Mùa hè 2017, ông A vừa dự lễ tốt nghiệp (Đại Đăng Khoa) của con trai. Bây giờ lại tổ chức lễ cưới (Tiểu Đăng Khoa), Thật đúng là "Song Hỷ lâm môn". Trong thánh đường, một hôn lễ đang diễn ra. Mục sư xuất hiện với bài giảng về hôn nhân, đồng thời xác định được chân giá trị đích thực của đời sống vợ chồng. Xuyên qua bản thân cũng như kinh nghiệm sống từng trải Vị Mục sư chững chạc rút trong ví tờ 100 đôla còn mới toanh, ngửi thơm mủi giấy mực, cầm trong tay và đưa lên cao nói với Cộng đoàn.
- Có ai muốn nhận tiền này không?.
Không có tiếng trả lời…cũng như hưởng ứng.
Mục sư nói:
- Không e ngại, xấu hổ gì cả, ai thích cứ mạnh dạn giơ tay lên.
Khoản một phần ba số người giơ tay.
Sau lời Cảm ơn, Mục sư lại vo tròn tiền giấy lại rồi hỏi:
- Bây giờ có còn ai thích sở hữu nó nữa không?
Vẫn còn người giơ tay, nhưng đã ít đi một nửa.
Mục sư vứt tiền xuống đất, giẫm chân lên rồi nhặt lại.
Tờ tiền vừa bẩn vừa nhàu.
Ông lại cất tiếng hỏi:
- Còn ai can đảm thích đồng hành nữa hay không.?
Chỉ còn một người thanh niên giơ tay…
Vị Mục sư cố mời anh ta lên phía trên, trao cho anh đồng tiền giấy và nói anh ta là người duy nhất đã giơ tay cả ba lần. Lập tức mọi người trong Thánh đường đều cười to nhưng Mục sư xin cộng đoàn yên lặng.
Ông hướng về phía chú rể và dõng dạc nói.
- Trong năm nay con được hai ngày vui (Song Hỷ) đầu năm đỗ đạt (Đại Đăng Khoa) cuối năm thành hôn (Tiểu Đăng Khoa) Hôm nay con cưới một cô gái mà con yêu nhất đời.
Nhưng qua ẩn dụ giống như đồng tiền giấy này, năm tháng trôi qua cộng thêm vất vả với gia đình, con cái… cô ấy sẽ không còn xinh đẹp như bây giờ. Nhưng thực tế, tiền vẫn là tiền, giá trị của nó chẳng hề thay đổi. Hy vọng con giống như chàng trai này, luôn hiểu được giá trị và ý nghĩa đích thực, đừng vì vẻ bề ngoài mà đánh mất mọi thứ. Xin các Con hãy nhận biết, hình thức bên ngoài của mỗi người sẽ biến đổi theo thời gian, con người có thể già hơn và xấu đi, nhưng tâm hồn đẹp thì sẽ vĩnh viễn không hề thay đổi, giống như đồng tiền vừa bẩn vừa nhàu nầy, nhưng giá trị đích thực của nó...vẫn là một trăm.!
SONG HỶ LÂM MÔN
Một mối duyên tình thật đắm say
Ông Tơ bà Nguyệt thật hay bày
Xe duyên mộng ước mùa xuân thắm
Để tuổi thần tiên được mộng đầy
Trôi mãi tháng năm luôn cố giữ
Bạn cùng trang lứa thấy vui lây
Bên nhau mãn nguyện cho ngày ấy
Thề hẹn bên nhau đến bạc đầu
Dùi mài sách sử vẫn hoài mong
Chờ đến ngày thi thỏa tấm lòng
Khoa cử đề danh lưu hậu thế
Tổ tông rạng rỡ, với gia phong
Hiển vinh bù đắp điều mong ước
Đèn sách chuyên cần mãi gắng công
Duyên nợ ân tình luôn thắm thiết
Vui vầy hạnh phúc vẫn chờ trông
"Song hỷ lâm môn" đến tận nhà
Công thành, danh toại "đại đăng khoa"
Sách đèn bút mực dày công khó
Xếp lại nghiên về chuyện đã qua
Nay chuyện tình duyên nên phải tính
Lứa đôi hoà hợp "tiểu đăng khoa"
Vợ chồng danh phận đôi điều tốt
Mong được sớm ngày nhụy nở hoa,
Điển tích: Vương An Thạch đời nhà Tống bên Tàu, năm 20 tuổi đi lên kinh đô để thi Trạng nguyên, dọc đường dừng chân nghỉ tại một thị trấn có trang viện của Mã Viên ngoại. Vương An Thạch thấy trước nhà có treo một cái đèn kéo quân, trên đó có dán một vế câu đối:
"Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ".
Nghĩa là: Đèn kéo quân, quân kéo đèn, đèn tắt quân ngừng đi.
Vế đối còn chờ người. Vương An Thạch xem xong nói:
- Câu nầy dễ đối thôi.
Nói rồi liền bỏ đi. Người nhà của Mã Viên ngoại nghe được, chưa kịp vào trình với Viên ngoại thì cậu thiếu niên Vương An Thạch đã lên đường lên kinh đô.
Nơi trường thi, Vương An Thạch làm bài thi xong, đem nộp quyển trước tiên. Quan Chủ khảo lật ra xem, tấm tắc khen tài, rồi bảo Vương qua thi vấn đáp.
Quan Chủ khảo thấy lá cờ vẽ hình con cọp đang bay phất phơ trước gió, liền nghĩ ra vế đối:
"Phi hổ kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyển hổ tàng thân".
Nghĩa là: Cờ bay hổ, hổ bay cờ, cờ cuộn hổ ẩn mình.
Vương An Thạch chợt nhớ vế đối trên đèn kéo quân trước nhà Mã Viên ngoại, nếu đem đối vào đây thì rất hay và rất chỉnh, liền ứng khẩu đọc vế đối cho quan giám khảo nghe:
"Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ".
Quan Chủ khảo không ngờ Vương An Thạch có tài ứng đối mau lẹ như vậy, câu đối rất chỉnh, nghĩa lý xuất sắc.
Thế là Vương An Thạch coi như đã thi đậu đầu trong kỳ thi ấy, chỉ chờ chánh thức đăng tên lên bảng vàng và giấy báo mà thôi.
Vương An Thạch trở về quê nhà, đi ngang qua nhà Mã Viên ngoại, người nhà của Mã Viên ngoại nhận biết Vương là người mà trước đây đã nói rằng vế đối dán trên đèn kéo quân dễ đối thôi, nên mời Vương vào nhà trình với Mã Viên ngoại.
Mã Viên ngoại yêu cầu Vương đọc vế đối. Vương liền lấy vế đối của quan Chủ khảo đọc lên:
"Phi hổ kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyển hổ tàng thân".
Mã Viên ngoại vô cùng mừng rỡ, thấy vế đối rất chỉnh rất khéo, nên nói với Vương An Thạch rằng:
- Vế đối dán trên đèn kéo quân là của con gái lão, nó kén chồng nên thách đối như thế, nếu ai đối được nó mới chịu ưng làm chồng. Để lão gọi con gái lão ra cho hai đàng giáp mặt.
Thế là đám cưới được tổ chức linh đình tại Mã gia trang.
Vương An Thạch cưới được vợ tài giỏi và giàu có, và ở luôn tại nhà Mã Viên ngoại.
Cũng ngay trong ngày đám cưới đó, triều đình đăng bảng, Vương An Thạch được chấm đậu Trạng nguyên, được triều đình đòi lên kinh đô lãnh chức.
Thế là chàng họ Vương nhờ may mắn mà đạt được một lượt hai điều vui mừng: một là cưới được vợ tài giỏi giàu có, hai là được chấm đậu Trạng nguyên.
Vương An Thách rất hứng chí, lấy giấy viết lớn hai chữ SONG HỶ dán trước nhà và ngâm:
Vận may đối đáp thành song hỷ,
Cờ hổ, đèn quân kết vợ chồng.
Vậy, gốc tích của chữ SONG HỶ là do điển tích nầy, tức là vừa cưới được vợ, vừa thi đậu Trạng nguyên.
Khéo đối thành ra khúc hỷ ca,
Ngựa phi hùm chạy thực giao hòa.
Hoa chúc động phòng, tên khắc bảng,
Tiểu đăng khoa lại Đại đăng khoa.
Nhưng về sau, chữ SONG HỶ được dùng với ý nghĩa khác, là hai việc vui mừng song song nhau: nhà trai vui mừng có dâu mới, nhà gái vui mừng có rể mới.
VƯƠNG AN THẠCH SONG HỶ LÂM MÔN
Vương an Thạch, đến kinh đô ứng thí
Đi qua nhà Mã Viên chỉ thấy đèn
"Đèn kéo quân" nối tiếp "kéo quân đèn"
Khi đèn tắt, quân ngừng liền không chạy
Nhìn câu đối đọc qua tuy áy náy
Vẫn lên đường ứng thí hãy tính sau
Bài làm xong gọn nhẹ nộp thật mau
Quan trường chấm tấm tắc câu thật đạt
Chánh chủ Khảo bảo qua khâu vấn đáp
"Hổ bay cờ", câu hỏi đáp phân minh
"Cờ hổ bay, cờ cuộn hổ ẩn mình"
Vương an Thạch đọc qua nên còn nhớ
Câu đối đáp khít khao nhà viên đó
Nên đỗ đầu Trạng Nguyên có khắc tên
"Đại đăng khoa" tên tuổi đã xướng lên
Khi quay lại, ghé nhà bên viên Mã
Mời được khách vào nhà cùng mã ngoại
Vương đáp liền câu đối tại khoa trường
Vừa nghe qua viên ngoại bảo phi thường
Nên sai gọi tiểu thư còn kén chọn
Cho giáp mặt hai bên duyên đã trọn
Đại tiểu khoa cử hành đón song khoa
Cả hai khoa đại song hỷ lâm môn
Họ Vương Mã hưởng trọn khoa song hỷ...
Nhưng về sau, chữ "SONG HỶ" được hiểu theo ý nghĩa là ngày VUI của hai họ: nhà trai vui mừng có dâu mới, nhà gái vui mừng có rể mới.
Từ xưa đến nay, người dân Việt bao giờ cũng coi trọng, gìn giữ mối quan hệ bền chặt của tình nghĩa vợ chồng. Nó xuất phát từ nền tảng đạo đức, phẩm hạnh con người trong một tổ ấm có gia phong, một xã hội trật tự có mẫu mực.
VỢ CHỒNG
Quãng đường xa tuy rất đổi còn dài
Nhưng phía cuối là ngày mai hạnh phúc
Tình nghĩa nặng thăng trầm bao vinh nhục
Vẫn song hành chẳng một phút lìa xa...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét