Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2018

NHỮNG SAI PHẠM CỦA ĐẠI HỌC Y KHOA TOKYO LÀM MẤT NIỀM TIN CỦA DÂN.


 

Ban lãnh đạo Đại học Y Tokyo nhận lỗi trong cuộc họp báo ngày 7-8 -2018   Nguồn: Japan Times

Lãnh đạo của Đại học Y Tokyo đã cúi đầu xin lỗi trong cuộc họp báo ngày 7-8-2018 về bê bối sửa điểm thi vào trường Y, nhất là khi vụ việc nghiêm trọng này kéo dài trong hơn một thập niên qua nhưng nay mới bị phanh phui.
Thao túng trắng trợn
Trong cuộc họp báo được tổ chức ngày 7-8-2018, ông Tetsuo Yukioka, Giám đốc điều hành Đại học Y Tokyo đã cúi đầu nhận lỗi về vụ bê bối sửa điểm thi: 
Ông Yukioka nhấn mạnh"Chúng tôi chân thành xin lỗi vì những sai phạm nghiêm trọng liên quan tới kỳ thi vào trường Y đã gây ra nỗi lo ngại và sự rắc rối cho nhiều người, đồng thời phản bội niềm tin của công chúng". "Xã hội đang thay đổi nhanh chóng và chúng tôi cần thích ứng với điều đó. Bất kỳ tổ chức nào không coi trọng phụ nữ đều sẽ bị yếu kém".
Lời xin lỗi được đưa ra sau khi Ủy ban Điều tra nội bộ của Đại học Y Tokyo hôm 7-8-2018 công bố kết quả điều tra được tiến hành trong suốt một tháng qua cho thấy, bắt đầu từ năm 2006 thậm chí có thể sớm hơn, Đại học Y Tokyo:
- Đã điều chỉnh điểm thi (hạ điểm thí sinh nữ, nâng điểm thí sinh nam) nhằm giữ tỷ lệ nữ sinh viên tại trường không vượt quá 30%. “Truyền thống” hạ điểm thí sinh nữ đã được áp dụng vì nhà trường muốn tránh tình trạng thiếu bác sĩ ở những bệnh viện có liên kết với trường khi tốt nghiệp. Ban lãnh đạo trường cho rằng, các nữ sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ có xu hướng bỏ nghề y nhiều hơn so với nam sinh viên do họ phải thực hiện nghĩa vụ làm mẹ và nuôi dưỡng con cái, dẫn đến thiếu hụt nhân lực ở các bệnh viện. Trong khi bác sĩ nam được cho là bám nghề, chịu đựng được áp lực thời gian cũng như áp lực công việc.
- Cụ thể tại vòng một của kỳ thi tuyển đại học hồi tháng 2, Đại học Y Tokyo đã giảm điểm thi của tất cả các thí sinh nữ xuống 10-20%, sau đó cộng thêm 20 điểm cho các thí sinh nam thi lần đầu và thi lại lần 2. Thậm chí, một số thí sinh nam từng thi trượt hai lần và đăng ký thi lại lần 3 cũng được nâng lên 10 điểm. Số điểm được nâng vào khoảng từ 10-49 điểm. Các luật sự điều tra vụ bê bối cũng cho biết cựu chủ tịch và giám đốc Đại học Y Tokyo đã nhận tiền từ cha mẹ của các học sinh được nâng điểm đậu vào trường Y.
Lãnh đạo nhà trường cho biết sẽ tiến hành bồi thường song cho đến nay, chưa thể nào thống kê được toàn bộ những trường hợp đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng thao túng điểm kéo dài trong suốt 12 năm qua.
Theo thống kê, vào thời điểm trước khi biện pháp sửa điểm được áp dụng, nữ giới chiếm 40% tổng số sinh viên đậu vào Đại học Y Tokyo. Sau quá trình tuyển sinh gồm 2 vòng diễn ra đầu năm nay, chỉ có 30 thí sinh nữ trúng tuyển, trong khi con số này ở nam giới là 141 người.
Vụ việc đã gây phẫn nộ trong dư luận Nhật Bản, nhất là khi Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe cam kết thúc đẩy tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ. Số lượng nữ giới chiếm tỷ lệ thấp trong lực lượng lao động tại Nhật Bản, đặc biệt là ở cách ngành nghiên cứu chuyên môn cao. Thống kê cho thấy, chỉ có 12,4% nghị sĩ, quan chức cấp cao và nhà quản lý tại Nhật Bản là nữ giới.
Bê bối nối tiếp bê bối
Cuộc điều tra tại Đại học Y Tokyo chỉ bị phanh phui sau khi ông Futoshi Sano, 58 tuổi, cựu Cục trưởng Cục Chính sách Khoa học và Công nghệ của Bộ Giáo dục - Văn hóa - Thể thao - Khoa học và Công nghệ Nhật Bản bị bắt với cáo buộc lạm dụng chức quyền. Ông này bị cho là đã thiên vị để Đại học Y Tokyo được nhận tiền trợ cấp chính phủ cho một dự án nghiên cứu cấp bộ trong năm tài chính 2017, đổi lấy việc trường này bảo đảm một vị trí cho con trai ông Sano trong kỳ thi tuyển vào đại học Y.
Theo một chương trình được đưa ra vào năm 2016 để hỗ trợ cải cách quản lý của các trường đại học tư, nhiều tổ chức trên khắp Nhật Bản nộp đơn xin trợ cấp của Chính phủ cho các dự án nghiên cứu của họ và Bộ sẽ cung cấp trợ cấp cho các trường đại học sau khi các dự án được kiểm tra bởi một nhóm chuyên gia. Chương trình “xây dựng thương hiệu nghiên cứu” nhằm mục đích giúp đỡ các trường đại học bằng cách thúc đẩy nghiên cứu khoa học có khả năng phát triển thành các dự án tiêu chuẩn.
Khoảng 5,5 tỷ yên đã được dành cho chương trình vào năm 2017, và 60/188 trường đại học nộp đơn xin trợ cấp đã được lựa chọn, bao gồm cả Đại học Y khoa Tokyo, vốn được cấp 35 triệu yên. Trường này từng bị “trượt” dự án một năm trước đó.
Theo thông tin điều tra, cựu Hiệu trưởng Mamoru Suzuki và Chủ tịch Hội đồng quản trị trường là ông Masahiko Usui đã “thỏa thuận” với ông Sano. Hiện cả ông Futoshi Sano, Mamoru Suzuki và Masahiko Usui đều đã bị truy tố vì hành vi của mình. Chính trong cuộc điều tra liên quan đến vụ việc này, Cơ quan thanh tra đặc biệt của Tokyo đã phân tích hệ thống dữ liệu máy tính của trường và phát hiện ra những bê bối nghiêm trọng trong kỳ thi tuyển đại học lần thứ nhất diễn ra vào tháng 2 vừa qua, với kết quả thi của nhiều học sinh đã được điều chỉnh (nâng, hạ điểm số).
Vụ việc trên đang gióng lên hồi chuông về việc giám sát các kỳ thi tuyển của các trường đại học tư thục ở Nhật Bản. Khác với Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Nhật Bản không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, mà chỉ căn cứ vào kết quả học tập để xét tốt nghiệp. 
Để bước vào ngưỡng cửa đại học, trước hết học sinh phải tham gia một kỳ thi quốc gia có tên “senta shiken” (kỳ thi trung tâm). Tuy nhiên, senta shiken không phải kỳ thi duy nhất để xét tuyển vào đại học. Thí sinh còn phải thi thêm kỳ thi riêng của các trường. Kỳ thi riêng này thường được tổ chức vào đầu tháng 2 đối với các trường tư thục và cuối tháng 2 đối với các trường công lập. Thi môn gì nội dung đề thi và hoạt động chấm thi ra sao đều do các trường tự chủ động. Chính vì vậy, việc phát hiện gian lận thi tuyển đại học của Nhật Bản là vô cùng khó khăn, khi các trường đại học tư tại nước này tự tổ chức thi và không công khai kết quả thi cử cho công chúng biết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét