THÀNH PHỐ BAN MÊ THUỘT, TỈNH DARLAC.
- Ngày 10-3-1975 Việt Cộng pháo kích và tấn công thành phố Ban Mê Thuột. Kinh hoàng, đau thương.
- Ngày 14-3-1975 TT Nguyễn văn Thiệu ra lịnh triệt thoái cao nguyên gây kinh ngạc và uất hận trong quân dân vùng II.
- Ngày 17-3-1975 địch chiếm Kontum & Pleiku. Hỗn lọan, tang thương.
- Ngày 23-3-1975 Quảng Ngãi bị chiếm. Ðau thương, tang tóc.
- Ngày 26-3-1975 Huế không còn nữa. Sụp đổ niềm tin.
- Ngày 01-4-1975 Tuy Hòa, Nha Trang đổi chủ. Bấn loạn cùng cực.
- Ngày 03-4-1975 Ðà Lạt, Cam Ranh bị bỏ ngỏ. Ðớn đau, tủi hổ.
- Ngày 10-4-1975 Xuân Lộc bị tấn công. Gương hy sinh của các anh hùng Mũ Ðỏ và Sư Ðoàn 18 Bộ Binh. Chiến thắng cuối cùng của QLVNCH.
- Ngày 16-4-1975 mất Phan Rang
- Ngày 19-4-1975 mất Phan Thiết
- Ngày 20-4-1975 VC pháo kich Biên Hòa. Bi thảm, rối loạn.
- Ngày 21-4-1975 Hàm Tân, Xuân Lộc thất thủ
- Ngày 27-4-1975 VC bắn hỏa tiễn vào Saigon
- Ngày 28-4-1975 phi trường Tân Sơn Nhứt bị pháo kích. Saigon hỗn loạn, hốt hoảng.
- Ngày 30-4-1975 lính và xe tăng VC tràn vào Saigon. TT Dương Văn Minh ra lịnh đầu hàng. Tủi nhục và uất hận.
Ngày 10 tháng 3 năm 1975, lực lượng Cộng Sản Bắc Việt đã bao vây và tấn công thành phố Ban Mê Thuột, khi những trận đánh bắt đầu bùng nổ ở Cao nguyên Trung phần (nặng nhất là ba tỉnh Kontum, Pleiku và Darlac). Được phát động vào cuối tháng 01/1975, chỉ hai năm sau khi lệnh ngưng bắn được thiết lập theo Hiệp định Paris, hành động này là một phần của Chiến dịch 275 (Chiến dịch Tây Nguyên) của Bắc Việt.
Trận đánh Ban Mê Thuột bắt đầu vào ngày 04/03, khi CS/Bắc Việt bao vây thành phố với năm sư đoàn tấn công chính và đã hoàn toàn cắt đứt mọi hỗ trợ từ bên ngoài. Sư Đoàn 23 của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà bị áp đảo về quân số gấp 5 lần của CS/BV, nên nhanh chóng rơi vào tay lực lượng cộng sản.
Khi tình hình trở nên rõ ràng rằng lực lượng cộng sản sẽ chiếm thành phố và có lẽ là toàn tỉnh, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã quyết định thu hồi lực lượng của mình để bảo vệ các khu vực đông dân hơn. Theo đó, ông ra lệnh các đơn vị ở Cao Nguyên rút khỏi vị trí và rút quân về duyên hải theo tỉnh lộ 7, đường đi Pleiku, Phú Bổn, Tuy Hoà.
Rút khỏi Pleiku và Kontum, quân đội VNCH bắt đầu tiến về duyên hải, nhưng những gì khởi đầu như một cuộc rút quân có trật tự đã nhanh chóng biến thành hoảng loạn, và quân đội VNCH nhanh chóng bị tan rã ngay lúc CS/BV ào ạt từ trên núi pháo kích và bắn như mưa vào đám dân chạy trốn Cộng Sản, người chết như kiến, người sống sót sau nhiều đợt pháo kích, phái dẫm đạp trên xác chết mà đi .
Lực lượng CS/Bắc Việt đã vào Cao Nguyên trong cảnh vườn không nhà trống và tiếp theo về phía bắc Quảng Trị, Huế và Đà Nẵng. Trong khi miền Nam thấy rõ thất bại, quân Bắc Việt tiếp tục tấn công đánh vào Sài Gòn. Chính quyền sau cùng của VNCH là Dương văn Minh đã đầu hàng vô điều kiện vào ngày oan nghiệt 30 tháng 4 đen tối và năm 1975 đau thương.
Trong vỏn vẹn có hơn 50 ngày chúng ta đã mất miền Nam. Cả thế giới sửng sốt. Ngay chính kẻ thù cũng không ngờ là chúng có thể đạt được chiến thắng một cách nhanh chóng như vậy.
Cho đến hôm nay, gần 43 năm đã qua kể từ ngày mất nước không ai có thể phủ nhận được những hậu quả của quyết định sai lầm ‘triệt thoái cao nguyên’ bỏ dân bỏ đất. Sự kinh hoàng, sự chết chóc, sự suy sụp niềm tin….Chúng tôi, và bạn bè đồng nghiệp là những người có gia đình, sinh sống tại các tỉnh Cao nguyên, đã có mặt trong đoàn di tản hoảng sợ và kinh hoàng nầy.
Cuộc di tản bắt đầu từ những ngày đầu tháng 3-1975 bằng những phương tiện máy bay, xe hơi, xe honda, nhưng đến giữa tháng ba hai phi trường Kontum và Pleiku, bị pháo kích của Việt Cộng, nên chỉ còn đường bộ, xe hơi quân sự, dân sự, xe máy cày kéo theo Remorque chở đầy ấp người, người đi xe hona đèo thêm người, thậm chí không có phương tiện họ vẫn lũ lượt gánh gồng dìu dắt nhau trốn chạy khỏi Việt Cộng.
Dưới ánh nắng như thiêu đốt vào ngày đầu tuần. Hàng ngàn xe quân đội và thường dân nối đuôi nhau lăn bánh trên Quốc lộ 14, nhắm về hướng Phú Bổn. Nhiều xe chở quá nặng phải đậu lại bên vệ đường. Xe quân đội được lệnh của Thiếu Tướng Tất tiếp tục đi, …và họ đã thi hành đúng lệnh của viên tướng này.
Thật thương tâm khi phải mục kích cảnh người dân không có khả năng di tản bằng xe hơi, xe vận tải, hay bất kỳ phương tiện chuyên chở nào có được. Họ thật cơ cực, phải di tản bằng đôi chân, và họ chiếm đa số, bao gồm phụ nữ, trẻ em, người lớn tuổi, đi tất tả như chạy, không được dù chỉ một giọt nước để làm dịu cơn khát như cháy cổ. …
Không ai biết được liệu họ có thể đến được Phú Bổn tối nay hay không. Có lẽ nhiều người sẽ quỵ ngã và chết trên đoạn đường dài gian khổ này. Trên đường đến Phú Bổn, dọc theo quốc lộ 14, làng mạc, thôn xóm và các buôn người Thượng thảy đều hoang vắng. Cảnh tượng hoang tàn dọc theo quốc lộ này gây cho mọi người một ấn tượng kinh hoàng, hoảng sợ và đầy lo lắng...
Xe cộ chất đầy hành lý, đồ đạc, bình hoa, đồ cổ, hàng hóa đủ loại, lăn bánh trên quốc lộ 14, hướng về Hậu Bổn, thị xã tỉnh Phú Bổn, 60 dặm về hướng Đông Nam. Đoàn người và xe này gồm hàng ngàn xe nối đuôi nhau, dài hàng mấy cây số. …
Có nhiều tiếng nổ lớn, chứng tỏ kho đạn ở Pleiku đang bị hủy. Từng cột khói bốc lên trời theo hình xoắn ốc, báo hiệu các thùng chứa xăng cũng đã bị phá hủy. Mọi thứ đều bị châm lửa đốt. Nhiều khu vực ở Pleiku bị hủy hoại, nhất là nhà cửa của những người đã di tản. …
Không một bác sĩ nào, kể cả bác sĩ quân y, còn ở lại thành phố. Nhiều bệnh nhân ở cả bệnh viện lẫn quân y viện đã bị bỏ mặc cho số phận. Những người khốn khổ này dĩ nhiên không biết đối phó ra sao trước tình cảnh này, ngoài việc nằm lại trên giường bệnh, chờ cái chết chầm chậm đến với họ.
Cho đến bây giờ, vẫn không biết do đâu lại có lệnh bỏ Cao nguyên Pleiku và Kontum, và lại di tản theo tỉnh lộ 7.? Không có bất kỳ lời giải thích nào về việc di tản người dân. Không tổ chức nào được lập ra để lo cho lần tản cư đông đảo này. Chẳng lẽ các tướng lãnh quân đội lại được giao việc lập kế hoạch cho một cuộc di tản như thế sao?
Không hề có bất kỳ sự hỗ trợ nào cho người dân, nhất là những người phải đi bộ. Qua cuộc tản cư lớn từ năm 1954, đại lộ kinh hoàng, đoạn đường khoảng 9 km ở Quảng Trị năm 1972 mùa hè đỏ lửa, di tản năm 1972 tại Kontum. Nhưng cuộc di tản từ Pleiku-Kontum-Phú Bổn năm 1975 nầy không có lối thoát, vì tất cả Quân Dân Cán Chính, từ Trung ương đến điạ phương, đều bị bối rối trong cơn hoảng loạn như rắn không đầu.
Theo sát sau những người lánh nạn từ Pleiku và Kontum, người dân Phú Bổn cũng vội vã rời khỏi thành phố nơi mình sinh sống.
Người dân tị nạn chúng tôi từ Pleiku và Kontum, sau hai ngày hành trình gian nan, đến được Phú Bổn theo từng nhóm nhỏ. Phần lớn người di tản vẫn còn xa mãi phía sau, lê bước mỏi mệt trên lộ trình đầy đất bụi, dưới ánh mặt trời thiêu đốt vào ban ngày, và chịu đựng cơn giá lạnh của núi rừng ban đêm.
Không thể nào biết được bao nhiêu người đã chết (với số lượng rất lớn) già trẻ, lớn bé đã ngã xuống trên đường đi, bao nhiêu cụ già bơ vơ, trẻ nhỏ thất lạc, tật nguyền, phải rớt lại dọc đường, vì không còn sức, không đi được nữa, và còn bao nhiêu người khác phải chịu đựng đói khát trên suốt chặng đường trốn chạy hiểm hoạ Cộng Sản.
Hàng ngàn xe (xe tăng, xe GMC, Dodge, jeep, các phương tiện của dân từ xe hơi, xe lambretta ba bánh, xe honda, xe vespa, xe bò, thậm chí cả xe cộ người kéo, và người đi bộ). Với hàng trăm ngàn người cùng đồ đạc cao ngất ngưỡng trên xe. Cảnh chết chóc vì chen lấn, xe lật nhào xuống hố, xuống sông, xe tăng cán lên xe và người để dành đường, lính có súng bắn thị uy, tạo thêm hỗn loạn. Ban ngày thì nắng nóng đói khát, đêm xuống khí lạnh của núi rừng, thêm nổi lo sợ pháo kích cúa Việt Cộng từng đợt, tiếng súng đạn, tiếng khóc la thảm thiết vang vọng giữa núi rừng, trong đêm khuya thật thê lương, rùng rợn, trong ánh sáng nhá nhem phải dẫm đạp trên xác chết, réo gọi nhau vì thất lạc. Ban ngày, trước mắt mọi người là một bãi tha ma, chết sấp, ngữa, ngồi, chổng mông lên trời.
Sau Kontum và Pleiku bị bỏ ngỏ hôm chủ nhật, mất Phú Bổn thứ ba sau đó.
Phần đầu của đoàn xe và người di tản đã qua được điểm phục kích, nhờ được hỏa lực bắn yểm trợ. Nhưng đoạn sau của đoàn di tản phải rời khỏi đường chính và băng rừng.
Xe gia đình tôi kẹt lại ở đoạn cuối của đoàn xe và đoàn người đi lánh nạn.
Nhóm phiến quân người sắc tộc miền núi, được vũ trang bằng vũ khí (Hoa Kỳ) của chúng ta và cả bằng tên lửa B-41 và súng trường AK-47 của Cộng quân, đã bắn vào đoàn người di tản, trong khi trọng pháo của Bắc quân bắn đến từ mọi hướng.
Nhiều xe vận tải chở đầy binh lính, trẻ em và người lớn tuổi bị trúng đạn pháo, bùng cháy và nổ tung. Xác người tung vãi khắp nơi. Những người đi bộ thì bị đạn súng máy, gục xuống; máu họ tuôn thành dòng.
Tiếng đạn pháo ầm ầm, tiếng nổ của vũ khí cá nhân, tiếng kêu la của người sắp chết cùng tiếng khóc của trẻ em, tất cả hòa thành một âm điệu duy nhất…vang lên từ hỏa ngục.
Biệt động quân chống trả quyết liệt suốt đêm, để đoạn cuối của đoàn xe và người di tản thoát được vào rừng sâu.
Trực thăng bay tới cấp cứu. Cuộc giải cứu thật khó khăn, vì Chu Del là một ngọn đồi vừa dốc vừa hẹp. Máy bay Chinook hai chong chóng đáp vội vàng, lính và dân chạy chen leo lên, có người bám đeo tòn ten, khi lên cao một số rơi xuống chết
Sau đó, cuộc giải cứu bằng trực thăng, chì bay là là để hướng dẫn đoàn người đi theo hướng an toàn.
Trực thăng thả đồ hộp xuống cho dân, cũng rất nguy hiểm vì rơi trúng đầu chết rất nhiều. ngày hôm sau thì thả những vắt cơm trong bao nylon và có kèm giấy chúc bà con được bình an.
Liên Tỉnh Lộ 7 Pleiku-Phú Bổn-Phú Yên con đường máu dài 300 cây số đã là nơi chôn vùi hàng ngàn xác đồng bào và trẻ thơ vô tội. Thật kinh hoàng, khủng khiếp. Biển người và biển máu.
Sự chết chóc, đau thương, thống hận mà các chiến sĩ và đồng bào đã khốn khổ trải qua từng giây, từng phút trên quãng đường dài Phú Bổn- Phú Yên.
Thành phố nhỏ bé miền núi Phú Bổn, sau những trận mưa pháo của Bắc quân, buổi trưa và đêm 18-3-1975 đã biến thành "một chợ trời… xác chết". Khắp mọi nơi, chỗ nào cũng có xác người chồng chất lên nhau. Họ đã chết tức tưởi, oan nghiệt.
Mấy chục ngàn đồng bào và trẻ thơ vô tội, bị chết oan trên "con đường của "Tử Thần" này. Gần 20 ngàn quân tinh nhuệ bị thảm sát…
Máy bay phản lực A 37 đánh bom CBU và Napalm yểm trợ cho đoàn quân triệt thoái ngày 24-3-1975 sau đó đã được thực hiện đúng Những phi công anh hùng đã khắc phục, chế ngự mọi hiểm nguy, mọi trở ngại kỹ thuật, thời tiết và sự an toàn cho chính bản thân mình; để cứu đồng bào và các chiến hữu anh em. Những phi công cảm tử anh hùng của QLVNCH đã bay xuất trận hôm ấy trong tinh thần của những hiệp sĩ. Trên vùng trời Phú Yên lúc 17 giờ ngày 24-3-1975, khi những cánh đại bàng xuất hiện ‘họ’ thật sự là những cứu tinh, là những người đã mang theo sự sống cho Ðoàn người, Ðoàn quân phía dưới.
Như hàng trăm ngàn đồng bào và các chiến hữu khác có mặt hôm đó tại ‘Liên Tỉnh Lộ 7’, chúng tôi muốn được bày tỏ sự kính phục đặc biệt và ca ngợi những phi công anh hùng này.
Ngày mà đất nước rơi vào tay giặc, miền Nam Việt Nam bị xóa bỏ. Người dân Saigon và khắp nơi đã chứng kiến những cảnh đau thương khi từng nhóm anh em quân nhân Nhẩy Dù, Biệt Ðộng Quân, Lôi Hổ, Cảnh Sát Dã Chiến đã ‘tự sát tập thể’ khi họ dung sung cá nhân bắn vào xe tăng Cộng Sản Bắc Việt, để rồi gục ngã dài theo đường phố, từ trại Hoàng Hoa Thám, Ngã Tư Bẩy Hiền, Phú Lâm, Tân Cảng về tới đại lộ Trần Quốc Toản. Và của các chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến, Thám Kích, Quân Vận, Công Binh Chiến Ðấu, Ðịa Phương Quân……tại Ðà Nẵng, Pleiku, Vũng Tàu, Cần Thơ, Chương Thiện.
Họ là những anh hùng, không đầu hàng giặc. Họ đã chọn cái chết để bảo vệ danh dự cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
*** Viết để hồi tưởng lại những ngày đau thương, tháng 3 của 43 năm về trước, gia đình tôi cùng đoàn người di tản, chạy trốn Cộng Sản phương Bắc.
Lien Nguyen
Tôi cũng là một người trong số đó nhưng may mắn hơn nhiều nhờ di tản bằng phi cơ C130 tại sân bay Pleiku về Nha trang và bằng tàu thủy của HQ vô cảng Sg
Thương vô cùng bạn bè và đoàn người di tản bằng đường bộ.Rất may các bạn tôi đều sống sót và gặp nhau tại Sg.Hương Giang ơi! Giờ bạn ở đâu? Nhờ bạn mình và một số bạn khác đã di tản bằng máy bay và đươc Bác của bạn là Trưởng ty GD Khánh hòa tiếp đón như ông hoàng bà chúa! Thương nhớ bạn rất nhiều Hương Giang ơi!
Đông Lợi Long
Liên là một trong số những người di tản sớm...nên không "BỊ" nếm trải những nổi kinh hoàng, trên tỉnh lộ 7 đau thương & chết chóc... Mong các Bạn trong ba tỉnh CAO NGUYÊN, Kontum, Pleiku, Phú Bổn đã di tản trên Tỉnh lộ 7, ghi lại nỗi lòng mình cũng như người thân trong cuộc vượt thoát đầy gian khổ, vì đó là những điều chính xác của người trong cuộc. CẦU MONG SỰ ĐÓNG GÓP QUÍ BÁU CỦA CÁC BẠN...Thành thật cảm ơn!
Đông Lợi Long
VỢ NGƯỜI TÙ "CẢI TẠO"
Em thấy chiếc lá rơi
Mà lòng buồn vời vợi
Mười năm trời chờ đợi
Hình ảnh một người tù
.
Nhà mình giờ quá khổ
Ngày chỉ một buổi ăn!
Đêm đêm em nằm khóc
Thương con chịu nhọc nhằn!
Chị Hai sau di tản
Có gởi chút món quà
Tháng này em bôn ba
Thăm anh trong chua chát
Em nhìn chiếc lá rơi
Héo úa giống đời mình
Ngày nào anh được thả?
Da diết cõi lòng riêng!
Julianna Phượng
Bài viết rất hay. Để cho lớp trẻ sau này biết về ngày đỏ lửa năm xưa.
Đông Lợi Long
- Tết Mậu Thân 1968
- Năm 1972 Lam Sơn mùa hè đỏ lửa, đại lộ kinh hoàng Quãng Tṛi.
- Ngày 10 tháng 3 năm 1975 mất Ban Mê Thuột, Tỉnh lộ 7 chết chóc mất Kontum, Pleiku, Phú Bổn.
- Ngày 30 tháng 4 năm 1975 mất nước Việt Nam Cộng Hòa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét