Thứ Hai, 15 tháng 1, 2024

VIẾT CHO CON NGÀY RA TRƯỜNG


VIẾT CHO CON NGÀY RA TRƯỜNG

Tâm tình với con

Ngày 16-5-2015 là một ngày đáng nhớ vì đó là ngày đánh dấu một sự “thay đổi về chất” của con sau bao năm tích lũy sự “thay đổi về lượng”. Con bắt đầu được trao cho quyền được sờ chạm vào tinh thần và thể xác vốn bất khả xâm phạm của người khác để thực hiện công việc khám chữa bệnh của một người thầy thuốc. Con được trao cho cái quyền quyết định trên cơ thể của người khác với kỳ vọng sẽ mang lại cho họ “một sự thoải mái về tinh thần và thể chất” ở mức độ tốt nhất có thể được. Sự kỳ vọng của người bệnh là sự thử thách vô cùng lớn lao đối với người thầy thuốc, nhất là đối với con, người thầy thuốc trẻ mới bắt đầu thực hiện chức năng và trách nhiệm nghề nghiệp của mình. Nhưng con đừng quá lo! vì Ba Mẹ luôn tin tưởng vào khả năng và sự chịu khó học hỏi, mà con sẽ vượt qua mọi khó khăn gặp phải trong thời gian tới.
Ngày hôm nay cũng là ngày khởi đầu cho một quá trình tự hoàn thiện mới dưới những hình thức khác. Con có nhiều lựa chọn hơn cho hướng đi, cách làm việc và sự rèn luyện của mình. Con không còn dựa vào những áp lực nặng nề của chương trình y khoa có sẵn để quyết tâm phấn đấu cho việc học. Mà ngay từ bây giờ, con phải tự vạch ra cho mình một chương trình và áp lực mới để tiếp tục học tập dựa trên năng lực, sở thích, nền tảng gia đình và bản chất đạo đức sẵn có của con. Vì tất cả đó là những hành trang mà suốt 26 năm con đã trải qua, với 21 năm miệt mài ở ghế nhà trường từ mẫu giáo đến hậu đại học. Kế đến là 3 năm nội trú ở Bệnh viện: A resident physician của (Residency Program)

Sự thật trong hiện tại
Trong suốt 8 năm đại học (4 năm Pre-medical + 4 năm medical school), Con chờ đợi một ngày ra trường để dấn thân vào nghề nghiệp mà con yêu thích và lựa chọn. Đó là ngày hôm nay (16-5-2015). Kể từ ngày hôm nay, con phải làm việc bằng hiện tại chứ không phải bằng sự chờ đợi về một ngày trong tương lai như con đã chờ đợi suốt tám năm qua. Con không còn là sinh viên Y Khoa đối với những vị giáo sư dày dạn tuổi đời và kinh nghiệm. Con đã thực sự bước vào đời sống xã hội như những bác sĩ trẻ với những kiến thức, kỹ năng, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp mà xã hội kỳ vọng và mong đợi. Con phải giao tiếp với xã hội bằng tác phong mới đó. Cái tương lai mà con chờ đợi đã trở thành hiện tại và con phải sống và bắt đầu với cái hiện tại này.

Với những thử thách mới
Giờ đây, Con đã là người trưởng thành về mặt xã hội và nghề nghiệp. Con sẽ phải tự quyết định trong rất nhiều tình huống khó khăn. Con phải bắt đầu một cuộc đấu tranh sinh tồn thật sự giữa một bên là những lý tưởng nghề y cao đẹp mà con muốn theo đuổi, một bên là hoàn cảnh thực tế. Điều không may mắn cho con là hoàn cảnh hiện nay gây nhiều khó khăn hơn là tạo thuận lợi, khi con muốn thực hiện những ý tưởng cao đẹp của ngành y. Sự khó khăn đó con có thể thấy, có thể “thập diện mai phục” làm cho con nhiều lúc cảm thấy đơn độc “giữa muôn trùng vây”. Nhưng đó là một sự khó khăn mà nhiều thế hệ thầy thuốc trước con đã trải qua. Ba nhìn thấy rõ những Bác Sĩ, họ đã và đang trải qua một cái nghiệp mà họ phải chấp nhận khi lựa chọn ngành y, để góp phần nhỏ bé trong công cuộc chăm sóc sức khỏe cho mọi người. Những tưởng đó là một sự đơn giản, bình thường khi chúng ta chỉ mong có một cuộc sống trung thực, thoải mái với lương tâm đế chăm sóc sức khỏe cho mọi người. Rất tiếc, hoàn cảnh kinh tế hiện nay, không tạo điều kiện thuận lợi cho chúng ta thực hiện cuộc sống giản dị và lành mạnh. Mặc dù chúng ta đang sống tại đất nước Hợp Chủng Quốc nầy. (tệ nạn kỳ thị, mối lo tiền nợ ngất ngưỡng, thực phẩm thiếu lành mạnh với những mặt hàng của Trung Quốc v.v...)
Tất cả những nguyên tắc đạo đức nào cũng tập trung vào các mối quan hệ chính của một người thầy thuốc. Đó là quan hệ với chính bản thân mình,với người bệnh, với đồng nghiệp và với xã hội. Để thực hiện tốt các mối quan hệ này, người thấy thuốc phải vừa có TÀI vừa có TÂM chứ không thể lấy cái này bù cho cái kia hoặc mãn nguyện vì có nhiều một trong hai cái đó. Vì có tài mà không có đức (tâm) dễ thành kẻ sát nhân; ngược lại người có đức mà thiếu tài chỉ là ông Bụt. Vậy ! với nghề nghiệp hiện tại con cần phải có cả hai.
Trong quá trình tự hoàn thiện bản thân, con sẽ phải tự phát triển một con đường đi riêng cho mình mà không ai có thể hướng dẫn cho con một cách cụ thể. Vì xuất phát từ những hoàn cảnh khác nhau nên kinh nghiệm của người này cũng không thể áp dụng rập khuôn cho người khác. Dù không giống với những người đáng kính đi trước nhưng không có nghĩa là con đường con đi không thể tốt hơn. Con đường đó hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí tự hoàn thiện của con, khả năng rút ra những bài học cho cá nhân từ kinh nghiệm của những người đi trước, cũng như một chút may mắn trong cuộc sống, cũng như nghề nghiệp.
Con sẽ là mục tiêu của những phê phán về y đức. Ba không thể tránh né bằng cách không đề cập đến vấn đề này nhưng Ba cũng không muốn con rơi vào vào cuộc tranh luận không có hồi kết thúc. Ba có thể chia xẻ với con một điều khi cùng con hứng chịu những búa rìu chỉ trích: Y đức cũng là một phần của đạo đức xã hội, gắn bó mật thiết, phản ảnh và thăng trầm theo đạo đức xã hội. Khi phê phán chúng ta thì xã hội cũng nên trung thực nhìn lại mình để xem xã hội đang ở đâu trong các bậc thang đạo đức xã hội. Dĩ nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng vững vàng trước những cám dỗ, vì “tinh thần thì ham muốn mà thể xác lại yếu đuối”. Điều quan trọng là rút ra những bài học kinh nghiệm và đứng lên được sau những lần vấp ngã. Thật sự, có những lúc Ba thấy y đức đẹp như một cánh buồm xa thấp thoáng, nơi xung quanh chỉ có biển xanh sóng vỗ. Nhưng có hề gì, vì các con vẫn biết là mình đang hướng về những lý tưởng cao đẹp của ngành y bằng tất cả trái tim mình, để phục vụ cho con người.
Kể từ giờ trở đi, con sẽ được gọi là bác sĩ, dù thời gian trôi qua, dù vật đổi sao dời, dù thế thời thay đổi. Danh hiệu bác sĩ mang lại cho con và gia đình sự hãnh diện nhưng đồng thời nó cũng là một áp lực mà con phải gánh vác suốt cuộc đời. Dù muốn dù không, con không còn thể nào cất ra khỏi cái gánh nặng của thập tự giá nghề y mà con đã mang lên vai, dù trong một phút giây mệt mỏi. Kể từ đây, sự thành công nào đó của con có thể sẽ được xem là đương nhiên, nhưng một sai lầm nhỏ nào của con sẽ được khuếch đại lên nhiều lần! vì con là bác sĩ. Danh hiệu bác sĩ mà con hãnh diện làm cho danh dự người bác sĩ có thể bị chôn vùi nhanh hơn vì một sai lầm nhỏ. Với tuổi đời trên bảy mươi như Ba, đã thấy rất nhiều cảnh "thân bại danh liệt" ngay tại quê nhà, và nay trên đất tạm dung Ba cũng biết trong cộng đồng người Việt tỵ nan, đã có nhiều ngành nghề mà người phạm sai lầm đã chôn vùi danh dự bản thân, gia đình và cả dân tộc nữa. Trong đó không ngoại trừ kỹ sư, luật sư, bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ.v.v...rơi vào cảnh tù tội.
Chúng ta không bao giờ nghĩ rằng bác sĩ là một nghề cao quý hơn những nghề khác. Thật sự, nghề nghiệp chưa quan trọng bằng cách hành nghề. Theo dòng thời gian, con sẽ được đánh giá khác nhau tùy vào cách thức mà con hành nghề, hơn là bằng nghề nghiệp của con hiện có. Một khi đã cân nhắc và chọn hướng đi đúng cho mình rồi, chúng ta không thể trở lại được nữa, chúng ta chỉ còn một cách duy nhất là phải hành nghề, với bằng lương tâm và danh dự của người thầy thuốc và không ngừng hoàn thiện bản thân mình.
Mỗi công việc đều có một kim chỉ nam cho đạo đức nghề nghiệp. Đối với ngành y, đó là lời thề nghề nghiệp mà chúng ta thường gọi là lời thề Hippocrates. Lời thề Hippocrates được viết ra từ thế kỷ thứ tư trước Công nguyên và được nhiều lần chỉnh sửa cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội mới. Lời thề Hippocrates cũng có khi được thêm vào những quan điểm chính trị cho phù hợp của mỗi chế độ.Nhưng tựu trung, lời thề Hippocrates luôn hàm chứa những lý tưởng cao đẹp nhất để một người thầy thuốc hiện đại noi theo.
Những ngày tháng kế tiếp, con sẽ phải chọn thành phố của tiểu bang nào...mà con đã được các Bệnh viện phỏng vấn, để bắt đầu thực tập/nội trú trong ba năm sắp tới. Nơi đó kỳ vọng vào sự cống hiến của con bằng tất cả lương tâm và trách nhiệm của mình.
Ba Mẹ chúc con có nhiều niềm vui trong cuộc sống và công việc mới. Khi vào đời, cuộc sống cần có niềm vui nhưng cũng sẽ có lúc không tránh được những nỗi buồn, lo âu từ công việc, nhưng với tinh thần trách nhiệm cùng khả năng cầu tiến của con, Ba Mẹ chắc chắn con sẽ sớm thẳng đứng và vương lên,vì bên cạnh con luôn có Ba Mẹ cùng song hành để nâng đở, khích lệ, an ủi trong những lúc con gặp khó khăn và mệt mỏi vì công việc .
Hôm nay, Ba Mẹ và những gia đình thân quen cũng như bạn bè các con vô cùng xúc động khi chung vui niềm hân hoan của con"Tân Bác Sĩ", Với những thành công bước đầu của con trên một con đường vẫn còn rất dài và rất xa...
Cầu xin ơn trên cho con nhiều sức khỏe, luôn được "Tinh Mắt - Thính Tai - Tay Mát - Chân Bền".


Ba Mẹ của con,

Lời thề Hippocrate
Nguyên tắc đạo đức y khoa
(Hội Y học Hoa Kỳ)

1. Người thầy thuốc phải tận tâm chăm sóc sức khỏe với sự cảm thông và tôn trọng danh dự và quyền con người.
2. Người thầy thuốc phải duy trì các chuẩn mực của chuyên ngành, thành thật trong tất cả các giao tiếp chuyên môn, và phấn đấu báo cáo nhà chức trách những thầy thuốc thiếu tư cách, hay bất tài, hay liên đới đến những vụ lừa đảo.
3. Người thầy thuốc phải tôn trọng luật pháp và nhận lãnh trách nhiệm theo đuổi những cải cách nhằm đem lại lợi ích tốt nhất cho bệnh nhân.
4. Người thầy thuốc phải tôn trọng quyền của bệnh nhân, đồng nghiệp, và các nhân viên y tế khác, và phải bảo vệ sự riêng tư của bệnh nhân trong phạm vi luật pháp cho phép.
5. Người thầy thuốc phải liên tục học hỏi, ứng dụng, và trao dồi kiến thức khoa học; duy trì học thuật y khoa; cung cấp những thông tin liên quan đến bệnh nhân, đồng nghiệp, và công chúng; tư vấn và sử dụng tài năng của các chuyên gia khác khi cần thiết theo chỉ định.
6. Người thầy thuốc (ngoại trừ các trường hợp cấp cứu) trong điều kiện thích hợp, có quyền chọn lựa ai để phục vụ, ai cần liên hệ, và có quyền chọn môi trường để cung cấp dịch vụ y khoa.
7. Người thầy thuốc phải nhận lãnh trách nhiệm tham gia vào các hoạt động nhằm cải thiện cộng đồng và y tế công cộng.
8. Người thầy thuốc trong khi chăm sóc bệnh nhân phải xem nhiệm vụ của mình đối với bệnh nhân là trên hết.
9. Người thầy thuốc phải ủng hộ mọi thành phần trong xã hội được quyền tiếp cận dịch vụ y khoa.

Hippocratic Oath
Principles of medical ethics
(American Medical Association)

1. Physicians who have dedicated health care with empathy and respect for human dignity and rights.
2. The clinician must maintain professional standards, honesty in all professional communication, and strive to report physicians authorities lack capacity, or incompetent, or solidarity to those scams knife.
3. The physician must respect the law and take responsibility to pursue these reforms to the best benefit for the patient.
4. The physician must respect the rights of patients, colleagues, and other health care workers, and to protect the privacy of the patient to the extent permitted by law.
5. The clinician must continuously learn, apply, and communicate scientific knowledge; maintain academic medicine; provide information relating to patients, colleagues, and the public; consulting and using the talents of other professionals when needed as indicated.
6. The physician (except for emergencies) in suitable conditions, has the right to choose whom to serve, whom to contact, and to choose the environment to provide medical services.
7. The clinician must take responsibility to participate in activities to improve the community and public health.
8. The physician during patient care to see their tasks for the patient is the foremost service.
9. The clinician must support all sectors of society have access to medical services.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét