Thứ Tư, 18 tháng 2, 2015

NHÌN LẠI MỘT VỤ ÁN ĐÁNG BUỒN




image

Vụ nhật báo Người Việt kiện tuần báo Saigon Nhỏ về mạ lỵ phỉ báng được khởi sự từ tháng 9 năm 2012, nhưng đến tháng 12 năm 2014 mới được đưa ra xét xử. Sau một phiên tòa kéo dài bốn tuần, ngày 30.12.2014, tòa tuyên phạt bà Hoàng Được Thảo và tuần báo Saigon Nhỏ 4.500.000 USD. Các cộng đồng người Việt hải ngoại trên thế giới đều xôn xao. Nhiều người đã điện thoại hay gởi email cho chúng tôi và hỏi: Tại sao ra nông nỗi này? Báo Saigon Nhỏ là báo chống cộng mà? Có gì bí ẩn đàng sau?

image

Trên đài Little Saigon TV tối 8.1.2015 cùng với luật sư Nguyễn Quốc Lân, và tối 15.1.2015 cùng với luật sư Đỗ Phủ, chúng tôi đã nói về những khía cạnh pháp lý phức tạp của vụ án, nhưng chỉ những người trong vùng được nghe. Hôm nay chúng tôi cố gắng tóm lược nội vụ và chiến thuật của mỗi bên để đọc giả có thể hiểu qua tại sao có bản án ngày 30.12.2014.

BỆNH TRẦM KHA HẾT THUỐC CHỮA

Thật ra, các vụ án nón cối không phải là chuyện mới mẻ gì trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Nó đã trở thành một thứ bệnh trầm kha và không còn phương cứu chữa: Cứ muốn hạ ai là đội cho người đó cái nón cối! Tòa án Mỹ đã nhiều lần “xuống chưởng” để cảnh cáo, nhưng chứng nào vẫn tật đó. 
Không phải Cộng Sản mà chính người Việt đấu tranh đả phá vỡ cuộc đấu tranh của chính họ bằng nón cối! Sau đây là những vụ điển hình:

image

(1) Vào năm 2003, Tòa án Quận Denver, tiểu bang Colorado, đã kết tội nhà sư Lê Kim Cương và ban quản trị chùa Như Lai vu khống hai chị em Hồ Thị Thu và Hồ Thị Thi là cộng sản sau khi hai cô này tố cáo nhà sư có hành vi tình dục bất chánh. Các bị đơn đã bị phạt 4.800.000 USD.

(2) Năm 2006, các bị đơn ở Minnesota đã tố cáo ông Phạm Ngọc Tuận, một cựu quân nhân VNCH, là tay sai Cộng Sản và vi phạm 18 tội đã được họ liệt kê, nhưng không chứng minh được tội nào. Tòa buộc các bị đơn phải bồi thường cho ông Tuận 639.000 USD.

image
bà Ngô Thị Hiền (phải) 
(3) Vào tháng 9 năm 2011 Tòa án Quận Montgomery, tiểu bang Maryland, đã buộc bà Ngô Thị Hiền thuộc Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam, ông Ngô Ngọc Hùng và đài phát thanh Vietnamese Public Radio ở Maryland phải liên đới bồi thường cho ông Hoài Thanh 1.000.000 USD vì đã dùng hệ thống truyền thông để chụp mũ ông Hoài Thanh là cộng sản.

image
ký giả Triều Giang
(4) Ở Austin, Texas, ông Đỗ Văn Phúc đã viết nhiều bài dưới nhiều hình thức khác nhau, tố cáo bà Nancy Bùi, tức ký giả Triều Giang, là thân cộng, tay sai cộng sản và làm ăn với Việt Cộng. Trong phiên xử ngày 27.10.2011, tòa buộc ông Phúc phải bồi thường cho bà Nancy Bùi 1.900.000 USD.

image
Tân Thục Đức (trái) kiện Norman Lê (Lê Thiện Ngo, bên phải) vì bị tố cáo thân cộng.
(5) Vụ án mạ lỵ phỉ báng kéo dài nhất là vụ ba ông Norman Lê, Phiệt Nguyễn, Đạt Hồ, và hai bà Nhàn Trần và Nga Phạm đã bị ông Tân Thục Đức, Hiệu trưởng Trường Việt Ngữ ở Thurston County, kiện về tội chụp nón cối. Những người này đã tố cáo ông Đức là một nhân viên bí mật của Việt Cộng (undercover Viet Cong agent). Vụ kiện được khởi sự từ 2003 đến tháng 4/2009 Tòa Superior Court ở Thurston County, Washington State, mới xử và tuyên phạt những người này phải bồi thường cho ông Tân Thục Đức một số tiền là $310.000. Các bên tranh tụng đã kháng cáo lên Tòa Phúc Thẩm rồi thượng tố lên Tối Cao Pháp Viện Washington State. Ngày 9.5.2013, TCPV đã y án tòaThurston County!

Nhưng vụ án nhật báo Người Việt kiện tuần báo Saigon Nhỏ phức tạp và gay cấn hơn nhiều, vì đây là hai cơ quan truyền thông lớn nhất của người Việt hải ngoại.

VIỆC PHẢI ĐẾN THÌ PHẢI ĐẾN

image
Bà Hoàng Dược Thảo nói về vụ bà bị Công Ty Người Việt kiện về tội phỉ báng tại buổi họp báo.
Trong một bài với đề tựa “Những “bí ẩn” của báo Người Việt: Ai là chủ thực sự của báo Người Việt?” đăng trên nhật báo Saigon Nhỏ thứ bảy 28.7.2012, Đào Nương tức bà Hoàng Dược Thảo, chủ nhiệm kiêm chủ bút nhật báo và tuần báo Saigon Nhỏ, đã bàn nhiều chuyện về nhật báo Người Việt, trong đó có hai đoạn sau đây đã đưa bà Hoàng Dược Thảo và báo Saigon Nhỏ vào đường lao lý:
Đoạn thứ nhất: “Bọt bèo thì thường nổi trên mặt mà. Nhưng sự kiện vợ của ông Hoàng Ngọc Tuệ, bà Hoàng Vĩnh ra mặt điều hành báo Người Việt mấy năm nay mới là lạ. Điều lạ thứ nhất: bà Hoàng Vĩnh không phải là một người có khả năng học vấn hay báo chí. Bà lại là một người có nhiều tai tiếng về tình ái…”

image

Đoạn thứ hai: “Hy vọng ông Phan Huy Đạt, chủ nhân của báo Người Việt sẽ công bố tên của 27 người (thành viên) này để bọn “tay sai của giặc Mỹ” đa nghi cứ cho rằng một ông giáo nghèo, một counselor của một trường đại học cộng đồng thì làm gì có tiền mà mua nổi nguyên một tờ báo to đùng như tờ Người Việt? Bọn “tay sai của giặc Mỹ” cho rằng nếu không phải “thằng” Sơn Hào thì cũng là “thằng” Hải Vị, Made in VC mua tờ Người Việt rồi ông đứng tên dùm cho chúng. Đào Nương tôi không tin nhưng không biết làm sao để bênh ông…”

Từ lâu, bà Hoàng Dược Thảo thường dùng hệ thống báo Saigon Nhỏ để “oanh tạc” báo Người Việt, nhưng bộ biên tập của báo này cứ ngồi êm re. Nay chụp được hai nói câu trên, báo Người Việt quyết định ra tay.

image

Ông Phan Huy Đạt, Chủ nhiệm báo Người Việt.
Theo điều 48a của bộ Dân Luật Californa, thư yêu cầu đính chính (retraction) những lời phỉ báng mạ lỵ phải được gởi đến chủ nhiệm (publisher) tờ báo trong hạn 20 ngày kể từ ngày biết được sự phổ biến bài báo mạ lỵ phỉ báng. Hôm 7.8.2012, ông Phan Huy Đạt, bà Hoàng Vĩnh và nhật báo Người Việt đã gởi đến bà Hoàng Được Thảo và báo Saigon Nhỏ một văn thư yêu cầu cải chính những điều nói trên mà họ cho rằng viết không đúng sự thật về họ.


Tôi thấy thư yêu cầu đính chính này đã không được viết theo mẫu thông dụng được biên soạn rất chặt chẽ mà các luật sư ở California thường dùng, trái lại đã viết theo kiểu tự do, nhưng cũng hội đủ điều kiện luật định, vì điều 48a đòi hỏi phải “ghi rõ những lời tuyên bố bị coi là mạ lỵ phỉ bang và yêu cầu đính chính” (specifying the statements claimed to be libelous and demanding that the same be corrected). Báo Người Việt đã ghi rất rõ hai câu sau đây mà họ cho rằng không đúng sự thật:

(1) Cộng Sản Việt Nam đã mua nhật báo Người Việt và để cho ông Phan Huy Ðạt đứng tên chủ nhân cho họ. (The Vietnamese communists bought the Nguoi Viet Daily News and asked Dat Huy Phan act as owner for them).

(2) Bà Hoàng Vĩnh không phải là một người có khả năng học vấn hay báo chí. Bà lại là một người có nhiều tai tiếng về tình ái (an unchaste woman who is unqualified for her profession and known to have many scandalous affairs.)

Cũng theo điều 48a, Saigon Nhỏ có ba tuần lễ kể từ ngày nhận được thư yêu cầu, để đăng những lời cải chính. Nhưng bà Thảo chẳng những không cải chánh mà còn viết một bài trên tuần báo Saigon Nhỏ ngày 17.8.2012 giải thích tại sao bà đã viết như vậy. Vì không nắm vững luật buộc phải “specify” như trên nên bà cảnh cáo ông Đạt và bà Vĩnh “không nên dùng thủ thuật “cắt” một câu ngắn trong một đoạn văn dài để xuyên tạc ý nghĩ của câu văn.”!

Ngày 4.9.2012, luật sư Hoyt E. Hart đại diện cho nhật báo Người Việt, ông Phan Huy Đạt và bà Hoàng Vĩnh đã nộp đơn tại tòa Superior Court ở Orange County kiện bà Hoàng Dược Thảo về mạ lỵ phỉ báng vì cho rằng hai câu nói trên là không đúng sự thật gây phương hại cho họ về nhiều phương diện. Vụ kiện mang số 30-2012-00595526-CU-DF-CJC, loại: Defamation, tên vụ: Hoang vs. Saigon Nho Newspaper.

image

Điều 45 của bộ Dân Luật California đã định nghĩa tội mạ lỵ phỉ báng bắng bài viết (libel) như sau:
“Mạ lỵ phỉ báng bằng bài viết là một sự phổ biến không đúng sự thật và không được đặc miễn bằng bài viết, ấn phẩm, hình ảnh, hình nộm, hay hình thức phô diễn ra trước mắt khác, nhắm làm cho bất cứ người nào bị hận thù, khinh bỉ, nhạo báng, lăng nhục, hay tạo ra các lý do cho người đó bị xa lánh, tránh né và phương hại đến nghề nghiệp của họ, cũng như làm cho họ phải chịu  những sự đe dọa phương hại lớn đến mạng sống."

Luật sư của báo Người Việt đã bám sát vào điều luật này để hành động.


CHIẾN THUẬT CỦA HAI BÊN

Trong khi luật sư của báo Người Việt dùng các phương thức luật định để chứng minh những lời tuyên bố nói trên không đúng sự thật, có ác ý và gây thiệt hại cho họ về nhiều phương điện như điều 45 đã mô tả, bà Hoàng Dược Thảo dùng các cơ quan truyền thông, các tổ chức đấu tranh chính trị và những suy luận riêng của bà, tức các phương thức ngoài luật định, để đối phó với cơ quan tư pháp Mỹ và tin chắc rằng bà sẽ thắng.

image

Qua các bài bà Thảo viết trên báo Saigon Nhỏ sau khi bị truy tố, nhất là hai cuốn video ghi lại những lời phát biểu của bà tại cuộc họp của Cộng Đồng Việt Nam Nam Cali vào tối 10.2.2013 tại trụ sở Hội Đền Hùng ở Westminster và trong lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại ngày 29.9.2013, chúng ta thấy bà muốn nói với Tòa cũng như mọi người rằng bà chỉ lặp lại những lời phát biểu của nhiều nhân vật và nhiều tổ chức tố cáo nhật báo Người Việt là của Cộng Sản hay tay sai Cộng Sản. Sở dĩ bà làm như vậy vì bà không biết rằng luật pháp Hoa Kỳ đã quy định: “Một người lặp đi lặp lại lời mạ lỵ phỉ báng do người khác phải chịu trách nhiệm cho việc tái phổ biến đó, ngay cả nếu người tái phổ biến quy lời tuyên bố phỉ báng cho người phổ biến gốc.” (Moritz v. Kansas City Star Co., 258 S.W.2d 583). Nói một cách giản dị, lặp lại một lời phát biểu sai sự thật của người khác vẫn phải chịu trách về lời phát biểu đó, dù chỉ rõ lời phát biểu đó phát xuất từ đâu. Tuy nhiên, khi đăng những lời phát biểu của cơ quan công quyền thì không phải chịu trách nhiệm, dù sai.


image

Tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại tổ chức tại nhà hàng Paracel Seafood, thành phố Westminster, tối Chủ Nhật, 29 tháng 9, bà Hoàng Dược Thảo, chủ nhiệm báo Sài Gòn Nhỏ vu khống báo Người Việt là 'cộng sản'. Sau đó ban tổ chức xin lỗi và mời báo Người Việt ra khỏi.
Các bài và hai video nói trên cũng cho thấy bà đã đặt các bị đơn vào tình trạng “bị hận thù, khinh bỉ, nhạo báng, lăng nhục, hay tạo ra các lý do cho người đó bị xa lánh, tránh né và phương hại đến nghề nghiệp của họ, cũng như làm cho họ phải chịu những sự đe dọa phương hại lớn đến mạng sống” như đã quy định ở điều 45. Do đó, luật sư của báo Người Việt không phải đi tìm bằng chứng đâu xa, ông ta chỉ dùng các bài báo và hai cái video đó cũng đủ thắng rồi.

image

Tuy nhiên, hai cái video tai hại hơn vì nó phô bày ra trước mắt bồi thẩm đoàn không phải chỉ những lời mà cả hình ảnh đầy thuyết phục của bà Thảo khi phát biểu khiến họ quyết định mau lẹ.
Hai luật sư là Charles H. Mạnh và Aaron Morris đã nhận ra sự nguy hại của hai video này và đã hai lần xin tòa bỏ hai video đó ra ngoài hồ sơ vụ kiện. Nhưng điều 350 của Luật Bằng Chứng (Evidence Code) quy định rằng không bằng chứng nào được đưa vào hồ sơ vụ kiện ngoại trừ bằng chứng có liên quan. Hai video nói trên là bằng chứng liên quan(relevant evidence) nên Tòa không cho bỏ ra được.
Nói tóm lại, vì không nắm vững luật pháp, bà Hoàng Dược Thảo đã tạo ra những bằng chứng cho đối phương dựa vào đó để quy trách nhiệm cho chính bà.

RỒI SẼ ĐI VỀ ĐÂU?

image

Bây giờ bà Hoàng Dược Thảo và Saigon Nhỏ đang xin tòa nguyên thẩm tái thẩm để câu giờ. Trong vòng hai tuần lễ, nếu tòa bác đơn thì có 60 ngày để kháng cáo. Trong khi kháng cáo, báo Người Việt vẫn xin thi hành án. Muốn hoãn thi hành án, phải mua một cái Bond để bảo đảm tiền phạt. Cái Bond này trị giá bằng 150% số tiền phạt. Bà Thảo bị phạt 4.500.000 USD nên phải mua cái Bond lên đến 6.750.000 USD và phải có tài sản thế chấp để mua. Mỗi năm phải trả tiền lời là 10%. Trong một số trường hợp rất đặc biệt, tòa cũng có thể cho miễn mua Bond, nhưng rất họa hiếm (judgment without bond are extremely rare).

Tiền thuê luật sư kháng cáo trong vụ này cũng sẽ rất cao, không dưới 300.000 USD, vì họ phải đọc khoảng 2000 trang biên bản của tòa (court transcripts) rồi dựa vào đó viết bản luận trạng (brief) với những tham khảo và trích dẫn luật pháp và án lệ rất công phu. Luật sư không chuyên môn về kháng cáo không làm được.

image

Kết quả kháng cáo sẽ đi tới đâu? Chúng ta hãy nghe Luật sư David Brown nói về “Kháng cáo Bản Án của Bồi Thẩm Đoàn” (Appeals from a Jury Verdict) trên mạng giải thích vế luật pháp nolo.com:

Nếu quý vị bị kết án trong một vụ xét xử của bồi thẩm đoàn, cơ hội của quý vị về kháng cáo có kết quả là rất nhỏ (your chances of successfully appealing are very small), vì tòa kháng cáo chỉ xem lại thẩm phán tòa xét xử có theo đúng luật pháp hay không (chứ không xét lại nội dung vụ kiện). Tiến trình kháng cáo rất phức tạp và tốn kém, kháng cáo ít khi có ý nghĩa.

image

Trong 5 vụ điển hình mà chúng tôi đã nhắc lại ở trên, chúng ta thấy chỉ có vụ thức 5 là vừa kháng cáo vừa thượng tố lên Tối Cao Pháp Viện tiểu bang. Nhưng trong phán quyết ngày 9.5.2013, Tối Cao Pháp Viện đã quyết định với tỉ số 6-1, y án của tòa nguyên thẩm và xác định: “There is no First Amendment protection for the type of false, damaging statements; indeed, the purpose of the law of defamation is to punish such statements.” (Không có sự bảo vệ của Tu Chính Án Thứ Nhất (về quyền tự do ngôn luận) đối với loại những lời tuyên bố sai sự thật và gây thiệt hại; quả thật, mục tiêu của luật về mạ lỵ phỉ báng là trừng phạt những lời phát biểu như thế).

Lữ Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét