Thứ Năm, 21 tháng 6, 2018

VU LAN NHỚ MẸ.!


Hình ảnh có liên quan

Tháng Tám dương lịch năm nay cũng là tháng Bảy âm lịch với ngày lễ hội Vu Lan được tổ chức trọng thể ở các Chùa để tưởng nhớ công ơn ông bà cha mẹ hiện tiền và cầu siêu cho ông bà cha mẹ đã qua đời.
Năm nào cũng vậy, cứ đến Ngày Vu Lan là có nhiều ngấn lệ tuôn trào, vài giọt nước mắt chảy dài trên má của những người con xa xứ đã mất mẹ hoặc cha hay mất cả hai đấng sinh thành.
Hình như khi cha mẹ còn sống, tình thương yêu cha mẹ không được con cái tỏ bày tha thiết như khi cha mẹ đã mất. Điều đó có cả trăm nghìn lý do để viện dẫn cho sự thiếu sót này: bận lo gia đình riêng, bận lo công danh sự nghiệp, bận lo việc nước non, bận lo việc học hành v..v…Thậm chí quên đi cả bổn phận làm Dâu Con khi cha mẹ còn tại thế hay đã quá vãng...Lý do nào cũng đều cho là chính đáng để biện minh cho sự thiếu sót này. Với việc làm thiếu sót đó, chính là gương xấu mà cháu chắt sau nầy phạm phải là điều không thể nào tránh khỏi.
Từ thực tế cuộc sống và xã hội đã cho thấy: Phàm là người trên, người có vai vế là trụ cột gia đình mà ăn ở không chính trực hoặc phẫm chất đạo đức suy đồi thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến con cháu, đến mọi người trong nhà.

“Bởi trên ở chẳng chính ngôi
Cho nên kẻ dưới chúng tôi hỗn hào”

Thành ngữ Việt Nam có câu:
“Dột từ nóc dột xuống”
- Người trên mà không mẫu mực làm gương thì lớp dưới coi thường, khuôn phép gia phong không nghiêm thì luân thường đạo lý mai một…"Thượng bất Chính, Hạ tắc Loạn"
- Dù trong thời đại nào, câu thành ngữ “Thượng bất chính, hạ tắc loạn” vẫn luôn là lời cảnh tỉnh, lời nhắc nhở về sự nghiêm minh của luật lệ Quốc Gia, sự mẫu mực của khuôn phép gia đình, đạo đức, ngôi vị và trọng trách của mỗi con người trong cuộc sống gia đình, trong cộng đồng xã hội…


"NẾU CÓ YÊU TÔI" Lời nhắn nhủ
Nếu tới với tôi thì tới với tôi bây giờ
Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi xa người
Đừng đợi ngày mai đến khi tôi phải ra đi
Ôi buồn làm sao nói lời tạ từ
Nếu có bao dung thì hãy bao dung bây giờ
Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi xa đời
Đừng đợi ngày mai biết đâu tôi nằm im hơi
Tôi chẳng làm sao tạ lỗi cùng người
Rộn ràng bao nỗi đau
Nghẹn ngào bao nỗi vui
Dịu dàng bao nỗi đau
Nghẹn ngào bao nỗi vui
Có nhớ thương tôi thì đến với tôi bây giờ
Đừng đợi ngày mai lúc mắt tôi khép lại
Đừng đợi ngày mai có khi tôi nằm xuôi tay
Trôi dạt về đâu chốn nào tựa nương
Nếu có yêu tôi thì hãy yêu tôi bây giờ
Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi qua đời
Đừng đợi ngày mai có khi tôi thành mây khói
Cát bụi tìm nhau mà biết tìm người
Rộn ràng bao nỗi đau Nghẹn ngào bao nỗi vui
Dịu dàng bao nỗi đau
Nghẹn ngào bao nỗi vui


"ĐỪNG ĐỂ QUÁ MUỘN" Lời Trách móc
Đợi đến khi cha mẹ mất đi, chúng ta mới biết thương yêu cha mẹ thì đã muộn rồi. Rồi đợi đến ngày giỗ hay ngày lễ Vu Lan, chúng ta lại ngồi bên nhau kể lể tiếc thương, lại mắt hoen lệ đổ khi nghe tụng kinh Vu Lan với lời vàng của Đức Phật nói về công đức của mẹ cha.
Ngày lễ Vu Lan của văn hoá Á Đông là dịp để con cái nhớ ơn, công sinh thành dưõng dục của mẹ cha còn sinh tiền hay đã qua đời.
“Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một như đường mía lau
Chiều chiều ra đứng cửa sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chìu
Đèn nào cao cho bằng đèn Châu Đốc
Đất nào dốc cho bằng đất Nam Vang
Một tiếng anh than hai hàng lụy nhỏ
Có chút mẹ già biết bỏ cho ai nuôi
Mẹ già như chuối chín cây
Gió lay mẹ rụng con rày mồ côi
Mồ côi tội lắm ai ơi
Đói no đau ốm ai người lo cho
Mẹ già ở túp lều tranh
Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con”
“Lên cao mới biết non cao
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ”

– Trong mùa lễ Vu Lan, mọi người thường nhắc nhở Mẹ nhiều hơn Cha, có thể là vì sự tích Mục Kiều Liên cứu mẹ là bà Thanh Đề thoát khỏi địa ngục trong sự giúp đỡ chú nguyện của chư Tăng khiến bà Thanh Đề, một bà mẹ tham ác biết hồi tâm hướng thiện
– Hơn thế nữa, người Mẹ đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời con trẻ, yêu thương dạy dỗ gần gũi với con cháu nhiều hơn người Cha, người Ông nên con cháu thường quý yêu Mẹ, yêu Bà hơn yêu Cha, yêu Ông. Đó là lẽ thường tình thôi...
Từ bao đời nay, người phụ nữ có vai trò vô cùng quan trọng đối với gia đình.
“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”
- câu tục ngữ này luôn đúng trong mọi thời đại. Dù theo thời gian, những quan niệm về người phụ nữ có nhiều thay đổi, nhưng "đàn bà" vẫn là người "giữ lửa" trong gia đình, vẫn là người có tác động đặc biệt quan trọng đối với mỗi thành viên trong gia đình, nhất là đối với con cái
- Từ xa xưa, việc chăm lo gia đình, nuôi dạy con cái đã là thiên chức của người mẹ. Niềm hạnh phúc vô bờ bến của mỗi người phụ nữ đó là được làm mẹ, được chăm sóc cho những người mình yêu thương. Điều đó không hề thay đổi theo tiến trình văn minh của nhân loại, cũng như trình độ dân trí được nâng cao, hay dù quan niệm của mỗi thời đại có khác nhau đi chăng nữa. Lẽ thường tình, không thể chối cải...Ai đã từng làm mẹ sẽ cảm nhận sâu sắc về tình yêu thương, sự nhọc nhằn, hy sinh, tảo tần nuôi con khôn lớn của người mẹ. Mẹ là người mang nặng đẻ đau và nuôi con khôn lớn nên người. Chín tháng mười ngày nuôi dưỡng cái bào thai, khi con mẹ cất tiếng khóc chào đời, dù đang trong cơn đau đớn nhưng mẹ vẫn mỉm cười hạnh phúc... Nuôi con không quản ngày đêm, mẹ chăm lo cho con từng miếng ăn giấc ngủ. Ôi.! tình Mẹ quả thật Cao Cả Thiêng Liêng, bao la như Đại Dương.
Con mang ơn Cha Mẹ đã tạo nên "thân xác và hình hài" nầy trong suốt 74 năm.! biết bao "thịnh suy, thăng trầm" trong cuộc sống. Giờ đây, đứa trai út ngày xưa nay đã U 80 đang lưu lạc nơi xứ Người thầm khóc vì nhớ thương đến Đậ́ng sinh thành dưỡng dục, hiện ở chốn "Vĩnh Hằng" nơi không có hận thù, tranh chấp...