Nhà hàng Mộc Viên Nét của Huế.
Làng Nghề Đông Kinh tọa lạc ngay trên lộ trình du lịch trọ̣̣̣̣̣̣ng điểm của Huế, cách Lăng Vua Tự Đức và Đồi Vọng Cảnh chỉ hơn một phút lái xe...
Từ xa xưa, xứ Huế thơ mộng đã từng nổi tiếng không chỉ bởi là chốn Kinh thành, nơi mà các vua Triều Nguyễn trị vì, lại còn nổi tiếng bởi những thắng cảnh cùng các công trình kiến trúc, lăng tẩm được xây dựng hài hoà với phong cảnh sơn thuỷ hữu tình.
Làng nghề Đông Kinh được thiết kế và xây dựng trên ý tưởng đó. Ẩn hiện dưới những tàn cây cổ thụ sum suê là những công trình kiến trúc cổ. Nơi đây chắc hẳn mọi người thực sự sẽ thú vị khi kết hợp một chuyến du lịch phát hiện các nghề thủ công truyền thống của xứ Huế.
Bước chân vào Khu du lịch Làng nghề Đông Kinh, ta sẽ cảm nhận ngay một không khí làm việc sinh động ...Với lòng yêu nghề, qua bàn tay khéo léo, họ đã gửi gắm tâm hồn mình vào từng sản phẩm văn hóa mang nhiều ý nghĩa khác nhau.
Chiếc nón lá là vật dụng gắn bó mật thiết với người phụ nữ Việt Nam. Từ trong cuộc sống đến thơ ca, âm nhạc, hội họa, chiếc nón đã trở thành một thứ ngôn ngữ riêng, qua hình ảnh và cả tâm tư của người phụ nữ. Nón lá có ở ba miền nhưng với Huế thì chiếc nón đã trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp, sự dịu dàng, thanh mãnh, duyên dáng của người phụ nữ Huế:
Áo trắng hỡi, thuở tìm em chẳng thấy
Nắng mênh mang cầu mấy nhịp Trường Tiền
Nón rất Huế nhưng đời không phải thế
Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng.
Đã từ rất lâu rồi, khi nhắc đến nón bài thơ, biểu hiện những nét đẹp của cả một nền văn hoá. Chiếc nón bài thơ thanh mảnh, cầm trên tay nhẹ như mây, từ đường kim, cho đến vành nón tất cả đều thanh tao, mãnh mai mà sắc nét.
Cạnh bên là xưởng làm kẹo mè xửng qui mô thu nhỏ, ở chỗ kia là nhóm thợ khảm xà cừ…
Mộc mạc lắm, chân thật lắm nhưng cũng vô cùng độc đáo vì nó được làm ra từ chính bàn tay khối óc của người thợ. Mỗi sản phẩm đều riêng biệt vì nó không phải đúc từ khuôn mẫu.
Nơi đây ta có thể thấy xưởng làm hàng thủ công mỹ nghệ Nhật Bản. Tên của sản phẩm là MIZUHIKI. Mizuhiki là sản phẩm đặc trưng trong văn hóa Lễ hội của Nhật Bản, được xử dụng vào các dịp lễ và tết, là vật trang sức cho những món quà của người Nhật. Nó khiến món quà trở nên sinh động và đẹp đẽ hơn, cũng nhấn mạnh thêm sự chu đáo quan tâm của người tặng đối với người nhận. Tất cả các sản phẩm đều được làm từ các sợi chỉ giấy. Từ ngữ Mizuhiki được ghép bởi hai từ mang ý nghĩa "nước" và "kéo" nhằm thể hiện qua người thợ phải kéo dãn nguyên liệu bột giấy sau các đoạn hòa quyện trong nước để tạo ra những sợi dây mãnh mai bằng giấy đủ màu sắc này.
Ở Nhật Bản, phải là những tay nghề lâu năm mới tham gia việc chế tạo nên những tác phẩm Mizuhiki kỳ công như thế này. Từ phần nhuộm màu, làm giấy cho tới khi chế biến thành các kích cỡ sợi và tạo kiểu dáng riêng biệt cho từng sản phẩm. Mizuhiki là một giai đoạn dài đòi hỏi ở người thợ có nhiều khả năng và sự lành nghề.
Nhưng hôm nay, tại cố đô Huế thân thương, chúng ta vẫn có thể tận mắt nhìn thấy cách làm Mizuhiki. Và nếu thấy thích thú, hãy tự tay mình làm thử. Mizuhiki, vốn chỉ là những vòng xoắn kết từ các sợi giấy cứng rực rỡ màu sắc, nhưng dưới bàn tay tài hoa của các công nhân đã được đào tạo tại Nhật Bản,
Hãy xem các mặt hàng, khi chúng trở thành các sản phẩm nghệ thuật độc đáo như thế nào.!
Trong thời gian tới sẽ qui tụ thêm các ngành nghề truyền thống của địa phương như dệt Zèng (dệt thổ cẩm), làm hương, làm mộc mỹ nghệ...
Nơi đây sẽ là bức tranh thu nhỏ của một khung cảnh làng nghề Huế. Công ty Đông Kinh hỗ trợ hoàn toàn về mặt địa điểm, nơi chốn, cho các gia đình thợ thuyền, công ty cũng hỗ trợ về mặt quảng cáo sản phẩm, giúp họ thỏa sức bay bổng với lòng yêu nghề, yêu nghệ thuật và giúp cho một số nghề thủ công quý hiếm không bị thất truyền, giúp cho du khách mua được sản phẩm tận gốc và giúp cho người thợ thủ công được bán những sản phẩm tận ngọn, tạo ra một nếp văn hóa mua sắm thân thiện giữa người sản xuất và giới tiêu thụ ...
Trong những ý tưởng của làng nghề Đông Kinh, thưởng thức ẩm thực Huế là một điều không thể thiếu. Sau khi xưởng sản xuất Mizuhiki đi vào hoạt động, nhà hàng Mộc Viên bắt đầu được xây dựng.
Trước đây nơi này là một vùng đất trũng. Sau khi san lấp bằng phẳng để làm nền cho phần xây dựng và sân vườn, công xưởng lợi dụng chỗ trũng của đất để xây dựng hồ nước và nhà Thủy tạ để giữ gìn mạch nước nguyên thủy. Công ty đã gửi gắm tất cả tâm tư, tình cảm vào từng viên đá, từng ngọn cây để đến nay Mộc Viên đã hoàn thành và đi vào hoạt động.
Toàn bộ vật liệu của khu nhà, hầu hết được xử dụng những vật liệu địa phương: Từ tấm gạch hoa lót nền, từ viên gạch đỏ xây tường đến những viên ngói hoàng lưu ly …
Cùng với Mộc Viên, chúng ta sẽ có những giây phút khuây khỏa trong nét đẹp với lối kiến trúc hòa quyện rất tao nhã cùng cảnh trí thiên nhiên. Sự phong phú về các loài thảo mộc ở đây sẽ khiến ta ngỡ ngàng với quan cảnh thiên nhiên thay đổi qua mỗi mùa khi ghé thăm.
Vào tháng Tư, Hoa Bưởi, hoa Thanh Trà nở ra trắng muốt, thơm ngát cả góc vườn; đến tháng Bảy những bông hoa tinh khiết đó lại đơm thành những quả xanh nặng trĩu trên cành.
Vào tháng chạp, những gốc mai già trụi lá phơi sương cùng tuế nguyệt, để đến tháng Giêng lại vàng rực một màu Hoàng Mai kiêu hãnh bên hồ nghênh đón xuân sang.
Thanh minh trong tiết tháng Ba, những khóm hoa Mộc được trồng khắp nơi trong vườn nở rộ các chùm hoa nhỏ li ti xinh xắn, đẹp một cách mộc mạc như chính tên gọi của nó. Đây là lý do mà khu nhà hàng được lấy tên là Mộc Viên. Quanh năm, Mộc Viên lại được che mát bởi những tàn cây Sung, cây Si cổ thụ xanh ngát trường tồn.
Với những đụn rơm vàng dãi nắng dầm mưa khiến ta chợt nhớ quê nhà. bên cạnh là khu vườn nuôi gà cùng với ao thả vịt, bên những luống rau xanh cung cấp rau trực tiếp cho nhà hàng Mộc viên. Những cây ngò gai, cây rau răm, cây ớt, lá tía tô, lá lốt… là những loại rau thơm không thể thiếu tạo cho món ăn ngon thêm phần hấp dẫn.
Nhà hàng có sức chứa 400 khách, hồ Thủy Tạ có diện tích 500m2 và phía trước là khu nhà trình diễn nhạc truyền thống, và ca Huế.
Hơn nữa, chúng ta cũng có thể thưởng thức các món uống, ăn sáng với thực đơn phong phú được chế biến từ tâm huyết và tấm lòng của rất nhiều người bản xứ tại đây.!
Đối tượng phục vụ của nhà hàng là tất cả những khách hàng. Đây là điểm giới thiệu trao đổi văn hóa và nghệ thuật ẩm thực độc đáo của Nhật Bản và những món ăn xứ Huế. Đáp ứng nhu cầu vui chơi ăn uống của tất cả những người muốn đến với một không gian ấm cúng, gần gũi và thân thiện. Ngoài ra nhà hàng cũng phục vụ du khách gần xa đến thăm Huế để rồi yêu Huế.
Nhà hàng phục vụ café sáng, giải khát, điểm tâm . Buổi trưa và buổi tối nhà hàng phục vụ các món đặc sản và món truyền thống Huế.
Trong thời gian tới nhà hàng sẽ phục vụ Buffet sáng món Nhật vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét