Trong bối cảnh xã hội hiện nay, đang có những biến đổi lớn trong việc nuôi dạy, giáo dục trẻ em ở nhà và ở trường ngày càng trở nên một mối thách thức lớn hơn. Đa số người lớn đều mong muốn con em,học sinh của mình có ý thức kỷ luật, giữ gìn nề nếp tốt, chủ động, tự tin là "con ngoan, trò giỏi"
Tuy nhiên ! làm thế nào để đạt được điều đó luôn là câu hỏi khiến cho phụ huynh và giáo viên có nhiều trăn trở, đặc biệt đối với những trẻ em thường bị coi thường là bướng bỉnh hay quậy phá, mắc lỗi. Trong rất nhiều trường hợp khi trẻ mắc lỗi, người lớn thường dùng nhiều hình phạt hà khắc như đánh đập, mắng chửi để muốn trẻ phải thay đổi, sữa sai và không tái phạm nữa. Song kết quả đều không tốt đẹp như bậc làm cha mẹ mong muốn. Thay vì làm theo ý người lớn, nhiều trẻ trở nên lỳ lợm, khó bảo hơn và tỏ thái độ chống đối; cũng có trẻ trở nên khép mình hơn, ít nói, trầm cảm, thiếu tự tin. Hậu quả là trẻ thường học tập kém, phát triển không toàn diện về mặt thể chất, tinh thần và mối quan hệ với người lớn ngày càng tồi tệ hơn...
Mặc dù, nhiều người biết việc trừng phạt, đánh đập, mắng chửi không làm cho trẻ tốt hơn, nhưng vì họ không biết nên làm cách nào khác hơn.
Vậy ! "phương pháp kỷ luật" là giải pháp tốt nhất mà chúng ta nên áp dụng ở trong gia đình, cả nhà trường lẫn xã hội...
Trong bất cứ một cộng đoàn, xã hội nào dù lớn hay nhỏ cũng cần phải có kỷ luật hoặc qui định để bảo đảm lợi ích cho các thành viên hay cho chính cộng đoàn, xã hội đó: Ở đâu mà mỗi người được tự do hành động theo ý mình thì sẽ nhanh chóng tạo ra mọi sự hỗn độn và mất trật tự lan tràn (N. Machiavel). Riêng trong lãnh vực gia đình, kỷ luật là một phương pháp giáo dục hết sức quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của con cái, giúp chúng trở thành những người biết tự chủ và có ích cho xã hội. Kỷ luật bao gồm tất cả những vấn đề như hướng dẫn con cái bằng cách nêu gương, khuyên dạy bằng lời nói, bằng sách vở, dạy dỗ và giúp chúng học thông qua những kinh nghiệm vui tươi (Dr. Ross Campbell). Như vậy, giáo dục con cái sống trong kỷ luật là điều hết sức cần thiết và đem lại rất nhiều lợi ích không những cho chúng, cho gia đình mà còn cả đến xã hội nữa.
1. Kỷ Luật Được Xây Dựng Ra Sao?
Mỗi cha mẹ đều có quan điểm riêng về cách giáo dục, rèn luyện con trẻ. Một số người cho rằng: Nên nghiêm khắc với con dù bé chưa đầy một tuổi. Họ lập luận khi bé khóc, không nên vội vàng lao tới vì như thế sẽ làm cho bé sớm biết vòi vĩnh. Nhiều cha mẹ khác lại cho rằng: Thật ngớ ngẩn khi nghiêm khắc với một đứa trẻ sơ sinh vì nếu bạn phớt lờ con khi con khóc, bé sẽ sớm cảm thấy cô đơn. Qua những kết quả nghiên cứu trong thực tế cho thấy:
Trong bối cảnh xã hội hiện nay, đang có những biến đổi mạnh mẽ việc nuôi dạy, giáo dục trẻ em ở nhà và ở trường ngày càng trở nên thách thức hơn. Đa số người lớn đều mong muốn con em, học sinh của mình có ý thức kỷ luật, giữ gìn nề nếp tốt, chủ động, tự tin là "con ngoan, trò giỏi"
Tuy nhiên ! làm thế nào để đạt được điều đó luôn là câu hỏi khiến cho phụ huynh và giáo viên có nhiều trăn trở, đặc biệt đối với những trẻ em thường bị coi thường là bướng bỉnh hay quậy phá, mắc lỗi. Trong rất nhiều trường hợp khi trẻ mắc lỗi, người lớn thường dùng nhiều hình phạt hà khắc như đánh đập, mắng chửi để muốn trẻ phải thay đổi, sữa sai và không tái phạm nữa. Song kết quả đều không tốt đẹp như bậc làm cha mẹ mong muốn. Thay vì làm theo ý người lớn, nhiều trẻ trở nên lỳ lợm, khó bảo hơn và tỏ thái độ chống đối; cũng có trẻ trở nên khép mình hơn, ít nói, trầm cảm, thiếu tự tin. Hậu quả là trẻ thường học tập kém, phát triển không toàn diện về mặt thể chất, tinh thần và mối quan hệ với người lớn ngày càng tồi tệ hơn...
Mặc dù, nhiều người biết việc trừng phạt, đánh đập, mắng chửi không làm cho trẻ tốt hơn, nhưng vì họ không biết nên làm cách nào khác hơn.
Vậy ! "phương pháp kỷ luật" là giải pháp tốt nhất mà chúng ta nên áp dụng ở trong gia đình, cả nhà trường lẫn xã hội...
– Trước hết, chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng: “Con còn nhỏ đâu hiểu gì, để lớn lên sẽ dạy bảo nó.” Không đâu! Các vị con nít cũng đáo để lắm đây, ngay từ khi nằm trong nôi đã có khuynh hướng “bắt nạt cha mẹ”. Này nhé, một em nhỏ nếu cứ bồng bế hoài trên tay, sẽ la khóc đòi bế, không chịu cho đặt xuống giường. Ngược lại nếu cứ cương quyết đặt trong nôi, ít bế ẵm, bé quen đi sẽ ít quấy khóc. Ai bảo là bé không hiểu gì ?
– Việc giáo dục con cái không phải là việc làm trong một ngày, một tháng, một năm, hoặc tùy hứng mà phải là một việc làm thường xuyên, liên tục ngày này qua ngày khác, từ khi con còn nhỏ mới bắt đầu tập đi, tập nói, cho đến tuổi trưởng thành.
Các cụ ta có câu: “Dạy con từ thuở còn thơ”. Cái cây mới mọc, thân mềm cành nhỏ, ta muốn uốn theo hình dáng thế nào cũng được, để lớn quá một chút, thân cứng cành chắc, làm sao mà uốn cho cành khỏi gãy ? Đứa con cũng vậy, khi còn nhỏ đầu óc ngây thơ trong trắng, được cha mẹ uốn nắn dạy dỗ, chúng dễ ghi nhớ hơn. Chừng năm bảy tuổi, thói hư tật xấu đã nảy nở thành thói quen, sự dạy dỗ sẽ khó khăn gấp bội.
– Hãy dạy con với lòng yêu thương êm ái. Hãy hết lòng thương yêu và tận tình chăm sóc con. Tình thương đó sẽ khiến tâm hồn con chúng ta được yên vui, bình tĩnh, không bị lạc lõng. Tình thương đó sẽ an ủi và nâng đỡ con chúng ta mỗi khi chúng gặp khó khăn ngoài đời. Nhưng đừng lầm lẫn tình thương với sự nuông chiều mù quáng.
– Đừng nuông chiều con thái quá. Đứa trẻ được nuông chiều, muốn gì được nấy sẽ trở nên ích kỷ, đòi hỏi, không biết phải quấy, càng lớn càng gây khó khăn cho cha mẹ.
– Hãy dạy cho con biết bổn phận con em trong gia đình. Ngay từ lúc còn nhỏ, hãy dạy cho con biết kính trọng, vâng lời, săn sóc, giúp đỡ cha mẹ, quý mến ông bà. Lại cũng hướng dẫn cho anh chị em phải yêu thương nhau, nhường nhịn và chia xẻ cho nhau…
– Trong gia đình phải có kỷ luật, một thứ kỷ luật xây dựng. Chúng ta phải ấn định giờ học, giờ chơi, giờ phụ việc nhà, giờ ăn, giờ ngủ… Hãy chỉ bảo con cái thật rõ ràng, bắt buộc con phải tuân theo kỷ luật gia đình.
– Hãy cố gắng dành thì giờ với con: chơi đùa, nói chuyện với con, gây tình thân giữa cha mẹ con cái và cũng là tập cho con có tinh thần gia đình.
– Phải công bằng với các con. Đừng yêu đứa này hơn đứa kia, đó là mầm mống chia rẽ giữa anh chị em, gia đình sẽ kém vui.
– Hãy kiên nhẫn chỉ dạy cho con điều phải, sửa đổi cho con mỗi khi chúng phạm điều sai lầm. Con cái cần cha mẹ dạy bảo từ cách nói năng, cách đi đứng đến cách xử thế sao cho đúng thì sau này khi ra đời chúng mới biết cư xử đàng hoàng. Hãy luôn luôn khuyên con phải thành thật, tử tế với mọi người. Muốn như vậy thì chính mình phải cố gắng làm gương tốt cho con noi theo.
– Hãy đối xử lịch sự với con. Hãy nói với con một cách ôn tồn hòa nhã. Đừng nên tiếc một lời khen hoặc một tiếng “cám ơn” khi con làm được một điều tốt hoặc một lời “xin lỗi” nếu quả thật điều mình làm là không phải. Đứa trẻ được đối xử lịch sự trong gia đình sẽ biết cách đối xử lịch sự với người khác.
– Hãy biết “nghe” và chịu khó “lắng nghe” con nói. Đứa con sẽ sung sướng khi thấy cha mẹ chịu dẹp bỏ quan niệm của mình để nghe “ý kiến” của con.
– Hãy nhẹ nhàng khuyên nhủ con. Đừng la hét, đánh mắng, đừng nói nhiều quá, đừng nói dai quá, khiến đứa con quen đi, sẽ coi thường lời nói của cha mẹ, đôi khi còn sinh lòng oán hận.
– Đừng bênh con một cách mù quáng. Nên sáng suốt hiểu rằng con mình không sao tránh khỏi lầm lỗi. Khi con mắc lỗi phải răn đe, đừng dung túng che đậy, để chúng ỷ thế càng làm càn, mà người lãnh hậu quả tai hại sẽ chính là mình.
– Phải luôn luôn để ý đến ảnh hưởng bên ngoài, nhất là ảnh hưởng của chúng bạn. Ảnh hưởng này càng gia tăng khi đứa con càng lớn. Phải luôn luôn xem xét việc học hành của con, phải để ý từ cách ăn mặc, nói năng, giờ giấc đi về, đến những bạn bè mà chúng thường giao du. Nếu thấy có sự thay đổi khác thường, phải răn đe, sửa đổi, ngăn ngừa ngay.
– Hãy luôn luôn nhắc nhở con em đừng quên rằng chúng có một Tổ Quốc thiêng liêng, nơi đã sinh ra tổ tiên, ông bà, cha mẹ chúng: đó là Tổ Quốc Việt Nam. Hãy tập cho chúng nhớ đến Tổ Quốc bằng cách nói chuyện cho con nghe về quê hương đất nước và dạy cho con nói tiếng Việt trong gia đình. Đó là những sợi dây vô hình, những chất keo thiêng liêng khiến gia đình thêm vững bền tồn tại, và cũng nói lên sức trường tồn của dân tộc ta.
Sau chót khi con đã lớn khôn, đủ tuổi trưởng thành, hãy dần dần trả tự do cho con, đừng răn đe cấm đoán như khi còn nhỏ, để chúng có cảm giác thoải mái khi sống gần cha mẹ. Nhất là khi con đã có gia đình riêng, cha mẹ nên nhận thức là giai đoạn của mình dã hết, và nên tự ý rút lui, đừng áp đặt ảnh hưởng của mình lên con cái như khi chúng còn nhỏ, nhưng lại vẫn luôn luôn sẵn sàng bên con để giúp đỡ con khi chúng cần đến.
Giáo dục con cái quả là một nghệ thuật : từ trẻ đến già lúc nào cha mẹ cũng là dòng suối ngọt cho con tìm đến, lại còn là một bổn phận, một trách nhiệm, một cố gắng không ngừng. Công việc thật không dễ dàng, cũng có lúc gây cho ta nhiều lo âu buồn bực, nhưng rồi chúng ta sẽ được đền bù, chúng ta sẽ được vui sướng hãnh diện vì con. Đó là phần thưởng vô giá cho chúng ta. Làm cha mẹ ai cũng chỉ mong có thế !
Các quy tắc nên hình thành từ sớm
Những quy định, nguyên tắc tạo nên nền nếp, thói quen rất tốt cho con cái, vì thế cha mẹ cần thiết lập các quy tắc bắt đầu từ khi con có nhận thức để theo đó mà thực hiện. Hãy cho con trẻ hiểu điều gì chúng được phép và điều gì không được phép làm. Tuy nhiên những quy tắc này phải rõ ràng, dễ hiểu và dễ nhớ với chúng. Như không được phép đi với người lạ, không được tự ý đi đâu, không được nhận tiền và nhận quà của người khác nếu chưa có sự cho phép hay đồng ý của cha mẹ v.v.
Đừng thiết lập quá nhiều quy tắc
Đừng áp đặt quá nhiều luật lệ, qui định cho con vì thế trước khi đưa ra một quy tắc nào thì các bạn tự hỏi: Quy tắc nầy có cần thiết không? Có đơn giản và dễ hiểu không? Thường thì chúng không thể nhớ ngay toàn bộ những quy tắc do bạn đặt ra mà sẽ nhớ dần và nằm lòng khi trải nghiệm trong thực tế.
Thống nhất trong việc thực hiện các quy tắc
Khi cha mẹ bỏ qua cho con lần này lần khác hoặc con năn nỉ cha mẹ không trừng phạt thì chúng nghĩ làm sai phạm điều gì đó cũng chẳng có gì ghê gớm cả. Như vậy tất cả các nỗ lực xây dựng kỷ cương và nguyên tắc của bạn sẽ bị phá vỡ. Hãy để con bạn tự nhận lãnh hậu quả về hành vi của chúng.
2. Kỷ Luật Có Phải Là Hình Phạt Không?
Có phụ huynh cho rằng cần phải phạt con khi chúng phạm lỗi nhưng cũng có phụ huynh cho biết rất thành công trong việc giáo dục con mà không cần phải phạt chúng vì tùy thuộc vào chính các bậc cha mẹ đã được dạy dỗ như thế nào cùng phương pháp dạy dỗ của họ. Thật vậy, kỷ luật không phải là một hình thức trừng phạt, kỷ luật có thể bao gồm hình phạt và nhiều cách khác nữa để uốn nắn hành vi của con trẻ trong một thời gian dài, chứ không phải là một sớm một chiều. Đó là một hệ thống giáo huấn toàn diện dựa trên mối quan hệ tốt đẹp, khen ngợi và hướng dẫn con về cách tự kiểm soát hành vi của mình, biết phân biệt cái gì đúng và cái gì sai và làm cho những đức tính đó trở thành những giá trị bên trong của chúng.
Với một số bậc phụ huynh cho rằng kỷ luật là trừng phạt cùng thiếu phương pháp sư phạm trong việc dạy dỗ con nên thường có hành vi cấm đoán, kiềm chế chúng bằng các hình thức kỷ luật hà khắc. Đặc biệt các hình phạt về thể chất như đánh, bạt tai hoặc lăng mạ bằng lời nói dễ làm cho con trẻ mất can đảm và xấu hổ, thậm chí có thói quen sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề. Những hình phạt đó có thể đạt kết quả nhanh nhưng về lâu dài có hại hơn có lợi, không phát huy được tính độc lập sáng tạo. Từ đó dẫn chúng đến tâm lý thụ động, chán nản, luôn có xu hướng phá vỡ sự ràng buộc của gia đình và không ít trường hợp đã bị bạn bè xấu lôi kéo vào con đường phạm tội. Vì thế thay vì trừng phạt, bạn nên dạy con biết hành vi nào được phép, hành vi nào không được phép và lý do tại sao.
3. Kỷ Luật Cần Có Ở Độ Tuổi Nào?
Dù con ở độ tuổi nào, các bậc phụ huynh cũng cần phải có kỷ luật nhất định để hướng dẫn con vào nền nếp ngay từ nhỏ, tuy nhiên cách thức ứng dụng cần được thay đổi và thích hợp với từng độ tuổi của chúng. Một yếu tố quan trọng khác trong việc rèn luyện kỷ luật cho con là giải thích cho chúng hiểu rõ rằng bạn có trách nhiệm phải làm như vậy. Theo kết quả một số nghiên cứu cho biết:
Dưới 2 tuổi
Bé rất táy máy muốn nắm lấy những vật dụng gần mình. Trường hợp bé đã cầm được những thứ có thể gây nguy hại, thì nên bình tĩnh nói “Không được” và bế bé ra chỗ khác và thay thế bằng vật dụng khác hợp lý. Không nên đánh, tát trẻ vì chúng không thể hiểu được mối liên hệ giữa hành động của chúng và sự trừng phạt về thể xác. Điều duy nhất chúng cảm nhận được là cảm giác đau khi bị đánh.
Từ 3 đến 5 tuổi
Bé đã đủ lớn để hiểu mối liên hệ giữa một hành động và hậu quả nó đem lại, vì vậy bạn có thể bắt đầu nói cho con biết các phép tắc trong gia đình. Nói để chúng hiểu làm như thế nào là đúng chứ không chỉ nói việc đó là sai rồi. Như cháu dùng bút chì vẽ lên tường. Hãy giải thích cho cháu biết tại sao không được phép làm và điều gì sẽ xảy ra nếu bé lặp lại hành động trên. Sau đó, khi bức tường đã được sơn sửa lại, hãy nhắc cho cháu nhớ bút chì chỉ được vẽ trên giấy, không được vẽ trên tường. Và bên cạnh việc răn dạy hành động nào sẽ bị phạt, bạn cũng đừng quên khen ngợi những hành động tốt của con. Đừng đánh giá thấp những tác động tích cực của việc khen ngợi.
Từ 6 đến 8 tuổi
Những hình thức phạt như bắt ngồi yên suy nghĩ và chấp nhận kỷ luật vẫn còn phát huy tác dụng ở nhóm tuổi này. Điều quan trọng là trẻ làm không đúng thì phải nhận hình thức kỷ luật như đã giao hẹn trước. Trẻ cần phải tin rằng bạn nói được và sẽ làm được. Đừng đưa ra những biện pháp trừng phạt khi bạn đang bực tức bởi nó sẽ làm giảm tính nghiêm khắc trong hình phạt của bạn. Nhưng nếu những hình phạt quá nghiêm khắc thì chỉ có tác dụng ngược lại.
Từ 9 đến 12 tuổi
Ở độ tuổi này con cái thường đòi hỏi nhiều quyền tự do, tự trách nhiệm với bản thân. Tốt nhất là dạy cho chúng cách đối phó với những hậu quả do hành vi của bản thân chúng. Ví dụ nếu cháu đang học lớp 5 và vẫn không chịu làm bài tập trước giờ đi ngủ, bạn có nên bắt cháu phải thức để làm bài hoặc thậm chí là giúp chúng? Có thể là không nên bởi bạn sẽ bỏ lỡ một cơ hội dể dạy con bài học quan trọng về cuộc sống. Nếu không làm bài tập đầy đủ thì chắc chắn bị điểm xấu. Cha mẹ bao giờ cũng muốn giúp con không phạm lỗi, nhưng về lâu dài bạn cũng nên để trẻ biết thế nào là thất bại. Trẻ sẽ nhìn ra rằng cách ứng xử không phù hợp sẽ nhận lấy hậu quả và có thể không mắc lại sai lầm này một lần nữa. Nếu con bạn không tự rút ra được kinh nghiệm cho mình, bạn nên thiết lập một cách phạt riêng để giúp chúng tránh sai lầm trên.
Từ 13 tuổi trở lên
Độ tuổi này bạn đã xây dựng một nền tảng nhất định cho con về những quy tắc, luật lệ của mình. Chúng đã nhận biết điều gì nên làm, điều gì đúng và không đúng, tuy nhiên ở lứa tuổi này bạn cũng đừng vì thế mà lơ là. Phải có những quy định cho con trong việc học hành, vui chơi, bạn bè hay trong các mối quan hệ và giải thích tường tận. Chắc chắn sẽ có những phàn nàn, bực dọc của chúng về những luật lệ trên nhưng sau đó dần dần chúng sẽ cảm nhận sự quan tâm và kiểm soát của cha mẹ là điều cần thiết. Và qua đó, chúng cũng nhận hiểu dù cha mẹ có trao thêm quyền tự do và trách nhiệm cho con cái, cha mẹ vẫn cần luôn đặt cho chúng những giới hạn nhất định.
4. Kỷ Luật Được Ứng Dụng Ra Sao?
Nếu kỷ luật được áp dụng quá nghiêm khắc khiến con bị tổn thương cả thể xác lẫn tinh thần hay áp dụng quá lỏng lẻo để con tự do phóng túng thì không đúng mục đích. Mục đích của việc áp dụng kỷ luật là để hướng dẫn, chỉ dạy, giúp cho con trẻ hình thành và phát triển nhân cách, biết điều hay lẽ phải, có hướng đi đúng cho cuộc đời. Vì thế, kỷ luật được áp dụng:
Không phải là để chứng tỏ uy quyền
Trên thực tế, hầu hết các bậc cha mẹ đều có cảm nhận chung là bực tức, giận dữ và phản ứng thường là chửi mắng, xỉ vả và có thể đánh đập trước lỗi lầm của con trẻ. Theo một chuyên gia về giáo dục gia đình cho biết mỗi ngày, một người chỉ có nghe 32 từ và câu tích cực nhưng lại đến 432 từ và câu tiêu cực. Chính điều nầy đã đem lại những hậu quả tâm lý không tốt, và không khuyến khích con trẻ phát triển. Vì vậy, cha mẹ cần phải học cách kềm chế những cơn giận hay thậm chí đe dọa con trẻ sẽ gây ảnh hưởng xấu trong khi kỷ luật con. Hãy dành thì giờ để lắng nghe những bất đồng, những lý lẽ hoặc ý kiến riêng của con cái rồi sau đó mới phân tích cho chúng hiểu cái gì đúng các gì sai.
Phải thực sự nghiêm minh công bằng
Các bậc cha mẹ cần phải nghiêm minh và công bằng khi áp dụng kỷ luật. Các quy tắc đều áp dụng cho tất cả con cái trong gia đình. Không một ai được miễn trừ hay được giảm nhẹ để chúng hiểu rằng cha mẹ đối xử với các con rất công bằng. Trước khi kỷ luật, hãy cảnh cáo trước. Nếu con vẫn vi phạm thì có biện pháp mạnh mẽ như đã đề ra và báo trước cho con. Học tập từ lỗi lầm là một tiến trình học hỏi, để đạt được điều nầy thì việc trừng phạt phải tương xứng với sai phạm. Nếu con vâng lời thì có khen thưởng đúng mức vì kỷ luật việc “nói dối” thì cũng phải khen thưởng việc “nói thật”.
Trừng phạt vào chính quyền lợi
Khi con trẻ hư mà trừng phạt trẻ về mặt thể chất thì thường không hiệu quả vì việc trừng phạt trẻ về mặt thể chất không dạy trẻ phân biệt đúng sai, không dám trái lời cha mẹ khi họ có mặt nhưng khi họ vắng mặt thì chúng dễ có hành vi hư hơn. Ngoài ra, việc đánh đập trẻ thường làm suy giảm tình cảm giữa cha mẹ và con cái. Hình phạt hiệu quả nhất là phạt vào ngay quyền lợi của con. Như quy định chỉ được xem tivi đến 7giờ tối, sau đó phải đi học bài, nếu chúng vi phạm sẽ không cho chúng xem tivi trong vòng một tuần.
Khuyến khích, khen ngợi
Cha mẹ cần thiết phải phạt con khi chúng làm sai nhưng cũng biết khuyến khích, khen ngợi khi chúng làm một việc gì đó tốt đẹp. Con cái dù đã lớn khôn cũng rất thích được khen ngợi như được người khác công nhận những thành quả do chúng làm đựơc. Một sự giáo dục toàn là chỉ trích sẽ khiến cho con cái hiểu rằng cha mẹ luôn ghét bỏ chúng và luôn tìm ra những điểm không tốt của chúng mà thôi.
Hãy cư xử theo cách bạn muốn trẻ cư xử
Con trẻ sẽ học hỏi tinh thần kỷ luật từ cha mẹ và phân biệt đúng sai bằng cách nhìn cha mẹ chúng làm. Nếu cha mẹ nói dối, chúng cũng sẽ nói dối. Nếu cha mẹ xử dụng bạo lực trong gia đình, trẻ cũng sẽ xử dụng bạo lực. Nếu phụ huynh không muốn con mình phạm những sai lầm đó, trước tiên bạn phảo làm gương tốt cho con về những việc đó. Đấy là bước đầu tiên. Bạn có thể nói “Hãy làm theo những gì ba nói chứ đừng làm theo những gì ba làm” nhưng khi bạn quay lưng đi, con bạn sẽ làm theo những gì mà bạn đã làm. Nếu bạn có những thói quen xấu như tính cẩu thả hay thì giờ dây thun, thì đừng mong con của bạn sẽ gọn gàng và đúng giờ. Lời nói đi đôi với việc làm. Nếu so sánh, thì Hành động là quan trọng, giá trị hơn lời nói. Bạn muốn con cái có hành vi hay thái độ như thế nào, tốt hơn hết là bạn hãy thực hiện những điều đó trong cuộc sống của mình, nói đúng hơn bậc làm cha mẹ phải luôn làm gương tốt cho con cái noi theo.
Thể hiện tình thương
Kỷ luật con cái bắt nguồn từ một động cơ tốt đẹp, đó là lòng yêu thương và quan tâm đến chúng chứ không từ sự giận dữ hay hành hạ ngược đãi. Vì vậy khi con trẻ phạm lỗi, cha mẹ cần bình tĩnh làm chủ bản thân, lựa lời giải thích kỹ cho chúng hiểu, rút kinh nghiệm lần sau làm khác đi. Hãy luôn bày tỏ tình yêu thương, khoan dung, quan tâm giúp đỡ con cái phân biệt đúng, sai và biết cách để lần sau làm cho đúng. Nên dành thời gian cho con, lắng nghe để hiểu con cái ngày càng hơn chứ đừng vịn lý do vì quá bận rộn công việc nên không có hoặc có rất ít thì giờ gần gũi con hay không đủ kiên nhẫn để trò chuyện tâm tình với con. Khi con cái cảm nhận được tình thương chân thật của cha mẹ đối với mình, chúng sẽ dễ dàng đón nhận sự dạy dỗ của cha mẹ mà không tỏ thái độ chống đối, cản trở hay bất cần trước sự hướng dẫn của cha mẹ. Thực tế cho thấy những em có tính kỷ luật tốt là những em được lớn lên trong một gia đình đầy yêu thương, được yêu thương và học cách yêu thương.
Thống nhất khi áp dụng kỷ luật
Sự mâu thuẫn trong thi hành kỷ luật là do một bên dễ dãi trong khi bên kia lại khắt khe, độc tài. Phần lớn trong gia đình, người mẹ thường có khuynh hướng nuông chiều con còn người cha nghiêm khắc, nặng về kỷ luật. Dĩ nhiên không phải lúc nào cha mẹ cũng đồng thuận trong các phương cách kỷ luật nhưng không nên để cho con nhìn biết cha mẹ có mâu thuẫn. Hãy bàn luận kín đáo về việc xác định hành vi của con, đồng thuận là con sai trái, phạm lỗi như thế nào và thống nhất cách kỷ luật. Trường hợp không đồng ý với nhau, không nhắm vào cá nhân để chỉ trích như: “Ông quá độc tài, lúc nào cũng bắt cả nhà theo ý ông” hay “Bà chỉ lớn tiếng bênh vực con gây cho nó hư hỏng thêm” mà nhắm vào việc trình bày quan điểm của mình: “Tôi đã giải thích với con nhưng nó vẫn chơi games nhiều hơn số giờ qui định. Điều nầy không đúng, cần trừng phạt.” Cả cha lẫn mẹ làm việc như team-work để đạt mục tiêu chung là ủng hộ, khuyến khích nhau để giáo dục con cái nên người.
Tóm lại, gia đình là một tế bào của xã hội và cũng là một yếu tố hết sức quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của con cái, vì vậy, nuôi dưỡng và giáo dục con cái sống trong kỷ luật là trách nhiệm của tất cả các bậc cha mẹ. Đó là những việc hết sức cần thiết và đem lại rất nhiều lợi ích không những cho con cái, cho gia đình mà còn cả đến cho cộng đồng, xã hội nữa. Sau thảm họa kép kinh hoàng ngày 11/3/2011 tại Nhật Bản vừa qua, nhiều người trên thế giới đã phải xúc động khi chứng kiến em bé 9 tuổi người Nhật, co ro đứng xếp hàng gần cuối để lãnh lương thực. Anh cảnh sát người Nhật gốc Việt đến khoác chiếc áo ấm và đưa phần thực phẩm khô của anh cho em. Em vòng tay cúi đầu cám ơn rồi đến quầy phát thực phẩm đặt phần thức ăn vừa nhận được lên quầy. Anh cảnh sát ngạc nhiên hỏi thì em trả lời: "Vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ.” Hành động của em nhỏ nầy, không thể có được ngày một ngày hai mà phải là cả một quá trình giáo dục lâu dài để trở thành văn hóa ứng xử trong cộng đồng.
Mong rằng những điều góp nhặt trên đây là một dịp tiện giúp cho các bậc cha mẹ nhớ lại hay đã thực hiện còn thiếu sót trong việc giáo dục con sống trong kỷ luật. Còn nếu phụ huynh nào đã thực hiện tốt thì xin chia xẻ lại những kinh nghiệm đầy quý báu đó để cộng đồng người Việt hải ngoại ngày càng có thêm những người con ngoan hiền, có ích cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Và đó cũng là hạn chế số lượng con trẻ hư hỏng dưới nhiều hình thức như sống vô kỷ luật, bỏ nhà đi hoang, phạm tội hình sự vì các em sinh ra và lớn lên trong gia đình thiếu sự quan tâm cùng phương pháp giáo dục của cha mẹ không phù hợp với tâm lý, tình cảm, nhận thức trong từng lứa tuổi của con.