Dùng thẻ tín dụng – tức là vay tiền để mua sắm và trả tiền đúng hạn - là một cách để biểu lộ uy tín của mình trên thị trường tài chánh. Chúng ta thường được khuyên rằng tháng nào trả hết nợ tháng đó, đừng để dây dưa đến tháng sau, là biện pháp tốt nhất. Đó là điểm chính, tuy nhiên nhiên, để giúp điểm tín dụng tăng nhanh hơn, bạn nên tận dụng một vài “mánh khóe”:
Hãy xem hai hoàn cảnh tưởng là giống nhau nhưng lại đưa đến kết quả khác nhau: Anh Nguyễn Văn A và chị Nguyễn Thị B đều dùng thẻ tín dụng – của ngân hàng Bank of America, chẳng hạn. Giả sử số chi tiêu của họ hơn kém như nhau, cả hai đều là người có trách nhiệm, tháng nào cũng vậy, khi nhận được bill là họ trả hết số nợ trong tháng. Nhưng sau một thời gian, điểm tín dụng của anh A cao hơn chị B. Tìm hiểu lý do đưa đến sự khác biệt, họ nhận thấy như sau:
* Anh A trả nợ TRƯỚC ngày ngân hàng báo cáo cho credit bureau.
* Trong khi chị B trả nợ SAU ngày ngân hàng đã báo cáo cho credit bureau.
Cùng một món tiền phải trả, nhưng thời điểm trả trước hoặc trả sau ngày ngân hàng báo cáo với credit bureau đưa đến những kết quả khác biệt.
Tương tự như vậy, bạn có thể áp dụng “chiến thuật” này bằng cách:
1. Biết khi nào ngân hàng (có thể gọi chủ nợ, hoặc công ty tín dụng) báo cáo về chi tiêu của bạn cho credit bureau. Với báo cáo này, credit bureau sẽ tính toán số nợ để xem bạn có thể trở thành một “nguy cơ trốn nợ” hay không, và cũng từ đó cho điểm tín dụng. Bạn có thể gọi lên cho ngân hàng, và hỏi xem họ báo cáo hàng tháng vào ngày nào. Xin nhớ rằng đây là ngày ngân hàng báo cáo cho credit bureau, chứ không phải là ngày hạn chót bạn phải trả tiền. Ngày báo cáo xảy ra trước khi ngân hàng gửi bill, còn hạn chót (due date) sẽ là một ngày nào đó sau khi bill đã được gửi ra. Muốn biết ngày báo cáo, bạn phải gọi lên để hỏi - và nhân viên ngân hàng sẵn sàng tiết lộ ngày đó - còn ngày hạn chót thì được ghi rõ trong bill, khỏi cần hỏi..
2. Trả nợ chừng 1 tuần lễ trước ngày báo cáo: Thí dụ bạn đã hỏi và biết rằng ngày báo cáo của ngân hàng là mồng 5 mỗi tháng. Nhưng bạn lại có thói quen chờ bill, và trả vào mồng 10, và tưởng rằng như vậy cũng đã là sớm, vì ngày hạn chót được ấn định là 24. Thực ra trả được như vậy cũng đã tốt. Nhưng trước đó, món nợ đã được trình lên credit bureau vào ngày 5 rồi. Món nợ trong trương mục dù ít dù nhiều cũng làm cho bạn trở thành “sự rủi ro” dưới con mắt của credit bureau.
Nếu thay vì trả vào ngày 10 theo thông lệ, bạn sẽ cố trả vào ngày 1 mỗi tháng, thì khi ngân hàng báo cáo, trương mục của bạn đã sạch trơn với tỷ lệ nợ nần là 0. Khi credit bureau nhận được báo cáo ấy, họ sẽ nhìn bạn bằng con mắt “ngưỡng mộ” hơn nhiều. Sự đánh giá của credit bureau về bạn đương nhiên tốt hơn, mặc dầu thực tế bạn không phải trả thêm đồng nào, chỉ là điều chỉnh ngày trả nợ mà thôi.
3. Không vượt quá tỷ lệ 30% so với credit limit: Credit Limit là giới hạn tối đa mà ngân hàng cho phép bạn sử dụng. Thực tế, bạn không bao giờ nên dùng tới mức này, mà chỉ dùng khoảng 30% mà thôi. Thí dụ, hiện nay ngân hàng cấp credit limit là $6,000, bạn chỉ nên dùng tới 30%, tương đương $1,800, rồi sau đó trả hết hoặc trả bớt. Sử dụng quá 30% credit limit sẽ làm tổn thương lý lịch của bạn. Dùng sát mí giới hạn $6,000 sẽ khiến giới chủ nợ kinh động, và sẽ kéo điểm tín dụng của bạn xuống thấp.
4. Xin tăng thêm credit limit: Tuy không bao giờ dùng tới giới hạn tối đa, lâu lâu bạn vẫn cần xin ngân hàng nâng “cái trần nhà” cao hơn lên một chút. Bởi vì, khi “trần nhà” được nâng cao, tỷ lệ nợ nần của bạn càng nhỏ lại, và uy tín bạn tăng lên.
Để ý 4 điểm trên, bạn sẽ mau chóng nâng cao uy tín, sẽ được credit bureau và ngân hàng coi trọng, hơn hẳn nhiều người khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét