Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2017

THE VIETNAM WAR


Image result for the vietnam war

"Đó là một sự xấu hổ thường nhật" Ken Burns đã nói như vậy khi được hỏi về trải nghiệm sản xuất bộ phim tài liệu "Cuộc chiến Việt Nam" mà ông hợp tác cùng nữ đạo diễn Lynn Novick. Burns và Novick bắt đầu dự án với "một sự ngạo mạn" rằng họ hiểu cuộc chiến. Nhưng ngay khi bắt đầu quá trình nghiên cứu, họ nhận ra họ đã gần như không biết gì.
Những năm gần đây là thời gian nở rộ cho những nghiên cứu mới về Việt Nam, một chủ đề phần nào đánh mất sự hứng thú từ phía các học giả và công chúng vào những năm 1990. Chiến tranh lạnh kết thúc với sự sụp đổ của hệ thống Cộng sản làm tăng sự tự tin về sức mạnh và làm giảm mối quan tâm tới những cuộc chiến thất bại của Mỹ.
Nhưng sang thế kỷ 21, hai cuộc chiến Afghanistan và Iraq mà nhiều người gọi là "một Việt Nam khác" cùng các tài liệu được giải mật từ thư viện của Mỹ, Đông Âu, một phần từ Trung Quốc và Việt Nam đã khiến Chiến Tranh Đông Dương lần thứ 2 thu hút những nghiên cứu mới. Một trong các công trình được mong đợi là bộ phim tài liệu "Cuộc chiến Việt Nam" bắt đầu chiếu vào giữa tháng 09-2017 trên đài truyền hình PBS của hai đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick.
– Ken Burns, 64 tuổi, nổi tiếng với kiểu tóc "vung nồi", là một tượng đài về làm phim tài liệu ở Mỹ. Ông trở nên nổi tiếng sau khi hoàn thành phim "Cuộc Nội Chiến" nói về Nội Chiến Hoa Kỳ được chiếu vào năm 1990. "Cuộc Nội Chiến" thu hút tới 40 triệu người xem, thiết lập kỷ lục cho chương trình có nhiều người xem nhất trong lịch sử của PBS. Sau thành công đó, Burns tạo cho mình danh tiếng như "người kể chuyện nước Mỹ" bằng loạt phim tài liệu về các câu chuyện kinh điển của Mỹ như "Bóng chày" (1994), "Jazz" (2001), "Luật cấm đồ cồn" (2011), và "Gia tộc Roosevelt" (2014). "Cuộc chiến Việt Nam" có lẽ cũng sẽ theo mạch đó, chỉ là một câu chuyện khác của nước Mỹ nếu không có Lynn Novick, người quả quyết rằng "Cuộc chiến Việt Nam" phải được thực hiện cả ở Việt Nam và kể những câu chuyện Việt Nam.
– Lynn Novick sinh năm 1962, bà tốt nghiệp Đại học Yale và bắt đầu làm việc cho Burns khi bộ phim "Cuộc Nội Chiến" đang ở giai đoạn cuối. Ấn tượng với năng lực của Novick, Burns đã đề nghị bà làm nhà sản xuất cho phim tài liệu "Bóng Chày". Tới bộ tài liệu về Frank Lloyd Wright, kiến trúc sư bậc thày của Mỹ thì Burns và Novick trở thành đồng đạo diễn và tiếp tục như vậy với hầu hết các phim về sau. Trong quá trình làm "Cuộc chiến Việt Nam" Lynn Novick đã tới Việt Nam ba lần. Cùng nhà sản xuất Sarah Botstein, bà điều hành tất cả các hoạt động của dự án tại đây. Ken Burns do phải phẫu thuật thận đã không thể bay sang. Trong chuyến bay từ Mỹ tới Việt Nam tháng 08-2017, Novick đã tự nhủ đó sẽ là lần cuối cùng, nhưng bà biết mình đã nhầm ngay khi đặt chân xuống mặt đất. Tuy dự án phim đã kết thúc nhưng một mối liên hệ cá nhân đã hình thành giữa bà và nhiều người bạn Việt. Sau những gì nhận được từ Việt Nam, bà cảm thấy mình có trách nhiệm phải làm cho bộ phim chiếu được ở Việt Nam, thay vì chỉ mang nó về Mỹ như một sản phẩm thương mại. Lynn Novick mong rằng một ngày bà sẽ mang con trai và cả Ken Burns tới Việt Nam. Như vậy sẽ là lần đầu tiên bà giúp ông mở rộng tầm nhìn chứ không phải chiều ngược lại.
Có thể nói "Cuộc chiến Việt Nam" là một trong những dự án tham vọng nhất của Ken Burns và Novick. Bộ phim dài 18 tiếng chia làm 10 tập, được thực hiện trong 10 năm với kinh phí 30 triệu Đô-la Mỹ. Đội ngũ sản xuất đã thực hiện nghiên cứu với số lượng khổng lồ 25.000 bức ảnh, hơn 15.000 giờ phim tư liệu, phỏng vấn trên dưới 80 nhân chứng, cung cấp nhiều tài liệu, thông tin mới được giải mật chưa từng được biết tới. Trent Reznor, nhạc sĩ từng đạt huy chương vàng Oscar cho phần âm thanh của phim "Mạng xã hội" chịu trách nhiệm sản xuất âm thanh. 120 tác phẩm nổi tiếng của Bob Dylan, The Beatles và rất nhiều tên tuổi khác cũng được cấp quyền xử dụng để tái tạo không khí của những năm 60, 70 của thế kỷ 20. Do tính chất nhạy cảm của đề tài này ở Việt Nam, Thomas Vallely, một cựu chiến binh Mỹ, người có đóng góp lớn vào tiến trình bình thường hoá quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, đã phải lên tiếng để Bộ Ngoại Giao và bộ Quốc Phòng Việt Nam đồng ý ngầm cho Novick phỏng vấn và quay phim. Đội ngũ cố vấn cũng tập hợp các chuyên gia hàng đầu về Việt Nam như nhà sử học Fredrik Logevall từ Đại học Harvard, hay nhà báo Huy Đức, tác giả cuốn"Bên Thắng Cuộc".
Cả Ken Burns và Lynn Novick đều thừa nhận "Cuộc chiến Việt Nam" là chủ đề khó khăn và phức tạp nhất mà họ từng thực hiện, khi có quá nhiều quan điểm, quá nhiều cách nhìn nhận từ các đối tượng khác nhau. Khi được hỏi vì sao lựa chiến tranh Việt Nam, mở lại những hồi ức đau thương và tranh luận cay đắng không có hồi kết, hai đạo diễn cho rằng Việt Nam vẫn là công việc còn dang dở của nước Mỹ. Không có ai thực sự hiểu cuộc chiến đã xảy ra thế nào và những người trải qua nó phải chịu đựng ra sao. Việt Nam là chìa khoá để hiểu những vấn đề nội tại của nước Mỹ: chính quyền gian dối, chia rẽ trong xã hội và sự thiếu vắng những trao đổi mang tính xây dựng. Năm mươi năm sau đỉnh điểm của cuộc xung đột dường như là thời điểm lý tưởng cho một cách nhìn mới. Quãng thời gian đủ dài để bụi bặm chính trị lắng xuống nhưng cũng không quá dài để còn được nghe trực tiếp từ người đã thật sự trải qua nó. Burns và Novick cũng chia xẻ, hy vọng bộ phim sẽ là một cơ hội để người Việt Nam hiểu hơn về cuộc nội chiến của chính mình cũng như "Cuộc Nội Chiến" của Burns đã làm cho người Mỹ vào năm 1990.
Ken Burns và Lynn Novick đặt ra một nguyên tắc khi bắt tay vào sản xuất "Cuộc chiến Việt Nam". Đó là phim sẽ không có sự tham gia của những nhân vật nỗi cộm, mà theo Burns là những người "sẽ lái lịch sử theo hướng mà họ muốn".Như John Kerry hay John McCain, không Henry Kissinger hay Jane Fonda. Thay vào đó, bộ phim đã phỏng vấn những người "bình thường" từ tất cả các bên. Những người lính Mỹ, miền Bắc Việt Nam, Nam Việt Nam, giải phóng quân, gia đình tử sĩ Mỹ, liệt sĩ Việt Nam, thanh niên xung phong, người tị nạn, nhà hoạt động phản chiến…đã phơi bày cho công chúng một cuộc chiến Việt Nam ở nhiều góc cạnh nhất và nhiều sự thật nhất, hơn tất cả những gì từng được biết. Một Cuộc chiến Việt Nam không phải từ lời lẽ của những người tiến hành nó mà từ câu chuyện của những người đã trực tiếp trải qua và chịu đựng nó một cách đau thương nhất và cũng hào hùng nhất.

10 tập phim The Vietnam War (Ken Burns & Lynn Novick)


Giới thiệu 10 tập của bộ phim lịch sử "The Vietnam War" của hai đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick. Phim có phụ đề tiếng Việt, được sản xuất và chiếu lần đầu trên đài truyền hình PBS.
Tập 1: “Déjà Vu” (1858 – 1961)
Sau một thế kỷ đô hộ của người Pháp, Việt Nam giành được độc lập nhưng bị chia cắt thành hai miền Nam – Bắc.



Tập 2: “Riding the Tiger” (1961 – 1963)
Khi các cuộc nổi dậy của lực lượng cộng sản gia tăng sức mạnh, Tổng thống Kennedy phải đối đầu với sự tham dự của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Tập 3: “The River Styx” (1/1964 – 12/1965)
Với việc Nam Việt Nam bên bờ sụp đổ, Tổng thống Johnson bắt đầu ném bom miền Bắc và gửi quân Mỹ tới miền Nam.

Tập 4: “Resolve” (1/1966 – 6/1967)
Binh lính Mỹ phát hiện ra rằng Việt Nam không giống với các cuộc chiến tranh của cha ông họ, trong khi phong trào phản chiến ngày càng lớn mạnh.

Tập 5: “This Is What We Do” (7/1967 – 12/1967)
Johnson leo thang chiến tranh trong khi hứa hẹn với công chúng Mỹ rằng chiến thắng đang trong tầm tay.

Tập 6: “Things Fall Apart” (1/1968 – 7/1968)
Bị rung chuyển bởi cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân, các cuộc ám sát và nổi loạn, nước Mỹ dường như đang tan vỡ.

Tập 7: “The Veneer of Civilization” (6/1968 – 5/1969)
Sau khi bạo loạn xảy ra, làm Đại hội Đảng Dân chủ ảnh hưởng, Richard Nixon hứa hẹn hòa bình và thắng cử Tổng thống một cách sít sao.

Tập 8: “The History of the World” (4/1969 – 5/1970)
Nixon rút lính Mỹ khỏi Việt Nam nhưng khi ông đưa quân vào Campuchia, phong trào phản chiến lại bùng phát.

Tập 9: “A Disrespectful Loyalty” (5/1970 – 3/1973)
Nam Việt Nam một mình chiến đấu trong khi Nixon và Kissinger tìm cách đưa Mỹ ra khỏi cuộc chiến. Các tù nhân chiến tranh người Mỹ trở về nhà.

Tập 10: “The Weight of Memory” (3/1973 về sau)
Sài Gòn thất thủ và chiến tranh kết thúc. Người Mỹ và người Việt Nam ở tất cả các bên tìm kiếm sự hòa giải.

Chủ Nhật, 3 tháng 9, 2017

CHÍNH PHỦ VIỆT NAM BỊ KIỆN TẠI TÒA TRỌNG TÀI Ở PARIS


Với hình ảnh phấn khởi giơ hai cánh tay lên và IM LẶNG không tiết lộ nội dung xét xử sau khi rời khỏi Tòa Trọng Tài Quốc tế tại Paris, dường như cho thấy sự chiến thắng về phần ông Trịnh Vĩnh Bình sẽ được tuyên bố vào ngày 31- 8- 2017.
Sự im lặng không tiết lộ nội dung vụ việc là sự cam kết theo thông lệ dành cho bên thắng kiện khi xử ở Tòa Trọng Tài để giảm thiểu sự ảnh hưởng đến uy tín của bên thua kiện. Thủ tục xét xử của Tòa Trọng Tài rất khác với Tòa án truyền thống, nó luôn bảo đảm được yếu tố bí mật của sự việc, những người không liên quan sẽ không được phép tham dự, trong suốt thời gian xét xử bên nguyên lẫn bên bị không được phép tiết lộ, cung cấp thông tin vụ việc cho báo chí. Thậm chí là phải giữ bí mật về bản án thi hành sau đó. Đó là lý do suốt một tuần qua cộng đồng rất quan tâm đến vụ kiện nhưng báo chí cũng không thể có được thông tin về diễn biến phiên tòa.
Trước vụ ông Bình, đã có hai vụ kiện trước đây liên quan đến các cơ quan Chính Phủ Việt Nam.

1. Vụ Huấn Luyện Viên trưởng đội bóng đá Việt Nam Letard kiện Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.
2. Vụ ông Liberati kiện Hãng Hàng Không Vietnam Arlines (VNA). 
Cả hai vụ này phía Việt Nam đều thua kiện vì những "nhận định ngây ngô" từ phía lãnh đạo.
Nay đến vụ ông Trịnh Vĩnh Bình, Chính Phủ cũng không rút ra kinh nghiệm mà còn tiếp tục đi vào vết xe đổ của Liên đoàn bóng đá và VNA.
– Vụ Liên Đoàn Bóng đá VN thua vì "thiếu hiểu biết" luật quốc tế:
Vụ việc bắt đầu khi Liên Đoàn Bóng đá VN sa thải ông Letard vào năm 2002. Ban đầu ông Letard đã khiếu nại vụ việc lên Liên Đoàn Bóng Đá Thế Giới (FIFA) để yêu cầu Việt Nam bồi thường vì đã vi phạm hợp đồng. FIFA ra quyết định giải quyết khiếu nại với kết luận phần thắng nghiên về phía Việt Nam. Không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại của FIFA, ông Letard đã khởi kiện ra Tòa Trọng tài Thể thao ở Thụy sĩ. Tòa Trọng tài Thể thao thụ lý vụ việc và thông báo cho Liên Đoàn Bóng Đá VN biết và yêu cầu Liên đoàn bóng đá VN cung cấp thông tin vụ việc, cũng như phản hồi các cáo buộc của ông Letard. Nhưng Liên đoàn bóng đá Việt Nam không chịu cung cấp thông tin theo yêu cầu của tòa. Thậm chí khi được triệu tập đến phiên tòa để xét xử nhưng Liên Đoàn Bóng đá Việt Nam cũng chẳng thèm tham dự.
Lý do của việc “không quan tâm đến vụ kiện” là do các quan chức lãnh đạo của Liên đoàn Bóng đá VN khi đó cho rằng đã có kết quả giải quyết cuối cùng của FIFA, kiện ra Tòa Trọng tài Thể Thao ở Thụy sĩ không phải là phương phức để giải quyết tranh chấp theo như hợp đồng ký kết, nên nó không có giá trị. Với lại kiện ra tòa Thụy Sĩ, nếu thua “mà ở Việt Nam ta không chấp hành thì làm gì được nhau”.
Phiên tòa vụ này được mở ra mà không có bị đơn là Liên Đoàn Bóng đá VN. Thế là nguyên đơn đươc dịp tha hồ vạch tội. Kết quả là Tòa trọng tài Thể thao xử ông Letard thắng kiện, yêu cầu Liên Đoàn Bóng đá VN bồi thường hợp đồng cho ông Letard với số tiền gần 200 ngàn đô ( 3 tỷ đồng Việt Nam thời đó). Áp dụng hình thức chế tài nếu không thi hành án thì Liên Đoàn Bóng đá VN sẽ bị cấm tham gia tất cả các giải đấu bóng đá theo hệ thống FIFA trong 2 năm.
Lúc này các quan chức Liên đoàn bóng đá VN mới “té ngửa” ra, là phán quyết của tòa này lại có hiệu lực pháp lý cao hơn phán quyết của FIFA, mà FIFA cũng phải thi hành bản án của Tòa Trọng tài Thể thao.
Thật ra việc khởi kiện cũng rất đơn giản, khi trong Quy chế giải quyết khiếu nại của FIFA nêu rõ, khi tranh chấp xảy ra nếu không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại của FIFA thì các bên có thể khởi kiện vụ việc ra Tòa Trọng tài Thể thao ở Thụy Sỹ, và các phán xử của Tòa án này là có hiệu lực cuối cùng mà FIFA cũng phải thi hành.
Thế là Liên đoàn Bóng đá VN mới chịu báo cáo lên chính phủ và cầu cứu. Ngân sách nhà nước cấp cho Liên đoàn bóng đá VN vào năm đó được 3,7 tỷ, đã bị ông Letard "xơi" mất 3 tỉ. Quá đau! Vụ này thua vì ra cuộc chơi quốc tế mà thiếu hiểu biết luật quốc tế.
– Đến vụ thứ hai, Vietnam Arlines (VNA) thua vì xem thường tòa án nước ngoài:
Vụ việc bắt đầu với một ông người Ý mang tên Liberati kiện Vietnam Arlines (VNA) ra Tòa án Roma ở Ý, yêu cầu VNA trả tiền chi chí phí cho ổng vì VNA đã Ủy quyền cho một Đại lý VNA thuê ổng làm việc. Đại lý này bị phá sản, ổng đành nắm đầu VNA đòi tiền. Phiên tòa mở ra, tòa triệu tập nhưng Vietnam Arlines cũng không cử người tham dự, theo kiểu "ta chả liên quan". Sự vắng mặt của bị đơn làm Tòa án Ý nhanh chóng tuyên Liberati thắng kiện, buộc Vietnam Arlines phải thanh toán cho bên nguyên đơn 1,3 triệu euro.
Đứng trước phán quyết này lãnh đạo Vietnam Arlines đánh giá phán quyết ở Tòa án nước Ý dễ gì thi hành được ở Việt Nam khi Vietnam Arlines là “con cưng” của nhà nước, Vietnam Arlines cũng chẳng có tài sản ở Ý thì… “làm gì được nhau”.
Đúng là suốt gần 7 năm sau đó án này không thi hành được, vì ở Ý không có gì để chế tài được VNA. Rồi bỗng một ngày của năm 2002, luật sư của Liberati phát hiện VNA đang có một tài khoản triệu đô ở nước Pháp, đây là cơ hội ngàn vàng, bảo đảm cho việc thi hành án của VNA. Thi hành ở Ý không được thì nhờ Pháp “thi hành hộ”, đó là cách làm của luật sư đại diện cho ông Liberati.
Giữa Ý và Pháp đều thuộc khối Liên minh Châu âu. Đây là một Liên minh gần như nhất thể hóa về chính trị, ngoại giao và hổ trợ tư pháp rất chặt chẽ với nhau. Thế là tòa án ở Pháp nhanh chóng ra quyết định phong tỏa tài khoản triệu đô của VNA tại Pháp để thi hành án lệnh.
Điều buồn cười trong vụ này, lúc đầu VNA chỉ bị yêu cầu thanh toán là 1,3 triệu euro, nhưng không chịu thi hành ngay, mà đi thuê mấy luật sư để “gỡ” vụ phong tỏa tài sản ở Pháp. Kết quả cuối sau một thời gian kiện cáo của VNA, gỡ đâu không thấy mà cuối cùng cũng thành “gỡ ghẻ”. Kết quả cuối cùng là VNA phải thanh toán bồi thường cho ông Liberati 5,2 triệu euro, vì phải thanh toán cho bên nguyên đơn thêm tiền lãi suất của nhiều năm và thanh toán luôn chi phí luật sư cho bên họ, vì VNA là bên thua kiện.
Vụ này VNA thua đau vì đã xem thường thẩm quyền và khả năng thi hành bản án của Tòa án quốc gia Ý.
Hai bài học trên đã có, đến vụ thứ 3, trở lại vụ án Trịnh Vĩnh Bình, Chính phủ đã đi vào vết xe đổ của Liên Đoàn Bóng đá và VNA dù hiểu biết luật chơi của quốc tế nhiều hơn, nhưng vẫn còn suy nghĩ thiếu tôn trọng luật chơi quốc tế.
Có thể kể ra một số lỗi của Chính Phủ trong vụ này như sau:
Thứ nhất, Chính phủ đã không thi hành đầy đủ các cam kết với ông Bình theo như Thỏa thuận tại Tòa trọng tài Quốc tế vào năm 2006, đó là việc trả lại tài sản đất đai và nhà máy đã tịch thu của ông Bình. Nếu vào thời điểm này Chính Phủ quyết tâm thực hiện thỏa thuận tại Tòa trọng tài thì có thể chỉ phải bỏ ra khoảng 20-30 triệu đô thu hồi đất đai để trả lại hoặc có thể tìm kiếm sự thỏa thuận riêng với ông Bình nhận tiền thay cho phần đất đai. Tuy nhiên, chính phủ đã làm ngơ, không tiến hành thực hiện cam kết này, để rồi sau mười năm dẫn đến việc ông Bình tái khởi kiện, yêu cầu đòi bồi thường đến ít nhất 1,25 tỷ đô.
Ông Bình đòi đến ít nhất 1,25 tỷ đô nghe có vẻ như là bất hợp lý. Nhưng vào tay các luật sư quốc tế là đều có cở sở. Luật sư cũng chẳng khó khăn gì để chứng minh cho việc giá thành đất đai tại Việt Nam của ông Bình từ lúc bị tịch thu đến nay đã tăng lên hàng trăm lần. Hay đòi những thứ mà trong Thỏa thuận trước đây không có như: đòi tiền bồi thường thiệt hại khi bị giam giữ bất hợp pháp theo án lệ quốc tế, và các tài sản có thể đem lại lợi nhuận sau 20 năm của ông Bình, bồi thường tổn thất về tinh thần sau hàng chục năm, chi phí thuê luật sư v.v..
Cái này gọi là "không chịu đền 1 theo cam kết ban đầu, cuối cùng tòa xử phải đi đền 10".
Lỗi thứ hai, Chính phủ đã thúc đẩy ông Bình đi kiện.
Lưu ý rằng việc Chính phủ cam kết trả lại tài sản “hợp lý” cho ông Bình theo như Thoả thuận tại Tòa trọng tài vào năm 2006 không phải là một bản án được phán quyết của Tòa Trọng tài, mà nó chỉ là sự thỏa thuận riêng tư giữa ông Bình với Chính phủ Việt Nam dưới sự hòa giải của Tòa trọng tài. Nói dễ hiểu sự thỏa thuận này được thiết lập ở giai đoạn "tiền tố tụng" – tức tòa trọng tài chuẩn bị xử, 2 bên đã đồng ý thỏa thuận tự cam kết giải quyết với nhau thì Tòa sẽ ngưng xử. Vì vậy, thỏa thuận này sẽ không được xem là một bản án của Tòa trọng tài để được áp dụng hình thức chế tài được hỗ trợ thực hiện bởi bên thứ ba. Có lẽ không có chế tài bởi bên thứ ba là lý do để Chính phủ "lơ là" không thực hiện đầy đủ cam kết của mình đối với ông Bình, và nó giải thích cho vìệc ông Bình sau này nói rằng mình đã bị lừa là vậy. Thực tế là ông Bình không thể nhờ một bên thứ ba chế tài Chính Phủ VN để thi hành cái Thỏa thuận đã ký ở Singapore. Vì vậy không còn cách nào khác ông Bình phải đi kiện lại tại Tòa trọng tài Quốc tế Paris nhằm có một bản án chính thức để bảo đảm cho sự chế tài được hỗ trợ bởi bên thứ ba.
Rõ ràng việc ông Bình là một công dân Hà Lan khởi kiện chính phủ VN ra tòa, tòa thụ lý xét xử theo thủ tục tố tụng là một bất lợi rất lớn cho chính phủ VN vì Chính phủ hầu như không có cửa thắng kiện trong vụ này.
Thắng sao được khi Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Thương mại Đầu tư giữa Việt Nam-Hà Lan, tại điều 6 nêu rõ: "không một Bên ký kết nào được thực hiện bất kỳ biện pháp nào để tước đoạt trực tiếp hoặc gián tiếp những đầu tư của các công dân bên kia". Gỡ sao được khi có sự vi phạm lộ liễu và quá rõ ràng như vậy.
Lẽ ra, nếu Chính phủ nhận định sáng suốt hơn thì thấy rõ cửa thắng duy nhất cho Chính phủ trong vụ này là nằm ở giai đoạn Hòa giải với ông Bình, để qua hình thức này có thể thương lượng hạn chế thấp nhất số tiền phải bồi thường. Nhưng việc không thực hiện đầy đủ các cam kết ở giai đoạn Hòa giải với ông Bình trước đây, đã làm cho cửa thắng của Chính Phủ tự khép lại, khi ông BÌnh yêu cầu mở phiên tòa và xử theo tố tụng.
Khi bản án được xét xử theo thủ tục tố tụng được Tòa Trọng tài ở Paris đưa ra, nó sẽ có giá trị thi hành ở hơn 150 quốc gia đã tham gia ký kết Công ước New York 1958 công nhận và thi hành phán quyết của Tòa trọng tài. Khi thua kiện, mà Chính phủ không tự nguyện thi hành bản án trả tiền bồi thường theo phán quyết của Tòa, thì luật sư của ông Bình sẽ canh me tiền và tài sản của Chính phủ VN nằm trên lãnh thổ của 150 quốc gia này, là họ có quyền yêu cầu Tòa án ở quốc gia ấy phong tỏa tài sản và nhờ thi hành bản án của Tòa trọng tài.
Luật sư của ông Bình không dại gì nhờ mấy tòa án quốc gia đã tham gia Công ước như Trung Quốc, Lào hay Cambodia thi hành án mà chắc chắn họ sẽ chọn các quốc gia có nền pháp quyền, tòa án hoàn toàn độc lập với thể chế chính trị như tòa án ở các quốc gia thuộc EU, Mỹ, Úc, hay Canada... Tòa án ở các quốc gia này họ sẽ "đè ra vặt" không thiếu một xu.
Hết cứu!
Thử hỏi một quốc gia đang trên đường hội nhập quốc tế, mà để xảy ra những vụ việc như vậy có đáng trách và đáng xấu hổ không? Nếu ông bà lãnh đạo nào đã làm ẩu trong vụ này tự bỏ tiền túi ra đền thì cũng chẳng có gì đáng trách, đằng này họ cứ moi tiền từ ngân sách nhà nước - là tiền do người dân đóng góp để bồi thường. Thế mới đau!

Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2017

TRỊNH VĨNH BÌNH KIỆN CHÍNH PHỦ CỘNG SẢN VIỆT NAM: "AI THẮNG AI THUA.?"


Hai vụ kiện qua hai thế kỷ. Trong vụ kiện lần thứ hai này, ông Trịnh Vĩnh Bình, một thương gia gốc Việt tại Hòa Lan kiện chính phủ CHXHCNVN ra Tòa Trọng tài Quốc tế, với số tiền đòi bồi thường thiệt hại lên tới 1,25 tỉ USD, sau một tuần lễ đàm phán đã chấm dứt. Ông Bình bước ra khỏi tòa, nhìn chung quanh, ánh mắt sáng rỡ, mặt mày hớn hở, tươi cười, hai tay đưa lên cao, lòng bàn tay xòe ra, dấu hiệu của chữ V chiến thắng (Victory). Trong một video clip, người ta nghe rõ giọng một nữ phóng viên chạy theo hỏi ông Bình nhiều lần, kết quả vụ kiện ra sao, nhưng ông Bình im lặng không trả lời, chỉ tươi cười vẫy tay.

     

Phiên tòa kéo dài bảy ngày đã chấm dứt với sự chờ đợi của nhiều người. Một thỏa thuận đã đạt được, kết quả tuy không được tiết lộ nhưng phần thắng chắc chắn nghiêng về phía ông Bình, sự chiến thắng biểu lộ rõ ràng qua nét mặt hân hoan, cử chỉ đưa cao hai tay của ông.
Cũng có người cho rằng hành động đưa cao hai tay của ông Bình có thể là dấu hiệu của sự thua trận, bó tay với chính phủ CSVN, nhưng người viết không tin điều này. Nếu bị tòa án xét xử bất lợi, hay vì thiên vị thua kiện, sự biểu lộ cảm xúc trên mặt của Trịnh Vĩnh Bình sẽ là phẫn nộ, thay vì hân hoan. Ông Bình sẽ bước ra khỏi tòa với vẻ mặt bực bội, có thái độ giận dữ và (có thể) chửi thề, văng tục hoặc ít nhất phân bua với những phóng viên, ký giả đang làm nhiệm vụ quanh đó.
Sau 7 ngày đàm phán, ông Bình và chính phủ Cộng sản VN đã đạt đươc thỏa thuận để chánh án không phải đưa ra phán quyết. Trong bản thỏa thuận này, chắc chắn phải có một điều khoản mà Cộng sản Hà Nội đòi cho bằng được. Đó là Trịnh Vĩnh Bình phải giữ im lặng hoàn toàn về vụ kiện, không được phép nói gì thêm, không được công bố số tiền bồi thường với bất cứ ai
Tương tự như vụ kiện của bác sĩ David Đào với United Airlines, bác sĩ Đào không được bình luận hay nói gì về vụ kiện, số tiền bồi thường.., có thể ông Bình cũng không được phép tuyên bố điều gì về diễn tiến cũng như kết quả phiên tòa. Nếu có điều khoản thỏa thuận như vậy, mà ông Bình vi phạm, ông sẽ mất toi số tiền bồi thường, bởi theo nhận định của người viết, tiết lộ điều này sẽ làm bỉ mặt chế độ CSVN, đồng thời gây căm phẫn trong dân chúng, những người biết rằng tiền bồi thường cho ông Bình sẽ lấy từ tiền thuế của dân, điều mà chế độ CSVN hoàn toàn không muốn cho dân biết. Không biết điều khoản phải giữ im lặng về kết quả vụ kiện sẽ kéo dài bao lâu?
Khi Trịnh Vĩnh Bình im lặng, không tiết lộ gì thêm với báo chí, truyền thông hải ngoại về vụ kiện thì liệu CSVN có dám cho báo chí, truyền hình trong nước huyên hoang, khoác lác đưa tin trái với sự thật về vụ kiện không? Chắc chắn là không. Nếu buộc phải đưa tin, báo chí lề phải sẽ chỉ được phép nói chung chung, mơ hồ về kết quả vụ kiện, thí dụ như hai bên đã đạt được một thỏa thuận làm hài lòng ông Bình cũng như chính phủ CSVN. Nhưng liệu ai có thể cấm được một hay vài tên bút nô xé lẻ như Vũ Hương của báo Văn Nghệ thành Hồ trong vụ Trịnh Xuân Thanh, viết bài chửi đổng, sỉ nhục Trịnh Vĩnh Bình?
Người Việt trong nước, cũng như người Việt hải ngoại theo dõi vụ kiện một cách hào hứng, sôi nổi, có lẽ cũng chỉ kém vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh một sợi tóc. Có thể nói, ngoại trừ đám lãnh đạo chế độ, cán bộ, đảng viên ĐCS, đám công an, dư luận viên… hầu hết người dân VN đều mong cho Trịnh Vĩnh Bình thắng. Tại sao?
Chẳng có gì khó hiểu, sự mong muốn này không chỉ phát xuất từ sự căm ghét chế độ CSVN chuyên ức hiếp dân, mà họ còn muốn thấy luật pháp thắng luật rừng, muốn nhìn thấy lẽ phải thắng bất công. Hơn nữa, sự chiến thắng này sẽ trở thành án lệ, từ nay những người dân thấp cổ, bé miệng, có thể kiện chính phủ CSVN ra tòa quốc tế, bởi hàng trăm ngàn vụ án oan ức, mà người dân đã kiện tụng bao nhiêu năm qua, không hề được xét xử công bằng, bởi công lý có lẽ chưa từng hiện diện trên mảnh đất Việt Nam.
Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện là một cái tát mạnh vào khuôn mặt lấm lem của chế độ, chỉ giỏi dùng bạo lực, dùi cui, còng số 8, luật rừng để cai trị dân. Câu hỏi được đặt ra là: CSVN sẽ học được gì qua bài học này? Không học được gì hết!
Sẽ chẳng có người nào trong Bộ Chính trị, Trung ương Đảng CSVN hay hàng tứ trụ như Trọng, Phúc, Quang, Ngân can đảm đứng ra chịu trách nhiệm, trả lời về những tai tiếng hay tốn kém tài chánh cho vụ kiện, bởi đảng lãnh đạo “toàn diện, tuyệt đối”, nhưng đảng không chịu trách nhiệm bất kỳ sai sót nào!
Hơn nữa, khi Trịnh Vĩnh Bình kiện CSVN lần đầu tiên năm 2003, những người như Trọng, Quang, Ngân, Phúc hay các ủy viên trong BCT chưa nắm quyền, còn những kẻ chủ trương, trực tiếp ra lệnh bắt giữ, kết án, tịch thu tài sản của Bình, bây giờ đã hạ cánh an toàn. Số tài sản ăn cướp được của Trịnh Vĩnh Bình lọt vào tay những kẻ này, đã được chúng chia chác, còn số nợ phải trả do thua kiện trong hai vụ ông Bình kiện chính phủ CSVN thì ai trả đây?
Theo thông tin ông Bình tiết lộ với công chúng, số tiền mà chính phủ CSVN phải bồi thường cho Bình trong lần bị kiện đầu tiên là 15 triệu. Riêng lần bị kiện thứ hai này, có thể số tiền mà CSVN sẽ bồi thường không tới 1,25 tỉ USD như ông Bình và luật sư của ông đòi, nhưng số tiền đó cộng với án phí chắc chắn không nhỏ, ít nhất cũng phải vài trăm triệu Mỹ kim. Trong một vụ kiện, khi luật sư đưa ra con số 1,25 tỉ USD, dự đoán họ chỉ chấp nhận hòa giải ở con số tối thiểu 20%, tức 250 triệu. Ai sẽ phải trả số tiền này? Tất nhiên là chính phủ CSVN, nhưng chính phủ CSVN lấy tiền ở đâu để thanh toán nếu không lấy từ tiền thuế do dân đóng, tiền từ bán tài nguyên của đất nước?