Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

MỐI TÌNH ĐƠN PHƯƠNG CỦA NHÀ THƠ BÙI GIÁNG VỚI NGHỆ SĨ KIM CƯƠNG


Nhắc đến mối tình si của thi sĩ Bùi Giáng, Kim Cương không khỏi ngậm ngùi - Ảnh: Thiên Hương

Nghệ thuật cải lương là sắc thái văn hóa độc đáo của người Miền Nam Việt Nam. Được sản sanh và trưởng thành ở các tỉnh Hậu Giang như Bạc Liêu, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sa Đéc…
Ông tổ của nghệ thuật cải lương là Tống Hữu Định, người Vĩnh Long. Người sáng tác bản vọng cổ đầu tiên là ông Cao Văn Lầu ở Bạc Liêu. Bản vọng cổ đầu tiên tên là Dạ Cổ Hoài Lang, sau đổi thành vọng cổ.
Nghệ thuật sân khấu cải lương đã đi vào lòng người Nam, tạo thế đứng lừng lẫy một thời. Những đào kép tài sắc là thần tượng của người hâm mộ cải lương. Nhiều mối tình đặc biệt của họ cũng được nhắc đến và lưu truyền trong dân gian. Những cuộc tình đặc biệt của nghệ sĩ sân khấu cải lương như Kim Cương-Bùi Giáng, Phùng Há-Năm Châu, Văn Chung-Thanh Hương còn ghi đậm dấu ấn trong lòng người Miền Nam.
Ngày nay, cải lương đang trên đà xuống dốc, bị đe dọa tự hủy diệt, như số phận của hát bộ.!

                      

Bùi Giáng, 40 năm mối tình điên khùng
Đạp xe cầu hôn người đẹp
Trong hồi ký, Kim Cương thuật lại.
Tôi gặp ông lần đầu lúc 19 tuổi, thời còn theo đoàn cải lương của má. Thật ra, ông chú ý đến tôi trong đám cưới của đôi bạn Hạnh - Thùy.
Một hôm Thùy bảo tôi: “Có một ông giáo sư Đại học Văn khoa, đi học ở Đức về, ái mộ chị lắm, muốn đến nhà thăm chị”. Tôi trả lời: “Ừ, thì mời ổng tới”.
Hóa ra là ông, lúc ấy đang dạy học, cũng áo quần tươm tất chứ chưa có bất cần đời như sau này. Ông thường lui tới nhà tôi chơi, vài lần mời tôi đi uống cà phê nhưng nhất định phải đi bằng xe đạp do ông chở, chứ không chịu đi bằng bất cứ phương tiện nào khác.
Một hôm ông trịnh trọng cầu hôn tôi. Tôi thấy thái độ của ông không được bình thường nên tôi đều né tránh.
Vài lần sau, ông thở dài nói với tôi: “Thôi, chắc cô không ưng tôi vì tôi lớn tuổi hơn cô, vậy cô hứa với tôi là sẽ ưng thằng cháu của tôi nhé. Nó trẻ, lại đẹp trai, học giỏi”.
Tôi ngần ngừ: “Thưa ông, chuyện tình cảm đâu có nói trước được. Tôi không dám hứa hẹn gì đâu, để chừng nào gặp nhau hẵng hay...”.
Tưởng ông nói chơi, ai dè làm thiệt. Ông đùng đùng dắt ngay đứa cháu tới, mà đứa cháu đó chỉ... mới 8 tuổi.

Ảnh đính kèm

Thời gian qua, thỉnh thoảng ông vẫn ghé thăm tôi. Mặc kệ tôi đang yêu ai, đang thất tình ra sao, thậm chí đang sống chồng vợ với người nào, ông đều không quan tâm.
Hồn nhiên, bản năng và vô điều kiện
Trong những lúc ông điên nhất, quên nhất, không còn lưu lại một chút gì trong trí nhớ, kể cả thơ ca và kiến thức, nhưng tên tôi vẫn được ông gìn giữ.Tên tôi được ông gọi đi gọi lại bất cứ khi vui khi buồn, bất cứ khi hạnh phúc, khi đau đớn.
Chưa một lần nào ông sàm sỡ bằng hành động hay lời nói. Xưng hô vẫn cứ tôi và cô một cách nghiêm túc và chững chạc. Một tình cảm xuất phát thật hồn nhiên, bản năng và vô điều kiện.
Trong đầu ông hình như chỉ có một số điện thoại duy nhất, một địa chỉ duy nhất - đó là địa chỉ và số điện thoại nhà của tôi.

Ảnh đính kèm

Nhiều lần ông đứng giữa đường dang tay làm “chim bay, cò bay” la hét làm kẹt xe, công an tới bắt, hỏi cách gì ông cũng chỉ nói một câu: “Mẫu thân của tôi là Kim Cương, ở số...đường Hoàng Diệu, điện thoại 844...”.
Thế là công an réo gọi tôi để đi lãnh ông ra. Chuyện đó xảy ra không biết bao nhiêu lần. Có khi ông té bị thương, người ta chở vô bịnh viện, ông cũng chỉ “khai báo” y như vậy.
Bịnh viện lại réo tôi đến. Hoặc những lúc ông lên cơn, có khi vô quậy cả đám cưới nhà người ta, tôi bị người ta gọi điện đến đưa ông về.
Thậm chí có một buổi, ông xuất hiện trước nhà với tóc tai mặt mũi đầy máu vì mới bị ai đó đánh. Tôi hoảng hốt gọi xích lô cho ông đi cấp cứu nhưng ông không chịu.
Ông nói: “Chừng nào cô chịu đi chung trên một chiếc xích lô với tôi thì tôi mới đi”. Tôi đành phải gọi một chiếc xích lô đi cùng ông, vừa ngồi xe vừa nghe ông nói chuyện trên trời dưới đất không một cảm giác đau đớn nào. Những lúc tỉnh táo, ông nói với tôi: “Cô nhơn hậu lắm cô mới chịu nói chuyện với tôi tới giờ này!”.
Như là một định mệnh

             

Kim Cương đã cho xem lá thư viết tay của thi sĩ Bùi Giáng từng gửi cho bà. Lá thư được trích trong tập thơ Cuối đời của thi sĩ Bùi Giáng năm 1998.
Nguyên văn lá thư:
Cô Kim Cương yêu quý
Kể cũng gần 50 năm quen biết và yêu mến cô. Đó là hạnh phúc lớn đi suốt đời tôi. Sau này cô cao hứng đến viếng thăm tôi. Ấy là bất ngờ. Rủi ro lần đầu tôi say rượu chẳng biết gì cả. Lần thứ nhì, tôi tỉnh táo. Tâm hồn thoải mái như được cùng tiên tái ngộ.
Mấy ngày rày cứ giở mấy tấm ảnh chụp chung với cô. Gương mặt cô càng ngày trông càng lạ. Mấy đứa cháu gái, cháu ruột, cháu dâu xúm xít trầm trồ: "Cô Kim Cương ngoài đời trông đẹp hơn trên tivi... Lạ quá! Lạ quá!...". Gương mặt cô có nét hồn hậu, trung hậu, dịu dàng. Ai ai cũng nhận thấy thế. Hình như sau này cô gặp hạnh phúc lớn hay sao mà bỗng nhiên cô càng trẻ hơn xưa nay?
Lúc trước đọc báo nghe cô nói có ý mua cho tôi một cái nhà. Tôi cảm động đến ngẩn ngơ. Giữa đêm tỉnh giấc, còn âm ỉ khóc lóc một mình. Nhưng cô nghĩ xem? Làm sao tôi dám chấp nhận? Tôi vốn già điên say rượu... Ở với tụi cháu sum vầy mấy chục năm nay, chúng quen thuộc tính nết tôi rồi. Chúng vui vẻ hân hoan chịu đựng. Nhiều lúc tôi lại có ý chọc cho chúng la rầy để nghe cho vui vẻ cái lỗ tai... đời buồn hiu quạnh... 
Tuổi già tôi có được đôi ba bạn thân và còn giữ được tình nghĩa của cô thì thử hỏi còn gì tốt đẹp hơn nữa? Xin mời cô thỉnh thoảng ghé lại nhà coi như đi nghỉ mát. Chỗ tôi có thể gọi là một thôn xóm thơ mộng. Ai ai cũng vui vẻ, thân mật, hiền lành, ít xảy ra ồn ào náo động. Đúng là nơi sinh hoạt lý tưởng. Được nhìn thấy cô là tự nhiên hết buồn, hết điên, hết say rượu.
Chúc cô suốt đời sung sướng!
Cuộc tình  Bùi Giáng với Kim Cương dằng dai suốt nửa cuối, cuộc đời Bùi Giáng:

Kính thưa công chúa Kim Cương
Trẫm từ vô tận ven đường ngồi đây
Tờ thư rất mực mỏng dày
Làm sao định nghĩa đêm ngày yêu nhau?


Lý do dẫn đến mối tình si, ông đã tự bộc bạch:

Kể từ tao ngộ đầu tiên
Kim Cương vô tận, thuyền quyên vô cùng
Bốn mươi năm đã lẫy lừng
Âm thầm tưởng niệm lạ lùng giai nhân
Trái tim thiết thạch vô ngần
Từ tam thu tới tử phần hôm nay.


Ảnh đính kèm

Kim Cương đã chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc đời cũng như trong sự nghiệp sáng tác thơ ca của Bùi Giáng. Câu chuyện tình đơn phương này có một cái gì đó như định mệnh, như một biểu tượng đẹp, buồn và xót xa. Đối với Bùi Giáng, Kim Cương là "thiên hạ đệ nhất mỹ nhân". Và chàng thi sĩ trung niên đã yêu Kim Cương bằng một tình yêu lạ lùng, cảm động.
Bài thơ cuối cùng
Trước khi ra đi, ông còn để lại một lời nhắn nhủ viết trong cuốn sổ tay tại nhà Kim Cương: "Kiếp sau gặp lại nhau, anh Bùi Giáng chỉ mong được Kim Cương chấp thuận cho phép anh Bùi được làm đầy tớ trung thành tuyệt đối của Kim Cương".
Và một bài thơ:
Vô ngần tao ngộ đầu tiên
Em bao giờ biết anh phiền ưu sao
Yêu em từ những kiếp nào
Về sau cũng niệm nguyên màu ban sơ.
Nghệ sĩ Kim Cương đối với Bùi Giáng
          
 

Bùi Giáng mang một chiếc giày của Kim Cương
Kim Cương cho biết: “Tôi rất trân trọng tài năng của ông nhưng phải nói thật, là ông điên rất nặng, nhưng là cái điên trí tuệ, nói ra nhiều câu cực kỳ sâu sắc. Suốt 40 năm ông đối với tôi như một người yêu đơn phương, nhưng ngược lại tôi đối với ông như một chỗ dựa tinh thần. Bất cứ lúc nào, nghe ông đau ốm hay bị công an bắt, bị người ta đánh là tôi có mặt”.
Tháng 8 năm 1998, Bùi Giáng bị té gây chấn thương sọ não. Ngày 7-10-1998 qua đời tại Sài Gòn.
Bên linh cửu của Bùi Giáng, Kim Cương thưa rằng: “Tôi xin cám ơn anh ba điều. Một là cám ơn anh đã để lại cho đời những tác phẩm văn chương độc đáo. Thứ hai là cám ơn anh đã dành cho tôi một tình yêu suốt 40 năm không suy suyển, không so đo tính toán. Thứ ba là cám ơn anh đã cho tôi một bài học rằng dù bất cứ ai, dẫu điên hay tỉnh, giàu hay nghèo đều phải có một tình yêu để nương tựa”.
Đối với ông, tôi nâng niu trong lòng một ân tình sâu thẳm, rất trang trọng dành riêng cho ông.
Vài nét về thi sĩ Bùi Giáng
Tiểu sử

         

Trong cuốn Văn Nhân & Tình Sử của nhà văn, nhà báo Vương Trùng Dương, xuất bản năm 2015, “Tiểu sử tự ghi của Bùi Giáng” như sau:
Năm 1926. Được bà mẹ đẻ ra đời. Năm 1928. Bị té bể trán. Vết thẹo còn nguyên, kỷ niệm 2 năm trời chết đi sống lại. Năm 1933. Bắt đầu đi học ABC. Năm 1940. Về Quảng Nam chăn bò. Năm 1955. Ở Sài Gòn. Khỏi sự viết về Nguyễn Du. Vài nhận xét về Truyện Kiều, Bà Huyện Thanh Quan, Chinh Phụ Ngâm…
Từ năm 1962. Những tập thơ Mưa Nguồn và nhiều bài thơ khác. Năm 1965. Cháy nhà. Mất trụi bản thảo. Năm 1969. Dịch Martin Heidegger và nhiều tác phẩm ngoại quốc khác.
Năm 1969. Bắt đầu điên rực rỡ. Từ năm 1970. Lang thang du hành Lục Tỉnh. Gái Châu Đốc. Gái Chợ Lớn khiến bị bịnh lậu….
Sự nghiệp văn chương
Bùi Giáng đã để lại cho đời những tác phẩm văn học với số lượng đáng kể. Về sách giáo khoa, luận đề, sách dịch, sáng tác, biên khảo và tùy bút…
Vài nét về Kim Cương
Nguyễn Thị Kim Cương sinh ngày 25-1-1937 tại Sài Gòn. Thân phụ là Nguyễn Phước Cương, bầu gánh Đại Phước Cương. Mẹ là nghệ sĩ Bảy Nam. Kim Cương là cháu nội của vua Thành Thái. Nguyễn Phước hay Nguyễn Phúc là dòng dõi hoàng triều Nhà Nguyễn. Năm 1923, Vua Minh Mạng làm bài thơ 20 chữ gọi là Đế Hệ Thi, dùng để làm những chữ lót khi đặt tên cho con cháu các thế hệ sau:
Miên Hồng Ưng Bửu Vĩnh  
Bảo Quý Định Long Trường 
Hiền Năng Kham Kế Thuật
Thế Thoại Quốc Gia Xương.
Gia Long: Nguyễn Phúc Ánh. Minh Mạng: Nguyễn Phúc Đảm. Thiệu Trị: Nguyễn Phúc Miên Tông, Tự Đức: Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, Dục Đức: Nguyễn Phúc Ưng Chân, Hiệp Hoà: Nguyễn Phúc Hồng Dật, Kiến Phúc: Nguyễn Phúc Ưng Đăng, Hàm Nghi: Nguyễn Phúc Ưng Lịch, Đồng Khánh: Nguyễn Phúc Chánh Mông, Thành Thái: Nguyễn Phúc Bửu Lân, Duy Tân: Nguyễn Phúc Vĩnh San, Khải Định: Nguyễn Phước (Phúc) Bửu Đảo. Bảo Đại: Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy,
Kim Cương sinh ra trong gia đình nghệ thuật. Bà cố, bà nội, cha đều làm bầu gánh hát. Bên mẹ có 11 người cậu, dì. Bốn người nổi tiếng là Năm Phỉ, Bảy Nam, Chín Bia, Mười Truyền. Năm Phỉ là dì của Kim Cương.
Giữa thập niên 1950, ký giả Nguyễn Ang Ca đặt biệt hiệu “Kỳ Nữ” cho Kim Cương. Từ đó dân chúng biết đến danh hiệu Kỳ Nữ Kim Cương. 
Sau 1975, Kim Cương là Ủy viên của Ủy Ban Trung ương Mặt Trận Tổ Quốc khóa VII nhiệm kỳ 2009 - 2014.  
Cựu Trung tướng VNCH, Nguyễn Hữu Có, cũng được bầu vào MTTQ/VN khóa nầy.
Kim Cương được phong tặng Nghệ Sĩ Ưu Tú (NSƯT), rồi Nghệ Sĩ Nhân Dân (NSND) (2011).
Ngày 10-1-2016, danh hài Hoài Linh cũng chính thức mang danh hiệu Nghệ Sĩ Ưu Tú của Việt Nam. (NSND là danh hiệu cao nhất do Nhà nước trao tặng).

           Hư Vô Và Vĩnh Viễn

                         Tác giả: Bùi Giáng
                         Cũng vô lý như lằn kia dưới lá
                         Con chim bay bỏ lại nhánh khô cành
                         Đời đã mất tự bao giờ giữa dạ 
                         Khi lỡ nhìn viễn tượng lúc đầu xanh

                         Buổi trưa đi vào lòng lá nhỏ
                         Tiếng kêu kia còn chút mong manh
                         Dòng nức nở như tia hồng đốm đỏ
                         Lạc trời cao kết tụ bóng không thành

                         Lá cũng mất như một lần đã lỡ
                         Trời đã xanh như tuổi ngọc đã xanh
                         Trời còn đó như tháng ngày lỡ dở
                         Hồn nguyên tiêu ai kiếm lại cho mình

                         Đường vất vả vó ngựa chồn lảo đảo
                         Cồn sương đi vào sương lạnh miên man
                         Bờ bến cũ ngậm ngùi sông nước dạo 
                         Đêm tàn canh khắc ngợi nguyệt gương ngàn

                         Một lần đứng lên mấy lần ngồi xuống
                         Ngón trên tay và tóc xõa trên đầu 
                         Tình đếm lại muôn vàn thôi đã uổng 
                         Để bây giờ em có biết nơi đâu 

                         Bờ trùng ngộ một phen này phen nữa
                         Tờ cảo thơm như lệ ứa pha hồng 
                         Hồn hoa cỏ phượng thành Hy Lạp úa
                         Nghe một lần vĩnh viễn gặp hư khôn

                 Ảnh đính kèm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét