Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2019

SỐNG GỬI THÁC VỀ.




Chủ Nhật - Th12, 29 2019 - 04:17 PM
Tin tức * Đời sống *  Văn học * Kiến thưc * Cộng đồng 
* Giải trí * Biếm hoạ * Video

SỐNG GỬI THÁC VỀ.

Năm tháng Qua rồi, ta Mãi còn ĐI
Đi đã Bao lâu giờ ĐÂY mỏi MỆT
Vẫn chỉ Loanh quanh hai Đầu cách BIỆT
Tối sáng Ngày đêm cho KIẾP con Người


Theo nghĩa của “sinh ký tử quy”, sống gửi thác về. Một ý nghĩa khác là “kiếp nhân sinh”, cũng giống như “trăm năm trong cõi người ta” của Nguyễn Du vậy. Trong bài tản mạn này, xin được có thêm một góc nhìn mới về bộ mặt thanh tịnh của tâm (bản lai diện mục), và nói theo cách riêng của diện là “vẻ nguyên vẹn” của cội nguồn tâm hay “trở về với Phật tính trong cõi riêng của mình”.Ý tứ không lạ, vì thời gian cứ mãi trôi không nhanh mà chẳng chậm, cũng chưa bao giờ ngừng nghỉ, trở nên sống động qua cách biểu đạt mới mẻ của kiếp người, cứ miệt mài ngụp lặn, mỏi mệt trong vòng tròn luẩn quẩn, loanh quanh của một kiếp nhân sinh, giữa cái sống và chết. Dù “loanh quanh”, "luẩn quẩn" hay "quanh quẩn" và “lang thang” hơi khác nhau, nhưng ý nghĩa chung là muốn nói về bước chân không định hướng.

"Lĩnh vi lãng đãng phong trần khách,
Nhựt viễn gia hương vạn lý trình"
(Trần Nhân Tông)


Tạm dịch:
Lang thang làm khách phong trần mãi,
Ngày cách quê hương muôn dặm trình


Đức Phật trước khi Giác Ngộ cũng là một người lang thang, nhưng là lang thang đi tìm nhà, không giống như hầu hết chúng ta, tuy lang thang nhưng không tha thiết với chuyện trở về “quê quán lối xưa”.

Lang thang bao kiếp sống
Ta tìm nhưng chẳng gặp,
Người xây dựng nhà này,
Khổ thay, phải tái sanh.
(Kinh Pháp Cú, câu 153)


Triết lý Phật Giáo về những vấn đề như Sinh Tử Luân Hồi:

Không có đâu em này
Không có cái chết đầu tiên
Và có đâu bao giờ
Đâu có cái chết sau cùng
(Ngẫu Nhiên)


Vòng sinh tử “loanh quanh, luẩn quẩn”, vô thủy vô chung dẫn dắt chúng sanh lặn lội, trôi nổi bất tận khi chưa thực sự về đến “cõi chết”.

Kìa còn biết bao người
Dìu dặt tới quanh đây
(Ngẫu Nhiên)


Về góc độ tự sự, bốn câu đầu tiên này như một suy niệm sâu sắc về thân phận con người và cách nhìn về con đường thoát ra khỏi thân phận đó. Giữa "Hai đầu cách biệt" đó như một lời trách nhắc nhẹ nhàng, tự trách mình thôi, nhắc mình thôi nhưng nghe cũng thấm! Những lời này cũng từng xuất hiện nhiều trong khung trời mênh mông của chúng ta, khi thấp thoáng, khi rõ ràng như ”Trăng ơi trăng rất tệ, mày đi nhớ chóng về” hay “Thôi về đi đường trần đâu có gì”. Không phải là thân phận phù du cát bụi của kiếp người như ở đoạn sau, tàn xuân tàn hạ, mà là nỗi niềm bế tắc “loanh quanh”, “chạy vòng quanh”, “kiến bò quanh đĩa”, lòng vòng không có đường ra.

Ngàn dặm Cách xa, hết Còn quay Lại
Số phận Không may với Những đọa ĐÀY
Mùa xuân Đã qua, rồi Tàn mùa Hạ
Thu đến Rồi đi đông Lại từ ĐÂY


Cũng chính vì lang thang không định hướng đó, mà đã đẩy đưa một số lớp trẻ chệch hướng trong đó có chúng ta. Bây giờ với lửa tuổi quá thất thập, những kẻ đã sống và đã chết ngậm ngùi trên quê hương, đồng thời với người tự dày vò trong cuộc sống "cách xa ngàn dặm" cho đến khi "mi buồn khép lại, áo quan đưa về", kẻ còn sống lây lất, đày đọa nơi quê người và luôn tự trách "lỗi tại tôi", chờ ngày lụn tàn của một kiếp người không nơi chốn quay về!

Mây phủ Ngang đầu, đuổi Nắng trên VAI
Lang thang Bước chân mờ PHAI dĩ VÃNG
Mảnh đời Vụt qua vội Vàng buồn CHÁN
Nhưng vẫn Bên ta dáng PHẬN con Người


Ở đây, có sự tương phản giữa hai màu sắc nghịch nhau, màu trầm tối “Đi đã bao lâu giờ đây mỏi mệt” than vãn trên những bước chân không hướng và màu sáng tỏa của “dĩ vãng” mở hướng, đã đuổi “nắng trên vai”. Ánh nắng ấy hiện hữu “rọi suốt”, lúc nào cũng có mặt mà sao ta lại “hững hờ” với “chốn quê nhà” "mờ phai dĩ vãng" đến vậy, vẫn còn nhiều điều để nói. Kẻ có nhà, muốn về chẳng được "Nhớ nước đau lòng con Quốc quốc. Thương nhà mỏi miệng cái Gia gia". Giờ đây, chỉ còn bên ta với dáng con người buồn chán, tiều tụy của ngọn đèn cạn dầu sắp lịm tắt.
- Có kẻ đứng trước những sự thay đổi của đất trời, của lãnh thố, con người và kẻ thống trị, họ không thấy giao động với mọi biến cố.
- Có kẻ ở buổi bình minh, nghe tiếng chim hót đã chạm mặt với cõi vô lượng. Biết được vô lượng là cùng lúc đến với vô biên. Cái vô biên nằm đâu đó trên cánh vạc chở hoàng hôn về núi mỗi chiều.


”Mưa rơi Bên nầy, lại Nhớ bên KIA
Trên hai Cánh vai vương Từng hạt Nhỏ
Thời gian Vô biên chưa Ngày trở Lại
Chẳng biết Tìm đâu là Chốn quê NHÀ


Và chắc không khó để nhận ra bóng dáng của chân lý qua những từ như vô lượng, vô biên. "Vô lượng là chiều bao la của không gian và vô biên là chiều mênh mông của tĩnh lặng".

Sống ở Trời tây nhớ Chốn trời TA.
Vô lượng Tháng năm xót XA viễn XỨ
Vô biên Lặng yên niệm "Tâm vô TRỤ"
Danh lợi Đời nầy, mọi THỨ do Ta.


Phải chăng mưa là một dạng “thời tiết” của cuộc đời, khi dịu mát, lúc lạnh băng?
Nghe mưa ở đây, hiện tại, lại nhớ về mưa nơi nào thuộc tương lai hay quá khứ? “Từng hạt mưa” là những suy tưởng trong tâm thức “mưa rơi”? Chính những tiếng mưa vang vang mãi “trong ta” đã ngăn trở người xa nhà luôn mong một con đường “hội ngộ” với “vô biên” của “chốn quê nhà”?“
"Vô lượng tháng năm xót xa viễn xứ”? “Vô lượng” cúa một kiếp người, không biết là bao nhiêu.? Vì “sinh tử” rồi "tử sinh", trở đi trở lại trong vòng luân hồi “vô biên”, bất tận? Ý này cũng hợp lý nhưng chỉ nói đến thực trạng “không biết nhà để về” của một người lang thang.
Còn nếu hiểu “Vô biên lặng yên” sự vô biên của đời người không hạn định. Nếu quãng thời gian ngắn ngủi thì không thể nói là vô biên, vô hạn được, sớm muộn gì thì cũng như “vết mực”, "bất phụ" không phụ thuộc vào vô lượng vô biên, mà phải chấp nhận số phận “xóa bỏ không hay” thôi!
Nói chung, "tâm vô trụ" là tâm không "trụ", không dính mắc ở thành bại, ở thói quen, tập tục, giới luật, định kiến, ở những giá trị, cũng không dính mắc ở một tâm thức, vui, buồn, hờn ghen, sân hận nhất thời. Tâm mà không dính mắc ở bất cứ cái gì là ‘tâm vô trụ’. Tuy nhiên, tâm vô trụ không là tâm trơ, không xúc cảm, không tình, không ý, không biết phải trái, không biết chánh tà. Hành tâm vô trụ không là nhằm để ‘trở thành như gỗ đá, vô cảm, vô tình’. Hành giả--người thực hành tâm vô trụ--cảm nhận cả thất tình (hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục) và cũng bình thường như mọi người trong nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Nhưng không trụ, không giữ lại, không dính mắc, không cột mình vào những cảm xúc, ý tình hay giá trị hay bất cứ cái chi xảy ra trong tâm thức. Tâm vô trụ càng không là: nhân danh vô trụ mà buông thả trong dục vọng, "Danh lợi đời nẩy, mọi thứ do Ta".

Vô trụ cũng là vô sở trụ: không có một nơi chốn, một lý tưởng, một thang giá trị, một con đường tu học cứng ngắt phải theo hay một cái chi ghi khắc trong tâm—không có chỗ trong tâm, để "trụ" ỷ lại, hay nương tựa vào đó mà phê phán hay hành xử.
Minh họa "tâm vô trụ", thật khó tìm được hình ảnh nào rõ hơn bốn câu thơ của Tô Đông Pha:

"Phong lai sơ trúc, phong khứ nhi trúc bất lưu thanh,
Nhạn quá hàn đàm, nhạn khứ nhi đàm vô lưu ảnh.
Thị cố quân tử sự lai nhi tâm thỉ hiện.
Sự khứ nhi tâm tùy không"


Tạm dịch:
"Gió qua lay trúc, gió đi rồi trúc không giữ âm thanh
Nhạn lướt mặt hồ, nhạn đi rồi hồ không lưu hình ảnh
Người quân tử cũng vậy, việc xảy ra tâm mới tiếp xử
Việc qua rồi, tâm lại thảnh thơi"


Đường vòng Chạy quanh, một Đời khổ Lụy
Phú quý Đi rồi tiếc Nuối bơ VƠ
Từng người Đã qua tới Gần mộ Huyệt
Phủ kín Thân gầy nơi Chốn hoang SƠ


Thử thay đổi một chút thành "Chạy quanh đường vòng” nghe cũng hay hay, cũng giống "chạy quanh" hay như “loanh quanh mỏi mệt”. Nhưng chạy quanh thì tốc độ nhanh hơn, mạnh hơn “đi đâu loanh quanh”. “Khổ lụy” cho ta cảm giác héo hắt, mất hết vẻ tươi, như bị khô kiệt sức sống, hốc hác hơn “mỏi mệt” rất nhiều, mỏi mệt chỉ đổ mồ hôi còn tiều tụy rất rõ sự hết “pin”, mỏi mòn nhựa sống.
“Đường vòng” gợi đến sự cong cong, một đường cong khép kín, tịt lối thoát, bí lối ra. “Kiến bò quanh đĩa” hay “cái vòng danh lợi cong cong, kẻ hòng thoát khỏi người mong bước vào” là những câu rất Việt không lạ. Bi kịch của thân phận người bị bao vây bởi “cái vòng” này, phải nói là “mê hồn trận” cho thêm phần kịch tính. Danh lợi ở đây chỉ là một phần ý nghĩa của “cỏ non”, “cỏ lạ”.
Nghe hai từ này, thông thường ta hay nghĩ đến sự thăng quan tiến chức, bổng cao lộc lớn, chức trọng quyền cao Nhưng trong thực tế, nếu quay ngược nhìn kỹ lại mình, sẽ cảm được ý nghĩa rộng hơn của câu này, cũng dành cho mọi chúng ta:
- "Danh" là tiếng thơm, tiếng tốt, ai chẳng thích được khen.
- "Lợi" liên quan đến tiền, ai chẳng muốn mình có tiền, càng nhiều càng tốt, lòng ham muốn chẳng bao giờ khiêm tốn cả. Và như thế, cứ đi loanh quanh, cứ chạy vòng vòng, miệt mài đuổi bắt, khó dừng nên không mệt mỏi, không tiều tụy mới là chuyện đáng ngạc nhiên.





 Image result for thập nhị nhân duyên

Trong triết lý Phật Giáo, vòng luân hồi sanh tử được giải thích bằng Thập Nhị Nhân Duyên, một “đường vòng” mà trong đó chúng sanh vẫn “chạy”, chạy tới chạy lui, chạy lên chạy xuống. Vòng này khởi đầu bằng Vô Minh, sau đó là Hành, Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Ái, Hữu, Thu, Ưu Bi Sầu Khổ, Bệnh Tử. Bởi Vô Minh nên bị Tham Sân Si dẫn dắt, lăn trôi, chìm đắm mãi giữa “tiều tụy” của khổ đau.

"Vọng ngã" "Ước mong", trần gian nặng GÁNH
Gió rét Mùa đông, buốt LẠNH thân "TÔI"
"TA" tiếp Chân đi trả Hết nợ ĐỜI
Tháng năm Đã qua, thôi RỒI "mộng Tưởng"


"Đã là con người ai cũng có "ước mong, mộng tưởng". Ngay từ tinh trùng, nó phải tranh đấu quyết liệt để đạt thành quả, rồi tiếp tục thích nghi với môi trường: trong bụng mẹ, trong gia đình, ở học đường, ngoài xã hội, từ lúc còn là thai nhi, cho đến chết. Học ăn, nói, gói, mở, bò trườn, đi đứng, ăn coi nồi ngồi coi hướng, tiên học lễ hậu học văn, sống theo gia phong, gia đạo; vào trường, học để luyện mình trở nên người hữu ích; vào đời, học qua giao tiếp, trao đổi với mọi người, qua những kinh nghiệm chung sống, và như thế mãi, ta tích lũy kiến thức, giá trị, kinh nghiệm, thói quen,… để có một nếp sống và rèn luyện tài khéo và tính tình. Theo đó, ta xây dựng cho chính mình một nhân cách, nhân phẩm, có danh, có phận. "Phải có danh gì với núi sông" hoặc "Không thành danh cũng thành nhân". "Vi nhân nan, vi nhân nan", (làm người, khó.! Làm người, khó.!) Là những câu mà ta thường nghe nhắc nhở. Hệ quả là ta có một cái "tôi", một cái "ta", một hình ảnh về mình, mà ta gán cho một nhãn hiệu là tư cách, nhân cách, hay danh phận của mình, mà từ của Phật gia là: "Vọng ngã".

Tên tôi là một nhà tù,
Tôi đã tự nhốt mình vào đó và tôi đang than đang khóc.
Ngày qua ngày, tôi đã dày công tô đắp bức tường chung quanh.
Ngày qua ngày, nhà tù vươn tới trời xanh; trong bóng tối của nó, tôi không còn thấy tôi đâu nữa...


Lời sau cùng để suy nghiệm là lời của Đức Đạt Lai Lạt Ma:

“Khi trong tay anh nắm chặt một vật gì mà không buông xuống, thì anh chỉ có mỗi thứ ấy, nếu anh chịu buông xuống, thì anh mới có cơ hội chọn lựa những thứ khác. Nếu một người luôn khư khư với quan niệm của mình, không chịu buông xuống thì trí huệ chỉ có thể đạt đến ở một mức độ nào đó mà thôi”.

KIẾP NGƯỜI

Năm tháng Qua rồi, ta Mãi còn ĐI
Đi đã Bao lâu giờ ĐÂY mỏi MỆT
Vẫn chỉ Loanh quanh hai Đầu cách BIỆT
Tối sáng Ngày đêm cho KIẾP con Người


Ngàn dặm Cách xa, hết Còn quay Lại
Số phận Không may với Những đọa ĐÀY
Mùa xuân Đã qua, rồi Tàn mùa Hạ
Thu đến Rồi đi đông Lại từ ĐÂY


Mây phủ Ngang đầu, đuổi Nắng trên VAI
Lang thang Bước chân mờ PHAI dĩ VÃNG
Mảnh đời Vụt qua vội Vàng buồn CHÁN
Nhưng vẫn Bên ta dáng PHẬN con Người


”Mưa rơi Bên nầy, lại Nhớ bên KIA
Trên hai Cánh vai vương Từng hạt Nhỏ
Thời gian Vô biên chưa Ngày trở Lại
Chẳng biết Tìm đâu là Chốn quê NHÀ


Sống ở Trời tây nhớ Chốn trời TA.
Vô lượng Tháng năm xót XA viễn XỨ
Vô biên Lặng yên niệm "Tâm vô TRỤ"
Danh lợi Đời nầy, mọi THỨ do Ta.


Đường vòng Chạy quanh, một Đời khổ Lụy
Phú quý Đi rồi tiếc Nuối bơ VƠ
Từng người Đã qua tới Gần mộ Huyệt
Phủ kín Thân gầy nơi Chốn hoang SƠ


"Vọng ngã" "Ước mong", trần gian nặng GÁNH
Gió rét Mùa đông, buốt LẠNH thân "TÔI"
"TA" tiếp Chân đi trả Hết nợ ĐỜI
Tháng năm Đã qua, thôi RỒI "mộng Tưởng"


Trong hình ảnh có thể có: đám mây, bầu trời, ngoài trời và thiên nhiên

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2019

NHỮNG LẦN SOI RUỘT (COLONOSCOPY)




Thông thường nam hay nữ đến tuổi 45 hay 50 nên đi soi ruột (colonoscopy), không có gì thì 10 năm tái khám, nếu có Polyps thì cắt bỏ, nhưng phải tái khám sau 5 năm (Polyp là sự tăng trưởng bất thường của một cụm nhỏ của các tế bào hình thành trên niêm mạc đại tràng hoặc trực tràng, bắt đầu trong lớp lót bên trong của đại tràng hoặc trực tràng. Một số polyp phẳng trong khi một số khác có cuống. Polyp đại trực tràng có thể phát triển ở bất kỳ phần nào của đại tràng).

Lần đầu tiên soi ruột vào năm 61 tuổi, Bác sĩ chuyên khoa đường ruột người Ấn Độ phán một câu làm tôi hơi lo "5 năm tái khám" và cho biết cắt một polyp.  

Đúng ra thì tôi phải đi tái khám trở lại ở tuổi 66, nhưng bận phải về Việt Nam liên tục để chăm sóc Mẹ già trong cảnh đơn chiếc, sau khi người anh cả ra đi, tiếp sau hai năm Mạ tôi qua đời. Vì thế nên trể nải, cho mãi đúng 9 năm mới đi được lần thứ hai; khi đã có bảo hiểm sức khỏe trở lại sau khi về hưu.
Năm 70 tuổi mới đi soi ruột lần thứ hai kể cũng đã trễ, điều đó không làm tôi phải bận tâm nhiều, ngược lại tôi cảm thấy được an ủi phần nào, vì mình đã làm đúng phận con, trong những năm tháng cuối đời đối với bậc sinh thành.

Thời gian mới định cư ở Mỹ, việc làm kiếm tiền là ưu tiên hàng đầu của người tị nạn, vì lẽ đó nên ít để ý đến bệnh hoạn hay việc đi khám bệnh, thử máu hay kiểm tra sức khỏe hằng năm. Nhưng sau ngày đoàn tụ "nhà tôi" luôn nhắc đi Bác Sĩ, lắm lúc phải cằn nhằn, rầy rà và làm áp lực thì mới chịu đi. Hơn thế bạn bè tôi ra đi vì ung thư ngày một nhiều hơn. Mấy tháng trước, tôi phải đi dự tang lễ mấy anh bạn chơi với nhau từ nhiều năm nay; Người cháu của tang gia đọc bài điếu văn mà nước mắt tự nhiên cứ dàn dụa, lòng nhủ thầm “Rồi cũng sẽ gặp lại nhau cả thôi, Anh ạ!”

Nghĩ lan man vậy thôi, nhưng đi soi ruột lần thứ hai tôi vẫn cảm thấy một mối lo sợ. Dường như lần trước tôi không hề có cảm giác này. Ở tuổi 70 rồi nhưng tôi vẫn tự tin mình không có bệnh, sáng nào cũng làm một vài động tác cho giản gân cốt, hoặc tản bộ, ăn sáng và nghe tin tức, sau đó ngồi viết bài cho vài báo online, mọi chuyện vẫn ổn thỏa và không có đau ốm gì nghiêm trọng. Tuy vậy, người lớn tuổi phái đối mặt với nhiều thách thức về sức khỏe vì không thể tự sống một mình do đi lại khó khăn, do thể lực yếu ớt “như chuối chín cây”. Ngay từ thời thanh niên, rất ít dùng thuốc, không bao giờ vào nhà thương, nhưng tôi đã hiểu con người cũng như cái đầu máy xe hơi. Cái máy ấy chạy mãi cũng phải có lúc trở ngại, long, mòn, hư hao...Lần thứ hai soi ruột cũng cắt một Polyp và 5 năm tái khám.
Biết thế, nhưng phải đến tuổi 70, cái cảm giác máy móc của mình long mòn mới là hiện thực. Mỗi lần bạn bè gặp nhau, nhìn mái tóc mỗi ngày một bạc trắng của nhau cũng vẫn cứ tự an ủi: Mình sống được cho đến tuổi này đã là tốt rồi, lẽ ra đã chết ngay trong các trại tù cải tạo, hay hai lần (6 tháng) gở bom mìn để "giải phóng" đất cho dân canh tác. Nói với nhau như thế nhưng tôi biết người nào cũng vẫn còn ham sống và sợ chết dù đã ở tuổi gần đất xa trời.

Mọi người đều nói "bạn sẽ ổn thôi", và sống tích cực, nhưng tôi không nghĩ một người còn sống, mà họ phải đối mặt với khả năng "ung thư", mặc dù không nghĩ đến cái chết, nhưng cuộc sống của họ sẽ bị giảm ngắn lại. 

Thế rồi, qua 5 năm (2014-2019) việc soi ruột  lần thứ ba năm 75 tuổi cũng chỉ là việc kiểm tra thường kỳ 10 hay 5 năm một lần. Việc xét nghiệm ung thư đường ruột có ba cách:

1. Thử phân (xét nghiệm tìm máu lẫn trong phân)
2. Thử DNA trong phân (xét nghiệm trong phân có những lớp bong của tế bào ung thư trong đường ruột).
3. Làm nội soi (kỹ thuật được xử dụng để phát hiện những thay đổi bất thường trong đại tràng "ruột già" và trực tràng, tìm ra được các nguy cơ gây ung thư).

Ai cũng nói rằng ngày nay những phương tiện để làm công việc này rất tối tân, tránh được những tai biến bất thường. Khi vị bác sĩ chuyên môn khám tổng quát và cho toa đến Walgreens Pharmacy mua loại thuốc rửa ruột. (Golytely là một loại thuốc theo toa được người lớn xử dụng để làm sạch ruột, trước khi nội soi đại tràng hoặc kiểm tra bằng tia X-quang. GoLYTELY làm sạch ruột bằng cách khiến mình bị tiêu chảy. Làm sạch ruột, giúp Bác sĩ chăm sóc sức khỏe nhìn rõ bên trong đại tràng suốt trong quá trình nội soi.

Image result for golytely container size

- Golytely là tên của một loại thuốc gọi là dung dịch điện giải polyethylen glycol được dùng để xổ làm sạch ruột trước khi làm nội soi.
- Thuốc này cũng chứa natri, kali và các khoáng chất khác để thay thế chất điện giải được truyền từ cơ thể người trong phân.


Trong hai lần nội soi trước, cũng được chỉ dẫn cách xử dụng khá kỹ lưỡng, ngoài tờ giấy in hình mô tả chi tiết việc nhịn ăn và thời gian phải uống cho hết 1 gallon (3.78541178 Liters) thuốc do văn phòng bác sĩ chuyên môn căn dặn.
Thú thực, uống một gallon nước trong 7 tiếng đồng hồ là một điều không khó, nhưng uống hết một gallon nước thuốc rửa ruột tôi nghĩ là rất khó. Dù đã bỏ vào trong đó một gói bột mùi dứa, uống chất nước ngọt lờ lợ được nửa gallon là tôi muốn “dội” rồi. Uống xong 4 lần mỗi lần nửa lít thì bụng bắt đầu chuyển và dường như chỉ lần đầu tiên đại tiện, tôi có cảm giác là bao nhiêu cặn bã còn chứa chất trong ruột già bị đẩy ra ngoài hết, và lần thứ hai chỉ ra toàn nước nhưng vẫn phải tiếp tục uống hết 1 gallon, vào restroom liên tục. Cứ như thế cho đến nửa khuya thì những lần mở cửa restroom mới thưa dần.
Image result for golytely
Nhưng trong lần thứ ba nầy, tôi dùng lượng thuốc Golytely chỉ có hai chai (6 ounces in a bottle), uống làm hai lần. 
Hai ngày trước khi đến hẹn soi ruột, văn phòng của bác sĩ Luật (Gastroenterologist in Arlington, Texas) gọi nhắc lại chi tiết này một lần nữa qua điện thoại.
Chuyện nhịn ăn một ngày trước ngày soi ruột là chuyện tưởng như dễ dàng, nhưng thực tế không phải như vậy. Sau bữa ăn nhẹ tối ngày Thứ Tư, qua ngày Thứ Năm chỉ được uống các loại chất lỏng: cà phê đen, trà, nước ngọt, nước cam, nước táo, nước canh và jello Mỹ. Không được uống sữa hay thực phẩm của sữa.
- Lúc 5:00 PM cho chai thuốc 6 oz vào ly, thêm nước vào đúng vạch 16 oz khuấy đều uống từ từ cho hết, uống tiếp thêm ít nhất là 32 oz nước.
- 8:00 đến 9:00 PM uống chai thứ hai cũng như chai trước, khuyến khích uống thêm nhiều nước trước 12 giờ đêm.
Sau 12:00 giờ đêm không được ăn hoặc uống cho đến buổi sáng Thứ Sáu trước khi soi ruột.

Cách uống thuốc trong lần thứ ba nầy tương đối nhẹ hơn hai lần soi ruột trước, vì chỉ uống hai lần là 32 oz nước thuốc mà thôi, số nước tiếp theo chỉ là nước lọc (tất cả thuốc và nước là 96 Ounces = 2.83906 Liters). Thuốc vào xổ ra đến tám lần mới tạm ngưng và đã thấm mệt.

Cơn đói đang hoành hành, bao tử cồn cào và thèm ăn không thể nào tả được. Nhớ lại những năm tháng trong tù, chưa có bao giờ mà sau bữa cơm tù lại có cái cảm giác là vừa ăn cơm tối hay cơm trưa đến với tôi cả. Vừa mới ăn xong mà vẫn nghĩ, vẫn có cái cảm giác là mình chưa ăn và vẫn còn đói. Nhưng vậy mà còn đỡ hơn cái đói và thèm ăn xoáy vào dạ dày sau khi uống xong thuốc rửa ruột. Nhìn ớ đâu cũng thấy thức ăn, thế mà không đụng vào được, có lúc tôi muốn bỏ cuộc, vồ lấy một trái táo hay trái chuối cứ ăn cái đã rồi ra sao thì ra.!
Cái đói trong trại tù Cộng sản là cái đói ăn chưa đủ lấp một phần mười bao tử, có muốn thêm cũng không đào đâu ra. Còn cái đói ở trường hợp rửa ruột để đi soi ruột là cái đói của bao tử trống rỗng trong khi trước mặt mình bày ra đủ thứ thực phẩm đầy cám dỗ. Một đàng có ăn nhưng vẫn đói triền miên từ năm này qua năm khác vẫn chịu được, còn một đằng chỉ phải nhịn khoảng một ngày rưỡi cho một nhu cầu y khoa mà không vượt qua được thì hèn quá. Nghĩ thế, tôi ngồi dậy hoạt động một chút, quả nhiên thấy dễ chịu hơn. Giấc ngủ của tôi từ 9 giờ tối cho đến 4 giờ sáng hôm sau bị gián đoạn rất nhiều lần vì phải vào nhà cầu chứ không phải vì đói nữa.
Buổi sáng thức dậy, bước xuống giường, cái cảm tưởng đầu gối, các khớp xương lỏng ra khiến tôi nhận được rõ rệt sự thay đổi trong cơ thể đang bị lão hóa của mình, nhưng đồng thời tôi thấy khoan khoái hơn. Mở cửa bước ra khu vườn sau nhà, nghe được tiếng chim hót trên những cành cây trong vườn, cảm được hơi lạnh của mùa thu đang trở về, tôi chợt nghĩ rằng chiến tranh có thể đang diễn ra ở nhiều nơi trên trái đất, nhưng khu vườn sau nhà tôi thì vẫn thể hiện được đầy đủ sự tuần hoàn yên bình của trời đất. Vậy thì có gì phải lo nghĩ về ranh giới của cái sống và sự chết hay ít ra là của điều bình thường và bất thường.
Trở vào nhà, làm vệ sinh cá nhân, thay áo quần giữ ấm, đội mũ, mang răng uống thuốc cao máu. Đúng 5 giờ sáng hai con đưa đi bệnh viện. Đúng 5:30 AM đến nơi, nhân viên kiểm soát lại hồ sơ đã điền trên online trước đây, rồi lấy băng plastic nhỏ đeo vào cổ tay có tên tuổi binh nhân. Đúng 6:00 giờ y tá mở cửa niềm nở mời vào phòng riêng, phát một túi plastic và áo bịnh nhân, thay áo quần bỏ hết vào túi plastic, mặc áo bịnh nhân, xong nằm trên một chiếc giường bệnh, đắp mền, có màng vải bao quanh, lúc nằm chờ tôi bảo các con gọi báo cho mẹ biết. Rồi một cô y tá khác lại đến đo nhiệt độ và áp huyết, sau đó bác sĩ gây mê người Ấn đến chào hỏi vui vẻ. Xong một cô y tá khác đến treo một túi serum nhỏ trên đầu giường, châm kim vào mu bàn tay chuyền serum nhỏ giọt vào tĩnh mạch. Đúng 7:00 giờ lại một cô khác đến đẩy cả giường vào phòng kế đó đặt giường vào giữa vị trí một màn ảnh monitor 19" hiệu Olympus của Nhật, cạnh một máy đo nhịp tim và một máy dùng soi ruột cũng hiệu Olympus phía đối diện monitor. Rồi hai cô chuyên viên phụ tá cho BS gây mê và BS soi ruột, đứng 2 bên vừa điều chỉnh, kiểm soát máy móc, vừa trò chuyện giới thiệu tên, đồng thời cho bệnh nhân nằm nghiên bên trái. Bác Sĩ Luật lên tiếng: "Chào Bác Kính, bác vẫn ổn chứ"? Tôi trả lời "Dạ, kính chào BS, tôi vẫn ổn cảm ơn BS". Tiếp theo, giới thiệu tên Bác sĩ gây mê người Ấn Độ. Khi phần hành hai người phụ tá xong, BS gây mê lấy một ống thuốc nước chừng 5 cc chích vào ống plastic đang chuyền serum. Từ lúc đó tôi đi vào giấc mê...Khi tỉnh lại tôi đang ở phòng đầu tiên, con gái cho biết 8:10 AM. Khi đã tỉnh y tá cho thay áo quần, sau mười phút dìu vào xe lăn đưa ra cửa, lên xe yên vị rồi làm vài ngụm nước cho sản khoái, con đưa chai sửa Boost (glucose Control) làm mấy hơi là thấy yên bụng, xe lăn bánh rời trung tâm giải phẩu lúc 8:20.
Hai con đưa ba đi ăn, nhưng tôi bảo mua về nhà ăn cho khỏe, trong lúc ngồi chờ tôi gọi điện thoại báo cho nhà tôi biết ca phẫu thuật xong, cắt hai polyps lấy mẫu gởi xét nghiệm, Sau khi cắt bỏ khối polyp, bác sĩ sẽ gởi đến phòng Lab (Laboratory là Phòng thí nghiệm), để phân tích xem khối polyp đại tràng thuộc loại nào. Xét nghiệm này sẽ được trả lời sau một đến vài tuần, do đó cần hẹn gặp bác sĩ để nhận kết quả. Khi đó, hãy trao đổi với bác sĩ về thời gian tái khám và nội soi trở lại. Về tới nhà xê xích 10:00 AM, thay áo quần xong, nội tướng cho ăn cháo vịt ấm bụng rồi lên giường làm một giấc thoải mái, cảm giác như trả xong một mối trong chuổi nợ còn dài của cuộc sống...!

Thưc giấc trong cái lạnh âm độ C (< 32 độ F); Vẫn muốn  nằm yên với cảm giác bình yên, qua những nghĩ ngợi về tuổi già và con cái phải phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ già yếu, bệnh tật. Điều này theo tôi không có gì xa lạ với lớp trẻ Việt Nam sinh ra hay lớn lên ở Mỹ đâu. Những lần có cơ hội nói chuyện với các bạn trẻ, tôi thấy họ cũng ý thức rất rõ được bổn phận này. Nhưng do hoàn cảnh họ không thể thực hiện được trọn vẹn bổn phận làm con vì nhiều lý do khác khau: Công việc làm, hoàn cảnh kinh tế, đời sống tốc độ và sự phát triển không bao giờ ngừng của xã hội Mỹ. Chúng ta cứ nhìn con cái của chính mình thì sẽ thấy rõ. Chúng lớn lên, học hành, tốt nghiệp có được công ăn việc làm, thế rồi cuộc đời của chúng bị trói chặt vào lối sống, mà chúng đã thấm nhuần ngay từ nhỏ ở trường mẫu giáo hay tiểu học. Đời sống Mỹ là như thế và chúng ta không có cách nào đi ngược lại nó.
Cá nhân, vợ chồng tôi lúc nào cũng muốn những đứa con ở quanh mình, nhưng đồng thời ý thức rất rõ rệt là khi chúng đã tốt nghiệp đại học, và khi đã có công việc làm là lúc chúng đã đủ lông đủ cánh, bước ra một khung trời rộng lớn hơn, để học thêm ở chợ đời. Như thế rõ ràng là chúng đã tự lập và ý thức tự lập, như lứa tuổi thanh niên nam nữ hừng hực, tràn đầy sức sống khiến chúng sẽ bay cao và xa hơn. Tuy nhiên, có thể biết chắc được rằng khi nào cha hay mẹ gặp khó khăn, đau ốm chúng sẽ lần lượt bay về nơi mà các con đã từng được bảo bọc che chở đến lớn khôn, để săn sóc cũng như chia xẻ những khó khăn ấy với ba mẹ.
Ý thức được rất rõ hoàn cảnh con cái mình khi chúng trưởng thành, vợ chồng tôi cũng đã tự lo hậu sự cho mình và viết sẵn “Five Wills” để đỡ gánh nặng cho những người thân ruột thịt còn lại trong gia đình. Điều này không phải dễ làm đối với những người còn nặng óc dị đoan hay kiêng cữ. Cho nên những điều tôi viết ra ở đây cũng chỉ là những suy nghĩ và việc làm của vợ chồng tôi mà thôi.

Nằm nghe tiếng gió rít manh từng cơn... Đầu óc cũng tự nhiên bị cuốn theo vào những kỷ niệm thời trai trẻ, hăng say, nhiệt huyết mà giờ đây nơi xứ người phải chuộc lại lỗi lầm, sai trái bằng cách "đấm ngực" lỗi tại tôi mọi đàng.
Hậu quả, đưa đến những ngày tàn cuả cuộc chiến, với bao ngậm ngùi và đau thương cho một dân tộc bé nhỏ bị đẩy vào sự lừa gạt của các thế lực lớn quốc tế, cho đến những tháng ngày tinh thần bị khủng hoãn khi Việt Cộng bắt đi tháo gở bom mìn "giải phóng đất đai vùng kinh tế mới cho dân canh tác", cùng những năm dài đằng đẵng cắn răng chịu đựng sự đầy đọa, đói khổ trong những cánh cổng nhà tù Cộng sản. Không thiếu một hình ảnh trả thù nào, cả tinh thần lẫn thể xác. Nỗi kinh hoàng sau ngày GIÓ XOÁY CUỘC ĐỜI.

Giơ đây, khi thực sự được hưởng tự do tại xứ Mỹ thì cũng là lúc nhìn thấy cái giá của tự do không phải chỉ có chiến tranh và tù đầy. Cái giá đó còn bao gồm cả việc đối phó khó khăn với đời sống tại quốc gia đã được kỹ nghệ hóa toàn phần như Mỹ, cộng thêm với đầy rẫy những ngộ nhận của một cộng đồng vẫn còn mang nặng những hình ảnh của một cuộc chiến cũ. Nghĩ miên man như thế tức là còn tiếc, còn ân hận là mình chưa làm được việc gì cho ra hồn cả. Toàn là những thất bại nên còn muốn sống thêm nữa để làm theo suy nghĩ của mình... và tôi nhẩm đọc vài lời cầu nguyện.


Thứ Ba, 17 tháng 12, 2019

CÁC LOẠI CÂY LÀM SẠCH KHÔNG KHÍ TRONG NHÀ

Những loại cây cảnh có tác dụng rất tốt cũng như còn có khả năng thanh lọc không khí, hấp thụ chất ô nhiễm trong môi trường sống đem lại không gian sống trong lành, khỏe mạnh cho gia đình.
Việc trải thảm hay sơn tường đều có thể tạo ra các hóa chất gây ô nhiễm không khí trong nhà. May mắn thay, một số cây trồng trong nhà có thể giúp thanh lọc không khí hiệu quả.

Tiến sĩ khoa học môi trường Bill Wolverton khuyên chúng ta nên trồng thật nhiều cây trong nhà, ít nhất 2 chậu cây (chu vi khoảng 25-30cm) trong diện tích khoảng 30m2. Một lưu ý là đừng bao giờ tưới quá nhiều nước vì độ ẩm của đất có thể khiến nấm mốc phát triển.
Dưới đây là 15 cây bạn nên trồng trong nhà, theo phân tích của Bill Wolverton trong cuốn sách "Plants: Why You Can't Live Without Them".

Những cây trồng trong nhà tốt cho sức khỏe

1. Cây thường xuân (Ivy, Hedera Helix)

Tán lá rậm rạp của thường xuân hấp thụ rất tốt formaldehyde

Loại cây dây leo này phát triển mạnh trong không gian nhỏ. Nó cũng phát triển tốt ở trong phòng có cửa sổ hay nắng nhạt.
Tán lá rậm rạp của thường xuân hấp thụ rất tốt formaldehyde (còn gọi là phoóc môn), một trong những chất gây ô nhiễm không khí trong nhà phổ biến nhất, vốn được xử dụng nhiều trong các vật liệu như gỗ dán, thảm, xốp cách điện và nhựa gỗ. Các vật liệu này sẽ thải ra formaldehyde rất chậm theo thời gian. Hít thở phải formaldehyde ở nồng độ cao có thể gây ra các kích thích mắt, làm chảy nước mắt và đau đầu, nóng trong cổ họng, khó thở và ung thư.

2. Lan ý, còn gọi là huệ hòa bình 

(Peace Lily, Spathiphyllum)

Cây lan ý có thể lọc được benzene VOC, một chất gây ung thư có nhiều trong sơn, chất đánh bóng, sáp đánh bóng đồ nội thất

Đây là cây xứ nóng, thân thảo, thích nghi với môi trường có ít ánh sáng nhưng đòi hỏi phải tưới nước thường xuyên và độc hại cho vật nuôi... Cụm hoa có một màu trắng dày trên cành thẳng đứng, trông rất kiêu sa. Lan Ý thích hợp trồng trong chậu nhỏ trong nhà, văn phòng hay bồn ngoài hiên, sảnh...
Cây có thể lọc được benzene (C6H6), một chất gây ung thư có nhiều trong sơn, chất đánh bóng, sáp đánh bóng dụng cụ trong nhà. Nó cũng trung hòa aceton, formaldehyde và trichloroethylen, vốn được phát ra từ thiết bị điện tử, chất kết dính và chất tẩy rửa.

3. Cây trúc mây, còn gọi là mật cật hoặc hèo quạt (Lady Palm, Rhapis Excelsa)

Cây trúc mây lọc tốt amoniac, một chất rất hại cho hệ hô hấp, vốn là thành phần chính trong chất tẩy rửa, dệt may, và thuốc nhuộm.

Cây dễ trồng, đẹp mắt. Cao 1-2 m, gốc có nhiều rễ phụ và chồi bên. Thân nhẵn, đốt đều đặn, mang nhiều bẹ khô do lá rụng để lại. Cây ưa sáng hoặc chịu bóng bán phần, thích hợp làm cây trồng trong nhà, giai đoạn còn nhỏ đòi hỏi phải che bóng, đất thoát nước tốt. Nhu cầu nước trung bình.
Cây lọc tốt amoniac, một chất rất hại cho hệ hô hấp, vốn là thành phần chính trong chất tẩy rửa, dệt may, và thuốc nhuộm.

4. Cây dương xỉ Mỹ (Boston Fern, Nephrolepis Exaltata)

Cây dương xỉ giúp loại bỏ formaldehyde

Loại cây này phù hợp với giỏ treo trong nhà. Nó được coi là một trong những máy lọc không khí hiệu quả nhất, nhưng nhu cầu về độ ẩm khá cao.
Cây hoạt động đặc biệt tốt trong việc loại bỏ formaldehyde. Một số nghiên cứu cũng cho thấy nó có thể loại bỏ kim loại độc hại như thủy ngân và asen.

5. Cây lưỡi hổ (Snake Plant, Sansevieria Trifasciata)

Cây lưỡi hổ giúp giảm carbon dioxide, formaldehyde, benzene trong không khí.

Loại cây này phát triển mạnh trong ánh sáng thấp. Vào ban đêm, nó hấp thụ carbon dioxide (CO2) và giải phóng oxy (một sự đảo ngược của quá trình tổng hợp oxy của hầu hết các cây). Hãy đặt một chậu gồm 2 cây trong phòng ngủ của bạn để tăng oxi trong khi bạn ngủ. Ngoài ra, bạn cũng nên đặt cây này trong phòng có nhiều máy in, máy tính.
Ngoài việc làm giảm carbon dioxide, cây lưỡi hổ còn làm giảm formaldehyde, benzene trong không khí.

6. Cây trầu bà, còn gọi hoàng tâm điệp, thiết mộc lan, (Golden Pothos, Epipremnum aureum)

Trầu bà khắc phục tình trạng có khí formaldehyde, carbon monoxide và benzene trong nhà.

Là loại cây leo rất dễ trồng, lá hình tim, xanh thẫm có gân màu vàng hay màu kem. Có thể để bình cây leo ở góc phòng hoặc treo những chậu cây nhỏ gần cửa sổ, chúng sẽ làm cho căn phòng sinh động và tự nhiên hơn rất nhiều.
Giống như nhiều cây dây leo khác, trầu bà khắc phục tình trạng có khí formaldehyde, carbon monoxide và benzene trong nhà.

7. Cây thu hải đường trường sinh 

(Wax Begonia, Begonia Semperflorens)

Cây thu hải đường có thể lọc tốt benzene và các hóa chất được sinh ra bởi toluene, vốn có trong một số loại sáp và chất kết dính

Đặt trong một khu vực có ánh sáng mặt trời phong phú, cây sẽ ra những cụm hoa trắng, hồng, đỏ rất đẹp mắt. Cây cần môi trường sinh sống được tưới tiêu nước tốt, có độ ẩm cao.
Cây có thể lọc tốt benzene và các hóa chất được sinh ra bởi toluene, vốn có trong một số loại sáp và chất kết dính. Toluen chủ yếu được dùng làm dung môi hòa tan nhiều loại vật liệu như sơn, các loại nhựa tạo màng cho sơn, mực in, chất hóa học, cao su, mực in, chất kết dính... Tiếp xúc với toluene trong thời gian đủ dài có thể bị bệnh ung thư.

8. Phất dụ mảnh, còn gọi là phất dũ trúc, hồng phát tài, huyết giác (Red-Edged Dracaena, Dracaena marginata)

10 loại cây làm sạch không khí trong nhà

Cây vùng nhiệt đới, thân cột mảnh, cao, phân nhánh ít, nhỏ. Lá tập trung ở đầu cành, dạng thuôn hẹp hình dải. Cây ưa sáng hoặc chịu bóng bán phần thích hợp làm cây trang trí trong nhà, nhu cầu nước trung bình. Phù hợp với căn phòng có trần nhà cao và ánh sáng mặt trời vừa phải.
Loại cây này có thể lọc các loại khí xylene, trichloroethylene, formaldehyde vốn có nhiều trong các sản phẩm sơn mài, sơn dầu, và chống thấm.

9. Cây dây nhện (Spider plant, Chlorophytum comosum)

Cây dây nhện sẽ giúp bạn lọc formaldehyde, benzene phân tử trong không khí.

Loại cây này thường có thân dài, cuối thân dây điểm hoa trắng nhỏ hình ngôi sao. Có giống lá xanh tuyền hay lá xanh sọc trắng. Chỉ cần tưới khi nào đất gần khô. Cây ưa bóng râm vừa hay ngoài nắng. Đây là một lựa chọn tốt cho người mới làm vườn.
Đặt một chậu cây trên bệ hay treo một giỏ ngoài cửa sổ đầy nắng, cây sẽ giúp bạn lọc formaldehyde, benzene phân tử trong không khí.

10. Cây lô hội, còn gọi là nha đam (Aloe Vera)

Lô hội hấp thu tốt khí cacbonic và nhả oxy về đêm

Cây phát triển nhanh, chịu được khô, nóng và ưa sáng. Lô hội có thể bày trên bàn làm việc, bệ cửa, bàn nước…
Rất quen thuộc với các quý bà quý cô vì lô hội là một sản phẩm làm đẹp và lành da rất kỳ diệu. Nếu bị bỏng hay quầng thâm quanh mắt, bạn có thể lấy ngay cành cắt ra xoa vào rất có hiệu quả. Mặt khác, lô hội hấp thu tốt khí cacbonic và nhả oxy về đêm nên thích hợp đặt trong phòng ngủ hay phòng làm việc thiếu ánh sáng ngày.

11. Đa búp đỏ thanh lọc không khí, cung cấp oxi

Đa búp đỏ cũng là loại cây có tác dụng thanh lọc không khí rất tốt.

Đa búp đỏ cũng là loại cây có tác dụng thanh lọc không khí rất tốt. Cây rất dễ trồng, có thể dễ dàng sinh sôi trong môi trường nhiệt độ thấp và thiếu ánh sáng. Trồng đa búp đỏ, có thể giúp môi trường sống của mình trở nên trong lành hơn nhiều mà không cần quá tốn công chăm sóc cho cây.

12. Trồng cây cọ lá tre trong phòng giúp điều hòa không khí

 Cây cọ lá tre giúp loại bỏ benzen và lượng trichloroethylene trong không khí.

Cọ lá tre đã được các nhà khoa học của NASA đánh giá là một trong những loại cây cảnh có tác dụng điều hòa không khí tốt nhất. Loại cây này có khả năng đặc biệt, loại bỏ benzen và lượng trichloroethylene trong không khí. Cọ lá tre nên được trồng ở nơi bóng râm và cần nhiều nước.

13. Cúc đồng tiền

Cúc đồng tiền

Cúc đồng tiền, loại cây giúp loại bỏ chất trichloroethylene là chất thường có trong các sản phẩm làm sạch khô và benzen trong không khí. Cúc đồng tiền thích hợp đặt trong phòng ngủ hoặc khu máy giặt. Hoa màu sặc sỡ và cần nhiều ánh sáng mặt trời nên ưu tiên trồng ở một chỗ gần cửa sổ, thoáng mát.

14. Hoa phong lan

Hoa phong lan

Hoa phong lan hấp thụ khí CO2 vào ban đêm và cung cấp oxy cho không gian sống thoáng mát. Đó là lý do nhiều người đặt hoa lan vào không gian nghỉ ngơi để nâng niu giấc ngủ.

15. Cây dừa cảnh

Cây dừa cảnh

Cây dừa cảnh là "bộ máy" lọc bụi và chất độc, thích hợp cho phòng khách hay văn phòng giúp loại trừ bụi bẩn bay trong không khí. Loại cây này giúp chuyển đổi khí CO2 thành O2. Trung bình, trong phòng cần 2 cây dừa cảnh cao ngang vai là đủ lượng không khí sạch cho hô hấp. Để chăm sóc cây, cần làm sạch bề mặt lá mỗi ngày nếu ở trong môi trường nhiều bụi bẩn. Mang cây ra ngoài trời khoảng 3-4 tháng một lần.

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2019

TRUNG CỘNG TIẾN HÀNH MUA THẾ GIỚI.

Trong hình ảnh có thể có: 2 người

Mao Trạch Đông tuyên bố khai sinh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày 1-10-1949.

Dự án Một vành đai Một con đường vẫn được báo giới quen gọi là « những con đường tơ lụa mới », một dự án cho tham vọng bành trướng của Trung Cộṇg ra thế giới: "TC đang mua thế giới như thế nào".

Từ khi được khởi xướng rầm rộ năm 2013, "những con đường tơ lụa mới" về mặt chính thức là nhằm mục đích kết nối thông thương giữa TC với phần còn lại của thế giới, đến nay Bắc Kinh đã mở rộng phạm vi ảnh hưởng kinh tế trên 5 châu lục với số tiền đầu tư hàng tỷ đô la. Tham vọng mới này của TC ngày càng tỏ ra là mối đe dọa đối với các nước nhỏ ở châu Á, châu Phi và cả châu Âu. Các nước đó đang cảm thấy mình là con tin của chiến lược bá quyền, mà phía sau là các tham vọng quân sự.

Trong vòng 6 năm, số lượng các nước tham gia vào dự án những con đường tơ lụa mới đã tăng gấp đôi. Tuy nhiên các tiếng nói phản bác và chỉ trích "đại dự án" này cũng bắt đầu nổi lên ở khắp nơi trên thế giới. Trung Cộng đã trỗi dậy, nhưng nó trỗi dậy như là một đe dọa trong một trật tự thế giới mới mà họ đang muốn làm chủ. Giấc mơ Trung Hoa vĩ đại của Tập Cận Bình đang biến thành cơn ác mộng đối với nhiều đối tác.

Trọng điểm là các láng giềng Đông Nam Á.

Trong dự án đầy tham vọng này, TC chú ý trước tiên vào khu vực Đông Nam Á, nhắm vào các "mắt xích yếu" như Cam Bốt, Lào, đồng thời TC tiếp tục củng cố hiện diện tại Miến Điện, Thái Lan, Malaysia và Indonesia, những nước tập trung rất đông Hoa kiều (chiếm 80% Hoa kiều sống trên thế giới).
- Tại Cam Bốt, trong 5 năm qua, TC đã đầu tư vào nước này 5 tỷ đô la để xây dựng hạ tầng cơ sở, đường xá, sân bay và bất động sản. Cùng với đầu tư đó, khoản nợ của Cam Bốt với TC cũng đã chiếm tới 15% GDP.
- Tương tự như với Sri Lanka hay với Lào, nơi có gần 40% đất đai nằm trong tay người TC, một nhà ngoại giao châu Á tại Vientiane cho biết. Số nợ của Lào với Bắc Kinh còn chiếm tới 25% GDP.
- Xa hơn là Pakistan, cảng Gwadar bên bờ biển Ả Rập, sẽ đón nhận 54 tỷ đô la đầu tư để trở thành cửa ngõ đi ra cho hàng hóa TC. Đồng thời cảng này sẽ còn nơi tiếp nhiên liệu cho các hạm đội tàu chiến TC, trên đường sang phía Djibouti (82% nợ của nước này do TC nắm). Từ năm 2017, tại căn cứ quân sự mới xây dựng ở Djibouti luôn có 10 nghìn quân TC đồn trú.
- Ở Châu Phi, TC đã cắm chân từ 10 năm qua, với những cái tên nổi bật như Angola, Ethiopia, Sudan, Kenya hay Cộng Hòa Congo.


Châu Âu đang trong thời kỳ khủng hoảng khó khăn cũng đã trở thành mục tiêu của Bắc Kinh. TC đã mở cuộc tấn công từ 5 năm nay, với việc thôn tính từng phần hoặc toàn bộ hàng chục hải cảng lớn, chiếm 10% năng lực hải cảng của châu Âu. Trong số này, đặc biệt có hải cảng Piré của Hy Lạp, điểm trung chuyển quan trọng "trên các con đường tơ lụa" mới ở châu Âu, giờ đã nằm trong tay người Trung Cộng.
Liên Hiệp Châu Âu lo ngại, không chỉ là con số 175 tỷ euro thâm hụt thương mại với TC, mà còn là vấn đề chính trị và sự đoàn kết trong Liên Hiệp:
- Cụ thể là Hy Lạp hồi đầu năm nay đã phản đối một nghị quyết của Châu Âu lên án chính sách nhân quyền của Bắc Kinh. Hungary, Ba Lan, Cộng Hòa Séc lần lượt tham gia sâu vào hệ thống "con đường tơ lụa" của TC. Đến lúc này châu Âu đã bắt đầu thức tỉnh. Ý thức được mối nguy hiểm, mới đây Ủy Ban Châu Âu đã đánh giá TC là đối thủ thường xuyên mang tính chất hệ thống.


Sri Lanka sập bẫy nợ Trung Cộng:
Để thêm bằng chứng về chiến lược bành trướng ảnh hưởng của TC, "Sri Lanka rơi vào bẫy tín dụng TC".
Bài phóng sự cho thấy sự hào phóng của TC đã giúp Sri Lanka có được nhiều công trình hạ tầng cơ sở. Nhưng mặt trái của nó là giờ đây Colombo đang rơi vào cảnh nợ nần chồng chất buộc phải nhượng dần cảng biển, đất đai cho Trung Cộng. Cách đây hơn một thập niên, Sri Lanka sau một thời gian dài nội chiến triền miên, muốn có nguồn tiền để phát triển. Ngay lập tức TC đã tỏ ra hào phóng giang tay giúp đỡ và giờ đây người Sri Lanka mới sực tỉnh ra rằng đất nước của họ đang dần nằm trong sự kiểm soát của người TC qua các cảng biển, các đặc khu kinh tế cho thuê đất 99 năm. Sri Lanka trở thành một công trường lớn trong chiến lược "chuỗi ngọc trai" nhằm phong tỏa Ấn Độ. Sự hiện diện của TC đang gây lo lắng thực sự cho người dân, cũng như một số chính giới của Sri Lanka.

VIỆT NAM với "Luật đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc".

- Công dân Trung Cộng nhập cảnh Việt Nam chiếm tỷ lệ cao nhất với số lượng gần 14,8 triệu người trong 4 năm 2015-2018, chiếm hơn 30% trong tổng số người nước ngoài đến Việt Nam.
- Mỗi ngày có hàng nghìn khách TC là người cao tuổi nhập cảnh vào Việt Nam đi du lịch
- Các doanh nghiệp TC có hợp đồng thuê người Việt Nam mua đất, hoặc rót vốn cho người Việt mua đất
- Hàng hóa TC sẽ tràn mạnh vào Việt Nam sau khi phá giá Nhân dân tệ!
- Việt Nam nguy cơ trở thành điểm đến của tội phạm người Trung Cộng.
- Các chuyên gia kinh tế ở Việt Nam mới đây cảnh báo dòng vốn đầu tư từ TC vào Việt Nam đang tăng mạnh kéo theo các rủi ro về môi trường, tăng thâm hụt thương mại và quản lý lao động nước ngoài.
- Trung Cộng không chỉ có cùng chế độ chính trị mà còn chung biên giới, rất thuận tiện cho việc trở thành "hậu phương lớn" cho Đảng cộng sản Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trước đây.
- Lẽ dĩ nhiên TC nắm ngay cái "yếu điểm" này của ban lãnh đạo Việt Nam để đẩy mạnh hơn nữa xâm lược đảo và chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông. Đặng Tiểu Bình đã mời ban lãnh đạo Việt Nam đến Thành Đô, TC vào tháng 9-1990 để thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, điều này đã được thực hiện một năm sau đó, vào tháng 11-1991. Tuy nhiên, Trung Cộng hiểu toan tính của họ chỉ có thể được thực hiện trót lọt chừng nào Việt Nam còn đơn độc về quân sự, cụ thể không phải là đồng minh quân sự của bất cứ nước nào, nhất là Mỹ.
- Do đó, lãnh đạo cao nhất của TC, từ Giang Trạch Dân cho đến Tập Cận Bình, đều ra sức khoét sâu nỗi lo "mất Đảng", "mất chế độ xã hội chủ nghĩa" của ban lãnh đạo Việt Nam và nêu cao tương đồng chế độ chính trị hai nước. Họ đưa ra những khẩu hiệu "lý tưởng tương đồng", "vận mệnh tương quan", "đồng chí tốt" với kết cục là ban lãnh đạo Việt Nam đã mắc bẫy "dương Đông kích Tây" của Trung Quốc khi đồng ý lấy đó làm phương châm để giải quyết quan hệ giữa hai nước.
- Nói cách khác, sẽ không có chuyện Việt Nam tìm kiếm ủng hộ quân sự từ cường quốc khác, nhất là với Mỹ, vốn được coi là kẻ thù của chủ nghĩa cộng sản. Chính sách "Ba Không" mà cốt lõi là "không liên minh quân sự" từ đó mà ra.

- Biển Đông được xác định là con đường sinh mệnh của nền kinh tế Trung Cộng, giúp kết nối TC với 125 nước và vận chuyển 3/4 lượng dầu nhập vào nước này.
- Lợi ích của Biển Đông là về vấn đề kinh tế, đầu bảng là tài nguyên dầu khí.
- Biển Đông được xác định là một trong 4 khu vực đánh cá chủ yếu của ngư dân TC.
- Biển Đông cũng được xác định là con đường sinh mệnh của nền kinh tế TC. Trong số 27 chuyển vận tải đường biển của TC, có 17 trong số đó nằm ở Biển Đông.
- Về mặt chiến lược, TC xác định Biển Đông như sân sau, nơi tập dượt của hải quân TC để tiến ra thế giới bên ngoài.
- Về an ninh quốc phòng, đây là một bức trường thành tự nhiên trên biển. Biển Đông như một vành đai quân sự, phòng thủ, là rào cản an ninh để ngăn chặn những rủi ro và uy hiếp từ bên ngoài.


TRUNG CỘNG đã và đang làm gì trong 70 năm (1949 - 2019)?
(Và sẽ tiếp tục làm gì trong 30 năm tới, để kỹ niệm 100 năm (1949 - 2049). Ngày 1-10-1949, nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa chính thức được thành lập).


1. Đưa ra các yêu sách chủ quyền và yêu sách trên biển.
2. Thực hiện những biện pháp hành chính. Thể hiện Biển Đông và Hoàng Sa, Trường Sa trên bản đồ, đặt tên cho các đảo, sát nhập Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển vào lãnh thổ TC và các đơn vị hành chính thuộc Trung Cộng.
3. Áp đặt nội luật của TC vào khu vực Biển Đông, coi Biển Đông thành khu vực của mình.
4. Các hoạt động kiểm soát, khống chế và làm chủ Biển Đông. Bao gồm việc từng bước thay đổi nguyên trạng của Biển Đông, tạo ra một cục diện quân sự thuận lợi cho TC, dần dần khống chế, kiểm soát Biển Đông, tiến tới mục tiêu lâu dài là độc chiếm toàn diện Biển Đông.
5. Xử dụng vũ lực. Từ năm 1956 đến nay, tất cả các bước tiến của TC trên Biển Đông đều là nhờ vũ lực. TC liệu có tiếp tục xử dụng vũ lực nữa hay không? Nếu không trả lời được câu hỏi này thì cực kỳ nguy hiểm.

Sự phát triển của Trung Cộng hiện đại:
- 1949 Mao tuyên bố khai sinh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
- 1966 - 1976 Cách mạng văn hóa mang lại biến động xã hội và chính trị
- 1977 Đặng Tiểu Bình khởi xướng những cải cách lớn về kinh tế
- 1989 Đàn áp các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Thiên An Môn
- 2010 Trung Cộng trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới
- 2018 Tập Cận Bình tuyên bố làm Chủ tịch trọn đời.


03122019