Thứ Năm, 16 tháng 1, 2020

TẾT NẦY LẠI NHỚ TẾT XƯA.!

      Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, đám đông và ngoài trời
                    Người dân thủ đô Sài Gòn nô nức đi sắm Tết.

Thường tình, Xuân về Tết đến mang lại cho mọi người bao niềm hy vọng, những nét vui tươi, những điều mới mẻ, nhưng ngày Xuân mà nhắc lại những chuyện buồn thì làm sao thích hợp được. Tuy nhiên, đã bao mùa Xuân qua, các thi nhân đã một thời có những nỗi buồn như thế, những giây phút chạnh lòng nhớ đến quê hương, nhớ đến gia đình, nghĩ đến Mẹ già đang trông ngóng chờ mong con về đoàn tụ trong những ngày Tết nhưng rồi thời gian cứ lạnh lùng trôi qua, nỗi sầu vẫn còn đó. Mọi người cũng cùng mang một tâm trạng nên chia xẻ một phần nào nỗi buồn chơi vơi đó. "Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" là như vậy.
Một ngày có 24 giờ nhưng có lẽ chiều cuối năm với những người tha phương trở nên dài dằng dặc hơn bao giờ hết. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương trong dịp Tết đến, xuân về bỗng trỗi lên da diết hơn. Nỗi nhớ ấy cứ miên man, chộn rộn cõi lòng khi những lần điện thoại, những dòng tin nhắn của người thân đều mang một thông điệp chung: Tết này có về không?
Tết tha hương cũng đủ đầy mọi thứ như ở quê nhà nhưng không khí Tết thì có lẽ không ở nơi nào như Tết ở quê hương của mình. Nơi đó, có mẹ, có cha, có anh em ruột thịt và bao nhiêu bạn bè thuở hàn vi từng chất chứa không biết bao, những kỷ niệm vơi đầy.
Một cái Tết nữa lại về. Mùa xuân tới mang theo hơi ấm của yêu thương cùng tiễn đưa những ngày tháng cũ. Dù những người vô tư nhất, “lãnh cảm” nhất thì những ngày này cũng đều cảm thấy xốn xang, rạo rực lạ thường. Đó là thời điểm đặc biệt, rất nhạy cảm không nghĩ không được. Và lẽ thường, những chạnh nghĩ đó đều là niểm vui của thuở nào. Dù khó khăn đến mấy, nghĩ đến Tết là nghĩ đến niềm vui. Vui như ba ngày Tết mà.! Nôn nao, háo hức đón chờ Tết lúc tuổi thơ. Mổi năm khi Tết gần đến, chúng tôi lại ước ao có 1 phép mầu đưa tôi trở lại ngôi nhà thân yêu, hiền lành, mộc mạc của ngày xưa trong đó có cha mẹ lúc còn trẻ và đầy đủ các anh chị em của mình. Tôi sẽ thấy mình ngồi bệt trên sàn nhà chăm chú lau chùi bộ lư hương đồng sáng bóng; không gian như quay lại với ánh sáng dịu dàng. Trong lòng tôi sẽ đầy ắp những vui mừng của thời con trẻ đón xuân về. Mùi hăng nồng của dầu đồng sẽ làm cho tôi thấy rõ thêm cái khung cảnh của tết, những khúc nhạc mừng xuân “... ngày xuân nâng chén, ta chúc nơi nơi...” Mưa xuân bay lất phất, ánh đèn đường chớp mắt luôn đong đầy nỗi nhớ, của một thuở xuân sang lặng nhìn đường phố nhỏ, nghiêng ngả cảnh màn đêm xót thương đời cô lữ, qua đó chẳng muốn về.

MƯA XUÂN

Nhẹ lướt phím đàn những ý xuân
Mưa phùn lất phất thoảng xa gần
Cung trầm réo rắt vờn theo gió
Hòa hợp sắc son giữ nhịp đàn
Luyến ái môi hồng mơ ước cạnh
Say hồn má thắm mộng ngày xanh
Xuân mang nỗi nhớ bay từng hạt
Tưới đẫm tơ lòng thỏa ái ân.


Ngoài trời, mưa phùn lất phất. Thấm ướt lối đi của những người thân ở xa lần lượt về sum họp cùng gia đình trong dịp tất niên, ngày Tết cỗ truyền...Ai nấy đều rạng rỡ, tay bắt mặt mừng sau cả năm tháng dài xa cách, vì công việc hay học hành.v.v... Người nào trông cũng như mới lạ và chững chạc hơn theo thời gian. Chỉ chừng đó là tôi đủ hạnh phúc. Nhưng tôi sợ rằng mình chẳng bao giờ có cơ hội. Nỗi ước mơ của tôi chỉ đọng lại bằng ký ức, bởi vì những người thân của tôi đã lần lượt ra đi... Năm nay, Tết lại đến. Tôi chỉ biết nhắm mắt nhớ và thấy lại mình ngồi bệt trên sàn nhà, đang kỳ cọ dầu đồng để chùi bóng bộ lư hương của thuở nào, mà Ba tôi căn dặn vào dịp cuối năm,
Bánh chưng xanh, dưa hấu đỏ, cây mai vàng, cành đào tươi…vẫn còn đó trong mỗi gia đình Việt Nam vào ngày Tết cổ truyền. Nhưng tận sâu trong suy nghĩ của những người cao tuổi, họ vẫn mang nặng một nỗi buồn chung cho người dân Việt. Chẳng biết do đâu người ta thường ở trong tâm trạng buồn khi nhắc tới người xa xứ? Cũng đúng thôi.! Bất luận vì lý do gì ra đi, những người xa xứ cũng đều có chung trong tâm khảm của mình một cái gì đó sâu lắng về quê hương, xứ sở, về cái nơi mình đã dứt áo ra đi. Nỗi nhớ nhung theo năm tháng cứ chất chứa, rồi đầy lên, để cho ai đó lại nghẹn ngào mỗi lần nghĩ về Quê Cha, Đất Tổ...“Nắng bên này tuy rằng có ấm, nhưng sao bằng nắng ấm quê hương” - câu hát này rất đúng với tâm trạng chúng tôi và cũng như cùng nhịp con tim của mỗi người dân Việt tại hải ngoại. Đã lâu lắm rồi, tôi không có một cái Tết đúng nghĩa của dân tộc Việt Nam như vào thuở xa xưa.
Bốn mươi lăm năm, thời gian quả không ngắn với chừng ấy cái Tết không vui mà toàn buồn đau tủi hận... Giờ đây trước thềm năm mới của cái Tết thứ bốn lăm, từ cuộc sống cô lữ đã lan tỏa sang các trang viết, nơi dàn trải những nổi khắc khoải bi thương qua nổi nhớ niềm thương như Bà Huyện Thanh Quan đã thốt lên: "con quốc quốc nhớ nước đau lòng, cái gia gia thương nhà mỏi miệng" (kêu); “Nhớ nước” – “Thương nhà”, “đau lòng” – “mỏi miệng”, “con quốc quốc” – “cái gia gia”. Từ đó, sự đón "xuân" lại càng như đào sâu thêm bao nỗi nhớ, niềm thương, gợi lại cả một khung trời "hoài niệm" trong lòng những người con xa xứ vi hai chữ TỰ DO.

Có thể mỗi người nhớ về quê hương theo một cách riêng, nhưng nỗi niềm Tết trong lòng những con người VN xa xứ thì chắc ai cũng giống ai. Cũng bồi hồi xúc cảm, chộn rộn xốn xang, nhớ cảnh, nhớ người… đến nao lòng. Mặc dù trong thời chiến, nhưng Tết Việt vẫn đầm ấm, thiêng liêng với bầu không khí sum vầy rất gần gũi, ấm áp…Của những năm tháng xa xưa mà chắc hẳn giờ đây chẳng bao giờ sánh nổi và xóa nhạt trong tâm trí những người con đất Việt đang sống xa quê nhà…Nơi "chôn nhau cắt rún".
Tôi sinh ra từ một vùng núi non và lớn lên ở vùng đất nghèo nàn xứ Huế, của một đất nước có hình cong chữ S. Đó là Việt Nam. Khi tôi chập chững biết đi những bước chân đầu đời trên khoảng sân trước nhà đầy bóng mát, Mạ tôi nắm tay tôi dẫn đi từng bước một, tôi cười như nắc nẻ mỗi lần suýt té…
Viết đến đây, lòng tôi muôn nỗi xót thương nên không cầm được nước mắt vì nhớ lại:
"Mạ tôi thì thào kể lại cho tôi nghe những chuyện xưa tích cũ, khi tôi đút từng miếng cơm xay nhuyễn cho Mạ ăn, suốt thời gian cận kề săn sóc mẹ trong những ngày tháng cuối đời, cho đến ngày Mạ trút hơi thở cuối cùng bên cạnh con trai út còn lại ở cỏi Ta Bà nầy".

Thế rồi, đứa bé (đã một lần thất lạc lúc chưa đầy tuổi trong cuộc tản cư tránh lính Phát xít Nhật), lớn dần theo tháng năm, với lứa tuổi chỉ biết học hành, cho mãi đến lúc ra đời, khi ở tuổi "tam thập nhi lập", tự lập thân, thì lịch sử đất nước rẽ sang trang vào một khúc quanh nghiệt ngã nhất. Nếm trải qua những thời gian "tháo gỡ bom mìn", tù tội từ trại tù nhỏ đến trại tù lớn, sức chịu đựng đến mức phải ra đi tìm tự do và được sống tới tuổi U80.
Từ “Tam thập” mãi cho tới khi “thất thập" 70 tuổi mà tâm theo ý mình, có thể làm một cách tùy ý nhưng lại không vượt quá quy tắc, người ta mới hiểu rằng, đời người bất quá 100 năm, chúng ta mỗi ngày trôi qua đều đang dần trưởng thành, dần trầm tĩnh, dần có thể hiểu rõ được điều gì mới là quan trọng nhất đối với bản thân mình. Mặc dù, sống ớ một xứ sở tự do, dân chủ, thế hệ trẻ luôn nhìn về Tương lai, ngược lại người lớn tuổi thường sống với Quá khứ, trong tiếc nuối...Nên có kẻ xấu mồm cho tuổi già chúng tôi là "Bọn ăn mày dĩ vãng".

Nói đến Tết, luôn là điều thiêng liêng nhất của cả dân tộc, mà chỉ có những người VN mới hiểu. Và vì thế khi xa quê, những người Việt đều mong ước được trở về quê sum họp với gia đình để đón Tết, được ấp đầy hương vị quê hương. Riêng những ai ở xứ người, Tết được về quê hương là dịp được thỏa lòng mong nhớ trong những tháng năm dài đằng đẵng sống ở đất khách quê người. Ai không về, hưởng cái Tết xa quê cảm giác lạnh hơn vì những bông hoa tuyết trắng xóa trải dài suốt từ mùa Đông sang Xuân, chẳng có không khí Tết như ở quê nhà, không cành mai vàng rực rỡ, không có hơi ấm từ người thân họp mặt đầy đủ bên nhau cùng hưởng một cái Tết đầm ấm, sum vầy.
Bản thân tôi đã có bảy lần về thăm Mẹ già, trong đó có ba lần vào dịp cuối năm (2009- 2012) từ lễ Tạ ơn (Mỹ) đến sau Tết âm lịch, nhưng chỉ ở bệnh viện săn sóc Mẹ già đơn chiếc cũng như lúc về nhà, vì anh hai tôi mất năm 2010, nên còn lại hai Mạ con cùng hủ hỷ vui Tết với nhau mà thôi. Sau tết (2011-2012) Mạ tôi ra đi chỉ có tôi và con đỡ đầu của nhà tôi, gọi tôi băng "Bỏ".
Sau Tết âm lịch năm 2013 tôi về giỗ đầy năm cho Mạ tôi, viếng thăm mộ Cha Mẹ lần cuối và xin tạ tội cùng đấng sinh thành.


“Nhớ ngày năm ngoái con còn Mẹ
Cùng đón Xuân về, vui biết bao.
Mẹ khuất. Năm nay Xuân quạnh quẽ
Tha hương nghe lạnh gió đông sầu.”


Nhưng rồi theo quy luật “vô thường” Mẹ yêu cũng khuất bóng khiến lòng con ngậm ngùi hơn khi năm cùng tháng tận:

“Xuân về chạnh nhớ Mẹ yêu
Nghĩa trang hoang vắng buồn hiu mộ phần
Mẹ đi giã biệt dương trần
Không còn mong đợi mỗi lần xuân qua”


Trước thềm năm mới, mong những ai đang sống trên mãnh đất quê hương xin hãy trân quý những khoảnh khắc giao thừa, những giá tṛị thiêng liêng về nét đẹp văn hóa của tổ tiên truyền lại cho con cháu sau này. Vì có nhiều lý do mà người con xa quê không một lần trở về thăm, và đâu đó trên thế giới vẫn còn có rất nhiều người mong lắm giây phút được nhìn thấy ngày Tết sum vầy trên quê hương, Tết cũng là dịp để lòng người như được rộng mở hơn, để đón nhận, xẻ chia mọi niềm vui nỗi buồn, đưa con người ta xích lại gần nhau hơn trong cuộc sống.
“Tết Tết Tết, Tết đến rồi. Tết, Tết Tết Tết đến rồi... Tết đến trong tim mọi người”. Mỗi lần nghe câu hát này, lòng chúng tôi lại bồi hồi, xôn xao, khao khát được một lần tận hưởng trọn vẹn lại, cái không khí đón xuân trên quê hương mình như những năm tháng cũ.
Lại một năm nữa trôi qua, lại một xuân nữa đón Tết nơi xứ người của tuổi trên thất thập và chẳng biết còn phải bao nhiêu cái Tết viễn xứ nữa cho kẻ cô lữ.


16012020

- Sau Giáng Sinh ở Sài Gòn lại tiếp tục nô nức chuẩn bị năm mới. Tết lại đến nên không khi lúc nào nhộn nhịp. Những sạp bán đồ mùa Giáng Sinh sẽ không dọn đi mà chỉ thay thế mặt hàng thành thiệp Tết, quà Tết mà thôi.

    Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang đứng, đám đông và hoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét