MỘT CHẶN ĐỜI 50 NĂM
(1975 - 1925)
Chiến tranh là một nỗi đau dằn vặt của nhân loại vì không ai muốn nó xảy ra, nhưng chiến tranh vẫn cứ xảy đến như một điều kiện cần thiết biện minh cho sự tồn tại của thế giới con người. Ngày Ba mươi tháng 4 năm 1975 là một cột mốc đánh dấu một biến cố chính trị trong lịch sử chính trị thế giới, ngày cuộc chiến tranh Việt Nam (1954-1975) chấm dứt.
Đấy là một bi kịch đối với những con người Việt nam lưu vong thế hệ đầu tiên đến Hoa Kỳ và các nước khác trên thế giới sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Cho đến hôm nay thế hệ ấy còn rất ít và trong đó có tôi, tuy cuộc sống trên quê hương thứ hai thật đầy đủ, thật trọn vẹn cho một giấc mơ hoàn hảo, nhưng trong hồn tôi vẫn khôn nguôi nỗi ám ảnh lưu đày vì mãi chèo chiếc thuyền đời mình lênh đênh trên dòng sông xa cội nguồn gốc rễ.
THÁNG 4 VỚI KỶ NIỆM
ĐAU THƯƠNG KHÓ QUÊN.!
Tháng của sự hoảng loạn, lo âu và cuối cùng là phải rời bỏ quê hương bắt đầu MỘT KIẾP SỐNG MỚI với những ngày lưu lạc.
Ba mươi tháng 4, ngày tất cả người dân ở miền Nam VN CỘNG HÒA PHẢI ĐỔI KIẾP. Tất cả chúng ta bỗng dưng ” bừng con mắt dậy thấy mình tay không “. Không nhà cửa, danh vọng , tiền bạc. Đang có cuộc sống đầy đủ, an vui, tự do. Chỉ vài ngày, cả một cuộc đời như bị xóa hết để trở thành những người khốn khổ trắng tay. Một số phải rời bỏ quê hương. Số còn kẹt lại bị trù dập, trăm cay nghìn đắng.
Sau 30/4/1975 quê hương chúng ta đã nghìn trùng xa cách cho những người phải ra đi. Những người còn kẹt lại thì dù vẫn được sống trên quê hương nhưng đã là một quê hương hoàn toàn đổi mới dưới ách thống trị của cộng sản. Những ngày tự do, êm ấm cũng không còn nữa.
Ngày lụn xuân tàn thuở ấy, cách nay đã 50 năm (1975 - 2025). Một cuộc đổi mới dẫn đến loạn lạc xã hội, ly tán gia đình. Máu tiếp tục đổ sau chiến tranh.
Lệ nóng trào tuôn, hòa thêm vị mặn trên đại dương thống khổ. Hàng trăm nghìn gia đình bị đẩy lên những vùng rừng thiêng nước độc để canh tác mưu sinh lập đời mới. Hàng trăm nghìn sĩ quan, công chức chế độ cũ bị biệt giam hoặc bị cưỡng bức lao động khổ sai trong những trại tù ở những mật khu tận những rừng già sâu thẳm xa xôi. Và, từng đoàn người già trẻ dắt díu nhau băng rừng vượt biên, xuống thuyền vượt biển, tìm đến những vùng trời tự do. Lên rừng, xuống biển, có vẻ như lặp lại huyền sử mấy ngàn năm của tộc Việt. Nhưng cuộc chia tay trong lịch sử cận đại không chỉ có năm mươi con lên núi, năm mươi con xuống biển, mà là cả triệu con dân, hớt hãi tìm đường sống, âm thầm trong đêm, mẹ cha câm nín, con trẻ nén khóc, rón rén những bước chân hồi hộp, run sợ. Nỗi đau thương thống hận ngập tràn của ngần ấy con người, ngần ấy gia đình, không hề được ghi vào sử sách giáo khoa, mà chỉ được ngậm ngùi khơi dậy trong tâm khảm những người tị nạn năm xưa, đã là những cổ nhân hữu danh vô danh, hay đang là những người lão niên lặng lẽ đời mình ở những vùng trời phương xa, đất khách quê người...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét