Thứ Bảy, 19 tháng 8, 2017

ƠN NGHĨA SINH THÀNH


Ba Mẹ của con, 
  


Mỗi năm con đều dự định viết bài về Mẹ và Ba, nhưng lúc nào những dự định đó cũng bị bám bụi vì những quyến rũ khác, điều đó làm cho con bị ray rứt...Và mỗi lần như thế, là con tìm đến những câu ca dao hoặc những lời hát về cha mẹ mà mỗi khi ru con mẹ hay hát. Mặc dù, có rất nhiều bài hát ca tụng về mẹ, nhưng công ơn sinh thành dưỡng dục của ba mẹ không thể nào gói gọn trong một bài hát hay một bài thơ. Nếu mang ơn mẹ mà không nói về cha là một thiếu sót rất lớn. 
Nay con xin mượn bài hát "Ơn Nghĩa Sinh Thành" để tự nhắc nhở mình về đạo làm người, đạo làm con. Lời bài hát thật chân thành, da diết làm sao! Nó đã cho con cảm xúc chân thật về công ơn ba mẹ sâu đậm. 
Thường ngày con quá bận rộn với đời sống riêng của con và đôi khi không để ý những gì xảy ra xung quanh, nhưng khi nghe bài hát "Ơn Nghĩa Sinh Thành" lại rung động trái tim con và bồi hồi xao xuyến nhớ về ngày xưa. Bài học vở lòng đầu tiên con học từ mẹ là:

"Công Cha như núi Thái Sơn
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ Mẹ kính Cha
Cho tròn chữ Hiếu mới là Đạo con".

Con hỏi núi Thái Sơn cao cỡ nào, mẹ lại diễn tả là nó cao lắm, cao đến nỗi lẫn vào trong mây mà con không thể nào thấy đỉnh của nó được. Công cha to lớn vô kể hơn cả ngọn Thái Sơn kia. Con lại hỏi ngọn Thái Sơn ở đâu, mẹ lại hắng giọng giải thích là nó ở xa, xa lắm, mình không thể đi xe một ngày mà tới được, ở rất xa tận miền Trung của tỉnh Sơn Đông Trung quốc, (Thái Sơn cao 1.545 m so với mặt biển và chiếm diện tích 125 km2).Tình mẫu tử thì dạt dào như nước đầu nguồn, không bao giờ khô cạn. Và mẹ kết luận bài học vở lòng đầu tiên làm người, làm con phải hiếu đạo, phải biết vâng lời ba mẹ, thương yêu anh chị em, có lòng nhân với mọi người xung quanh. 
Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đã xử dụng bài ca dao này tạo nên chủ đề chính trong nhạc của ông. Một sự so sánh tượng trưng công cha nghĩa mẹ đã được lặp lại để nhấn mạnh hơn.

"...Công đức sinh thành
Người hỡi đừng quên..."

Cảm ơn mẹ cha tạo dựng nên hình hài nầy để con được hiện diện trong cuộc đời. Công đức sinh thành đã đưa con về dòng sông của tuổi thơ, thuở con còn do mẹ mang nặng tới 9 tháng 10 ngày, rồi khi sinh con lại gặp bao nhiêu trở ngại. Khi bác sĩ quyết định chích thuốc dục, vì thai bị sệ xuống gần cả tháng, (Do mẹ bị shock mạnh, đúng một tháng kể từ ngày Ba đi vượt biên) nhưng chưa tới ngày sanh nên tử cung chưa mở hết, cho nên cơn đau kéo dài. Dùng máy hút vẫn không kết quả. Nguy hiểm đến 90% cho mẹ nếu phải mỗ, nghe đến mỗ mặc dù kiệt sức nhưng mẹ vẫn cố chịu đau, nắm chặt tay mợ Thảo và ráng dùng sức bình sinh còn sót lại, may thay! lúc đó Bác sĩ Cúc reo lên "mở rồi" và dùng tay lách từ từ vào tử cung để nương theo và nhích dần đầu con cho đến lúc ra hẳn...(ngày 8 tháng 12 Đức Me vô nhiễm nguyên tội), mọi người thở phào nhẹ nhỏm. Tinh thần quả cảm của Người Mẹ đã vượt qua cơn "Thập tử nhất sanh" Mẹ là người vui mừng hạnh phúc nhất, khi được ôm con vào lòng và thấy tận mặt con gái vừa mới chào đời, từ tay người y tá; phần BS Cúc thì qụy xuống chân giường, vì quá mệt từ 5 giờ chiều mãi đến đúng 12 giờ đêm, sau đó giao lại cho hai y tá và sang phòng kế nằm nghĩ chân. Bà nội đang lần chuổi cầu nguyện, không dấu nổi mừng, dành bế cháu gái nhá dộng đầu vào tường ba lần vừa nói "con gái lỳ " này... Khi y tá bế con đi làm sạch sẽ, Mẹ cẩn thận nhờ mợ Thảo đi theo! Nửa giờ sau, BS Cúc trở lại, y tá cho biết nhau chưa ra, lại một phen ú tim nữa, BS nhanh tay rà soát lá nhau thật kỹ lưỡng, và tuyệt đối không bị bỏ sót, vì chỉ sót một chút thôi cũng gây nên tử vong. Như vậy! Mẹ phải chịu đau đớn lần thứ hai. Nghe Mẹ kể lại, con biết Mẹ đã chịu đựng quá nhiều khổ đau vì con...
Cảm ơn Thượng đế, cả mẹ và con đều tai qua nạn khỏi. Ngoại ở nhà với cu cườm, (vừa tròn 3 tuổi) đang lần tràn hạt cầu nguyện, khi nghe tiếng gọi cửa của cậu Phượng, Ngoại run sợ nên không dám lên tiếng ! càng gọi, Ngoại càn run lẩy bẫy, mãi cho đến lúc nghe cậu nói "chị sanh con gái rồi mẹ ơi " mừng quá đi vội ra mở cửa đến nổi té trầy cả đầu gối luôn.

Những ngày còn thơ, công ai nuôi dưỡng
Cảm ơn mẹ cha đã nuôi dưỡng con. Tiếng hát quyện lẫn với âm thanh đàn bầu, đàn tranh não nuột làm con cảm nhận được những khó khăn tiếp nối khó khăn dường như đã là số phận của mẹ. Sinh con khó là thế, nuôi con cũng không dễ. Vì hậu quả của việc chích thuốc dục để sinh chỉ huy, (theo cách gọi của Bác Sĩ sau năm 1975) một trong những nguyên nhân làm cho tử cung không khép kín, vì thế sau khi sanh vẫn thỉnh thoảng có vài giọt máu, BS chửa không bớt, nên bảo cắt bỏ tử cung. Mẹ vừa lo vừa sợ ! Cuối cùng mẹ quyết định tìm đến cô mụ Lan (hành nghề trước 75). Theo kinh nghiệm, cô cho biết đó là hậu quả của thuốc, qua trao đổi và trình bày, cô Lan chích thuốc hậu sản, nhưng qua một tuần không có kết quả thuyên giảm, cô chuyển qua thuốc trụ sinh " phước chủ may thầy " may phước là ngày thứ hai đã thấy có dấu hiệu tốt, uống đến ngày thứ bảy thì hoàn toàn bớt hẳn..! Cũng may thuốc trụ sinh không ảnh hưởng đến dòng sữa ngọt ngào của mẹ. Nhờ bầu sữa thơm ngon của Mẹ đã nuôi con mau lớn tròn trỉnh trong những tháng đầu đời cũng như những tháng năm về sau...Đại gia đình nội-ngoại lại mừng hơn, vì sau hơn ba tháng mới được tin về Ba đã đến được Thái Lan, Mẹ ôm hai con vào lòng, mừng mừng, tủi tủi đọc thư của ba. Sinh khí gia đình đã trở lại.

Hơn một năm Ba qua Mỹ, và kể từ đó về sau nội ngoại cũng như mẹ và hai con có cuộc sống được thoải mái hơn. Bốn năm sau, Mẹ và hai con đoàn tụ với Ba...Thấm thoát, mà nay con đã ra trường sau 21 năm miệt mài ở ghế nhà trường, tiếp theo chúng con phải qua bốn năm "Medicine Residency Program" nữa. Thành quả mà chúng con có được ngày hôm nay, phần lớn là do công lao trời biển cuả Ba Mẹ, phần còn lại là sự cố gắng của bản thân, nhằm để đạt được ước mơ khi còn nhỏ. 
Cảm ơn Mẹ đã chăm sóc chúng con từ miếng ăn, cái mặc đến giấc ngủ cũng như khi vui chơi hay lúc ốm đau, luôn cận kề mọi nơi, mọi lúc, nhất là những năm tháng không có Ba bên cạnh. 
Chúng con thương Ba rất nhiều vì phải chịu cảnh tù tội đoạ đày đói khát, khi ra tù lại phải lam lủ, vật lộn với những khó khăn của cuộc sống, nhưng vẫn không yên thân, nên đành phải chọn con đường ra đi vượt biên, đành bỏ lại tất cả đằng sau. Nhưng may thay trong cái " thập tử " đã tìm lại được sự sống trong đường tơ, sợi tóc...Nhờ sự hy sinh lớn lao đó mới có ngày đoàn tụ năm 1992. Kể từ đó chúng con được cả Mẹ cùng Ba tiếp tục chăm lo giáo dục, hướng dẫn, uốn nắn nên người từ gia đình đến nhà trường và ngày nay ngoài xã hội. Chúng con thật lòng biết ơn Ba Mẹ.   
Âm hưởng lời ca tiếng nhạc trầm buồn của nhạc cụ dân tộc như đánh động vào tâm thức của con. Cho con ăn uống đã khó khăn là thế, mà nuôi con khỏe mạnh còn khổ gấp trăm ngàn lần thế nữa. Mỗi lần con bệnh là mẹ lo lắng chạy ngược chạy xuôi. Mẹ dỗ dành con uống thuốc. Thuốc đắng con cứ lừa ra, mẹ phải dụ kẹo. Bình thường con không được ăn kẹo vì mẹ sợ hư răng con. Viên thuốc lớn quá, mẹ phải cà nhuyễn ra cho con, khổ nỗi thuốc cà ra càng khó uống, mẹ phải kiên nhẫn dỗ dành con. Khi con đau nằm thiếp , khi tỉnh dậy thấy mẹ bên cạnh xoa xoa tay con. Mặt của mẹ hóp lại thấy rõ. Nỗi đau đớn về thể xác của con lúc đó thì ít mà thấy mẹ lo nhiều quá làm con phải chảy nước mắt. Ôi tình mẹ cứ dạt dào tưới mát đời con.

Nhớ công ơn sinh dưỡng, đó mới là hiền nhân
Ơn mẹ đã dạy bảo cho con những món ăn tinh thần vô giá. Tạo cho con hình thể này khó khăn là thế, mẹ còn phải lo tới mặt đạo đức của con nữa. Con vốn bướng bỉnh từ hồi bé. Mẹ lúc nào cũng vừa nghiêm vừa uyển chuyển để uốn nắn con từng ly từng tí. Mẹ vừa là thầy vừa là bạn của con. Mỗi sáng mẹ thức dậy từ gà gáy, làm sạch sẽ trong, ngoài, trước, sau và sau đó là đánh thức chúng con dậy để học bài. 
Dù bây giờ con có bao nhiêu bằng cấp, rành bao nhiêu ngoại ngữ, bài học vỡ lòng bằng tiếng mẹ đẻ do mẹ dạy vẫn khắc đậm trong tâm khảm của con : "O tròn như quả trứng gà . Ô thời đội mũ. Ơ thời có râu". Tấm bảng đen đầu tiên con có cũng là một tặng phẩm vô giá từ mẹ. Mẹ nhờ người ghép những mảnh gỗ nhỏ lại, rồi mẹ lấy giấy nhám đánh lên cho nó đỡ sần sùi, sau đó mẹ lại cặm cụi dùng sơn đen quét lên . Con rất vui khi dùng bảng đen đó, vì nó tự tay mẹ làm cho con. Tuy Mẹ bận rộn công việc hằng ngày, nhưng vẫn dành thời gian kèm cho con học, ngoài ra cũng tranh thủ giành chút xíu thời gian ít ỏi của mẹ mà làm đồ chơi cho con. Mùa mưa thì mẹ ngồi nắn đủ loại tượng bằng đất sét . Mùa hè thì mẹ cặm cụi gọt giũa những thanh tre để làm diều. Trung thu thì mẹ giúp con làm lồng đen ngôi sao . Khi mẹ kể chuyện Trần Minh khố chuối vì nghèo mà bắt đom đóm thay đèn dầu để thức khuya học bài. Những chuyện cổ tích qua mẹ đã cho con một thế giới thần tiên với những bài học hiếu thảo đạo đức luân lý mà mẹ đã khéo léo lồng vào từ Cây Tre Trăm Đốt tới Tấm Cám, Mẩn tử Khiêm, Tử Lộ đội gạo v v...( Trong Nhị thập tứ hiếu ). Cảm ơn mẹ cha đã kiên nhẫn uốn nắn con để con thành nhân. Và cứ thế dòng nhạc cứ trôi vào lòng con, đánh thức những tiềm thức đẹp đẽ về mẹ, về ba. Gương hiếu thảo của Ba Mẹ đối với Nội-Ngoại luôn làm cho chúng con cảm động.
Ơn ba mẹ không thể nào gói gọn trong câu "Ba năm dưỡng dục, chín tháng cưu mang" được. Ơn và nghĩa của ba mẹ phải nói là cả đời, cho dù cả đời này con có trả ơn cũng không thể nào trả hết công sinh thành và dưỡng dục của ba mẹ được. Nhìn đi nhìn lại cuộc đời của con có quá nhiều ân huệ, nhờ ba mẹ mà con thành người và giúp con nhận ra những lỗi lầm của mình để mà tu mà sửa kịp thời. Con cảm ơn ba mẹ đã giúp con vượt qua những cơn giông bão cuộc đời. Một bài hát về lòng biết ơn công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, một đạo lý rất bình thường của chúng ta, thế nhưng nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đã thành công phối hợp một cách tài tình ca dao và điệu nhạc dân tộc . Dòng nhạc của ông đã đánh động tâm thức của con một cách sâu sắc cái cảm giác được yêu thương, được bảo bọc từ ba mẹ. Con cảm ơn ba mẹ, nhất là mẹ đã cho con hình hài này, trí tuệ này, nhân cách này. 
Con nhớ thương Ba Mẹ quá, nước mắt con đã luôn chảy lúc nào con chẳng hay, nhưng môi con đã mặn, lòng con bồi hồi như muốn níu kéo thời gian xa xưa trở lại đ con vẫn là đứa con nhỏ dại, hằng ngày vẫn được sống bên cạnh ba mẹ, được ba mẹ hết sức thương yêu dạy bảo, cưng chìu, dỗ dành, che chở, với tấm lòng luôn luôn bao dung tha thứ và tràn ngập hạnh phúc vô biên.

Nếu được thời gian quay trớ ngược 
Xin cả nghìn năm tiếng Mẹ cười.

Vì vậy mà ca dao tục ngữ Việt Nam đã ca ngợi công cha nghĩa mẹ sâu dày.

“Công cha như núi ngất trời,
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển đông",
"Núi cao biển rộng mênh mông,
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi.”
và :
“Đêm khuya trăng rụng xuống cầu,
Cảm thương cha mẹ, dãi dầu ruột đau.”

Với lòng nguyện cầu:
“Đêm đêm khấn vái Phật, Trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.”

Hoặc qua câu đối :
- “Cha muôn thuở vầng dương soi sáng, độ lượng gian lao không ngại khó".
 
- "Mẹ nghìn đời dòng suối ngọt ngào, bao dung tận tụy chẳng hề than”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét