Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

CHUYỆN TRÒ VỚI THẦY PHÓ TẾ NGUYỄN MẠNH SANG


Thụy Vi: Dạ, thưa Thầy, thông thường khi nói đến những người tù nhân, thì người đời thường không có thiện cảm đối với các can phạm, vì coi họ là những thành phần nguy hiểm cho xã hội, riêng đối với Thầy, là một người kinh nghiệm với các tù nhân,vậy theo ý kiến riêng của Thầy, thì Thầy thấy quan niệm này có đúng hay không? Và các tù nhân thì thật sự đáng thương hay đáng ghét ?

Thầy San: Thứ nhất là Thụy Vi hỏi câu đó rất là ý nghĩa và rất là sâu sắc. Hồi mà Thầy được chỉ định làm tuyên úy trại tù, thì trong thâm tâm Thầy đã có ý nghĩ giống như mọi người khác, coi tù nhân là những người cặn bã trong xã hội và còn là những người gây nguy hiểm cho người khác nữa. Thế nhưng, khi Thầy làm việc được vài ba năm, thì đúng như câu người Việt Nam thường nói: Có nằm trong chăn mới biết chăn có rận, càng ngày càng đi sâu vào các công tác mục vụ tù nhân, Thầy mới nhận thấy những tù nhân, bất cứ phạm tội gì, từ tội tiểu hình lên đến tội đại hình, đều do những nguyên nhân tiềm ẩn khác nhau, dẫn đưa người ta đến chỗ phạm tội, nhất là có những người làm bậy mà họ không biết là họ làm bậy, nhưng đến khi biết được là mình làm bậy, trong lòng cảm thấy hối hận thì đã quá muộn màng; còn nếu họ biết họ làm bậy, mà họ vẫn cứ làm bậy, thì những thành phần như vậy, là họ đã sẵn sàng chấp nhận mọi hình phạt của chánh quyền nếu họ bị bắt.

Ngoài ra các tội phạm như cướp của, hiếp dâm, giết người vì thù oán, vì ghen tương, v.v... mà Thầy được các tù nhân tâm sự cho Thầy nghe những nguyên nhân nào đã thúc đẩy họ phạm tội, vào mỗi lần Thầy đến thăm nom an ủi họ trong các trại tù. Mục đích họ tâm sự với Thầy không phải là để mong đợi Thầy giúp đỡ họ được ra khỏi tù sớm hơn đâu, mà họ chỉ muốn có người mà họ tin cậy như Thầy là một tuyên úy, để họ có thể dốc bầu tâm sự về những hành động sai quấy mà họ đã làm, giúp họ vơi đi một phần nào niềm ân hận trong lòng. Nhờ đó mà Thầy mới biết rằng hầu hết 80% những tù nhân phạm tội đại hình (felony), như tội giết người lãnh án tử hình, thì hầu hết 80% những người đó ở trong thành phần bị gia đình bỏ rơi hoặc từ hồi bé đã không được Cha Mẹ nuôi dưỡng, săn sóc đàng hoàng hoặc chơi với bạn bè xấu, rồi bị ảnh hưởng, một khi đã bị ảnh hưởng xấu như vậy, thì thường thường là bị nghiện xì ke ma túy, nên rất dễ dàng phạm những tội cướp của giết người,để có tiền mua thuốc hút và một khi đã bị rơi vào tình trạng nghiện ngập rồi, thì đâu còn biết phân biệt hành động nào là phải trái nữa. Như vậy, nếu bị bắt giam vào tù,thì nơi đây vẫn nuôi mình 3 bữa ăn mỗi ngày,mùa đông cũng có máy sưởi,mùa hè có máy lạnh sung sướng hơn là những người homeless phải ngủ ngoài màn trời chiếu đất, nhưng đến khi họ bị giam vào trong trại tù rồi, thì họ mới thấy sự tự do mới là điều đáng quý nhất trên đời. Thành ra tù nhân được sống đầy đủ về vật chất, nhưng mà tinh thần họ vẫn thấy thiếu thốn và khi họ nhận biết ra như vậy,thì đã quá muộn màng.Như trên Thày đã nói 80% tù nhân bắt nguồn từ hồi còn bé rồi cho đến khi trưởng thành là những nạn nhân bị gia đình bỏ rơi,hoàn toàn thiếu sự săn sóc đầy đủ của Cha Mẹ, vì có những người Cha của tù nhân, lấy tới ba bốn đời vợ, còn người Mẹ cũng lấy tới ba bốn đời chồng, thì làm sao có thể giáo dục con cái thành người tốt lành được. Vì thế ở Hoa Kỳ, có những đạo luật bảo vệ trẻ con dưới tuổi vị thành niên, Cha Mẹ không được quyến lạm dụng con cái còn nhỏ tuổi để trở thành những kẻ nô lệ cho mình, không được đánh đập chúng, giam cầm chúng khi chúng nó phạm lỗi lầm dù nhẹ hay nặng. Chính vì khi còn nhỏ con cái không được Cha Mẹ dạy dỗ đúng cách hoặc bị Cha Mẹ bỏ rơi, để cho con cái tự ý muốn làm gì thì làm, khi lớn lên, chúng nó sẽ trở thành những đứa trẻ vô gia cư, vô nghề nghiệp, vì không được học hành đến nơi đến chốn, chúng sẽ dễ dàng trở thành những kẻ tội phạm trong xã hội. Đó là một số nguyên nhân căn bản gây ra tội phạm, mà Thầy giải thích một cách tổng quát cho Thụy Vi nghe như vậy.

Thụy Vi: Dạ vâng. Hồi nãy Thụy Vi có nghe Thầy nói có hai thành phần chính, một thành phần làm bậy nhưng không biết mình làm bậy, còn một thành phần biết mình làm bậy nhưng mà vẫn làm bậy. Vậy thì Thầy có thể đưa ra một thí dụ cho mỗi trường hợp, nó rõ ràng hơn để quý thính giả có thể hiểu rõ hơn không ạ?

Thầy San: Vâng, thành phần thứ nhất làm bậy, nhưng không biết mình làm bậy, là tại vì bị nghiện ngập xì ke ma túy rất nặng. Thành phần thứ hai biết mình làm bậy nhưng mà vẫn làm bậy, là tại vì khi thi hành xong án tù, được thả về nhà, nhưng khi đi xin việc làm không ai thuê mướn, nên ngựa quen đường cũ, đành phải quay trở về nghề đi ăn trộm ăn cướp, nếu cần phải giết người cũng giết để có tiền nuôi thân, thành phần thứ hai này rất muốn hoàn lương, để trở thành người tử tế, nhưng họ đã không có cơ hội nào để hoàn lương vì lý do vừa được nêu trên đây. Còn thành phần thứ nhất rất khó có thể hoàn lương, để trở thành những người tử tế, vì chất xì ke ma túy đã ngấm vào trong máu của họ rồi, họ dễ dàng phạm tội để miễn sao có tiền mua thuốc hút, nên trong thành phần này, rất ít người có thể hoàn lương. Nói tóm lại, nếu Thụy Vi muốn Thầy kể cho Thụy Vi nghe một câu chuyện khác về tù nhân, thì Thầy sẵn sàng kể tiếp cho Thụy vi nghe.

Thụy Vi: Dạ vâng, Thầy làm trong tù trên 10 năm rồi, thì Thầy đã nghe thấy rất nhiều chuyện thương tâm, những chuyện mà thật sự đáng tiếc xảy ra, những chuyện đó đều có thật hết. Thì Thầy có thể cho một vài ví dụ đối với Thầy, thì Thầy thấy rất đáng thương, đáng tội nghiệp ạ!

Thầy San: À vâng, trước khi trả lời câu hỏi của Thụy Vi, Thầy xin minh xác lại là vừa rồi Thụy Vi nói Thầy làm trên 10 năm trong trại tù, nhưng thực ra là Thầy làm trên 18 năm liên tục cho tới bây giờ vẫn còn làm trại tù. Thầy so sánh (Compare) những tù nhân Á Châu nói chung và người Hoa Kỳ nói riêng, thì tù nhân Á Châu trong đó gồm có Việt Nam, Tàu, Mễ Tây Cơ, v.v…thì đây là lúc những người thân trong gia đình của các tù nhân, như Cha Mẹ, con cái, anh chị em cảm thấy thương xót người thân của họ bị ở tù nhiều nhất và họ chỉ được phép thăm tù nhân của họ mỗi tuần một lần, nhưng nếu được phép thăm hai hay ba bốn lần mỗi tuần, thì họ cũng vào thăm, tại vì họ nói rằng cho dù vợ, chồng hay con cái của họ làm bậy, hoặc là ông hay bà của họ làm bậy, nhưng trong giờ phút này họ cảm thấy thương xót cho người thân của họ bị tù tội. Ngược lại cách đối xử của người Hoa Kỳ đối với thân nhân của họ bị ở tù, thì lại khác hẳn với người Á Châu nói chung, tuy nhiên vẫn có một số rất ít người Hoa Kỳ, cách đối xử của họ cũng giống người Á Châu như Thầy vừa mới nói trên đây, còn thường ra, ngay cả những người thân yêu trong gia đình như là con cái, vợ hay chồng, Cha Me, v.v… nếu bị bắt vào trại tạm giam đề chờ ngày tòa xét xử, thì những người thân ở bên ngoài, có khi cả 1 tháng mới tới thăm tội nhân 1 lần, nhiều người không phải vì lý do bận rộn mà không đến thăm nom tội nhân, hay vì ngăn trở công ăn việc làm, không thể đến thăm tội nhân thân thương của mình được, mà họ giải thích lý do bằng ngôn từ tiếng Mỹ: What you did wrong, you deserve for what you did, có nghĩa là: Anh đã làm điều sai lầm, thì anh xứng đáng phải nhận lãnh hậu quả của việc anh đã làm. Hoặc nói một cách vắn tắt: Cho đáng đời. Vì người Mỹ quan niệm rằng người nào gây ra tội thì người ấy phải chịu tội, bất kể người đó là người thân trong gia đình.

Thầy xin kể lại một vụ mới xẩy ra làm điển hình cho sự khác biệt giữa người Á Châu với người Hoa Kỳ, như vừa mới giải thích trên đây. Có một anh chồng Mỹ bị bắt vào trại tạm giam, để chờ ngày ra tòa xét xử về tội đánh vợ, nhưng không gây thương tích nặng cho vợ. Mặc dầu người vợ có khả năng tài chánh để có thể đóng tiền thế chân (Bail bond) cho chồng được tại ngoại về nhà chờ ngày ra tòa xử, nhưng người vợ không chịu đóng tiền thế chân cho chồng được tại ngoại, nại lý do là để chồng nằm trong tù một thời gian, có thì giờ nhàn rỗi để cho chồng mình suy xét lại hành động vũ phu của anh đối với vợ và hy vọng anh sẽ lấy đó làm một bài học hối cải. Anh chồng này ở trong tù đã gần 3 tháng, thì cảm thấy nhớ vợ con và nhờ Thầy liên lạc để yêu cầu người vợ hãy đưa con vào cho chồng thấy mặt vợ con. Nhưng mà người vợ từ chối, nói lý do là nếu đưa con vào thăm Bố trong trại giam như vậy, thì không tốt cho đứa con mới 6 tuổi, vì nó sẽ nhìn thấy Bố nó mặc áo tù và nó sẽ thắc mắc tại sao Bố nó lại bị ở tù, và tại sao Mẹ nó lại nói dối với nó là Bố đi công tác xa chưa về. Chính vì thế mà người vợ từ chối không chịu đưa con vào thăm Bố nó trong trại giam, đồng thời người vợ cũng cả tháng mới vào thăm chồng một lần và nại lý do là bận rộn phải săn sóc con, nên không có thì giờ rảnh rỗi để vào thăm chồng thường xuyên. Đọc tới đây chúng ta nhận thấy nền văn hóa Á Châu nói chung, khác biệt với nền văn hóa Hoa Kỳ nói riêng. Chẳng hạn người Á Châu, luôn luôn thương yêu tất cả những người thân thương của mình, khi bị ở tù cho dù phạm tội nhẹ hay phạm tội nặng, họ đều đến thăm tội nhân nhiều lần nếu có thể. Còn người Hoa Kỳ thì họ chỉ thăm tượng trưng, vì họ muốn cho những người thân của họ đã làm những chuyện tầm bậy, thì phải đền tội trước pháp luật.

