Thứ Ba, 2 tháng 5, 2023

BIẾN CỐ THÁNG 3 NĂM 1975.

BIẾN CỐ THÁNG 3 NĂM 1975.

Sau biến cố tang thương của tháng 3 năm 1975 rút khỏi Ban Mê Thuột – là những đổ vỡ - những mất mát - những chia lìa - những đọa đày - những uất hận của tập thể Quân Dân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa, một quân đội hùng mạnh với những người con đã sống chết cho lý tưởng tự do và sự phồn vinh của dân tộc.

Trong cái lũ lượt, rối loạn hoảng sợ của đoàn người di tản từ Pleiku, Kontum và Phú Bổn qua con đường tỉnh lộ 7. Con đường này bỗng nhiên sôi động, náo nhiệt trong hỗn loạn, rồi tiếng gọi nhau vang dội cả một góc rừng. Tiếng khóc than, tiếng xe, tiếng súng nổ rền vang, hệt như đàn ong vỡ tổ, người chạy ngược kẻ chạy xuôi, tìm kiếm người thân bị thất lạc, đồ đạc tung tóe bừa bãi, những chiếc xe hư bỏ lại trên đường ngổn ngang.

Bốn mươi tám năm qua biết bao thăng trầm, nhưng mỗi lần nhớ về, lại là những lần nhói buốt, nó như vết thương lòng không thể nào lành hẳn.

Kỷ niệm 48 năm sau biến cố 1975. Tháng 3 đối với những người Phố Núi Pleiku là một kỷ niệm tang thương khó quên nhất trong đời, Tháng Ba với Tỉnh Lộ 7, hình ảnh đó gắn liền trong tâm tưởng mỗi người chúng ta, những ngày đó, mà đến nay sau bốn mươi tám năm cứ tưởng chừng như mới tự hôm nào!

PLEIKU, NGÀY THÁNG CHẠP...!

Ngày trở lại cao nguyên mùa tháng chạp
Hoa dã quỳ phai nhạt vẫy chào tôi
Chân bước đi trên lối nhỏ bồi hồi
Mắt rười rượi nỗi sầu ôi trĩu nặng

Mình lạc giữa, không gian đầy quạnh vắng
Vạt sương mù ngăn bước cản chân qua
Nhìn hoàng hôn nhuộm tím buổi chiều tà
Cho nhung nhớ ngập tràn ngăn ký ức

Phía trước mặt đường dài xa hun hút
Đằng sau lưng rừng thẳm vực càng sâu
Kỷ niệm xưa héo úa đã nhạt màu
Cơn giông bão nhấn chìm bao thành quách

Gió lay nhẹ đậu vai gầy say đắm
Chút dỗi hờn duyên phận lắm long đong
Chiều cao nguyên buốt giá tận cõi lòng
Giọt lệ nóng vỡ òa trong khóe mắt.

Giờ nầy chúng ta còn được nhìn thấy nhau, tìm lại bên nhau những kỷ niệm nơi mà được mệnh danh là "Nắng bụi mưa buồn" hay "Đi năm phút trở về chốn cũ". Phố Núi cao nguyên của những em gái một thời "Má đỏ môi hồng".

Phố núi Pleiku, vẫn đợi chờ
Pleime thành quách đứng chơ vơ
"Hàm Rồng" vương mãi hờn sông núi
Trầm lặng thiên thu nước "Biển Hồ"
"Trà Bá, Hội Thương cầu Hội Phú"
Lối về "Diệp Kính" dốc quanh co
Bước sang hang đá nhà thờ Chúa
Phố núi dăm ba, phút hững hờ.

Có những ngày tiết trời ở phố núi Pleiku với đủ 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Sáng sớm trời se se lạnh, buổi trưa không khí trở nên oi bức như mùa hè. Khi chiều vừa tắt nắng đã có những cơn gió thoang thoảng của mùa thu làm dịu mát cái nắng gắt mùa hè. Và khi màn đêm xuống nghĩa là đông đã về.

Với cư dân của Pleiku trước năm 1975, con đường Hoàng Diệu hẳn không xa lạ. Con đường này chạy từ cầu Hội Phú, lên tới Lý Thái Tổ. Đó là cái xương sống của thị xã, cửa ngõ dẫn vào tỉnh lỵ. Ngay trung tâm phố núi rẽ phải là đường Lê Lợi có trường Trung học tư thục Công giáo Minh Đức, rẽ trái qua đường Sư Vạn Hạnh là trương tư thục Bồ Đề. Đó cũng là con đường đến lớp của rất nhiều thầy cô và học trò, nơi tọa lạc của các trường: Tiểu học Vĩnh Hưng (tư thục), Nam Tiểu học (công lập), Tuyên Đức trường Tàu, Trung học Pleiku, Thánh Phao Lồ. Thị xã nhỏ, học sinh đi bộ đến trường là chính. Trước năm 1975, đường Hoàng Diệu chỉ có đoạn giữa, từ ngã ba Diệp Kính đổ lên Bưu điện là sầm uất, tấp nập; sự náo nhiệt đó kéo lan qua vòng cung lân cận: Phan Bội Châu – Quang Trung – Phan Châu Trinh và Lê Lợi. Thả bộ lang thang thường cũng chỉ trên mấy đoạn đường ngắn này. "Phố xá không xa nên phố tình thân".

NHỚ VỀ PHỐ NÚI.

Nhớ thuở đưa em về phố núi.
Cơn mưa... tuôn mãi suốt đêm ngày
Dìu em xiêu vẹo trèo con dốc
Bám víu bên nhau nắm chặt tay

Mấy thuở em về thăm phố núi
Sao mưa.! mưa mãi suốt ngày đêm
Trước gió dáng xiêu chân chậm rãi
Dìu nhau từng bước dưới mưa đêm.

Sớm mai đưa tiễn em về sớm.
Từ giã bao lâu sẽ ghé thăm.
Mong có ngày về thăm xóm đạo
Thế rồi phố núi mất bảy lăm.

PHỐ NÚI U BUỒN

Pleiku phố núi, phủ đầy sương
Cây lá còn xanh khắp nẽo đường
Chỉ thiếu nhau thôi, giờ phố vắng
Nên buồn ta mãi nhặt sầu vương
Lạnh lùng bao nỗi chờ mong nhớ
Ngày tháng hao gầy vì nhớ thương
Kỷ niệm rụng rơi năm tháng chết
Trong lòng lắng đọng kiếp tha phương

Bây giờ là tháng tư, tháng của vết thương chưa kéo da non ấy, giở lại những ký ức của những người tù Việt Nam Cộng Hòa, như thể chúng ta đang mở băng dán vết thương, hẳn là sẽ còn rỉ máu, nhưng đồng thời cũng khơi chút hoài mong, qua thời gian sẽ có tác dụng như một thứ thuốc sát trùng làm vết thương nguôi ngoai. nỗi bi thương, những cõi mơ nương tựa, với những oan khúc của tù ngục bằng thứ khí giới mơ mộng hồn nhiên, nhân ái, để tồn tại và sống sót.

Con người rồi sẽ ra đi, nhưng dấu hằn trên thân xác quê hương vẫn mãi tồn tại... 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét