Thứ Tư, 25 tháng 1, 2017

TÌM HIỂU VỀ THƠ LỤC BÁT


1. Các loại 'thanh' trong tiếng Việt 


Tiếng Việt là một thứ tiếng đơn âm, tức là mỗi tiếng chỉ có một âm. Tuy nhiên, mỗi âm mang nhiều 'thanh' khác nhau. Thanh là cách phát âm cao hay thấp, bổng hay trầm của mỗi âm. 

Chữ quốc ngữ dùng để viết tiếng Việt chỉ có năm dấu 'sắc', 'huyền', 'hỏi', 'ngã', 'nặng', và chữ 'không đánh dấu'; vì vậy, nhiều người lầm tưởng là tiếng Việt chỉ có sáu thanh. Thật ra, tiếng nước ta có tiếng có 6 thanh nhưng cũng có tiếng có đến 8 thanh. Những tiếng có 8 thanh là những tiếng khi viết có một hoặc hai phụ âm ở phía sau. Những tiếng có 6 thanh là những tiếng khi viết có một hoặc nhiều nguyên âm ở sau. Thí dụ:

- Tiếng 'ba' có 6 thanh: ba, bà, bã, bả, bá, bạ. 

- Tiếng 'miên' có 8 thanh: miên, miền, miễn, miển, miến, miện, miết, miệt. 
- Tiếng 'linh' có 8 thanh: linh, lình, lĩnh, lỉnh, lính, lịnh, lích, lịch.
 2. Âm Bằng và âm Trắc trong tiếng Việt 


Tám thanh nêu trên có thể cô đọng thành 2 loại âm 'bằng' và 'trắc'. Bằng (nghĩa đen là bằng phẳng) gồm những tiếng lúc phát ra nghe đều đều. Trắc (nghĩa đen là nghiêng, lệch) gồm những tiếng phát ra mang âm tự thấp lên cao, hoặc từ cao xuống thấp. 
Để phân biệt bằng và trắc, theo lối viết chữ quốc ngữ, những chữ nào không mang dấu hoặc mang dấu huyền là tiếng 'bằng', còn những chữ mang dấu sắc, hỏi, ngã, nặng là 'trắc'. 

3. Vần trong tiếng Việt 

Trong tiếng Việt, những tiếng có vần với nhau là những tiếng không những cùng một thanh (bằng hoặc trắc) mà còn phải có âm hoặc hoàn toàn hợp nhau, hoặc tương tự nhau. Có hai loại vần là 'vần chính' (còn gọi là vần giầu hoặc vần sát) và 'vần thông' (còn gọi là vần nghèo hoặc vần gượng). 

Vầ̀n chính: Những tiếng cùng một khuôn âm như 'ba' với 'bà', 'thương' với 'trường', 'đời' với 'trời' (các âm bằng); hoặc 'chính' với 'tĩnh', 'sợ', và 'vợ' (các âm trắc), v.v.. 
Thí dụ như những câu thơ sau của Nguyễn Bính:

Láng giềng đã đỏ đèn dầu 
Đợi em ăn dập miếng trầu em sang 
Đôi ta cùng ở một làng 
Cùng đi một ngõ, vội vàng chi anh...

Hai chữ 'dầu' và 'trầu' cùng vần chính. Ba chữ 'sang', 'làng', và 'vàng' cũng cùng vần chính.
Vần thông: Những tiếng hợp nhau về thanh nhưng chỉ tương tự với nhau về âm như 'inh' với 'anh','ang' với 'ương', 'nâng' với 'trăng'(các âm bằng); hoặc 'lụt' với 'mục' (âm trắc), v.v.. 
Thí dụ như hai câu ca dao sau:

Hôm qua tát nước đầu đình 
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen 
Em được thì cho anh xin 
Hay là em để làm tin trong nhà...

