Friday, September 25, 2015
Hồng y Jorge Mario Bergoglio, vị giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo sinh tại Buenos Aires, Argentina, năm 1936.
Ngài là con một di dân đến từ Ý và thân phụ Ngài là công nhân đường sắt.
Tân giáo chủ của 1,2 tỉ người Công giáo thế giới lấy tước hiệu Phanxicô I và là người gốc châu Mỹ Latinh đầu tiên giữ ngôi vị này.
Châu Mỹ Latinh là nơi có nhiều tín đồ Công giáo, trong đó người Công giáo tại Brazil và Mexico chiếm đa số.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô học khoa học xã hội tại Santiago, Chile, và vào năm 1960 tốt nghiệp ngành triết tại trường đại học Công giáo Buenos Aires.
Ngài thụ phong linh mục năm 1969, và thuộc dòng Tên. Trước khi làm hồng y vào năm 2001, Ngài là Tổng giám mục của Buenos Aires từ năm 1998.
Ngài được biết đến là một người có lối sống giản dị, khiêm nhường, bảo thủ về mặt giáo luật và có quyết tâm về công bằng xã hội.
Ngài nói với đám đông ở Vatican City vào đêm thứ Tư rằng: “Nhiệm vụ của mật nghị hồng y là chỉ định giáo hoàng và có vẻ các hồng y anh em của tôi đã chọn một trong những người từ phương xa, và tôi đã đứng đây."
Tốc độ của sự lựa chọn được xem là khá nhanh, chỉ dài hơn một chút so với cuộc bầu chọn Đức Giáo Hoàng Bênêđictô năm 2005, điều này cho thấy các vị hồng y mật nghị đã nhanh chóng kết hợp sau lưng một ứng viên, dù có những tin tức nói rằng có nhiều bất đồng nơi các hồng y.
Giáo hoàng Phanxicô: khó nghèo và cấp tiến
Giáo hoàng Phanxicô đang có chuyến tông du Hoa Kỳ đầu tiên với một chương trình vừa mang tính tôn giáo vừa phản ánh quan điểm chính trị của người đứng đầu Giáo hội Công giáo với 1.2 tỉ giáo dân toàn cầu.
Tuy là người đứng đầu một giáo hội, Giáo hoàng còn là lãnh đạo của Vatican mà theo công pháp quốc tế là một đất nước rất nhỏ có lãnh thổ và cơ cấu tổ chức chính quyền như một quốc gia, vì thế khi Giáo hoàng đến thăm tín hữu công giáo tại một quốc gia, ngài cũng được đón tiếp như Tổng thống một nước.
Chiều 22/9, khi phi cơ có danh hiệu “Sheperd One” đáp xuống căn cứ không quân Andrews, Giáo hoàng Phanxicô đã được Tổng thống Barack Obama và toàn gia đình, cùng với Phó Tổng thống Joe Biden và phu nhân ra đón tại chân thang máy bay.
Ngày hôm sau, tại vườn hoa trước Bạch Ốc đã có buổi lễ đón tiếp với hơn một vạn khách mời. Giáo hoàng và lãnh đạo Mỹ sau đó có buổi thảo luận trong Phòng Bầu dục.
Sinh hoạt tôn giáo trong chuyến đi của Giáo hoàng Phanxicô là phong thánh cho linh mục Junipero Serra, một giáo sĩ dòng Phanxicô từ hơn một thế kỷ trước đã đem đạo Công giáo vào California, là buổi gặp gỡ Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, tham dự Đại hội Thế giới về Gia đình, và chủ tế các thánh lễ theo nghi thức công giáo ở Thủ đô Washington, New York và Philadelphia.
Giáo hoàng Phanxicô đã đề cập đến những vấn đề chính trị trong thảo luận với Tổng thống Barack Obama tại Bạch Ốc và trong các diễn văn đọc trước Lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ và trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Những vấn đề nhạy cảm
Khi được bầu chọn hồi đầu năm 2013, Giáo hoàng Phanxicô, người Nam Mỹ đầu tiên và từ Dòng Tên, đã gây nhiều chú ý không chỉ trong Giáo hội Công giáo mà với mọi người, về nhiều vấn đề, từ đời sống thường nhật của ngài cho đến những phát biểu về đức tin, về người đồng tính, về vợ chồng ly dị, phá nạo thai nhi - những vấn đề gần gũi với đời sống người công giáo và được quan tâm khắp nơi, đặc biệt là tại Hoa Kỳ.
Về người đồng tính, Giáo hoàng Phanxicô phát biểu ngài không phải là người phán xét họ.
Theo ngài, những ai có đời sống lương thiện, đúng với lương tâm sẽ được cứu rỗi ở đời sau.
Sự kiện Giáo hoàng Phanxicô được ngưỡng mộ và đón tiếp trọng thể tại Hoa Kỳ vì ngài là vị mục tử với đời sống nghèo khó như hình ảnh của Đức Kitô.
Những ngày còn ở quê hương sinh quán Argentina, từ khi làm linh mục, giám mục rồi lên đến hồng y, ngài luôn sống hòa mình với dân thường, với người nghèo khó, với kẻ tù đày. Ngài dùng phương tiện chuyên chở công cộng để di chuyển, thường xuyên đến thăm những khu dân nghèo quanh thủ đô Buenos Aires. Ngài có đời sống đơn sơ, gần với người nghèo khổ, với những ai bị áp bức.
Ngài đã lên tiếng kêu gọi người giàu giúp đỡ người nghèo nhiều hơn. Điều này khiến một số lãnh đạo Hoa Kỳ và những người có quan điểm chính trị bảo thủ nghĩ rằng Giáo hoàng Phanxicô có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa. Có người còn cho rằng ngài là một người cộng sản.
Mới đây nhất, trên chuyến bay từ Cuba đến Mỹ, khi được hỏi ngài có khuynh hướng theo cánh tả, ý nói có phải là ngài nghiêng về chủ thuyết cộng sản, Giáo hoàng Phanxicô trả lời phóng viên rằng nếu muốn, ngài có thể đọc kinh tin kính ngay tại chỗ, để chứng minh đức tin của ngài vào Thiên Chúa. Ý ngài muốn mọi người hiểu rằng, nếu là cộng sản thì phải là kẻ vô thần, không tin có Thượng Đế.
Dân biểu Cộng hoà Paul Gosar từ tiểu bang Arizona đã tẩy chay không đến nghe Giáo hoàng Phanxicô đọc diễn văn trước quốc hội Mỹ vì cho rằng ngài hành động “như một chính trị gia cánh tả”.
Quan điểm tương đồng
Trong khi đó, giúp đỡ người nghèo cũng là chính sách của Tổng thống Obama và đương kim lãnh đạo Mỹ cũng đã nhiều lần bị phe bảo thủ dán cho nhãn cộng sản khi đưa ra các luật về chăm sóc y tế cho toàn dân và tăng lương tối thiểu.
Giữa Giáo hoàng Phanxicô và Tổng thống Obama thì đây là những quan điểm tương đồng. Ngoài ra tầm nhìn về biến đổi khí hậu cũng là điều cả hai cùng quan tâm và muốn các quốc gia hợp tác để bảo vệ môi trường sinh sống cho con người. Đó là quan điểm chính sách của đại đa số dân cử thuộc Đảng Dân chủ.
Còn Đảng Cộng hòa chia sẻ quan điểm với Giáo hoàng Phanxicô về vấn đề chống phá thai, không chấp nhận hôn nhân đồng tính, bảo vệ quan niệm truyền thống về gia đình.
Ngài không nhắc đến việc phá thai nhưng mạnh mẽ lên tiếng chống lại án tử hình. Giáo hoàng Phanxicô nói cần có chính sách cải tạo con người hơn là giết chết thân xác, dù là thân xác phạm nhân.
Phát biểu trước Quốc hội Mỹ, Giáo hoàng Phanxico kêu gọi Hoa Kỳ có chính sách cởi mở hơn với người tị nạn
Một vấn đề khác cũng đang làm nhức đầu giới lãnh đạo Mỹ là chính sách di dân. Giáo hoàng có cùng quan điểm với Đảng Dân chủ Mỹ. Trong diễn văn trước Lưỡng viện Quốc hội, ngài kêu gọi Hoa Kỳ có chính sách cởi mở hơn với những người tị nạn, đối xử nhân bản và bác ái hơn với di dân.
Mấy tuần trước, khi làn sóng người Syria vượt biên giới vào Đức, Hungary, Áo quốc, Giáo hoàng đã kêu gọi các giáo xứ mở cửa đón nhận người tị nạn và chính ngài đã nhận nuôi hai gia đình. Bản thân gia đình Giáo hoàng cũng là di dân với thân sinh của ngài đến nhập cư Argentina từ Ý.
Trong phần mở đầu bài diễn văn, Giáo hoàng Phanxicô trích dẫn quốc ca để ca ngợi Hoa Kỳ là “đất của con người tự do và là nhà của những người can đảm”. Ngài cũng nói Hoa Kỳ là “đất của những giấc mơ” và “Hầu hết chúng ta cũng đã từng là người nước ngoài” để nhắc nhở nước Mỹ được như hôm nay là do đóng góp của di dân.
Gần gũi người nghèo
Đến với người nghèo khó cũng là điều mà Giáo hoàng Phanxicô đã thể hiện. Trong bóng tối của đêm đen, nhiều lần ngài đã lang thang trên những khu phố quanh Vatican hay Rome để giúp đỡ và an ủi kẻ không nhà.
Khi đến Hoa Kỳ, ngài đã từ chối tiệc trưa với lãnh đạo Quốc hội để đến chia sẻ bữa ăn với những kẻ không nhà.
Cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, viếng kẻ tù đày được Giáo hoàng Phanxicô thể hiện bằng hành động, như trong giáo lý công giáo.
Ngài cũng có cuộc sống đơn sơ. Không ở trong căn nhà dành riêng cho Giáo hoàng mà chọn ở trong một nhà trọ với nhiều người khác. Không dùng phương tiện xa hoa mà chỉ dùng chiếc xe cũ còn chạy được.
Đôi giầy đen ngài đi không là hàng hiệu đắt tiền mà là loại giầy các linh mục thường dùng.
Khi cần sửa đôi mắt kính, tự ngài đem ra tiệm. Có những buổi sáng ngài tham dự thánh lễ tại một giáo đường nào đó quanh Rome cùng với người đời.
Những việc làm đó thể hiện tinh thần nghèo khó, khiêm cung của Thánh Phanxicô Assisi mà ngài đã chọn làm danh hiệu khi được bầu lên ngôi Giáo hoàng.
Suốt cuộc đời tu hành Giáo hoàng Phanxicô chủ trương dấn thân vào đời giúp kẻ nghèo khó. Ngoài xã hội chủ trương đó được coi là một quan điểm chính trị rất cấp tiến.
Bùi Văn Phú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét