11 - 2 ÂM LỊCH
THẮP NHANG ĐỐT NẾN TRI ÂN
CHẤP TAY KHẤN NGUYỆN
THÀNH TÂM CÚI ĐẦU
Thắp ngọn nến, tri ân Ba Mạ
Và giờ đây nhớ lại song thân
Nuôi con khôn lớn bao lâu nên người
Chắp tay nguyện, khói hương chứng giám
Lòng Kính Ba... Thương Mạ đong đầy
Khơi nguồn trí tuệ cao dày
Cho con sáng tỏ lối vào lạc an
Thắp ngọn nến, thành tâm khấn nguyện
Xin Tổ Tiên... Ba Mạ hộ trì
Giờ đây con cháu yên bề
Gia đình hạnh phúc trọn đời yêu thương
Nay thắp sáng, nhang đèn hương khói
Đàn cháu con tưởng nhớ Ông Bà
Rộng lòng nhân nghĩa vị tha
Yêu thương cuộc sống bao la thâm tình
NGÀY GIỖ CHA.
Phụ tử tình thâm, tình cảm đậm sâu, cao cả ấy trở thành giai điệu ngọt ngào ngân vang trong cõi nhân sinh. Người ta lớn khôn nhờ suối nguồn yêu thương của mẹ, ân nghĩa sinh thành dưỡng dục của cha.
Chẳng có một thước đo giá trị nào có thể đo được tình phụ tử - những tình cảm mà người cha dành cho người con của mình. Đó là thứ tình cảm mà chẳng ngôn ngữ nào có thể diễn tả được. Tình phụ tử, là tình cha con, thứ tình cảm thiêng liêng, quý giá. Ai được sinh ra trên đời cũng có một người cha. Người mà luôn thầm lặng dõi theo chúng ta trên mọi nẻo đường. Từ khi còn thơ ấu, cha đã luôn là người sát cánh bên ta. Những hình ảnh về cha lúc nhỏ, đó là những hình ảnh về một người nghiêm khắc, khó tính. Cha tạo cho chúng ta cảm giác lạnh lùng, khó gần. Cha trong mắt chúng ta, là người chỉ biết đến công việc, chỉ biết kiếm tiền. Đôi khi chúng ta thấy cha thật vô tâm, chẳng quan tâm gì đến chúng ta như mẹ cả. Mẹ thì luôn quan tâm tới chúng ta, lắng nghe chúng ta, còn cha, thật thầm lặng. Nhưng, cha thầm lặng, bởi cha mang trong mình nhiều nỗi ưu tư, trăn trở về cuộc sống. Làm sao có thể chăm sóc, nuôi dưỡng chúng ta cho thật tốt. Gánh nặng của người cha là rất lớn, người cha, người đàn ông trụ cột trong gia đình. Cho nên, tất cả những công việc mà cha phải gánh vác là rất nhiều, khiến cho chúng ta luôn thấy cha thật nghiêm khắc, hay khó tính, nhưng thực ra thì, cha lại rất thương yêu chúng ta. Sự yêu thương của cha được thể hiện qua hành động thực tế: những bữa cơm ngon, tiền tiêu vặt, những món quà cha tặng, hay là tiền để cho chúng ta đi học, đi chơi. Cha lo cho chúng ta rất nhiều thứ từ khi chúng ta còn bé. Bằng sự vất vả, khổ cực làm việc của cha. Chúng ta mới có những thứ chúng ta cần thiết, tiền để nuôi sống chúng ta. Đừng trách cha vì cha lạnh nhạt, chẳng quan tâm nói chuyện với chúng ta nhiều như mẹ. Cha hy sinh cả cuộc đời mình để nuôi nấng chúng ta, chẳng một lời than phiền.
Khi viết lên dòng chữ nầy làm gợi nhớ những kỷ niệm và lần dở lại ký ức đẹp về người Cha... Đồng thời, sống ngược thời gian khi còn ở bên Cha cạnh Mẹ. Nghe vọng lại những lời yêu thương, khuyên lơn dạy bảo của đấng sinh thành. Bây giờ đã lìa xa mình mới “giật mình” nuối tiếc, không còn nữa.!
Người Cha trong tâm trí tôi luôn tươi cười, vững chắc. Chưa khi nào tôi nghĩ đến một ngày quá sớm Ba tôi rời xa cuộc sống. Nhưng cho đến một ngày của 29 năm về trước Người đã thực sự ra đi. Cái ngày tôi phải mất người thân yêu thực sự, tôi mới dần hiểu: chết là cuộc chia ly dài nhất trong các mối liên hệ của tôi từ trước tới giờ. Trong khoảng lặng của thời gian, tôi thấm thía sự mất mát ấy là to lớn. Sự chết đã chia cắt sự gặp gỡ, sự quan tâm yêu thương của cha dành cho con. Tôi mới hiểu tại sao người ta hay ví “mất cha như mất cả bầu trời”.
Ngày dời mộ cho Ba, bao nhiêu nỗi buồn đau, thương nhớ, tiếc nuối trong tôi dâng trào. Ba là người chơn chất, hiền lành, chịu khó nên xóm làng rất quý mến và nể phục. Còn đối với các con cháu, là người cha, người ông khiến con cái, cháu chắt “nặng lòng” biết ơn, yêu kính. Với Mạ tôi, là người chồng tình nghĩa, luôn chăm lo cho vợ, làm những món ăn ngon cho gia đình, đóng quai guốc vừa chân cho vợ mang, têm vôi trầu, xẻ cau cho vợ ăn sau bữa cơm. Ngoài ra, tiệc cưới của các con trước và sau năm 1975, đều do chính Ba tôi đích thân nấu và đặt tên từng món ăn chiêu đãi khách.
GIỖ CHA
Ba đã khuất, âm dương cách biệt
Mộ ba nằm dốc thoải triền cao
Ngày về lại, bước chân trầm mặt
Với núi đồi ngăn cách bụi lau.
Ngồi bên mộ... gió chuyển lay rung động
Nhớ Mẹ Cha ngày tháng sống mong chờ.
Thương cha già từng khuya sớm chăm lo
Tình phụ tử đã cho con ấm áp
Năm đã hết, ngày qua tháng đến
Ngày giỗ ba cùng nén nhang đây
Con bưng, một chén cơm đầy,
Đặt trên mộ đó lòng nầy dâng ba...!
Xin một lạy mong ba dùng bữa
Lạy thứ hai con hứa "Đức Hiền"
Lạy 3 thương mẹ vô biên
Lạy bốn con nhớ hiếu liền phận con...(*)
Mặc ngày tháng, xa xôi cách biệt
Một lòng con mãi miết thương ba
Nhớ lòng trắc ẩn vị tha
Nhớ ba chau mặt... khi ba la rầy...
Nhớ ba lắm, lòng này con tạc
Ánh mắt buồn ba nhắc nhỡ con
Nhớ ba nhớ tới mỏi mòn
Thương ba con khóc héo hon tháng ngày...
(*) Lạy người đã khuất là 4 lạy !...
Hôm nay ngày giỗ, nhớ về ba
Xa vắng lòng con quặn thắt rồi.
Di ảnh nụ cười Ba lúc đó
Nhớ Ba con thấy nỗi tình sâu.
Trầm lòng lắng lại nhiều thương xót
Con nghĩ rằng Ba vướng nợ trần
Sực tỉnh giâc rồi nhìn trống vắng
Mười ngàn ngày lẽ: Tách rời nhau
Hai chín năm qua, đã cách xa
Nén nhang cầu nguyện đến cha già
Xin đừng, oán trách, con rời xứ
Đất nước quê người chẳng thiết tha
Không thể cận kề ngày tiễn biệt.
Đến khi con biết; Đã xa nhà.
Người đi.! Thiếu vắng, nhiều con cháu
Thầm khóc trong lòng thấm khổ đau
Ước gì ngày tháng đừng trôi.
Để tôi tìm lại cha tôi ngày nào
Ngày giỗ nhắc nhở đến chữ “Hiếu” cho những người con có cha mẹ đã khuất núi, nhớ về công lao nuôi dạy của các bậc mẹ cha, thành kính tưởng nhớ đến ngày mất của đấng sinh thành, qua việc giỗ kỵ một cách thành kính.
Chữ Hiếu là một tiêu chuẩn căn bản để đánh giá phẩm chất đạo đức con người. Hiếu là hết lòng nuôi dưỡng, thờ kính cha mẹ. Theo Nho giáo chữ “Hiếu” có ba bậc:
- Tiểu hiếu (kính trọng, nuôi dưỡng, thờ phụng)
- Trung hiếu (không làm cha mẹ buồn phiền)
- Đại hiếu (làm vinh danh cha mẹ, dòng họ, nước nhà).
Công cha như núi cao vời
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông
Núi cao biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi.!
TƯỞNG NHỚ
Nén nhang nầy, con dâng gởi Mẹ Cha
Công dưỡng dục thật đậm đà to lớn
Nhớ Cha Mẹ lòng từng cơn sóng gợn
Nước mắt buồn theo đau đớn trào tuôn…
Thiếu Mẹ Cha đêm xuống dạ bồn chồn
Sương thấm lạnh vào tâm hồn choáng mất
Bước xiêu vẹo…giữa dòng đời muôn mặt
Lòng xót xa…làm quặn thắt từng cơn.
Công lao của cha mẹ; Người cả một đời vất vả sớm khuya để dành cho con mình những điều tốt đẹp nhất. Đặc biệt hơn nữa, hình ảnh “Công cha trọng, suốt đời ghi nhớ; Đức mẹ hiền, chín chữ cù lao” đã tái hiện lại được chặng đường dài mà mẹ cha đã trải qua để nuôi con khôn lớn, trưởng thành. Thuật ngữ “cù lao” bao gồm chín ơn lớn đã phần nào khắc họa lên sự chăm sóc, hy sinh, tình yêu thương của cha mẹ dành cho các con. Chín chữ cù lao ấy là:
Sinh - Cúc - Phủ - Súc - Dục - Cố - Trưởng - Phục - Phúc.
Đến ngày giỗ là lúc con cháu tưởng nhớ người đã khuất có công sinh thành dưỡng dục, với tấm lòng thành kính. Có khi chỉ là một chén nước (mưa), một nén nhang, cặp nến, một vái lạy chân thành tâm nguyện. Ngày giỗ cũng là dịp con cháu trong nhà quây quần tụ họp chia xẻ, noi gương và cầu mong tiền nhân tiên tổ phù hộ độ trì cho mạnh khoẻ, làm ăn thành đạt.
Ngày giỗ là dịp để con cái bày tỏ lòng kính yêu và biết ơn cha mẹ trong gia đình, là người đã sinh thành ra con, nuôi nấng, chăm sóc và hướng dẫn các con nên người.
THƯƠNG CHA NHỚ MẠ
Vì cuộc sống, thân con đành trôi nổi
Dãi nắng mưa…nên bước mỏi chân chồn
Rời quê hương, con trôi dạt, quê người
Dân tị nạn, sống cuộc đời gian khổ
Trông ngóng Mạ, nhớ Thương Cha, trăn trở
"Hiếu" vẹn toàn dù cản trở cách ngăn
Mong trần gian! sóng gió được bằng an
Đừng cay đắng làm bản thân thêm khổ.!
Nỗi nhớ thương vô vàn, làm quặn lòng của người con hiếu thảo, nỗi xót xa muôn ngàn của chúng ta khi cha mẹ đã già mà không được chăm sóc chu đáo.
Với “cách mấy nắng mưa” qua thời gian xa cách bao mùa mưa nắng vừa nói lên sự tàn phá của thời gian nắng mưa đối với con người và cảnh vật, lần nào nhớ về cha mẹ lại “nhớ ơn chín chữ cù lao” và luôn ân hận day dứt vì đã không làm tròn công ơn sinh thành nuôi dưỡng của cha mẹ. Còn gì xót xa hơn khi nghĩ đến cha mẹ đã già mà vẫn phải nhớ thương, ngày đêm lo lắng cho mình, vẫn tựa cửa chờ ngóng tin con.
Là người con chí hiếu, nhưng giờ đây nơi nghìn trùng xa cách, ta vẫn không nguôi được nỗi nhớ thương, xót xa cho cha mẹ khi tuổi già xế bóng, không thường xuyên cận kề... Ai sẽ chăm sóc cha mẹ luôn là câu hỏi xoáy sâu tâm can những người con xa xứ.!