Thứ Ba, 20 tháng 12, 2016

TÌM HIỂU THỂ THỨC BẦU CỬ TỔNG THỐNG VÀ PHÓ TỔNG THỐNG HOA KỲ


Phương cách giản dị nhất để tìm hiểu sinh hoạt dân chủ Hoa Kỳ là khảo sát hoạt động đảng phái chính trị, vì qua đó chúng ta có thể hiểu được văn hóa chính trị của nước Mỹ, vốn là một văn hóa được xây dụng từ ngày lập quốc, đã chuyển đổi một nền chính trị thuộc địa Anh Hoàng ra thành một nền chính trị cộng hòa đầu tiên trên thế giới sau khi 13 thuộc địa Anh Hoàng tại Bắc Mỹ nổi dậy chống lại lực lượng võ trang mẫu quốc, sau khi tuyên bố độc lập vào ngày 4 tháng 7, 1776. 
   Cuộc chiến tranh giành độc lập này kéo dài 8 năm từ cuối năm 1775 cho đến khi Đế quốc Anh chính thức rút lực lượng võ trang về nước, và công nhận nền độc lập của 13 thuộc địa Bắc Mỹ vào ngày 3 tháng 9, 1783 tại Hội Nghị Paris.


   Đặc tính nổi trội của nền văn hóa chính trị dân chủ Hoa Kỳ là một nếp sinh hoạt linh động trong đó giới lãnh đạo chính trị sẵn sàng chấp nhận ý kiến của mỗi cá nhân trong mọi tầng lớp quần chúng để thay đổi theo hướng cải tiến không ngừng, vì giới lãnh đạo chính trị Hoa Kỳ không hề tự trói buộc não trạng vào những nguyên lý và quy luật cứng nhắc và bất biến. Ngoài ra sự vững bền của nền cộng hòa Hoa Kỳ còn biểu hiện viễn kiến của các nhà lập quốc đã thiết lập một văn bản Hiến pháp với những biện pháp kiểm soát và cân bằng quyền lực hữu hiệu để ngăn chặn khuynh hướng lạm quyền vốn là một bản tính tự nhiên của giới cầm quyền. 

   Phương thức cân bằng và kiểm soát cùng với cơ cấu quyền lực phân lập đã được xác định trong bản Hiến pháp Hoa Kỳ từ khi mới được ban hành hiện nay vẫn còn chứng tỏ đúng đắn và hữu hiệu trong việc kềm chế quyền lực nằm trong tay những cá nhân thuộc cả ba ngành Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp.  
    Nhóm lập quốc đã chọn lựa thể chế cộng hòa để làm nền móng cho cấu trúc công quyền.
   Về bản chất, một thể chế Dân Chủ với một thể chế Cộng Hòa tương tự như nhau vì quyền hạn nằm trong tay người dân. Nguyên lý chủ yếu để phân biệt giữa hai thể chế là:
– Dưới chế độ Dân Chủ, quyền hạn của người dân dựa vào đa số. 
– Dưới chế độ Cộng Hòa quyền hạn của người dân là sự kết hợp quyền hạn của mỗi cá nhân trong xã hội. 
   Chính vì vậy mà quyền hạn của những khối thiểu số được bảo vệ hữu hiệu hơn dưới một nền cộng hòa vì không một cá nhân nào bị buộc phải phục tùng quan điểm của khối đa số. 
   Nói cách khác trong một thể chế dân chủ chỉ cần một đa số 51% quần chúng cũng có thể nắm quyền điều hướng chính sách quốc gia, trong khi thiểu số 49 % còn lại phải phục tùng và không được bảo vệ vì không có tiếng nói. Trong một nền cộng hòa, quyền hạn thật sự nằm trong tay từng người dân, vì mỗi cá nhân trong đó không bị buộc phải tuân thủ quan điểm của đa số. Do đó, dưới một nền cộng hòa, quyền hạn của người dân đứng trên quyền lực của chính quyền, trong khi đó thì một thể chế dân chủ đúng nghĩa thường vận dụng guồng máy chính quyền để áp đặt quyền lợi của đa số lên toàn dân. 
   Những đợt di dân đầu tiên đến bến bờ lục địa Bắc Mỹ Châu đã rời bỏ đất nước của họ để thoát khỏi nạn đàn áp tôn giáo tại bản quốc. Vì xã hội Hoa Kỳ bao gồm sự cộng sinh của nhiều sắc dân từ khắp thế giới đổ về vì cùng có chung một nguyện vọng là được sống tự do để mưu cầu hạnh phúc cho bản thân và gia đình, cho nên đối với một công dân Hoa Kỳ, tự do cá nhân là một quyền hạn tối thượng, và bao gồm cả quyền tự do bầy tỏ quan điểm cá nhân, tự do thờ phụng theo tôn giáo và tín ngưỡng của từng người. Cũng chính vì vậy cho nên khi thiết lập nền tảng cho thể chế chính trị Hoa Kỳ, nhóm lập quốc đã đặt trọng tâm vào việc thiết đặt những biện pháp hữu hiệu nhất để kềm chế giới cầm quyền không rơi vào xu hướng độc tài lạm quyền. 
   Vào lúc Hiến pháp Hoa Kỳ được trình Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 21 tháng 6, 1788, Hoa Kỳ chưa có một đảng phái chính trị nào hoạt động cả. Vì thế hai chức vụ đứng đầu Hành pháp trong cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên đã được chỉ định trực tiếp bởi một số đại biểu củ trị được chọn lựa tương đương với số dân biểu của từng tiểu bang với túc số là 69 vị, và mỗi đại biểu này có hai lá phiếu để bỏ cho các ứng cử viên trong danh sách được mỗi đảng đề cử cho chức vụ tổng thống. Hai ứng cử viên nhận được số phiếu cao nhất sẽ là tổng thống và phó tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ. Mãi đến năm 1804 thể thức bầu cử này mới được sửa đổi qua Tu chính án 12 quy định phiếu bầu riêng rẽ dành cho hai chức vụ chính và phó này.
   Trong kỳ bầu cử đầu tiên này, tuy chưa có đảng phái nào hoạt động nhưng khuynh hướng chính trị cũng đã có khác biệt do hai nhóm ủng hộ việc ban hành Hiến Pháp (federalist) và nhóm chống đối (anti-federalist) thể chế liên bang do Hiến pháp mới quy định. Tuy nhiên toàn bộ 69 đại biểu cử tri thuộc cả hai khuynh hướng nói trên đều đồng lòng dồn phiếu cho ông George Washington, người hùng chiến thắng quân đội Anh Hoàng làm tổng thống đầu tiên của nền cộng hòa Hoa Kỳ. Tất cả các ứng cử viên khác gồm có các ông John Adams, John Jay, John Rutledge, John Hancock, và Samuel Huntington thuộc nhóm ủng hộ thể chế liên bang và một nhân vật  thuộc nhóm chống đối hiến pháp liên bang là ông George Clinton đều chỉ nhắm tranh chức phó tổng thống vì toàn thể 69 đại biểu cử tri đã dồn 1 phiếu cho ông George Washington. Ông John Adams nhận được 34 phiếu bầu và trở thành vị phó tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ.
   Hiện nay, Tổng thống và phó Tổng thống Hoa Kỳ được bầu theo thể thức gián tiếp, và theo từng liên danh theo nghĩa người dân đi bầu một đoàn đại biểu cử tri gồm 538 đại biểu được phân chia theo từng tiểu bang do hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đề cử, căn cứ vào túc số tương đương với tổng số dân biểu và nghị sĩ của từng tiểu bang. Mỗi tiểu bang đều có hai Thượng Nghị sĩ và một số dân biểu Hạ viện tùy theo dân số trong từng tiểu bang. Túc số dân biểu được điều chỉnh căn cứ vào thông kê dân số toàn quốc được ghi nhận theo từng tiểu bang vào mỗi thập niên.
   Mỗi đơn vị dân biểu Hạ viện đại diện cho khoảng từ 500 đến 900 ngàn người dân tùy dân số từng tiểu bang. California (55 đại biểu) và Texas (38 đại biểu) là hai tiểu bang có nhiều đại biểu cử trị nhất vì có dân số cao nhất nước Mỹ. Đại biểu cử tri do mỗi đảng chính trị chỉ định để bỏ phiếu cho liên danh ứng cử viên của đảng mình. Ứng cử viên của đảng nào hội đủ trên 270 phiếu bầu của đại biểu cử tri sẽ làm tổng thống và phó tổng thống tân cử. Khi đi bầu, đại khối cử tri phổ thông cũng sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên hai chức danh do hai đảng chính trị đề cử. 
   Thể thức vận hành của đoàn đại biểu cử trị đã được quy định trong Hiến pháp Hoa Kỳ. Lý do đằng sau thể thức này là vì, lúc soạn thảo bản Dự thảo Hiến pháp, những nhà lập quốc Hoa Kỳ lo ngại rằng dân trí của tập thể quần chúng không đủ trình độ để có thể chọn lựa được những người lãnh đạo nghiêm túc nhất nước để lèo lái con thuyền quốc gia và do đó, dễ rơi vào bẫy của những thành phần mị dân trở thành độc tài khi đắc cử.
   Có hai lý do để nhóm lập quốc để nghị phương thức đoàn đại biểu cử tri trong thể thức bầu cử tổng thống và phó tổng thống Hoa Kỳ. Một là để kết hợp những thành phần am hiểu sinh hoạt chính trị tạo thành một trái độn giữa tập thể quần chúng và thể thức chọn lựa người lãnh đạo đất nước, và lý do thứ nhì là để trao thêm quyền hạn cho các tiểu bang nhỏ trong liên hiệp. 
   Do thể thức bầu cử kép này, cũng có thể có trường hợp ứng cử viên có số phiếu phổ thông cao hơn đối thủ nhưng vẫn thất cử vì không hội đủ 270 phiếu bầu của đại biểu cử tri. Gần đây nhất là cuộc bầu cử năm 2000, khi ông George W. Bush thắng cử vì đã đạt được 271 phiếu bầu của đại biểu cử tri, dù ông Bush lại thua ông Al Gore 540,000 phiếu cử tri phổ thông vì ông Gore chỉ nhận được 266 của phiếu đại biểu cử tri. Ngày 8-11-2016 cử tri mỗi tiểu bang gián tiếp bầu Tổng Thống,ông Donald Trump thắng với 308 phiếu đại cử tri, bà Hillary Clinton 232 phiếu đại cử tri, nhưng nếu tính theo phổ thông đầu phiếu thì bà Clinton lại hơn ông Trump trên 2.800.000 phiếu.
   Hiện nay đã có một chiều hướng muốn thay đổi thể thức bầu cử phức tạp này. để áp dụng thể thức phổ thông đầu phiếu do người dân có thể trực tiếp bỏ phiếu cho ứng cử viên mình chọn lựa. Tuy nhiên vì thể thức này nằm trong Hiến pháp nên đòi hỏi phải có một Tu Chính Án sửa đổi Hiến pháp được đa số ¾ Quốc hội thông qua.

BẢN ĐỒ KẾT QUẢ BẦU CỬ MỸ 2016

presidential results

trump headshot photo
Trump 308

46.1% votes / 62,955,363



clinton headshot photo


Clinton 232

48.2% votes / 65,788,583


Ít phiếu hơn, vì sao ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét