Thứ Tư, 29 tháng 1, 2020

TẢN MẠN VỀ "CHUỘT"


Theo lịch Tầu và lịch ta, mỗi năm mang tên một con vật. Năm nay là năm Canh Tý, tức năm Con Chuột, xin gửi đến các bạn bài viết tản mạn về con chuột. Chuyện về chuột thì vô số, không sao kể hết...
Trước hết, theo sinh vật học thì loài chuột có lông nhiều dày rậm, lỗ tai nhỏ, mỏ và đuôi dài. Chuột lại là loài gặm nhấm, sinh sống ở khắp nơi trên thế giới, có nhiều loại khác nhau, Chuột (Rattus) có tới 570 loại giống, đây là một giống vật nhiều loại nhất, so với bất cứ loại động vật có vú nào. Chuột nhắt (Mus) cũng có khoảng 370 loại. Cũng theo ước tính của các nhà khoa học thì hiện nay trên thế giới có khoảng trên 4 tỷ con chuột, nghĩa là bằng khoảng 1/2 dân số loài người trên thế giới (7.8 tỷ năm 2020). Phổ biến là chuột nhắt, chuột nhà, chuột cống (rất mất vệ sinh vì sống ở dưới cống và ăn đồ phế thải do cống tháo ra, đây là thứ chuột thành phố, rất dễ truyền bệnh, đặc biệt là bệnh dịch hạch), chuột đồng, chuột nhảy (gerbil), chuột lang, hamster (chuột đất vàng), chuột túi (không nhầm với kangaroo), chuột sóc, chuột sao, chuột sạ, chuột nước, chuột chù hay chuột xạ (rất hôi), chuột vòng và chuột bạch (nuôi làm cảnh trong nhà)...
Trong các loài chuột phổ biến ở Việt Nam, dân gian Việt có các tên gọi thông thường như:
- Chuột nhắt là loại chuột bé tí teo, sống trong nhà, nhất là trong xó bếp để dễ kiếm cơm thừa, canh cặn, lục niêu, lục nồi. Chuột này đã thành người thân trong gia đình, rất trung thành, có đuổi cũng chỉ chạy, không chịu bỏ đi.



- Chuột đồng, ăn lúa và sống ngoài trời nên to con. Chuột đồng tượng trưng cho kẻ tung hoành dọc ngang, không chịu ru rú trong xó bếp, nhưng muốn sống tự do giữa nơi trời cao đất rộng. Đến mùa lúa, chuột đồng béo u béo nần. Chuột mùa này đang mập, nông dân bắt về lột da, mổ bụng, rửa sạch và bán cho khách ghiền thịt chuột từng bao bố. Hiện nay ở Việt Nam, dân nhậu nhẹt khoái món đặc sản rắn. Người ta săn rắn ráo riết khiến chuột được thảnh thơi ăn lúa và sinh sản con cái đầy đàn. Nông dân kêu Trời không thấu.


- Chuột xạ cũng thường gọi chuột chù, có thân hình nhỏ con, mỏ dài và nhọn, đuôi rất ngắn. Đặc biệt nó có mùi hôi xạ khó ngửi cho nên có cái tên là chuột xạ và mèo cũng sợ mùi xạ hương này, nên cũng lánh xa. Chuột xạ không cắn phá và lanh lợi như chuột nhắt, nó thường ở hộc tủ, gầm giường hay trong hang và đi sát đất, rất chậm lụt, thường kêu chít chít như chuột rúc vậy. Trong dân gian thường cho chuột rút là điềm may mắn hay phát tài: Thứ nhứt đơm đóm vào nhà, Thứ nhì chuột rúc, Thứ ba hoa đèn.


- Chuột dừa là loại chuột thường sanh sống ở trên cây dừa, ít xuống đất, nó chỉ cắn phá cây dừa và ăn cơm dừa, uống nước dừa mà sống, thân hình nó lớn bằng cườm tay. Vì thế, nó mới có tên là chuột dừa, loại chuột này thường thấy những tỉnh trồng nhiều dừa như ở Bến Tre, thịt nó thơm ngon đặc biệt, bởi vì nó ăn uống bằng trái dừa rất tinh khiết.


- Ngoài những loại chuột hoang nói trên, chúng ta còn thấy loại chuột được người nuôi để làm cảnh. Đó là chuột bạch, đây là loại chuột nhỏ con, có lông màu trắng và thường thấy ở bên Tàu, cho nên nó có tên là chuột Tàu. Người nuôi chuột bạch hay chuột tàu phải tốn tiền mua chuột, mua lồng chuột đặc biệt để nó biểu diển và tốn thức ăn chớ không phải như các loại chuột hoang khỏi chăm sóc gì cả. Nhưng bù lại, người nuôi chuột này được xem những trò biểu diển của nó và làm cảnh cho vui cửa vui nhà.


Không ai biết nguồn gốc của chuột. Mọi người đều cho là do thiên nhiên tạo dựng nên các sinh vật trên trái đất, giống như chuyện trong kinh thánh nói về việc tạo dựng nên vũ trụ và con người phát xuất từ đất bùn, Chúa nặn lên tổ tiên của loài người là Adam và Eva.
Có một câu hỏi đặt ra, mà cho đến ngày nay vẫn chưa có câu giải đáp. Tại sao tổ tiên của chúng ta lại chọn loài chuột đứng đầu cho 12 con giáp? Mà lại không chọn con vật khác? Chưa có câu trả lời chính xác. Truyền thuyết lưu truyền trong dân gian về vị trí đầu tiên của Chuột trong 12 con giáp cũng rất đa dạng. Câu chuyện sau đây được chú ý nhiều hơn.
Mèo và chuột là bạn với nhau. Mèo nghe nói Ngọc Hoàng muốn chọn 12 con vật làm con vật cầm tinh cho con người. Mèo rủ chuột sáng sớm hôm sau cùng đi. Trong lúc mèo còn ngủ say thì chuột một mình đi trước đến kịp được chọn vào 12 con vật này. Nhưng phân định thứ bậc sao cho hợp lý phải có kỳ thi tuyển chọn. Trâu chạy về đích trước tiên nhưng không hay chuột nhẩy lên lưng trâu lúc nào. Khi tới đích thì chuột kịp thời nhảy lên hàng đầu. Thế là chuột khôn lanh đã chiếm được vị trí đầu trong 12 con giáp. Vì thế người xưa cho rằng chuột thông minh nhất trong các loài vật nên được xếp đứng đầu.
Có một giả thuyết khác cho rằng: Sở dĩ chuột được đứng đầu trong 12 con giáp, vì theo các khoa học gia cho biết vào giờ Tý khoảng từ 23 giờ khuya đến 02 giờ sáng là giờ chuột hoạt động rất mạnh, đi cắn phá và kiếm ăn. Giờ đó chúng rất tỉnh táo và bén nhậy. Cũng trong thời điểm đó, đa số các cặp vợ chồng chọn là giờ để ân ái (giờ Tý canh ba). Giờ này yên tịnh, những người thân hoặc con cái trong gia đình đang yên giấc ngủ. Lợi dụng giờ giấc này, các cặp vợ chồng thức dậy, khều nhau cùng diễn trò mây mưa, “trùm mền múa lân”. Nên phụ nữ thường hay cấn thai vào giờ Tý. Do đó mới có sự phát sinh ra nhân loại lan tràn trên trái đất. Vì vậy chuột được coi là con vật làm chuẩn đứng đầu 12 con giáp.
Chuột là con vật ranh mảnh khôn ngoan, khó lòng bị tiêu diệt hết.
Chúng tôi vui nhất là ở bậc tiểu học, Trường Trần quốc Toản thành nội Huế, các thầy còn sáng tác những ca khúc hài hước, để giúp học trò vui học như thầy Lê Cao Phan với bài ca Ba bà đi bán lợn xề, vui nhất là ca khúc "Chú chuột cắp trứng" và bài Hai chú gà con của thầy Ngô Ganh:

Chú chuột cắp trứng ra không biết làm sao kéo đi.
Bèn gọi chú khác vô chú kia bày mưu khó gì!
Anh nằm ngữa bốn chân, anh lo ghì ôm trứng đi.
Tôi liền cắn cái đuôi kéo anh về hang, tức thì!
Một chú ôm trứng nằm – Vênh cái râu lên trời
Chú kia dô cái mồm – Cắn cái đuôi kéo dài
Hè dô ta – Nào đi lên – Hè dô ta – Á !!!

Người ta thường kể: Chuột muốn tha một cái trứng gà to về ổ mà không bị bể, chuột đã biết để một con nằm ngửa ôm trứng, miệng ngâm đuôi con khác để con này kéo về ổ...Loài chuột, do đó, được tiếng tinh khôn, có tài "ngũ kỹ" gồm năm cái khéo, theo sách Tuân Tử : bay, leo, bơi, đào, chạy. Mỗi gia đình loài chuột có khá đông nhân khẩu, tồn tại theo kiểu đại đồng đường, đứng đầu là một Đại lão Thử có tổ chức hẳn hoi. Về thể lực, chuột có thể chạy marathon một mạch đường dài 15 km. Khi gặp nguy hiểm, chuột còn tài đu bám ngửa bụng lên trời và trong trường hợp khẩn cấp, chuột có thể leo thoăn thoắt theo phương thẳng đứng trên mặt tường hoặc bò theo phương nằm ngang theo mặt trần nhà. Chuột cống lớn có thể nhẩy vọt lên cao đến 1,5 m gấp mấy chục lần chiều cao bản thân. Ấy là chưa kể tài bơi lội như rái cá dưới nước của chuột.

Các nhà khoa học nhận định “Chuột có khả năng tiên tri và linh cảm cực kỳ phi thường. Không những thế chuột còn có khả năng thông tin cho đồng loại”. Michel Daniel qua sách “Loài chuột bạn trong bóng tối của chúng ta”, sau hai chục năm nghiên cứu tác phong và suy nghĩ của chuột, tin rằng “Chuột là loài có vú thông minh thứ ba chỉ sau con người và Hắc tinh”.
Các nhà nghiên cứu cho biết: Khi chuột nhà gặp một con chuột lạ xuất hiện, trưởng bầy chuột sẽ xua đuổi hoặc chiến đấu với con chuột lạ cho tới khi chuột lạ bỏ chạy, hoặc tiêu diệt nó. Chuột tiết ra một mùi riêng để chúng dễ nhận diện ra bà con. Trong trường hợp chuột chồng phải đi xa kiếm ăn, hoặc vắng nhà. Chuột vợ ở nhà cho chồng mọc sừng. Hoặc có tên chuột đực nào gian manh đến tán tỉnh, tằng tịu với chuột cái, chuột chồng về, sẽ trừng trị chuột cái cho đến khi cái mùi của tên chuột đực dê xồm được gió cuốn bay đi hết khỏi lông của chuột vợ, thì chuột vợ mới được chồng tha…

Chuột mạnh và hung dữ hơn chúng ta nghĩ rất nhiều. Người dân ở miền Tây thường bảo chuột cắn chết gà vịt, thậm chí nó cắn chết cả mèo. Với các động vật như chim nuôi thì lại càng không thể nào là đối thủ của chuột. Người ta so sánh: Nếu con chuột to bằng con mèo, nó có thể cắn chết 1 con chó. Nếu con chuột nhắt to như con chó, nó thừa sức cắn chết 1 con ngựa. Còn nếu nó to bằng con ngựa, thì nó không ngán bất cứ con vật nào thậm chí nó đục thủng cả căn nhà bạn chỉ trong vài phút!

Họ hàng nhà chuột quả có khả năng đặc biệt để sinh tồn. Chuột cũng chịu đựng liều phóng xạ cao hơn các loài động vật khác. Chuột đàn còn được gọi là chuột đen hoặc chuột tàu – có kích thước nhỏ hơn so với chuột cống, rất mắn đẻ. Chuột chửa 19 đến 22 ngày. Mỗi năm đẻ 5 đến 7 lứa, mỗi lứa 6 đến 10 con. Chuột con chỉ sau ba tháng đã lại sinh sản. Chuột sống 3 đến 4 năm.
Theo thống kê cho biết: chuột cái, nếu cứ mỗi lần sanh sản “mẹ tròn, con vuông” thì khoảng sau 3 năm, nó sẽ có đến 5 đời: Con, cháu, chắt, chút, chít có thể lên đến hàng triệu con. Nếu không có loài người và những sinh vật sát hại chúng như: mèo, chó, rắn, diều hâu, chồn, cáo, vv.. giết và ăn thịt chuột, thì chẳng bao lâu chuột sẽ sinh nở kín trái đất.


Thế nhưng có chuyện lạ “chuột tự sát tập thể”! Vào đầu tháng 5, năm 1995 xẩy ra ở vùng Tân Cương bên Trung Cộng, trên một vùng rộng khoảng 10.000km2. Chuột kéo đến các ao hồ, từng đôi một cắn đuôi nhau lao mình xuống nước chết. Chỉ sau vài ngày, các hồ ao trong vùng, xác chuột nổi kín mặt nước. Mỗi khi sinh sản quá nhiều, chuột lại có hiện tượng tự sát chết bớt đi là vậy. Thiên nhiên quả thật kỳ diệu!


Do chuột phải luôn luôn gậm nhấm để mài mòn răng, nếu không răng sẽ dài ra không thể ngậm miệng lại được. Một con chuột cống cần lương thực sống khoảng từ 50 đến 100g mỗi ngày. Một thành phố có khoảng trên dưới 10 triệu con chuột thì mỗi năm sẽ mất khoảng 20.000 tấn lương thực, thực phẩm cho chuột. Tuy nhiên, Trời sanh voi thì phải sanh cỏ, sanh chuột thì phải sanh mèo hay rắn để “cân bằng” với chuột, nếu không loài người khó sống nỗi với chuột, bởi tai họa về chuột tạo nên.

Loài chuột cũng tạo nên nhiều dịch bệnh, như bịnh dịch hạch trong lịch sử đã làm cho sự chết chốc lên đến hàng trăm ngàn người tại nhiều nước trên thế giới, như tại Athène (Hy Lạp) vào năm 429 trước Công Nguyên, hoặc các nước khác như Ai Cập, Thổ Nhỉ Kỳ, Ý Đại Lợi, Pháp, v.v. cũng bị sát hại vì bịnh dịch này, người ta đã thống kê chỉ 7 năm, kể từ năm 1346 đến năm 1353 số người bị chết trên thế giới như sau: Âu Châu gần 25 triệu người và Á Châu cũng gần 23 triệu người và được người đời xem như là một thiên tai.
Vì chuột thường đem tai họa đến cho loài người như vậy, nên người thường kiếm đủ cách để loại trừ chuột như : thuốc chuột, đặt bẫy chuột, dậm cù chuột, v.v. Có nơi khi bắt được chuột còn sống, người ta may lỗ đít nó lại, rồi thả nó trong nhà, nó bị bí ỉa cho nên nó rượt đuổi, cắn đồng bọn chạy khỏi hang và cắn chết luôn mấy con chuột con, sau đó nó cũng chết theo luôn.
Ngoài nghĩa đen, loài chuột còn ám chỉ tham quan, ô lại. Cùng nghĩa ấy Nguyễn Bỉnh Khiêm, có bài Tăng thử (Ghét chuột), dữ dội, với câu thơ: "Thành xã ỷ vi gian, Thần nhân oán mãn phúc." (Chốn thành xã dựa vào, mà làm điều gian, Cả thần và người đều oán chứa đầy bụng.) Con chuột, không những tàn phá đồng áng, mà còn ẩn nấp, dựa vào nơi tường thành, đàn xã (bàn thờ xã tắc) để làm điều gian xảo.

Tuy nhiên, loài chuột cũng giúp ích cho nhân loại trong y học do đặc tính sinh học của chuột gần giống con người. Chuột nâu (Rattus norvegicus) được xử dụng để làm chuột thí nghiệm, phục vụ cho hoạt động nghiên cứu nhằm tìm được các loại thuốc trị bịnh. Những con chuột túi khổng lồ châu Phi, được huấn luyện để phát hiện bom mìn, đang góp phần vào cuộc chiến chống lại bệnh lao ở Tanzania và Mozambique.
Thời đại không gian vũ trụ, Chuột không chỉ quanh quẩn trong hang hốc, trong xó nhà hay lang thang ngoài ruộng rẫy mà nhảy phốc lên phi thuyền bay vào không gian:

- Ngày 3 tháng 11 năm 1957, Liên Xô đã phóng con chó Laika lên vũ trụ trên tàu Sputnik 2. Tuy nó chết trong nhiệm vụ không gian, nhưng vẫn được ghi nhận là động vật đầu tiên được phóng lên vũ trụ và bay quanh Trái đất.
- Chương trình tên lửa của Pháp bắt đầu vào năm 1961. Căn cứ của Pháp ở Sahara trước đây đã từng phóng thử nghiệm với hành khách là ba con chuột.
- Tàu vũ trụ Dragon (Mỹ) phóng lên không gian bay đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) ngày 5/12/2019 mang theo 2.585 kg hàng hóa bao gồm thiết bị khoa học, đồ tiếp tế cho phi hành đoàn và đặc biệt là một nhóm "siêu chuột" được cải tiến về mặt di truyền. Những con chuột có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm Jackson ở bang Maine được chỉnh sửa gene để tăng cường sự phát triển cơ bắp. Chúng được đưa lên ISS để nghiên cứu về sự mất cơ và xương của sinh vật sống trong môi trường không gian. Với thí nghiệm này, giới khoa học kỳ vọng sẽ tìm ra cách ngăn chặn tình trạng thoái hóa cơ bắp và xương.



Ngày nay, trong máy điện toán, con chuột là bộ phận thân thiết nhất với bàn tay, Chuột trở thành vật thiết thân của mọi cỗ máy vi tính hiện đại, có lẽ dịch từ tiếng Anh Mouse, tiếng Pháp Souris, là chuột nhắt, chứ không phải là chuột cống (Rat - mang âm vang xấu hơn.) Điều này thì dẫu ngày xưa ông bà ta có cỗ máy của thời gian của Doremon cũng không thể nào hình dung nổi. Và cái chú chuột này có tài thiên biến vạn hóa còn hơn cả Tề thiên Đại thánh lẫn Doremon…

Riêng thịt chuột là một đặc sản thực phẩm đáng kể. Ở Long Xuyên, Châu Đốc, Cần-Thơ, Ô Môn, Rạch Giá, Sa Đéc, Sóc Trăng ... vào mùa bắt chuột, thì thấy chuột được bày bán trắng phếu, vì đã thui và lột da xong, người mua đem về chế biến món ăn về chuột như: chuột nướng, chuột chiên tươi hay muối với sả ớt, chuột xào hành, chuột bầm xào lá cách hay lá lốt hoặc chuột bầm rồi ướp gia vị để làm nhân bánh xèo v.v.. Thịt chuột 7 món, khoái khẩu dân nhậu:
- Chuột luộc ướp lá chanh
- Chuột xào
- Chuột chiên dòn
- Chuột nấu đông
- Chuột giả cầy
- Chuột xào chua ngọt
- Chuột sốt da chua...
Ở miền Tây vào mùa nước lớn người ta dẫn chó theo lên xuồng, chống sào vào các bụi tre hay các bụi rậm, lấy đòng (một loại cây nhọn) đâm chuột, nhiều chú chuột bị động, sợ nhẩy xuống nước trốn, chó đuổi theo bắt lại. Vào mùa khô thì dẫn chó ra cánh đồng, thấy hang, ổ nào nghi là có chuột, đốt nùi rơm, hun khói thổi vào trong hang, chuột, rắn bị ngộp chui ra, phóng chạy, chó thoải mái rượt theo, cạp lưng chuột mang về giao cho chủ.
Theo khách du lịch kể lại, bên Trung Cộng ở tỉnh Vũ Hán có một khách sạn lớn, chuyên nhận chiêu đãi du khách đặc sản thịt chuột 10 món. Những món thịnh soạn này được các chú Ba biến chế từ 100 con chuột đồng. Món Fillet chuột được nhiều thực khách ưa chuộng. Chợ tỉnh Quảng Tây bán chuột sống, chợ Quảng Đông bán thịt chuột đóng hộp. Dân Phúc kiến cho rằng, thịt chuột có cái lườn là ngon nhất.
Trung Cộng cũng còn món thịt chuột độc đáo nữa là thịt “Chuột Bao Tử”. Món này được chế biến từ loại chuột đồng baby, được bắt đem về nuôi từ lúc còn nhỏ, cho chúng ăn bằng gạo trộn lẫn với trứng gà và các vị thuốc bắc, uống nước sâm và nước ép trái lê. Khi chuột đủ lớn, thụ thai vừa sanh con, chuột con còn sống được cột chặt, cho vào làm nhân bánh, như nhân bánh bao. Đây là một trong 7 món đặc biệt mà Từ Hy Thái Hậu đã chiêu đãi các sứ thần vào đêm giao thừa khoảng năm 1877 Tân Tý.
Nhân dịp mừng Xuân Canh Tý 1874. Tiệc được chuẩn bị trước trong thời gian 11 tháng 6 ngày, có 1750 người phục vụ, tốn kém 98 triệu hoa viên thời bấy giờ tương đương 374 ngàn lượng vàng ròng, gồm 400 thực khách và kéo dài suốt 7 ngày đêm bắt đầu giờ giao thừa Tết nguyên đán năm Canh Tý. Đó là món Sâm Thử tức là con chuột được nuôi bằng sâm. Nguyên đại sứ Tây Ban Nha thuật lại rằng, đến món ăn đặc biệt ấy thì có một ông quan đứng lên giới thiệu trước rồi quân hầu bưng lên bàn tiệc cho mỗi quan khách một cái dĩa con bằng ngọc trong đó có một con chuột bao tử chưa mở mắt, đỏ hỏn hãy còn cựa quậy, nghĩa là một con chuột bao tử sống. Bao nhiêu quan khách thấy thế chết lặng đi... Mọi người nhìn nhau. Bà Từ Hi Thái Hậu cầm nĩa xúc con Chuột bao tử ăn để cho mọi người bắt chước ăn theo. Con chuột kêu chít chít, người tinh mắt thấy một tia máu vọt ra ... Hoàng Đế Trung Hoa thông thả vừa nhai vừa suy nghĩ như thể muốn kéo dài cái thú ăn tuyệt diệu ra để cho cái thú ấy thấm nhuần trí óc và cơ thể... Không một ông nào lên tiếng, vì các ông đại diện không biết ăn chuột bao tử như thế là văn minh hay dã man.
Trong quyển Món Ăn Lạ Miền Nam, tác giả Vũ Bằng tường thuật món sâm thử như sau: Chuột mới đẻ đem nuôi trong lồng kính cho ăn toàn sâm thượng hảo hạng và uống nước suối, đến khi đẻ ra con thì lấy những con đó nuôi riêng cũng theo cách thức đó để sanh ra một lớp chuột mới, nhưng lớp chuột mới nầy vẫn chưa dùng được. Cứ nuôi như thế đến đời thứ ba, Chuột mới thực là "thập toàn đại bổ", người ta mới lấy những con chuột bao tử của thế hệ mới này ra ăn và ăn như thế thực là ăn tất cả cái tinh hoa, bén nhậy, khôn ngoan của giống chuột, cộng với tất cả tính chất cải lão hoàn đồng, cải tử hoàn sanh, tráng dương bổ thận của cây sâm vốn được y lý Đông Phương đặt lên hàng đầu thần dược từ cổ chí kim trong trời đất ...

Do loài Chuột có nhiều đặc tính giống con người, cho nên người đời thường nhân cách hóa và đưa vào văn học nhân gian, xin trích dẫn một vài truyện:

- Truyện chuột cống đã được Nguyễn Đổng Chi ghi lại trong cuốn “Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam”, tóm tắt như sau: Ngày xưa, tại Nghệ An, có một chàng trai thi đỗ hương cống. Dân làng trịnh trọng gọi là ông Hương Cống. Vua trọng nhân tài, gọi ông đi làm quan ở nơi xa. Vợ không thể đi theo vì phải ở lại lo quán xuyến việc nhà. Trong nhà có một con chuột đực già trên trăm tuổi đã thành tinh. Lợi dụng lúc ông Hương Cống vắng nhà, chuột yêu tinh biến hình thành Hương Cống giả, thỉnh thoảng đến ăn ngủ với vợ Hương Cống thật, nói dối là được phép về thăm nhà. Sau nhiều lần du dương với nhau, hai người có một bé gái. Khi ông Hương Cống thật trở về nhà, vợ ông và làng xóm đều kinh ngạc vì thấy có hai ông Hương Cống giống nhau như đúc. Thật giả không cách chi phân biệt. Nội vụ phải trình lên quan trên xét xử. Sau khi lấy lời khai của các đương sự và nhân chứng, quan tòa ghi nhận từ ngày ông Hương Cống đi làm quan xa, con chuột già của gia đình cũng biến mất. Từ sự kiện này, quan cho rằng trong hai ông Hương Cống, phải có một ông do chuột yêu tinh biến dạng mà thành.. Quan cho mời đến công đường một phù thủy cao tay. Thầy phù thủy vừa bắt quyết “linh miêu” vừa đọc thần chú “bổ thử”. Chỉ trong giây lát, ông Hương Cống giả và bé gái con của ông biến thành chuột và chết ngay tại sân tòa. Từ đó người ta gọi những con chuột bự và già là chuột cống.

- Truyện ngụ ngôn “Mèo mắc lừa Chuột”. Xưa có một con mèo già, một hôm nó bắt được một con chuột nhắt, sắp ăn thịt. Chuột nhắt khôn ngoan, van lạy khất mèo rằng:
- Buổi mai nhà tôi có giỗ, tôi phải đi chợ xa, mua tôm, mua tép về để làm giỗ. Ngài sinh phúc cho tôi. Rồi mai xin mời Ngài tới dự cỗ.
Mèo nghe nói lấy làm thích lắm, bèn hỏi chuột rằng:
- Nhà mày cúng giỗ ở đâu?
Chuột nói:
- Bẩm, nhà chúng tôi cúng giỗ ở trên ngọn cây cau ngoài vườn. Mai thế nào cũng xin mời ngài chiếu cố lên chơi uống rượu cho vui.
Cái tính tham ăn, chưa chi nghĩ đến tôm, tép đã thèm rỏ dãi, mèo vui lòng. Chuột cút thẳng một mạch.
Sáng mai, mèo dậy thật sớm, sắm sửa chỉnh tề để đi ăn giỗ, nhưng lúc ra vườn trèo lên ngọn cây cau thì chẳng thấy họ hàng nhà chuột đâu, cũng chẳng thấy cỗ bàn tôm, tép đâu cả. Mèo đứng mèo kêu, mèo gọi, mèo gào đến khản cả tiếng hết cả hơi mà chẳng thấy tăm của chuột. Bấy giờ mèo già mới biết là mình đã mắc mưu chuột nhắt.

- Truyện ngụ ngôn “Sự báo đáp của chuột”. Một con sư tử đang nằm ngủ trong một cái hang giữa rừng. Nó vừa đánh chén một bữa no nê và bây giờ đang thiu thiu ngủ. Đột nhiên, con sư tử cảm thấy rất ngứa, hình như có con gì đó đang bò trên người nó. Giấc ngủ của nó bị phá hỏng, nó mở mắt và nhận ra một con chuột đang chạy trên lưng mình. Sư tử tức giận gầm lên một tiếng, nó vươn bàn tay to lớn của mình túm lấy con chuột định cho thẳng vào miệng.
Con chuột van lạy rối rít: “Thưa đại vương sư tử đáng kính, hãy tha mạng cho con, ngài hãy để cho con được sống. Chẳng qua là do con vô ý thôi, rồi sẽ có ngày con đền đáp đại ân đại đức của ngài!”
Lúc này sư tử bụng đang no, nó cũng chẳng thèm khát gì việc ăn một con chuột cả. Nghe những lời van xin của chuột, nó phá lên cười và nói với chuột rằng: “Ta tha chết cho ngươi lần này để ngươi ghi nhớ lấy bài học hôm nay, chứ ngươi làm sao mà báo đáp được ta đây? Thôi hãy mau biến đi kẻo ta nổi giận thì khốn!”
Chuột tạ ơn sư tử, sau đó chạy biến mất.
Qua một thời gian dài, sư tử quên hẳn chuyện cũ năm nào. Và có thể nói rằng, nó cũng chẳng thèm để ý đến những chuyện vặt vãnh như vậy.
Rồi một hôm, không may sư tử bị rơi vào bẫy của những người thợ săn, họ lấy dây thừng buộc chặt bốn chân của nó lại và khiêng về. Nhưng do sư tử nặng quá, mấy thợ săn không sao vác nổi, thế là họ chia nhau đi tìm người giúp sức. Đúng lúc ấy, chuột đi qua, nghe tiếng gầm của sư tử, nó chạy lại gần và nhận ra vị ân nhân của mình năm nào. Nó bèn lại gần và nói: “Năm xưa, ông đã từng tha mạng cho tôi, tôi đã hứa là sẽ đền đáp ơn ông. Bây giờ tôi sẽ thực hiện lời hứa ấy của mình, tôi sẽ giúp ông có được tự do!”
“Ngươi sẽ mang lại tự do cho ta ư?”- sư tử hỏi một cách ngạc nhiên - “Liệu ngươi có làm được không?”
“Ông cứ đợi đấy!” - Con chuột trả lời. Nói xong, nó dùng hàm răng sắc nhọn của mình cắn đứt sợi dây trói.
Sư tử thoát nạn, nó chạy ra xa cái bẫy và xúc động nói với chuột: “Thật cảm ơn ngươi quá!” “Tôi đã nói là sẽ báo đáp ông mà!” - Chuột nói – “Tôi biết, lúc đầu ông không tin và chế giễu tôi. Ông là chúa tể của muôn loài nên trong mắt ông, tôi chỉ là một con chuột nhỏ bé và không đáng tin cậy. Nhưng ông hãy nhớ, những người yếu đuối sẽ có cách báo đáp riêng của họ để dành cho những ai luôn giúp đỡ họ trong cuộc sống”.

Chuột cũng được nhắc đến rất nhiều trong văn chương bình dân Việt Nam.

Ai cũng biết mèo và chuột là hai kẻ tử thù. Lúc nào mèo cũng rình để “sơi tái” chuột. Và lúc nào chuột cũng chạy trốn nhưng luôn tìm cách “chọc quê” mèo.

Con mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo


Chưa hết. người đời còn mượn hình ảnh chú chuột để nói lên vụng trộm ái tình trong đêm khuya:

Chuột kêu rúc rích trong rương
Anh đi cho khéo, kẻo đụng giường má hay
Má hay má hỏi đi đâu
Con đi bắt chuột cho mèo con ăn


Để giễu cợt kẻ hợm đời, trưởng giả học làm sang, làm ra bộ khó tính:

Chuột chù chê Khỉ rằng hôi,
Trả lời Khỉ nói: họ hàng mầy thơm?


Đến mùa nước rút, cánh đồng Tháp Mười trở thành nơi sanh sản của rắn và chuột đồng. Rắn và chuột bắt đem chế biến thành những món nhấm "quá đã" giữa chốn bưng biền.

Cần chi cá lóc, cá trê,
Thịt chuột, thịt rắn nhậu mê hơn nhiều!


- Chê những kẻ ngu dốt mà lại hay tỏ ra thành thạo, lên mặt dạy đời, có câu: "Chuột chù nếm dấm."
- Chê những kẻ muốn che giấu bản chất xấu xa, không tốt của mình bằng vỏ bọc ngoài giả tạo, có câu: "Chuột đội vỏ trứng."
- Phê phán những kẻ táo bạo, liều lĩnh, làm những công việc phiêu lưu mạo hiểm, có câu: "Chuột gặm chân mèo."
- Ở đời có lắm chuyện rủi ro, có lúc rơi vào hoàn cảnh hết sức nguy hiểm, trường hợp này người đời thường nói: "Chuột sa cũi mèo."
- Để chỉ hạng người có bộ dạng gian xảo, chỉ chờ chực làm những việc xấu xa, hại người, dân gian có câu: "Mắt dơi mày chuột."
- Chê những kẻ ngu dốt mà lại hay tỏ ra thành thạo, lên mặt dạy đời, có câu: "Chuột chù nếm dấm."
- Để chỉ những kẻ đạo đức giả, tục ngữ có câu: "Mèo già khóc chuột."
- Để chỉ hạng người hay nói những chuyện đâu đâu, không ăn nhập vào vấn đề, người đời thường bảo: "Nói dơi nói chuột."
- Với những kẻ tiểu nhân, sống cố tình che giấu những điều ám muội, đến khi nguy hiểm mới lộ ra bộ mặt hèn hạ của mình, được người đời ví với hình ảnh: "Cháy nhà ra mặt chuột."
- Để chỉ hạng người mới bắt đầu làm công việc gì thì phô trương những điều to tát, qui mô nhưng kết cục thì kém cỏi, chẳng được tích sự gì, tục ngữ có câu: "Đầu voi đuôi chuột."
- Phê phán những kẻ đi làm ơn hạng người có thể quay mặt làm hại mình, gọi là làm ơn mắc oán, như hình ảnh chuột cứu mèo: "Chuột cắn dây buộc mèo."
- Để cười những kẻ đua đòi, đài các rởm không tự biết thân phận mình, có câu: "Chuột chù đeo đạc mõ." Ca dao cũng có câu: "Chim chích mà đậu cành sồi, Chuột chù trong cống đòi soi gương Tàu."
- Phê phán những kẻ bất tài vô tướng nhưng hay khoe khoang, khoác lác, có câu: "Chuột chù lại có xạ hương."
- Gặp những người xưa nay vốn sống trong cảnh nghèo khó, túng thiếu, bỗng dưng gặp vận may, được cuộc sống đổi đời, sung sướng, ấm no và hạnh phúc, dân gian thường nói: "Chuột sa chĩnh gạo" hay "chuột sa bồ nếp" hoặc "chuột sa lọ mỡ."
- Để chỉ những hạng người chậm chạp, lù đù, không lanh lợi, người đời mai mỉa: "Chuột chù phải khói."
- Phê phán những hạng người không biết tự lượng sức mình mà làm những việc quá khả năng, dân gian có câu: "Mèo nhỏ bắt chuột to."
- Đối với người cùng đường cùng, công việc bế tắc thì gọi là "chuột chạy cùng sào." - Khi bị uớt sũng, ướt hết từ đầu đến chân thì nói "Ướt như chuột lột."
- Hành động không mang đến kết quả gì đáng kể, trong khi lại gây ra tổn thất lớn hơn nhiều có câu: "Ném chuột vỡ chum."

Trong trò chơi “Mèo đuổi chuột” của trẻ em, các em đọc đồng thanh bài bài đồng dao: “Mèo đuổi chuột / Mời bạn ra đây / Tay nắm chặt tay /Đứng thành vòng rộng / Chuột luồn lỗ hổng / Mèo chạy đằng sau?/ Thế rồi chú chuột lại đóng vai mèo Co cẳng chạy theo, bác mèo hóa chuột.”

Trong kinh Phật có nói đến bốn loại chuột: Đó là chuột sống trên nóc nhà, chuột trong nhà, chuột ngoài đồng ruộng, chuột sống nơi nhà xí.
Chuột sống trên nóc nhà thì không thể sống ngoài đất bằng. Chuột sống trên đất bằng không thể sống trên nóc nhà. Chuột sống nơi đồng ruộng thì không thể sống nơi nhà người và ngược lại.
Chuột sống nơi nhà xí thì không thể ra khỏi nhà xí, không biết trong kho có nhiều lúa thóc.
Cũng vậy, con người cũng có bốn hạng.
1) Người có tâm ý ngay thẳng, trì giới không khuyết phạm, muốn được đạo quả A la hán.
2) Người trì giới tinh tấn, muốn được đạo Bích Chi Phật.
3) Người trì giới học hỏi nhiều, hiểu rõ kinh, có trí tuệ, mong muốn độ tất cả chúng sinh, muốn được thành Phật.
4) Người mượn danh đệ tử Phật, không thể trì giới, không muốn học hỏi, tâm ý vẫn còn do dự sợ không đắc đạo.

Ngôi đền Karni Mata thuộc Ấn giáo còn được gọi là đền Mooshak có lịch sử 600 năm tuổi, tọa lạc tại Deshnoke, là nơi sinh sống của khoảng 25.000 con chuột đen. Chuột ở đây được bảo vệ và cung phụng như những ông hoàng. Khi đến đây, du khách phải đi nhẹ, nói khẽ để tránh làm kinh động đến lũ chuột. Đặc biệt, họ không được phép làm bất kỳ điều gì gây tổn hại đến chủ nhân của ngôi đền. Nếu làm chết một con, họ sẽ phải trả bằng một con chuột đúc bằng bạc. Truyền thuyết kể rằng trong một lần xuống ao uống nước, Laxman, con trai của nữ thần Karni Mata bị chết đuối. Nữ thần đã rất đau khổ và cầu khẩn Yama (thần chết) hồi sinh con trai của mình. Yama đồng ý cho Laxman và tất cả con trai của Karni Mata tái sinh thành chuột. Trong số hàng nghìn con chuột sống trong đền thờ, một vài con có bộ lông màu trắng được coi là đặc biệt linh thiêng. Người dân ở đây tin rằng chúng là hóa thân của Karni Mata và 4 người con trai. Thấy chuột bạch được coi là phước lành.

Trong Ki-tô giáo có nói đến Thánh Martin de Pores, người da đen, gốc châu Mỹ La Tinh, là một thầy tu được giao nhiệm vụ coi bếp cho nhà dòng. Các chú chuột thấy thầy hiền lành, mỗi tối kéo tới cả bầy để được thầy cho ăn, nhẩy múa và ca hát chít chít với chúng. Khi cha bề trên khám phá ra, ngài ra lệnh cho thầy Martin phải di tản lập tức đàn chuột ra khỏi nhà dòng trong thời gian ngắn nhất. Thầy chờ đến nửa đêm, họp đại hội đồng chuột, báo cáo tình hình khẩn trương, ra lệnh di tản và khuyên anh em không được phá phách một tí gì trên đường rút lui khỏi nhà dòng. Thế là sau giờ Tý canh ba, thầy Martin đi trước dẫn đầu, sư đoàn chuột hàng ngũ chỉnh tề theo sau, vừa hát vừa nhẩy múa, vui vẻ kéo nhau ra cánh đồng, trước sự chứng kiến đầy kinh ngạc của cha bề trên và các tu sĩ khác.

Có một con chuột khác nổi tiếng khắp thế giới từ trên nửa thế kỷ nay. Đó là chú chuột Mickey. Chú được nhà làm phim hoạt họa Walt Disney khai sinh. Chú biết nói, biết vui, biết buồn, biết yêu, biết làm đủ thứ trò... trên màn ảnh. Trẻ em yêu chú hết biết. Nhiều người lớn cũng khoái chú luôn. Chià khóa thành công của chú là yêu đời, yêu người, lúc nào cũng vui vẻ, nghịch ngợm nhưng không làm hại ai, có tinh thần phò nguy cứu khốn, trừ gian, diệt bạo. Chú là gương mẫu cho con người. Nếu ai cũng sống như chú thì bốn phương đã được hưởng thái bình từ lâu.


Mặc dù vòng đời của một chú chuột đồng chỉ kéo dài 18 tháng, nhưng đó là khoảng thời gian được lấp đầy bởi những buổi xiếc phiêu lưu. Năm 2000 Shane Willmott chinh phục thế giới với những con chuột lướt sóng bằng tay. Giờ đây, anh thực hiện thử thách mới - đào tạo loại động vật gặm nhấm này xử dụng ván trượt, sau đó lao qua một vòng lửa. Willmott, sống trong khu vực Gold Coast phía đông Australia, thậm chí còn xây cho những người bạn nhỏ của mình một công viên trượt băng nhỏ.


Chuột cũng được các điêu khắc gia chú ý. Nghệ nhân thường dùng gỗ có kích thước lớn, chất lượng tốt, lõi chắc, vân gỗ đẹp. được cắt ra thành từng khối lớn và chuyển vào máy tiện. Tiếp theo, nghệ nhân sẽ phải ngồi tạo hình chi tiết lại, đánh giấy ráp, sửa lỗi, bôi keo, phun sơn và hoàn thiện các tác phẩm điêu khắc chuột khổng lồ. Các tác phẩm điêu khắc đầu chuột do gia đình Pinault tại Pháp được nhiều người chiêm ngưỡng.

 
Trong tranh Đông Hồ ‘Đám cưới chuột’, màu sắc đỏ, xanh, vàng chủ đạo của bức tranh, gợi mở ra cho người xem khung cảnh đám cưới rực rỡ, nhộn nhịp. Nhưng lại không hề mất đi sự linh thiêng. Mặt khác với nhân vật mèo, dù chuột có thể là kẻ thù “không đội trời chung” của nó, song mèo vẫn tỏ vẻ hài lòng, tán đồng ngày lễ lớn của đôi vợ chồng trẻ. Cụ thể, mèo được xây dựng với hình tượng béo tốt, mặt nghiêm nghị tỏ vẻ như khó chịu. Xong tay vẫn chìa ra để nhận hối lộ, còn các nhân vật chuột bé nhỏ, vừa phải kèn trống đi cống nạp, vừa phải khép nép dò xét tình hình để ứng biến linh hoạt. Toàn cảnh bức tranh cho ta thấy rằng kẻ yếu hèn thì luôn là những kẻ phải chịu bất công và thiệt thòi. Nội dung câu chuyện qua bức tranh trên được kể như sau: Một hôm giòng họ nhà Chuột quyết định làm đám cưới cho hai con. Chuột mẹ tất tưởi lo mọi công việc chuẩn bị cho đám cưới, kể cả việc đi coi tuổi cho cô Dâu, chú Rể, rồi định ngày lành tháng tốt để cưới hỏi. Có một việc quan trọng, cả họ phải lo, là cấn phải hối lộ quan bác Mèo Già để tránh bị phiền hà, mong sao quan Mèo làm ngơ cho đám cưới được diễn tiến tốt đẹp. Đến ngày cưới, họ hàng nhà chuột, quần áo chỉnh tề, trong nghi thức cổ truyền dân tộc đầy hân hoan rạng rỡ. Hôn lễ cử hành trong nghi thức đơn giản, không rườm rà, đã được quan bác Mèo thông cảm cho hoàn tất êm đẹp. Thế nhưng bi kịch đã không xảy ra trong ngày đám cưới chuột, mà lại xảy ra vào ngày vợ chuột sinh con đầu lòng. Vợ chuột vừa qua cơn đau đẻ “Vượt biển một mình” cứ tưởng sẽ được “Mẹ tròn, con vuông”. Nào ngờ đâu, bất chợt quan Mèo già xuất hiện, bắt trọn ổ cả nhà chuột đem đi hành hình xơi tái, kết liễu tang thương một gia đình trẻ nhà chuột.



Nói đến bìa báo Xuân ngày xưa mà không đề cập đền bìa báo Xuân Canh Tý (1960) của nhật báo Tự Do xuất bản ở Sài Gòn là một thiếu sót, bởi lẽ đó là một sự kiện quan trọng trong lịch sử báo chí. Canh Tý, đề tài Chuột là thích hợp hơn cả. Không phải một con chuột mà đến năm con chuột. Kích cỡ lớn nhỏ, màu sắc đậm nhạt khác nhau, năm con chuột đang đục khoét tan hoang một quả dưa hấu đỏ, vỏ dưa màu vàng! Cẩn thận, tác giả còn ghi chữ Canh Tý bằng Hán văn lên góc trái bức tranh. Có điều khác thường là không có tên tác giả, vừa có vẻ đẹp của một bức họa dân gian vừa trông như một bức tranh sơn mài truyền thống, có thể cắt ra để treo ở phòng khách. Và thế là có nhiều độc giả cắt bìa báo Xuân Canh Tý để treo làm Tranh Tết dân gian trong phòng khách. Họ lại có sáng kiến treo ngược bức tranh: Vỏ quả dưa màu vàng nổi bật trên nền màu đỏ. Chẳng ai biết hoạ sĩ muốn gửi gắm điều gì. Muốn hiểu chỉ có cách suy đoán, suy diễn.


Trinh Thử thật sự là một truyện nôm dân gian bằng thơ, ra đời cuối thế kỷ 19, là hình ảnh của hạng người trong xã hội đương thời, một bên là trọng nghĩa khinh tài, một bên là phường giá áo túi cơm.Vì các bản in xưa kia, ngoài bìa ghi tác giả là « Trần triều xử sĩ Hồ huyện Qui tiên sinh soạn » nên độc giả tưởng là tác phẩm thời Trần Hồ. Tác phẩm gồm 850 câu lục bát, kể chuyện con chuột Bạch góa chồng nhưng nhứt định không tái giá, ở vậy nuôi con thờ chồng. Ngày nọ chuột Bạch đi kiếm mồi nuôi con bị chó rượt, chạy lạc vào một hang chuột khác. Nhân lúc chuột cái đi vắng, chuột đực ve vãn, ép duyên nhưng chuột Bạch một mực chối từ. Sau cùng, chuột đực buộc lòng phải để chuột Bạch rời hang. Kịp đến, khi chuột cái vừa về đến nhà, bắt gặp chồng tiễn đưa chuột Bạch ngay cửa hang, bèn nổi cơn ghen, mắng mỏ chồng, rồi sang nhà chuột Bạch đánh ghen. Khi chuột Bạch trần tình sự việc với chuột cái, thì mèo chạy đến, chuột cái hoảng sợ, chạy té xuống giếng. May thay, có một nho sinh tên Hồ Sinh (người biết tiếng chim muông, thú vật đã đứng nghe câu chuyện từ đầu) thấy thế, bèn đuổi mèo đi, vớt Chuột Cái lên, rồi lấy lời lẽ phải trái nói rõ lòng trinh tiết của Chuột Bạch và khuyên nhủ Chuột Cái làm đàn bà phải giữ lòng trinh như chuột Bạch.

Người xưa câu ví còn gương,
Đàn bà cả tiếng, tan hoang cửa nhà,
Sự này dù thực dù ngoa,
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình...


Apollinaire có bài thơ La Souris (Con chuột) trong bộ Le Bestaire (Tranh cầm thú), gồm 30 bài được Raoul Dufy minh họa năm 1911. Bài thơ ngắn, đơn giản, thi vị:

Belles journées, souris du temps
Vous rongez peu à peu ma vie.
Dieu ! je vais avoir vingt huit ans,
Et mal vécus, à mon envie.
(Bao nhiêu ngày đẹp, chuột thời gian
Gậm nhấm đời ta đã mẻ mòn.
Trời ơi ! mình sắp lên hăm tám
Sống vất vơ và mộng dở dang.)

Tô Hoài, một nhà văn viết nhiều về chuột. Những truyện ngắn O chuột, Chuyện gã Chuột bạch, Chuột đồng chuột nhà, và những Chuột thành phố, Đám cưới chuột… Ông viết với tư tưởng mới mẻ, nhiều thiện cảm với loài chuột:
"Thân chúng nhỏ nhắn, mõm chúng xinh xinh vừa phải. Về sự nhanh nhẹn, phải biết rằng nhờ ở cái thân hình bé bỏng, chúng leo vun vút, chúng chạy thoăn thoắt như có phép biến hóa".
Đoạn tác giả tả con chuột nhắt bị mèo vồ, bắt làm tù binh, được các bạn chuột lên tiếng phản đối "đòi thả" mới cảm động làm sao: "Mèo liền gầm gừ, gầm gừ làm như sắp lăn ngay vào chiến tranh với những quân cỏ rác kia. Lũ chuột nhắt câm ngay. Song chúng cũng không câm hẳn. Hễ mèo mà ngắt tiếng là chúng nó lại chiií chiií rầm rầm. Làm điệu như xỉ vả bác mèo".
Đặc sắc nhất là Chuyện gã chuột bạch tinh quái, ý nhị:
«Cả hai vợ chồng cùng ưa đêm tối. Bởi ban ngày họ thường ngủ. Bốn cái chân trước sát vào nhau ; bốn con mắt cùng khép. Chiều đến đã đem bóng về dần dà trong cửa sổ, Bấy giờ vợ chồng chuột mới bừng mắt. Họ ngơ ngác nhìn hoàng hôn. Gã chuột đực mò mẫm tìm cái đĩa đựng gạo. Chị vợ cũng nhẹ nhàng đi theo. Họ gậm nhấm mấy hạt. Những tiếng răng nghiến trên hạt gạo, nghe ken két, sàn sạt như tiếng một con mọt cựa mình trong thớ gỗ».

Năm Tý cũng nên ghi nhớ các năm Tý trong lịch sử VN:
- Năm Canh Tý (40): Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đền nợ nước, trả thù nhà, đánh đuổi thái thú Tô Định chạy về Nam Hải.
- Năm Giáp Tý (544): Lý Bôn lên ngôi hoàng đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, niên hiệu là Thiên Đức.
- Năm Nhâm Tý (1252): Vua Chiêm đem quân sang quấy nhiễu vùng biển nước ta. Vua Trần Thái Tông ngự giá thân chinh dẹp yên bờ cõi.
- Năm Mậu Tý (1228): Quân ta đại thắng trên sông bạch Đằng, bắt sống tướng nhà Nguyên là Ô Mã Nhi, làm sụp đổ giấc mộng xâm lăng của chúng.
- Năm Mậu Tý (1648): Hai họ Trịnh - Nguyễn lại đánh nhau to, quân Trịnh đại bại.
- Năm Nhâm Tý (1792): Vua Quang Trung băng hà, con là Quang Toản lên ngôi lấy hiệu là Cảnh Thịnh.
- Năm Mậu Tý (1888): Vua Hàm Nghi bị thực dân Pháp bắt và đày sang Algerie. Cũng năm đó, vua Đồng Khánh mất, triều thần đưa vua Thành Thái lên ngôi, cũng là một ông vua yêu nước và chống Pháp.

Năm con chuột, người ta tin đẻ con trai rất tốt vì thấy có nhiều người đàn ông làm lớn sinh trong năm Tý. Nhiều nhân vật nổi danh trên thế giới sinh vào năm Tý. Nam nhân sinh vào năm Giáp Tý hay Nhâm Tý được xem là cực quí.
- Thí dụ cụ thể nhất là cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu sinh vào giờ Tý, ngày Tý, tháng Tý, năm Giáp Tý (1924). Bà Ngô Đình Nhu (Trần Thị Lệ Xuân), Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy cũng sinh vào năm Giáp Tý. Mỗi người nổi danh theo cách riêng.
- Phùng Khắc Khoa (Mậu Tý, 1528- 1613), danh sĩ đời Lê Thế Tông, hiệu Nghi Trai, tự Hoằng Phu, quê xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây.
- Phạm Đình Hổ (Mậu Tý, 1768- 1839), danh sĩ đời Minh Mạng, tự Tùng Niên, Bỉnh Trực, hiệu Đông Dã Triều. Con quan Tham tri Phạm Đình Dư, nên tục gọi là Chiêu Hổ, quê xã Đan Loan, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương.
- Hoàng Diệu (Mậu Tý, 1828- 1882), chí sĩ yêu nước, tự Quang Viễn, hiệu Tĩnh Trai, quê làng Xuân Đài, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
- Nguyễn Trường Tộ (Mậu Tý, 1828- 1871), chí sĩ, quê làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
- Huỳnh Thúc Kháng (Bính Tý, 1876 - 1947), chí sĩ, học giả, quê làng Thanh Bình, tổng Tiền Giang Phương, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
- Hoa Kỳ có hai tổng thống sinh vào năm Giáp Tý 1924. Đó là tổng thống Jimmy Carter (DC) và George H.W. Bush (CH). Tổng thống Mugabe của Zimbabwe, Kim Dae Jung của Nam Hàn đều tuổi Giáp Tý. Hai thủ tướng Nhật tuổi Giáp Tý là Noboru Takeshita và Tomiichi Murayama.
- Các nhà lãnh đạo như Kim Il Sung (Kim Nhật Thành - 1912), Michel Debré (Pháp - 1912), Erich Honecker (Đông Đức - 1912), Silvio Berlusconi (Ý - 1936), Frederik W. De Klerk (Nam Phi - 1936), Thái tử Charles (Anh - 1948), Al Gore (Hoa Kỳ - 1948), Hassan Rouhani (Iran - 1948), Yulia Tymoshenko (Ukraine - 1960), Benigno Aquino III (Phi Luật Tân - 1960) v.v. đều sinh vào năm Tý. Bà Eva Braun, hôn thê của Hitler vào phút hấp hối của chế độ Đức Quốc Xã, sinh vào năm Nhâm Tý 1912.
- Các ông Foster Dulles (ngoại trưởng Hoa Kỳ - 1888), Mc Cain (nghị sĩ - 1936), Jon Huntsman Jr. (đại sứ - 1960), Elena Kagan (nữ thẩm phán Tối Cao Pháp Viện -1960) đều sinh vào năm Tý.
- Có hai vị Giáo Hoàng sinh vào năm Tý: Giáo Hoàng John Paul I sinh năm 1912 và Giáo Hoàng Francis sinh năm 1936.

Theo quan niệm dân gian, chuột mang đến sự sung túc, thịnh vượng, bởi vì nơi nào có của ăn, của để dồi dào thì chúng mới tìm đến. Chuột cũng đại diện cho một gia đình đuề huề, hạnh phúc, con đàn, cháu đống, nhờ đẻ nhiều, đẻ tốt. Người xưa cũng cho rằng những đứa trẻ sinh năm Tý đều thông minh, tài giỏi và được hưởng phúc từ tổ tiên.
Năm Tý, nhớ câu :

Chuột kêu rúc rích trong rương,
Anh đi nhè nhẹ, đụng giường má hay

Tiếng kêu của chuột biểu hiện hạnh phúc, Tô Hoài nói: "Nhà ai mà chuột chù cứ túc túc luôn, ắt nhà ấy hẳn sắp có việc đại phát tài."
Trong tâm thức mỗi người và qua văn thơ, nhất là ngôn ngữ dân gian, chuột là một hình ảnh quen thuộc và thân thương. Mừng xuân Canh Tý, xin chúc các bạn một cách bình dân và giản dị "chuột sa hũ gạo", vì sống ở đời, không có gì may mắn hơn như thế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét