiền toái trong ngắn hạn, nhưng nếu có đủ thời gian tại vị, ông ta sẽ phá hủy các liên minh chiến lược vốn tạo nền tảng cho sức mạnh mềm cũng như sức mạnh cứng của Mỹ. Giống như hiện thân ngoài đời thực của nhân vật chính trong phim “Manchurian Candidate”, Trump sẽ cho Trung Quốc vĩ đại trở lại”.


*Sách 1984 của Orwell: Cẩm nang 6 bước cai trị dành cho các nhà độc tài. Ngay sau khi chiến tranh Thế chiến II kết thúc, George Orwell đã tự hỏi rằng nước Anh sẽ ra sao nếu nó rơi vào một trong những tín điều độc tài đã và đang thống trị thế giới suốt nửa đầu thế kỷ 20. Đó là ý tưởng khai sinh cuốn tiểu thuyết trứ danh mang tên 1984.

*The Manchurian Candidate là một cuốn tiểu thuyết của Richard Condon, xuất bản lần đầu năm 1959. Đây là một bộ phim kinh dị chính trị về con trai của một gia đình chính trị nổi tiếng của Hoa Kỳ, người bị tẩy não trở thành một kẻ ám sát vô tình cho một âm mưu của Cộng sản.


1984 của Orwell: Cẩm nang 6 bước cai trị dành cho các nhà độc tài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét