Thứ Tư, 30 tháng 4, 2025

TRƯỜNG XƯA






                Lớp Đệ nhị B1 niên khóa 1961-1962


Chúng ta lạc, giữa dòng đời xuôi ngược
Giữa bộn bề những toan tính thiệt hơn
Nhìn ngoảnh lại bảy mươi năm có lẻ
Có đứa còn, có bạn hóa hư vô

Muôn Màu Hoa Nở

  
Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, tác giả Cung Oán Ngâm Khúc, đã diễn tả sắc đẹp ước lệ của cung nữ bằng 4 câu thơ tuyệt tác:


Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn
Lửng lưng trời nhạn ngẩn ngơ sa
Hương trời đắm nguyệt, say hoa
Tây Thi mất vía Hằng Nga giật mình


Bốn câu thơ trên đã ví von vẻ đẹp cung nữ với 4 vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành của Tứ Đại Mỹ Nhân trong sử sách Trung Hoa: Trầm ngư-lạc nhạn-bế nguyệt-tu hoa:

Tứ đại mỹ nhân trong lịch sử
Trung Hoa phong kiến của ngày xưa
Toa nhân mặc khách lòng xao xuyến
Sắc đẹp kiêu sa thấy mặn mà


- Vẻ đẹp trầm ngư- cá lặn, của Tậy Thi
- Vẻ đẹp lạc nhạn-chim sa, của Chiêu Quân
- Vẻ đẹp bế nguyệt- đắm nguyệt, của Điêu Thuyền
- Vẻ đẹp tu hoa-say hoa, của Dương Quý Phi


Nha Trang, thành phố của cát trắng dừa xanh, khoảng thập niên 60-70 cũng có 4 người đẹp trong giới giáo chức, luôn luôn bối tóc đến trường, được học sinh và giáo chức Võ Tánh và Nữ Trung Học thân tặng danh hiệu Tứ Đại Mỹ Nhân:


- Nàng Chiêu Quân, Hiệu Trưởng Huyền Trân-Nữ Trung Học: Diệu Trang
- Nàng Điêu Thuyền, GS hội họa Nữ Trung Học: Thanh Trí
- Nàng Dương Quý Phi, GS Trường Võ Tánh: Tường Qui
- Nàng Tây Thi, GS Pháp văn Trường Võ Tánh: Kim Thành


TÌM VỀ TRƯỜNG XƯA


 

Tôi nhớ ! gợi lòng về chốn cũ
Thăm lại trường xưa tuổi học trò
Ôi !Võ Tánh Nha Trang hai mùa mưa nắng
Khó mà quên!
Một thuở mặn nồng
Ngày đêm khắc khoải!

Mấy mươi năm dài nương đời viễn xứ
Chừ gặp nhau tay bắt mặt mừng
Mừng anh vẫn khỏe
Mừng chị vẫn tươi
Tóc đã điểm sương mà nụ cười chưa héo
Thương những bạn hiền khuất cuối chân mây

Học trò tôi tuổi cũng khá đầy
Bên cô giáo cũ lòng như mở hội
Những ánh mắt
Những cánh tay
Những hân hoan rộn ràng dấu ái
Là hoa xuân nở rộ giữa mùa đông
Là tinh khôi hạnh phúc vô ngần...

“Cô nhớ em không?
Cô nhớ em không?
Phấn trắng trên tay cô để đâu rồi?...”

Hoài niệm bồi hồi
Theo từng câu hỏi
Hoài niệm mơn man
Theo từng khuôn mặt đậm nét thời gian
Tim tôi rưng rưng
Vội vàng mở cửa
Cố ngăn dòng lệ ứa
Sợ mắt ướt nhạt nhòe lộ nét phôi phai

Tuổi đời qua nhanh
Đã mấy lần mười hai con giáp
Tiếc quá tháng ngày êm ả trôi xa
Tiếc tiếng sóng vỗ ru hồn thức giả
Tiếc con đường bóng ngã
Rợp dáng thư sinh...

Nghĩ mà đau
Bình minh gần kề sao nghe vời vợi
Trên gác vắng mình tôi đứng đợi
Chờ mặt trời sưởi ấm một hoài mong...
Võ Tánh!
Nha Trang!
Biết đến bao giờ ...?!

                                                                             

Trải bao thăng trầm mình lại gặp nhau

Rất đổi thân thương như thời còn đi học

Oà vỡ niềm vui, quên trên đầu hai thứ tóc

Ký ức hiện về

Thời gian thắm thoát tựa thoi đưa

Xa mái trường xưa

Khắp bốn phương trời chim tung cánh

Thế sự đổi thay

Bạn bè chúng ta mỗi người mỗi cảnh

Mặc cảm đời giàu nghèo hay vinh nhục

Trong thanh thảnh tâm hồn

Mình vẫn nhớ mãi tuổi trăng tròn...


Cho tôi về lại ngày xưa ấy!
Để nhớ quê nghèo với nắng mưa
Mắc võng ru mình bên hiên vắng
Nhìn gió đẩy đưa mấy liếp dừa

Đem tôi trở lại thời thơ ấu
Nhắc nhớ, lời ru của Mẹ hiền
Phe phẩy quạt mo trời oi bức 
Cho con tròn giấc của tuổi thơ.


Đưa tôi về lại mùa thu nắng...
Thuở mới vào yêu…thật dại khờ

Ngồi chép thư tình thâu đêm vắng
Nghĩ lại ghép vần những lời thơ

Để tôi nhớ lại tình yêu cũ
Xem mình còn biết bởi vì đâu!
Hai đứa mỗi nơi  không từ biệt
Chưa kịp sang mùa …đã mưa ngâu.!

Trong tuổi học trò, chúng ta hầu như ai cũng đều thuộc bài hát “Trường Làng tôi” của nhạc sĩ Phạm Trọng (Phạm Trọng Cầu) sau đây:

Trường làng tôi cây xanh lá vây quanh
Muôn chim hót vang lên êm đềm
                 Lên trường tôi con đê bé xinh xinh                   
                 Len qua đám cây xanh nhẹ lướt.                                    Trường làng tôi hai gian lá đơn sơ                         Che trên miếng sân vuông mơ màng                   Trường làng tôi không giây phút tôi quên                     Dù cách xa muôn trùng người ơi…

Từ đó, lòng tôi nao nao nhớ về những ngôi trường với biết bao kỷ niệm tại Nha Trang…

Trường Nam Tiểu học Nha Trang

Khi gia đình thân phụ tôi về sống tại Nha Trang năm 1956, tôi đã học dở dang lớp Nhất trường Quang Trung Hà Nội nên thân phụ xin cho tôi vào học lớp Nhất H trường Nam Tiểu học (tôi nhớ thầy tôi tên là Nguyễn Địch Giỹ dạy lớp này) thường được gọi tắt là “Trường Nam”, nằm trên đường Hàn Thuyên. Tôi còn nhớ mãi là sân trường Nam thời ấy được tráng bằng đất sét có trộn lẫn với sỏi nhỏ. Mùa mưa, nhờ có sỏi cho nên sân trường không trơn lắm. Mùa nắng, nền đất rất cứng. Trong sân trường có hai loại cây chính là Bàng và Phượng, cây nào cũng thuộc loại cổ thụ, có lẽ đã được trồng từ bao nhiêu đời rồi. Cây to, cao lớn, tỏa bóng mát cho sân trường.

- Cây Bàng rất to và cao. Lá bàng là loại lá cây thật to và dày, khi còn trên cây thì có màu xanh lục đậm, lúc già thì chuyển sang màu vàng đậm rồi rụng xuống đất, phủ đầy sân trường. Ngoài công dụng làm “chất đốt” cho nhà nghèo, lá bàng còn thường được dùng làm miếng đệm để ngồi xuống đất cho khỏi dơ quần áo. Trái bàng to bằng cỡ hột trứng gà nhưng không tròn hẳn, khi chín thì chuyển sang màu vàng và rụng xuống, lớp “cơm” ngoài ăn rất thơm. Ăn hết lớp cơm ngoài thì đụng phải một lớp vỏ rất cứng có cạnh và hai đầu rất sắc. Để khô đến một mức nào đó, đập lớp vỏ này ra, bên trong ruột lại là một loại “hạt dẻ”, ăn rất bùi giống như hạnh nhân.

Cây Phượng cũng rất to và cao, nhưng lá phượng thì nhỏ, chỉ cỡ lớn hơn lá me. Lá phượng chẳng có công dụng gì ngoài việc tạo “việc làm” cho học sinh thực tập “vệ sinh trường lớp”. Nhưng phượng có hoa màu đỏ, một màu đỏ tươi thắm tuyệt vời, một màu đỏ trẻ trung vui vẻ, tượng trưng xứng đáng cho tuổi học trò, cho lứa tuổi vừa lớn, lứa tuổi “ô mai”. Khi hoa phượng già đi, màu đỏ có hơi sẫm hơn, cánh hoa trở nên mỏng manh, một cơn gió nhẹ thổi qua có thể làm các cánh hoa rơi lả tả, giống như xác pháo đốt vào ngày Tết hay ngày cưới. Phượng lại còn có trái, trái phượng có hình cánh cung, dài chừng hai, ba tấc; khi già, bóc ra, bên trong có nhiều hột nằm xếp hàng theo hình cánh cung, ăn có vị chát chát, bùi bùi, ngọt ngọt.

Vì hoa này trông giống đuôi chim phượng hoàng, nên người ta gọi là hoa cây “Phượng Vĩ” (vĩ là đuôi), sau gọi gọn lại là hoa Phượng, cây này có nguồn gốc ở đảo Madagascar, thuộc đia Pháp tại Châu Phi, nên Pháp đã mang giống cây này sang trồng ờ Việt Nam, đề loài hoa này gắn bó với cuộc đời học trò với biết bao vui buồn lẫn lộn. Nhiều người nhầm lẫn hoa phượng và hoa Điệp, hoa cũng tương tự hoa phượng, nhưng cây điệp nhỏ hơn và vì hoa điệp nhìn giống con bướm nên được gọi là hoa “Hồ Điệp” (con bướm), sau gọi gọn lại là hoa điệp.

Phượng cũng còn có nhiệm vụ vô hình nhưng rất là thân thiết với học trò, nhiệm vụ của một cái đồng hồ báo tin mùa hè đã về. Ai đã từng đi học mà chẳng mong…Hè về! Tuy đang bù đầu vì thi cử, nhất là thi đệ nhị lục cá nguyệt hoặc thi các cấp bằng tiểu và trung học, thoạt nhìn thấy màu hoa phượng nở là người cứ rạo rực, nôn nao hẳn lên. Bận rộn hơn, nhưng nhanh nhẹn hơn, vui vẻ hơn…Bên cạnh các bài thi là những tập “lưu bút ngày xanh” chuyền tay nhau, viết cho nhau…Rộn ràng, náo nhiệt…Rồi ngày chia tay về nghỉ hè đến, hoa phượng nở đỏ rực sân trường.

Cuối năm học ở trường Nam, tôi được lãnh phần thưởng danh dự là một cuốn “Việt Nam Tân Từ điển” của Thanh Nghị to tướng (và một vài cuốn sách nữa), mà cho tới ngày hôm nay, tôi vẫn còn giữ được kỳ niệm đó, dù giấy cuốn Từ điển đã biến thành màu vàng ố, nhiều trang sách bị rách tơi tả cùng năm tháng từ năm 1956 tới nay…

Trường Trung học Công lập Võ Tánh

Rồi sau đó, tôi thi đậu đệ thất và được vào học trường Trung học Võ Tánh, đây là một ngôi trường lớn thứ hai ở Miền Trung, chỉ đứng sau trường Quốc học Huế, hơn nữa, vì là một trường có lớp đệ Nhất nên học sinh sẽ được theo học suốt từ đệ Thất đến đệ Nhất (sau khi thi đậu bằng Tú tài I ), nên cũng là một niềm hãnh diện lớn lao cho chính bản thân mình và cũng là niềm vui cho gia đình. Ngôi trường này nằm trên con đường Bá đa Lộc, cũng có hàng cây Bàng xanh lá xum xuệ phía trước mặt trường và vài cây Phượng hoa đỏ thắm rải rác trong sân trường, rợp bóng mát cho học sinh trong những ngày nắng chói, nhưng so với trường Nam trước kia thì trường Võ Tánh ít cây bàng và phượng hơn nhiều. Dưới xa một chút là trường Pháp và tận cùng là khoảng trời của biển cả.

Lúc đó, ngôi trường đang xây dựng mới được nửa dãy lầu 2 tầng ở mặt trước. Thêm một nhà vệ sinh nối liền dãy trước với khu phòng học phía sau gồm 6 phòng. Đất sân trường còn rộng rãi với một sân đá bóng đầy cát trắng. Con đường trước mặt trường rợp bóng cây xanh. Trường tôi học sinh nam nữ còn học chung với nhau vì chưa có trường Nữ Trung học. Giáo sư trong trường thì Thầy nhiều hơn Cô. Đa số Thầy đi dạy bằng xe đạp, có chen vài chiếc Mobylette. Dọc theo con đường bên trái trường (nay là đường Hoàng hoa Thám) chỉ có một dãy nhà bằng fibro xi măng dành cho thầy Tổng Giám thị. Cuối dãy nhà này là một biệt thự nhỏ của thầy Hiệu trưởng. Chỉ bấy nhiêu thôi mà sao đầm ấm quá, dễ thương quá. Nam nữ học sinh đều mặc đồng phục, hiền hòa.

Tôi bùi ngùi nhớ lại tên của những vị như, thầy Lê khắc Nguyện, Lê nguyên Diệm (Hiệu trưởng), thầy Võ thành Điểm, Cao xuân Huy (Tổng Giám thị), thầy Nguyễn khoa Phước (Giám học, có vợ day Sử địa), thầy Bửu Thả dạy toán hiền lành và nhỏ nhẹ, làm giáo sư Hướng dẫn lớp tôi, đệ Tam B4 (sau diễm phúc lấy được cô nữ sinh hoa khôi Cẩm Vân, chị của Kim Anh ), thầy Nguyễn đức Nhơn (dạy Việt văn), thầy Nguyễn Tri Phương (dạy Toán), Trần thanh Lý (dạy Lý Hóa), thầy Đỗ quang Phiệt (dạy Anh văn), thầy Trần Đức Long (Luật sư, dạy Công dân giáo dục).v.v…Vài giáo sư nổi tiếng trong trường như :

- Thầy Nguyễn Vỹ (sinh 1901) vừa làm lễ Thượng thọ Bách niên vào năm 2002, tốt nghiệp trường Cao đằng Sư phạm Đông Dương, về dạy học ờ Qui Nhơn, Huế, Quảng Ngãi, về làm hiệu trưởng trường Võ Tánh (1957-58) sau về làm Thanh tra Trung học (1959-60) rồi về hưu. Xin đừng ngộ nhận với nhà thơ, nhà báo Nguyễn Vỹ (1912-1971) ở Sài Gòn nổi tiếng với báo Dân Ta và tạp chí Phổ Thông.

- Thầy Thạch Trung Giả (tên thật là Trần văn Long) dạy môn Việt văn. Nhiều người còn nhớ, một hôm đang trong giờ thầy giảng đoạn Kiều với Từ Hải…thì bất chợt một nữ sinh ngó lên bàn hàng trên, lơ đãng…Thầy Giả ngưng giảng, nhìn về phía chị và giân dữ mắng: - chị M. sao chị ngu xuẩn thế? Làm ồn trong lúc tôi đang giảng bài, chị biên cho tôi 100 lần “tôi không ngu xuẩn làm ồn trong giờ giảng bài”…Tuần sau thầy gọi chị ấy lên trả bài và chị nộp bài phạt, thầy nhận và hỏi chị: - Tôi giận mắng chị có buồn không? - Thưa thầy không ạ !!! Nhớ đến những lúc thầy bị ốm, sổ mũi, thầy không có khăn tay nên thầy lấy giấy học trò vò lại mà hỉ. Nghĩ lại hình ảnh đó mà thấy thương thầy. Các bạn ai đã học với thầy chắc cũng có một lần chứng kiến cảnh đó. Khi dạy Việt văn, thầy Thạch trung Giả tỏa ra phong thái của một nghệ sĩ, luôn mặc quần áo và mũ cối trắng nhưng đã ngả vàng, răng có dấu nhựa thuốc lào, trà đặc. Khi thầy giảng bài, cả lớp im phăng phắc như không chỉ nghe lời thầy nói mà còn thấy được hình ảnh mà thầy muốn đề cập…Học sinh sớm bắt gặp cái hay, cái đẹp của văn thơ, thầm cám ơn thầy.

Trong khi phê điểm Việt văn cho học sinh, dường như thầy cho theo cảm tính và tùy hứng. Cùng một sách luận đề, bốn năm đứa chúng tôi chép lại đem nộp và thầy đã phê điểm khác nhau rất xa. Thật là chán khi nhìn thấy hình dáng rất “Phở” của thầy. Thầy được học sinh tặng biệt danh “Phở” vì quần áo thầy trông rất luộm thuộm và bạc màu. Học Văn với thầy, học sinh phải đọc thêm sách báo mới đủ trình độ tiếp thu bài giảng của thầy, phải biết đặt câu hỏi mới lạ để thầy giải thích hầu mở rộng kiến thức. Trong cổ văn Việt Nam, các tác giả hầu hết đều học rộng, hiểu biết sâu sắc về Phật, Khổng, Lão nên các tác phẩm cũng bàng bạc tư tưởng cao siêu đó. Và đấy cũng là sở trường của thầy Thạch Trung Giả. Đôi lúc nhìn thầy giảng bài với đôi mắt lim dim, xuất thần như một đạo sĩ. Với đôi mắt và tâm hồn thoát tục đó, tôi nghĩ chắc rằng thầy không nhớ nổi 10 đứa học trò trong hàng ngàn đứa đã học với thầy. Nữ sinh Nguyễn thị Hoàng đã từng làm một bài luận văn dài 20 trang giấy lớn, được thầy chấm 20/20 điểm và đem vào đọc và bình cho cả lớp nghe.

Vào một buổi chiều cuối năm, những buổi như vậy học sinh thường rất lười vì thích đi chợ Tết Nha Trang (thường họp từ bùng binh đầu đường Độc Lập, tiếp nối đường Phan Bội Châu đến Chợ Đầm), lớp học vẫn đông đủ học sinh trong giờ Việt văn của thầy. Thầy diện một bộ quần áo mới, veston bên ngoài, trông thầy ra dáng một trung niên đạo sĩ lắm. Thầy say sưa giảng về Tản Đà với giấc mộng lớn , giấc mộng con. Cả lớp say mê theo dõi, lớp học im phăng phắc. Học sinh như những tín đồ ngoan đạo đang uống từng lời của thầy và thầy đang xuất thần như một thiền sư hay đạo sĩ trong lời giảng trầm trầm. Bỗng một tiếng “Phở” thật to rao lên ngoài đường vang dội vào lớp học, cả lớp bật cười. Thầy tỉnh mộng cũng cười theo. Tiếng cười chưa dứt lời, thầy chêm thêm một câu:

- Tôi như thế này mà “Phở” à! Các anh cứ !!!...

Rồi thầy lại cười, cười chảy nước mắt. Từ đó mọi người biết rằng biệt danh Phở đã đến tai thầy và thầy đã thay đổi y phục tươm tất hơn trước…

Nhiều người cho biết là cứ đến mùa hè là thầy Giả lên chùa Vào Hạ (một khóa học của các tu sĩ), tham thiền với các vị sư và trong thời gian sau năm 1975, thầy Giả thường hay lên chùa và thầy đã mất tại chùa., vì hoàn cảnh khó khăn, chùa quá nghèo nên không có tiền mua hòm nên các vị sư chỉ còn cách quấn chiếu và tìm ván cũ đóng lại chôn thầy…

Học sinh trường Võ Tánh Nha Trang cảm thương thầy quá..Thầy ơi! Thầy ơi!

- Thầy Bửu Cân: Môn chính của thầy là Vạn vật, nhưng thầy có dạy cả Sử Địa và Công dân giáo dục nữa. Học trò của thầy thuộc lớp tiền bối là cỡ các học giả Hoàng xuân Hãn, Thái văn Kiểm, thẩm phán Trần thúc Linh…Chúng tôi kính thầy như cha! Mà có lẽ thầy cũng coi chúng tôi như con! Lúc còn học thầy, chúng tôi rất sợ thầy, nhưng vì tuổi còn nhỏ nên nhiều lúc chúng tôi đã…rất phiền thầy! Chúng tôi thấy thầy nghiêm khắc quá, khó tính quá, gay gắt quá, đôi lúc gàn dở và tàn nhẫn quá…Cùng với tuổi đời, cùng với kinh nghiệm thực tế, chúng tôi thất là đã hiểu được thầy.


Tiểu sử sơ lược của thầy Bửu Cân:

Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm năm 1923, thầy là sinh viên trẻ nhất (21 tuổi) cùa khóa Sư phạm đầu tiên mở tại Hà Nội

Giáo sư Toán Lý Hóa College Vinh, trung học Khải Định. Đổi ra Thanh Hóa, dạy trường Đào duy Từ, sau về trường Võ Tánh Nha Trang từ năm 1952 cho đến ngày hưu trí.

Tận tụy với thiên chức nhà giáo, thầy thành lập và làm hiệu trưởng trường trung học tư thục Đăng Khoa Nha Trang trong một thời gian ngắn. Ngoài một số sách giáo khoa, thầy đã viết: - Hán Việt Thành ngữ - Lễ Mệnh Tiếu – Những người hay – Vi Trùng học – Ông Pasteur, nhà bác học…

Theo trí nhớ của riêng tôi và một vài bạn khác thì thầy có nhiều kỷ niệm như sau:

- Thầy vẽ hình Vạn vật và viết chữ rất đẹp. Đứng trên bảng đen trong lớp, thầy quay mặt nhìn học trò, chỉ hơi nghiêng người một chút mà tay phải thầy cầm phấn vẽ và viết lên bảng rất đẹp, rất đều và rất ngay hàng thẳng lối.

- Thầy hay nói chuyện đời hay kể chuyện vui để cho không khí học đỡ buồn ngủ. Một hôm thầy hỏi “Tối nay có bài phải học mà lại có một phim xi nê rất hay còn chiếu bữa chót, nên ở nhà học bài hay nên đi coi xi nê?”. Các anh nghĩ coi, ở cái tuổi học trò ngày đó, có đứa nào dám trả lời là không ở nhà học bài Nhiều đứa trong đám chúng tôi nhao nhao lên “Thưa thầy con ở nhà học bài” cứ làm như mình ngoan lắm. Thầy mỉm cười, phán ngay “Tụi bay ngu lắm, bài thì lúc nào học chả được, phim hay biết đến bao giờ mới chiếu lại”.

- Một hôm thi lục cá nguyệt, lúc bước vào lớp thầy đưa tay kéo cánh cửa lớp học nằm ở vị trí xéo cỡ 45 độ, mà chúng tôi không đứa nào để ý. Thầy mang theo một tờ báo hàng ngày. Sau khi ra đề thi xong, thầy ngồi tại bàn, lúc thì quay ghế nhìn ra cửa lớp, lúc thì mở rộng tờ báo để đọc. Tuyệt nhiên thầy không hề nhìn xuống đám học trò. Một lúc, thầy bước xuống, tới ngay chỗ một em đang giở sách dấu dưới bàn để “quay cóp”. Thầy lôi cuốn sách ra, để ngay lên bàn và bảo người học trò “Tau cho mi để trên bàn mà chép. Tau không muốn mi ngày sau trở thành một thằng ăn cắp”. Mãi sau này chúng tôi mới khám phá ra là trên tờ báo thầy giả vờ đọc, thầy đã khoét sẵn một lỗ nhỏ, qua đó thầy nhìn xuống đám học trò. Hoặc khi nhìn ra cửa, cánh cửa kính ở vị trí 45 độ phản chiếu toàn bộ đám học trò trong lớp học vào con mắt của thầy.

- Thầy thường giảng cho họ trò nghe về “cái học trong trường” và “cái sống ngoài đời” khác nhau thế nào: Thầy bảo “Tụi bây muốn được nhiều điểm, tao cho nhiều. Tụi bây ưng phê học bạ tốt, tao phê cho. Nhưng sau này ra ngoài đời những thứ này sẽ không giúp được gì cho tụi bay đâu. Tụi bây muốn thành công, phải sống “không tranh giành, không nịnh bợ, không gian xảo, không lòn cúi, không lừa đảo, phải sống cho ngay thẳng, hiên ngang, nỗ lực…”.

- Trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, tôi luôn luôn nhớ các buổi học với thầy, nó đã hướng tôi vào cuộc sống đạo đức và sống vui, coi cuộc đời như một trò chơi lớn chứ không như giấc mộng. Thầy đối xử bình đẳng với mọi học trò, thầy yêu thương tất cả. Thật là một lối dạy cao thượng, tôn trong con người, giống phương pháp dạy của Đức Phật “Mỗi người hãy tự thắp đuốc mà đi”. Chúng tôi xin tri ân Thầy Bửu Cân đã dạy cho bài học chỉ gồm có 8 chữ ngắn gọn nhưng thật nhiều ngụ ý.

Nha Trang, đó là thành phố của tình yêu và chia biệt, thành phố của những mối tình hè, của những con sóng vô tình, những dấu chân bị nước cuốn đi, không để lại một vết tích nào, như thể trước đó nó không tồn tại…

Khánh Hòa - Nha Trang là nơi quy tụ nhiều hào kiệt, riêng ở lãnh vực Văn học nghệ thuật đã xuất hiện nhiều nhân tài xuất sắc:

Trường Võ Tánh của tôi xuất thân nhiều nhân tài về “toán học và văn học”, như:

- Thầy Nguyễn Xuân Vinh (sinh năm 1930): dạy Toán đệ Nhất, lần đầu tiên học sinh có sách “Toán lớp Đệ Nhất B” xừ dụng, thầy rất giỏi môn Toán cao cấp, nên về sau thầy sang Hoa Kỳ vào làm trong cơ quan Hàng không và Vũ trụ NASA, đem lại niềm vinh dự cho con người Việt Nam.

Thầy là giáo sư danh dự ngành kỹ thuật Không gian đại học Michigan, là nhà toán học, nhà khoa học Không gian xuất sắc, Tiến sĩ Toán học đại học Sorbonne, Paris. Năm 1984, thầy là người Mỹ thứ ba và là người châu Á đầu tiên được bầu vào Viện Hàn lâm Quốc gia Hàng không và Không gian của Pháp. . Thầy viết sách “Gương danh tướng”, “Theo Ánh tinh cầu” và nhất là sách “Đời Phi công” với bút danh là Toàn Phong được nhiều học sinh thích thú tìm đọc.

- Thầy Cung Giũ Nguyên: dạy Pháp văn ở trường Võ Tánh, sau làm hiệu trưởng trường bán công Lê Quý Đôn Nha Trang, đã viết nhiều tác phầm nổi tiếng bằng Pháp vặn. Hiện tại Hoa Kỳ , nhóm cựu học sinh trường Võ Tánh và Nữ Trung học mới thành lập Trung tâm Cung giũ Nguyên (bao gồm Quỹ Học bổng giúp học sinh nghèo tỉnh Khánh Hòa – Nha Trang).

- Nguyễn thị Hoàng, nữ sinh năm đệ Tam (1956-57) đã nổi tiếng khắp trường Võ Tánh với một bài luận văn dài 20 trang giấy lớn, được đem vào nhiều lớp để đọc cho học sinh nghe và nhất là bài thơ “Chi lạ rứa”. Chị là người có nhiều tai tiếng với một vị thầy cao niên, sau chị cũng dạy học và viết tiểu thuyết “Vòng tay Học trò” – gây xôn xao lớn cho văn nghệ miền Nam, mà nhân vật Minh , thực ra là Mai tiến Thành chỉ học lớp đệ Tam (không phải đệ Nhất như trong sách) khá đẹp trai kiểu “Playboy”, con nhà giàu ở Ban mê Thuột sau này về Sài Gòn anh ta viết cuốn sách “Tiếng hát Học trò” để trả lời cuốn Vòng tay Học trò. Chị Hoàng hồi đó, người nhỏ, dân Huế rặt, thân hình “bốc lửa”, nhan sắc trung bình, rất lãng mạn, có tài văn nghệ, hay mặc áo dài trắng như nữ sinh và khoác áo lông trắng. Sau về dạy ở trường Trần hưng Đạo Đà Lạt, chị Hoàng có dẫn học sinh đệ Nhất đi tham quan, khi đến nơi, chị nhảy xuống xe GMC, bị gãy một chiếc guốc, chị vứt luôn chiếc kia, và đi chân trần nên học sinh gọi chị bằng “Bà Hoàng đi chân không” thì chị rất thích. Vì lúc đó ở Đà Lạt đương chiếu cuốn phim “Nữ Bá tước chân không” (La Comtesse aux pieds nus) dường như do Ava Garner đóng. Chị thích người ta gọi bằng “Bà Hoàng” hơn là “Cô Hoàng” mà nhiều người cho rằng chị khoái liên hệ với Hoàng tộc, nên sau này lấy ông Bửu Sum (hoàng phái) – giáo sư triết Đà Lạt, nhưng lại trốn lính nên chị rất vất vả khi về Sài Gòn viết văn, bỏ nghề dạy học.

Ngoài ra, các nghệ sĩ sau đây ngày xưa cũng là học sinh trường trung học Võ Tánh:

- Dương nghiễm Mậu, tức Phi ích Nghiễm là một nhà văn rất tài hoa…

- Trịnh Cung (tên thật là Nguyễn văn Liễu) là họa sĩ khá nổi tiếng, bạn thân của nhạc sĩ Trinh công Sơn.

- Nhà văn Nguyễn Mộng Giác

- Nhà thơ Hoàng Hương Trang

- Nhà thơ Cao Hoàng Nhân (Bùi Cao Hoàng)…

Thế là, khi lên trung học, cuộc đời tôi cùng tuổi học trò gắn liền với trường trung học Võ Tánh Nha Trang. Tôi học hết trung học tại ngôi trường này. Cũng nằm trên đường Bá đa Lộc nơi trường tôi tọa lạc, về hướng sát bờ biển là trường College Fracaise de Nhatrang – nơi mà vài người em của tôi theo học, thời đó học sinh của hai trường Võ Tánh và trường College thường hay gây sự với nhau ỏm tỏi. Và sau lưng trường Pháp, xa xa một chút là trường trung học tư thục Bá Ninh – một trường Thiên Chúa khá nổi tiếng. Sau lưng trường tôi, xa xa là trường trung học bán công Lê Quý Đôn, gần đó là trường Nữ Trung học Nha Trang (sau đổi là trường Huyền Trân, sau năm 1975 trường Huyền Trân đổi lại là trường Thái Nguyên cùng thời với trường Võ Tánh đổi tên là trường Lý Tự Trọng).

Trong thời gian là cậu học sinh của trường Võ Tánh, nhà trường đã tổ chức cho học sinh các lớp chúng tôi đi cắm trại tại: - Khu rừng nhỏ nằm gần trường Lasan và Hòn Chồng nổi tiếng – Suối Ba Hồ với cảnh trí rất hoang dã, thơ mộng, ờ Ninh Hòa và – Bờ biển Đại Lãnh , cách Nha Trang 80km nằm giữa đèo Rọ Tượng và đèo Cả, có bờ biển khá rộng, dài với bãi cát trắng mịn và ngay từ xa xưa, phong cảnh Đại Lãnh đã được vua Minh Mạng cho thợ chạm hình vào một trong Cửu Đỉnh trang trí trước sân Thế Miếu và có tên trong Từ điển quốc gia do triều Tự Đức biên soạn.

Những kỷ niệm trên sẽ hằn ghi mãi mãi trong suốt cuộc đời của chính tôi về trường trung học Võ Tánh mến yêu của tôi - với thành phố quê hương cát trắng qua bài hát “Nha Trang” của nhạc sĩ Minh Kỳ:

- Nha Trang là miền quê hương cát trắng
Có những đêm nghe vọng lại, ầm ầm tiếng sóng xa đưa.
- Nha Trang cánh đồng bao la bát ngát
Hương quê dân lên ngào ngạt, hòa cùng sức sống yên vui…
- Còn đâu những chiều vui xưa
Còn đâu những chiều say sưa
Ngồi nơi biển buồn trông ra khơi mênh mông.
-Còn đâu Tháp Bà êm mơ
Còn đâu Đá Chồng bơ vơ
Còn đâu bến Cầu Đá nên thơ…


KỸ NIỆM NGÀY 29 THÁNG 3 NĂM 2025

 

TINH TÚ MỚI


Ngày tháng ba năm ấy

Thoáng nhớ về xa xưa

Bé gái chào đời khóc

Nhịp sống mới dâng trào


Ngày sinh em vừa ý

Đất trời ở hai nơi

Nụ tâm xuân nẩy lộc

Chớm nở một tinh khôi


Bầu trời ngự sao mới

Đất dành chỗ cho em

Trời Đất nơi dung chứa

Cha mẹ dưỡng dục nên.


MỘT THỜI...ÁO TRẮNG


Áo trắng còn bay nhiều ước hẹn

Giấc mơ đời ngọt ví bâng khuâng

Nắm tay dài mãi niềm lưu luyến

Ngắn chậm bước chân đến ngại ngần


MỘT THỜI..... GOM VỀ..


Một thời em đến trường

Một thời áo trắng bay

Một thời khua chân bước

Một thời má hây hây..


Tuổi nào nhiều mơ mộng?

Tuổi nào lắm dỗi hờn?

Tuổi nào mang nỗi nhớ?

Tuổi nào sẽ cô đơn???


Tìm lại chút hương nồng

Tìm lại tuổi thơ ngây

Tìm lại trong ký ức

Tìm lại hương nồng say..


Bao giờ về thăm lại

Bao giờ thấy đồi nương

Bao giờ thăm phố Núi

Bao giờ hết nhớ thương..


Gom về kỷ niệm còn

Gom về những vấn vương

Gom về bao nỗi nhớ

Gom về từng con đường..


MỘT THỜI lắm mộng mơ

TUỔI NÀO hết đợi chờ

TÌM LẠI hương nồng cũ

BAO GIỜ vơi nỗi nhớ

GOM VỀ mối tình thơ..


CON ĐƯỜNG


Con đường em vẫn, đi xe đạp

Mùa nở hoa mai đã ghé rồi,

Con đường chưa biết thời thơ mộng

Nằm đợi chúng ta đến hẹn hò.!


Con đường tôi thuộc, từng viên sỏi

Chạm rất vô tình dưới bánh xe

Mỗi tối đêm về tôi tách phố

Ghé thăm buổi tối lúc lên đèn


Con đường đá trải thời niên thiếu

Xuân tết hoa rừng vướng tóc em

Trải qua mấy bận còn lưu luyến

Cầu chúc hai ta toại ước nguyền


Con đường mới đó mà lâu lắm

Thay đổi không còn vết tích xưa

Con đường lắm bận cùng xe đạp

Em có về thăm chỉ một lần.


EM VỀ BÊN ANH


Anh ru

em giấc xuân nồng

Mà bao năm tháng

sống cùng bên nhau


Tay em

đón nụ xuân này

Hương xưa còn đó

những ngày tháng qua


Em về

xóm lưới dốc cao

Long lanh sương phủ

nhạt nhòa nắng xuân


Em về

một sớm phù vân

Tinh khôi áo lụa

bâng khuâng đợi chờ


Em về

Anh có làm thơ

Để em gối mộng

đêm mơ chuyện mình

Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2025

NÓI LÁO

 


NÓI LÁO


Chị tôi có một con mèo,

Khi mô hết chuột lên đèo bắt nai.

Chị tôi dùng một cái chai,

Đựng năm thùng mắm với hai thùng dầu.


Bác tôi có một bộ râu,

Bứt ra một sợi đem câu cá kình.

Nói ra cô bác thất kinh,

Nhà nước nói láo, chẳng mình chỉ tôi.


Không hiểu sao bây giờ thấy người ta “nói láo” nhiều quá. Nói láo “đa cấp”, nặng nề trên mọi tầng lớp...

Nhan nhản trên tivi, trên mạng xã hội, trên báo chí. Người láo với người. Quan láo với dân. Doanh nghiệp láo với khách hàng. “Đồng chí” láo với “đồng chí”. Thầy tu láo với đạo hữu… Thật là một xã hội đã bị MẤT NIỀM TIN vì láo!…

Ông tiến sĩ nầy, ông giáo sư nọ, chuyên gia dinh dưỡng, người nghệ sĩ quảng cáo sữa giả, thuốc giả, cứ nhan nhản “siêu thuốc” chữa bệnh từ gout đến tiểu đường, đến yếu sinh lý, cứ như là thần dược. Ông quan đăng đàn dạy dân liêm khiết chưa được mấy hôm thì vào tù vì tham nhũng, hối lộ, như ông bí thư, ông bộ trưởng, đến ông viện trưởng lý luận trung ương cũng vào tù nốt thì quả thật, ở xã hội này sự “chân thật” không còn chỗ đứng.

Tôi ngạc nhiên khi chứng kiến (nghe) nhiều người bạn (thân) tôi nói láo. Một ông làm quan đang ngồi bàn cùng nhậu, điện thoại đến, ông ra dấu im lặng và nói dối tỉnh bơ “đang trên đường đến xã X để làm việc”. Một người đi xe cùng bồ nhí, có phone đến hỏi đi với ai, anh bảo đi một mình. Một cô gái thêu dệt oang oang về chuyện gia đình, người bạn đi cùng tá hỏa, bởi vì mình cũng là người trong cuộc, trong câu chuyện. Ông bạn hỏi cơ duyên gì mà cô phải nói láo, chỉ nhận cái cười trừ.!

Hình như láo là một thói quen, nên họ thấy bình thường, không xấu hổ. Hay cứ tưởng, anh láo thì tôi cũng láo. Hay đời này láo cả, mình không láo thì mình thành thằng tụt hậu, thui chột. Láo miết đến khi họ cũng tin chuyện phịa của mình là sự thật…

Ông Goebbels Đức quốc xã dạy dỗ cứ nói láo ngày này sang ngày khác thì chuyện láo sẽ thành chuyện thật, bộ máy tuyên truyền của các nước độc tài hiện nay cũng áp dụng chính sách này. Ngày xưa mẹ thầy Tăng Sâm phải bỏ khung dệt chạy ra chợ xem con mình có giết người không cũng vì những tin láo (fake news) cứ dồn dập đến tai.

Mọi người và tôi chắc chắn cũng nhiều lần nói láo chứ chẳng phải không. Nói láo với ba mẹ để chạy chơi với bạn. Nói láo với bạn để khỏi đến một cuộc gặp có những người, ta không thích. Nhậu với bạn nói láo vợ là đi công chuyện, những cái láo chẳng hại ai!…

Giới thiệu sản phẩm (marketing) là phải nói láo, điều đó không đúng, thật sự sản phẩm nào cũng luôn phải hoàn thiện, vì có ưu có khuyết là chuyện bình thường, nên khi chào mời, ta chỉ cần nhấn mạnh đến cái ưu, chẳng ai bắt ta phải khai ra cái khuyết. Ông bà chẳng nói “Tốt khoe, xấu che” đó sao. Xấu mà nói tốt mới là nói láo. (Tuy nhiên, với thực phẩm, thuốc men, cần phải nói rõ những tác dụng phụ của các món hàng).

Nói láo có mang tội không? Có đó, bao nhiêu gia đình tan gia bại sản vì nghe lời nói láo, hứa hẹn suông. Bao cô gái nhẹ dạ bị mất tình mất tiền bởi trái tim lừa lọc. Bao nhiêu dân tộc bị khốn đốn vì sự dối trá của chủ nghĩa, của lý thuyết, của ngọn cờ.!

Nói láo là điều không nên. Chúa hay Phật cũng có lời răn như thế. Một xã hội mà người dối người, anh dối em, cha mẹ dối con, trên dối dưới, dưới dối trên…, xã tắc sẽ loạn và chẳng chóng thì chầy thể chế đó sẽ bị lụi tàn, đất nước sẽ bị bại hoại và lệ thuộc.

Mong sao con người biết ngượng mồm khi nói láo, quan biết giữ lời hứa với dân. Mong sao chúng ta có một nền giáo dục chân thật không cần thành tích, không câu nệ hình thức để thành dối trá như hiện nay. Dối hay đi với trá. Khi nói dối, không tự nhận mà đổ lỗi cho những nguyên nhân khác (trá). Những lũ, lụt, ngập hại miền trung những năm qua và những nguyên nhân mà nhà nước đưa ra là sự “lừa dối” cho những nguyên nhân đích thực. Dối cũng đi đôi với lừa. Nói dối, nói láo đến khi thành niềm tin của người khác thì sẽ biến thành lừa đảo…


Thứ Năm, 24 tháng 4, 2025

SINH KÝ TỬ QUY



SỐNG GỬI THÁC VỀ

Năm tháng qua rồi, ta mãi còn đi
Đi đã bao lâu giờ đây mỏi mệt
Vẫn chỉ loanh quanh hai đầu cách biệt
Tối sáng ngày đêm cho kiếp con người

Theo nghĩa của “sinh ký tử quy”, sống gửi thác về. Một ý nghĩa khác là “kiếp nhân sinh”, cũng giống như “trăm năm trong cõi người ta” của Nguyễn Du vậy. Trong bài tản mạn này, xin được có thêm một góc nhìn mới về bộ mặt thanh tịnh của tâm (bản lai diện mục), và nói theo cách riêng của diện là “vẻ nguyên vẹn” của cội nguồn tâm hay “trở về với Phật tính trong cõi riêng của mình”.Ý tứ không lạ, vì thời gian cứ mãi trôi không nhanh mà chẳng chậm, cũng chưa bao giờ ngừng nghỉ, trở nên sống động qua cách biểu đạt mới mẻ của kiếp người, cứ miệt mài ngụp lặn, mỏi mệt trong vòng tròn luẩn quẩn, loanh quanh của một kiếp nhân sinh, giữa cái sống và chết. Dù “loanh quanh”, "luẩn quẩn" hay "quanh quẩn" và “lang thang” hơi khác nhau, nhưng ý nghĩa chung là muốn nói về bước chân không định hướng.
"Lĩnh vi lãng đãng phong trần khách,
Nhựt viễn gia hương vạn lý trình"
(Trần Nhân Tông)

Tạm dịch:
Lang thang làm khách phong trần mãi,
Ngày cách quê hương muôn dặm trình

Đức Phật trước khi Giác Ngộ cũng là một người lang thang, nhưng là lang thang đi tìm nhà, không giống như hầu hết chúng ta, tuy lang thang nhưng không tha thiết với chuyện trở về “quê quán lối xưa”.

Lang thang bao kiếp sống
Ta tìm nhưng chẳng gặp,
Người xây dựng nhà này,
Khổ thay, phải tái sanh.

(Kinh Pháp Cú, câu 153)

Triết lý Phật Giáo về những vấn đề như Sinh Tử Luân Hồi:
Không có đâu em này
Không có cái chết đầu tiên
Và có đâu bao giờ
Đâu có cái chết sau cùng

(Ngẫu Nhiên)
Vòng sinh tử “loanh quanh, luẩn quẩn”, vô thủy vô chung dẫn dắt chúng sanh lặn lội, trôi nổi bất tận khi chưa thực sự về đến “cõi chết”.
Kìa còn biết bao người
Dìu dặt tới quanh đây

(Ngẫu Nhiên)

Về góc độ tự sự, bốn câu đầu tiên này như một suy niệm sâu sắc về thân phận con người và cách nhìn về con đường thoát ra khỏi thân phận đó. Giữa "Hai đầu cách biệt" đó như một lời trách nhắc nhẹ nhàng, tự trách mình thôi, nhắc mình thôi nhưng nghe cũng thấm! Những lời này cũng từng xuất hiện nhiều trong khung trời mênh mông của chúng ta, khi thấp thoáng, khi rõ ràng như ”Trăng ơi trăng rất tệ, mày đi nhớ chóng về” hay “Thôi về đi đường trần đâu có gì”. Không phải là thân phận phù du cát bụi của kiếp người như ở đoạn sau, tàn xuân tàn hạ, mà là nỗi niềm bế tắc “loanh quanh”, “chạy vòng quanh”, “kiến bò quanh đĩa”, lòng vòng không có đường ra.

Ngàn dặm cách xa, hết còn quay lại
Số phận không may với những đọa đày
Mùa xuân đã qua, rồi tàn mùa hạ
Thu đến rồi đi đông lại từ đây

Cũng chính vì lang thang không định hướng đó, mà đã đẩy đưa một số lớp trẻ chệch hướng trong đó có chúng ta. Bây giờ với lửa tuổi quá thất thập, những kẻ đã sống và đã chết ngậm ngùi trên quê hương, đồng thời với người tự dày vò trong cuộc sống "cách xa ngàn dặm" cho đến khi "mi buồn khép lại, áo quan đưa về", kẻ còn sống lây lất, đày đọa nơi quê người và luôn tự trách "lỗi tại tôi", chờ ngày lụn tàn của một kiếp người không nơi chốn quay về.!

Mây phủ ngang đầu, đuổi nắng trên vai
Lang thang bước chân mờ phai dĩ vãng
Mảnh đời vụt qua vội vàng buồn chán
Nhưng vẫn bên ta dáng phận con người

Ở đây, có sự tương phản giữa hai màu sắc nghịch nhau, màu trầm tối “Đi đã bao lâu giờ đây mỏi mệt” than vãn trên những bước chân không hướng và màu sáng tỏa của “dĩ vãng” mở hướng, đã đuổi “nắng trên vai”. Ánh nắng ấy hiện hữu “rọi suốt”, lúc nào cũng có mặt mà sao ta lại “hững hờ” với “chốn quê nhà” "mờ phai dĩ vãng" đến vậy, vẫn còn nhiều điều để nói. Kẻ có nhà, muốn về chẳng được "Nhớ nước đau lòng con Quốc quốc. Thương nhà mỏi miệng cái Gia gia". Giờ đây, chỉ còn bên ta với dáng con người buồn chán, tiều tụy của ngọn đèn cạn dầu sắp lịm tắt.
- Có kẻ đứng trước những sự thay đổi của đất trời, của lãnh thố, con người và kẻ thống trị, họ không thấy giao động với mọi biến cố.
- Có kẻ ở buổi bình minh, nghe tiếng chim hót đã chạm mặt với cõi vô lượng. Biết được vô lượng là cùng lúc đến với vô biên. Cái vô biên nằm đâu đó trên cánh vạc chở hoàng hôn về núi mỗi chiều.

Mưa rơi bên nầy, lại nhớ bên kia
Trên hai cánh vai vương từng hạt nhỏ
Thời gian vô biên chưa ngày trở lại
Chẳng biết tìm đâu là chốn quê nhà

Và chắc không khó để nhận ra bóng dáng của chân lý qua những từ như vô lượng, vô biên. "Vô lượng là chiều bao la của không gian và vô biên là chiều mênh mông của tĩnh lặng".

Sống ở trời tây nhớ chốn trời ta.
Vô lượng tháng năm xót xa viễn xứ
Vô biên lặng yên niệm "tâm vô trụ"
Danh lợi đời nầy, mọi thứ do ta.

Phải chăng mưa là một dạng “thời tiết” của cuộc đời, khi dịu mát, lúc lạnh băng?
Nghe mưa ở đây, hiện tại, lại nhớ về mưa nơi nào thuộc tương lai hay quá khứ? “Từng hạt mưa” là những suy tưởng trong tâm thức “mưa rơi”? Chính những tiếng mưa vang vang mãi “trong ta” đã ngăn trở người xa nhà luôn mong một con đường “hội ngộ” với “vô biên” của “chốn quê nhà”?“
"Vô lượng tháng năm xót xa viễn xứ”? “Vô lượng” cúa một kiếp người, không biết là bao nhiêu.? Vì “sinh tử” rồi "tử sinh", trở đi trở lại trong vòng luân hồi “vô biên”, bất tận? Ý này cũng hợp lý nhưng chỉ nói đến thực trạng “không biết nhà để về” của một người lang thang.
Còn nếu hiểu “Vô biên lặng yên” sự vô biên của đời người không hạn định. Nếu quãng thời gian ngắn ngủi thì không thể nói là vô biên, vô hạn được, sớm muộn gì thì cũng như “vết mực”, "bất phụ" không phụ thuộc vào vô lượng vô biên, mà phải chấp nhận số phận “xóa bỏ không hay” thôi!
Nói chung, "tâm vô trụ" là tâm không "trụ", không dính mắc ở thành bại, ở thói quen, tập tục, giới luật, định kiến, ở những giá trị, cũng không dính mắc ở một tâm thức, vui, buồn, hờn ghen, sân hận nhất thời. Tâm mà không dính mắc ở bất cứ cái gì là ‘tâm vô trụ’. Tuy nhiên, tâm vô trụ không là tâm trơ, không xúc cảm, không tình, không ý, không biết phải trái, không biết chánh tà. Hành tâm vô trụ không là nhằm để ‘trở thành như gỗ đá, vô cảm, vô tình’. Hành giả--người thực hành tâm vô trụ--cảm nhận cả thất tình (hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục) và cũng bình thường như mọi người trong nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Nhưng không trụ, không giữ lại, không dính mắc, không cột mình vào những cảm xúc, ý tình hay giá trị hay bất cứ cái chi xảy ra trong tâm thức. Tâm vô trụ càng không là: nhân danh vô trụ mà buông thả trong dục vọng, "Danh lợi đời nẩy, mọi thứ do Ta".
Vô trụ cũng là vô sở trụ: không có một nơi chốn, một lý tưởng, một thang giá trị, một con đường tu học cứng ngắt phải theo hay một cái chi ghi khắc trong tâm—không có chỗ trong tâm, để "trụ" ỷ lại, hay nương tựa vào đó mà phê phán hay hành xử.
Minh họa "tâm vô trụ", thật khó tìm được hình ảnh nào rõ hơn bốn câu thơ của Tô Đông Pha:

"Phong lai sơ trúc phong khứ nhi trúc bất lưu thanh,
Nhạn quá hàn đàm, nhạn khứ nhi đàm vô lưu ảnh.
Thị cố quân tử sự lai nhi tâm thỉ hiện.
Sự khứ nhi tâm tùy không"

Tạm dịch:
"Gió qua lay trúc gió đi rồi trúc không giữ âm thanh
Nhạn lướt mặt hồ nhạn đi rồi hồ không lưu hình ảnh
Người quân tử cũng vậy việc xảy ra tâm mới tiếp xử
Việc qua rồi, tâm lại thảnh thơi".

Đường vòng chạy quanh, một đời khổ lụy
Phú quý đi rồi tiếc nuối bơ vơ
Từng người đã qua tới gần mộ huyệt
Phủ kín thân gầy nơi chốn hoang sơ

Thử thay đổi một chút thành "Chạy quanh đường vòng” nghe cũng hay hay, cũng giống "chạy quanh" hay như “loanh quanh mỏi mệt”. Nhưng chạy quanh thì tốc độ nhanh hơn, mạnh hơn “đi đâu loanh quanh”. “Khổ lụy” cho ta cảm giác héo hắt, mất hết vẻ tươi, như bị khô kiệt sức sống, hốc hác hơn “mỏi mệt” rất nhiều, mỏi mệt chỉ đổ mồ hôi còn tiều tụy rất rõ sự hết “pin”, mỏi mòn nhựa sống.
“Đường vòng” gợi đến sự cong cong, một đường cong khép kín, tịt lối thoát, bí lối ra. “Kiến bò quanh đĩa” hay “cái vòng danh lợi cong cong, kẻ hòng thoát khỏi người mong bước vào” là những câu rất Việt không lạ. Bi kịch của thân phận người bị bao vây bởi “cái vòng” này, phải nói là “mê hồn trận” cho thêm phần kịch tính. Danh lợi ở đây chỉ là một phần ý nghĩa của “cỏ non”, “cỏ lạ”.
Nghe hai từ này, thông thường ta hay nghĩ đến sự thăng quan tiến chức, bổng cao lộc lớn, chức trọng quyền cao Nhưng trong thực tế, nếu quay ngược nhìn kỹ lại mình, sẽ cảm được ý nghĩa rộng hơn của câu này, cũng dành cho mọi chúng ta:
- "Danh" là tiếng thơm, tiếng tốt, ai chẳng thích được khen.
- "Lợi" liên quan đến tiền, ai chẳng muốn mình có tiền, càng nhiều càng tốt, lòng ham muốn chẳng bao giờ khiêm tốn cả. Và như thế, cứ đi loanh quanh, cứ chạy vòng vòng, miệt mài đuổi bắt, khó dừng nên không mệt mỏi, không tiều tụy mới là chuyện đáng ngạc nhiên.
Trong triết lý Phật Giáo, vòng luân hồi sanh tử được giải thích bằng Thập Nhị Nhân Duyên, một “đường vòng” mà trong đó chúng sanh vẫn “chạy”, chạy tới chạy lui, chạy lên chạy xuống. Vòng này khởi đầu bằng Vô Minh, sau đó là Hành, Thức, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Ái, v.v.. Bởi Vô Minh nên bị Tham Sân Si dẫn dắt, lăn trôi, chìm đắm mãi giữa “tiều tụy” của khổ đau.

"Vọng ngã" "ước mong", trần gian nặng gánh
Gió rét mùa đông, buốt lạnh thân "tôi"
"Ta" tiếp chân đi trả hết nợ đời
Tháng năm đã qua, thôi rồi "mộng tưởng"

"Đã là con người ai cũng có "ước mong, mộng tưởng". Ngay từ tinh trùng, nó phải tranh đấu quyết liệt để đạt thành quả, rồi tiếp tục thích nghi với môi trường: trong bụng mẹ, trong gia đình, ở học đường, ngoài xã hội, từ lúc còn là thai nhi, cho đến chết. Học ăn, nói, gói, mở, bò trườn, đi đứng, ăn coi nồi ngồi coi hướng, tiên học lễ hậu học văn, sống theo gia phong, gia đạo; vào trường, học để luyện mình trở nên người hữu ích; vào đời, học qua giao tiếp, trao đổi với mọi người, qua những kinh nghiệm chung sống, và như thế mãi, ta tích lũy kiến thức, giá trị, kinh nghiệm, thói quen,… để có một nếp sống và rèn luyện tài khéo và tính tình. Theo đó, ta xây dựng cho chính mình một nhân cách, nhân phẩm, có danh, có phận. "Phải có danh gì với núi sông" hoặc "Không thành danh cũng thành nhân". "Vi nhân nan, vi nhân nan", (làm người, khó.! Làm người, khó.!) Là những câu mà ta thường nghe nhắc nhở. Hệ quả là ta có một cái "tôi", một cái "ta", một hình ảnh về mình, mà ta gán cho một nhãn hiệu là tư cách, nhân cách, hay danh phận của mình, mà từ của Phật gia là: "Vọng ngã".

Tên tôi là một nhà tù,
Tôi đã tự nhốt mình vào đó
và tôi đang than đang khóc.
Ngày qua ngày tôi đã dày công
tô đắp bức tường chung quanh.
Ngày qua ngày, nhà tù vươn tới trời xanh;
trong bóng tối của nó tôi không còn thấy tôi đâu nữa

Lời sau cùng để suy nghiệm là lời của Đức Đạt Lai Lạt Ma:
“Khi trong tay anh nắm chặt một vật gì mà không buông xuống, thì anh chỉ có mỗi thứ ấy, nếu anh chịu buông xuống, thì anh mới có cơ hội chọn lựa những thứ khác. Nếu một người luôn khư khư với quan niệm của mình, không chịu buông xuống thì trí huệ chỉ có thể đạt đến ở một mức độ nào đó mà thôi”.

KIẾP NGƯỜI

Năm tháng qua rồi, ta vẫn còn đi
Mãi đi quá lâu, đến khi mỏi mệt
Giờ đây chỉ thấy hai đầu cách biệt
Tối sáng ngày đêm cho kiếp con người

Ngàn dặm cách xa, hết còn quay lại
Số phận không may với những đọa đày
Mùa xuân đã qua, rồi tàn mùa hạ
Thu đến rồi đi đông lại từ đây

Mây phủ ngang đầu, đuổi nắng trên vai
Lang thang bước chân mờ phai dĩ vãng
Mảnh đời vụt qua vội vàng buồn chán
Nhưng vẫn bên ta dáng phận con người

”Mưa rơi bên nầy, lại nhớ bên kia
Trên hai cánh vai vương từng hạt nhỏ
Thời gian vô biên chưa ngày trở lại
Chẳng biết tìm đâu là chốn quê nhà

Sống ở trời tây nhớ chốn trời ta.
Vô lượng tháng năm xót xa viễn xứ
Vô biên lặng yên niệm "tâm vô trụ"
Danh lợi đời nầy, mọi thứ do ta.

Đường vòng chạy quanh, một đời khổ lụy
Phú quý đi rồi tiếc nuối bơ vơ
Từng người đã qua tới gần mộ huyệt
Phủ kín thân gầy nơi chốn hoang sơ

"Vọng ngã" "ước mong", trần gian nặng gánh
Gió rét mùa đông, buốt lạnh thân "tôi"
"Ta" tiếp chân đi trả hết nợ đời
Tháng năm đã qua, thôi rồi "mộng tưởng"

01122019