Hai chữ 'đình' và 'cành' hợp vần thông với nhau. Ba chữ 'sen', 'xin' và 'tin' cũng hợp vần thông


Nói đến thơ là chúng ta liên tưởng đến các thể thơ:
- Lục Bát
- Song Thất Lục Bát
- Thất ngôn Bát cú
- Tự do
Lục bát là thể thơ đặc biệt của người Việt Nam. Người Hoa không có lục bát. Ở Đông Nam Á, chỉ có Thái Lan có lục bát với cách gieo vần giống như lục bát của chúng ta. Cụ Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu và nhiều tác giả khác trong văn học Việt Nam đã xử dụng lục bát trong các tác phẩm của họ. Trong dòng văn chương bình dân, lục bát hầu như là thể thơ độc nhất được xử dụng trong kho tàng ca dao đồ sộ của dân tộc. Đối với người xưa, ngoài tính cách giải trí, ca dao còn được mang mục đích giáo huấn con em. Thật vậy, thời trước, rất ít người được cắp sách đến trường, nên phương tiện để dậy dỗ các em về luân lý và các kinh nghiệm sống được gói ghém trong văn chương truyền khẩu gồm ca dao, tục ngữ, và truyện cổ. Thêm nữa, lục bát là thể thơ thường được dùng trong các lối hát dân gian như quan họ, trống quân, hát chèo, hát đúm, hát xẩm, hát ru em, hát gặt lúa, hát giã gạo, hát đưa đò, hát phường vải, hát chầu văn, và hò v.v...Vì vậy, văn chương bình dân trong những câu hò, câu lý, trong ca dao cũng đã đến với lục bát. Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc cho rằng thơ lục bát dễ làm nhưng làm được một bài lục bát hay thì rất khó. Dở một chút thì lục bát thành vè ngay.
Nhưng có thật là lục bát dễ làm không?
Ở bậc trung học trước năm 1975, ngay ở năm đầu, tôi nhớ là học sinh lớp đệ thất cũng đã được dậy về luật thơ lục bát: chữ cuối của câu sáu phải vần với chữ thứ sáu của câu tám; chữ cuối của câu tám phải vần với chữ cuối của câu sáu, và chữ thứ sáu của câu sáu phải vần với chữ thứ sáu của câu tám … và cứ như thế tiếp tục trong suốt 3254 câu của truyện Kiều.
Cách hiệp vần lục bát như vừa nêu ra ở trên thoạt nghe thì có vẻ khó nhớ, nhưng chỉ cần lẩm nhẩm mấy câu đầu của truyện Kiều là nhớ ngay cách hiệp vần lục bát:
Trăm năm trong cõi người TA
Chữ tài chữ mệnh khéo  ghét NHAU
Trải qua một cuộc bể DÂU
Những điều trông thấy mà ĐAU đớn LÒNG
Lạ gì bỉ sắc tư PHONG,
Trời xanh quen thói má HỒNG đánh ghen.
Cảo thơm lần giở trước đèn,
Phong tình có lục còn truyền sử xanh.
Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh,
Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng...

Vần: Chữ cuối trong câu lục đứng trước hiệp vần với chữ thứ 6 trong câu bát đứng sau. Chữ cuối trong câu bát đứng trước hiệp vần với chữ cuối trong câu lục đứng sau. Bài thơ lục bát của cụ Nguyễn Đình Chiểu.

Thà đui mà giữ đạo nhà
Còn hơn có mắt ông cha không thờ
Dầu đui mà khỏi danh nhơ
Còn hơn có mắt ăn tanh rình
Dầu đui mà đặng trọn mình
Còn hơn có mắt đổi hình tóc râu
Sang chi theo thói tha cầu
Dọc ngang chẳng đoái trên đầuai
Sáng chi đắm sắc tham tài
Lung lòng nhân dục mang tai họa trời
Sáng chi sàm nịnh theo đòi
Nay vinh mai nhục mang lời thị phi
Sáng chi nhân nghĩa bỏ đi
Thảo ngay chẳng biết, lỗi nghì thiên luân
Thấy rồi muôn việc trong trần
Xin còn hai chữ “tâm thần” ở ta.

Luật bằng trắc: 
- Thanh Bằng là không dấu và dấu huyền. 
- Thanh Trắc là dấu sắc, nặng, hỏi, ngã.

Trong câu lục luôn phải theo: nhất-tam-ngủ bất luật, nhì-tứ-lục phân minh.
Trăm năm trong cõi người ta ( B - T- B )

Trong câu bát luôn phải theo: * nhì-lục-bát —> Bằng;  tứ —> Trắc
                                           * lục-bát —> Bằng, nhưng luôn khác dấu 
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau       ( B - T - B - B )
Những điều trông thấyđau đớn lòng  ( B - T - B - B )


Trong những câu trên, TA vần với LÀ; NHAU vần với DÂU, với ĐAU. Tuy dễ như vậy, nhưng hình như không phải người Việt Nam nào cũng biết cách hiệp vần của thơ lục bát. Mới đây, một cựu học sinh của một trường trung học danh tiếng ở Sài Gòn trước đây cũng đã lạc vậ̀n một cách tệ hại trong mấy câu gọi là lục bát của ông:
…Ấy ơi, ấy hãy vào ĐÂY
Cho em đổi lại cái QUẦN chút COI 
Cái quần duy nhất của EM 
Hôm qua anh lấy về BÊN ấy rồi...

...Ấy ơi, ấy hãy vào đây
Cho em đổi lại cái nầy chút coi
Cái quần duy nhất anh ơi
Hôm qua anh lấy về phơi ấy rồi...
Hôm nay mưa đổ sụt SÙI
Tớ không hong nữa cái QUẦN không PHƠI 
Bên hiên vẫn vắng bóng NÀNG 
Rưng rưng tôi nghiện cái QUẦN của em

Hôm nay mưa đổ sụt sùi
Tớ không hong nữa quần đùi không phơi
Bên hiên vắng bóng nàng ơi
Rưng rưng tôi nghiện cái nơi em nằm

Trong 8 câu lục bát, chỉ có mấy chữ EM, BÊN và NÀNG, QUẦN là tạm có thể coi là có vần với nhau mặc dù có hơi khiên cưỡng. Những câu khác thì đều lạc vận. ĐÂY không thể vần với QUẦN; COI không thể vần với EM; SÙI không thể vần với QUẦN; PHƠI không thể vần với NÀNG.
Thơ tự do thì không cần phải có vần. Nhưng nếu một câu sáu kế đó là một câu tám thì đó là lục bát và phải theo luật của lục bát và phải hiệp vần.
Gió đêm Thiên Chúa ra đời 
Cổng trời nguyệt thực ngôi lời trên cao
Giáng Sinh chẳng có trăng sao
Hồn không thắp lửa thơ vào lạnh tanh.
Đêm đông Chúa đến cùng anh
Hàng cây tuyết phủ lữ hành vòng tay.
Mấy câu đó được nghe thấy trong một cuộc họp mặt tất niên của các cựu học sinh mấy trường trung học ở Sài Gòn trước đây. Nguyên đó là một bài thơ lục bát của Nguyễn Bính gồm 42 câu kể chuyện một cuộc tình bi thảm của một thanh niên với cô hàng xóm. Mối tình chưa có dịp thổ lộ thì người phụ nữ trẻ qua đời. Bài thơ này đã được ít nhất hai nhạc sĩ phổ thành nhạc. Và một trong hai bản nhạc cũng được sửa lời để hát diễu thành hai người lấy lộn quần của nhau vì cùng phơi trên một cái cọc giữa hai căn nhà. Nhưng rồi chính lời diễu của bài hát diễu đó cũng lại được sửa lại thành những câu lục bát lạc vận một cách thảm hại được hát lên trong buổi họp mặt vừa qua.
Tác giả của những lời ca được sửa lại lần nữa với những câu lục bát què quặt ấy, theo bài tường thuật trên báo, cho biết có giữ bản quyền. Việc đó không cần thiết vì lục bát mà như vậy thì sẽ không có ai chôm chỉa của ông đâu khiến ông phải quá lo xa.
Nếu tác giả chỉ đọc cho vợ con nghe trong nhà thì chắc sẽ không người nào có ý kiến. Nhưng vì nó được phổ biến ở một nơi công cộng nên người nghe được quyền có ý kiến và nhận xét.
Có ý kiến vì tôi sợ rằng sẽ có người nghe hay đọc thấy những câu ấy rồi tưởng thơ lục bát là như thế rồi cứ thế mà bắt chước làm thơ lục bát thì tội cho cụ Tiên Điền biết là chừng nào. Bỗng nhớ hai câu bi thảm của Nguyễn Du:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

(Hơn ba trăm năm sau / Biết còn ai khóc Tố Như Tiên Điền)
Thưa Tố Như tiên sinh, lục bát, thể thơ mà tiên sinh dùng để viết truyện Kiều đã bị thảm sát như vậy thì con số người khóc tiên sinh chắc chắn không phải là nhỏ.
Mà cũng tội nghiệp cho lục bát biết là chừng nào! Ấy là chưa nói tới câu cuối (rưng rưng tôi nghiện cái quần của em) là một câu thật quá nham nhở và dơ dáy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét