LIÊN HỆ TÌNH CẢM CHA CON
Trong mỗi gia đình, chúng ta đều biết, cha mẹ có ảnh hưởng lớn lao trên con cái, đặc biệt là cha đối với con trai. Trước khi nhìn vào ảnh hưởng của người cha đối với con trai, chúng ta cần biết trách nhiệm của người cha trong gia đình là gì, người cha cần có mối quan hệ như thế nào với con trai của mình ?
Khi gia đình có một đứa con trai, người Cha đã nhận được đặc ân và trách nhiệm Đặc ân và trách nhiệm đó là hướng dẫn con đến chỗ nhìn biết một người cha có mối quan hệ mật thiết tốt đẹp với vợ và các con. Có người đã mô tả ảnh hưởng của người cha như sau:
– Các ông cha luôn luôn để lại một ấn tượng sâu đậm trên đời sống con cái. Ảnh hưởng của người cha có thể ví sánh với hình ảnh một người đang khắc ghi những dấu vết vào một cái thân cây. Ngày tháng trôi qua, những dấu vết hay ấn tượng người cha để lại trên con cái ngày càng sâu đậm và rộng lớn. Những ấn tượng đó có thể giúp con lớn lên sống hài hòa với người chung quanh nhưng cũng có thể khiến con không có mối quan hệ tốt đẹp như đáng phải có.
– Có những người cha suốt những năm tháng sống gần con cái đã kiên nhẫn, cẩn thận để lại trong tâm hồn con những chứng tích yêu thương, khích lệ; với sự hướng dẫn trong kỷ luật vững vàng; chấp nhận con, yêu quý con.
– Nhưng cũng có những người cha đã dùng lời nói hay hành động làm tổn thương tâm hồn con và vì thế để lại trong lòng con những vết sẹo vô cùng sâu đậm. Thời gian có thể chữa lành đau đớn hoặc làm cho vết sẹo mờ nhạt đi, nhưng những ấn tượng về người cha không thể nào xóa nhòa hoàn toàn.
– Cái ấn tượng mà người cha để lại trong mỗi cuộc đời các con, có thể xấu tốt, lớn nhỏ, nhiều ít, khác nhau nhưng chắc chắn ấn tượng đó, ảnh hưởng đó ta không thể phủ nhận. Dù muốn dù không, người cha là vị thầy đầu tiên và là vị thầy quan trọng nhất trong cuộc đời con cái. Người cha dạy con bằng đời sống gương mẫu, bằng những lời khuyên dạy hoặc bằng những thất bại và thiếu sót của mình.
Để mối quan hệ giữa Cha và con trai được thành công tốt đẹp, người cha phải cùng hoạt động với con và truyền cho con một gia tài phong phú trong việc rèn luyện. Bước vào tuổi thanh, thiếu niên, người con trai cần được hướng về hình ảnh người đàn ông mạnh mẽ, do vậy người con sẽ lấy Cha mình làm mẫu mực để tạo nên nhân cách của mình từ giờ và mãi về sau...
Người cha nên giúp con tìm hiểu và có ý thức về thế giới xung quanh. Sự vắng mặt của người cha tất nhiên sẽ dẫn đến một sự thiếu hụt mất thăng bằng đối với người con.
Là cha mẹ, chúng ta trước hết phải ghi nhớ và thực hành những điều hay lẻ phải, xuyên qua sách vở, báo chí, truyền thanh, truyền hình và những trải nghiệm qua cuộc sống thực tế từ gia đình, học đường, xã hội, ngoài ra các tôn giáo cũng đã đóng góp một phần không nhỏ trong cuộc sống hạnh phúc cho chính mình, gia đình và tha nhân. Với những hành trang đó, chúng ta có quyền hãnh diện để truyền đạt và trang bị lại cho con.
Phương pháp dạy con là một phần trong sinh hoạt hằng ngày của cha mẹ, dạy trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc và mọi nơi…Người cha nào cũng muốn được con khâm phục, kính nể và người con trai nào cũng muốn kính trọng khâm phục cha của mình. Nếu để ý chúng ta thấy các cậu bé con 5, 6 tuổi hay 7, 8 tuổi thường khoe với bạn rằng bố mình là giỏi nhất, tài nhất, không ai bằng. Các em cũng thích bắt chước cách đi đứng nói năng của bố, và khi có ai hỏi, lớn lên con muốn giống ai, các em thường trả lời: "con muốn giống ba con". Đây là một mong ước tốt đẹp nếu người cha là gương mẫu tốt đẹp cho con noi theo. Những đứa con trai trong gia đình cần có một người cha mạnh mẽ, can đảm, sống thật với chính mình nhưng cũng là người cha rất là người, tức là cũng có những lúc yếu đuối, vấp váp những mừng giận, buồn vui, thương ghét, ham muốn như mọi người khác. Các con trong gia đình cần nhìn thấy cha mình là một người bình thường, tốt có mà xấu cũng không chừa, có ưu lẫn khuyết điểm, có điểm mạnh cũng như điểm yếu. Có như thế vẫn tốt hơn là người cha cách biệt với con cái, che giấu về con người thật của mình, nên được con tôn cao, xem như là thần tượng để rồi sau đó khi lớn lên thần tượng sụp đổ vì chúng khám phá ra rằng cha mình không cao đẹp toàn hảo như mình tưởng...
– Những nhận xét của một người con trai về cha mình như sau:
Tôi kính trọng và ngưỡng mộ cha tôi vì ông sống thật với chính mình và với vợ con. Khi có lỗi, ông nhận lỗi; khi có điều sợ hãi, lo lắng, cũng như khi được thành công, vui vẻ, ông chia xẻ với gia đình chứ không che giấu. Khi cha tôi gặp thử thách hay khó khăn trong đời, ông không những biểu lộ trong cử chỉ, thái độ nhưng cũng nói ra cho mẹ tôi và anh em tôi biết, và ông cho biết ông đã học được điều gì qua những khó khăn đó. Cha tôi không bao giờ biết rằng ông đã dạy tôi rất nhiều qua việc làm và những điều ông chia xẻ với chúng tôi. Cha tôi không toàn hảo nhưng ông rất chân thật, cởi mở, là người nhiều tình cảm và không ngại biểu lộ tình cảm của mình. Tôi ước mong các con tôi cũng thấy từ tôi là một người cha giống như vậy.
Người cha trong gia đình nói trên là người dạy con bằng chính đời sống của mình, ông là con người như thế nào thì bày tỏ ra như vậy, rất thật và rất gần với con cái. Đây là điều quan trọng chúng ta cần để ý nếu chúng ta muốn các con của mình, đặc biệt là những đứa con trai, lớn lên có đời sống tình cảm lành mạnh và quân bình. Một đứa bé phát triển bình thường là đứa bé được cha yêu thương, chấp nhận, và lớn lên có thể nói như sau về chính mình.
"Tôi biết tôi là người có khả năng, có thể làm những việc bình thường người khác giao cho tôi. Tôi sẽ có lúc vấp váp nhưng không sao, tôi sẽ học hỏi và rút kinh nghiệm qua những vấp váp đó. Tôi là con, Cha mẹ luôn yêu thương tôi và chấp nhận tôi, như thế là đủ cho tôi rồi. Tôi yêu thương người chung quanh và sẵn sàng nhận tình yêu người khác dành cho tôi. Tôi yêu thương và tôn trọng chính mình. Tôi biết tôi có thể bày tỏ con người thật của mình với cha mẹ và người thân yêu. Tôi có lúc vấp váp lầm lỡ nhưng không sao, người chung quanh vẫn yêu thương và chấp nhận tôi".
– Làm thế nào để giúp con cái tự tin và có cái nhìn đúng về chính mình, chúng ta thấy con người có sáu nguyên tắc sống quan trọng sau đây:
+ Kính trọng và yêu thương mọi người
+ Biết lắng nghe, phục thiện để cầu tiến
+ Có đức tính khiêm nhường, lòng tự trọng
+ Có tinh thần kỷ luật, tôn trọng giờ giấc và tự chế
+ Tôn trọng quyền hạn riêng tư
+ Tuân hành luật lệ từ gia đình, cộng đồng đến xã hội
Những nguyên tắc này tuyệt đối thích hợp cho mọi đời sống, trong mọi thời đại. Người cha sẽ làm trọn vai trò của mình khi người đó sống theo sáu nguyên tắc trên và dạy cho con cái biết và thực thi những nguyên tắc căn bản đó, cũng như những điều được gói gọn trong Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí và Tín vậy.!
Người Cha là người mang lại cho con cái những điều cần yếu sau:
1. Là nơi che chở, bảo bọc con:
Người Cha luôn giúp con cái an tâm và có thể ngước đầu lên, đối diện khó khăn. Người cha trong gia đình cũng phải là nơi cho con nương tựa mỗi khi bị vấp ngã
2. Là gương sáng soi lối và giúp đỡ :
Con cái trong gia đình cũng trông mong cha là người hướng dẫn giúp đỡ trong lúc con cái gặp nguy biến, khó khăn.
3. Là người yêu thương, nhân từ, sẵn sàng tha thứ lỗi lầm của con cái:
Như vậy, con cái của chúng ta cần có một người cha nhân từ yêu thương, chậm nóng giận và sẵn sàng tha thứ lỗi lầm của con.
Cầu xin, các ông cha bà mẹ, đặc biệt là các ông cha luôn là gương sáng trong vai trò làm cha, để chúng ta thật sự là người che chở, hướng dẫn, giúp đỡ và nhất là yêu thương, tha thứ và thông cảm với những đứa con mà vợ chồng đã cho chúng hiện hữu trên đời nầy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét