Thứ Năm, 22 tháng 5, 2025

MOTHER’S DAY - 11/5/2025

 


MOTHER’S DAY

Hôm nay
nhớ mẹ
nhớ cha
mưa Xuân,
chốn ngụ
quê nhà
người ta

xa quê
cách trở
sơn hà
phần đời
còn lại
xiết bao
chạnh lòng

Mạ đâu
còn đặng
ỉ ôi
Ba đâu
ở cạnh
đắp bồi
đơn côi

Mồ côi
tội lắm
ai ơi.!
thương cha
nhớ mẹ
buồn rơi
lệ sầu

"Nhà Tôi" gái nhỏ
năm xưa
bây giờ tóc đã
lưa thưa trổ màu

ngày qua
vùn vụt bóng câu
vũng đời trôi nổi
cạn sâu bao lần

Hoa trắng tinh hai nụ
Cài ve áo đôi ta
Nhân ngày lễ của Mẹ
Đoàn tụ chung mái nhà
Bên con cháu
Giữa đàn con
Tuổi đời ngoài tám mươi
Cách biệt hai phương trời
Ta nửa đời lưu lạc
Mẹ một đời đơn côi.!

Nụ hoa trắng cành mềm
Vợ chồng cài lên áo
Mẹ hiền còn đâu nữa
Mất rồi, ngày ra Giêng

Con gục đầu rưng rức...
Nước mắt từng giọt trôi
Xót xa bên cạnh Mạ
Ngày Mạ bỏ trần đời

Chồng ôm Vợ vào lòng
Kỷ niệm về mang mang
Ngày ra đi bỏ lại,
Thương Mẹ lệ tuôn dòng

Mẹ tần ngần bên cửa
Em chần chừ không đi
Người giận hờn quay mặt
Dếu lệ nhòa trên mi.!

Ta trốn chạy, nghẹn ngào
Em trắng, ngọn đèn hao
Trầy vai bên con dại
Trái tim vẫn ngọt ngào

Hôm nay ngày của Mẹ
Hai đóa hồng cho con
Đất người ươm trái ngọt
Con rạng rỡ tâm hồn

Chưa tàn đêm thức giấc
Gối còn vương tóc nồng
Quê nhà em chạy bữa
Xứ người vẫn long đong.!

Em như chim gõ kiến
Tìm gỗ mục quanh năm
Anh tựa loài chim biển
Một thời với bão giông

Hôm nay ngày lễ Mẹ
Nhà ta đỏ bông hồng
Riêng hai ta hoa trắng
Đêm về buồn mênh mông.!

MƯA NHỚ VỀ CAO NGUYÊN

Chim nhỏ
với đường đời
lây lất

Đêm dài nghe
thác đổ trên cao

Bay vội lắm,
dòng sông biền biệt

Mưa dầm
trong cánh bướm
xôn xao

Bóng khuất gọi tên, người mỗi sáng
Từng ngày từng tiếng gọi vu vơ
Mưa bay ướt tóc huyền sương lạnh
Trong giấc mê tàn, bóng khuất mơ

Người đứng mãi
giữa lòng sông
nhuộm nắng

Kể chuyện gì
nơi ngày tháng xa xưa

Con bướm nhỏ đi về
trong cánh mỏng

Nhưng về đâu
một chiếc lá xa mùa

Năm tháng ấy gom nụ cười trong mộng
Người mãi đi như nước chảy xa nguồn
Bờ bến lạ chút tự tình với bóng
Mây lạc loài tóc rũ rượi ngàn năm.

Trinh Mai Chúc cậu và gd luôn hạnh phúc nhiều niềm vui

Đông Lợi Long Cảm ơn Trinh Mai, Cậu út mến chúc Cháu luôn vui khỏe trẻ đẹp... Trinh Mai Dạ con cảm ơn cậu gd con gửi lời thăm mợ anh chị và các cháu Đông Lợi Long Gia đình Cậu Mợ út cảm ơn, cầu mong ơn trên phò hộ cho Ba Me, các con và cháu luôn mãi bình an, vui khỏe, đong đầy hạnh phúc... Thien Thanh

Đông Lợi Long
Hue Dieu Nhớ 😢 Mạ nhiều ngày còn nhỏ dại 🙏🪷🙏🪷🙏🪷
Đông Lợi Long Nhớ 😢 Mạ nhiều, ngày còn nhỏ dại Nhớ thương 😢Ba tuổi lúc còn thơ Ba đi ngày tháng, em bên cạnh Nơi chốn Mạ về lại có anh. Minh Loan Dạ hay lắm và ý nghĩa lắm anh, em chúc anh mỗi ngày thật nhiều niềm vui ạ! Đông Lợi Long Cảm ơn, chúc Minh Loan luôn bình an, vui khỏe, yêu mình yêu người & yêu đời. Ngôn ngữ là tiếng nói để biểu đạt sự suy nghĩ, nó không đơn giản chỉ là món quà tình cảm giữa con người với nhau, nhưng nó là sự đồng cảm của những người con đối với cha mẹ. Điều đó đã mang lại cho tôi niềm vui khi nhớ về bậc sinh thành đã quá vãng./. Bùi Thủy
Đông Lợi Long


Thứ Hai, 12 tháng 5, 2025

TUỐI TRẺ VIỆT NAM.!



TUỐI TRẺ VIỆT NAM.!

Tuổi vàng hạnh phúc gì hơn?
Ngâm thơ, đàn hát, cô đơn tan dần.
Giờ đây hết cảnh túng bần,
Vinh hoa phú quý có cần nữa không?

Trời cao biển rộng mênh mông,
Chạy theo vật chất uổng công tội tình.
Tham lam, đố kỵ khổ mình,
Văn thơ nhạc họa tâm tình bao la.

Anh Em cùng Chị gần xa,
Mừng vui gặp lại chúng ta một nhà.
Tình thơ chân chất thật thà,
Tóc xanh tóc bạc, hoan ca tuyệt vời.

Quê hương xa tắp chân trời,
Ta người viễn xứ suốt đời nhớ thương.
Nửa đời lưu lạc vấn vương,
Vì sao đất nước vẫn đang thua người.

Trẻ thơ đã tắt nụ cười,
Bơ vơ thất học không người cậy trông.
Cõi đời biển khổ mênh mông,
Gái Trai vì Nước quyết không sợ gì.

Đồng bào hãy đứng dậy đi,
Tự do dành lấy hiểm nguy không màng.
Độc lập dân chủ giầu sang,
Ngày vui đất nước vẻ vang Lạc Hồng.

Xứng danh con cháu Tiên Rồng,
Lời thơ, bản nhạc phiêu bồng khắp nơi.
Gởi người yêu nước Tôi ơi,
Đứng lên đòi lại cuộc đời Tự Do.

Thứ Tư, 7 tháng 5, 2025

ĐÔI TAY TỪ MẪU

 

ĐÔI TAY TỪ MẪU

Bàn tay mẹ, nuôi lớn đời con trẻ
Che chở con từ thuở mới tượng hình
Mẹ cưu mang, cực nhọ̣c chín tháng dài
Cất tiếng khóc, khi chào đời ngày mới

Dù thân mẹ, đớn đau ngăn trào lệ
Trìu mến thương, miệng bé nở nụ cười
Chắp hai tay mẹ khấn nguyện ơn trên
Mong con nhỏ an lành mau khôn lớn

Qua những bước, con lớn lên không dễ
Thăng-Giáng-Trầm, của trần thế nhiễu nhương
Tưởng lắm khi đàn phải đứt dây cung
Mẹ xuất hiện, trong âm thầm nâng đỡ

Cũng nhờ thế, đờn ca không lỗi nhịp
Con ung dung cất giọng kịp cung đàn
Cùng mây trời rong ruổi khắp trần gian
Quên bóng mẹ đang chờ con từng phút

Con vấp ngã, mới nhận ra điều ấy
Mẹ bên đời, con sẽ thấy yên tâm
Chớ vô tình, để làm mất nụ cười
"Ngày của Mẹ", trọn một đời luôn nhớ...

PHẬN CON CHÁU

Công cha nghĩa mẹ sinh thành
Làm con phải nhớ ngọn ngành chớ quên.

Vâng, đúng như vậy. Mọi người sinh ra đều mang trong mình một tình mẫu tử thiêng liêng và cao cả. Tình mẹ ấm áp, bao dung dành cho con hay tình cảm kính trọng yêu quý của những đứa con dành cho mẹ mình cùng bao điều tốt đẹp.

Tình mẫu tử của mẹ và con là thứ tình cảm đáng qúy nhất, mà suốt cuộc đời này những đứa con sẽ mãi trân trọng. Dù “ tung cánh muôn phương”, con vẫn mãi mang theo tình mẫu tử cao đẹp mà mẹ dành cho con. Chúng ta đang và đã được nhận tình mẫu tử thiêng liêng ấy, hãy cố gắng trân trọng và giữ gìn vì nếu như một ngày nào đó, tình thân ấy không còn thi` cuộc sống sẽ trở nên tẻ nhạt.

Ôi ! Tình mẫu tử thật cao đẹp biết bao...Với nhiều "tiếc nuối".

TIẾC NUỐI

Con muốn viết, bài thơ tặng mẹ
Nhưng ngôn từ, trót chẳng nên câu,
Cùng năm tháng, sống đời phiêu bạt
Nhớ mẹ hiền, lòng dạ khó phai.!

Con đã nhớ, lời ru của mẹ
Tiếng à ơi, thuở mới nằm nôi
Và sau đó chẳng còn ai hát.!
Vì Mẹ già, như chuối chín cây…!

Theo văn hóa, đạo đức của người Việt. Phận làm con, trong gia đình là phải chăm sóc cha mẹ khi già yếu, sự hiếu đạo đó không thể bỏ quên hay lảng tránh được. Sự yên vui quây quần bên cha mẹ già và con cháu là niềm hạnh phúc của gia đình. Với chúng ta mà nói, làm được điều gì vui cho cha mẹ là làm, từ thăm hỏi, quà tặng đến chăm sóc, tâm tình, chỉ cần thấy nụ cười của cha mẹ đã là điều sung sướng không gì đánh đổi được. Có cha mẹ để chăm lo, tạo thêm hơi ấm cho gia đình, đó mới là hiếu đạo của phận làm con.

Ngược lại, chúng ta đã xao lãng, tránh né hoặc bất cứ lý do gì.! Mà quên đi phận làm con đối với cha mẹ khi còn sống, nhất là người đã hy sinh nhiều công sức để tạo dựng nên sự nghiệp, mà chúng ta có được như ngày nay... Với thành quả đó, một phần lớn là từ tình thương yêu vô bờ bến, sự lo lắng không quản ngại của đấng sinh thành. Đáp lại, chúng ta phận làm con, dâu, rể, cháu chắt nội ngoại đã làm được điều gì để tỏ lòng hiếu đạo chưa.?

Trên đời, mỗi người chỉ có một lần được cha mẹ tạo nên, dưỡng dục nên người, cũng chính là lúc cha mẹ tuổi tác già nua, bệnh tật phát sinh, tinh thần sụt giảm, sức khỏe suy yếu, nói năng chậm rãi, ăn uống khó khăn, tay chân run rẩy, mắt nhìn không tỏ, tai nghe chẳng rõ.v.v...

Chính lúc nầy, con cái nạnh hẹ (tị nạnh) lẫn nhau, hoặc thờ ơ, tránh né trách nhiệm và bổn phận làm con cháu đối cha mẹ, ông bà. Bây giờ chúng ta đã có gia đình, con cháu, có giây phút nào tự soát xét lại bản thân mình hay không.!!! Để thấy rằng mình đã đánh mất một cơ hội duy nhất trong đới, đó là sự đáp đền lòng hiếu thảo của mình qua phận con, cháu, dâu rể, nội ngoại...

Trước khi quá muộn, vậy ngay bây giờ nhân "ngày của mẹ" và "ngày của cha" sắp tới, cũng như mỗi ngày, mỗi giờ, phút, giây, còn hít thở không khí để sống, thì chúng ta phải thành thật từ đáy lòng, ăn năn hối cải những gì sai trái mà ta đã hành xử đối với cha mẹ, ông bà hiện giờ và trước đây. Ăn năn Sám hối để được thứ tha.

HỐI HẬN

"Ngày của mẹ", chẳng mua chi, biếu Mẹ.!
Không có gì, để tặng Mẹ làm quà
Nhớ hay quên, để ngày ấy trôi qua
Không lời chúc, không hỏi thăm sức khỏe.!
Ngày ấy.thiếu.! Chẳng còn gì vui vẻ
Tình mẹ con, hành xử thế vô tình.
Giờ đơn côi, nghĩ đến nhói đau tim
Con quỳ lạy, Mẹ Cha.! Xin tạ lỗi.


Thứ Ba, 6 tháng 5, 2025

NGÀY CỦA MẸ.(9/5/2021)

 


NGÀY CỦA MẸ.

Ngày của Mẹ. Đây là dịp để tôn vinh người mẹ, đem đến cho mẹ bằng tất cả tình yêu, sự quan tâm và sự ấm áp của chúng ta. Vào đêm trước Ngày của Mẹ, chúng ta sẽ nhắc đến những điều tuyệt vời về mẹ, niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời mỗi người là được Mẹ sinh ra. Một số điều liên quan đến khoảnh khắc tuyệt vời Ngày của Mẹ. Nếu chúng ta muốn chia xẻ những điều này với bạn bè hoặc với tất cả mọi người!
NHÂN NGÀY TỪ MẪU: Mong được gởi đôi lời tâm tình đến các Bà Mẹ.
Ngày Chủ Nhật thứ nhì của tháng 5 là ngày Từ Mẫu, ngày người Hoa Kỳ dành ra để con cái ghi nhớ công ơn của Mẹ. Đây là ngày mọi người bày tỏ lòng biết ơn người mẹ yêu dấu của chúng ta. Nhân ngày Từ Mẫu, chúng ta nên chia xẻ vài lời tâm tình với quý bà mẹ trẻ, là những bà mẹ còn được diễm phúc có những đứa con nhỏ chạy theo níu áo hoặc quấn quýt bên chân.
Làm mẹ là một thiên chức vô cùng cao quý. Người nữ có những cá tính, khả năng và trách nhiệm riêng biệt. Phái nữ với một cơ thể đặc biệt để mang thai và sinh con. Người phụ nữ tâm hồn mềm mại, tấm lòng yêu thương và tâm tính dịu dàng để trang bị cho họ trách nhiệm làm mẹ, một trách nhiệm vô cùng quan trọng và cao quý nhất trong đời.
Không những làm mẹ là thiên chức cao quý mà con cái cũng là món quà đặc biệt, khi mắt nhìn thấy và tay có thể ôm giữ. Con cái là món quà quý nhất, nên vai trò làm mẹ lại quan trọng hơn, vì mẹ là người có ảnh hưởng sâu đậm nhất trên đời sống của con. Mỗi người sống trên đời chỉ có một bà mẹ sinh ra, và trong vai trò làm mẹ, đó là một cơ hội duy nhất, một thời điểm duy nhất để tạo ảnh hưởng nơi con cái. Khi thời điểm đó qua đi, chúng ta không bao giờ tìm lại được nữa. Vì những lý do đó, làm mẹ là trách nhiệm lớn lao và quan trọng mà chúng ta không thể xem nhẹ hay để cho người khác thay thế. Đây là trách nhiệm lớn lao trong vai trò làm mẹ. Tình mẹ con là tình cảm đầu tiên một đứa bé nhận được, cũng là tình cảm đầu tiên đứa bé ban cho. Sự hiện diện cũng như sự chăm sóc vỗ về của mẹ khiến đứa bé cảm thấy bình an, vững lòng. Ngoại trừ những trường hợp đặc biệt, bình thường một đứa bé lớn lên trở thành một người như thế nào phần lớn là do ảnh hưởng của người mẹ. Con cái là phước lành và là cơ nghiệp ban cho con người. Chúng ta không nên xem con như là gánh nặng hay là điều phiền phức, cản trở công việc làm hay ngăn cản sự thăng tiến của chúng ta. Có người lập gia đình nhưng không muốn có con, sợ có con đời sống sẽ bị xáo trộn, không làm được những gì mình muốn làm. Cũng có người sợ sinh con rồi vóc dáng của mình xấu đi. Đây thật là một nỗi lo sợ viển vông, ích kỷ và không chính đáng. Đúng, có thể vì sinh con, vóc dáng người mẹ thay đổi; cũng có thể vì có con mà những toan tính, ước mơ của mẹ phải đổi thay hoặc phải hủy bỏ. Nhưng niềm vui được làm mẹ, được bế đứa con trong tay, được nuôi nấng chăm sóc cho con lớn lên và nhất là truyền đạt cho con những giá trị cao quý, niềm vui đó không gì so sánh được.
Con cái là niềm vui, là điều quý nhất trong cuộc đời, nhưng con chỉ cần mẹ khi còn nhỏ và mẹ cũng chỉ có thể dạy dỗ uốn nắn con khi còn bé. Vì thế, lời tâm tình muốn gởi đến các bà mẹ trẻ hôm nay là, vì con cái là gia sản quý báu nhất trên đời, chúng ta cần đặt con vào ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống của chúng ta. Những bà mẹ đang có con trong tuổi mới sinh cho đến khoảng mười hai, mười ba, các bạn đang sống những ngày đẹp nhất trong vai trò làm mẹ. Khi con qua tuổi đó rồi, chúng ta thường phải đối diện với nhiều lo lắng và buồn đau vì những thay đổi nơi con và thay đổi trong đời sống. Nếu trong thời gian này, là thời gian con cần được ở bên mẹ, các bạn có thể tạm gác những công việc hay mục tiêu khác qua một bên, hy sinh tất cả để dành thì giờ cho con, có mặt bên cạnh con, gần gũi trò chuyện với con, thì những năm tháng sau đó, khi con bắt đầu chuyển mình, thay đổi, khi con đến tuổi trưởng thành phải lìa xa cha mẹ, cũng như khi mẹ bước vào tuổi xế chiều, phải đối diện với sự trống vắng trong gia đình, chúng ta sẽ không có gì phải ân hận nuối tiếc. Nói một cách thực tế, điều quý nhất mà các bà mẹ có con nhỏ có thể làm cho con là dành thì giờ cho con. Ngoại trừ những hoàn cảnh bất khả kháng, còn nếu các bà mẹ trẻ có thể sắp xếp thế nào để có thể làm mẹ trọn thì giờ, chính tay mình chăm sóc, dạy dỗ con, có mặt bên cạnh con hằng ngày, ít nhất là trong năm năm đầu, đó là điều tốt nhất cho con. Nếu chúng ta chấp nhận có thể sống đơn giản lại, có thể là chật vật một chút; nếu chúng ta có thể tạm gác qua một bên những ước mơ về vật chất, học vấn, công danh sự nghiệp của chính mình để dành trọn thì giờ cho con, đó là điều quý nhất chúng ta có thể làm cho con cũng như cho hạnh phúc của gia đình và sự an toàn của xã hội. Các thống kê cho biết, tỉ số các bà mẹ đi làm và tỷ số thanh thiếu niên phạm pháp gia tăng song song với nhau. Tại Hoa Kỳ, trong thập niên 60 chỉ có 30-32% các bà mẹ đi làm, ngày nay số bà mẹ có con nhỏ đi làm lên đến 72%. Và con số các em thiếu nhi, thiếu niên phạm pháp, bạo hành ngày nay gia tăng như thế nào chúng ta đều biết. Nhiều khi chúng ta nghĩ rằng thương con mình phải gởi con đi làm, để có tiền cung ứng cho con đầy đủ vật chất, để con khỏi mặc cảm với bạn bè, con được ăn học đến nơi đến chốn, để con có một tương lai tươi sáng, có đời sống tốt đẹp. Nhưng các bạn biết không, đó là điều chúng ta nghĩ là con cần chứ không phải là điều các em thật sự cần ngay trong lúc này. Điều mà con chúng ta cần và mong muốn nhiều nhất, kể cả những em trong tuổi thanh thiếu niên, là muốn có mẹ ở bên cạnh khi các em cần đến. Thương con và muốn con được đầy đủ vật chất, chúng ta ra sức đi làm. Vì đi làm mệt nhọc, tinh thần chúng ta bị căng thẳng. Khi tinh thần căng thẳng và thân xác mỏi mệt vợ chồng cau có với nhau, phiền giận nhau, cha mẹ bực bội với con cái, con cái không được cha mẹ chăm sóc gần gũi cũng buồn bực khó chịu. Tất cả những điều đó khiến không khí trong gia đình căng thẳng, con cái sợ hãi, lo lắng, bất an. Vì đặt thứ tự ưu tiên sai chỗ, chúng ta vô tình đem lại thiệt hại và đau buồn cho những đứa con mà chúng ta yêu thương hơn hết.
Chúng ta, nghe những lời tâm tình sau đây để thấy con cái cần mẹ có mặt ở nhà như thế nào.

- Một thanh niên 27 tuổi nói: Khi học lớp 8, tôi học tệ lắm nên cha mẹ tôi rất buồn. Cô giáo nói tôi thông minh nhưng không chịu cố gắng. Lên trung học tôi càng học dở hơn nữa. Mẹ tôi lo lắm, lúc đó có người đề nghị mẹ tôi nên nghỉ làm để dạy tôi học ở nhà. Mẹ tôi liền thử nghỉ làm ở nhà dạy tôi. Từ đó gia đình chúng tôi không còn đi ăn tiệm, cũng không còn những chuyến nghỉ hè xa. Cha mẹ tôi cũng không còn đi xe mới như trước, nhưng điểm của tôi bắt đầu khá lên. Nhờ mẹ can đảm nghỉ làm, ở nhà lo cho tôi trong thời gian tôi cần mẹ nên tôi đã vượt qua những khó khăn trong tuổi thiếu niên. Hôm nay tôi đã học xong chương trình cao học. Tất cả là nhờ ở sự hy sinh của mẹ tôi.

- Một em bé gái 8 tuổi nói: "Mỗi ngày mẹ giúp em làm toán, đọc sách. Có khi mẹ chơi trò chơi với em. Khi em bị té trầy chân, mẹ xức thuốc rồi băng lại cho em. Mỗi buổi chiều em đi học về, mẹ đón em ở chỗ xe bus, dẫn em về nhà, cho em uống sữa, ăn bánh. Khi đi học về, em thích có mẹ ở nhà, em không thích về căn nhà trống không, không có mẹ".

- Một bà mẹ có ba đứa con nhỏ, từ hai đến sáu tuổi. Mỗi buổi tối, khi mẹ dỗ đi ngủ các em thường hỏi: “Mẹ ơi, mai mẹ có phải đi làm không?” Bà mẹ nói: “Có, mai mẹ phải đi làm.” Mấy đứa bé nói: “Mẹ đi làm một ngày nữa thôi phải không?” Bà mẹ rất buồn nhưng không biết trả lời làm sao. Ít lâu sau, bà mẹ bị đau chân phải ở nhà suốt ba tuần, mấy đứa con ngày nào cũng vây quanh mẹ, rất là sung sướng. Tối đến, các em cũng hỏi: “Mai mẹ có đi làm không?” Khi mẹ nói: “Mai mẹ không đi làm, mẹ ở nhà với mấy đứa con.” Ba em nhỏ reo lên sung sướng. Nhìn thấy nỗi vui sướng rõ ràng của các con khi được có mẹ ở nhà, bà mẹ đó quyết định nghỉ việc ở nhà với con. Ngày nay đã năm năm trôi qua, người mẹ đã giúp mình nhìn thấy đâu là ưu tiên trong đời, và đã quyết định đúng.

- Một em gái 4 tuổi. Mỗi ngày mẹ đi làm em chạy theo khóc. Mẹ bảo đừng khóc, mẹ đi làm để có tiền mua áo quần, đồ chơi cho con. Sáng hôm sau, khi mẹ bước ra cửa, đứa bé chạy vào phòng lấy mấy mươi xu đưa cho mẹ nói: “Mẹ ơi, con cho mẹ tiền nè, mẹ ở nhà với con nhe".!

Chúng ta thường nhận thư Chủ nhật vừa qua hoặc có đọc những tờ quảng cáo gởi đến nhà trong tuần này, có lẽ ta thấy hầu hết các báo chỉ quảng cáo một điều, đó là những món quà để chúng ta mua cho mẹ nhân dịp Mother’s Day vào cuối tuần này. Tờ quảng cáo nào cũng thật đẹp, đầy đủ các loại nữ trang, quần áo, giày dép, vật dụng cho nhà bếp, phòng ngủ, các loại cây kiểng, hoa, các loại mỹ phẩm, nước hoa, khung hình, v.v… Tất cả những gì mà các bà mẹ thường cần dùng hoặc yêu chuộng. Mỗi tờ báo cũng có một câu quảng cáo riêng như:

- Đây là những món quà hoàn hảo nhất!
- Hãy cảm ơn mẹ bằng món quà đặc biệt nhất!
Tờ thì ghi:
- Hãy tặng mẹ món quà khiến mẹ mỉm cười sung sướng!-
- Hãy đãi ngộ mẹ bằng món quà độc đáo nhất!
- Hãy làm cho ngày đặc biệt của mẹ sáng chói như vàng!
- Hãy làm cho mẹ ngạc nhiên sung sướng với món quà trong trang này!
- Đây là những món quà hợp với nhu cầu của mẹ nhất!
- Đây là món quà nói lên lòng quan tâm của ta nhất.
- Hãy tặng món quà này để nói lên tình yêu sâu đậm ta dành cho mẹ.v.v…

Dĩ nhiên mục đích của người quảng cáo là nói thế nào để món hàng của mình bán chạy nhất. Ngày Từ Mẫu là dịp tốt để chúng ta tặng quà cho người đã mang nặng đẻ đau để đem chúng ta vào đời, và đã chịu bao nhiêu khổ cực để nuôi dạy chúng ta nên người. Tuy nhiên, nhu cầu lớn nhất của mẹ, điều mà mẹ cần, mẹ quý và mong muốn nhận được nơi con cái hơn hết không phải là những món quà bày bán trong các cửa hàng mà là "Tình Thương Yêu Chân Thành của con cái". Tình thương đó bao gồm lòng biết ơn, kính trọng, thông cảm và chấp nhận. Đây là điều mà các bà mẹ trông mong được nhìn thấy và cảm nhận nơi những đứa con đã trưởng thành. Những điều này tiền bạc không mua được mà vật chất hay quà cáp cũng không thay thế được.
Như chúng ta đều biết, khi con còn nhỏ con cần mẹ, nhưng khi con đã lớn mẹ rất cần con. Mẹ cần tình thương của con, mẹ cần thì giờ, cần sự hiện diện của con, nhất là sự kính trọng và thông cảm của con. Khi một người đã làm xong một công tác hay một trách nhiệm nào, người đó thường hay nhìn lại việc mình làm để lượng giá. Những bậc phụ huynh có con cái đã lớn, đã ra đời tự lập cũng thường nhìn lại quá khứ, nghĩ lại cách mình nuôi dạy con ngày trước và vì là con người bất toàn, các cụ không khỏi có những lỗi lầm mà bây giờ ân hận và hối tiếc. Nếu trong một trách nhiệm nào khác, chúng ta có thể nhìn lại, lượng giá công việc của mình và rút kinh nghiệm cho lần tới. Trong trách nhiệm làm cha mẹ, chúng ta không có cơ hội thứ hai, chúng ta cũng không thể quay ngược thời gian để sửa lại những điều sai trật. Vì lý do đó, nỗi ân hận hối tiếc của cha mẹ rất lớn và cha mẹ chỉ mong con cái thông cảm, bỏ qua và vẫn một lòng kính yêu cha mẹ.
Nếu những người con định mua một món quà đặc biệt để tặng cho mẹ vào Chủ Nhật này, đó là điều tốt, nên làm. Nhưng nếu chúng ta dùng món quà đó để thay thế lòng thương yêu và biết ơn mẹ, để khỏi phải đối diện với mẹ, món quà đó sẽ không có ý nghĩa gì. Hoặc nếu chúng ta tặng quà cho mẹ như là một thông lệ, không kèm theo lòng thương yêu chân thành, món quà đó cũng vô nghĩa. Ngược lại, nếu chúng ta làm được những điều sau đây trước khi tặng quà cho mẹ hoặc kèm với món quà cho mẹ thì chúng ta thật sự tặng cho mẹ một món quà quý giá, đúng với điều mẹ đang cần.
Trước hết, nếu chúng ta có điều gì buồn giận mẹ, hãy bỏ qua và quên đi. Dù mẹ có làm điều gì khiến ta buồn, mẹ cũng là người yêu thương ta nhất trên đời và chắc chắn là mẹ không cố tình gây đau buồn cho ta. Nếu chúng ta đã làm một điều gì cho mẹ buồn trong những ngày qua hay những năm tháng qua, dù ta lầm lỡ chứ không cố tình, hãy xin lỗi mẹ và bằng mọi cách giải hòa với mẹ. Nếu chúng ta đã thiếu sót trong bổn phận làm con, đã có những hành động hay lời nói làm mẹ bị tổn thương, đây là dịp tốt để chúng ta nhận lỗi, xin lỗi và làm một điều gì đó để cho mẹ cảm nhận được tình thương của ta. Nếu những tháng ngày qua vì bận rộn, chúng ta đã quên thăm hỏi, chăm sóc mẹ, hãy dành thì giờ cho mẹ, gọi điện thoại, viết thư nếu mẹ ở xa. Nếu mẹ ở gần, đưa con cái đến thăm.
Nếu chúng ta không làm những điều kể trên để nối lại tình mẹ con, để bày tỏ lòng thương yêu, hiếu kính của ta đối với mẹ, sẽ không ai làm thay cho chúng ta. Chúng ta chỉ có một người mẹ duy nhất trong đời, dù mẹ có đông con, ta vẫn chiếm một chỗ đặc biệt trong trái tim của mẹ. Hãy làm điều ta có thể làm hôm nay để tình mẹ con được tốt đẹp, ngọt ngào, vì ngày mai cơ hội sẽ không còn.

"Hãy hiếu kính cha mẹ, cho Người được sống lâu trên cỏi trần. Chớ lánh xa họ khi Người trở nên già yếu".

Chúng ta cùng chia xẻ với nhau qua lời tâm tình của một người con: Trong tâm trí tôi mẹ tôi lúc nào cũng 50 tuổi, khoẻ mạnh, vui vẻ và sẵn sàng hỗ trợ con cái trong mọi việc. Khi gọi điện thoại hay viết thư cho mẹ, tôi cũng luôn luôn giữ trong trí hình ảnh một người đàn bà năm mươi tuổi, vui vẻ, khỏe mạnh, đó là người mẹ mà tôi nói chuyện qua cánh thư hay qua điện thoại. Mẹ là người duy nhất mà anh em chúng tôi chạy đến mỗi khi gặp nan đề trong đời sống. Lúc nào mẹ cũng có thì giờ cho chúng tôi. Không bao giờ mẹ nói: mẹ bận quá, hẹn con khi khác. Không, chúng tôi là ưu tiên trong cuộc đời của mẹ. Và dù nan đề lớn bao nhiêu, khó bao nhiêu, mẹ cũng giúp chúng tôi tìm ra lời giải đáp. Mẹ cầu nguyện cho chúng tôi và dùng những lời khuyên giải giúp chúng tôi nhìn thấy vấn đề và giải quyết theo phương cách tốt đẹp nhất. Gần đây được gặp lại mẹ, lòng tôi đau đớn khi thấy lưng mẹ đã hơi còm, làn da mẹ nhăn hơn trước, bước đi và cử chỉ của mẹ chậm chạp chứ không nhanh nhẹn như trước. Khi bước lên bậc tam cấp, mẹ phải bám víu vào một vật gì hay người bên cạnh, tôi ngoảnh mặt đi không dám nhìn. Một thực tế phũ phàng đánh mạnh vào tâm trí tôi: Thực tế đó là: Mẹ tôi đã già. Dù tôi không muốn, không chấp nhận và dù tôi có cố gắng làm gì đi nữa, sự thật trước mắt là mẹ tôi hôm nay không còn là một phụ nữ trung niên, ở tuổi năm mươi, khỏe mạnh, tươi vui nhưng là một bà cụ già yếu ớt, mắt không nhìn rõ, chân bước không vững vàng, không còn sức lực như những ngày trước.
Tại sao sự kiện mẹ tôi trở nên già yếu khiến tôi đau buồn? Tại sao tôi không muốn chấp nhận thực tế đó? Bởi vì công nhận mẹ đã già có nghĩa là một ngày kia mẹ sẽ không còn trên đời này nữa và tôi sẽ mất mẹ vĩnh viễn.
Một ngày kia tôi sẽ gọi điện thoại cho mẹ để nói chuyện, là điều tôi vẫn làm hằng trăm hằng ngàn lần trước kia, làm một cách thường xuyên, không suy nghĩ, nhưng mẹ sẽ không còn đó nữa để trả lời điện thoại cho tôi. Nếu tôi viết thư cho mẹ, mẹ sẽ không nhận, không đọc và tôi sẽ chẳng bao giờ nhận được hồi âm. Khi gặp khó khăn trong cuộc sống, tôi sẽ không thể chạy đến với mẹ để được khuyên răn, an ủi, vỗ về. Tôi sẽ mất đi một người suốt đời nâng đỡ tôi bằng lời cầu nguyện. Tôi không muốn chấp nhận cái sự thật đau đớn, một sự thật không tránh được là mẹ tôi đang mỗi ngày một già yếu hơn, vì thực tế đó đau đớn quá. Nếu mẹ không còn trên đời này, khi gặp khó khăn tôi biết chạy đến với ai để tìm sự an ủi, hướng dẫn? Mẹ là người thương tôi, hiểu tôi và dìu dắt tôi suốt cả cuộc đời. Vì thế tôi sẽ lừa dối chính mình và nghĩ rằng mẹ chỉ mới năm mươi tuổi và mẹ sẽ sống mãi để tôi có thể nương tựa. Tại sao thời gian trôi mau quá như vậy, những năm tháng trong quá khứ đã đi về đâu? Tôi không có câu trả lời, nhưng tôi chỉ biết một điều, tôi là người may mắn được có một người mẹ như mẹ của tôi, và ngày nào mẹ còn sống, ngày đó tôi tiếp tục cảm tạ ơn Trên đã dành tặng cho đời tôi một người Mẹ. Tôi sẽ cố gắng làm những gì tôi có thể làm được để những ngày cuối cùng của mẹ trên đời này được thỏa vui nhẹ nhàng, và để khi mẹ không còn nữa, tôi sẽ thương nhớ mẹ với tấm lòng thanh thản vì tôi đã làm tròn bổn phận của một người con.
Trang trọng kính chúc tất cả quý bà mẹ một ngày Mother’s Day vui vẻ, phước hạnh bên con cháu.

Thứ Năm, 1 tháng 5, 2025

MỘT CHẶN ĐỜI 50 NĂM (1975 - 1925)

 


MỘT CHẶN ĐỜI 50 NĂM
(1975 - 1925)

Chiến tranh là một nỗi đau dằn vặt của nhân loại vì không ai muốn nó xảy ra, nhưng chiến tranh vẫn cứ xảy đến như một điều kiện cần thiết biện minh cho sự tồn tại của thế giới con người. Ngày Ba mươi tháng 4 năm 1975 là một cột mốc đánh dấu một biến cố chính trị trong lịch sử chính trị thế giới, ngày cuộc chiến tranh Việt Nam (1954-1975) chấm dứt.

Đấy là một bi kịch đối với những con người Việt nam lưu vong thế hệ đầu tiên đến Hoa Kỳ và các nước khác trên thế giới sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Cho đến hôm nay thế hệ ấy còn rất ít và trong đó có tôi, tuy cuộc sống trên quê hương thứ hai thật đầy đủ, thật trọn vẹn cho một giấc mơ hoàn hảo, nhưng trong hồn tôi vẫn khôn nguôi nỗi ám ảnh lưu đày vì mãi chèo chiếc thuyền đời mình lênh đênh trên dòng sông xa cội nguồn gốc rễ.

THÁNG 4 VỚI KỶ NIỆM
ĐAU THƯƠNG KHÓ QUÊN.!

Tháng của sự hoảng loạn, lo âu và cuối cùng là phải rời bỏ quê hương bắt đầu MỘT KIẾP SỐNG MỚI với những ngày lưu lạc.

Ba mươi tháng 4, ngày tất cả người dân ở miền Nam VN CỘNG HÒA PHẢI ĐỔI KIẾP. Tất cả chúng ta bỗng dưng ” bừng con mắt dậy thấy mình tay không “. Không nhà cửa, danh vọng , tiền bạc. Đang có cuộc sống đầy đủ, an vui, tự do. Chỉ vài ngày, cả một cuộc đời như bị xóa hết để trở thành những người khốn khổ trắng tay. Một số phải rời bỏ quê hương. Số còn kẹt lại bị trù dập, trăm cay nghìn đắng.

Sau 30/4/1975 quê hương chúng ta đã nghìn trùng xa cách cho những người phải ra đi. Những người còn kẹt lại thì dù vẫn được sống trên quê hương nhưng đã là một quê hương hoàn toàn đổi mới dưới ách thống trị của cộng sản. Những ngày tự do, êm ấm cũng không còn nữa.

Ngày lụn xuân tàn thuở ấy, cách nay đã 50 năm (1975 - 2025). Một cuộc đổi mới dẫn đến loạn lạc xã hội, ly tán gia đình. Máu tiếp tục đổ sau chiến tranh.

Lệ nóng trào tuôn, hòa thêm vị mặn trên đại dương thống khổ. Hàng trăm nghìn gia đình bị đẩy lên những vùng rừng thiêng nước độc để canh tác mưu sinh lập đời mới. Hàng trăm nghìn sĩ quan, công chức chế độ cũ bị biệt giam hoặc bị cưỡng bức lao động khổ sai trong những trại tù ở những mật khu tận những rừng già sâu thẳm xa xôi. Và, từng đoàn người già trẻ dắt díu nhau băng rừng vượt biên, xuống thuyền vượt biển, tìm đến những vùng trời tự do. Lên rừng, xuống biển, có vẻ như lặp lại huyền sử mấy ngàn năm của tộc Việt. Nhưng cuộc chia tay trong lịch sử cận đại không chỉ có năm mươi con lên núi, năm mươi con xuống biển, mà là cả triệu con dân, hớt hãi tìm đường sống, âm thầm trong đêm, mẹ cha câm nín, con trẻ nén khóc, rón rén những bước chân hồi hộp, run sợ. Nỗi đau thương thống hận ngập tràn của ngần ấy con người, ngần ấy gia đình, không hề được ghi vào sử sách giáo khoa, mà chỉ được ngậm ngùi khơi dậy trong tâm khảm những người tị nạn năm xưa, đã là những cổ nhân hữu danh vô danh, hay đang là những người lão niên lặng lẽ đời mình ở những vùng trời phương xa, đất khách quê người...