Thực ra mỗi nền văn hóa của mỗi quốc gia đều có cái hay cái dở của quốc gia đó. Tuy nhiên người ta nhận thấy đa số người dân thuộc các quốc gia Á Châu, thì bản chất của họ chứa đựng nhiều tình cảm hơn những người dân Âu Châu và Mỹ Châu. Sau hơn 18 năm liên tục được phục vụ các tù nhân thuộc nhiều sắc tộc trên thế giới, Thầy nhận thấy có một điều khá đặc biệt, là tù nhân người Mỹ nói riêng, trước khi họ bị ở tù, họ dữ dằn một, nhưng đến khi bị vào tù, họ lại dữ dằn gấp đôi, vì họ tức giận là mất sự tự do đi lại, như con sư tử bị nhốt trong chuồng. Trái lại những người tù Á Châu nói chung, ở ngoài thuộc thành phần băng đảng hoặc thuộc thành phần du đãng dữ dằn, nhưng khi vào tù, thì họ lại rất hiền lành, ngoan ngoãn như con cừu non, không có những hành động chống đối hay chửi bới những nhân viên trong trại tù. Thành ra những nhân viên làm việc trong trại tù rất thích săn sóc cho những tù nhân Á Châu. Thầy được biết tại sao tù nhân Á Châu ở ngoài dữ dằn bao nhiêu nhưng đến khi vào tù lại hiền lành bấy nhiêu, vì họ nghĩ rằng nếu mình ở trong tù tỏ ra ngoan ngoãn, hiền lành, thì mình sẽ được chóng ra khỏi tù, còn tù nhân Mỹ không nghĩ như vậy, mặc dầu biết mình có tội nên bị ở tù, nhưng vì mất sự tự do, không được đi đứng như ý muốn, thành ra đôi khi có thái độ hung hăng, bực tức, chửi bới những nhân viên làm việc trong trại tù.

Thụy Vi: Theo như Thầy vừa mới cho biết, thì hầu hết những người Á Châu khi vào trong tù thường rất hiền lành, rất là ngoan ngoãn, tuân theo các lề luật. Vậy thì Thầy có thấy nhiều người Á Châu được ân xá ra khỏi tù trước khi mãn nhiệm kỳ thời gian ở tù của mình không Thầy ?

Thầy San: Vâng, khi mà đã lãnh bản án vào tù rồi, thì đương nhiên thời gian ở trong tù, sẽ được các người coi tù chấm điểm hạnh kiểm của mỗi tù nhân. Nếu 1 ngày ở tù có hạnh kiểm tốt, thì sẽ được cộng thêm 1 ngày nữa thành 2 ngày. Điều này chỉ được áp dụng trong các trại tù của tiểu bang thôi, trại tù liên bang không áp dụng điều này. Cũng cần nên biết là cứ hàng năm tại mỗi tiểu bang, đều có những vụ ân xá, hay đại xá do Hội Đồng Cứu Xét Ân Xá đề nghị lên vị Thống Đốc của tiểu bang để được chấp thuận và vị Thống Đốc sẽ ký sắc lệnh ban hành ân xá hay đại xá cho những tù nhân có hạnh kiểm tốt, chứ không phải là do Tổng Thống ký sắc lệnh. Chính vì thế có những tù nhân nào có hạnh kiểm tốt, có tên trong danh sách ân xá, tạm thời được đưa đến những ngôi nhà tại ngoại của chính quyền, gọi la Half Way House, có người cung cấp phương tiện di chuyển cho tù nhân đi làm việc ban ngày và buổi chiều làm việc xong, lại được đưa trở về căn nhà tạm thời tại ngoại này, trước khi được phép chính thức thả về nhà riêng của mình, để sống cuộc đời bình thường như khi xưa.Tóm lại, đa số những tù nhân Á Châu nào có hạnh kiểm tốt, thường có tên nằm trong danh sách được đề nghị lên Thống Đốc, để được cứu xét cho hưởng đặc ân xin ân xá hay đại xá mỗi năm một lần.

Thụy Vi: Thưa Thầy, thường thì theo Thầy thấy tội nào hay xảy ra nhiều nhất cho những can phạm người Việt Nam và nguyên nhân tại sao ?

Thầy San: À! Đúng rồi, bây giờ bước sang riêng vấn đề tù nhân Việt Nam, tội phạm mà hồi xưa cách đây độ khoảng 20 năm, do tụi băng đảng đi cướp của giết người tại những thành phố có đông dân cư người Việt sinh sống, gồm những thanh thiếu niên trẻ tuổi từ 16 cho đến 21tuổi, thanh toán nhau vì ghen tức, ăn chia không đều và đa số anh em trong băng đảng đều bị nghiện ngập cần sa ma túy, đi trộm cướp, giết người lấy tiền, lấy súng bắn cả nhân viên công lực, v.v... Đấy là những tội phạm cách đây 20 năm. Nhưng mà bây giờ, những loại tội đó gần như chỉ còn sót lại 1 phần 10 hay là 2 phần 10 ở những thành phố đông dân cư người Việt Nam mà thôi, còn ngoài ra bây giờ thì đa số nói riêng ở Oklahoma, thì những tội do người Việt Nam hay phạm nhiều nhất và nói một cách tế nhị là tội làm giầu mau, trong tội làm giầu mau này gồm đủ mọi thành phần: lớn tuổi cũng có, trung tuổi cũng có, mà trẻ tuổi cũng có, đó là tội bán thuốc lúc lắc, còn gọi là thuốc kích thích tình dục (Estercy) hoặc bán cần sa ma túy. Bán những loại này kiếm được nhiều tiền vì có nhiều người mua. Thế còn loại tội thứ hai thuộc thành phần trung tuổi cho đến cao niên, thường phạm vào tội bạo hành trong gia đình (Domestic Violence), như là đánh vợ đánh con. Giới trẻ tuổi ít phạm loại tội này vì họ được giáo dục ở Mỹ hoặc sinh ra tại Mỹ, nên họ hiểu biết pháp luật Hoa Kỳ và dễ dàng hội nhập vào đời sống văn hóa của người Mỹ, cho nên vấn đề đánh vợ đánh con ít thấy xẩy ra trong giới trẻ này; trái lại cỡ trung tuổi trở lên, những thành phần này quen với đời sống từ Việt Nam, vẫn còn muốn duy trì lối sống chồng chúa vợ tôi từ hồi còn ở quê nhà, thành ra đôi khi trong cơn tức giận, đánh vợ đánh con và bị hàng xóm trông thấy, báo cho cảnh sát đến can thiệp hoặc người thân trong nhà gọi 911 xin được cấp cứu. Sau đây Thầy xin kể lại cho Thụy Vi nghe một trường hợp xảy ra, có một ông chồng bị bắt giam vì phạm tội đánh vợ, nhưng mà ông ấy nhất định cãi lại là ông không hề đánh vợ, mà ông chỉ có tát vợ thôi, có gây ra thương tích nào đâu? Còn nếu nói là ông đánh, thì phải cầm một vật gì để đánh, chứ tát chỉ vì trong một giây phút tức giận, lấy tay tát vào má, hành động này xẩy ra thường xuyên trong gia đình ở Việt Nam. Đây là những lời tự bào chữa của ông nói với Công Tố Viên (District Attorney) và vị luật sư Công Tố Viên giải thích cho ông rằng: Đối với người Mỹ hành động tát vào má bằng tay hay hành động đánh người khác bằng một khí cụ, đều có ý nghĩa như nhau, nhất là tát trúng vào mắt có thể làm mù con mắt hay tát trúng vào giây thần kinh ở mang tai, có thể làm đứt mạch máu não, hơn thế nữa hành động chủ ý đụng mạnh vào bất cứ chỗ nào trên thân thể của người khác, dù không gây ra thương tích, cũng là trái với pháp luật Hoa Kỳ rồi, nhất là có hành động chủ ý đụng vào đàn bà con nít, thì tội còn nặng hơn nhiều, ngay cả dùng những lời đe dọa, chửi mắng vợ con, làm cho vợ con mất tinh thần, nếu có sự tố cáo với chính quyền, thì đương sự có thể bị truy tố trước pháp luật về tội lạm dụng vợ con (Child abuse and spouse abuse). Nếu phạm tội bạo hành trong gia đình, hăm dọa với khí cụ nguy hiểm đang cầm trong tay, như súng ống, dao kéo hay những vật dụng nhọn bén, đều có thể bị ngồi tù trong nhiều năm. Một số ít người Việt ở Oklahoma bị bắt giam về tội bạo hành trong gia đình, thường chỉ là những lời hăm dọa đòi giết vợ hay những hành động tát vợ hay đánh con và nếu là lần đầu thì chỉ lãnh án tù treo mà thôi.

Thụy Vi: Dạ vâng, không riêng gì ở Oklahoma, Thầy ơi, có lẽ nhất là những người có tuổi chút xíu, thì quen thói chồng chúa vợ tôi và trong lúc tức giận, tát vợ mấy cái, thì chuyện đó cũng bình thường bên Việt Nam, chính quyền có biết cũng không làm gì, mà lối xóm cũng nghĩ là hành động đó có hơi dữ dằn một chút thôi, chắc cũng chẳng sao đâu. Nhưng mà qua tới đây thì nó trở thành một vấn đề trái với pháp luật Thầy hả?

Thầy San: Đúng thế! Nhưng câu chuyện ông chồng tát vợ mà Thầy vừa mới kể lại cho Thụy Vi nghe ở trên đây, không phải vì hành động tát vợ mà bị bỏ vào tù đâu, mà do chính những lời nói của ông chồng, bảo đứa con dịch lại cho người cảnh sát hiểu, đây không phải lần đầu tiên tao tát Mẹ mày, mà tao tát Mẹ mày đã nhiều lần rồi. Người cảnh sát vừa nghe tới đây, liền còng hai tay ông này lại vì cho ông là người chồng rất nguy hiểm cho vợ ông trong tương lai. Nếu ông đừng nói những câu này ra cho cảnh sát nghe, mà ông chỉ cần nói là vợ chồng chúng tôi mới cãi lộn nhau, nhưng chúng tôi đã hòa giải với nhau rồi, thì chắc chắn 100% người cảnh sát sẽ tự động bỏ ra về. Ông chồng này có ngờ đâu mình nói sự thật, để chứng tỏ rằng ta đây là kẻ anh hung, không nể sợ ai hết, ai ngờ nói như thế, đúng là lạy ông tôi ở bụi này trước mặt nhân viên công lực, nên bị còng hai tay ngay tức khắc để vào nằm nghỉ mát một thời gian trong tù, chờ ngày ra nghe tòa xét xử về tội đánh vợ và cuối cùng ông đã lãnh bản án 2 năm tù treo và bị câu lưu mất 5 tuần lễ trong trại giam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét