Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2017

ĐIỂM TÍN DỤNG (CREDIT SCORE) LÀ GÌ ?

image

Làm sao để đạt được điểm Tín Dụng Tốt ?

Điểm tín dụng là một con số từ thấp (300) đến cao (850) để xác định thành tích và uy tín về tín dụng của mỗi người. Dựa vào đó, các nhà băng thường dùng để làm thước đo xem người đó có nghiêm chỉnh hay không để trả nợ sau khi đã mượn được một món nợ, dù là nợ trả định kỳ với khoản tiền cố định mỗi tháng (như nợ mua nhà, nợ mua xe) hoặc nợ thay đổi tuỳ theo lúc xài (revolving credit) như nợ thẻ tín dụng (muốn trả nợ ít hay nhiều, lâu hay mau tuỳ ý của người mang nợ).
Nói chung, con số càng thấp thì uy tín càng tệ, và nhà băng sẽ khó lòng tin tưởng để cho vay nợ, điều đó hiển nhiên rồi. Nhất là nợ thẻ tín dụng vốn là nợ không có thế chấp như nợ nhà, nợ xe, nên nhà băng chủ nợ coi như trắng tay nếu như con nợ giở chứng muốn “xù nợ”.
Nói chung, điểm tín dụng có thể được xếp hạng như sau:

image

Từ 300 đến 629: điểm xấu (bad)
Từ 630 đến 689: điểm tạm được (fair)
Từ 690 đến 719: điểm tốt (good)
Từ 720 đến 749: điểm rất tốt (very good)
Từ 750 trở lên: điểm tuyệt hảo (excellent).

Hai số điểm 300 và 850 thật ra chỉ là thí dụ để minh chứng hai trường hợp cực đoan nhất chứ thật ra ít thấy khi nào xuất hiện. Người nào bị điểm 300 tức là phải quịt nợ còn hơn “Chúa Chổm”, và người nào đạt được điểm 850 thì coi như có mọi yếu tố tuyệt hảo về nhiều mặt.
Chúng ta thường nghe nói đến 2 loại điểm tín dụng phổ thông là FICO (Fair Isaac Corp.) và Vantage Score, do các cơ quan này dùng mô thức về toán học để đi đến con số này hầu xác định thành tích về tín dụng của mỗi người. Từ đó, các định chế tài chính ở Hoa Kỳ có thể quyết định trước khi cho vay nợ.
Cũng không cần quan tâm để tìm hiểu sâu về nó mà chỉ cần biết rằng cả hai số điểm này gần như cũng giống như nhau. Số điểm tín dụng của mỗi người là kết quả thu lượm được từ tất cả những tin tức liên quan đến hồ sơ vay trả của mỗi người, được tổng kết bởi những cơ quan tín dụng (credit bureaus), trong đó có 3 cơ quan nổi tiếng nhất ở Mỹ (gồm có Equifax, Experian và TransUnion).

image

Chúng ta chỉ cần biết là điểm tín dụng càng cao thì nhà băng sẽ ưu tiên hơn trong việc cho vay nợ, và dễ cho vay với phân lời thấp hơn. 
Trong đời sống sinh hoạt tại Hoa Kỳ ngày nay, điểm tín dụng tốt có thể là yếu tố quan trọng và cần thiết để cho một người có thể được chủ nhà cho thuê mướn, hoặc đôi khi cũng có thể là yếu tố quyết định người đó có nhận được một công việc mới hay không (vì  càng ngày càng có nhiều người và cơ quan muốn xem xét hồ sơ tín dụng (và điểm tín dụng cao) như là một phương tiện để đánh giá về tư cách của người đang nộp đơn.
Nếu bạn có điểm tín dụng thấp hoặc xấu (thí dụ như khoảng 500), bạn cũng có thể được vay nợ, nhưng phải trả với phân lời cao và thường là phải có nhiều điều kiện đi kèm, chẳng hạn như phải ứng ra một khoản tiền đặt cọc để được cấp một thẻ tín dụng có thế chấp (secured credit card), hoặc là phải đóng tiền đặt cọc mỗi khi nộp đơn xin mở điện, nước, gaz v.v. Tại phần lớn các tiểu bang ở Mỹ, nếu có điểm tín dụng thấp, bạn cũng sẽ phải trả tiền bảo hiểm xe hơi cao hơn.
Bù lại, những người có điểm tín dụng tốt thì sẽ được các nhà băng ưu ái và săn đón, sẵn sàng cho vay nợ mà không tính tiền lời (nợ xe hay nợ thẻ tín dụng).

image

Dù thấp hay cao, điểm tín dụng cũng thay đổi thường xuyên, vì nó tuỳ vào nhiều yếu tố và tuỳ vào lúc nào chúng ta muốn xem xét, tương tự như con số áp huyết của mỗi người cũng thay đổi thường xuyên mỗi ngày tuỳ theo từng thời điểm. Điều quan trọng là chúng ta có thể giúp cho điểm tín dụng của mình được gia tăng và duy trì ở mức cao tốt đẹp.
Để đạt được điều này, chúng ta cũng cần nên biết điểm tín dụng được dựa trên những yếu tố nào, và từ đó sẽ hiểu rõ hơn những cách thức để cải thiện nó được tốt đẹp hơn nữa. Nói chung, đó là những yếu tố chính như sau:

image

1. Thói quen trả tiền ra sao (Payment history): 
Đây là yếu tố quan trọng nhất, chiếm tỉ lệ 35% của điểm tín dụng. Nó ghi nhận lại thành tích bạn đã trả tiền nhà, tiền điện, tiền mượn để đi học v.v. cũng như các món nợ khác ra sao từ trước tới nay. Nghĩa là nếu bạn từ trước tới giờ luôn trả tiền các thứ bills một cách đều đặn, không bao giờ chễnh mảng thì coi như bạn dễ có điểm tín dụng tốt. Điều quan trọng là đừng bao giờ trả tiền trễ, vì tất cả những lần trả tiền đều được ghi nhận lại.

image

2. Tỉ lệ tiền vay nợ (Credit utilization): 
Đây là yếu tố quan trọng kế tiếp chiếm đến 30% tỉ lệ của điểm tín dụng. Nhưng nó cũng là chi tiết mà nhiều người ít biết, và cũng thường hiểu lầm nhiều nhất. Vì thế nên cần phải giải thích kỹ hơn.
Nói một cách đơn giản để dễ hiểu, nó là tỉ lệ số tiền còn thiếu trên tổng số tiền mình có thể mượn được. Chẳng hạn như bạn có một thẻ tín dụng với mức cho mượn tối đa (credit limit) là $10,000. Nếu bạn mua hàng đến $2,000 thì coi như đang mắc nợ nhà băng số tiền đó, và tỉ lệ vay nợ là 20%. Nếu sau đó, bạn trả bớt số tiền $500 thì coi như số tiền còn thiếu lại là $1,500 và tỉ lệ vay nợ là 15%.
Còn nếu bạn trả hết số tiền thiếu mỗi tháng, thì coi như số tiền nợ nhà băng là con số không, và tỉ lệ vay nợ trở thành 0%, rất tốt. Và đây cũng là điều mà những người muốn tham dự vào trò chơi “Du Lịch . . . gần như miễn phí” cần phải áp dụng.
Tuy nhiên, chi tiết mà nhiều người ít để ý đến là càng có nhiều thẻ tín dụng chừng nào, và dĩ nhiên là không để cho bất cứ thẻ tín dụng nào còn món nợ vào mỗi cuối tháng, thì chúng ta lại còn có tỉ lệ vay nợ tốt hơn nữa.
Thí dụ như bạn chỉ có một thẻ tín dụng với mức credit limit là $10,000 nhưng tỉ lệ vay nợ là số 0 vì mỗi tháng bạn trả hết chứ không để mắc nợ một đồng nào (vì bạn khôn ngoan nên biết xài chừng mực, và thanh toán hết số tiền đã mua bằng thẻ chứ không để cho nhà băng tính tiền lời). Một người hàng xóm của bạn là ông A cũng khôn ngoan và biết tiêu xài chừng mực cũng giống như bạn, tức là trả hết số tiền trên các thẻ tín dụng và không để cho nhà băng tính tiền lời. Nhưng ông A này thay vì chỉ có 1 thẻ tín dụng mà lại xin được đến 10 thẻ tín dụng, với mức credit limit mỗi thẻ là $10,000. 
Thoạt mới nhìn, bạn và ông A đều có thành tích tín dụng tốt như nhau, vì cả hai đều không mắc nợ một đồng nào trong các thẻ tín dụng. Nhưng dưới mắt nhìn của các nhà băng cho vay các thẻ tín dụng, xuyên qua những con số được tính toán một cách máy móc, thì điểm tín dụng của ông A cao hơn bạn khá nhiều.
Có thể tạm suy diễn kiểu này để dễ hiểu hơn. Dưới mắt nhìn của các nhà băng, cả bạn và ông A đều là người có uy tín tốt về tín dụng (vì trả tiền đầy đủ, và không thiếu đồng nào). Nhưng vì bạn chỉ có khả năng tối đa mượn được có $10,000, trong khi ông A có khả năng mượn được đến $100,000 nên ông A dễ được đánh giá là đáng tin tưởng hơn!
Thật vậy, một nhà băng khác khi suy nghĩ xem có nên cho bạn 1 thẻ tín dụng mới hay không sẽ đắn đo hơn so với trường hợp của ông A. Lý do là vì nhà băng nghĩ rằng tuy bạn hiện nay không mắc nợ đồng nào nhưng biết đâu chừng khả năng của bạn chi chịu đến mức $10,000 thôi, và $10,000 vay nợ kế tiếp từ thẻ tín dụng mới sẽ gặp rủi ro cao hơn.
Nhưng với ông A, nhà băng lại ít lo sợ hơn vì nghĩ rằng số tiền $10,000 cho mượn từ 1 thẻ tín dụng mới sẽ gặp rất ít rủi ro vì nó không thấm thía gì với khả năng của ông A đã có sẵn đến $100,000 credit limit.

image

Điều này mới thoạt nhìn có thể hơi khó hiểu cho nhiều người, nhất là người Việt mình đôi khi còn lý luận rằng những kẻ nào có nhiều thẻ tín dụng nhất là có thể mang nợ nhiều nhất, và có nhiều rủi ro nhất. Nhưng theo cách tính kiểu máy móc của các nhà băng chủ nợ thì lại có kết luận khác.
Và kết quả dẫn đến là càng có nhiều thẻ tín dụng chừng nào, thì mức credit limit của bạn càng cao chừng đó, và điểm tín dụng cũng tăng cao là vì vậy. Vì thế nên càng xin thêm thẻ tín dụng nhiều chừng nào (để được hưởng miles và points nhiều chừng đó để du lịch . . . gần như miễn phí) thì điểm tín dụng lại càng tăng cao hơn, trái ngược với suy nghĩ lầm tưởng của nhiều người. 

3. Thời gian về thành tích tín dụng: 
Chiếm 15% tỉ lệ của điểm tín dụng. Phần này ghi nhận thời gian mỗi thẻ tín dụng hay mỗi trương mục vay nợ đã được thiết lập từ bao lâu. Nếu bạn đã từng trả tiền nhà tiền điện nước từ hơn 20 năm qua, hoặc là đã có dùng thẻ tín dụng từ hơn 10 năm qua thì đương nhiên là các cơ quan tín dụng có thể nhìn thấy đầy đủ hơn lịch sử của những lần trả tiền của bạn để đánh giá. Còn với một người mới nộp đơn vay nợ mua nhà từ một vài tháng trước, hoặc mới xin được thẻ tín dụng có vài tháng ngắn ngủi thì nhà băng chủ nợ chưa chắc an tâm về thành tích trả nợ của bạn.
Do đó, càng có nhiều thẻ tín dụng, và sử dụng nó (cho dù chỉ để mua có 1 món hàng rẻ tiền), cũng như càng lưu giữ những thẻ tín dụng đã có từ lâu (nhất là những thẻ tín dụng không bắt đóng lệ phí) thì điểm tín dụng càng tăng hơn. Chớ nên nghĩ rằng cần phải đóng bớt thẻ tín dụng vì đỡ mất công phải theo dõi, nhất là mỗi khi bạn gặp chút rắc rối và dễ sinh ra bực mình để đi đến quyết định cắt bớt thẻ tín dụng. Cái cần cắt bớt là thói quen tiêu tiền quá mức thu nhập của mình.

image

4. Những món nợ mới và những món nợ khác nhau: 
Mỗi phần chiếm tỉ lệ 10% của điểm tín dụng. Cũng giống như ở phần 2 về tỉ lệ vay nợ, nhiều người có vẻ như chưa tin, nhưng càng có nhiều loại nợ khác nhau thì điểm tín dụng càng dễ tăng cao hơn, dĩ nhiên là với điều kiện phải trả nợ đầy đủ và đều đặn. Không phải chỉ có nợ thẻ tín dụng, mà nếu có thêm nợ xe, nợ nhà, nợ tiền đi học v.v. thì điểm cũng tăng cao hơn. Tuy nhiên, nó chỉ chiếm có 10% nên không giúp điểm tín dụng tăng nhanh đáng kể.
Điều sau cùng ảnh hưởng đến điểm tín dụng là mỗi lần bạn nộp đơn vay nợ mới, cơ quan tín dụng sẽ làm một cuộc điều tra, gọi là credit inquiry, hoặc credit pull để duyệt lại hồ sơ tín dụng trước khi quyết định. Mỗi lần mở hồ sơ duyệt như vậy thì điểm tín dụng có thể bị tụt mất một vài điểm, và đây có lẽ là điều mà nhiều người chỉ mới thoáng nghe qua nên tưởng lầm rằng càng xin nhiều thẻ tín dụng thì sẽ bị tụt điểm tín dụng.
Trong thực tế, mỗi khi xin một thẻ tín dụng mới, điểm tín dụng có thể bị tụt một vài điểm nhỏ lúc ban đầu. Nhưng trong một thời gian ngắn sau đó, điểm tín dụng sẽ tăng vọt lên trở lại, và cao hơn lúc trước, vì nhờ vào số tiền credit limit được tăng lên từ thẻ mới này, như đã giải thích ở phần trên.

image

Chính vì thế mà một số những tay chơi lành nghề trong thú vui tích tụ miles và points này (mà kẻ viết bài này cũng đang bắt chước) thường hay kể lại kinh nghiệm là mỗi lần nộp đơn xin thẻ tín dụng, họ thường xin một lần nhiều thẻ khác nhau trong cùng một ngày, nhất là những thẻ tặng số điểm thưởngbonus khá cao. Lý do là vì một lần credit pull có thể được kéo ra để áp dụng cho nhiều thẻ khác nhau trong cùng ngày, cũng như các nhà băng khi xét đơn có thể không có dịp để nhìn thấy là có những credit pull khác, và từ đó sẽ bớt ngần ngại hơn để chấp thuận đơn và cấp phát thẻ mới.

NHỮNG LẦM LẪN CẦN ĐƯỢC SÁNG TỎ

Để kết luận, khi hiểu biết về những yếu tố cấu thành điểm tín dụng, chúng ta có thể thấy rằng việc có thành tích đã trả nợ đầy đủ và đều đặn trong một thời gian dài là yếu tố quan trọng nhất để tăng cao điểm tín dụng. Sau đó là đến tỉ lệ vay nợ, với kết quả là càng có nhiều thẻ tín dụng chừng nào thì điểm tín dụng càng dễ tăng cao hơn.
Việc nộp đơn xin thẻ tín dụng để tích tụ số miles và points thật nhiều, vài trăm ngàn hay cả triệu điểm, là điều có thể đạt được không khó khăn, và là một thú vui để tìm hiểu hoặc theo đuổi hoàn toàn hợp tình, hợp pháp, không có gì lắt léo, và cũng không có áp lực trực tiếp hay gián tiếp nào để dụ dỗ chúng ta phải gia nhập để làm thành viên cho hội này hội nọ, hay phải mua những sản phẩm nào đó như các hình thức bán buôn kiểu pyramid, hoặc được gọi là multi-level.
Các nhà băng cấp thẻ tín dụng đã chiêu dụ khách hàng với những số điểm thưởng bonus nhiều khi rất hậu hĩ, có thể là có hậu ý khiến người tiêu thụ dễ rơi vào thói quen dùng thẻ tín dụng và sau này có thể sẽ mắc nợ và từ đó sẽ trả tiền lời để giúp cho nhà băng có lợi nhuận.
Nhưng nếu chúng ta chỉ đơn giản biết áp dụng nguyên tắc tiêu tiền đúng mức để không phải mang nợ, và tuân thủ theo những đòi hỏi của các nhà băng để từ đó có thể lấy được điểm thưởng thì đó là chuyện làm rất bình thường, không phải cho thấy là chúng ta ma lanh hay quỷ quyệt, có chăng là nó chứng tỏ chúng ta rất khôn ngoan hơn nhiều người là vì vậy.
Trò chơi nộp đơn xin thẻ tín dụng mới để lấy điểm thưởng big bonus cũng không hề gây ảnh hưởng tai hại, nếu không muốn nói là rất tốt để nâng cao điểm tín dụng của mình. Dĩ nhiên, nếu bạn đang có kế hoạch nộp đơn vay nợ mua nhà (hay một món nợ lớn nào đó) thì có thể tạm khoan nhập cuộc, vì các nhà băng chủ nợ có thể ngần ngại khi thấy người này đã nộp quá nhiều đơn xin thẻ tín dụng trong thời gian qua. Tuy nhiên, nói rằng việc xin nhiều thẻ tín dụng sẽ ảnh hưởng xấu đến điểm tín dụng thì đó là một nhận định hoàn toàn sai lầm.
Phần thưởng tích tụ được có đáng giá hay không, đó là tuỳ cách nhìn của mỗi người. Việc lấy được hàng trăm ngàn điểm để có thể mua vé máy bay hoặc thuê các phòng khách sạn sang trọng gần như miễn phí, theo thiển ý, cũng là một quyền lợi cụ thể mà mình có thể kiếm được, mà không cần phải xin xỏ ai, nhất là khi chúng ta không phải mất công gì nhiều.
Dĩ nhiên, nó cũng không phải hoàn toàn dễ dàng để mọi người có thể nhanh chóng hưởng thụ được mà không tốn công lao gì, bởi vì “nghề chơi cũng lắm công phu” như trong tất cả những thú vui tỉ mỉ khác trên đời này.
Chỉ cần bạn cố gắng, đọc kỹ lưỡng những bài viết được trình bày với những chi tiết cụ thể, rồi tự xét lại trường hợp của mình có thể thực hiện được hay không. Và từ đó có thể tiến tới để bắt đầu một hành trình đầy thú vị.
Xin chúc các bạn nhiều may mắn. Và hãy vững tin vào thú vui mới này để cùng tìm hiểu và thu về nhiều quyền lợi cho việc du lịch. . . gần như miễn phí này.

TUẤN MINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét