Xuân đến Tết về thêm tuổi mới.!
Lòng người xa xứ hướng về quê
Chúc Anh chúc Chị cùng bè bạn
Vui khoẻ yêu đời mãi ấm êm
Nỗi buồn viễn xứ còn nguyên đó
Xuân vẫn là Xuân của đất trời
Hoa nở nhớ thương cha với mẹ
Đường về xa lắc sóng mù khơi.
XUÂN VỀ TẾT ĐẾN
Dù có nao nức đợi chờ hay hững hờ thờ ơ, dù có mong mỏi hay chẳng cầu vọng thì mùa xuân vẫn hiển hiện trong đất trời, trong lòng người. Nhớ ngày xưa còn bé, như muôn vạn đứa trẻ khác trên đời này, cũng mong chờ, nao nức tết để được lì xì, được mặc áo mới, được đi chơi thoải mái mà không bị la, được nghỉ học và không phải học bài… Những đứa trẻ mong tết, đếm ngược thời gian, cái tâm ý ấy sao giống hệt với người lớn vậy. Người lớn cũng đếm ngược thời gian từng ngày, từng giờ, thậm chí từng phút giây để đến thời khắc giao thừa, để nhìn quả cầu bằng pha lê ở thành phố Nữu Ước sẽ rơi xuống khi khoảnh khắc giao nhau giữa năm cũ và năm mới. Tuy rằng tết ta và tết tây có nhiều khác biệt nhưng cái tâm thức vui đón "Tân niên" lại chẳng khác gì nhau.
Mùa xuân luôn luôn mặc định là sự khởi đầu, là sự tươi trẻ, hạnh phúc, hy vọng, đoàn viên… Mùa xuân làm mới lại những gì đã hoen cũ già nua, mùa xuân làm cho muôn loài vạn vật sinh sôi nảy nở, cây lá đâm chồi, hoa khoe sắc hương, lòng người hoan hỷ. Những ngày đầu năm con người gác lại những bất đồng, tranh đấu, chiến tranh. Mùa xuân khoe sắc thắm, lòng người vấn vương, tình thương được nuôi dưỡng vun bồi tạo thêm năng lực mới cho cả thân và tâm, để có thêm hy vọng và niềm vui mà đi cho trọn suốt tháng năm.
Mùa xuân phương đông nhiều màu sắc và âm thanh. Mùa xuân không thể thiếu tiếng pháo, pháo là âm thanh tự xa xưa, hễ nghe tiếng pháo nổ giòn giã khắp nơi là biết mùa xuân đã về. Đêm giao thừa là thời khắc giao nhau giữa cũ và mới, là phút giây giao cảm hòa hợp giữa con người và vũ trụ thiên nhiên, là khoảnh khắc linh thiêng giữa thế hệ hiện tại với ông bà tổ tiên, sự tiếp nối từng đời như thế chưa gián đoạn bao giờ. Tiếng pháo nổ vang trời kèm theo ánh sáng xé tan màn tối của đêm giao thừa, lòng người hoan hỷ, trời đất tự nhiên thanh tân đến lạ thường, cũng bầu trời ấy, cũng mặt đất này, cũng những con người yêu, ghét, giận hờn đó, nhưng sao qua đêm giao thừa thấy bình thường và hoan hỷ chi lạ.
Mùa xuân phương động, mùa xuân cố quận vui lắm. Nhiều sắc thái văn hóa cùng đồng hành. Người người đều ăn mặc đồ mới đi lễ chùa, đi nhà thờ đầu năm, viếng phần mộ tổ tiên ông bà cha mẹ thân nhân, ghé thăm họ tộc, láng giềng… Dù gì thì cũng ba ngày tết, mọi người ai nấy vui tươi, nói lời tốt đẹp, làm việc nghĩa cử hy vọng đem lại may mắn an lành.
Mùa xuân đến, tiết trời se se lạnh
Tết đã về em xếp sách vào ngăn
Những địa danh và bến lạ lao xao.
Ngàn cánh én trên dòng bay ý nghĩ
Những ngày Tết em tung tăng áo mới
Tà áo dài lòng phơi phới sắc xuân.
Tươi như hoa môi mắt sáng má đào
Đời vẫn đẹp như ngàn năm về trước.
Em thầm muốn đời đẹp luôn như thế
Mỗi xuân sang rồi tết đến mọi miền
Nhìn quê hương với cảnh đẹp thiên nhiên
Tô sắc thắm cho hồn thiên sông núi.
Có khác gì nhau chăng? Chắc chắn là không! Có khác nhau chăng là quang cảnh được khoác lên bộ mặt mới kiêu sa lộng lẫy tráng lệ, con người kiểu cách quần áo theo thời hơn. Nhưng bản chất của ý nghĩa nguyên ủy về ngày xuân và Tết muôn đời vẫn thế.! Đừng nói bây giờ, ngay cả mai sau cũng vậy thôi, cái đẹp từ trong tâm tưởng vẫn còn tồn tại mãi ở mỗi người chúng ta.
Em muôn đời vẫn đẹp
Như mỗi độ xuân sang
Má đào cùng mắt biếc
Có khác gì nhau chăng?
Tháng chạp chưa vào xuân,
Mà sao hoa đã nở?
Cồn cào niềm thanh tân,
Từ khi ta hạnh ngộ.
Giao thừa về trước ngõ.
Áo mới ngày đầu năm,
Nhìn hoa vàng vạn thọ
Rực rỡ tết hân hoan.
Bây giờ là tháng giêng,
Lòng anh đơm lộc mới,
Rộn ràng niềm tân niên,
Hoa vì em đã nở.
Anh và em mừng tuổi,
Hai ta hơn bách niên,
Hai mái đầu đều bạc,
Với sợi tóc muộn phiền.
Khi cố quận vào xuân, nơi đất khách quê người thời tiết chuyển theo mùa, nên mới vào giữa mùa đông, lúc này lạnh nhất trong năm. Người ra đi mang theo không khí xuân, hình ảnh xuân, ký ức mùa xuân… nên dù có lạnh cách mấy lòng vẫn rộn ràng với ngày xuân nơi quê nhà.
Khi ta ở đất chỉ là điểm tựa
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn
Đất bao la trên khắp cả địa cầu
Người di tản xác chôn vùi đất lạ
Mây trời nhớ.! Đưa hồn ta về lại,
Cố quận xưa nơi nguồn cội mẹ cha
Quê hương ơi.! Ta vừa đến quê nhà
Chào vĩnh biệt.! Đất Trời xa vạn dặm.
Phần lớn người ra đi mang theo ký ức nắm đất cũ trong tâm hồn, Ngày xưa, khi mình sống ở đấy thì đất chỉ là đất, vô tri, chẳng có chi đặc biệt. Khi ra đi mới thấy nhớ nhung, thấy thiết tha nhất là khi mỗi độ sang xuân. Giờ mới thấm thía là: ”đất bỗng hóa tâm hồn”. Người ra đi với nhiều lý do: Di tản khi nội chiến tàn, tị nạn chính trị, thuyền nhân vượt biên, HO, bảo lãnh… trong số này có nhiều người hằng năm vẫn về quê ăn tết, thậm chí đi về như đi chợ, tuy nhiên cũng có một số ít chưa từng về, không về hay không thể về vì hoàn cảnh bất khả kháng, thế mới biết khi xuân về lòng lay lắt lắm.
Mùa xuân của những người di cư, di tản hay tha phương cầu thực rất thiết tha nhưng giữ trong tâm tưởng, hoàn cảnh thực tại với ước muốn ít khi nào tương đồng với nhau được.
Sống xa đất tổ, chân trời mới
Nhìn cảnh xuân về nhớ cố hương
Pháo đỏ cúc vàng vui đón Tết
Ngày xuân năm mới mãi tha phương
Con đường này là con đường nào? đường xuân? đường dân tộc? đường nước non? đường đời? đường mưu sinh? hay đường sinh tử? Có biết bao con đường của mỗi kiếp nhân sinh, mình đã muôn đời cứ ngơ ngẩn và lạc lõng giữa con đường. Mình đã đi nhưng chưa bao giờ về tới, nếu đã về tới thì chẳng còn phân tâm giữa con đường, chẳng còn phải lưu lạc tha phương hay vọng về xuân cố quận.
Nào đâu chỉ có người Việt mới di tản hay tha phương cầu thực, Người Do Thái mất nước cũng đã hai ngàn năm lưu lạc khắp thế gian. Người Anh, người Âu châu di cư sang đất mới để tạo lập quê hương mới. Người Kurd, người Tây Tạng, người (A Phú Hãn) Afghanistan, người Iraq, Iran, Mexico, Laos - Hmong, người châu Phi… cũng di cư khắp nơi. Hầu như các dân tộc trên thế gian này đều dính vào vấn nạn di cư hay di tản, nhất là những dân tộc nhỏ, đất nước nghèo nàn lạc hậu. Người ta di tản vì chiến tranh, đàn áp, bất công, kỳ thị, nghèo đói… Lịch sử loài người cũng chính là lịch sử của những trận chiến tranh và những cuộc di cư, di cư để mà sống còn. Động vật cũng di cư, chúng di cư vì sự sinh tồn (trú đông, tránh rét, sinh sản, tìm kiếm thức ăn…). Loài vật di cư nhưng đến mùa thì lại quay về nơi chốn cũ, tỷ như cá hồi từ biển cả lại vượt ngàn dặm về lại đầu nguồn sông suối để sinh đẻ, chim muông di cư tránh rét, khi trời ấm lại bay về. Những đàn bướm Monarch cũng di cư hàng vạn dặm, đến khi xuân sang lại lũ lượt hồi hương. Loài vật quay về nơi sinh ra không phải vì nhớ thương, chỉ đơn thuần là bản năng sinh tồn. Loài người thì khác, đó là cả một trời nhớ thương, đó là tâm sự nặng trĩu trong tâm hồn. Loài người có thần thức, có tác ý, có một chữ tâm, quê hương bản quán in sâu trong tiềm thức, trong tâm hồn. Mỗi khi xuân về thì nỗi nhớ lại trào dâng, không khí xuân, hương xuân, ký ức xuân mạnh trong tâm ý. Bởi vậy khi xuân về tết đến thì nhớ lắm, lòng lay lắt lắm.! Chỉ những người may mắn có cả gia đình sum hợp ở hải ngoại thì mới có thể tạm nguôi ngoai phần nào khi xuân về tết đến, nhưng vẫn ray rức canh cánh bên lòng với cố hương.
Tết của người Việt, nước Việt từ ngàn xưa thường gắn với hình ảnh ngôi chùa, lên chùa lễ mỗi độ xuân sang. là Phật tử hay không cũng thích lên chùa ngày đầu xuân. đạo hữu lên chùa lễ Phật, cầu an cho gia đình, cầu siêu cho ông bà cha mẹ, cầu sự gia hộ của Phật, Bồ Tát hay các vị linh thiêng mà họ tin tưởng. Ngôi chùa là một hình ảnh đặc biệt trong văn hóa Việt, đã hình thành và tồn tại mấy ngàn năm nay.
Mái chùa chất chứa hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông
Đất nước viết nên trang sử sách
Suốt đời con cháu phải chung lòng
Tết ở quê nhà vui lắm, lên chùa lễ Phật, thăm viếng họ hàng, bạn bè, láng giềng, trẩy hội xuân… nhưng phải là tết ở làng quê nông thôn, hay tỉnh lẻ mới nhộn nhip vui nhộn. Ai đã từng ăn tết ở các tỉnh, thành phố lớn chắc thấy rõ. Thành phố, đường xá vắng teo, lầu đài, cao ốc, mọi nhà đóng cửa im ỉm. Người lao động trí óc hay chân tay đều về quê ăn tết sau một năm làm việc vất vã … Vì vậy chỉ ở làng quê, ở nông thôn, tỉnh lẻ mới thấy đậm đà không khí tết. Làng quê nông thôn mới là nơi lưu giữ cái hồn, cái đặc trưng của tết nói riêng văn hóa Việt nói chung.
Tết đối với người Công giáo Việt Nam chúng ta là một ngày trọng đại. Từ ngàn xưa đã có những nét đẹp văn hoá ngày Tết mà cho đến nay vẫn tồn tại và cần được phát huy.
Trong những ngày tết cổ truyền, nói về những công việc truyền thống, người Việt Nam thường có câu: “Mùng Một tết Cha, mùng Hai tết Mẹ, mùng Ba tết Thầy”. Người Công giáo, trong khi mừng những ngày Tết nguyên đán, cũng hướng đến những ý nghĩa thật cao quý: Ngày mùng 01 Tết: Cầu bình an cho Năm mới, ngày mùng 02 Tết: Kính nhớ Tổ Tiên, ông bà cha mẹ, ngày mùng 03 Tết: Thánh hóa công việc làm ăn. Điều này nói lên những giá trị riêng, thật đẹp và ý nghĩa mà mỗi người Công giáo phải trân trọng trong khi hòa mình vào truyền thống văn hoá của dân tộc.
Nếu như những người theo đạo thờ cúng ông bà, hay Phật tử coi tục hái lộc, đi Chùa lễ Phật đầu năm, xông đất ngày đầu năm rất quan trọng thì với những giáo dân, việc tham dự lễ Tết đầu năm là một việc làm cũng mang ý nghĩa quan trọng, như cầu nguyện cho quê hương, ông bà cha mẹ con cháu được bình an trong năm mới, đồng thời tưởng nhớ đến những người quá vãng...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét